Cáo Già, Gái Già Và Tiểu Thuyết Diễm Tình

NGƯỜI PHỤ NỮ Ở NÔNG TRẠI JACQUES THOMAS



Năm đó tôi đến vùng nông thôn núi đồi thuộc ngoại ô Grenoble thăm một gia đình người Pháp. Họ lưu tôi ở lại chơi một tuần và dẫn đi giới thiệu khắp làng. Khi biết tôi từ Việt Nam sang, bà hàng xóm Martine phấn khích kêu lên: “Cô có muốn gặp đồng hương không? Tôi quen một người cũng từ Việt Nam sang. Chị ta nhớ nhà lắm, tội nghiệp”. Tôi ậm ừ trong miệng. Đột nhiên buổi trưa bà Martine chạy vèo sang vội vã và hối tôi chuẩn bị. Bà chở đi vòng vèo cả tiếng đồng hồ, đến một vùng nông thôn bát ngát ruộng đồng rồi chạy vào nông trại đề tên “Jacques Thomas”. Khi xe dừng, một phụ nữ Việt Nam chừng hơn ba mươi tuổi chạy lại như bay, mở cửa lôi tôi ra rồi ôm chầm lấy nức nở: “Việt Nam! Việt Nam! Em tên gì? Chị tên Giang!”. Một người đàn ông Pháp trạc ngũ tuần, chân mang ủng, tóc hói trụi, cóc người thấp đậm, khuôn mặt tròn hồn hậu tiến đến dịu dàng kéo Giang ra khỏi người tôi: “Coi kìa, cưng à, để cô ta nghỉ ngơi một chút chứ!”. Ông nhìn vẻ ngơ ngác của tôi, cố gắng giải thích: “Tôi tên Jacques Thomas, chủ nông trại này. Tôi rất mừng vì cô có thể trò chuyện với Giang”. Trên đường đến nông trại, bà Martine giải thích Giang từ Việt Nam sang được một năm, chị không biết tiếng Pháp nhiều, rất nhớ nhà, thường khóc suốt ngày và tinh thần sa sút tồi tệ.
– Bình tĩnh chị Giang! – Tôi cố trấn tĩnh chị – Em tên Kim, chị từ từ kể chuyện nhé!
– Kim à! Chị buồn lắm! Em giúp chị về lại Việt Nam! Chị ở lại không nổi đâu! Chị gần điên rồi! Con chị đợi ở Việt Nam…
Nói đến đây, có lẽ quá xúc động, Giang đột ngột ngất xỉu. Ông Jacques bình tĩnh nói “Để tôi” rồi bồng chị vào phòng ngủ. Chúng tôi để cho chị nghỉ rồi đóng cửa lại. Ông Jacques cười hiu hắt, nhìn tôi buồn bã: “Giang muốn về Việt Nam phải không?”, rồi quay sang Martine phân trần: “Lúc trước tôi đã bảo suy nghĩ kỹ đi, thế mà…”.
– Giang là ai? – Tôi hỏi – Sao lại ở nông trại vắng vẻ này?
– Giang là… – Ông Jacques lúng túng – là…vợ tôi!
Rồi ông nhìn mông lung ra cánh đồng:
– Vợ tôi mất cách đây ba năm. Chúng tôi không có con cái, nông trại thì cần người chăm sóc. Nghe lời một người bạn, tôi về Việt Nam làm giấy kết hôn với Giang để cô ấy sang đây làm việc với tôi.
– Giang có biết sang đây phải làm lụng vất vả trong nông trại không? – Tôi cảm thấy mình đang mất bình tĩnh – Chị ấy quá trẻ, chắc đã tưởng được sang Paris hoa lệ không chừng?
Jacques đột nhiên nổi nóng:
– Cô đừng trách tôi! Giang biết hết. Tôi chỉ cần người làm việc, không cần vợ! Cô tưởng tôi ham nhan sắc và tuổi trẻ của Giang lắm sao? Cô làm ơn đem Giang về Việt Nam đi!
Có lẽ việc ông Jacques lớn tiếng đã làm Giang tỉnh giấc. Chị bước ra, buồn rầu nói giọng nghịu bằng thứ tiếng Pháp vỡ lòng: “Jacques không có lỗi! Tại tôi hết! Tôi xin lỗi!”.
Hai chúng tôi bách bộ ra cánh đồng, Giang nắm tay tôi rất chặt. Giờ tôi mới nhận ra chị đẹp vô cùng, mắt rất to, mũi dọc dừa, đôi môi mọng đỏ. Tay chân chị nhỏ nhắn, thanh mảnh, dáng người mềm mại, dịu dàng. Một vẻ đẹp của người sinh ra và lớn lên ở thành phố. Chị kể sau khi thi rớt đại học, bị gia đình la mắng, chị sa vào mối tình nông nổi và kết cuộc là một đứa con ra đời vô thừa nhận. Càng bị gia đình từ bỏ, chị càng quẩn trí. Cuối cùng, chị xin vào làm công nhân trong một công ty liên doanh chế biến thực phẩm. Thấy chị nhan sắc lại có học thức, ông giám đốc người Pháp muốn chị đổi đời. Ông làm mai chị với Jacques nhưng nói trước cuộc hôn nhân này chỉ là hình thức. Jacques cần nhân công, Giang cần sang Pháp. Viễn cảnh được ra đồng làm việc trong nông trại mênh mông bát ngát hơn hẳn việc suốt ngày cắm mặt vào những con tôm trong phòng đông lạnh, Giang hào hứng đồng ý.
– Chị cũng tự nhủ sẽ thuận tình làm vợ thật sự với Jacques. Vì ông ấy là cứu tinh, đem chị ra khỏi Việt Nam, khỏi gia đình nghiêm khắc của mình, khỏi những xấu xa mà chị mắc phải…
– Chị cần gì phải như vậy? – Tôi bất bình – Jacques già quá. Nếu muốn chị cũng lấy được mấy ông Việt kiều có học thức, trẻ trung, xứng với chị hơn!
– Chị sợ đàn ông Việt Nam lắm em ơi! – Giang cay đắng – Ba chị gia trưởng và nghiêm khứac với vợ con đến mức không còn tình thương, còn anh chàng làm cho chị có bầu thì nhẹ nháng quất ngựa truy phong! Nhưng Jacques thì…
Giọng Giang dịu lại, ánh mắt chị tràn đầy cảm xúc. Ông tuy cục mịch nhưng chất phác và hết lòng với chị. Giang đâm mến rồi thương và cuối cùng là muốn được ông yêu như người vợ. Giang buồn bã kể:
– Jacques đã cự tuyệt, ông nói không muốn chị thiệt thòi. Ông xem chị như thiên thần bị đày xuống trần gian. Việc phải để chị làm việc tay chân vất vả trong nông trại đã đủ làm ông bứt rứt. Vài ba năm nữa, khi ông thu xếp xong chuyện nông trại và tiếng Pháp của chị khá hơn, ông sẽ để chị ra đi, sẽ mai mối cho chị lấy chồng khác… Jacques không biết chị đã hư hỏng thế nào, chị còn cần ai khác ngoài một người đàn ông chân tình với mình như thế? Ông ấy không biết chị đã có một đứa con. Chị gởi thằng Tí cho một người dì ở quê chăm sóc…
Giờ tôi đã hiểu vì sao Giang đòi về Việt Nam, chị nhớ con quay quắt. Đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi, ông bà nội ngoại từ chối, lại bị mẹ bỏ đi xa không biết bao giờ mới gặp lại. Nó mới năm tuổi nhưng đã biết nói những lời trách hờn, tủi hận, đắng cay. Khi chị gọi về thăm con, Tí xát muối vào lòng chị: “Mẹ bỏ con, mẹ không cần con, con cũng sẽ không cần mẹ, con bỏ mẹ…”. Jacques không thể nào an ủi và lau hết những giọt nước mắt cho Giang vì ông không hiểu nguồn gốc những đau khổ của người mẹ trẻ. Chị vảo với ông: “Hãy để cho em nó khóc, đó là số phận của em, tên em là Lệ Giang, một dòng sông nước mắt!”.
Khi tôi về lại Việt Nam ít lâu, tôi được tin Giang đã thú thật với Jacques về thằng Tí và xin ông bảo lãnh cho đứa trẻ sang. Có lẽ do quá bất ngờ hoặc cũng có khi vốn tiếng Pháp của chị không đủ trôi chảy để cắt nghĩa mọi nguồn cơn, Jacques đã phản ứng tiêu cực. Tôi nhận được thư Giang cho hay chị đã rời nước Pháp.
Thời gian trôi, bốn năm sau khi có dịp quay lại châu Âu, qua Martine tôi bất ngờ được tin Giang rời Pháp ít lâu, Jacques quyết định đến Việt Nam đón mẹ con chị. Khi tôi đến thăm, Giang không có nhà, một thằng bé khoảng chìn mười tuổi mở cửa cho tôi. Tôi chắc đó là Tí, nó nói papa đang bệnh, mẹ phải vào bệnh viện chăm sóc rồi. Những người nông dân từ chuồng gia súc nhìn thấy tôi nên đến chào. Họ nói nông trại từ mấy năm nay do Giang trông nom, Jacques bị bệnh liên mien vì tuổi trẻ làm lụng vất vả quá. Hiện ông đang mắc thêm bệnh ung thư, chắc không sống nổi sang mùa xuân năm sau. “Cô đừng đi! – một người nông dân chất phác nói – cố chờ Giang về. Cô ấy tháo vát lắm, vừa cai quản nông trại, vừa chăm sóc bệnh tật cho Jacques.
Ông ấy may mắn quá…”
Tôi nán lại một đêm, Tí gọi điện cho mẹ để tôi nói chuyện. Giang thì thầm: “Chị hạnh phúc lắm!”. Mấy năm qua chị là một người vợ được sống trong tình yêu, là một người mẹ có con bên cạnh quấn quýt. Giang không đả động gì đến bệnh tình của Jacques, hẳn chị đã chuẩn bị tinh thần thật vững vàng. Sáng hôm sau tôi tạm biệt Tí, nó bắt tôi hứa phải liên lạc thường xuyên.
Thằng nhỏ khôn trước tuổi, nó nhìn tôi nghiêm trang, khẽ khàng nói thật ngụ ý: “Mẹ con Tí may mắn lắm…”
Xe chạy dần ra khỏi nông trại Jacques Thomas, cánh đồng bát ngát và đàn gia súc dần xa. Tôi như thấy gia đình họ đang quay quần bên nhau vào mỗi buổi chiều ngắm hoàng hôn nơi miền thôn quê trong lành. Người vợ trẻ yêu thương đưa ly trà cho chồng, người cha già âu yếm nhìn con trai nhỏ lăng xăng quàng khăn cho mình. Họ đã thật sự đến với nhau bằng con tim chân thành và tình yêu đã gắn kết gia đình họ. Vợ chồng dù cách biệt tuổi tác, cha con dẫu không chung dòng máu, gia đình dầu không cùng ngôn ngữ và thần Chết có thể ngấp nghé bên thềm cũng chẳng thể ngăn những thành viên trong nông trại Jacques Thomas sống hạnh phúc bên nhau.
Mặt trời dần lặn xuống đường chân trời, đồng cỏ xanh phản chiếu ánh vàng cam trên cao, những con ngựa lững thững quay về…Trong tôi bừng lên một niềm tin mãnh liệt, rồi ngày mai sẽ lại bình yên trôi trên miền nông thôn hiền hòa có những con người tha thiết sống…
7-2006


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.