Cảm Ơn Ký Ức

Chương 39



Tôi bước ra khỏi chiếc taxi trước khu Stephen’s Green và ngay lập tức nhìn thấy một đám đông chen chúc nhau tuôn vào nhà hát Gaiety. Tất cả đều diện những bộ trang phục đẹp nhất của họ để đến dự đêm diễn nhạc kịch dân tộc của người Ailen. Tôi chưa từng bao giờ đến dự một buổi diễn nhạc kịch trước đó, chỉ từng xem một buổi trên tivi, và trái tim tôi đã quá mỏi mệt với cơ thể không thể giữ vững nổi nó, đang khẩn thiết đòi hỏi được bứt ra khỏi cơ thể tôi, để tự nó chạy vào tòa nhà. Tôi đầy ắp sự căng thẳng, với trạng thái đề phòng, với niềm hi vọng khổng lồ nhất tôi từng cảm thấy trong suốt cuộc đời mình. Đấy là Phần cuối cùng trong kế hoạch của tôi để đến với anh. Tôi sợ Justin sẽ giận dữ khi biết đó là tôi mặc dù có lẽ anh ta đã biết. Tôi đã nghĩ đến điều đó trong đầu hàng trăm ngàn lần và cảm thấy không thể có bất kỳ kết luận hợp lý nào.

Tôi đứng lần chần giữa khách sạn Shelbourne và nhà hát Gaiety, chúng cách nhau một khoảng không dưới 300 mét. Tôi nhìn hết người này đến người khác, nhắm mắt và chẳng quan tâm đến cả cái vẻ ngốc nghếch đến mức nào của mình khi đứng giữa đường, nhìn mọi người băng ngang qua mình trong buổi tối thứ bảy như thế này. Tôi chờ cảm giác được kéo theo. Con đường nào để đi? Quẹo phải để về khách sạn Shelbourne. Quẹo trái để đến nhà hát Gaiety. Trái tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực. Tôi rẽ trái và bước sải dài đầy tự tin thẳng về phía nhà hát. Bên trong cánh cổng phòng giải lao hối hả tấp nập của nhà hát, tôi lấy một cuốn giới thiệu chương trình và kiếm chỗ ngồi cho mình. Không có thời gian cho việc thưởng thức một chút thức uống trước giờ biểu diễn. Nếu anh ấy xuất hiện sớm và nhìn thấy tôi không có ở đây, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho mình.
Tôi ngồi xuống chỗ của mình. Những chiếc ghế phủ nhung đỏ. Chiếc váy đỏ của tôi nhẹ nhàng được thả rũ xuống một bên. Chiếc ví để trong lòng. Đôi giày của Kate sáng lóng lánh trên sàn nhà. Ban nhạc ngay phía trước tôi, đang hòa âm và diễn tập lại cùng nhau. Không khí thật là kỳ diệu. Những mái vòm lan can ở một bên. Hàng ngàn người rộn ràng đầy phấn khích. Ban nhạc đang cố đạt tới sự hoàn hảo nhất, rất nhiều thân hình chuyển động vòng quanh. Những lan can trên cao giống như tổ ong, không gian tràn ngập hương nước hoa và hương mỹ phẩm ngọt ngào, tinh khiết như hoa, như mật.
Tôi nhìn sang bên phải, nơi có một chiếc ghế trống và run rẩy trong cảm giác phấn khích.
Lời thông báo vang lên, nhắc rằng buổi biểu diễn sẽ được bắt đầu trong năm phút nữa, rằng những ai đến trễ sẽ không được vào cho đến giờ nghỉ giải lao, nhưng vẫn có thể ở bên ngoài và xem buổi biểu diễn qua màn hình cho đến khi người hướng dẫn chỗ ngồi trong nhà hát nói cho họ biết thời gian nào thích hợp để được vào.
Nhanh lên, Justin, nhanh lên. Tôi nài xin, đôi chân bên dưới tôi bật lên những nhịp căng thẳng.
Justin chạy như bay từ khách sạn của anh thẳng đến đường Kildare. Anh chỉ vừa mới tắm xong, nhưng giờ thì da đã nhâm nhấp ướt. Chiếc áo sơ mi bết chặt sau lưng. Trán anh loang loáng mồ hơi. Anh ngừng ở đầu đường. Khách sạn Shelbourne nằm ngay bên cạnh. Nhà hát Gaiety khoảng hai trăm mét bên phải.
Anh nhắm mắt và hít một hơi sâu. Những hơi thở trong bầu không khí trong lành buổi tối tháng Mười ở thành Phố Dublin.
Đường nào để đi. Đường nào để đi.
Buổi biểu diễn đã bắt đầu và tôi không thể nào rời mắt khỏi cánh cửa bên tay phải tôi. Cạnh tôi là một chiếc ghế trống. Trong khi đó, trên sân khấu, một người phụ nữ đang ngân giọng hát tràn trề cảm xúc. Biết là làm phiền những người ngồi bên cạnh và phía sau mình, nhưng tôi không thể làm gì khác hơn ngoài việc cứ quay đầu, hướng mắt trông ra cửa. Mặc dù đã có thông báo, nhưng một vài người vẫn được phép vào và nhanh chóng di chuyển đến ngay chỗ ngồi của họ. Nếu Justin không đến lúc này, anh sẽ không thể ngồi ở chỗ ngồi này cho đến sau khoảng thời gian nghỉ giữa hai phần buổi diễn. Tự dưng tôi đồng cảm sâu sắc với người phụ nữ đang hát ngay trước mặt tôi kia, chỉ vì một sự thật rằng, sau tất cả những khoảnh khắc này, cánh cổng và người hướng dẫn chỗ ngồi sẽ trở thành những vật chia cắt chúng tôi, giống như là trong vở diễn.
Tôi quay vòng quanh lần nữa, và trái tim tôi thót lại một nhịp khi cánh cửa bên cạnh tôi mở ra.
Justin kéo cánh cửa và ngay sau đó lách vào phòng. Tất cả những cái đầu đều quay lại nhìn anh. Anh nhìn quanh, rất nhanh để tìm Joyce, những ngón tay run rẩy.
Người quản lý nhà hàng bước đến. “Chào ông! Thưa ông, chúng tôi có thể giúp gì cho ông?”.
“Xin chào. Tôi đã đặt một bàn cho hai người dưới cái tên Hitchcock”. Anh nhìn quanh, đầy vẻ căng thẳng, lấy chiếc khăn tay ra khỏi túi áo và chấm chấm nhẹ vào vầng trán cũng đầy vẻ căng thẳng của mình.
“Cô ấy đã đến đây chưa?”.
“Chưa, thưa ông. Ông là người đến trước rồi. Ông có muốn tôi đưa ông đến bàn đã đặt không, hay là ông thích ghé quầy rượu uống chút gì trước?”.
“Vui lòng đưa tôi đến bàn”. Nếu cô ấy đến và nhìn thấy anh không ngồi ở bàn như đã hẹn, anh sẽ không bao giờ tha thứ cho mình.
Anh được dẫn tới chiếc bàn dành cho hai người ở giữa phòng ăn tối. Người phục vụ nhẹ nhàng kéo ghế để anh ngồi vào và ngay sau đó sắp đặt lại mọi thứ trên bàn, rót nước, trải khăn ăn vào lòng anh, mang ra một ít bánh mì tròn.
“Thưa ông, ông có muốn xem thực đơn trước không ạ? Hay ông muốn chờ đến khi người khách kia đến?”.
“Tôi sẽ chờ, cảm ơn!”. Anh nhìn ra cửa và tranh thủ khoảnh khắc một mình này để từ làm mình bình tĩnh lại.
Khoảng hơn một giờ trôi qua. Đã một vài lần, có vài người khách đi vào. Họ được hướng dẫn đến chỗ ngồi, nhưng không ai trong số họ là Justin. Chiếc ghế bên cạnh tôi vẫn trống trơn, lạnh lẽo. Người phụ nữ ngồi kế đó, thỉnh thoảng liếc nhìn cái ghế rồi lại nhìn tôi, người cứ đang vặn vẹo xoay qua xoay lại tìm kiếm chung quanh, mắt không rời cánh cửa. Bà mỉm cười thật lịch sự, đầy vẻ cảm thông. Điều đó khiến nước mắt tôi muốn ứa ra. Một cảm giác cô đơn cùng cực. Trong căn phòng đầy ắp người, đầy ắp thanh âm, đầy ắp tiếng nhạc tôi cảm thấy cô đơn cùng cực.
Giờ giải lao giữa hai phần biểu diễn bắt đầu. Những tấm màn hạ xuống. Ánh đèn được bật sáng lên và mọi người đều đứng dậy, ra phía quầy giải khát hoặc ra ngoài hút thuốc giãn chân giãn tay một chút.
Tôi vẫn ngồi yên. Và đợi.
Càng cảm thấy cô đơn bao nhiêu, thì những hi vọng càng tràn lên trong tim tôi bấy nhiêu.
Biết đâu anh ấy đang tới. Biết đâu anh ấy cảm thấy việc này quan trọng với anh ấy, như nó quan trọng với mình. Dùng bữa tối với người phụ nữ anh từng gặp một lần hoặc trải qua buổi tối bên người mà anh đã cứu sống, người đã làm chính xác tất cả những gì anh mong muốn và đã cảm ơn anh bằng tất cả những cách mà anh yêu cầu.
Có lẽ những điều tôi làm đã không đủ.
“Ông có muốn xem qua thực đơn không, thưa ông?”.
“À”. Anh nhìn đồng hồ. Cô ấy đã trễ nửa tiếng. Trái tim anh chới với, nhưng anh vẫn còn hi vọng. “Cô ấy chỉ đến trễ chút xíu …”, anh giải thích.
“Vâng, thưa ông”.
Trên sân khấu, nhân vật nữ đang vật vã khóc. Cô van nài người yêu của mình hãy đi đi. Tiếng nhạc ngân nga não lòng. Bên cạnh tôi, người phụ nữ cũng sụt sịt với chiếc khăn tay liên tục chậm lên chậm xuống.
Mắt tôi cũng rưng rung. Tôi nhớ đến gương mặt đầy tự hào của bố khi ông nhìn thấy tôi trong chiếc váy dạ hội.
“Đi mang cậu ta về đi con!”, bố nói.
Vậy đấy tôi đã không thể. Tôi đã đóng vai một người phụ nữ nhận lời mời dùng bữa tối với anh. Tôi cũng đóng vai Joyce, hẹn anh ở đây. Rõ ràng là tôi ao ước anh đến đây. Có lẽ tôi đã chọn sai? Có lẽ tôi nên thấy hạnh phúc với việc anh quyết định chọn dùng bữa tối với tôi mới phải.
Tôi nhìn đồng hồ. Có lẽ anh ta vẫn còn ở đó, ngay lúc này, đang chờ tôi.
Nhưng chuyện gì xảy ra nếu như tôi rời khỏi đây và anh ấy lại đến, lại lỡ mất tôi? Không. Tốt hơn hết tôi nên ở yên đây và không rối lên với những ý nghĩ hoang mang nữa.
Tôi đấu tranh tư tưởng, y như những tình tiết đang diễn ra trên sân khấu. Nếu lúc này anh ấy đang ở nhà hàng, và tôi ở đây, và anh ấy chỉ có một mình, một mình sau cả tiếng đồng hồ chờ đợi. Tại sao, lẽ ra anh đã phải từ bỏ cuộc hẹn với tôi và chạy hàng trăm mét để tìm ra sự thật về cuộc hẹn bí ẩn? Trừ khi anh ta đã đến. Trừ khi anh ta đã nhìn xuyên qua cửa kính, nhìn thấy rằng đó là tôi và từ chối đi vào. Tôi cảm thấy quá sức chịu đựng với những ý nghĩ trong đầu. Tiếng nhạc của buổi diễn. Mọi thứ quá rối bời. Những câu hỏi hỗn loạn trong tôi.
Trước khi tôi hiểu được rõ ràng câu trả lời, vở diễn đã kết thúc. Những chỗ ngồi trống trơn, vắng lặng. Tấm màn nhung được hạ xuống trên sân khấu. Đèn bật lên. Tôi bước ra ngoài không khí lạnh lẽo của buổi đêm. Thành phố tấp nập ồn ào, chật ních những người đang tận hưởng buổi tối thứ Bảy của họ bên ngoài. Những giọt nước mắt giá lạnh của tôi chạm vào da thịt, lạnh cóng như băng.
Justin uống cạn cốc cuối cùng của chai rượu thứ hai rồi đặt cái rầm nó xuống bàn, không chú ý. Cho đến lúc này, mọi sắp đặt của anh đã hỏng bét hết. Anh có thể đọc được giờ trên chiếc đồng hồ của mình, nhưng anh biết rằng chuyện hẹn gặp người bí mật tại buổi biểu diễn đã trở thành quá khứ.
Anh đã hẹn … với một người phụ nữ anh chẳng có chút hứng thú nào kể từ khi anh li dị. Tất nhiên là không tính Sarah vào đó. Anh chẳng bao giờ muốn tính Sarah tội nghiệp vào danh sách đó.
Mình thật kinh khủng.
“Xin lỗi vì làm phiền ông, thưa ông”, người quản lý nhà hàng nói với giọng lịch thiệp, “Chúng tôi vừa nhận một cuộc điện thoại từ em trai ông, anh Al?”.
Justin gật đầu.
“Anh ấy muốn chuyển một tin nhắn đến ông, rằng anh ấy vẫn còn sống và rằng anh ấy hi vọng rằng ông, à … hi vọng rằng ông đang tận hưởng buổi tối của mình”.
“Còn sống?”.
“Vâng, thưa ông, anh ấy nói rằng ông sẽ hiểu, khi đồng hồ điểm mười hai giờ. Sinh nhật anh ấy ạ?”.
“Mười hai giờ?”.
“Vâng, thưa ông. Tôi cũng rất tiếc phải nói với ông rằng chúng tôi sắp đến giờ đóng cửa. Ông có thể vui lòng thanh toán hóa đơn giúp không ạ?”.
Justin ngẩng lên nhìn người quản lý, mắt lờ đờ, cố gắng gật đầu lần nữa nhưng anh cảm thấy đầu mình như ngã nhào sang một bên.
“Tôi đã hẹn …”.
“Tôi rất tiếc, thưa ông”.
“Ồ, không … không cần đâu. Tôi đáng bị như thế. Tôi đã hẹn với một người mà thậm chí tôi chưa từng biết”.
“Tôi hiểu”.
“Người đó đã rất tốt với tôi. Đối xử rất … rất … tử tế. Người ấy gửi đến cho tôi bánh quế và cà phê, một chiếc xe có tài xế riêng. Tôi thì đã rất kinh khủng với người ấy – anh ấy hoặc cô ấy”. Đột nhiên anh ngừng bặt.
Biết đâu chừng nhà hát vẫn còn mở!
“Đây”, anh đẩy mạnh thẻ tín dụng của mình về phía người quản lý. “Biết đâu chừng tôi vẫn còn thời gian”.
Tôi đi tản bộ quanh những con đường vắng lặng khu vực cạnh nhà, kéo chiếc áo len chặt hơn, ôm kín lấy mình. Tôi nói người tài xế taxi cho tôi xuống ở góc đường để tôi có thể đi bộ hít thở lấy chút không khí trong lành và làm minh mẫn lại đầu óc trước khi trở về nhà. Tôi cũng muốn lau hết những giọt nước mắt trước khi bố nhìn thấy. Tôi chắc rằng giờ này ông đang ngồi trong chiếc ghế bành như ông vẫn từng làm thế lúc tôi còn nhỏ, vừa để cảnh báo vừa hăm hở tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra với tôi, mặc dù ông vẫn luôn giả vờ ngủ gật ngay khi ông nghe tiếng chìa khóa tra vào cửa.
Tôi đi bộ ngang qua ngôi nhà cũ của mình, ngôi nhà mà tôi đã xoay xở thành công để bán đi trong vài ngày trước, không phải cho Linda và Joe, những người sau đấy đã phát hiện ra đó là nhà của tôi và e ngại vận hạn không may của tôi sẽ là điềm không hay cho họ cũng như đứa con chưa chào đời. Hoặc xa hơn nữa, cả hai lo lắng rằng những bậc thang là nguyên nhân khiến tôi ngã, biết đâu lại cũng quá nguy hiểm cho Linda trong suốt giai đoạn thai kỳ của cô ấy.
Không ai chịu tự mình nhận trách nhiệm với những hành động của mình, tôi nhận ra như vậy. Đó không phải là do những bậc thang. Đó là do tôi. Tôi đã quá vội vã. Đó là lỗi của tôi. Đơn giản thế. Đó là một việc mà tôi sẽ phải đào rất sâu, chôn kín xuống, lấp lại, để tha thứ cho mình, mặc dù hẳn rằng sẽ chẳng bao giờ quên được.
Có lẽ tôi đã vội vã trong suốt cuộc đời mình, cứ nhảy bổ vào mọi thứ mà không kịp nghĩ xem mọi thứ sẽ dẫn đến đâu. Chạy suốt ngày mà không bao giờ lưu ý đến những giây phút. Bố mẹ đã lên kế hoạch mọi thứ trong cuộc sống.
Những kỳ nghỉ hè, một đứa con, những gì họ dành dụm, những buổi tối ở bên ngoài. Tất cả mọi thứ được lên kế hoạch như một cuốn sách. Chỉ đến khi tôi đột nhiên quyết định bến đỗ của cuộc đời mình. Một tiếng nổ đập tan mọi thứ, tất nhiên.
Tiền bán căn nhà được chia đều cho Conor và tôi. Tôi lùng tìm một căn nhà nào đó nhỏ hơn, rẻ hơn. Tôi ngừng lại bên ngoài căn nhà cũ và ngước nhìn chằm chằm những viên gạch đỏ, trước cửa, nơi chúng tôi đã từng tranh cãi với nhau xem nên sơn màu gì, tranh cãi về những đóa hoa mà chúng tôi nghĩ rất kỹ lưỡng trước khi trồng. Không còn là của tôi chút gì nữa, nhưng tất cả ký ức về nó thì vẫn còn. Người ta không thể bán đi ký ức. Căn nhà đó chính là nơi tôi từng nuôi dưỡng ước mơ “ngày xửa ngày xưa”. Giờ đây nó là của một người khác, như nó đã từng là của một người khác nữa trước khi là của chúng tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã để nó “đi”. Cảm thấy hạnh phúc rằng một lúc nào đó khác, tôi có cơ hội bắt đầu lần nữa, xảy nên một giấc mơ mới, mặc dù vết sẹo cũ trước đó vẫn còn. Chúng sẽ đại diện cho một vết thương đã được chữa lành.
Khi tôi quay về đến nhà bố thì đã vào khoảng nửa đêm. Sau những cánh cửa sổ là bóng tối đen kịt. Không có bất kỳ ngọn đèn nhỏ nào được thắp sáng, điều này thật bất thường vì bố hay bật một ngọn đèn ở trước mái vòm, đặc biệt là trong trường hợp tôi đi ra ngoài.
Tôi mở túi xách lấy xâu chìa khóa của mình và chạm trúng chiếc điện thoại di động. Đèn màn hình sáng lên, báo cho tôi thấy có đến mười cuộc gọi nhỡ, trong đó hết tám cuộc được gọi từ nhà. Tôi đã chuyển điện thoại sang chế độ im lặng lúc ở trong nhà hát và vì biết rằng Justin không có số điện thoại của tôi nên tôi đã không nghĩ đến việc nhìn đến điện thoại. Tôi vớ lấy xâu chìa khóa, tay run lẩy bẩy khi cố gắng tra chìa vào ổ. Cả xâu chìa khóa rơi xuống đất, tạo ra một tiếng động vang lên trên con đường yên tĩnh, tối đen. Tôi quỳ thấp xuống, chẳng để ý đến cả chiếc váy mới của mình, mò mẫm quanh lớp bê tông, tìm một cảm giác lành lạnh của kim loại trong bóng tối. Cuối cùng, những ngón tay tôi cũng chạm tới xâu chìa khóa và tôi lao vọt qua cửa như tên bắn, bật tất cả những ngọn đèn lên.
“Bố?”, tôi gọi từ trong sảnh chính. Bức hình của mẹ rơi trên sàn, bên dưới bàn. Tôi nhặt nó lên, để trở lại nơi nó từng được đặt, cố gắng giữ bình tĩnh, nhưng trái tim tôi có những ý nghĩ của riêng nó.
Không có tiếng trả lời.
Tôi đi vào bếp, bật công tắc. Một tách trà đầy đặt trên bàn, trong bếp. Một lát bánh mì nướng với ít mứt, đã bị cắn một miếng nằm cạnh đó.
“Bố?”, tôi gọi to hơn, đi vào phòng khách và mở đèn.
Những viên thuốc của bố rơi vãi cả trên sàn, tất cả những hộp đựng đều bị mở ra và trống rỗng, đủ thứ thuốc với nhiều màu sắc nằm trộn lẫn nhau.
Tôi hoảng loạn thật sự, chạy ngược trở vào trong bếp, băng qua tiền sảnh, chạy lên tầng trên, mở tất cả đèn và gào lên với tất cả hơi thở có được trong phổi của mình.
“BỐ ƠI, BỐ ƠI … BỐ ĐÂU RỒI? BỐ ƠI, CON DÂY, JOYCE ĐÂY! BỐ!”.
Nước mắt tôi chảy ra, tôi không nói được lời nào nữa. Ông không có trong phòng ngủ của ông, không có trong phòng tắm, không ở trong phòng tôi hay bất kỳ nơi nào khác. Tôi ngừng lại ở đầu cầu thang, cố gắng lắng nghe trong im lặng xem có khi nào ông đang đáp lại không. Nhưng tất cả những gì tôi có thể nghe là tiếng nhịp tim tôi đập liên hồi, hoảng loạn, trong tai tôi, trong cổ họng tôi.
“BỐ!”, tôi hét lên, ngực cố rướn, cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng khiến tôi muốn ngạt thở. Tôi chẳng còn nơi nào khác để kiếm cả. Tôi bắt đầu mở cả những tủ quần áo ra, tìm kiếm dưới giường ngủ của ông. Tôi nhặt cái gối trên giường ông, úp mặt vào. Ngay lập tức nó đẫm đầy nước mắt. Tôi nhìn ra cả cửa sổ phía sau, tìm kiếm trong vườn. Vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào của ông cả.
Đầu gối tôi yếu đến mức tôi không còn sức để đứng. Đầu tôi thì mờ mịt, hỗn loạn như đang chứa đầy những đám mây, không thể suy nghĩ được gì. Tôi khuỵu xuống trên đầu cầu thang và cố hình dung xem ông có thể ở đâu giờ này.
Sau đó, tôi nghĩ tới những viên thuốc rơi vương vãi trên sàn và tôi hét lên bằng một giọng lớn nhất tôi từng hét trong đời mình. “BBBBBỐỐỐỐ!”.
Sự im lặng vẫn bao phủ quanh tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình đơn độc đến thế. Đơn độc hơn cả lúc ở trong nhà hát, đơn độc hơn cả trong cái đám cưới không hạnh phúc, đơn độc hơn cả khi mẹ mất. Cùng cực và hoàn toàn đơn độc.
Người thân cuối cùng tôi có trong cuộc đời tôi, đã rời bỏ tôi.
Sau đó.
“Joyce?”. Một giọng nói gọi vang lên từ trước cửa, nơi tôi vẫn còn để mở.
“Joyce, cô đây, cô Fran”. Cô đứng đó, trong chiếc váy rộng thùng thình và đôi dép lê. Đứa con trai lớn nhất đứng đằng sau cô với chiếc đèn pin trong tay anh ấy.
“Bố đi rồi”. Giọng tôi run lẩy bẩy.
“Ông ở trong bệnh viện. Cô đã cố gọi cho con …”.
“Cái gì? Sao vậy ạ?”. Tôi đứng lên và chạy ào xuống những bậc cầu thang.
“Ông nghĩ rằng ông bị một cơn đau tim …”.
“Con phải đi. Con phải đến đó với bố”. Tôi chạy vòng vòng kiếm tứ tung cái chìa khóa xe. “Bố ở bệnh viện nào cô?”.
“Joyce, bình tĩnh con … bình tĩnh …”. Đôi tay cô Fran vòng quanh người tôi.
“Cô sẽ lái xe đưa con đi”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.