Cây Bách Buồn

Chương 2



Một bức thư nặc danh! Elinor Carlisle đứng nhìn xuống lá thư mở ra trên lòng bàn tay. Từ trước đến nay cô chưa bao giờ gặp một chuyện như vậy. Nó khiến cô bực mình khó chịu. Thư viết vụng về, sai lỗi be bét, trên thứ giấy màu hồng rẻ tiền.

Thư này là để cảnh giác cô,

Tôi không nêu rõ tên ai nhưng có kẻ đang bợ đỡ bà cô của cô đấy và nếu cô không cẩn thận thì cô sẽ mất sạch ráo trọi. Bọn con gái con nứa bây giờ nó xảo quyệt lắm mà các bà già thì yếu mềm khi bị bọn gái non nó bợ đỡ, nó phỉnh phờ. Tôi khuyên cô hãy nên xuống mà xem tận mắt những gì đang xảy ra. Cô và cậu trẻ kia mà bị cướp mất những cái của cô cậu, thì thế là không phải lẽ. Nó xảo quyệt lắm, mà bà lão kia thì có thể ngoẻo bất cứ lúc nào.

Kẻ cầu chúc tốt lành.

Elionr còn đang chăm chú xem thư, mày nhíu lại vì ghê tởm, thì cửa mở ra. Người hầu gái thông báo:

– Có ông Welman.

Rồi Roddy bước vào.

Roddy! Cũng như mọi lần khi trông thấy Roddy, Elinor cảm thấy hơi choáng váng say sẩm, rung động vì niềm vui bất ngờ; nàng thấy cần phải giữ sao cho thật bình thường, không tỏ ra xúc động. Vì rằng rõ rật là Roddy, mặc dù yêu nàng, không có cái cảm giác về nàng theo cung cách như nàng có về chàng. Thoạt trông thấy chàng, nàng cảm thấy như làm sao ấy, trái tim quặn thắt hầu như đau đớn. Nực cười thay: một gã đàn ông – một chàng trẻ bình thường – mà lại có thể khiến cho mình nên nông nổi ấy. Chỉ nhìn thấy chàng thôi mà mình thấy trái đất quay cuồng; giọng nói của chàng làm cho mình muốn khóc – khóc tí chút thôi. Tình yêu chắc hẳn phải là một cảm xúc vui thú – chứ đâu phải cái gì mãnh liệt đến độ làm cho người ta phải đớn đau.

Có điều rõ rệt là: mình phải thận trọng, phải thận trọng lắm mới được, phải thoải mái tự nhiên, phải hững hờ, chẳng bận tâm gì đến nó cả. Đàn ông đâu có thích đắm say nồng nhiệt, cũng chẳng ưa gì tôn sùng ái mộ. Chắc chắn rằng Roddy như vậy đó.

Nàng nói khẽ.

– Chào anh Roddy.

Roody nói.

– Chào em. Trông em thê thảm quá. Có phải là hóa đơn không?

Elinor lắc đầu.

Roddy nói.

– Anh nghĩ chắc hẳn là thế rồi. Em biết đấy, kỳ hạ chí các nàng tiên khiêu vũ, rồi những khoản tiền cần thanh toán lướt đến nhẹ nhàng.

Elinor nói.

– Khủng khiếp quá! Một bức thư nặc danh!

Roody lông mày giương lên; khuông mặt thông minh, hà khắc sắt lại rồi biến sắc. Chàng kinh tởm, lanh lảnh thét.

– Không!

Elinor lại nói:

– Thực khủng khiếp quá…

Nàng tiến một bước đến phía bàn giấy.

– Em nghĩ là nên xé đi thì hơn.

Lẽ ra nàng có thể làm như vậy được – suýt nữa đã làm thế – bởi vì Roddy và lá thư nặc danh là hai cái chẳng nên cùng đến đồng thời. Lẽ ra nàng nên vứt đi và chẳng nghĩ gì đến nó nữa. Chàng sẽ chẳng cản trở nàng đâu. Ở nơi chàng, thói hà khắc nảy nở mạnh mẽ hơn là tính hiếu kỳ rất nhiều.

Nhưng trong cơn xung động, Elinor quyết định làm khác thế. Nàng nói:

– Dù sao có lẽ trước hết anh hãy nên đọc đi đã. Rồi chúng mình sẽ đốt đi. Thư đó nói về cô Laura.

Roddy giương mày lên, sửng sốt:

– Về cô Laura à?

Chàng cầm lấy thư đọc, mặt lộ vẻ kinh tởm, rồi trao trả lại. Chàng nói:

– Đúng rồi. Nhất định là phải đốt đi. Người ta sao mà kỳ lạ quá!

Elinor nói:

– Anh có nghĩ đó là một đứa ở không?

– Anh cho là thế – chàng ngập ngừng nói – Nhưng cái người mà họ nói tới ở đây là ai kia chứ?

Elinor trầm ngâm nói:

– Em nghĩ, chắc là Mary Gerrard.

Roody nhăn mặt cố nhớ lại:

– Mary Gerrard à? Nó là ai thế nhỉ?

– Nó là con gái của người ở khu nhà săn. Chắc anh còn nhớ cái con nhỏ hồi nó còn bé chứ? Cô Laura yêu thích con bé, thường quan tâm đến nó. Cô trả tiền cho nó học và trăm thứ bà rằn khác, nào đàn Piano, nào tiếng Pháp..

Roody nói:

– Ồ, đúng rồi, anh nhớ ra nó rồi; cái con bé gầy đét, toàn là tay với cẳng, tóc thì vàng hoe rối bù.

Elinor gật đầu.

– Đúng nó đấy. Chắc là anh chưa hề gặp nó, từ cái dịp nghỉ hè khi ba và má ở nước ngoài. Anh không thường xuống Hunterbury như em. Mới đây nó đi làm công ở Đức, nhưng trước kia hồi chúng mình đều còn con nít, mình hay lôi nó ra mà chơi nghịch.

– Bây giờ nó ra sao rồi? – Roddy hỏi.

Elinor nói:

– Nó trổ mã ra, rất xinh đẹp. Lại lịch sự nữa. Nhờ nó được giáo dục, nên chẳng bao giờ người ta ngỡ nó là con gái của lão Gerrard.

– Nó thành ra tiểu thư rồi, phải thế không?

– Đúng thế. Em cho là chính vì thế mà nó ăn ở chẳng tốt đẹp gì mấy ở khu nhà săn. Bà Gerrard chết trước đây mấy năm; Mary và bố nó sống với nhau chẳng hòa thuận gì. Lão ta thường nói giỡn bảo nó là “học thức”, là “đài các”.

Roddy tức bực nói:

– Người ta chẳng bao giờ tưởng rằng sẽ có thể gây tai họa cho người bằng cách “giáo dục” họ cả. Thường thì đó là độc ác, chứ chẳng phải tử tế gì đâu.

Elinor nói:

– Em nghĩ là nó ở nhà đó nhiều lắm đấy. Nó đọc sách cho cô Laura, từ khi cô lên cơn bệnh. Em biết lắm mà.

Roddy nói:

– Tại sao bà điều dưỡng lại không đọc cho cô ta?

Elinor mỉm cười nói:

– Bà O’Brien có cái giọng the thé chua lảnh. Em chẳng ngạc nhiên là cô Laura thích Mary hơn.

Roddy bước nhanh bồn chồn từ đầu nọ đến đầu kia căn phòng trong một hai phút. Rồi chàng nói:

– Này em Elinor, anh cho là ta cần phải xuống đó thôi.

Elionor hơi chùn lại hỏi:

– Vì chuyện đó ư?

– Không, không, không phải thế đâu. Ôi ghê tởm quá, người ta phải trung thực chứ. Bức thư thông báo ấy bẩn thỉu quá mức, nhưng dẫu sao thì vẫn có thể có đôi chút sự thực nào đó. Anh muốn nói là bà cô mình bệnh khá nặng…

– Phải rồi, anh Roddy ạ.

Roddy duyên dáng mỉm cười nhìn nàng – chàng thừa nhận rằng bản tính người ta là có thể sai lầm. Chàng nói:

– Cũng phải kể đến vấn đề tiền nữa chứ – anh và em đều cần tiền cả, Elionr ạ.

Nàng mau mắn thừa nhận:

– Ừ, đúng vậy.

Chàng nghiêm nghị nói:

– Chẳng phải là anh hám lợi. Thế nhưng chính cô Laura vẫn thường nhắc nhở hoài là em và anh là liên hệ gia đình duy nhất của cô. Em là cháu ruột cô, con của anh cô, còn anh thì là cháu của chồng cô. Cô thường cho chúng mình hiểu rằng khi nào cô chết đi, cô sẽ để lại tất cả cho em hoặc anh – hoặc có lẽ là cho cả hai chúng mình. Đó là món tiền khá lớn, Elinor ạ.

– Vâng – Elinor trầm ngâm nói – Chắc hẳn là như vậy.

– Bảo trì được Hunterbury thì chẳng phải là chuyện đùa đâu – Chàng ngừng rồi tiếp – Theo anh nghĩ, cái hồi chú Henry gặp cô Laura, chú sống sung túc lắm. Cô Laura là người thừa kế. Nhờ đó cô và cha em đều rất giàu. Tiếc thay cha em vì đầu cơ tích trữ mà sạt nghiệp.

Elinor thở dài.

– Cha em không có khiếu buôn bán. Ông gặp nhiều chuyện phiền muộn rồi mất.

– Đúng thế, cô Laura có đầu óc khá hơn ông. Cô kết hôn với chú Henry, rồi mua ngôi nhà Hunterbury. Có hôm cô kể với anh rằng bao giờ cô cũng gặp may trong các vụ đầu tư. Hầu như chẳng có gì sa sút cả.

– Khi chú Henry mất, chủ để lại tất cả tài sản cho cô, có phải thế không anh?

Roddy gật đầu:

– Phải, đau đớn thay chú mất sớm quá! Cô Laura không tái giá, mà khăng khăng thủ tiết. Cô luôn luôn tốt bụng đối với chúng mình. Cô coi anh hệt như là cháu ruột. Anh có bị sa hầm sẩy hố, thì cô cứu vớt ngay; may sao anh chẳng gặp cảnh ấy thường thường.

– Đối với em cô cũng rộng lượng lắm – Elinor cảm kích nói.

Roddy gật đầu:

– Cô Laura là người hào phóng. Thế nhưng, em biết đấy, Elinor, bằng vào phương tiện thực có của chúng ta hiện nay, có lẽ em và anh sống quá xa hoa, mà không có ý làm như vậy.

Nàng ngậm ngùi nói:

– Em nghĩ là chúng ta sống như thế thật. Mọi thứ đều quá tốn kém – nào quần áo, nào mặt mày, rồi những cái lẩm cẩm khác như hát bóng, cốc-tây, lại còn cả máy hát nữa.

Roody nói:

– Em ơi, em đứng là một đóa hoa bách hợp trong đồng nội, phải thế không em? Em không cực khổ mà cũng chả làm việc.

Elinor nói:

– Anh có nghĩ rằng em cần phải làm việc không, Roddy?

Chàng lắc đầu:

– Anh thích em cứ như thế này thôi: em thanh nhã, em xa rời cách biệt, em mỉa mai châm biếm. Anh không thích em đứng đắn nghiêm chỉnh. Anh chỉ muốn nói rằng nếu không phải vì cô Laura thì hẳn là em sẽ làm một công việc nhọc nhằn nào đó.

Chàng nói tiếp:

– Anh cũng vậy thôi. Anh đã kiếm được một chỗ làm, làm linh tinh đủ thứ. Làm với hãng Lewis & Hume thì cũng chẳng cực lắm. Lại hợp với anh. Có một việc làm là anh giữ được lòng tự trọng rồi; thế nhưng anh chẳng băn khoăn thắc mắc gì về tương lai, vì anh trông đợi ở cô Laura.

Elinor nói:

– Chúng mình giống hệt như là đỉa hút máu người.

– Vô lý lắm. Người ta đã cho mình biết rằng rồi đây chúng mình sẽ có tiền – thế là đủ rồi. Cố nhiên là điều đó có tác dụng đối với cách xử sự của chúng ta.

Elinor trầm ngâm nói:

– Cô Laura chẳng hề nói dứt khoát cho chúng mình biết cô ta để lại tiền của ra sao cả?

Roddy nói:

– Điều đó chẳng quan hệ gì. Chắc chắn là cô ta chia cho hai đứa mình, nhưng nếu không phải như vậy – nếu cô ta để lại tất cả hoặc hầu hết cho em là ruột thịt của cô – thì, em ơi, anh vẫn có phần trong đó, vì lẽ anh sắp cưới em; còn nếu như bà già ấy lại có ý để phần lớn di sản cho anh như là đại biểu phái nam của dòng họ Welman, thì cũng vẫn được thôi, vì em sắp kết hôn với anh.

Chàng cười nhăn nhở âu yếm:

– May sao chúng mình lại yêu nhau. Em yêu anh, có phải vậy không Elinor?

– Phải – nàng nói một cách lạnh lùng, hầu như nghiêm nghị.

– Phải! – Roddy bắt chước nàng – Em thật là khả kính, Elinor ạ. Cái dáng điệu của em – tách rời, cách biệt, chẳng ai động đến được – đúng là cô Công chúa xa vời. Chính cái đặc tính này của em đã khiến anh yêu em đó.

Elionr nín thở, nói:

– Thế ư?

– Đúng thế – Chàng nhăn mặt – có những người đàn bà, anh không hiểu nữa, họ cứ… cứ khư khư giữa gịt, họ bám sát, đắm đuối tôn sùng – cảm xúc vương vãi khắp nơi. Anh không thích thế. Còn với em thì anh không bao giờ biết – chẳng bao giờ chắc nữa – bất cứ giây phút nào em cũng có thể trở lại với cái lối lạnh nhạt, xa rời và bảo là đã đổi ý – hoàn toàn lạnh lùng, thản nhiên, phớt tỉnh, như vậy đó. Em là người đầy sức quyến rũ, Elinor ạ. Em giống hệt như một công trình nghệ thuật, quá ư – quá ư trau chuốt!

Chàng tiếp tục nói:

– Em biết đấy, anh nghĩ cuộc hôn nhân của chúng ta sẽ là cuộc phối ngẫu hoàn hảo vẹn toàn. Chúng mình yêu nhau vừa đủ thôi, chớ không thái quá. Chúng mình là bạn tốt của nhau. Chúng mình có nhiều sở thích chung. Chúng mình biết nhau rất rõ. Chúng mình có tất cả những thuận lợi của tình anh em mà không có những bất tiện do liên hệ cốt nhục. Anh sẽ không bao giờ chán em, bởi vì em là người bản tính hay lảng tránh. Thế nhưng có thể rồi đây em sẽ chán anh. Anh chỉ là một kẻ tầm thường…

Elinor lắc đầu nói:

– Em sẽ không bao giờ chán anh. Roddy – không bao giờ đâu.

– Cưng ơi!

Chàng hôn nàng.

Chàng nói:

– Cô Laura biết rất rõ chúng mình hiện nay ra sao, mặc dù là từ khi quyết định như vậy chúng mình chưa xuống nhà cô. Anh nghĩ, đó cũng là cái cớ mình nên xuống đó, phải không?

– Phải lắm. Hôm trước em nghĩ rằng…

Roddy nói trọn câu nàng:

– … rằng chúng ta không xuống đó thường thường. Anh cũng nghĩ vậy. Khi cô lên cơn bệnh lần đầu, gần như cứ cách hai tuần chúng ta lại xuống đó vào dịp nghỉ cuối tuần. Còn bây giờ thì có lẽ đã gần hai tháng rồi mà mình chưa xuống.

Elinor nói:

– Nếu cô gọi thì mình đi… đi liền.

– Hẳn thế rồi. Mình biết là cô thích bà điều dưỡng O’Brien, cô được chăm sóc chu đáo. Dù sao chăng nữa, có lẽ chúng mình đã đôi chút chểnh mảng, lơ là. Anh nói đây không phải là vì tiền mà nói – nhưng chỉ hoàn toàn dựa vào quan điểm con người mà nói đó thôi.

Elinor gật đầu.

– Em biết chứ.

– Dầu sao thì cái mẩu thư bẩn thỉu kia cũng có chỗ tốt. Chúng mình xuống đó để bảo vệ quyền lợi của mình, mà cũng bởi vì chúng mình yêu bà cô già nua thân mến kia.

Chàng cầm lấy tờ thư trong tay Elinor rồi bật quẹt đốt.

– Ai viết thư này thế nhỉ? – Chàng nói – Chẳng phải vì… Chắc có người nào đó “đứng về phe mình” – lúc bé mình thường nói thế. Cũng có lẽ họ đã giúp mình đấy. Mẹ của Jim Partington đến ở Riviera, gặp một bác sĩ người Ý trẻ tuổi đẹp trai chăm nom chữa bệnh, rồi mê chàng ta, để lại cho chàng đến từng cắc nhỏ mình có. Jim cùng các cô em cố gắng làm ngược lời di chúc, mà không được.

Elinor nói:

– Cô Laura thích cái anh chàng bác sĩ mới hành nghề thế chỗ bác sĩ Ransome – nhưng chăng đến mức độ ấy. Dù sao thì bức thư khủng khiếp kia cũng có nói đến một cô con gái. Chắc là Mary đấy.

Roddy nói:

– Chúng ta sẽ xuống đó để xem tận mắt.

* * *

Cô điều dưỡng O’Brien từ phòng ngủ của bà Welman hối hả đi ra rồi vào phòng tắm. Cô ngoảnh lại nói:

– Tôi sẽ đặt ấm nước. Chị có thể dùng một ly trà rồi làm tiếp công việc.

Bà điều dưỡng Hopkins thoải mái nói:

– Được rồi, chị thì lúc nào cũng có thể làm một ly. Chị thường nói chẳng có chi bằng được ly trà ngon cả – một ly đậm.

Cô O’Brien đổ nước đầy ấm rồi đốt lò ga, nói:

– Em có đủ cả ở trong tủ chén – bình trà, ly cốc, đường. Edna đem sữa tươi đến một ngày hai lần. Chẳng cần phải rung chuông hoài… Đây là cái lò ga tốt, nó đun sôi ấm nước trong giây lát.

Cô O’Brien trạc ba mươi tuổi, thân hình cao lớn, tóc đỏ, răng trắng bóng, mặt đầy tàn nhang, miệng cười duyên dáng. Tính tình vui vẻ, sức sống dồi dào khiến cô được bệnh nhân yêu thích. Bà Hopkins là nữ điều dưỡng của khu vực, sáng nào cũng đến giúp dọn giường, rửa ráy cho bà già khắc khổ kia; bà là một phụ nữ trung niên bình thường, có dáng vẻ giỏi giang, nhanh nhẩu.

Giờ đây bà tán thành nói:

– Trong nhà này mọi cái đều tốt đẹp cả.

Cô O’Brien gật đầu:

– Đúng thế. Có nhiều cái đã lỗi thời. Không có lò sưởi hơi nước chung, nhưng có nhiều lò đốt bằng than củi. Đầy tớ toàn là những cô gái sốt sắng hầu hạ; bà Bishop trông nom họ kỹ lắm.

Bà Hopkins nói:

– Bọn gái đó bây giờ – chị không chịu nổi nữa – chúng nó hầu hết chẳng biết mình muốn cái gì, và chẳng làm được việc gì ra hồn cả.

– Mary Gerrard là cô gái ngoan – cô O’Brien nói – Em thực sự không biết bà Welman sẽ làm gì nếu không có cô ta. Chị đã thấy bà ấy đòi hỏi cô ta ra sao rồi? À, mà thực cô ta là một con người khả ái; cô ta được bà tín nhiệm.

Bà Hopkins nói:

– Chị buồn cho Mary. Cái ông bố già kia làm hết mình để trêu chọc cô con gái.

– Cái lão thô lỗ ấy chẳng có một tiếng lịch sự nào trong đầu óc cả – cô O’Brien nói – Kìa, ấm nước đang reo rồi. Chừng nào nước sôi, em sẽ pha trà ngay.

Trà pha xong, rót ra, nóng và đậm. Hai người ngối trước ly trà ở trong phòng cô O’Brien, bên cạnh phòng ngủ của bà Welman.

– Ông Welman cùng cô Carslite đang xuống đây – cô O’Brien nói – Có tin điện báo sáng nay.

– Xuống đây, bây giờ, em ạ – bà Hopkins nói – Chị nghĩ bà lão có vẻ đang bị kích động về chuyện gì đó. Đã khá lâu rồi họ mới xuống đây, phải không em?

– Có lẽ đã hơn hai tháng rồi. Ông Welman là một nhà quý phái trẻ trung, tử tế. Nhưng có vẻ rất kiêu căng, tự đắc.

Bà Hopkins nói:

– Hôm trước chị thấy hình của cô ta trong tạp chí Tatler – chụp với một người bạn ở khu chợ mới.

Cô O’Brien nói:

– Cô ta rất nổi tiếng về mặt xã giao, phải thế không chị? Và lúc nào cũng ăn vận đẹp đẽ. Chị có cho là cô ta thực sự xinh đẹp không?

Bà Hopkins nói:

– Khó mà nói được con gái thực sự ra sao dưới lớp son phấn. Theo ý chị, cô ta không có được dáng dấp như Mary Gerrard.

Cô O’Brien mím môi, nghiêng đầu nói:

– Có thể là chị nói đúng. Nhưng Mary không hợp mốt thời thượng.

Bà Hopkins nói giọng dạy đời:

– Người tốt vì lúa, lúa tốt vì phân.

– Một ly nữa nhé chị?

– Cám ơn em. Cũng không sao.

Bên những ly trà bốc hơi. Hai người xích lại gần nhau.

Cô O’Brien nói:

– Đêm hôm qua xảy ra một chuyện thực kỳ quặc. Vào lúc hai giờ, như thường lệ, em vào nâng giấc bà lão, thì thấy bà nằm trên giường thao thức không ngủ. Thế nhưng chắc chắn là bà đang chiêm bao, vì ngay khi em vừa bước vào phòng thì bà nói: “Tấm hình, tôi phải có tấm hình”.

Em nói: “Dạ, thưa bà Welman. Thế nhưng có lẽ bà nên đợi đến sáng ngày đã?” Bà nói, “Không. Tôi muốn ngắm tấm hình đó ngay bây giờ cơ”. Em nói, “Được rồi, thế tấm hình đó ở đâu? Có phải bà muốn nói tấm hình của ông Roderick không? Bà nói, “Roderick nào? Không. Lewis cơ”. Rồi bà bắt đầu trằn trọc trăn trở. Em tới nâng bà dậy, bà lấy chìa khóa trong chiếc hộp nhỏ cạnh giường đưa cho em, bảo em mở ngăn thứ hai của tủ com-mốt, trong đó em thấy một bức hình to mắc khung bạc. Hình một chàng đẹp trai, ở góc là chữ tên “Lewis” vắt ngang. Bức hình cổ lắm rồi, hẳn chụp cách đây đã nhiều năm. Em lấy hình đem đến cho bà, bà cầm lấy ngắm nghía một lúc lâu. Bà nói lẩm bẩm: “Lewis – Lewis”. Rồi bà thở dài đưa cho em bảo em cất lại chỗ cũ. Chị có tin được không – lúc em quay lại thì bà đã ngủ thiếp đi ngon lành như một đứa trẻ thơ vậy.

Bà Hopkins nói:

– Em có nghĩ đó là chồng bà ta không?

Cô O’Brien nói:

– Không đâu! Vì sáng hôm ấy em làm vẻ lơ là hỏi bà Bishop tên ông Welman trước đây là gì, thì bà nói là Henry.

Hai người đưa mắt nhìn nhau. Bà Hopkins có sống mũi dài, đầu mũi hơi rung lên vì thích thú. Bà trầm ngâm nói:

– Lewis – Lewis. Chị không nhớ ở quanh đây có người nào tên đấy.

– Có lẽ nhiều năm trước đây có ai tên như vậy – cô O’Brien nhắc nhở.

– Ừ, cố nhiên rồi, chị mới ở đây có mấy năm thôi. À mà…

Cô O’Brien nói:

– Đó là một anh chàng rất đẹp trai. Có dáng tựa như một sĩ quan kỵ binh.

Bà Hopkins nhấp trà, nói:

– Thực rất thú vị.

Cô O’Brien mơ màng nói:

– Có thể là cô, cậu chung sống với nhau rồi bị ông bố tàn nhẫn chia cách, phân ly.

Bà Hopkins thở dài thườn thượt, nói:

– Có lẽ cậu ta đã bị giết trong lúc chiến tranh.

Nước trà ngon và sự suy đoán lãng mạn làm cho bà Hopkins khích động thích thú.

***

Khi bà rời nhà ra đi, thì Mary Gerrard chạy ra khỏi cổng rượt theo.

– Cô ơi, cô cho cháu theo xuống làng với nhé?

– Lẽ dĩ nhiên là được chứ Mary.

Mary Gerrard thở hổn hển nói:

– Cháu cần nói với cô. Cháu băn khoăn về đủ thứ chuyện.

Bà nhìn cô một cách hiền từ.

Với tuổi hai mươi mốt, Mary Gerrard là một thiếu nữ khả ái, có vẻ huyền ảo như đóa hoa hồng hoang dã, cổ cao xinh xắn, làn tóc vàng nhạt như sóng lượn nhịp nhàng trên mái đầu tuyệt đẹp, mắt xanh sâu thẳm linh động.

Bà Hopkins nói:

– Cháu có chi buồn phiền thế?

– Cháu buồn ngày tháng cứ trôi qua mà cháu thì chẳng làm gì cả.

Bà Hopkins thản nhiên nói:

– Cháu còn đủ thì giờ chán.

– Thưa không phải vậy đâu, cháu chẳng có chi là ổn định cả. Bà Welman đối với cháu cực kỳ là tử tế, bà cho cháu ăn học rất tốn kèm. Lúc này cháu cảm thấy rằng cháu cần phải bắt đầu tự lực kiếm sống cho mình. Cháu cần phải học một nghề gì đó.

Bà Hopkins gật đầu tỏ ý thông cảm.

– Nếu không làm như thế, thì phí phạm lắm. Cháu đã cố bày tỏ cảm nghĩ của mình với bà Welman, nhưng hình như bà không chịu hiểu – thực khó khăn quá. Bà cứ bảo rằng còn nhiều thời gian.

Bà Hopkins nói:

– Cháu nên nhớ là bà đang bệnh hoạn.

Mary mặt ửng hồng lên vì hối hận.

– Ồ, cháu biết thế chứ. Lẽ ra cháu không nên quấy rầy bà. Nhưng thực là bực mình – bố cháu quá quắt, quá quắt lắm đối với chuyện này. Bố cứ mắng hoài cháu là tiểu thư đài các. Thực ra, cháu đâu có muốn ngồi không, chẳng làm gì.

– Cô biết cháu không thế.

– Chỉ phiền là học nghề gì cũng tốn kém cả. Bây giờ cháu biết tiếng Đức khá giỏi, cháu có thể làm một việc gì đó với thứ tiếng này. Nhưng cháu nghĩ cháu thật sự muốn làm điều dưỡng tại bệnh viện. Cháu thích nghề điều dưỡng và bệnh nhân.

Bà Hopkins nói thẳng thực.

– Cháu phải có sức mạnh như trâu mới được. Phải nhớ thế nhé.

– Cháu khỏe lắm. Cháu thực sự thích nghề điều dưỡng. Em của mẹ cháu, ở Tân Tây Lan đã làm điều dưỡng. Như vậy là nghề này nằm sẵn trong máu cháu, cô thấy đấy.

– Thế còn nghề xoa bóp thì sao? – Bà Hopkins gợi ý – Hay là Norland nhé? Cháu yêu thích trẻ nít. Làm nghề xoa bóp lại nhiều tiền nữa.

Mary hồ nghi nói:

– Học nghề ấy tốn tiền lắm, phải không cô? Cháu mong được thế lắm – nhưng thế là cháu quá tham lam – bà ta đã giúp cháu nhiều rồi.

– Cháu có ý nói đến bà Welman à? Thực vô lý. Theo ý cô, bà ta còn chịu ơn cháu về việc này là đằng khác. Bà ta đã cho cháu học quá bảnh, nhưng chẳng phải là cái học đem lại cho cháu được gì nhiều. Cháu không thích dạy học hay sao?

– Cháu không đủ trí thông minh.

Bà Hopkins nói:

– Trí óc thì có người thế nọ, kẻ thế kia chứ. Mary ạ, nếu cháu theo lời cô khuyên, thì cháu hãy nên kiên trì trong lúc này. Theo ý cô, như cô đã nói đó, bà Welman chịu ơn cháu, nên sẽ giúp cháu bắt đầu việc kiếm kế sinh nhai. Cô tin rằng bà ta có ý muốn làm như vậy. Nhưng thực sự là bà ta yêu thương cháu, bà ta không muốn mất cháu.

Mary nói:

– Ồ! – Nàng thở ra hơi mạnh – Cô có thực nghĩ là như vậy không?

– Về điều ấy cô chẳng nghi ngờ chút nào cả. Bà lão già yếu, hầu như không tự lo liệu nổi, bại nửa người, chẳng có gì, chẳng có ai làm cho vui được mấy nả. Có được một người tươi tắn, trẻ trung như cháu đây quanh quẩn bên mình thì thật là đáng kể nhiều lắm đối với bà ta. Cháu có phần hành tốt đẹp lắm trong phòng bệnh.

Mary nói khẽ.

– Nếu cô thực sự nghĩ thế… làm cho cháu cảm thấy dễ chịu hơn… Cháu rất yêu bà Welman. Bà ta lúc nào cũng tốt bụng đối với cháu. Cháu sẽ làm bất cứ việc gì cho bà.

Bà Hopkins thản nhiên nói:

– Thế thì tốt hơn hết là cháu nên ở lại đây và đừng có thắc mắc nữa. Sẽ chẳng lâu đâu.

Mary nói:

– Cô định nói gì thế…?

Mắt nàng mở to, sợ hãi.

Bà Hopkins nói:

– Kìa, bố cháu đang từ nhà săn đến – và theo cô thì chắc hôm nay ông ta không được vui.

Họ tiến đến gần cổng sắt lớn. Trên những bậc thang của nhà săn, một ông già lưng còng đang khập khiễng khó nhọc leo xuống hai bậc.

Bà Hopkins vui vẻ nói:

– Chào ông Gerrard.

Ephraim Gerrard nói cộc lốc:

– A!

– Tiết trời đẹp lắm – Bà Hopkins nói.

Lão Gerrard cáu kỉnh nói:

– Có lẽ đối với bà thôi, chớ chẳng phải đối với tôi. Tôi đau lưng dữ quá.

Bà Hopkins tươi cười:

– Tôi cho là tại tuần rồi ẩm ướt. Với cái khí hậu khô ráo, nóng bức như thế này, thì chẳng bao lâu sẽ hết sạch cả thôi.

Cử chỉ nhanh nhẹn lành nghề của bà xem chừng làm bực mình lão già.

Lão hậm hực nói:

– Điều dưỡng mới chả điều dưỡng, đều giống nhau tuốt. Cứ hơn hớn trước nỗi buồn phiền của kẻ khác thôi. Chẳng có ý tứ gì! Cả cái con Mary kia nữa, cũng nói làm điều dưỡng. Mình cứ tưởng rằng nó muốn làm cái gì tốt hơn thế chứ, với cái tiếng Pháp, tiếng Đức, cái tài chơi đàn piano và tất cả các môn mà nó học được ở cái trường lớn của nó, và trong các chuyến nó đi du lịch nước ngoài.

Mary nói gay gắt:

– Làm điều dưỡng bệnh viện đối với tôi thế là quá đủ rồi.

– Phải rồi, và chẳng bao lâu nữa cô sẽ chẳng làm gì, phải thế không nào? Rồi cô sẽ khuệnh khoạng, làm bộ làm tịch, làm duyên làm dáng, ra cái vẻ ta đây tiểu thư đài các, chẳng mó tay đến việc gì. Đồ lười chảy thây, cô là thế đó, con gái của tôi ạ.

Mary rưng rưng nước mắt, phản đối:

– Không đúng thế đâu, bố ạ. Bố không có quyền nói con như vậy.

Bà Hopkins với vẻ rầu rầu, hóm hỉnh nói xen vào:

– Chỉ chút xíu thôi, vì thời tiết sáng nay, phải thế không nào? Thực ra ông không có ý định nói thế đâu, ông Gerrard ạ. Mary là cô bé tốt và là con gái ngoan của ông.

Gerrard nham hiểm nhìn con gái nói:

– Bây giờ nó không phải là con gái của tôi – với cái tiếng Pháp của nó, với câu chuyện và lối nói điệu đà màu mè của nó. Chà!

Lão quay ngoắt, đi trở vào nhà săn.

Lệ còn đọng trên mắt. Mary nói:

– Cô xem đấy, biết bao nhiêu khó khăn. Ông ta không biết điều chút nào. Ông chẳng bao giờ ưa cháu ngay cả khi cháu còn bé. Mẹ cháu lúc nào cũng bênh vực cháu.

Bà Hopkins dịu dàng nói:

– Cháu đừng buồn. Những việc ấy là để thử thách ta đó thôi. Trời ơi, cô phải đi gấp đây. Sáng nay mình được một phen.

Đứng trông cái hình dáng mau mắn rút lui ấy, Mary Gerrard thấy mình lẻ loi, nghĩ rằng chẳng có ai là thực sự tốt cả; chẳng ai thực giúp đỡ mình được. Bà Hopkins dù có tử tế chăng nữa, cũng chỉ lấy làm vừa lòng về những lời vô vị cũ nhàm nói ra với cái vẻ mới mẻ mà thôi.

Mary buồn bực nghĩ: “Bây giờ mình phải làm gì đây?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.