Cây Bách Buồn

Chương 20



Elinor Carlisle ngồi một bên cái bàn ngăn cách hai người. Poirot nhìn nàng với ánh mắt thăm dò.

Họ ngồi riêng với nhau. Qua bức vách bằng kính, một viên cai ngục đứng canh chừng.

Poirot lưu ý đến khuôn mặt nhạy cảm, thông minh, với vầng trán trắng vuông, và sóng mũi, vành tai xinh xắn. Những đường nét thanh thanh; một con người cao ngạo, nhạy cảm, tỏ ra có giáo dục, biết tự kiềm chế và – một cái gì khác nữa – một khả năng yêu đương tha thiết, nồng nàn.

Ông nói:

– Tôi là Hercule Poirot. Tôi được bác sĩ Lord phái đến đây. Bác sĩ nghĩ rằng tôi có thể giúp cô được.

Elinor Carlisle nói:

– Bác sĩ Lord…

Giọng nàng gợi lại kỷ niệm xưa. Một lát sau nàng hơi tư lự mỉm cười. Rồi trang trọng nói tiếp:

– Ông ta thực tốt bụng, nhưng tôi không nghĩ có điều gì ông có thể làm được.

Poirot nói:

– Xin cô vui lòng trả lời những câu hỏi của tôi.

Nàng thở dài nói:

– Xin hãy tin tôi – thực sự là – không hỏi thì tốt hơn. Tôi đã có người giỏi. Ông Seddon là người cừ nhất. Tôi sẽ có một luật sư rất có tiếng tăm.

Poirot nói:

– Ông ta không có tiếng tăm bằng tôi đâu.

Elinor nói với giọng hơi chán chường.

– Ông ta tiếng tăm lừng lẫy.

– Đúng thế, vì bào chữa cho kẻ phạm tội. Còn tôi thì có tiếng tăm lừng lẫy, vì chứng tỏ sự vô tội.

Cuối cùng nàng ngước mắt lên, đôi mắt xanh, đẹp, sống động. Chúng nhìn thẳng vào mắt Poirot. Nàng nói:

– Ông có tin tôi vô tội không?

Poirot nói:

– Thế cô có vô tội không?

Elinor cười, một cái cười hơi châm biếm. Nàng nói:

– Đó là một mẫu câu hỏi của ông, phải không. Thực rất dễ trả lời, phải thế không?

Poirot hỏi bất ngờ:

– Cô mệt mỏi lắm, phải không?

Mắt nàng mở hơi rộng. Nàng nói:

– Sao thế? Đúng rồi – hơn bất cứ sự gì. Làm sao ông biết được?

Poirot nói:

– Tôi đã biết.

Elinor nói:

– Tôi sẽ sung sướng khi vụ này kết liễu.

Poirot im lặng nhìn nàng một lát, rồi nói:

– Tôi đã gặp anh họ cô, xin gọi thế cho tiện, tôi đã gặp ông Roderick Welman.

Màu hồng lan từ từ trên khuôn mặt trăng trắng, cao ngạo. Thế ra ông đã biết một câu hỏi của ông đã được trả lời mà không cần hỏi ra.

Giọng hơi run run, nàng nói:

– Ông đã gặp Roddy à?

Poirot nói:

– Ông ta đã làm hết sức mình cho cô.

– Tôi biết.

Giọng nàng mau và dịu.

Poirot nói:

– Ông ta nghèo hay giàu?

– Roddy ư? Anh ấy không có nhiều tiền riêng.

– Ông ta có tiêu pha phung phí không?

Elinor hầu như lơ đãng nói:

– Cả hai chúng tôi đều nghĩ như thế chẳng có gì là quan hệ cả. Chúng tôi biết rằng một ngày kia…

Nàng ngừng lời.

Poirot nói mau:

– Cô trông vào số tiền thừa kế kia, phải không? Điều đó thực không hiểu nổi.

Ông nói tiếp:

– Có lẽ cô đã nghe nói về kết quả cuộc giải phẫu tử thi của bà cô. Bà ta đã chết vì bị đầu độc bằng chất morphine.

Elinor lạnh lùng nói:

– Tôi không giết bà.

– Cô có giúp bà ta tự giết mình không?

– Tôi có giúp không? Ồ, tôi hiểu rồi. Không, tôi không giúp.

– Cô có biết rằng cô của cô chưa làm di chúc không?

– Không, tôi không có ý nghĩ gì về việc đó.

Lúc này giọng nàng uể oải, thẫn thờ. Câu trả lời có vẻ máy móc, hờ hững.

Poirot nói:

– Còn cô, cô đã làm di chúc chưa?

– Thưa đã.

– Có phải cô đã làm di chúc vào cái ngày bác sĩ Lord nói với cô về việc đó không?

– Phải – Làn sóng hồng lại thoáng gợn lên.

Poirot nói:

– Cô Carlisle, cô đã để lại tài sản như thế nào?

Elinor điềm nhiên nói:

– Tôi để lại tất cả cho Roddy – Roderick Welman.

Poirot nói:

– Ông ta có biết việc đó không?

Elinor nói mau:

– Chắc chắn là không.

– Cô không thảo luận việc này với ông ta sao?

– Cố nhiên là không. Vì như thế thì chắc anh ấy sẽ bối rối lắm, anh ấy rất không thích tôi làm như vậy.

– Có ai khác biết nội dung bản di chúc của cô không?

– Chỉ có ông Seddon – và thư ký của ông ta, tôi nghĩ thế.

– Ông Seddon đã thảo bản di chúc đó cho cô, phải không?

– Đúng thế. Ngay sáng hôm đó tôi đã viết thư cho ông ta – tôi muốn nói là vào chiều tối hôm bác sĩ Lord nói với tôi về việc này.

– Có phải chính cô đã đi bỏ thư không?

– Không. Thư đó được gởi đi từ hòm thư ở khu nhà cùng với các thư khác.

– Cô đã viết thư đó, bỏ vào phong bì, niêm lại, dán tem, rồi bỏ vào hòm thư – như thế này (tiếng Pháp trong bản nguyên tác ), phải không? Cô không ngừng lại để suy nghĩ sao? Để đọc lại thư đó sao?

Elinor đăm đăm nhìn ông nói:

– Có chứ, tôi có đọc lại. Tôi đi tìm mấy cái tem. Khi cầm tem trở lại, tôi đã đọc lại thư, cho chắc là đã nói rõ.

– Có ai ở trong phòng đó với cô không?

– Chỉ có Roddy thôi.

– Ông ta có biết cô đang làm gì không?

– Tôi đã nói với ông là không mà.

– Khi cô ra khỏi phòng rồi, thì có ai có thể đọc thư đó không?

– Tôi không biết. Ông muốn nói đến một gia nhân à? Tôi nghĩ họ có thể đọc được, nếu họ tình cờ vào phòng khi tôi đi ra ngoài rồi.

– Trước khi ông Roderick Welman vào phòng đó, phải không?

– Phải.

Poirot nói:

– Thế thì ông ta cũng có thể đọc thư đó chứ?

Giọng rành rẽ, tức giận, Elinor nói:

– Thưa ông Poirot, tôi có thể nói chắc với ông là “anh họ tôi” – ông gọi thế – không đọc thư của người khác.

Poirot nói:

– Đó là ý nghĩ được thừa nhận, tôi biết thế. Chắc cô sẽ ngạc nhiên khi thấy nhiều người làm những việc “không được làm”.

Elinor nhún vai.

Bằng giọng tình cờ, không chủ định, Poirot nói:

– Có phải là đúng vào hôm đó cái ý tưởng giết Mary Gerrard đến với cô lần đầu tiên không?

Lần thứ ba màu hồng lại thoáng hiện lên mặt Elinor Carlisle. Lần này đó là một đợt thủy triều nóng bỏng. Nàng nói:

– Peter Lord đã nói với ông thế sao?

Poirot nhẹ nhàng nói:

– Có phải vào lúc đó không? Lúc cô ngó qua cửa sổ, trông thấy cô ta đang làm di chúc. Có phải cái cảnh tượng đó đã đập vào mắt cô, khiến cô thấy nực cười – và thuận tiện biết bao, nếu Mary Gerrard tình cờ chết? Phải thế không?

Elinor Carlisle nghẹn ngào nói rất khẽ:

– Ông ta đã biết – ông ta nhìn tôi và đã biết…

Poirot nói:

– Bác sĩ Lord biết khá nhiều điều. Cái anh chàng có khuôn mặt tàn nhang, mái tóc hung hung ấy chẳng phải là một tên ngốc đâu.

Elinor thấp giọng nói:

– Có phải ông ta cậy ông đến đây để giúp tôi không?

– Đúng thế, thưa cô.

Nàng thở dài nói:

– Tôi không hiểu. Không, tôi không hiểu.

Poirot nói:

– Xin cô nghe đây, cô Carlisle. Cô cần cho tôi biết việc gì đã xảy ra lúc Mary Gerrard chết – cô đã đi đâu, cô đã làm gì. Hơn thế nữa, tôi muốn biết ngay đến cả cô đã nghĩ gì.

Elinor chăm chăm nhìn ông. Rồi một nụ cười mỉm kỳ quặc từ từ hiện ra trên môi. Nàng nói:

– Chắc hẳn ông phải là một con người đơn sơ phi thường. Ông không hiểu rằng tôi rất dễ dàng nói dối ông sao?

Poirot nói:

– Điều đó chẳng quan hệ gì?

Elinor bối rối:

– Chẳng quan hệ gì ư?

– Đúng thế. Bởi vì, thưa cô, những lời nói dối có thể khiến cho người nghe biết được nhiều như là sự thực cho biết. Đôi khi chúng còn cho biết nhiều hơn là đằng khác. Nào, bây giờ cô hãy bắt đầu đi. Cô đã gặp bà quản gia tốt bụng Bishop. Bà ta muốn đến giúp cô. Cô không cho phép bà ta. Tại sao vậy?

– Tôi muốn được rảnh một mình.

– Tại sao?

– Tại sao? Tại sao? Tại vì tôi muốn suy nghĩ.

– Cô muốn tưởng tượng – đúng rồi. Rồi sau đó cô làm gì?

Elinor cằm ngước lên có vẻ thách thức, nói:

– Tôi mua ít bột nhồi dùng ăn với bánh xăng-uých.

– Hai hũ phải không?

– Hai hũ.

– Rồi cô đến Hunterbury. Cô làm gì ở đó?

– Tôi lên phòng cô tôi, rồi bắt đầu xem xét đồ đạc của bà.

– Cô đã tìm kiếm gì?

– Tìm kiếm ư? – Nàng nhăn mặt – Áo quần, thư cũ, hình chụp, nữ trang.

Poirot nói:

– Không thấy gì bí mật ư?

– Bí mật nào? Tôi không hiểu ông nói gì?

– Thế thì chúng ta hãy tiếp tục. Sau đó thì sao?

Elinor nói:

– Tôi đi xuống phòng kho, rồi cắt bánh xăng-uých.

Poirot nói khẽ:

– Rồi cô đã nghĩ gì?

Mắt xanh của Elinor chợt lóe lên, nàng nói:

– Tôi nghĩ đến người có tên trùng với mình, Eleanor of Aquitaine. (1122-12-4, nữ công tước tỉnh Aquitaine, kết hôn với vua Louis VII nước Pháp, bị rẫy, sau tái giá với vua Henri II nước Anh ).

Poirot nói:

– Tôi hoàn toàn hiểu.

– Ông hiểu ư?

– Ồ, đúng thế. Tôi biết câu chuyện ấy. Bà ta cho Fair Rosamond được lựa chọn: hoặc là con dao găm, hoặc là chén thuốc độc. Rosamond đã chọn thuốc độc.

Elinor không nói gì. Lúc này nàng trắng bệch.

Poirot nói, nhưng có lẽ, lần này, đã không phải lựa chọn:

– Xin cô tiếp tục. Sau đó thì đến gì?

Elinor nói:

– Tôi bày sẵn bánh xăng-uých lên một cái khay rồi đi xuống nhà săn. Tại đó có bà Hopkins cũng như Mary. Tôi bảo là tôi có bánh xăng-uých ở khu nhà.

Poirot nhìn nàng, khẽ nói:

– Đúng thế, thế rồi tất cả cùng đi lên khu nhà, phải thế không?

– Phải. Chúng tôi ăn bánh xăng-uých trong phòng vật dụng.

Vẫn với giọng nhỏ nhẹ, Poirot nói:

– Đúng thế, đúng thế – vẫn còn ở trong giấc mơ . Rồi sao…

– Rồi sao ư? – Nàng nhìn đăm đăm – Tôi để cô ta lại đó, đứng bên cửa sổ. Tôi đi ra, bước vào phòng kho. Lúc ấy vẫn còn giống như ông nói – trong một giấc mơ. Bà điều dưỡng đang ở đó rửa bát đĩa. Tôi đưa cho bà ta hũ bột nhồi.

– Đúng, đúng rồi. Rồi việc gì xảy ra sau đó? Sau đó cô đã nghĩ gì?

Elinor mơ màng nói:

– Có một vết trên cổ tay bà điều dưỡng. Tôi nói đến vết đó, thì bà bảo đó là vết gai do giàn hoa hồng cạnh nhà săn. Những bông hồng cạnh nhà săn … Một lần – đã lâu rồi – Roddy và tôi cãi lộn nhau về Cuộc chiến tranh Hoa hồng. Tôi là Lancester còn anh ta là York. Anh ta thích bông hồng trắng. Tôi bảo hồng trắng thì không thực – chúng không có cả đến mùi hương. Tôi thích những bông hồng đỏ, to và thẫm, mượt như nhung và có hương vị mùa hè. Chúng tôi ngu ngốc cãi nhau như vậy. Ông thấy đó, tất cả đều trở lại với tôi – ở đó trong căn phòng kho – rồi một cái gì, cái gì đó tan vỡ – cái mối căm thù ghê tởm mà tôi đã có trong lòng – nó đi khỏi rồi – với sự hồi tưởng lại chúng tôi đã chung sống với nhau ra sao lúc còn bé. Thế rồi tôi không còn ghét Mary nữa. Tôi không muốn cô ta chết.

Nàng ngừng lại.

– Nhưng sau đó, lúc tôi trở lại phòng vật dụng, thì cô ta sắp chết.

Nàng ngừng lại. Poirot đăm đăm chăm chú nhìn nàng. Nàng đỏ bừng mặt, nói:

– Xin ông hỏi tôi – lần nữa – có phải tôi đã giết Mary Gerrard không?

Poirot đứng lên, nói mau:

– Tôi sẽ không hỏi cô gì cả. Có những điều tôi không muốn biết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.