Câu Chuyện Dòng Sông

CHƯƠNG 9: NGƯỜI LÁI ĐÒ



Ta sẽ ở lại bên con sông này, Tất Đạt nghĩ. Cũng cùng con sông này ta đã đi qua trên con đường về kinh thành. Một người lái đò thân thiện đã đưa ta sang sông. Ta sẽ đến ông ấy. Con đường ta đi đã một lần đưa ta từ mái chòi của người đến một đời sống mới mà bây giờ đã cũ và chết. Con đường hiện tại của ta, cuộc đời mới của ta sẽ bắt đầu từ đây!
Chàng thương mến nhìn dòng nước chảy, nhìn màu xanh trong suốt, những đường pha lê vẽ nên bức tranh thần tình trong lòng nước. Chàng trông thấy những viên ngọc ngời sáng nổi lên từ đáy sâu, những bọt nước bơi lội trên tấm gương, bầu trời trong xanh phản chiếu trong bọt nước. Con sông nhìn chàng bằng trăm ngàn đôi mắt – màu xanh lục, trắng, màu pha lê, màu xanh da trời. Chàng yêu dòng sông này biết bao, nó thật quyến rũ và chàng đầy cảm ơn đối với nó. Chàng nghe trong tim tiếng nói của thức tỉnh nói với chàng: “Hãy yêu dòng sông này, ở bên nó và học với nó”. Phải, chàng muốn học nơi nó, chàng muốn lắng nghe nó. Chàng thấy dường như ai bất cứ ai hiểu được dòng sông và những huyền bí của nó sẽ hiểu được nhiều điều hơn nữa, nhiều điều huyền bí, tất cả mọi huyền bí.
Nhưng hôm nay chàng chỉ mới thấy một điều bí mật của con sông, điều bí mật đã đập mạnh vào tâm trí chàng. Chàng thấy con sông vẫn tiếp tục chảy như nó vẫn luôn luôn ở đấy, luôn luôn là dòng sông ấy trước mắt chàng, tuy nhiên mỗi lúc nó mỗi mới. Ai có thể hiểu được, quan niệm được điều này… Chàng không hiểu được, chàng chỉ trực nhận một mối hoài nghi, một ký ức lờ mờ, và những tiếng nói thiêng liêng.
Tất Đạt đứng dậy, cơn đói cồn cào đang trở thành không thể chịu được. Chàng khó nhọc đi lang thang dọc theo bờ sông lắng nghe tiếng nước vỗ, lắng nghe cái đói đang vò xé thân thể chàng.
Khi chàng đến bến, chiếc đò đã đợi sẵn và người lái đò đã một lần đưa chàng Tất Đạt trai trẻ qua sông, đang đứng trên đò. Tất Đạt nhận ra ông ta ngay. Ông ta cũng già đi rất nhiều.
– Nhờ ông đưa tôi sang sông. Chàng nói. Người lái đò ngạc nhiên thấy người đàn ông sang trọng như thế đi bộ một mình, mời chàng lên thuyền và rời bến, Tất Đạt bảo:
– Ông đã chọn một cuộc sống thần tiên. Sống bên dòng sông này và chèo thuyền trên sông hằng ngày hẳn là thích thú lắm.
Người lái đò đẩy nhẹ mái chèo mỉm cười:
– Rất thú vị, đúng như ngài nói, nhưng không phải cuộc sống nào, công việc nào cũng thú vị cả hay sao…
– Có lẽ, nhưng tôi thèm khát công việc của ông.
– Ồ, ông sẽ mất hứng thú vì nó. Nó không phải là công việc của những người ăn mặc đẹp.
Tất Đạt cười:
– Hôm nay tôi đã bị phê bình qua phục sức và nhìn nó với sự nghi ngờ. Ông có thể nhận những quần áo mà tôi thấy rất phiền phức này không… Vì tôi phải nói với ông rằng tôi không có tiền để trả công ông đã đưa tôi sang sông.
Người lái đò cười lớn:
– Ông nói đùa chứ.
– Tôi không đùa, ông bạn ạ. Trước kia đã có lần ông đưa tôi sang sông này không lấy tiền, vì thế hôm nay tôi cũng xin ông làm như thế và lấy quần áo của tôi vậy.
– Và rồi ông tiếp tục đi trần truồng sao…
– Tôi không muốn đi thêm nữa. Tôi muốn xin ông cho tôi một ít đồ cũ và để tôi ở đây như người phụ tá của ông, hay hơn nữa người học nghề của ông, vì tôi phải học cách lái đò.
Người lái đò đăm đăm nhìn người khách lạ rất lâu:
– Tôi nhận ra ngài rồi. Có lần ngài đã ngủ trong chòi của tôi. Lâu lắm rồi, dường như hơn hai mươi năm về trước. Tôi đưa ngài sang sông và khi chia tay, chúng ta trở thành đôi bạn tốt. Tôi không thể nhớ tên ngài, có phải ngài đã là Sa Môn không…
– Phải, lúc ấy tôi là một Sa Môn và tên là Tất Đạt.
– Hân hạnh chào ngài Tất Đạt. Tên tôi là Vệ Sử. Tôi mong ngài sẽ là người khách của tôi hôm nay và ngủ trong lều tôi, và kể tôi nghe ngài từ đâu đến và tại sao ngài chán y phục sang trọng của ngài.
Họ đã ra đến giữa sông và Vệ Sử chèo mạnh hơn vì ngược nước. Ông chèo một cách bình thản, với hai cánh tay mạnh, vừa nhìn về phía mũi thuyền. Tất Đạt ngồi nhìn ông và nhớ ra một lần vào thuở còn là Sa Môn, chàng đã rất có thiện cảm với người này. Khi họ đến bến, Tất Đạt giúp ông cột thuyền. Vệ Sử dẫn chàng vào lều, cho chàng bánh, nước và một quả xoài. Tất Đạt ăn tất cả một cách hoan hỉ.
Một lát sau, khi mặt trời bắt đầu lặn, họ ngồi trên một thân cây cạnh dòng sông và Tất Đạt kể cho ông ta nghe về lai lịch của chàng và cuộc sống của chàng cho đến khi chàng gặp ông ta hôm nay, sau giờ phút tuyệt vọng. Câu chuyện kéo dài cho đến khuya.
Vệ Sử lắng nghe một cách chăm chú; ông nghe tất cả những gì về lai lịch và tuổi thơ của chàng, về sự học của chàng, về sự tìm kiếm của chàng về khoái lạc và những nhu cầu của chàng. Một trong những đức tính của người lái đò, mà rất ít người có, là ông biết lắng nghe. Không nói với chàng một lời. Người kể chuyện có cảm giác Vệ Sử nghe kỹ từng tiếng, một cách im lặng, đợi chờ, không bỏ sót lời nào. Ông không thúc giục, không khen, không chê – ông chỉ lắng nghe. Tất Đạt cảm thấy thật là tuyệt diệu khi có một người nghe như thể bị thu hút vào cuộc sống của riêng chàng, những cố gắng, những nỗi buồn riêng tư của chàng.
Tuy nhiên, khoảng cuối câu chuyện, khi Tất Đạt kể về cây cổ thụ bên sông và sự tuyệt vọng của chàng, về tiếng “Om” linh diệu, và sau giấc ngủ, chàng yêu mến dòng sông ra sao, người lái đò nghe chăm chú gấp đôi và hoàn toàn bị thu hút, đôi mắt nhắm nghiền lại.
Khi Tất Đạt kể hết và sau một lúc lâu im lặng, Vệ Sử nói:
– Theo tôi nghĩ, chính dòng sông đã nói với Ngài. Nó cũng thân thiện với ngài nữa, nó đang nói với Ngài. Lành thay điều đó. Ở lại đây cùng tôi, hỡi ông bạn. Ngày xưa tôi có vợ, giường nàng sát kề giường tôi, nhưng giờ nàng đã chết. Tôi sống một mình từ lâu rồi. Hãy đến ở với tôi, có chỗ ở và thức ăn cho cả hai chúng ta.
– Tôi cảm ơn anh, Tất Đạt nói. Tôi cảm ơn và nhận lời anh. Tôi cũng cám ơn anh, Vệ Sử vì anh đã lắng nghe chuyện tôi như thế. Rất ít người biết lắng nghe và tôi chưa gặp ai có thể nghe như anh đã nghe. Tôi cũng sẽ học nơi anh về điều này.
– Anh sẽ học, nhưng không phải nơi tôi. Chính dòng sông đã dạy tôi cách nghe, anh cũng sẽ học nơi nó. Dòng sông biết mọi chuyện, người ta có thể học chuyện từ nơi dòng sông. Anh đã học với con sông rằng nên cố gắng lặn xuống tìm kiếm những chiều sâu thăm thẳm nhất. Ông Tất Đạt sang trọng giàu có, ông Tất Đạt người Bà La Môn trí thức sẽ trở thành ông lái đò. Anh đã học điều này từ dòng sông. Anh cũng sẽ học nhiều điều khác nữa …
Sau một hồi lâu im lặng, Tất Đạt bảo:
– Điều nào khác nữa đâu, ông bạn…
Vệ Sử đứng lên và nói:
– Khuya rồi, ta đi nghỉ thôi. Tôi không thể nói cho anh nghe điều khác ấy như thế nào, bạn ạ. Anh sẽ tìm ra, và cũng có thể anh đã biết rồi. Tôi không phải là người có học; tôi không biết nói chuyện và suy tư. Tôi chỉ biết nghe và trung thành, ngoài ra tôi không biết gì cả. Nếu tôi có thể nói chuyện và dạy dỗ, có lẽ tôi đã trở thành một thầy giáo; nhưng tôi chỉ là một người lái đò và việc của tôi là đưa người sang sông. Tôi đã đưa hàng ngàn người sang và với mọi người, con sông của tôi không là gì cả, nó chỉ là một chướng ngại trên đường đi của họ. Họ đã đi cuộc hành trình vì tiền, và vì công việc kinh doanh, đám cưới hay đi hành hương; dòng sông đã cản đường họ và người lái đò chỉ ở đó đưa họ vượt nhanh qua trở ngại. Tuy nhiên, giữa hàng ngàn người có một số rất ít, bốn hay năm người không cho con sông là chướng ngại vật. Họ đã nghe tiếng nói của dòng sông và chú ý, và dòng sông trở nên linh thiêng đối với họ cũng như đối với tôi. Bây giờ ta hãy đi nghỉ, Tất Đạt ạ.
Tất Đạt ở lại với người lái đò và học cách trông coi chiếc thuyền, và khi không có việc dưới thuyền, chàng giúp Vệ Sử trong đồng lúa, nhặt củi, và hái chuối. Chàng học cách chế những chiếc chèo, sửa thuyền và đan giỏ. Chàng vui thích với mọi công việc và học hỏi. Ngày tháng qua nhanh. Chàng học ở con sông nhiều hơn những gì Vệ Sử có thể dạy chàng. Chàng không ngừng học hỏi ở nó. Trước hết chàng học cách lắng nghe, nghe với một tâm hồn vắng lặng, với một sự đợi chờ, mở hồn ra, không dục vọng, không say mê, không phê phán, không quan niệm.
Chàng sống hạnh phúc với Vệ Sử và thỉnh thoảng họ trao đổi những lời đầy suy tư. Vệ Sử không thích nhiều lời. Tất Đạt ít khi có thể làm cho ông ta nói chuyện.
Một hôm, Tất Đạt hỏi ông:
– Có phải ông cũng học điều nhiệm màu này từ dòng sông không, rằng không có cái gì gọi là thời gian…
Một nụ cười sáng lên trên khuôn mặt Vệ Sử:
– Phải đấy, Tất Đạt! Có phải là bạn muốn nói điều này không: con sông nó ở khắp nơi cùng một lúc, ở đại dương và ở núi, khắp nơi, và với nó chỉ có hiện tại, không có bóng dáng quá khứ cũng như vị lai.
– Chính thế, Tất Đạt nói, và khi tôi học được điều đó, tôi ôn lại cuộc đời mình và thấy nó cũng là một dòng sông. Tất Đạt người con trai, Tất Đạt người trưởng thành và Tất Đạt ông già, chỉ tách rời nhau bằng những cái bóng, không phải thực tại. Những tiền kiếp của Tất Đạt không ở trong quá khứ, cái chết và sự trở về Đại ngã của Tất Đạt cũng không phải ở trong vị lai. Không có cái gì đã là, không có cái gì sẽ là, mọi sự đều là thực tại và hiện tiền.
Tất Đạt nói đầy vẻ thích thú. Sự khám phá này làm chàng hân hoan. Không phải mọi buồn rầu đều ở trong thời gian đó sao… Và mọi nỗi dày vò sợ hãi… Và thế thì phải chăng mọi khó khăn, mọi điều xấu của thế gian sẽ được khắc phục ngay khi ta khắc phục được thời gian, khi ta bất chấp nó… Chàng thích thú nói; nhưng Vệ Sử chỉ cười tươi tắn và gật đầu đồng ý. Ông vỗ vai chàng và trở lại công việc.
Một bận khác khi con sông dâng lên mùa mưa, và gầm lên ầm ĩ, Tất Đạt nói:
– Ông bạn ơi, có phải con sông có rất nhiều tiếng nói ấy không… Có giọng của một vì vua, một ông tướng, một bọt nước, một cánh chim đêm, một người đàn bà đau đớn và một người đàn ông thở dài, và muôn ngàn giọng khác…
– Thật thế, Vệ Sử gật, trong tiếng dòng sông, có tiếng của mọi loài đang sống.
– Và ông bạn có biết, Tất Đạt nói tiếp, con sông nói lên tiếng gì khi người ta có thể nghe được cả muôn ngàn tiếng nói của nó cùng một lúc…
Vệ Sử cười lớn vui vẻ; ông cúi mình về phía Tất Đạt và thì thầm vào tai chàng tiếng “Om” thiêng liêng. Và chính đấy là tiếng mà Tất Đạt đã nghe.
Dần dà, nụ cười chàng bắt đầu giống nụ cười ông lái đò, cũng trong sáng, đầy hạnh phúc, cũng ngời lên qua nhiều nếp nhăn, cũng hồn nhiên và bình thản. Nhiều lữ khách thấy họ tưởng là hai anh em. Họ thường ngồi với nhau trên thân cây bên bờ sông. Họ cùng lắng nghe tiếng nước, mà đối với họ là tiếng của cuộc đời, tiếng của thực tại, của sự sinh thành vĩnh viễn. Và đôi khi, lúc lắng nghe dòng sông, họ cùng có những tư tưởng giống nhau về một cuộc đối thoại hôm trước, hay về một trong những lữ khách mà số phận và hoàn cảnh đã làm họ suy nghĩ, hay về sự chết hay về thời trẻ thơ. Khi dòng sông cùng lúc nói với họ một điều hay, họ nhìn nhau, cùng chung một ý tưởng, cùng sung sướng vì cùng có giải đáp giống nhau về một vấn đề.
Nhiều người qua sông cảm thấy có cái gì toả ra từ dòng sông và từ hai người lái đò ấy. Một đôi khi một hành khách nhìn một trong hai người và bắt đầu kể về cuộc đời mình những âu lo, tội lỗi và hỏi ý kiến hoặc tìm lời an ủi. Có người xin phép ở lại một buổi chiều với họ, để lắng nghe dòng sông. Cũng có người tò mò tìm đến, vì nghe đồn có hai triết nhân, phù thuỷ hay người thánh thiện sống ở bến đò ngang. Họ hỏi hai người nhiều câu nhưng không được trả lời, và họ không tìm thấy phù thuỷ hay thánh hiền nào cả. Họ chỉ thấy hai ông già thân thiện, có vẻ câm, hay đúng hơn kỳ dị và ngớ ngẩn. Rồi họ cười lớn, bảo rằng người ta thật là nhẹ dạ, và điên rồ làm sao khi đồn đại những tin huyễn hoặc như kia.
Năm tháng trôi qua và không ai đếm xỉa đến đôi bạn. Nhưng bỗng một ngày, vài vị tu sĩ, những đồ đệ của đức Cồ Đàm, đến nhờ họ chèo qua sông. Hai người lái đò được biết những vị sư muốn về gặp sư phụ của họ gấp, vì có tin đấng Giác Ngộ ốm nặng và sắp nhập Niết Bàn. Chẳng bao lâu một toán tu sĩ khác đến, rồi một toán khác, và những tu sĩ cũng như phần đông hành khách, đều chỉ nói đến đức Phật và sự Ngài sắp mất. Và cũng như khi đi xem một cuộc viễn chinh hay một cuộc tấn phong hoàng đế, người ta từ tứ phía tụ lại như những đàn ong, như bị thu hút bởi nam châm, kéo đến chỗ đức Phật đang nằm trên tử sàng, nơi mà biến cố lớn đang tiếp diễn và vị cứu tinh của một thời đang đi vào cõi Vô cùng.
Tất Đạt nghĩ rất nhiều về thánh sắp chết, người mà tiếng nói đã kích động hàng nghìn người, tiếng nói mà chàng cũng đã một lần nghe, người mà gương mặt thánh thiện chàng đã một lần chiêm ngưỡng với đầy uy phục. Chàng yêu mến nghĩ về Ngài, nhớ đến con đường giải thoát của Ngài, và mỉm cười nhớ lại những lời chàng đã có lần thốt ra với đấng Giác Ngộ khi chàng còn là một thanh niên. Hình như những lời nói ấy rất ngạo mạn và hơi sờm sủa với Ngài lúc ấy. Trong một thời gian khá lâu, chàng biết rằng chàng không xa đức Cồ Đàm, mặc dù chàng không thể chấp nhận giáo lý của Ngài. Không, một kẻ thực sự đi tìm kiếm, không thể chấp nhận bất cứ lý thuyết nào, nếu kẻ ấy thành tâm muốn tìm ra một cái gì. Nhưng người tìm ra có thể đồng ý với mọi con đường mọi mục đích, không gì phân rẽ người ấy với hàng nghìn người khác sống trong vô tận thời gian cùng thở luồng Thần khí.
Một ngày kia, khi rất nhiều người đến viếng đức Phật sắp chết, Kiều Lan, người kỹ nữ một thời nhan sắc cũng đang trên đường đi viếng. Nàng từ lâu đã giã từ nếp sống cũ, cúng dường các tỳ kheo của Phật mảnh vườn nàng và an trú trong giáo lý đức Phật. Nàng trở thành một trong những tín nữ chuyên hành thiện bố thí. Khi nghe Phật sắp mất, nàng đã ăn vận đơn sơ, ra đi với con nàng. Họ đến bờ sông, nhưng đứa con trai đã mệt mỏi, nó muốn trở về, ăn và nghỉ. Nó không ngừng khóc, mặt mày tiều tuỵ. Kiều Lan phải thường dừng lại nghỉ với nó. Nó vẫn thường cản trở thiện chí của nàng. Nàng phải cho nó ăn, an ủi nó, rầy la nó. Nó không hiểu được vì sao mẹ phải đi cuộc hành hương mệt nhọc khốn khổ để đến một nơi xa lạ, thăm một người thánh thiện lạ lùng sắp chết. Thì cứ để cho ông ấy chết đi, có can hệ gì đến nó đâu…
Những người hành hương cách con đò của Tất Đạt không xa, khi cậu bé ngỏ ý với mẹ muốn nghỉ chân. Kiều Lan chính nàng cũng mệt và trong khi cậu con trai ăn một trái chuối, nàng ngồi phịch xuống đất để nghỉ, mắt lim dim. Bỗng nàng thốt lên một tiếng đau đớn. Cậu con trai giật mình nhìn mẹ và thấy mặt nàng trắng bệch vì kinh hãi. Từ dưới quần áo nàng, một con rắn nhỏ đã cắn Kiều Lan và đang bò đi.
Cả hai mẹ con chạy nhanh để gặp người. Khi họ đến gần bến đò ngang. Kiều Lan quị xuống, không thể đi xa hơn nữa. Cậu con la cầu cứu và hôn mẹ. Nàng cũng la lên cùng với con, cho đến khi những tiếng kêu của họ đến tai Vệ Sử đang đứng cạnh con đò. Ông hối hả chạy lại, ẵm người đàn bà mang về thuyền. Cậu con trai chạy theo và chẳng mấy chốc họ đã đến túp lều trong đó Tất Đạt đang nhóm lửa. Chàng nhìn lên và lần đầu tiên thấy mặt đứa bé, gương mặt mãnh liệt nhắc chàng nhớ đến một điều gì. Quay lại, chàng thấy Kiều Lan và nhận ra ngay, mặc dù nàng nằm bất tỉnh trên tay người lái đò. Rồi chàng biết đấy chính là con chàng mà nét mặt đã gợi cho chàng nhớ đến một điều gì ấy. Tim chàng đập mạnh.
Vết thương của Kiều Lan được rửa sạch nhưng nó tím bầm và toàn thân nàng sưng lên. Nàng uống một liều thuốc hồi dương và tỉnh lại. Nàng nằm giường của Tất Đạt, và chàng, người nàng đã từng yêu dấu, đang cúi nhìn nàng. Nàng ngỡ mình nằm mơ, và mỉm cười nhìn vào mặt người yêu. Dần dà nàng nhớ lại tình trạng mình, và lo lắng gọi con.
– Đừng lo, Tất Đạt bảo – nó ở đây.
Kiều Lan nhìn vào mắt chàng. Nàng khó nhọc nói năng vì nọc độc trong thân thể.
– Anh đã già rồi, Tất Đạt yêu quí. Tóc anh đã hoa râm, nhưng anh giống người Sa Môn trẻ đã đến vườn tôi trước kia, áo quần rách rưới và chân đầy bụi. Anh giống vị Sa Môn đó hơn khi bỏ Vạn Mỹ và tôi. Mắt anh giống người Sa Môn ấy, Tất Đạt. Ôi, tôi cũng đã già, già rồi – anh có nhận ra tôi không…
Tất Đạt mỉm cười:
– Tôi nhận ra nàng ngay, Kiều Lan yêu quí.
Kiều Lan chỉ con nàng và bảo:
– Anh có nhận ra nó nữa không… Nó là con anh.
Mắt nàng lạc loài rồi khép lại. Cậu con trai bắt đầu khóc. Tất Đạt đặt nó lên đầu gối, để cho nó khóc và vuốt tóc nó. Nhìn mặt đứa trẻ, chàng nhớ lại một bài kinh Bà La Môn mà chàng đã từng học khi còn là một đứa trẻ. Chàng bắt đầu chậm rãi tụng bài kinh ấy giọng ngân nga, những lời kinh trở lại với chàng từ dĩ vãng và thời trẻ thơ. Đứa trẻ lặng im khi nghe chàng tụng, nấc lên một vài tiếng nữa rồi ngủ thiếp. Tất Đạt đặt nó lên giường Vệ Sử. Vệ Sử đứng nấu cơm trên bếp. Tất Đạt nhìn ông ta, ông ta mỉm cười với chàng.
– Nàng sắp chết, Tất Đạt nói nhỏ.
Vệ Sử gật. Ánh lửa trong lò phản chiếu trên gương mặt từ hoà của ông ta.
Kiều Lan lại tỉnh. Nét mặt nàng lộ vẻ đau đớn, Tất Đạt đọc thấy nỗi đau đớn ấy trên miệng nàng, trong gương mặt xanh xao của nàng. Chàng đọc nó lặng lẽ, chăm chú, chờ đợi chia xẻ nỗi đau đớn của nàng. Kiều Lan cũng biết thế, đưa mắt nhìn mắt chàng. Nàng nói:
– Bây giờ tôi thấy mắt anh cũng thay đổi. Chúng khác hẳn. Anh là Tất Đạt: nhưng anh lại không giống Tất Đạt.
Tất Đạt không nói, lặng yên nhìn vào mắt nàng.
– Anh đã đạt đến đấy rồi sao… Nàng hỏi – Anh đã tìm thấy bình an…
Chàng mỉm cười và đặt bàn tay trên tay nàng.
– Phải, nàng nói, – tôi thấy. Tôi cũng sẽ tìm thấy bình an.
– Em đã tìm thấy nó, – Tất Đạt thì thầm.
Kiều Lan chăm chăm nhìn chàng. Nàng đã có ý định đến viếng đức Cồ Đàm để thấy mặt đấng Giác Ngộ, để có được ít nhiều niềm bình an của Ngài, và thay vì thế nàng chỉ gặp chàng, và thật là hay, cũng tốt như thể nàng đã nhìn thấy đức Phật. Nàng muốn bảo chàng thế, nhưng lưỡi nàng không theo ý muốn của nàng nữa. Lặng lẽ nàng nhìn chàng và chàng thấy sự sống đang mất dần nơi mắt nàng. Khi cơn đau cuối cùng thoáng qua thân thể nàng, chàng đưa ngón tay nhẹ khép làn mi nàng.
Chàng ngồi nhìn rất lâu gương mặt nàng đã chết. Rất lâu chàng nhìn miệng nàng, chiếc miệng mệt mỏi, già nua và đôi môi khô héo, và nhớ lại ngày xưa thời xuân sắc của đời nàng, chàng đã sánh đôi môi nàng với một trái anh đào mới cắt. Rất lâu chàng nhìn chú mục gương mặt xanh xao của nàng, những đường nhăn mệt mỏi và thấy mặt chàng cũng như thế, cũng trắng, cũng chết, và cùng lúc ấy chàng thấy mặt chàng và nàng, trẻ trung, môi hồng, đôi mắt tinh anh, và chàng tràn ngập một cảm giác của hiện tại và sự sống hiện tiền. Trong giờ phút này chàng cảm thấy sâu xa hơn sự bất khả huỷ diệt của mọi cuộc sống, cái thiên thu của mỗi giây phút.
Khi chàng đứng lên, Vệ Sử đã sửa soạn cho chàng một ít cơm, nhưng Tất Đạt không ăn. Trong chuồng dê, hai người sửa lại một ít rơm và Vệ Sử nằm xuống. Nhưng Tất Đạt đi ra ngoài và ngồi trước chòi suốt đêm, lắng nghe dòng sông, lắng vào quá khứ, để lòng chìm đắm trong mọi giai đoạn vui buồn của đời chàng. Thỉnh thoảng chàng đứng dậy, đi đến cửa túp lều và lắng nghe xem đứa trẻ có ngủ không.
Sáng sớm hôm sau, trước khi mặt trời ló dạng, Vệ Sử ra khỏi chuồng và tiến đến bạn.
– Anh không ngủ, – ông nói.
– Không, Vệ Sử, tôi ngồi đây lắng nghe dòng sông. Nó đã nói với tôi rất nhiều, nó đã cho tôi đầy những tư tưởng lớn lao, những tư tưởng về sự Nhất thể.
– Anh đã khổ đau, Tất Đạt, nhưng tôi thấy rằng nỗi buồn không len được vào tim anh.
– Không, bạn yêu quí. Tại sao tôi lại phải buồn… Tôi đã giàu có, hạnh phúc, và đã trở nên giàu hơn, sung sướng hơn, tôi đã được một món quà là đứa con tôi.
– Tôi cũng sung sướng đón tiếp con anh. Nhưng này, Tất Đạt, chúng ta hãy đi làm, có rất nhiều việc. Kiều Lan chết trên cùng chiếc giường mà vợ tôi đã chết. Chúng ta cũng sẽ dựng giàn hoả thiêu của Kiều Lan trên cùng một ngọn đồi mà tôi đã hoả táng vợ tôi.
Khi đứa con trai còn ngủ, họ dựng dàn hỏa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.