Cảm Ơn Ký Ức

Chương 14 (tiếp)



Không đủ lớn. Người phụ nữ trên xe chẳng nghe thấy gì cả. Chiếc xe tăng tốc và Justin chạy thật sự. Kích thích tố tinh thần trỗi dậy khắp người anh. Chiếc xe buýt đã đánh bại anh. Tăng tốc. Và anh mất cô ấy.
“Joyce!”, anh buột miệng thốt ra. Một âm thanh kinh ngạc của chính anh đã khiến anh dừng lại trên đường. Anh đang làm chuyện gì thế nhỉ? Anh cúi xuống, hai tay chống đầu gối, thở dốc trong cơn gió lốc. Anh cảm giác như bị bắt gặp. Anh quay lại nhìn chiếc xe buýt lần cuối. Một cái nón sắt Viking xuất hiện ở cửa sổ, dây đeo màu vàng hoe đung đưa như con lắc. Anh không thể nhìn rõ mặt, chỉ thấy cái đầu một người thò đầu qua cửa sổ xe buýt quay lại nhìn anh.
Anh biết đó là cô ấy.
Cơn gió lốc dừng lại trong giây lát khi anh giơ tay lên chào.
Một cánh tay xuất hiện ở cửa sổ xe và chiếc xe vòng qua đường Kildare, làm cho Justin, một lần nữa, mất dạng người phụ nữ. Tim anh đập hoang dại. Mặt đường như nghiêng ngả dưới chân. Anh chẳng có chút manh mối nào để biết chuyện gì sẽ xãy ra tiếp theo. Nhưng chỉ có một điều anh biết chắc.
Joyce. Tên cô ta là Joyce!
Anh nhìn khắp con đường vắng vẻ.
Nhưng cô là ai, Joyce?
“Tại sao con đưa đầu ra ngoài cửa sổ?”. Bố kéo tôi vào, đầy lo lắng. “Chúng ta không có nhiều thời gian để sống, nhưng vì Chúa, vì bản thân mình chúng ta phải sống!”.
“Bố có nghe người nào đó gọi tên con không?”, tôi hỏi nhỏ vào tai bố, tâm trí quay cuồng. “Ô, con nghe ai gọi?”, ông càu nhàu. “Con nói con sẽ cho bố năm bảng Anh nếu bố gọi đúng tên con, nhớ không?”. Ông ngắt lời tôi và quay sang chú ý vào Olaf.
“Phía bên tay trái quý vị là tòa nhà Leinster, bây giờ là tòa nhà quốc hội của Ai- len”.
Lại lia lịa những chiếc máy ảnh, máy quay phim đưa lên cửa sổ.
“Tòa nhà Leinster có nguồn gốc từ tòa nhà Kildare. Bá tước Kildare ra lệnh cho xây dựng tòa nhà này. Khi ông ta trở thành công tước của Leinster, nó đã được đặt tên lại. Trước đây, một phần của tòa nhà là trường Cao đẳng Y khoa Hoàng gia …”.
“Khoa học”, tôi nói lớn lên, mặc dù vẫn đang chìm trong suy nghĩ.
“Xin lỗi?”. Người hướng dẫn viên du lịch ngừng nói và đầu quay sang.
“Tôi mới vừa nói là …”, tôi lặp lại, gương mặt đầy phấn khích, “Trường Cao đẳng Khoa học Hoàng gia”.
“Vâng, thì tôi cũng nói vậy mà”.
“Không, anh nói Y khoa”, một phụ nữ người Mỹ ngồi phía trước nói.
“Ô, người hướng dẫn viên bối rối. “Xin lỗi, tôi đã nhầm. Một phần của tòa nhà, trước đây là trường Cao đẳng Hoàng gia”, anh nhìn tôi, “Khoa học, và trở thành nơi làm việc của chính phủ Ai- len từ năm 1922 …”.
Tôi quay sang bố.
“Bố có nhớ con nói về cái ông thiết kế bệnh viện Rotunda không?”, tôi hỏi bố.
“Nhớ, ông Dick gì đó …”.
“Richard Cassells. Ông cũng là người thiết kế tòa nhà này. Mọi người cho rằng nó là mô hình để thiết kế Nhà Trắng”.
“Vậy ư?”, bố nói.
“Thật sao?”, người phụ nữ xoay vòng ra phía sau nhìn tôi. Bà nói lớn. Rất lớn. Quá lớn.
“Anh ơi, anh có nghe cô đó nói không? Cô gái này nói là người thiết kế ngôi nhà này, cũng là người thiết kế Nhà Trắng”.
“Không, tôi không có nói như vậy …”.
Tôi chợt nhận ra rằng anh chàng hướng dẫn đã ngưng nói và đang nhìn tôi.
Tất cả các đôi mắt, đôi tai, đôi sừng đều quay sang nhìn chúng tôi.
“Tôi nói mọi người cho rằng nó là mô hình để thiết kế Nhà Trắng. Không phải là lời khẳng định”, tôi nói nhẹ nhàng, không muốn nói thêm nữa chuyện này.
“Bởi vì James Hoban người đã thắng dự án thiết kế Nhà Trắng vào năm là người Ai- len”.
Mọi người nhìn tôi một cách đầy ngưỡng mộ.
“Ông ấy học kiến trúc ở Dublin và đã nghiên cứu kiến trúc của tòa nhà Leinster”, tôi kết thúc nhanh.
Mọi người xung quanh tôi ồ lên và bàn bạc rôm rả về thông tin lý thú vừa mới biết.
“Chúng tôi không nghe được được cô nói!”, vài người ở đầu xe la lớn.
“Đứng dậy, Gracie!”. Bố đẩy tôi đứng dậy.
“Bố …”, tôi khoát tay bố ra.
“Olaf, đưa micro cho cô ấy đi!”, người phụ nữ nói lớn với anh chàng hướng dẫn viên. Anh ta miễn cưỡng đưa nó cho tôi và đứng khoanh tay.
“E hèm … xin chào!”. Tôi dùng ngón tay gõ nhẹ và thổi vào cái micro.
“Con phải nói là thử máy, một, hai, ba …, Gracie!”.
“Ummm, thử máy một, hai, …”.
“Chúng tôi nghe rồi”, Olaf cắt ngang.
“Vâng”, tôi lặp lại những lời bình luận, và những người ở phía trên gật đầu thích thú.
“Những tòa nhà phía bên đây cũng là của chính phủ à?”, người phụ nữ vừa nói vừa chỉ.
Tôi nhìn bố một cách ngập ngừng và ông gật đầu khuyến khích.
“Không thưa bà. Tòa nhà phía bên trái là Thư viện quốc gia và Nhà bảo tàng quốc gia bên phải”.
Tôi định ngồi xuống, nhưng bố xuýt xoa bên tôi. Mọi người nhìn tôi nhiều hơn. Anh chàng hướng dẫn viên trông có vẻ ngượng ngùng.
“Thông tin thú vị là Thư viện quốc gia và Nhà bảo tàng quốc gia có nguồn gốc từ Nhà bảo tàng khoa học và nghệ thuật Dubin, mở cửa hồi năm 1890. Cả hai đều do Thomas Newenham Deane và người con trai Thomas Manly Deane thiết kế, từ kết quả của một cuộc thi thiết kế được tổ chức vào năm 1885, và được xây dựng bởi nhà thầu Dublin J. & W. Beckett, những người giỏi nhất Ailen trong lĩnh vực xây dựng. Nhà bảo tàng là một điển hình còn sót lại của nghệ thuật trang trí trên đá, khắc trên gỗ, và ngói gốm của Ai- len. Thư viện quốc gia, nổi bật nhất là đại sảnh hình tròn. Bên trong không gian đại sảnh này dẫn đến cầu thang rất ấn tượng, để đi vào phòng đọc lộng lẫy có trần hình vòm to lớn.
Như quý vị có thể thấy, phía bên ngoài là dãy cột và trụ đỡ tường được sắp xếp ngay ngắn theo cách thức Corin và sảnh lớn hình tròn với hành lang mở và cái góc nhô ra đã tạo nên bố cục cho tòa nhà. Trong …”.
Tiếng vỗ tay lớn làm gián đoạn sự trình bày của tôi. Chỉ một tiếng vỗ tay đơn lẽ đến từ một người … Đó là bố. Những người còn lại thì im lặng. Một đứa trẻ hỏi mẹ liệu nó có thể gầm gừ nữa không, tiếng của nó phá vỡ sự im lặng.
“Tôi chưa nói xong”, tôi nói nhỏ nhẹ.
Bố vỗ tay mạnh hơn khiến một người đàn ông phía dưới cũng vỗ theo.
“Và … đó là tất cả những điều tôi biết”, tôi nói nhanh rồi ngồi xuống.
“Làm sao mà cô biết tất cả những điều đó?”, người phụ nữ phía trên hỏi.
“Con gái tôi làm môi giới bất động sản”, bố nói đầy tự hào.
Người phụ nữ nhíu mày, quay sang nhìn Olaf, trông rất hài lòng. Anh ta chụp cái micro trên tay tôi.
“Giờ thì mọi người hãy gầm gừ đi nào …!”.
Sự im lặng vỡ tan. Mọi người trở về với thực tế, trong khi từng thớ thịt trong tôi co rúm lại.
Bố nghiêng qua bên tôi ép tôi vào cửa sổ, ông đưa đầu lại gần tôi để nói vào tai tôi. Hai cái mũ sắt đụng nhau lốp cốp.
“Làm sao mà con biết được tất cả những điều đó?”.
Tôi như sắp dùng tất cả các từ ngữ tuôn tràn, miệng tôi mở ra khép lại, và chẳng thốt ra được lời nào. Làm sao mà tôi có thể biết được chứ?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.