Cậu ấm ngây thơ

Chương 03



Cuối cùng đã đến ngày tôi lên lớp. Lần đầu tiên bước lên bục giảng, tôi có một cảm giác khó tả. Vừa giảng bài tôi vừa tự hỏi mình mà cũng làm thầy ư? Bọn học trò rất mất trật tự. Thỉnh thoảng lại có một tiếng “Thưa thầy” rất to. Tôi phải đối phó gay go với những cái “Thưa thầy” này. Trước đây ở trong trường chuyên nghiệp, ngày nào chúng tôi cũng dùng từ “thầy”, nhưng giữa việc gọi thầy và được gọi là thầy là hai cảm giác khác xa nhau một trời một vực. Tôi cảm thấy ớn lạnh cả xương sống. Tôi không phải là đồ láu cá, cũng không phải kẻ hèn nhát. Nhưng đáng tiếc lại cũng không phải là kẻ bạo gan gì cho lắm. Khi bị gọi “thầy” bằng cái giọng to như thế, tôi giật bắn cả người, giống như giữa lúc bụng đang đói, mà nghe tiếng pháo lệnh nổ báo giờ giữa trưa ở Ma-ru-nô-u-chi(*) vậy.

(*) Marunouchi là khu trung tâm của Tokyo.

Giờ đầu tiên tôi cứ giảng ào ào như một cái máy. May mắn là giờ đó qua đi mà tôi không bị học sinh vặn vẹo gì. Trở về phòng giáo viên, Nhím hỏi: “Thế nào?” Tôi trả lời ù ờ là “Được.” Nghe thế, hắn có vẻ yên tâm.

Giờ thứ hai, khi cầm phấn bước ra khỏi phòng giáo viên, tôi có cảm giác sao mà giống như đang phải đi vào giữa trận địa quân thù vậy. Bước vào lớp, tôi mới biết lớp này toàn bọn lớn hơn lớp trước. Tôi là dân Ê-đô nên dáng nhỏ nhắn thư sinh, dù đứng trên bục giảng trông vẫn không có khí thế chút nào. Nếu là phải đánh nhau thì dẫu có là đô vật, tôi cũng cứ liều xông vào, muốn ra sao thì ra. Đằng này, trước bốn chục học trò to bự này, tôi chỉ có quyền dùng cái lưỡi của mình để ra oai với chúng. Cho nên quả thật tôi chưa biết phải làm thế nào. Nhưng tôi nghĩ, với bọn nhà quê này, nếu ngay từ đầu mà để cho chúng có ấn tượng coi thường mình thì chúng sẽ quen đi, không bao giờ sửa được. Nghĩ thế, tôi cố hết sức lấy giọng thật dõng dạc, với những âm thanh phát ra hơi uốn lưỡi để giảng cho oai. Đầu tiên, bọn học trò cũng bị đánh hỏa mù trước thái độ đó của tôi nên hơi bỡ ngỡ và nghe yên lặng. Tôi đắc ý, liền tuôn ra liến láu những ngôn từ của đường phố Tokyo với giọng nói địa phương Tokyo của mình. Bỗng có một thằng trông có vẻ to con nhất, ngồi ngay giữa bàn đầu, đứng phắt lên “Thưa thầy!” Thôi chết rồi! Tôi chột dạ và hỏi nó “Có vấn đề gì?” Nó nói:

– Nói nhanh như thế thì làm sao mà hiểu được? Nói từ từ một chút không được hở?

“Không được hở?!” Lời lẽ rất mập mờ, xấc xược.

– Được. Nếu nhanh thì tôi sẽ nói chậm lại. Nhưng tôi là dân Ê-đô, tôi không thể nói giọng địa phương như các em được. Còn nếu không hiểu thì phải chờ, dần dần rồi sẽ hiểu – Tôi trả lời chúng.

Với tình hình như thế, giờ thứ hai xem ra cũng sẽ suôn sẻ. Nhưng đến lúc sắp hết giờ thì có một thằng đến gần chỗ tôi:

– Này, thầy giải cho bài toán này được không hở?

Nó đưa ra một bài hình học hóc búa, xem chừng khó mà giải nổi làm tôi toát mồ hôi. Không biết làm thế nào, tôi liền bảo bây giờ hết giờ rồi, thôi để giờ sau. Nói xong tôi vội vã ra khỏi lớp. Lũ học trò lập tức reo ồ lên. Tôi nghe tiếng một thằng nói “cóc giải được, cóc giải được!”

Bọn mất dạy! Thầy thì thầy chứ. Không làm được thì có gì là ghê gớm đâu? Không làm được cái mà người ta không thể làm được là một chuyện kì lạ, ghê gớm lắm hay sao? Nếu cái gì cũng làm được cả thì làm sao người ta phải về cái xó nhà quê này mà nhận mỗi tháng bốn chục yên tiền lương?! Tôi vừa đi về phòng nghỉ của giáo viên vừa ấm ức nghĩ trong bụng.

– Giờ này thế nào? – Nhím lại hỏi.

– Ừ, – Tôi trả lời. Chỉ ừ thôi chưa bõ tức, tôi nói thêm:

– Học trò trường này chẳng hiểu biết gì cả, chán bỏ xừ!

Nhím ớ ra, chẳng hiểu đầu đuôi ra làm sao nữa.

Giờ thứ ba, thứ tư, rồi giờ đầu buổi chiều đại loại cũng như thế. Ở tất cả các lớp mà tôi lên dạy giờ đầu tiên, ở đâu cũng có trục trặc nho nhỏ. Làm nghề dạy học đúng là chả sung sướng gì như người ngoài vẫn tưởng. Hết tiết dạy rồi nhưng vẫn chưa được về ngay, phải một mình nấn ná cho đến tận ba giờ chiều mới được về. Bởi vì ba giờ học sinh lớp mình chủ nhiệm mới quét dọn lớp học xong, đến báo cáo. Rồi mình phải kiểm tra, sau đó về kiểm tra sổ sách, số báo danh trong ngày… Xong xuôi đâu đấy mới được coi là hết việc. Dẫu rằng đó là việc bán thân đổi lấy đồng lương, nhưng kiểu đâu lại có cái luật lệ bắt con người ta phải giam hãm trong trường suốt cả những lúc rảnh rỗi để ngồi ngắm những cái bàn không bao giờ? Nhưng tất cả mọi người đều ngoan ngoãn chấp hành, chả lẽ một mình tôi mới đến lại bướng bỉnh không nghe thì đâu có tiện. Nghĩ thế cho nên tôi cố bấm bụng mà chịu. Trên đường về, tôi nói với Nhím:

– Này cậu, cái kiểu ở đâu lại bắt cứ phải ở trường cho đến ba giờ chiều như thế nhỉ. Tôi thấy dở hơi lắm.

Nhím cười hớ hớ:

– Đấy, nó vậy đấy.

Sau đó hắn nghiêm nghị nói với tôi, vẻ như khuyên:

– Này, cậu không nên nói ra những điều bất bình về trường nhiều, không có lợi đâu. Có nói thì chỉ nói với một mình tớ thôi. Ở đây cũng có nhiều kẻ khác thường lắm.

Đến ngã tư, mỗi người rẽ sang một ngả, tôi không kịp hỏi xem khác thường nghĩa là thế nào?

Vừa về đến nhà, lão chủ nhà chạy ngay đến rủ uống chè. Nghe hắn rủ pha chè nhé, tôi tưởng hắn pha chè đãi tôi. Ai ngờ, hắn lấy chè của tôi ra pha và ngồi uống rất tự nhiên. Kiểu này chắc lúc tôi đi vắng, hắn vẫn pha chè của tôi uống tự nhiên thế này đây. Theo lão nói thì:

– Tôi rất thích những tranh ảnh, thư tịch cổ có giá trị nghệ thuật nên đã tự mở ngôi hàng này. Trông anh cũng có vẻ phong lưu. Thế anh có thích theo đuổi cái sở thích tao nhã này không?

Hắn rủ rê, gạ gẫm tôi một cách dở ẹc. Cách đây hai năm, có một lần, có một người vì có chút việc nên nhờ tôi đi vào khách sạn Đế Quốc, và tôi đã bị người ta tưởng nhầm là thợ chữa khóa. Còn hồi đi thăm tượng Phật ở Ka-ma-ku-ra, tôi khoác chiếc chăn lông, đã bị chủ nhà xe gọi là ông chủ thầu. Ngoài ra, từ trước tới nay tôi đã từng bị nhầm rất nhiều lần, nhưng bao giờ người ta cũng nhầm tôi là đồ đáng bỏ tù, chứ chả có ai nhìn tôi thành kẻ phong lưu, cao quý bao giờ. Cứ nhìn qua dáng dấp của tôi thì cũng đủ biết. Nếu là người phong lưu thì khi ngắm tranh, đầu phải đội khăn xếp, tay phải cầm giấy bút chứ. Nếu một người nào đó nghiêm chỉnh nói rằng tôi là một người phong lưu thì người đó quyết không phải là một người bình thường! Tôi nói là tôi ghét cay ghét đắng cái kiểu sống ẩn dật, nhàn nhã của những loại người như vậy thì hắn cười hề hề:

– Không, đầu tiên thì cũng chả mấy ai thích ngay đâu. Nhưng khi đã vào con đường này rồi thì khó mà dứt ra được nữa! Vừa nói hắn vừa rót chè uống một mình trông rất kì quặc. Thực ra, tối qua tôi đã nhờ tay chủ nhà mua cho một ít chè. Nhưng hắn mua loại chè nặng và chát này tôi không thích. Chỉ uống vào một chén là bụng cồn cào, khó chịu ngay. Tôi bảo lần sau ông mua cho tồi loại chè đỡ đắng hơn một chút. Hắn vâng dạ rối rít rồi lại rót tiếp chén nữa. Đúng là lão ta nghĩ đây là chè của người khác nên cứ việc uống tì tì, vô tội vạ. Tay chủ nhà đi khỏi, tôi chuẩn bị bài ngày mai một chút rồi đi ngủ ngay.

Từ đó, ngày ngày tôi vẫn lên lớp đều đặn như quy định của nhà trường và ngày nào về, lão chủ nhà cũng đến gạ pha chè uống. Chỉ một tuần là tôi đã quen với cách làm việc ở trường cũng như hiểu được đại khái về hai vợ chồng lão chủ nhà. Những giáo viên khác bảo là những người mới đến nhận việc, khoảng một tuần lễ cho đến một tháng đầu tiên là cái khoảng thời gian mà người ta hay để ý đến việc những người xung quanh đánh giá về mình thế nào. Nhưng tôi, tôi không cảm thấy như thế.

Những khi lên lớp, thỉnh thoảng gặp phải những trục trặc, tôi chỉ cảm thấy buồn lúc đó. Sau đó ba mươi phút là tôi quên hết. Tôi là một kẻ dẫu có muốn lo xa cái gì cũng không lo được. Hầu như tôi không để ý gì đến việc những thất bại trong giờ giảng của tôi đã ảnh hưởng thế nào đối với học sinh, hay đã làm cho ông hiệu trưởng và ông hiệu phó có nhận xét thế nào về mình.

Như tôi đã nói, tôi không phải là một kẻ gan dạ anh hùng gì, nhưng là người rất kiên quyết, dứt khoát. Nếu trường này không cần tôi thì tôi sẵn sàng đi nơi khác ngay. Cho nên tôi chẳng sợ gì cái ông Ta-nu-ki mắt ốc nhồi cũng như cái tay Áo Đỏ. Ở trên lớp, tôi cũng chẳng cần phải uốn éo để lấy lòng bọn nhãi ranh làm gì. Ở trường như thế là xong. Nhưng ở nhà trọ thì lại không đơn giản như vậy. Nếu như lão chủ nhà chỉ có gạ gẫm uống chè không thôi thì tôi còn chịu nổi. Đằng này, mỗi lần đến, hắn lại mang theo một cái gì đó và gạ tôi mua. Lần đầu tiên, hắn mang đến và bày ra một chục thanh gỗ nguyên liệu làm con dấu khắc ấn và bảo tôi tất cả là ba yên, rẻ đấy, mua đi. Tôi bảo tôi không phải là thợ vẽ quèn, đi vẽ rong nên tôi không cần những thứ này. Hắn bảo thế à, rồi lần sau lại mang tới một bức tranh hoa điểu mà hắn bảo là của họa sĩ Ka-zan, Ka dủng gì đó. Hắn vừa treo bức tranh lên hốc tường vừa bảo:

– Vẽ cũng được đấy chứ nhỉ?

Tôi trả lời qua quýt:

– Ừ, có lẽ được đấy.

Thế rồi hắn giải thích là có hai họa sĩ tên là Ka-zan(*). Một Ka-zan là gì gì đó. Còn một Ka-zan nữa là gì gì đó… tôi chẳng thèm để ý đến sự giảng giải vô tích sự của hắn. Hắn lại gạ:

(*) Ngụ ý nói về Watanabe Kazan, họa sĩ vẽ chân dung nổi tiếng (1793-1841) và Yokoyama Kazan, họa sĩ Kyoto (1784-1837).

– Thế nào? Nếu thầy mua thì tôi để cho thầy mười lăm yên đấy. Mua đi!

Tôi bảo tôi không có tiền. Hắn vẫn dai dẳng:

– Tiền nong lúc nào đưa cũng được mà. Cứ mua đi.

– Có tiền tôi cũng không mua. Ông đi đi. – Tôi cáu tiết, đuổi cổ hắn.

Một lần khác, hắn lại vác một cái nghiên mài mực to, trông giống như hòn ngói úp.

– Đây là nghiên Đoan Khê, Trung Quốc. Nói là Đoan Khê thì loại một phiến hay hai phiến đều là Đoan Khê.

Tôi nghe thấy hay hay nên hỏi Đoan Khê là cái gì? Hắn liền giảng giải:

– Đoan Khê thì có các loại thượng tầng, trung tầng, hạ tầng. Những cái gần đây toàn là thượng tầng cả. Nhưng cái này thì đúng là trung tầng thật. Đây, cứ nhìn cái mắt của nó mà xem. Loại ba mắt này thì thật là hiếm. Độ cạo mực của nó cũng rất tuyệt. Anh cứ thử dùng mà xem. Hắn chìa vào mặt tôi chiếc nghiên to tướng. Tôi hỏi bao nhiêu, hắn nói:

– Người có cái nghiên này đã mang nó từ Trung Quốc về, họ rất muốn bán nên để rẻ thôi, ba mươi yên đấy.

Tay này đúng là một thằng dở hơi. Ở trường dù có thế nọ thế kia rồi thì cũng xong. Nhưng gặp phải một thằng cha buôn đồ cổ thế này thì khó mà chịu được lâu.

Trong thời gian đó, dần dần tôi đã chán trường học. Một buổi tối, tôi đi dạo phố Ô-ô-ma-chi, khi đến trước cửa nhà bưu điện thấy có biển đề “Hiệu phở”(*), bên dưới có chữ thêm “Phở Tokyo”. Tôi rất mê phở. Hồi ở Tokyo, mỗi lần đi ngang qua hiệu phở, ngửi thấy mùi nước dùng bay ra là tôi không thể nào không chui vào giữa những tấm rèm Nô-rên(**) cho được. Từ hôm đến đây, môn toán và những món đồ cổ đã làm cho tôi quên mất phở. Hôm nay nhìn thấy biển này thì tôi không thể bỏ đi được. Hãy vào làm một bát đã. Tôi nghĩ thế và bước lên thềm.

(*) Xô-ba – Loại mì nước giống như phở, sợi mì làm từ bột Kiều Mạch. Mì Xô-ba hay udon đối với người Nhật cũng giống như phở đối với người Việt Nam nên ở đây dịch là phở cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

(**) No-rên là những mảnh vải giống như một loại Y môn được treo ở các cửa hiệu buôn bán, là biển hiệu của cửa hàng.

Vào trong mói biết, hiệu phở này không oai như biển đề ngoài cửa. Nếu quả muốn làm ra vẻ là có liên quan đến Tokyo đây, thì phải sạch sẽ hơn một chút. Nhưng chủ hiệu này, hoặc là chưa hề biết Tokyo, hoặc là không có nhiều tiền nên cửa hàng rất lèm nhèm, bẩn thỉu. Chiếu trải sàn thì bạc phếch, lại còn lạo xạo những cát. Tường thì đen nhèm những vệt bụi than. Trần nhà thì muội đèn bám đen kịt, thấp lè tè như đè ngay lên đầu khách. Riêng có cái bảng thực đơn viết “Xô-ba” và giá thì được viết nắn nót và quả là mới thật. Chắc là mua lại một cái cửa hiệu cũ rích rồi mới sửa sang được vài ba hôm chăng? Trên bảng thực đơn, món ghi đầu tiên là ten-pu-ra xô-ba(*).

(*) Phở tenpura – loại mì nước có cái là tenpura. Tenpura là các loại tôm, cá, rau, quả… tẩm bột rán.

– Cho một bát ten-pu-ra!

Tôi dõng dạc gọi. Lập tức có ba người, từ nãy đến giờ vẫn đang xì xụp ăn cái gì đó ở trong một góc, đồng loạt quay ra nhìn tôi. Vì phòng tối nên tôi không biết. Khi giáp mặt mới hay đó toàn là bọn học sinh trong trường. Mấy đứa chào tôi nên tôi cũng chào lại. Đã lâu mới được ăn phở, tối hôm đó thấy ngon, tôi đánh liền bốn bát phở ten-pu-ra.

Sáng hôm sau tôi thản nhiên bước vào lớp. Trên bảng, một dòng chữ viết to gần kín cả bảng “Thầy TEN-PU-RA”. Vừa thấy mặt tôi, cả lớp cười ồ lên. Tôi hỏi:

– Sao? Ăn ten-pu-ra thì buồn cười đến thế cơ à?

Một thằng nói:

– Nhưng mà ăn những bốn bát thì nhiều quá chứ lị.

– Bốn bát hay năm bát thì tiền của tôi tôi ăn, mặc tôi, có liên quan gì đến các anh?

Tôi nói và bắt đầu dạy ngay, giảng liền một mạch cho đến hết tiết và đi ngay về phòng giáo viên.

Hết mười phút giải lao, tôi sang lớp khác. Ở đây, trên bảng lại viết:

“Một là: Ten-pu-ra thì bốn bát. Nhưng cấm cười.”

Lúc trước tôi không thấy bực lắm nhưng đến đây thì tôi rất tức. Đùa gì thì cũng phải có chừng có mực thôi chứ. Hóa mù ra mưa, thật là quá trớn. Quá đáng thế này, ai mà chịu nổi. Có lẽ cái bọn nhà quê này chưa gặp phải sự phản ứng nào bao giờ cho nên chúng nghĩ muốn đùa bao nhiêu cũng được. Sống trong cái thị trấn chật hẹp này, chỉ đi bộ một tiếng đồng hồ là chẳng còn chỗ nào đáng đi nữa, lại không có một trò vui văn nghệ, giải trí gì, nên đối với chúng, một sự kiện Ten-pu-ra chúng coi ghê gớm hơn cả chiến tranh Nhật Nga. Thật là thảm hại! Từ nhỏ chúng đã được giáo dục như thế, cho nên chúng trở thành những tiểu nhân cằn cỗi như cây phong trong chậu cảnh. Nếu ngây thơ thì cười cùng với chúng cũng chẳng sao. Nhưng thế này là thế nào? Nhóc con mà đã mang tâm địa độc ác. Tôi lẳng lặng xóa dòng chữ và hỏi:

– Các cậu cho cái trò này là hay ho lắm à? Một sự vui đùa thật bỉ ổi. Các cậu có biết bỉ ổi là thế nào không?

– Bị chế giễu về cái mình đã làm mà nổi cáu thì mới là bỉ ổi chứ lị! Một thằng trả lời. Thật là một thằng mất dạy. Mình mất công từ Tokyo đến đây để mà dạy dỗ cái bọn này ư? Tôi thấy ngán ngẩm trong lòng.

– Thôi, vừa vừa cái mồm chứ, đừng có nói chày bửa nữa. Học đi. Tôi nói và bắt đầu giảng bài.

Giờ sau, lên lớp khác lại có dòng chữ “Ăn ten-pu-ra thì muốn đánh trống lảng, không thích nói chày bửa.”

Không thể trị nổi! Tức quá, tôi bảo: “Tôi không thể dạy cho cái bọn hỗn láo này được!” và bỏ về thẳng. Không phải học, bọn học trò có vẻ rất khoái.

Như thế này thì so với ở trường, cái trò đồ cổ còn dễ chịu đựng hơn. Sau một đêm ngủ dậy, chuyện ten-pu-ra xô-ba cũng không còn làm tôi khó chịu nữa. Tôi lên lớp. Bọn học sinh chẳng hiểu sao cũng đến đông đủ cả. Được ba ngày tiếp theo mọi sự đều êm thấm. Đến ngày thứ tư, buổi tối, tôi đi ăn bánh trôi ở phố Su-mi-ta. Su-mi-ta là phố có suối nước nóng, cách thị trấn khoảng mười phút đi tàu hỏa, còn nếu đi bộ thì mất khoảng ba mươi phút. Ở phố này có quán ăn, nhà tắm nước nóng, công viên và cả nhà chơi cô đầu. Cái tiệm bánh trôi mà tôi đến ăn nằm ngay ở ngõ đi vào nhà cô đầu, ngon nổi tiếng. Trên đường đi tắm nước nóng về, tôi ghé vào ăn thử. Lần này tôi không gặp thằng học trò nào nên yên tâm là không ai biết. Ai ngờ, sáng hôm sau lên lớp, ngay giờ đầu tiên trên bảng đã có dòng chữ: “Bánh trôi, hai đĩa bảy xu”. Đúng là tôi đã ăn hai đĩa bánh trôi và trả bảy xu thật. Thật là một lũ của nợ, ranh ma. Giờ thứ hai nhất định lại có cái gì đây! Tôi nghĩ bụng thế và y như rằng: “Bánh trôi cô đầu, ngon ơi là ngon”, chúng viết. Quân bất trị. Thật là hết chỗ nói.

Chuyện bánh trôi rồi cũng qua đi. Bây giờ lại đến chuyện chiếc khăn tắm màu đỏ. Chuyện này có một duyên do chẳng lấy gì làm hay ho lắm. Chả là, từ khi đến đây, ngày nào tôi cũng đi tắm nước nóng ở Su-mi-ta. So với Tokyo thì ở đây chẳng có gì đáng bằng gót chân, nhưng riêng khoản suối nước nóng thì phải nói là tuyệt vời. Đã cất công đến tận vùng này, tội gì mà không tận dụng. Tôi nghĩ thế và quyết định là ngày nào cũng phải đi tắm nước nóng. Hàng ngày, trước bữa ăn tối, tôi đi đến đó như một hình thức đi dạo để vận động cơ thể. Mỗi khi đi, bao giờ tôi cũng mang theo một chiếc khăn tắm to. Chiếc khăn này, ngâm trong nước nóng, màu đỏ phai ra, làm cho khăn có màu hồng hồng. Khi đi, khi về, lúc đi tàu điện, lúc đi bộ, bao giờ tôi cũng xách chiếc khăn toòng teng trong tay. Thế là bọn học trò chúng gọi tôi là “ông khăn hồng”.

Sống ở cái xứ chật hẹp này, sao mà chúng nó lắm chuyện thế không biết!? Vẫn chưa hết.

Nhà tắm có ba tầng, mới được xây dựng. Phòng tắm hạng nhất có cho mượn áo khoác, có người phục vụ kì lưng thì giá tám xu. Dùng loại phòng này còn được các cô gái bưng trà ra tiếp trên những bộ khay chén Thiên Mục. Bao giờ tôi cũng vào phòng tắm loại một này. Thế là lại bị nói: “Lương tháng có bốn mươi yên mà ngày nào cũng vào phòng tắm loại một. Sao mà xa xỉ thế.” Đúng là một sự quan tâm thừa. Lại còn chuyện thế này nữa.

Bồn tắm rộng khoảng chừng mười lăm chiếu, có thành lát đá hoa cương. Bình thường, bồn chứa khoảng mười bốn, mười lăm người vào ngâm cùng một lúc. Nhưng thỉnh thoảng chỉ có mỗi một mình tôi. Nước trong bồn sâu đến ngang ngực, nếu mà bơi trong đó để vận động cơ thể thì rất khoái. Vì vậy, cứ hễ thấy không có ai là tôi lại bơi trong bồn, rất khoái chí. Một hôm, đang từ tầng ba đi xuống, hăm hở nghĩ trong bụng “Hôm nay nhất định mình phải bơi mới được,” thì vừa thò đầu vào cửa phòng tắm đã thấy một cái biển to tướng viết bằng chữ đen “Không được bơi trong bồn tắm”. Bơi trong bồn tắm thì chẳng có ai ngoài tôi. Cái biển này chắc là mới được chế tạo đặc biệt dành riêng cho tôi đây. Từ đó tôi không bơi nữa. Không bơi nữa, vậy mà khi đến trường lại giống như những lần trước, trên bảng, một dòng chữ to tướng “Không được bơi trong bồn tắm” làm tôi giật mình. Tôi cảm thấy tất cả bọn học sinh trong trường đều là thám tử, chuyên môn theo dõi chỉ riêng có một mình tôi. Tôi thấy não cả ruột. Tôi không phải loại người vì bị học sinh nói này nói nọ mà từ bỏ những ý định hay những việc mình đã định làm. Nhưng cứ nghĩ là sao mình lại đi đến cái nơi khốn khổ, khỉ ho cò gáy, toàn một lũ ếch ngồi đáy giếng này, thì tôi lại thấy ngán ngẩm trong lòng. Ở trường đã thế, về đến nhà lại gặp cái chuyện đồ cổ kia nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.