Cáo Sa Mạc

CHƯƠNG 19



Trước khi rời khỏi nhà tù Somers, Bob Kumer điện thoại cho Kathy Moore để báo anh sẽ đến gặp cô tại phòng làm việc của cô.
Kathy là trợ lý chánh án ở tòa án thiếu nhi tại Bridgport, hai người quen nhau khi anh đảm nhận nhiệm vụ luật sư biện hộ ở đây. Hai người đã đi chơi với nhau từ ba tháng nay và Kathy tham gia nhiệt tình vào công việc đấu tranh để cứu sống tính mạng của Ronald Thompson.
Cô đợi anh ở phòng tiếp khách với cô thư ký đánh máy, anh đã yêu cầu gặp cô ta luôn. Cô nói với anh:
– Marge cho biết chị ấy sẵn sàng ở lại cả đêm nếu cần. Anh có thu thập được gì về hắn nữa không?
– Nhiều – Bob đáp – Anh đã mất hai tiếng đồng hồ để làm cho nó lặp lại chuyện của nó bốn lần.
Marge Evans đưa tay ra, bằng giọng cả quyết, chị nói:
– Anh đưa tài liệu cho tôi. – Chị ta để cuộn băng cát-sét lên bàn làm việc, ngồi vào chiếc ghế quay. Chị nhét cuộn băng có ghi chữ I vào máy rồi cho máy chạy ngược lại từ dầu. Giọng của Ron Thompson vang lên, trầm ngâm, hổn hển: “Chiều hôm đó, sau khi đi học về, tôi làm việc tại cửa hàng Timberly…”
Marge bấm vào nút: “Tắt” và nói:
– Được rồi! Anh cứ làm việc khác, để tôi lo việc này.
– Cám ơn, Marge! – Bob quay qua Kathy – Cô có giữ hồ sơ đây chứ?
– Có, hồ sơ trong phòng làm việc của em. – Anh theo cô vào văn phòng nhỏ bề bộn hồ sơ giấy tờ. Trên bàn làm việc của cô chẳng có gì ngoài bốn chồng hồ sơ có đề tên: Carfolli, Weiss, Ambross, Callahan – Báo cáo của cảnh sát để ở trên hồ sơ. Bob à, nếu ông Ken Brooks biết chuyện này, thế nào ông ta cũng tức giận lắm, thế nào ông ta cũng trả em lại…
Ken Brooks là chánh án, Bob ngồi vào bàn, anh lấy tập hồ sơ đầu tiên. Trước khi mở ra xem, anh nhìn Kathy. Cô mặc chiếc quần có dây đai và chiếc áo tròng cổ thật dày. Dải vải buộc mái tóc đen phủ xuống gáy, trông cô có vẻ là một sinh viên mới 18, chứ không phải luật sư 25 tuổi. Nhưng ngay buổi đầu tiên chạm trán với cô tại một phiên tòa, Bob không bao giờ dám đánh giá thấp Kathy. Cô là luật sư giỏi, có tính thần phân tích sáng suốt, vững vàng, và rất yêu chuộng công lý.
– Kathy, anh biết hành động của em liều lĩnh, nhưng chúng ta phải tìm ra cho được mối liên hệ giữa những vụ giết người này với vụ của bà Nina Peterson… Có bằng chứng, chúng ta mới hy vọng có cơ may cứu sống được Ron.
Kathy ngồi xuống bàn, đối diện với anh, rồi lấy hai chồng hồ sơ. Cô đáp:
– Đúng, vả lại nếu chúng ta tìm ra được mối liên hệ giữa các trường hợp này, thì chắc ông Ken Brooks sẽ bỏ qua chuyện em đưa hồ sơ cho anh nghiên cứu. Hiện giờ báo chí đang công kích ông ta, sáng nay, họ gọi hai vụ giết người vừa xảy ra mới đây là “Những vụ giết người vì máy vô tuyến điện thoại”.
– Tại sao thế?
– Cả cô Callahan và bà Ambrose đều có máy vô tuyến điện thoại, hai người đều gọi người đến giúp họ. Bà Ambrose thì lạc đường, hết xăng. Còn Barbara Callahan thì bánh xe bị bể.
– Cách đây hai năm bà Weiss và Jean Carfolli đã bị sát hại vào ban đêm ở những đoạn đường rất vắng vẻ, không có người.
– Nhưng như thế cũng không chứng minh được có sự liên hệ nào hết. Khi Jean và bà Weiss bị giết chết, báo chí đăng tải đây là “Những vụ giết người do hung thủ trên xa lộ” gây ra. Cách lấy nhan đề nghe khá hấp dẫn.
– Còn em, em nghĩ sao?
– Em không biết nghĩ sao. Sau khi Ron Thompson bị bắt về tội giết bà Peterson, ở Fairfield County không còn phụ nữ bị giết chết nữa, mãi cho đến tháng trước đây mới xảy ra lại. Bây giờ chúng ta lại có thêm hai vụ giết người không tìm ra được nguyên do. Nhưng những vụ giết người theo kiểu này, tính ra cũng rất đáng kể. Máy vô tuyến điện thoại này kỳ diệu thật đấy, nhưng khi các cô các bà dùng nó để phát sóng kêu gọi người đến giúp khi họ ở một mình hay xe bị hỏng trên xa lộ vắng vẻ, thì đó là một hành động điên cuồng. Vì đây là dấu hiệu mời mọc bọn lưu manh ở trong vùng khi chúng bắt được sóng. Lạy Chúa, năm ngoái đã có một vụ ở Long Island. Một thằng bé 15 tuổi có thói quen bắt các tầng số của cảnh sát để đi đến chỗ xảy ra tai nạn. Cuối cùng người ta tóm được hắn khi hắn đâm một người phụ nữ nhờ hắn giúp đỡ.
– Anh nhất quyết tin rằng đã có một mối liên quan giữa bốn vụ giết người này, và không nhiều thì ít có liên quan đến vụ Nina Peterson – Bob nói – Em cho đó linh cảm của em cũng được, em cứ cho là có nhiều mấu chốt liên hệ nhau, hay là cho như thế nào tùy ý em, nhưng xin em hãy giúp anh.
– Chính em rất muốn giúp anh mà, bây giờ ta bắt đầu tiến hành như thế nào?
– Trước hết phải thiết lập một danh sách ghi rõ nơi chốn, thời gian, nguyên nhân của vụ giết người, vũ khí chúng dùng, điều kiện thời tiết, loại xe, liên hệ với gia đình nhân chứng, những nơi các nạn nhân đi, nơi họ đến. Trong hai vụ mới đây, chúng ta sẽ tính thời gian, từ khi họ gọi người đến giúp qua máy vô tuyến trên xe, đến khi người ta tìm thấy thi hài họ. Khi chúng ta làm xong việc này rồi, chúng ta sẽ so sánh từng chi tiết này với các trường hợp đã xảy ra cho bà Nina. Nếu chúng ta không tìm ra được gì, chúng ta sẽ nghiên cứu dưới một góc độ khác.
Họ bắt đầu làm việc lúc 20 giờ 10, đến 12 giờ đêm. Marge đem vào bốn xấp giấy đánh máy. Chị nói:
– Xong rồi, tôi đánh chừa khoảng cách rất rộng để dễ dàng sửa chữa một vài nơi cần sửa. Nghe cậu bé này nói thật đau lòng. Tôi đánh máy cho tòa án đã 20 năm nay, đã nghe nhiều lời khai, tôi biết cậu ta nói thật, giọng của cậu rất thành thật.
Bob cười uể oải. Anh đáp:
– Ước gì cô là Thống đốc, Marge. Cám ơn nhiều.
– Hai người đã tìm thấy gì chưa?
Kathy lắc đầu.
– Chưa thấy gì, không có gì cả.
– Những trang này có lẽ sẽ giúp anh chị thấy dấu hiệu của vấn đề. Tôi mang cà phê đến cho anh chị nhé? Chắc hai người chưa ăn uống gì.
Mười phút sau, khi chị trở lại, Bob và Kathy đều đang gò người trên hai xấp giấy. Bob đọc to lên, hai người đọc dò lại từng hàng một.
Marge để cà phê lên bàn rồi đi ra, không nói năng gì. Người bảo vệ để cho chị đi ra khỏi cơ quan. Mặc chiếc áo măng tô mùa đông kếch sù ấm áp, chị bước đại ra ngoài trời băng giá để đi đến bãi đậu xe. Chị vừa đi vừa cầu nguyện:
– Lạy Chúa, xin ngài giúp họ tìm ra được trong những tờ giấy kia có cái gì đó để giúp cậu bé ấy, xin ngài giúp hai người ấy tìm ra.
Bob và Kathy làm việc cho đến rạng sáng ngày sau. Kathy nói:
– Bây giờ chúng ta chia tay, em phải về nhà, tắm rửa thay áo quần. Người ta đợi em ở tòa lúc 8 giờ. Và dù sao thì em cũng không muốn người ta thấy anh ở đây.
Bob đồng ý, những từ ngữ trong bản khai nhảy múa loạn xạ trong óc anh như mớ bòng bong. Họ đã đối chiếu nhiều lần bốn bản đánh máy lời khai của Ron về những hoạt động của cậu ta vào hôm xảy ra án mạng. Họ đã tập trung vào thời gian từ khi bà Nina Peterson nói chuyện với cậu ở hãng buôn Timberly cho đến lúc cậu ta trốn chạy khỏi nhà bà. Chẳng có điều nào tương phản đáng chú ý hết. Nhưng Bob vẫn cứng đầu, anh nói:
– Chắc phải có cái gì đấy. Em mang theo số giấy tờ này, và đưa cho anh các danh sách mà chúng ta vừa thiết lập xong về bốn trường hợp giết người kia.
– Anh không thể mang theo hồ sơ được.
– Anh biết, nhưng có thể chúng ta đã bỏ sót một chi tiết nào đó trong khi đối chiếu.
– Chúng ta không bỏ sót đâu, Bob à. – Kathy đáp, giọng nhỏ nhẹ.
Anh đứng dậy.
– Anh sẽ bắt đầu lại tại văn phòng làm việc của anh. Anh muốn đối chiếu bốn trường hợp này với bản sao tờ biên bản án mạng này.
Kathy giúp anh sắp xếp giấy tờ vào kẹp đựng hồ sơ.
– Anh đừng quên cái máy ghi âm, và các cuộn băng cát-sét. – Cô nói.
– Không quên đâu. – Anh quàng tay ôm cô. Một lát, cô áp người sát vào anh – Anh yêu em, Kathy.
– Em yêu anh.
– Ước gì chúng ta có nhiều thì giờ hơn, cái án tử hình mắc dịch này đã làm cho chúng ta mất hết thời gian. Lạy Chúa, tại sao nhiều người cứ đến đây tuyên bố là thằng bé phải chết nhỉ? Khi người ta tìm ra được tên sát nhân thật, thì chắc đã quá muộn cho Ron rồi.
Kathy dùng tay chùi trán, cô đáp:
– Mới đầu, em đồng ý việc tái lập án tử hình bởi vì em thương xót các nạn nhân, lên án bọn tội phạm. Hôm qua, tòa án thiếu nhi đã đưa ra xét xử một cậu bé. Cậu ta 14 tuổi mà có vẻ như mới 11; thân hình da bọc xương, cha mẹ đều nghiện rượu. Khi cậu ta mới 7 tuổi, bố mẹ cậu nộp đơn tố cáo cậu. “Bảy tuổi” – Cậu ta trải qua nhiều trung tâm thiếu nhi phạm pháp kể từ ngày ấy. Và cậu ta cứ tiếp tục bỏ trốn. Lần này, bà mẹ thì gởi đơn tố cáo, còn người cha thì phản bác. Hai người đã ly thân và người cha muốn giữ đứa con
– Chuyện xảy ra như thế nào?
– Em đã thắng. Em nhất quyết phải trả cậu bé về một trung tâm giáo hóa thiếu niên phạm pháp và ông chánh án đồng ý với em. Người cha nghiện ngập không dạy dỗ con cái được. Cậu bé cố tìm cách trốn thoát ra khỏi phòng xử, nhưng người sĩ quan cảnh sát đã kịp thời bắt cậu ta lại. Cậu ta nổi điên lên, la hét ầm ĩ:
– Tôi ghét tất cả mọi người, tại sao tôi không có được một gia đình như “bao đứa trẻ khác”?
– Xét về mặt tâm lý có lẽ cậu ta đã đến giai đoạn quá trễ, không cứu vãn được. Nếu năm sáu năm nữa cậu ta giết người thì chúng ta có đưa nó lên ghế điện không? Chúng ta có quyền ấy không? – Những giọt nước mắt đau khổ trào ra trên mắt cô.
– Anh biết, Kathy. Thế nhưng, tại sao chúng ta lại chọn nghề này? Có lẽ chúng ta cần phải khôn ngoan hơn, như thế em mới thành công được. – Anh cúi người hôn lên trán cô – Anh sẽ gọi điện thoại cho em.
Về đến văn phòng, Bob bắc ấm nước lên bếp điện. Uống tách cà phê đậm làm cho anh tỉnh táo. Anh đắp nước lạnh lên mặt rồi ngồi vào chiếc bàn lớn. Anh sắp các xấp giấy theo thứ tự, liếc mắt nhìn đồng hồ, đã bảy giờ ba mươi. Chỉ còn lại 28 giờ nữa là đến giờ hành quyết, tim anh đập mạnh, cuống họng anh nghẹn ngào.
Không. Đấy chỉ là cảm giác do bị thời gian cấp bách thôi thúc mà ra. Có cái gì đó đã ám ảnh anh, anh nghĩ, phải rồi: “Chúng ta đã bỏ sót cái gì đấy”.
Lần nầy anh không còn nghi ngờ gì nữa, mà chắc chắn là như thế rồi, có điều đã bị bỏ sót rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.