Cậu Bé Gù Francois

Chương 8 Một bất ngờ khó chịu nhưng không làm hại gì hết



Những ngày đẹp đẽ mùa xuân đã tới khiến cho những người trong lâu đài của ông de Nancé thấy nơi thôn dã họ đang ở trở nên dễ chịu hơn. Paolo trở nên một nhân vật quan trọng rất cần thiết. Tận tụy, giàu tình cảm, lúc nào ông cũng sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của mọi người. Với ông de Nancé, Paolo giúp những công việc làm ăn, những tính toán tiền nong, thu xếp tủ sách, những chuyến đi xa và nhiều công việc khác, mọi việc ông đều làm chu đáo, năng nổ không gì cản được. Với lũ trẻ, là những việc chúng nhờ ông làm giúp, những chuyện khâu vá, sáng tạo những trò chơi, những bài học về nghề mộc, tập thể dục, những buổi dựng lều, làm vòm lá cùng nghìn thứ sáng kiến khác nảy sinh trong bộ óc phong phú của cái ông Paolo kỳ cục, lạ lùng nhưng tận tụy và rất yêu người. Ông de Nancé mời ông đến ở ngay tại lâu đài, việc dạy dỗ Franơois và Christine đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức chăm nom. Ông trả công cho ông Paolo một trăm franc một tháng về công dạy hai đứa trẻ.

Ông bà des Ormes dường như quên là mình còn có một cô con gái, trừ hầu như tháng nào cũng có một bức thư của ông des Ormes viết cho Christine. Cô bé không bao giờ nghe thấy nói về ba má của mình. Bà des Ormes không một lần biết đến những nhu cầu về ăn mặc hay sách vở, về âm nhạc, về tất cả những gì cần có để giáo dục con cái. Christine còn chưa nghĩ đến những chi tiết đó, nhưng cô bé có cảm giác mơ hồ và nặng nề là cô bị cha mẹ bỏ rơi, và một tình cảm trìu mến đầy biết ơn đối với những gì ông de Nancé đã làm để giáo dục cô, làm cho cô mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Cô bé cũng rất biết ơn công lao ông Paolo chăm sóc dạy cô học.

Cô bé yêu rất chân thành ông thầy giáo, còn Paolo, về phần ông, ông rất mến và khen ngợi cô bé thông minh, mau hiểu và chóng nhớ những gì cô học. Christine vừa tròn mười tuổi, cô bé bắt đầu được học từ năm lên tám, cô học piano, tiếng Ý, lịch sử, địa lý, học vẽ, cô học tiến bộ ngang những em mười, mười một tuổi. Vậy là em đã gỡ lại được thời gian bị mất đi.

Cô vú Isabelle cũng tạo nơi Christine một tình cảm quyến luyến đầy kính trọng. Cô bảo mẫu luôn luôn cám ơn thằng Franơois yêu quý của cô đã năn nỉ để cô quyết định nhận trông coi Christine.

– Franơois yêu quý của ta, con đã tạo cho ta một vị trí vô cùng sung sướng giữa con và Christine trong ngôi nhà của người cha tuyệt diệu của con. Hạnh phúc của mẹ thực đầy đủ, mong sao nó bền vững mãi mãi!

Hạnh phúc đó kéo dài cho đến mùa hè. Một ngày tháng bảy, trong lúc lũ trẻ với sự giúp sức của ông de Nancé và Paolo, đang xây một cái nôi bằng một vòm lá, dưới chân có những cây leo, thì một người đàn bà xuất hiện giữa họ: đó là bà des Ormes. Mọi người ngạc nhiên cứ đứng im không động đậy, cuộc đến thăm không có một chút gì linh cảm thấy trước.

Bà des Ormes:

– Ạ này, sao mọi người không nói gì hết?

Ông de Nancé lạnh lùng chào bà, không nói một lời. Paolo lúng túng chào, Christine định ra ôm hôn mẹ thì bà des Ormes ngăn ngay lại, bà sợ cô bé gây nguy hiểm cho cái cổ áo thêu ren và cái mũ của bà. Bà cầm lấy hai tay Christine, hôn lên trán cô bé, đưa mắt nhìn, vẻ đầy ngạc nhiên:

– Con mới chóng lớn làm sao! Tao lấy làm xấu hổ vì có đứa con gái lớn nhường này! Trông mày như đứa mười tuổi ấy!

Christine:

– Thưa má, con lên mười đã tám hôm nay rồi.

Bà des Ormes:

– Con bé này, mày nghĩ mày biết rõ tuổi mày hơn tao hẳn! Tao nói là mày lên tám và tao cấm mày không được cãi lại.

Mọi người lặng im, bà ấy đã nhầm. Bà des Ormes:
– Ông de Nancé, tôi xin cám ơn ông đã trông nom con bé Christine quá lâu, hẳn nó đã khiến ông bực mình.

Ông de Nancé:

– Trái lại, thưa bà, cháu nó đã giúp chúng tôi qua được một mùa đông và một mùa xuân cực kỳ dễ chịu.

Bà des Ormes:

– Vậy thì… nếu ông vui lòng giữ nó cho đến lúc ông nhà tôi trở về! Tôi bận nhiều việc quá, thu xếp biết bao nhiêu công việc trong cái lâu đài ấy! Tôi rất cần căn phòng của con Christine vì tôi đang đợi rất nhiều khách. Nếu không, tôi sẽ phải đưa nó lên ở trên gác xép sát mái nhà, như vậy con bé sẽ khổ sở lắm. Rồi nó sẽ buồn đến chết được, vì khi nhà có khách, tôi không thể để cho nó xuống phòng khách được. Nó bây giờ lớn quá không thể để…mất thời giờ của nó. Ông sẽ trả lại nó cho tôi khi nào tôi có một mình…

Ông de Nancé:

– Thưa bà, xin bà cứ giao nó cho tôi khi bà muốn và trong thời gian lâu nhất bà có thể. Tôi và con trai tôi, chúng tôi rất sung sướng được trông coi cô bé.

Bà des Ormes:

– Con trai ông! à phải! Đúng đấy. Cậu bé xinh đẹp đằng kia phải không? ại may quá! Chú bé đã không lớn lên như một cái sào! A, Paolo, lại đây, tôi đang cần đến ông. Thôi chào con, Christine… à nhân tiện, Christine, con không cần về nhà để gặp má. Ông de Nancé thân mến, ông đừng để con bé về nhà, tôi sẽ đến nhà ông ở đây để thăm nó… ạ này, Paolo đâu rồi?

Và bà des Ormes vội vã để về nhà và đi tìm Paolo, người bà đang cần giúp bà làm một số công việc.

Phải mất mấy phút ông de Nancé mới hết ngạc nhiên. Một bà mẹ, sau tám tháng xa cách, nay gặp lại con gái mà không có một chút gì tỏ vẻ là vui, là xúc động! Mà chỉ để ý đến bây giờ nó lớn quá và nó bao nhiêu tuổi thôi. Thật còn đáng khả ố hơn cái thái độ thờ ơ không hỏi đến con trong thời gian qua. Lòng thương cảm của ông de Nancé đối với Christine khiến ông thấy bất bình trước thái độ quá lạnh nhạt đó.

Franơois và Christine còn chưa hết sợ sẽ phải xa nhau và nỗi kinh ngạc khi cảm thấy lại được xum họp trong một thời gian dài.May thay, hai trẻ hãy còn được ở bên nhau trong một thời gian. Mừng quá lũ trẻ nhảy cỡn lên, vỗ tay reo hò. Chợt thấy Paolo ở đâu xuất hiện, vẻ mặt còn quá sợ hãi, mắt đưa nhìn tứ phía xem mụ Méduse đã biến hẳn chưa.

Paolo:

– Tôi trốn đằng sau một cây to! Tôi run cả người, sợ bà ta trông thấy và sẽ kéo tôi ra khỏi chỗ nấp. Một signora kinh khủng!

Những người ở trong lâu đài de Nancé chỉ biết là ông bà des Ormes có về nhà, qua những lần rất hiếm hoi họ nhìn thấy bố mẹ cô Christine xuất hiện. ông des Ormes cho bà vợ ông cấm không cho con gái về nhà là đúng:

– Mẹ con lúc nào cũng bận khách. Cứ phải đến đây tìm con mang về sẽ khiến khó khăn khi có khách, các ông, các bà ấy đến chơi, lại còn phải đánh xe đưa họ đi dạo nữa. Vả lại, ông de Nancé có lòng tốt nhận trông coi con, vậy là ba má được yên tâm về phần con. Và ba cũng tin chắc con sẽ không lấy làm bực mình khi ba má thu xếp như vậy.

Christine:

– Thưa ba, con không hề thấy bực mình, mà trái lại, con rất sung sướng được ở với ông de Nancé tốt bụng. Con còn muốn gọi ông ấy là ba của con, nhưng ông ấy không muốn vì ông ấy nghĩ con gọi như vậy sẽ làm ba buồn.

Ông des Ormes:

– Không, ba không buồn chút nào. Con muốn gọi ông ấy thế nào là tùy ở con. Thôi, chào con gái. Ba sẽ đến thăm con luôn. À này, con đã biết việc bác gái con và dượng con đã đến ý ở mấy năm chưa? Ta lo lắng cho sức khỏe của bác gái con, bà chả vốn đau ở lồng ngực.

Ông des Ormes vừa đi khỏi, Christine liền chạy ngay đến nhà ông de Nancé.
Cô bé bước vào nhà như bị cuốn bởi một cơn lốc.

– Ba ơi ba! Từ nay con có thể gọi ba như con muốn. Ba con đã cho phép con như vậy. Ba chẳng bảo đã làm cho con những gì ba sẽ làm nếu con là con ruột của ba đấy ư? Ba chẳng đã yêu con như con gái đẻ của ba, một đứa em gái của anh Franơois đấy ư? Thế ba không thấy con đã yêu ba như ba là ba đẻ thực sự của con đấy sao? Vậy tại sao ba cứ nói với con như với một người xa lạ thế? Xin ba hãy để con gọi ba là ba của con!

Nói xong, Christine quỳ xuống trước mặt ông de Nancé, áp đôi môi xuống bàn tay ông, ngước mắt lên nhìn ông.

Ông de Nancé đỡ Christine dậy, ôm cô bé vào lòng, hôn cô rồi nói:

– Con gái của ta! Con hãy gọi ta là ba đi và tin rằng ba thực sự là ba đẻ của con, và con đối với ta là một đứa con gái đáng yêu, một đứa con gái được yêu thương rất mực.

Mùa hè trôi qua như vậy, rất thanh bình đối với Franơois và Christine. ông de Nancé từ chối mọi lần ông bà des Ormes mời sang dự những cuộc vui. Có một lần rất hiếm, bà des Ormes sang thăm, bà trách ông de Nancé:

– Ông de Nancé, ông rất là tệ, vợ chồng tôi mời ông bao nhiêu lần, ông không thèm đến, ông không thèm dự những ngày hội tôi tổ chức rất chi là vui.

Ông de Nancé:

– Thưa bà, không đi được thực sự tôi thấy không vui, nhưng vì bổn phận của người cha thường không phù hợp với những thú vui trên đời; tôi thấy qua một buổi tối với các con ở nhà còn hơn là đi dự những buổi dạ hội linh đình. Tôi nói với các con, vì ông bà đã ưng cho tôi nhận Christine làm con, đúng phải không?

Bà des Ormes:

– Phải, phải! ông muốn giữ nó bên này bao lâu cũng được! Thế nhưng bây giờ nó đâu rồi? Tôi đến để thăm nó.

Ông de Nancé:

– Thưa bà, tôi sẽ cho gọi cháu xuống, cháu đang học nhạc với ông Paolo.
Ông bấm chuông bảo người hầu mời Christine xuống. Bà des Ormes:
– Về ông Paolo, đã lâu lắm tôi không được gặp ông ta. Tôi đang cần đến ông ấy để trang trí sân khấu. Chúng tôi sắp diễn vở Nàng Tiên ngủ trong rừng. Tôi sẽ đóng vai Nàng Tiên.

Christine chạy vào nói:

– Thưa ba, ba cho gọi con?

Bà des Ormes:

– Christine, mày làm gì mà nói to thế? Mày tưởng đây là chuồng ngựa hẳn?
Tại sao mày lại gọi ông de Nancé là ba của con? Christine:
– Con xin lỗi má, con tưởng trong này chỉ có một mình ba con. Còn ba con đã cho phép con gọi ông de Nancé là ba của con! Vì ông đã đối với con rất tốt, thưa má.

Bà des Ormes:

– Chà! Chà! ý hay đấy!Chà chà! ông des Ormes này thực là ngu ngốc!

Ông de Nancé cảm thấy sự việc có chiều trở nên xấu cho Christine đang sững sờ nín lặng, ông thấy cần phải can thiệp, liền nói:

– Thưa bà, Christine đã tỏ ra quá nặng ơn với chút ít mà tôi đã tạo cho cháu. Tôi không bao giờ quên rằng cháu là con đẻ của ông bà và, chăm lo cho cháu là tôi phục vụ bà đấy; với tôi, cháu sẽ là một cái gì đáng quý để làm kỷ niệm mãi mãi về bà..

Bà des Ormes sung sướng quá, bắt tay ông de Nancé và hôn lên trán Christine, bà nói:

– Christine, con nói có lý đấy, con hãy yêu mến ông de Nancé đi… và gọi ông là ba vì ông đây còn tốt bằng trăm lần ba đẻ của con. Thôi xin chào ông de Nancé, tôi sẽ luôn luôn đến thăm ông. ông đừng có sợ là tôi sẽ đến lấy mất con Christine của ông đi đâu. Không, không, vì ông đã quyết định thế, thì ông cứ giữ nó lại để làm kỷ niệm về tôi. Thôi xin chào, ông bạn thân.

Ông de Nancé cúi chào trân trọng và tiễn bà des Ormes ra tận xe. Bà lên xe và ông de Nancé cứ tưởng đã rũ được bà ta nào ngờ lại thấy bà ta xuống xe và đứng trên bậc thềm, bà nói:

– À tôi còn quên ông Paolo! Christine, con đi tìm ông ấy cho ta… Một lát, Christine trở về, thở không ra hơi:

– Thưa má, con không thấy ông ấy ở đâu cả. Chắc không biết có má ở đây nên ông ấy đã đi đâu rồi đấy.

Bà des Ormes:

– Thật bực mình quá! Sao mọi người lại không bảo với ông ấy là có tôi ở đây. Thấy tôi, chắc ông ấy vui sướng lắm đấy! Ngày mai, ông bảo ông ấy đến chỗ tôi nhé, ông de Nancé. Thôi chào ông, hẹn gặp lại.

Khi chỉ còn lại hai người, Christine hỏi ông de Nancé:

– Thưa ba, có phải thực sự ba chăm sóc con chỉ để giúp cho má con không? Và ba yêu con chỉ vì kỷ niệm về bà không?

– Con gái tội nghiệp của ba, ba chăm sóc con là vì con, ba cũng yêu con chỉ vì con mà thôi. Sở dĩ ba phải nói với má con như vậy là để làm dịu cơn tức giận, để bà quên đi điều bà trách mắng con, sợ rằng tình cảm thân yêu của con với chúng ta sẽ khiến bà nảy ra ý nghĩ bắt con trở về với bà. Con nghĩ xem, nếu việc đó xảy ra thì Franơois và ba sẽ đau buồn đến chừng nào! – ông de Nancé đáp lại.

Christine:

– Nếu vậy, thì con nghĩ con sẽ chết mất! Rời ba và anh Franơois để về đằng ấy ư, sau khi ở đây con đã được sung sướng vui vẻ và được mọi người yêu mến!

– Psít! Bà ấy đi chưa? – Thốt nhiên, có tiếng người như từ trên trời nói vọng xuống. – Hãy đợi đấy, tôi xuống đây.

Mọi người ngẩng đầu lên nhìn thấy từ cửa sổ nhỏ kho thóc thò ra cái đầu ông Paolo, vẻ lo lắng.

Ông de Nancé bảo ngày hôm sau ông phải đến nhà bà des Ormes, mặt ông dài ra không chút vui vẻ, khiến ông de Nancé phì cười.

Cả ba người đi về lâu đài. Ông de Nancé: (nói với Paolo)
– Thôi, ông tiếp tục dạy cháu Christine đi.

Franơois luôn luôn quan tâm đến Maurice.

Mỗi tuần lễ anh đều đến thăm Maurice hai ba lần. Sức khỏe của Maurice không khá lên được mà còn mỗi ngày một kém đi. Hai chân và chỗ bàng quang đau của anh khiến anh không đứng thẳng lên được. Cái vai vẫn cứ lồi ra, gương mặt vẫn cứ chằng chịt vết khâu. Anh thấy yếu dần đi chứ không hề khỏe lên. Thân hình dị dạng và tình cảm lạnh nhạt của người anh ruột khiến Maurice hết sức buồn, không sao nguôi đi được.

Anh thường đến nhà ông de Nancé; đến đây, anh được tiếp đón thân mật. Đối với anh, Christine tỏ ra tốt bụng và nhã nhặn. Cô tỏ ra có lòng thương nhưng không phải tình bạn thân thiết mà Maurice muốn có được như anh có đối với Christine. Maurice nói anh có quyền cũng như Franơois được Christine yêu mến vì anh cũng tàn tật và khổ sở như Franơois.

Christine:

– Franơois không hề khổ sở, anh ấy có lòng can đảm, anh ấy nhẫn nại chịu đựng… Không có ai có thể làm cho tôi những gì mà ông de Nancé và Franơois đã làm, điều đó tôi đã từng nói với anh rồi. Và tôi cũng đã nói là tôi sẽ cố gắng hết sức làm những gì tôi có thể làm được để tỏ lòng thương hại và sự quan tâm đối với anh.

Maurice lại năn nỉ nói, Christine vẫn trả lời như vậy và những khi có một mình với ông de Nancé, cô bé lại phàn nàn với ông về những lời quấy rầy của Maurice.

Christine:

– Mỗi lần anh ta nói ra những điều đó, con lại thấy trong con bớt đi lòng thương hại đối với anh ta. Dần dần, con thấy anh ta thực đáng buồn cười. Anh ta đòi hỏi có phần quá đáng, và bây giờ con thấy không còn biết trả lời anh ta ra sao, nên những lúc anh ta đến đây, con thấy khó chịu. Vậy con phải làm gì đây? Con sợ nếu tiếp tục con không thể ngăn mình không căm ghét anh ta.

Ông de Nancé:

– Không, con gái bé bỏng của ba, anh ta làm con bực mình, nhưng con không căm ghét anh ta vì con sẽ nghĩ anh ta là bạn thân của Franơois… Con sẽ cầu Chúa khiến cho con nhân từ, tốt bụng và có lòng từ thiện hơn nữa. Và con hẳn cũng không quên là năm sắp tới đây con sẽ chịu lễ ban thánh thể đầu tiên của con.

Christine:

– Và rồi con sẽ nghĩ đến ba và đến Franơois để bắt chước ba và anh Franơois. Sau đây, khi Maurice tới, ba sẽ thấy con đối với anh ta tốt đến chừng nào!

Những quyết định đứng đắn của Christine đã mang lại kết quả. Cuối cùng Maurice tưởng anh ta cũng được Christine yêu như anh ta hằng mong muốn, và do đó trở nên vui vẻ hơn và dễ thương hơn mỗi khi đến thăm nhà ông de Nancé.

Một hôm, Franơois đến nhà Maurice, luôn luôn tận tụy như vậy; anh thấy Maurice rất buồn.

Ba má Maurice đã cho anh biết vì ông bà vắng mặt ở Paris gần một năm nay, nên công việc làm ăn ở đó có phần xáo trộn, buộc ông bà phải có mặt ngoài đó một hoặc hai tháng. Hơn nữa, ông nội anh bị mệt nặng đòi hỏi ông bà phải ra để coi sóc cụ. Vậy là cả nhà phải thu xếp ra đi trong vài ngày nữa, Adolphe khi đến Paris sẽ vào học tại trường trung học.

– Vậy là, – Maurice nói, – tôi đã cầu khẩn má tôi cho tôi ở lại đây, đừng mang tôi về Paris để tôi sẽ phải chịu đựng nỗi xấu hổ, nhục nhã nặng nề tại đấy. Má tôi rất lo lắng cho sức khỏe của tôi, bà không muốn xa tôi, nhưng vì công việc làm ăn, vì ông nội tôi nên bà phải đi Paris. Vậy là tôi phải để đem đi theo và sẽ phải chịu đựng tất cả những nỗi nhục nhằn mà tôi biết trước. Phải xa nơi thôn quê và cuộc sống yên bình, hẻo lánh nơi đây, tôi mới thấy đau buồn biết mấy! Thấy tôi khổ sở vì chuyến đi, má tôi nói bà sẽ hy sinh để tôi ở lại đây, nếu quanh đây có một người bà con, họ hàng, hoặc một người bạn thân nào vui lòng nhận tôi về ở tại nhà họ trong một hai tháng, và lại còn với điều kiện, tôi và ông bác sĩ ngày nào cũng phải viết thư cho bà để bà được yên tâm về sức khỏe của tôi. Thực ra, bệnh tình của tôi nặng hơn mẹ tôi tưởng nhiều, vì tôi vẫn giấu bà để bà đỡ lo. Chuyến đi tai hại này có thể giết tôi mất! Vậy mà khốn thay, quanh vùng này, gia đình tôi chẳng có lấy một người họ hàng hay bạn thân có thể nhận tôi. Ôi, Franơois, đời tôi thật quá khổ!

Franơois chẳng biết nói gì để an ủi cậu Maurice tội nghiệp, chỉ biết òa lên khóc cùng bạn. Cậu hứa sẽ luôn luôn viết thư cho Maurice.

Cậu tìm cách để cho bạn yên tâm về sức khỏe, để lúc cậu về bạn đỡ ủ rũ, nhưng vẫn còn cực kỳ khổ sở.

Về nhà, Franơois kể lại cho ba anh và Christine về nỗi buồn gay gắt mới của Maurice tội nghiệp.

Christine:

– Anh Maurice tội nghiệp quá! Chúng ta có thể làm gì đây để anh ta được an ủi, khỏi đau buồn? … Thưa ba, con nghĩ là con đã có một cách rất hay, để Maurice không những bớt lo buồn mà còn vui vẻ, sung sướng nữa. Franơois, anh có đoán ra được không?

Franơois chăm chú nhìn Christine. Franơois:
– Anh nghĩ anh đã đoán ra được rồi.
Anh ghé vào tai Christine nói nhỏ mấy câu… Christine cười:
– Đúng thế, anh đã đoán được đấy. Bây giờ đến lượt ba, ba có đoán ra được không?

Ông de Nancé:

– Hừ! Ta nghĩ ta cũng đoán ra được. Phải chăng con muốn ta đề nghị mời Maurice đến ở đây với chúng ta. Được, ta bằng lòng cộng tác với các con trong công việc từ thiện này, mặc dầu ba cũng như Christine chẳng lấy làm dễ chịu cho lắm; nhưng cũng như Christine, ba sẽ chịu đựng phiền hà khi có một bệnh nhân lạ đến ở nhà mình và ba sẽ gạt đi những cảm giác chán ghét.

Hôm sau, Franơois đến nhà Maurice và cho cậu biết lời mời của ông de Nancé. Nghe tin, gương mặt Maurice sáng lên, tràn đầy niềm vui và biết ơn, khiến Franơois phải cảm động.

Maurice cám ơn Franơois, lời lẽ hết sức trìu mến.

Cậu lại cho Franơois biết là má cậu sáng hôm sau sẽ đi Paris vì đã nhận được tin bệnh tình ông nội đã xấu lắm.

Maurice:

– Mình sẽ cho má mình biết tin này, và mình sẽ đến rất sớm. Nhưng này, Franơois, thế Christine có thấy khó chịu khi thấy mình phải ở lâu bên cậu không?

Franơois:

– Không có thế đâu, vì chính Christine là người đã đưa ra ý kiến mời cậu và xin ba cho phép.

Maurice:

– Ôi! Cô ấy tốt quá! Tôi có một cô bạn quý hóa biết mấy!

Franơois đã phải nén một chút bất bình khi thấy Maurice muốn “nẫng” tình thân của Christine. Nhưng anh nghĩ ngay: với Maurice, Christine chỉ có lòng thương hại, và đây chỉ là một việc từ thiện cô đối xử với anh ta mà thôi.

Hai anh bạn hẹn nhau: Ngày mai nhé! Trở về, Franơois có phần suy nghĩ. Nửa đường, anh gặp Christine và ba anh. Ông de Nancé hỏi tin tức về sức khỏe của Maurice trong lúc Christine hỏi Franơois:
– Có việc gì mà nom anh buồn thế? Franơois:
– Đúng vậy, anh đang bực với chính mình đây!
Sau, cậu kể lại cho ba và Christine những điều Maurice đã nói với anh. Christine:

– Và thế là anh giận anh ta và anh muốn bảo anh ta rằng em không phải là bạn thân của anh ta và chỉ có anh đã là và sẽ là bạn thân của em mà thôi, và không bao giờ em sẽ yêu anh ta như em yêu anh, phải không? Với lại, anh cũng không yêu anh ta, y như em vậy, – câu này cô bé nói nhanh vừa nói vừa cười rồi ôm hôn Franơois.

Franơois, ngạc nhiên:

– Này! Sao em lại đoán ra được?

Christine:

– Thì với em cũng đã xảy ra như vậy khi anh ta yêu cầu em yêu anh ta như em đã yêu anh. Lúc ấy, em thấy anh ta ngốc quá và thấy giận anh ta và từ lúc đó em không thể yêu anh ta một cách thật sự. Nhưng ba đã bảo em là câu chuyện đó không sao, người ta có thể đối xử tốt và tử tế với anh ta mà không hề yêu.

Franơois:

– Thưa ba, con sợ rằng như vậy là con đã làm điều xấu, sự thực là con không yêu Maurice. Con vẫn thương hại anh ta, nhưng con không thích nhìn thấy con người đó. Nếu con càng ngày càng năng đến thăm anh ta đấy là con càng ngày càng bớt yêu anh ta; và để tự trừng phạt con về ý nghĩ xấu đó, nên con giúp anh ta còn nhiều hơn là khi con yêu anh ta.

Ông de Nancé:

– Con không thể làm được nhiều hơn hoặc tốt hơn, con ạ, vì đây là con hành động vì lòng từ thiện nhân đạo, khi đó con hành động nhiều hơn và tốt hơn là vì tình bạn… Con hãy bình tâm và khi anh ta đến ở đây, con cứ tiếp tục đối xử tốt để anh ta vẫn tưởng con là bạn thân của mình. Chúa sẽ ân thưởng cho con vì hành động từ thiện nhân ái cao cả đó.

Câu chuyện ngừng lại khi có mặt Paolo vừa đến, và đến tận trước khi đi ngủ, Franơois mới lại nói chuyện tiếp với ông de Nancé. Họ nói nhiều chuyện mà chúng ta không cần biết và kết quả là Franơois thấy rất yên tâm. Với Christine, anh cảm thấy thương yêu trìu mến gấp bội, với Maurice, anh thấy thương hại hơn và anh quyết định đối xử với anh ta còn thân tình hơn trước.

Hôm sau, Maurice đến, người xanh xao, hốc hác, đôi mắt đỏ ngầu và sưng lên, ngực lép kẹp.

Việc bố mẹ đi xa đã khiến anh quá đau lòng, mặc dầu má anh đã hứa khi sức khỏe ông nội khá lên là bà sẽ về đây ngay. Nhìn thấy Franơois và Christine chạy lại đón, anh mỉm cười, gương mặt sáng lên một niềm vui. Anh bước vội để gặp hai người, nhưng trong lúc vội, một chân anh đã va vào chân kia, anh ngã sóng xoài xuống đất.

Một tia máu vọt ra từ trong miệng: một tĩnh mạch trong ngực đã bị vỡ. Franơois và Christine chạy vội đến nâng anh lên. Tuy khiếp sợ nhưng hai người cố trấn tĩnh, sợ để lộ, Maurice sẽ hoang mang.

– Em đi tìm ba! – Franơois khẽ ghé vào tai Christine nói. Christine phóng đi như bay.

Isabelle nghe câu chuyện Christine nói với ông de Nancé liền cầm lấy một lọ nước Pagliari rót một thìa nhỏ vào một cốc nước, rồi vội vã đem lại chỗ

Maurice đổ cho anh uống một nửa: máu ngừng thổ ra. Isabelle buộc Maurice lên nằm trên giường. Franơois và Christine đến thăm Maurice trong phòng đã dọn sẵn cho anh.

Maurice:

– Franơois, Christine, hai bạn chí thân của tôi, tôi biết mình đã quá yếu… Tôi thực khổ quá. Tôi đã cầu Chúa cho tôi chết đi.

Franơois và Christine ngồi gần giường của Maurice, để cho anh được khuây khỏa, hai người tìm cách nói chuyện với ông de Nancé về những dự tính làm trong mùa đông và mùa hè sắp tới.

Trong câu chuyện, mọi người nói có cả Maurice xen vào đấy; nghĩ làm như vậy, anh ta sẽ vui lên.

Maurice chỉ mỉm cười buồn bã, một lát sau, một giọt nước mắt anh đã cố ngăn lại cũng đã chảy xuống bên má.

Maurice:

– Tôi nghĩ khi mùa xuân tới thì tôi đã đi xa mọi người từ lâu… tôi tin là mình không còn sống được mấy nữa. Từ đã lâu, tôi cảm thấy mình sẽ chết và tôi đã giấu ba má tôi, tôi rất thương và nhớ ba má, nhưng tôi vẫn thấy sung sướng khi ở đây vì mọi người ở đây đều rất tốt. Bây giờ tôi muốn làm lễ chịu ban thánh thể lần đầu tiên. Vậy tôi phải làm gì?

Ông de Nancé, xúc động, nói:

– Cậu bé tội nghiệp của ta, cậu phải gắng chịu tuân theo ý Chúa, phải sống nếu Người muốn cậu sống và đừng có bận tâm về cái chết. Cậu phải thuốc thang, chữa theo như bác sĩ bảo, dâng lên Chúa những buồn phiền mà Chúa gửi xuống cho cậu và xin Người ban cho lòng can đảm và sự nhẫn nại. Giờ đây, cậu hãy bình tâm cho đến lúc bác sĩ đến, tôi đã cho người đi mời ông ta rồi. Cô Isabelle và Bathilde sẽ ở tại đây trông nom cậu. Anh bạn ạ, cứ bình tĩnh và yên tâm phó thác mình vào đôi bàn tay của Chúa.

Ông de Nancé đi ra mang theo Franơois và Christine, hai em cùng khóc và gửi đến Maurice một cái hôn từ biệt, Maurice mỉm cười đáp lại.

Franơois (lo lắng):

– Thưa ba, ba thấy anh ấy yếu lắm phải không? Ông de Nancé:
– Ta cũng không biết, con ạ. Có thể cậu ta đã nhìn thấy đúng, khi nghĩ mình không còn sống được là bao. Từ ít lâu nay, cậu ta đã biến dạng và yếu đi rất nhiều. Hôm nay nhìn gương mặt cậu ta đã khác hẳn đi. Thấy bố mẹ đi xa, hẳn cậu ta buồn lắm.

Franơois:

– Tội nghiệp Maurice, thế mà con trước đây đã không yêu anh ấy. Giờ đây, con yêu anh ấy thực sự, con thương anh ấy quá.

Christine:

– Vậy còn em! Chúng ta sẽ chăm sóc anh ấy phải không anh Franơois? Em cũng như anh, em nghĩ em cũng yêu anh ấy.

Khi bác sĩ đến, ông chữa qua loa hiện tượng nôn máu của Maurice. Ông cho nguyên nhân thổ ra máu là do anh ta ngã và còn cho như vậy lại là tốt cho sức khỏe của Maurice. Ông khuyên anh đứng dậy, ăn uống, ra ngoài chơi và làm những gì mà sức khỏe anh cho phép. Tuy nhiên, ông de Nancé yêu cầu ông viết thư cho ông bà de Sibran để báo cho ông bà biết sự việc đã xảy ra với con trai ông bà. Bác sĩ đến thăm khám đã khiến mọi người yên tâm, trừ có chính bản thân Maurice, anh vẫn khăng khăng muốn xin được làm lễ chịu ban thánh thể.

Ông de Nancé thấy việc làm lễ chỉ tốt thôi và được sự đồng ý của ông bà de Sibran, ông đã cho mời một cha xứ có tiếng sùng đạo ngày ngày đến để giảng dạy kinh thánh cho Maurice mà trước đây anh không được học. Bản thân ông de Nancé cũng bằng việc làm và lời nói của mình làm mở mang thêm lòng tin và đức tin sùng đạo nơi Maurice. Franơois cũng kể lại cho anh nghe những ấn tượng thành kính của mình khi anh làm lễ chịu ban thánh thể và, một tháng sau khi Maurice đến nhà ông de Nancé, anh cũng được làm lễ chịu ban thánh thể đầu tiên với những tình cảm hết sức nhẫn nại của một người ngoan đạo.

Sức khỏe của Maurice sút giảm nhanh chóng đến mức anh không còn đứng vững trên hai chân.

Nhưng vị bác sĩ không hề thấy lo lắng về điều đó, ông còn bảo sang mùa xuân là anh sẽ khỏi hẳn. Ít ngày sau khi làm lễ, Maurice lại bị thổ huyết. Ông de Nancé vội viết thư cho ông bà de Sibran, trong thư ông nói rõ không che giấu nỗi lo sợ của mình về sức khỏe của Maurice đang sút giảm từng giờ. Một buổi chiều, Maurice gọi Franơois và Christine lại gần mình.

Maurice:

– Franơois, mình không muốn chết mà chưa một lần cuối cùng xin cậu tha lỗi cho mình về những điều xấu xa mình đã phạm phải trước đây đối với cậu. Franơois, cậu đừng khóc nữa, vì lúc này mình cảm thấy mình đã yếu lắm rồi. Khi mình ra đi, cậu hãy cầu Chúa cho mình, xin Người tha tội cho mình. Bạn hãy yêu thương mình, tình bạn thân thiết của cậu đã là nguồn an ủi trong những lúc mình đau khổ, nó đã cứu vớt linh hồn mình vì nó đã đem mình trở về với Chúa. Xin Chúa ban phúc cho anh, Franơois của tôi, và Chúa ban cho anh những điều tốt lành mà anh đã giúp đỡ tôi. Còn bạn, Christine, Christine nhân từ và quý mến của tôi, người đã yêu tôi như một người bạn thân. Lòng thương yêu trìu mến và những việc chăm sóc của bạn đã đem hạnh phúc đến cho những tháng ngày cuối cùng trong cuộc đời buồn rầu tủi nhục của tôi. Cầu Chúa ban thưởng cho lòng nhân từ, thương người và đức tính hiền dịu của bạn! Cầu Chúa ban phúc cho bạn cùng với Franơois! Ôi!.Ông de Nancé, lòng biết ơn của tôi đối với ông lớn quá khiến tôi không có thể nói lên được như tôi mong muốn. Cầu Chúa…

Một lần thổ huyết nữa ngắt lời Maurice, khi tỉnh lại, anh yêu cầu cho mời cha xứ. Maurice nhận lần cuối cùng lễ rửa tội và ban thánh thể.

Anh khẩn khoản xin được thụ lễ dâng thánh và đã được toại nguyện.

Từ lúc đó, anh thấy lòng mình yên tĩnh không còn trằn trọc và nóng sốt. Anh cầu xin ông de Nancé, trường hợp bố mẹ anh đến quá trễ, ông làm ơn chuyển cho ông bà những lời từ biệt đầy âu yếm và những cảm xúc vô cùng tiếc nuối của anh không được ôm hôn bố mẹ trước khi ra đi.

Maurice hôn chiếc thánh giá anh cầm đặt trên ngực, và không nói gì. Hai mắt anh nhắm lại, nhịp thở chậm dần và trút linh hồn dâng cho Chúa với nụ cười của người con ngoan đạo lúc lâm chung. Ông de Nancé bảo Isabelle đưa Franơois và Christine đi ra chỗ khác để tránh ấn tượng về những phút cuối cùng đó. Còn ông, ông ở lại bên Maurice và cầu kinh để cho linh hồn Maurice được yên nghỉ.

Sáng sớm hôm sau, ông bà de Sibran, vẻ mặt đầy lo âu, người run rẩy, chạy xô vào nhà ông de Nancé. Ông khéo léo để tránh gây quá xúc động cho hai ông bà. Ông kể và miêu tả lại những gì đã xảy ra với Maurice trong những phút cuối cùng êm ả của cậu. Nỗi thất vọng ở hai ông bà thực khủng khiếp. Ông bà tự trách mình đã không lường trước nỗi nguy hiểm của con, đã bỏ rơi nó trong cái tháng cuối cùng của cuộc đời, để nó phải chết trong nhà một người khác.

Bà de Sibran:

– Con trai của má! Nếu má dù biết được một chút thôi tình trạng nguy hiểm của con, thì má đã không rời xa con. Thà mất tất cả gia tài và không được ông nội ban phúc lần cuối, còn hơn để không được nghe thấy hơi thở lần cuối của con.

Hai ông bà cứ ngồi rất lâu bên cạnh Maurice, không ai mời được ông bà, hãy tạm dịu cơn đau buồn để lui ra chỗ khác nghỉ ngơi. Ông de Nancé đến bên cạnh ông bà de Sibran kể cho họ nghe Maurice trong những ngày vừa qua đã tỏ ra hiền dịu, nhẫn nại thế nào, anh đã bày tỏ tình cảm thắm thiết với ông bà, anh đã cố gắng thế nào để giấu đi những đau đớn sợ để ông bà lo lắng và buồn rầu. Ông còn kể cho hai người nghe những tình cảm thành kính sâu sắc ngoan đạo của Maurice khiến anh đã yêu cầu được thụ lễ ban thánh thể đầu tiên. Nghe ông de Nancé kể, ông bà de Sibran có nguôi đi phần nào. Cô Is-abelle còn nói cho ông bà yên tâm về tình hình Maurice đã được chăm sóc ra sao, sự đối xử đầy thương yêu tình cảm của ông de Nancé, Franơois và Christine đối với anh. Cô nhắc lại những gì Maurice đã nói, đã dặn dò, và, cuối cùng, cô mô tả rất sinh động những đau buồn mà anh sẽ tiếp tục phải hứng chịu, những nỗi kinh khủng khi nghĩ đến những tủi nhục anh cảm thấy trước, nên cuối cùng anh đã hiểu ra rằng được chấm dứt cuộc đời này sớm là một ân huệ Chúa ban cho anh, Người đã thương anh.

Ông bà de Sibran xin được gặp để cám ơn và ôm hôn Franơois và Christine; cả hai em đã òa khóc trước hai người.

Những ngày hôm sau, ông de Nancé tách Franơois và Christine xa hẳn những cảnh tượng tang tóc kể trên. Paolo đã góp phần đáng kể vào việc giúp hai em quên đi được những ấn tượng đau buồn mà các em đã cảm thấy.

Paolo nói:

– Các em yêu quý của ta, các em muốn gì? Signor Maurice tội nghiệp chết cũng đã một ngày, rồi đây tôi cũng sẽ chết, như các em cũng sẽ chết, ông signor Nancé cũng vậy. Liệu các em có muốn Maurice sống với đôi chân cong queo? Cái đó thật là bất công. Vì lúc này đây anh ấy đang sống sung sướng với Chúa Giê-su và các vị tiểu thần tiên!

Cuối cùng, Paolo đã làm cho các em khuây đi được. Sau lễ tang của Maurice, ông bà de Sibran trở về Paris; ở đây, ông bà còn cậu con trai Adolphe và tất cả gia đình. Ở lâu đài ông de Nancé, mọi người trở lại cuộc sống quen thuộc, thanh bình, sung sướng. Tuy nhiên, cái chết của Maurice cũng, trong một thời gian dài, trải một nỗi buồn lên những buổi tối mùa đông của họ…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.