Cây Bách Buồn
Chương 25
Lời mở đầu của bên biện hộ:
– Kính thưa quí vị trong bồi thẩm đoàn, tôi xin kính trình quí vị rằng trong vụ này không có sự lệ nào chống lại bị cáo. Phận sự nêu ra chứng cớ là thuộc về bên nguyên cáo. Cho đến lúc này, theo ý tôi – và tôi chắc cũng là ý kiến của quí vị – đã không có gì chứng tỏ chính xác. Bên nguyên cáo quyết đoán rằng Elinor Carlisle đã đầu độc Mary Gerrard. Ta cần biết rằng mọi người khác trong khu nhà cũng đều có cơ hội lấy được thuốc đó; và thuốc đó có ở trong khu nhà hay không, thì điểm này là một nghi vấn lớn. Ở đây bên nguyên cáo chỉ dựa vào cơ hội mà thôi. Nguyên cáo đã nhằm chứng tỏ động cơ, nhưng tôi xin thưa rằng đó chính là điều không thể nào làm nổi. Bởi vì, thưa quí vị, không có động cơ! Nguyên cáo đã nói đến việc đính hôn bị hủy bỏ. Tôi xin phép hỏi quí vị – về cái việc đính hôn đã bị hủy bỏ đó. Nếu hủy bỏ đính hôn mà là cái cơ gây ra sát nhân, thì tại sao chúng ta không thấy có những vụ sát nhân xảy ra hàng ngày? Hơn nữa, việc đính hôn này, xin quí vị nhớ cho là, đây không phải là do yêu đương say đắm, mà chỉ vì lý do gia đình. Cô Carlisle và ông Welman đã lớn lên cùng với nhau; họ đã luôn luôn yêu nhau, rồi lần lần đi tới chỗ có tình quyến luyến đậm đà hơn; nhưng tôi có ý định chứng tỏ với quí vị rằng trong điều kiện tốt nhất thì đó cũng chỉ là một việc nhạt nhẽo, hững hờ.
(Ôi, Roddy – Roddy ơi! Một việc nhạt nhẽo, hững hờ? )
– Vả chăng, việc đính hôn này đã bị hủy bỏ, không phải do ông Welman, mà do tù nhân kia. Tôi xin trình quí vị rằng việc đính hôn giữa Elinor Carlisle và Roderick Welman được thi hành chủ yếu là để làm vui lòng bà lão Welman. Khi bà ta chết, cả hai bên đều nhận thấy việc họ nên duyên vợ chồng không phải là đúng vì tình cảm của họ không đủ thắm thiết. Tuy nhiên, họ vẫn là bạn tốt của nhau. Vả chăng, Elinor Carlisle, đã thừa hưởng di sản của bà cô, vì bản tính tốt đã cấp một số tiền đáng kể cho Mary Gerrard. Mà đó lại chính là cô gái mà y thị bị buộc tội đầu độc. Thì nực cười lắm thay.
– Chỉ có một điều duy nhất chống lại Elinor Carlisle là trường hợp diễn ra việc đầu độc. Bên nguyên cáo thực tế đã nói như sau:
– Không một ai ngoại trừ Elinor Carlisle đã có thể giết Mary Gerrard. Vì thế người ta phải tìm kiếm sao cho có được một cái động cơ. Thế nhưng, như tôi đã trình quí vị, người ta không thể kiếm ra một động cơ nào, vì không có động cơ nào cả.
– Thưa quí vị, có đúng là không một ai ngoại trừ Elinor Carlisle đã có thể giết Mary Gerrard không? Thưa, không đúng thế. Có khả năng là Mary Gerrard đã tự tử. Có khả năng là một kẻ nào đó đã lục lọi bánh xăng-uých trong lúc Elinor Carlisle đã ra khỏi khu nhà, đi xuống nhà săn. Cũng có một khả năng thứ ba. Một luật lệ cơ bản về bằng chứng là: nếu có thể cho thấy có một thuyết để mà lựa chọn mà có khả năng là đúng và phù hợp với bằng chứng, thì bị cáo phải được tuyên bố trắng án. Tôi xin trình quí vị rõ rằng – có một người khác cũng có cơ hội bằng thế để đầu độc Mary Gerrard, chẳng những thế y lại còn có một động cơ mạnh hơn nhiều để làm việc ấy. Tôi xin nêu bằng chứng để qúi vị thấy rắng có một người khác đã đến được chỗ để thuốc morphine đó, và đã có một động cơ rất mạnh để giết Mary Gerrard; tôi có thể chứng minh rằng người đó đã có một cơ hội thuận tiện bằng thế để làm việc ấy. Tôi xin trình quí vị rằng không có bồi thẩm đoàn nào trên thế giới này mà lại kết án người phụ nữ này về tội sát nhân khi mà không có bằng chứng nào chống lại y thị ngoại trừ bằng chứng về cơ hội, khi mà có thể tỏ rõ rằng chẳng những có những bằng chứng về cơ hội chống lại một người khác, mà còn có một động cơ mạnh mẽ nữa. Tôi cũng xin kêu các nhân chứng ra đây để chứng tỏ rằng đã có sự khai man có chủ tâm của một trong số các nhân chứng về phía Vương quyền. Nhưng trước tiên, tôi xin kêu tù nhân ra, để y thị có thể tường trình quý vị về câu chuyện của mình, để rồi quý vị có thể tự mình thấy rằng những lời buộc tội y thị là hoàn toàn không có cơ sở.
Nàng đã tuyên thệ. Bằng giọng trầm trầm nàng trả lời những câu hỏi của ngài Edwin. Quan tòa ghé mình về phía trước, yêu cầu nàng nói to hơn.
Ngài Edwin nói nhẹ nhàng và khích lệ – đặt ra tất cả những câu hỏi mà nàng đã nghe lại những câu đáp.
– Cô yêu ông Roderick Welman, phải không?
– Thưa, tôi rất yêu anh. Anh giống như anh ruột tôi – hay anh họ. Tôi luôn luôn nghĩ về anh như là một người anh họ.
Cuộc đính hôn ấy… đã đưa đến thế này… thực rất vui thích được kết hôn với một người mà mình đã biêt suốt đời…
– Có lẽ đó không phải là cái mà người ta gọi là một sự yêu đương say đắm, phải không?
(Yêu đương say đắm, ôi Roddy )
– Thưa, phải… ngài thấy đó, chúng tôi đã biết nhau nhiều…
– Sau khi bà Welman chết, đã có một tình cảm gượng gạo giữa cô và ông ta, phải không?
– Thưa phải.
– Cô đã cắt nghĩa thế nào về điều này?
– Tôi nghĩ là một phần về tiền bạc.
– Về tiền à?
– Thưa phải. Roderick cảm thấy bực mình. Anh nghĩ người ta có thể nghĩ là anh đã lấy tôi vì tiền.
– Việc đính hôn đã vì Mary Gerrard mà bị hủy bỏ, phải không?
– Tôi đã nghĩ là Roderick mến cô ta, nhưng tôi không nghĩ đó là một sự gì nghiêm trọng.
– Cô có bối rối lo ngại nếu nó là thế không?
– Ồ, thưa không. Tôi nghĩ là không xứng hợp, thế thôi.
– Thưa cô Carlisle, ngày 28 tháng sáu cô có lấy hay không lấy ống thuốc morphine để trong cái cặp của bà điều dưỡng Hopkins?
– Tôi không lấy.
– Trước đây có lúc nào cô có thuốc morphine không?
– Tôi không bao giờ có thuốc đó.
– Cô có biết rằng bà cô của cô đã không làm di chúc không?
– Thưa không. Tin đó đến với tôi quá bất ngờ, làm tôi ngạc nhiên.
– Cô có nghĩ rằng buổi tối ngày 28 tháng sáu khi bà ta chết bà ta đã cố dặn dò cô không?
– Lúc ấy tôi biết rằng cô tôi đã không đặt điều khoản di chúc cho Mary Gerrard, nên bà lo lắng muốn làm việc đó.
– Thế rồi nhằm thực hiện ý nguyện của bà ta, cô đã tự mình trù tính cấp cho cô gái kia một số tiền, phải không?
– Thưa phải. Tôi muốn thực hiện ý nguyện của cô Laura. Tôi rất biết ơn về tấm lòng tốt mà Mary đã tỏ ra đối với cô tôi.
– Ngày 26 tháng bảy, cô đã từ London đi xuống Maidensford và trọ tại lữ quán King’s Arms, phải không?
– Thưa phải.
– Cô xuống đó nhằm mục đích gì?
– Có người mua khu nhà của tôi, ông ta muốn đến ở càng mau càng tốt. Tôi phải xem lại các vật dụng cá nhân của cô tôi, và giải quyết các việc chung chung.
– Ngày 27 tháng bảy, trên đường đi đến phủ đệ Hunterbury, cô đã mua các thứ thực phẩm phải không?
– Thưa phải. Tôi nghĩ ăn bữa trưa pic-nic ở đó sẽ ung dung, thoải mái hơn là đi trở lại làng.
– Thế rồi cô tiếp tục đi đến khu nhà, sắp xếp các vật dụng của bà cô, phải không?
– Thưa phải.
– Rồi sau đó?
– Tôi xuống phòng kho, cắt mấy cái bánh xăng-uých. Rồi tôi đi xuống nhà săn, mời bà điều dưỡng Hopkins và Mary Gerrard lên khu nhà.
– Tại sao cô làm thế?
– Tôi muốn họ khỏi phải đi bộ về làng rồi lại trở lên khu nhà trong lúc trời nóng bức.
– Sự thực là, đó là một việc làm tự nhiên và tử tế của cô. Họ có nhận lời mời không?
– Thưa có. Họ cùng với tôi đi lên khu nhà.
– Cô để bánh xăng-uých đã cắt ở đâu?
– Tôi để trên cái khay trong phòng kho.
– Lúc ấy cửa sổ có mở không?
– Thưa có.
– Trong khi cô vắng mặt có kẻ nào đã có thể vào phòng kho không?
– Thưa, chắc chắn thế.
– Nếu có kẻ nào quan sát cô từ phía bên ngoài trong lúc cô cắt bánh xăng-uých, thì theo ý cô họ đã nghĩ gì?
– Tôi cho là họ nghĩ tôi đang chuẩn bị bữa ăn trưa pic-nic.
– Họ không thể nào biết được ai sẽ dự bữa ăn đó, phải không?
– Thưa phải. Tôi mới chỉ có ý nghĩ mời hai người kia lúc tôi thấy có nhiều đồ ăn như thế.
– Như vậy là, nếu có kẻ nào vào khu nhà trong lúc cô vắng mặt và bỏ thuốc morphine vào một trong các bánh xăng-uých, thì cái người mà họ định đầu độc sẽ là cô, có phải không?
– Thưa, đúng thế.
– Khi cô và hai người kia đã trở lên khu nhà, thì việc gì đã xảy ra.
– Chúng tôi vào trong phòng vật dụng. Tôi tìm bánh xăng-uých đem ra đưa cho họ.
– Cô uống gì với họ không?
– Tôi uống nước. Có rượu bia ở trên bàn, nhưng bà Hopkins và Mary thích trà hơn. Bà Hopkins đi vào phòng kho, pha trà. Bà bưng khay trà ra, rồi Mary rót.
– Cô có uống chút trà nào không?
– Thưa không.
– Nhưng Mary Gerrard và bà Hopkins cả hai người đều uống trà, phải không?
– Thưa phải.
– Sau đó thì việc gì đã xảy ra?
– Bà Hopkins đi tắt bếp ga.
– Bà ta để cô ở lại một mình với Mary Gerrard, phải không?
– Thưa phải.
– Sau đó thì việc gì đã xảy ra?
– Sau đó vài phút tôi bưng khay ấy và khay bánh xăng uých đi vào phòng kho. Bà Hopkins ở đấy, chúng tôi cùng rửa với nhau.
– Lúc ấy bà Hopkins có xắn tay áo lên không?
– Thưa có. Bà ta rửa, trong lúc tôi lau.
– Cô đã nêu một nhận xét nào đó về một vết xước trên cổ tay bà ta, phải thế không?
– Tôi hỏi có phải bà đã bị cái gì châm phải không?
– Bà ta trả lời ra sao?
– Bà ta nói “Đó là vết gai đâm do cây hoa hồng ở bên ngoài nhà săn. Tôi sẽ khều ra bây giờ”.
– Lúc ấy cử chỉ của bà ta thế nào?
– Tôi nghĩ là bà ta thấy nóng bức. Bà ta mồ hôi toát ra, còn mặt thì có màu sắc kỳ dị.
– Sau đó thì việc gì xảy ra?
– Chúng tôi đi lên lầu, rồi bà ta giúp tôi sắp xếp đồ đạc của cô tôi.
– Khi cô cùng bà ta xuống lại dưới nhà, thì đó là lúc mấy giờ?
– Chắc hẳn phải là một giờ sau.
– Lúc ấy Mary Gerrard ở đâu?
– Cô ta ngồi trong phòng vật dụng. Cô ta thở lạ lùng lắm, và đang trong cơn hôn mê. Tôi kêu điện thoại cho bác sĩ theo lời khuyên của bà Hopkins. Ông ta tới ngay lúc cô ta sắp chết.
Ngài Edwin bạnh vai lên một cách bi thảm.
– Thưa cô Carlisle, có phải cô giết Mary Gerrard không?
“Đó là cái trò hề của ngài đó. Đầu ngẩng lên, mắt nhìn thẳng ”.
– Không phải tôi giết!
Ngài Samuel Attenbury. Tim nàng đập mạnh. Bây giờ – bây giờ thì nàng ở dưới quyền sinh sát của một quân thù. Còn đâu là vẻ hòa nhã dịu dàng, còn đâu là những câu hỏi mà nàng đã biết rõ câu đáp.
Nhưng ngài bắt đầu nói, vẫn rất ông tồn.
– Cô đã khai với chúng tôi là cô đã đính hôn với ông Roderick Welman, phải thế không?
– Thưa phải.
– Cô đã yêu ông ta, phải thế không?
– Thưa, yêu rất nhiều.
– Tôi nói để cô biết rằng cô đã tha thiết yêu ông Roderick Welman, cô đã ghen tức dữ dội vì tình yêu của ông ta đối với Mary Gerrard, phải thế không?
– Thưa, không. “Cái tiếng “không” đó nghe có vẻ cực kỳ phản cảm?”
Ngài Samuel nói có vẻ đe dọa:
– Tôi nói để cô biết rằng cô đã có chủ tâm mưu tính trừ khử cô gái kia, với hy vọng là Roderick Welman sẽ quay trở về với cô.
– Chắc chắn không phải thế. “Khinh thường – chán chường đôi chút. Thế là hơn” .
Các câu hỏi tiếp tục đưa ra. Giống hệt như một giấc mơ – một giấc mơ xấu – một cơn ác mộng…
Hết câu hỏi này đến câu hỏi khác – những câu hỏi khủng khiếp, xúc phạm. Một số câu nàng đợi sẵn nghe, một số câu hoàn toàn bất ngờ.
Lúc nào cũng phải cố mà nhớ lấy phần mình. Không một lần nào để thốt ra. “Đúng, tôi đã thù ghét cô ta… Đúng, tôi đã muốn cô ta chết… Đúng, trong suốt thời gian cắt bánh xăng-uých tôi đã nghĩ đến việc cô ta chết…”
Giữ sao cho được bình tĩnh, lạnh lùng, trả lời càng ngắn gọn, càng hờ hững càng hay…
Đấu tranh…
Đấu tranh từng tấc đất một…
Bây giờ thì xong rồi… Cái ông khủng khiếp đó đã ngồi xuống. Rồi giọng nói hiền hòa, dịu ngọt của ngài Edwin Bulmer hỏi thêm một vài câu nữa. Những câu hỏi nhẹ nhàng thoải mái cốt xóa nhòa ấn tượng xấu xa nào mà nàng có thể đã có trong lúc bị thẩm vấn.
Nàng trở lại ghế bị cáo. Nhìn bồi thẩm đoàn, tự hỏi…
* * *
“Roddy, Roddy đứng kia, mắt hơi chớp chớp, căm ghét tất cả sự này. Roddy – như thể không biết làm sao – không hoàn toàn thực tại ”.
“Nhưng chẳng có gì thực tại nữa. Mọi sự đều quay cuồng quái dị. Đen là trắng, đỉnh là đáy, đông là tây… Mình không phải là Elinor Carlisle; mình là “con bị cáo”. Rồi, hoặc là họ treo cổ mình, hoặc là họ thả mình ra, thì cũng sẽ chẳng còn gì giống như xưa nữa. Nếu có một cái gì – chỉ một cái lành mạnh thôi để mà giữ chắc… ”
“Có lẽ đó là khuôn mặt của Peter Lord với những vết tàn nhang và dáng vẻ lạ thường là vẫn y nguyên…”
Bây giờ ngài Edwin đã nói đến đâu rồi?
– Xin ông cho biết tình cảm của cô Carlisle lúc ấy đối với ông ra sao?
Roddy trả lời rành rẽ:
– Tôi xin thưa rằng cô ta rất thân với tôi, nhưng chắc chắn là không say đắm yêu tôi.
– Ông có coi cuộc đính hôn của ông và cô Carlisle là tốt đẹp không?
– Ồ, hoàn toàn tốt đẹp. Chúng tôi đã có chung nhiều thứ.
– Thưa ông Welman, xin ông nói cho bồi thẩm đoàn biết đúng tại sao việc đính hôn đã bị hủy bỏ.
– Thưa, sau khi bà Welman mất, việc ấy làm cho chúng tôi sững sờ, khích động. Tôi không thích cái ý nghĩ kết hôn với một phụ nữ giàu có trong khi mình không có một đồng xu dính túi. Thực sự là việc đính hôn đã được hủy bỏ do sự đồng ý thỏa thuận của chúng tôi. Chúng tôi đều cảm thấy dịu nhẹ đi.
– Bây giờ xin ông cho chúng tôi biết quan hệ của ông với Mary Gerrard là như thế nào?
“Ôi, Roddy, Roddy đáng thương, anh hẳn phải căm ghét tất cả sự này”.
– Tôi nghĩ cô ta rất khả ái.
– Ông có yêu cô ta không?
– Thưa, chỉ đôi chút thôi.
– Lần cuối cùng ông gặp cô ta là vào lúc nào?
– Để tôi nghĩ xem. Chắc hẳn là ngày mùng năm hay mùng sáu tháng bảy.
Ngài Edwin nói, giọng hơi đanh thép.
– Tôi nghĩ ông đã gặp cô ta sau đó.
– Thưa không, tôi đi ra nước ngoài – sang Vinice và Dalmatia.
– Ông trở về Anh lúc nào?
– Lúc tôi nhận được điện tín – để tôi nghĩ xem – vào ngày mùng một tháng tám, chắc hẳn là thế.
– Nhưng, tôi nghĩ, ông đã thực sự có mặt ở Anh ngày 27 tháng bảy rồi.
– Thưa, không phải.
– Nào, thưa ông Welman. Ông đã tuyên thệ, xin nhớ cho thế. Có phải sự thực là, giấy thông hành của ông cho biết ông đã trở về Anh ngày 25 tháng bảy và lại ra đi vào tối ngày 27 không?
Giọng của ngài Edwin hơi có vẻ đe dọa. Elinor nhăn mặt, thình lình trở về với thực tại. Tại sao luật sư lại nạt nhân chứng của mình thế kia nhỉ?
Roderick mặt tái đi, im lặng mấy phút, rồi gắng gượng nói:
– Thưa – thưa phải, đúng là thế.
– Ngày 25 ông đã đi London thăm Mary Gerrard tại chỗ trọ của cô ta, phải thế không?
– Thưa phải.
– Ông đã xin cô ta kết hôn với mình, phải thế không?
– Thưa – thưa phải.
– Cô ta đã trả lời như thế nào?
– Cô ta đã từ chối.
– Ông Welman, ông không phải là người giàu có, phải thế không?
– Thưa phải.
– Ông lại nợ nần nhiều, phải thế không?
– Thưa, ngài nói thế là làm sao?
– Ông không biết sự kiện cô Carlisle đã để lại tất cả tiền bạc cho ông trong trường hợp cô ta chết hay sao?
– Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về việc đó.
– Sáng ngày 27 tháng bảy, ông có mặt ở Maidensfort không?
– Thưa không.
Ngài Edwin ngồi xuống.
Luật sư nguyên cáo nói:
– Ông nói rằng theo ý ông thì bị cáo kia đã không thắm thiết yêu ông.
– Thưa, tôi đã nói như vậy.
– Ông có phải là người nghĩa hiệp không, ông Welman?
– Tôi không biết ông muốn nói gì?
– Nếu một tiểu thư thắm thiết yêu ông, mà ông lại không yêu cô ta, thì ông có cảm thấy có phận sự che giấu sự thực không?
– Chắc chắn là không.
– Ông đã học ở đâu, ông Welman?
– Thưa, ở Eton.
Ngài Samuel mỉm cười điềm nhiên nói:
– Thế là xong.
* * *
Nhân chứng James Wargrave.
– Ông làm nghề trồng hoa hồng, ở Emsworth, phải không?
– Thưa phải.
– Ngày 20 tháng mười, ông có đi Maidensford xem xét một cây hồng trồng tại nhà săn ở phủ đệ Hunterbury phải không?
– Thưa phải.
– Xin ông vui lòng tả ra cây đó?
– Thưa, đó là một cây hồng leo – thuộc loại Zephyrine Droughin. Cây này có hoa màu hồng, hương thơm ngát. Không có gai.
– Theo như ông tả, thì không thể nào bị gai đâm do cây hồng này được, phải không?
– Thưa, hoàn toàn không thể được. Đó là một loại cây không có gai.
Không có thẩm vấn.
* * *
– Ông là James Arthur Loittledale. Ông là dược sĩ có trình độ chuyên môn, làm việc cho cửa hàng bán sỉ dược phẩm Jenkins Hale, phải không?
– Thưa phải.
– Xin ông cho biết mẩu giấy này là giấy gì?
Tang vật được trao cho ông dược sĩ.
– Đây là một mảnh của một trong số những nhãn hiệu của chúng tôi.
– Đó là nhãn hiệu gì?
– Nhãn hiệu này chúng tôi dán lên các ống thuốc viên dùng để chích dưới da.
– Tại đây ông có thể nói dứt khoát thứ thuốc nào đã đựng trong ống có dán nhãn hiệu này không?
– Thưa được. Tôi có thể nói thực dứt khoát là ống này đựng những viên thuốc dùng để chích dưới da apomorphine hydrochliride 1/20 gren.
– Không phải là morphine hydrochloride sao?
– Thưa không, không thể là thuốc đó được.
– Tại sao không?
– Trên ống ấy chữ morphine được in bằng chữ M hoa. Còn ở đây, tôi nhìn bằng kính phóng to thì thấy rõ ràng là chữ đầu của hàng chữ là một phần của chữ m nhỏ, chứ không phải chữ M hoa.
– Xin để bồi thẩm đoàn xét mẫu giấy bằng kính này. Tại đây ông có những nhãn hiệu để tỏ rõ ông nói gì không?
Các nhãn hiệu được huyển đến bồi thẩm đoàn.
Ngài Edwin nói tiếp:
– Ông nói mẫu giấy này là từ một ống thuốc apomorphine hydrochliride ra, phải không? Apomorphine hydrochliride đúng thực là chất gì?
– Công thức là C17H17NO2. Nó là một chất dẫn xuất của morphine được điều chế bằng cách xà-bông hóa morpohine; người ta làm nóng morphine với hydrochloric acid trong các ống gắn xi. Morphine mất đi một phân tử nước.
– Chất apomorphine có những tính chất đặc biệt gì?
Ông Loittledale điềm nhiên nói:
– Apomorphine được biết là chất gây nôn mau và mạnh nhất. Nó có tác dụng trong vòng mấy phút.
– Như vậy thì, nếu người nào đã nuốt một liều lượng chết người morphine, rồi trong vòng mấy phút sau chích dưới da một liều apomorphine hydrochliride , thì hậu quả sẽ như thế nào?
– Thì hầu như ngay tức thì nôn mửa ngay và chất morphine sẽ bị tống ra ngoài.
– Do đó, nếu hai người cùng ăn một chiếc bánh xăng-uých hay cùng uống chung một bình nước trà , rồi một người chích dưới da một liều apomorphine, thì hậu quả sẽ ra sao, giả thiết là đồ ăn hay thức uống chung đó có chứa chất morphine?
– Thì người đã chích apomorphine sẽ nôn mửa ra đồ ăn hay thức uống cùng với chất morphien.
– Thế người đó sẽ không bị hậu quả tai hại gì sao?
– Thưa không.
Cả tòa bỗng xôn xao kích động, quan tòa ra lệnh giữ yên lặng.
* * *
– Bà là Amelia Mary Sedley và thường trú ở số 17 đường Charles, Boonamba, Auckland, phải không?
– Thưa phải.
– Bà có biết một bà nào là bà Draper không?
– Thưa có. Tôi đã biết bà ta hơn hai chục năm.
– Bà có biết tên bà ta hồi còn là con gái không?
– Thưa có. Tôi có dự đám cưới của bà ta. Tên bà ta là Mary Riley.
– Có phải sinh quán của bà ta là ở Tân Tây Lan không?
– Thưa ngài, bà ta từ nước Anh đến đó.
– Bà đã dự phiên tòa này từ đầu, phải không?
– Thưa phải.
– Bà đã trông thấy Mary Riley – hay Draper – trong phiên tòa, phải không?
– Thưa phải.
– Bà đã trông thấy bà ta ở đâu?
– Thưa, trong lúc bà ta ngồi làm chứng trong ghế tòa.
– Dưới cái tên gì?
– Jessie Hopkins.
– Bà có hoàn toàn chắc chắn rằng Jessie Hopkins này là người mà bà biết với tên là Mary Riley hay Fraper không?
– Thưa, chẳng có gì nghi ngờ cả.
Hơi có xao động ở phía cuối tòa.
– Bà trông thấy Mary Draper lần cuối cùng ở đâu – kể cho đến hôm nay?
– Thưa, cách đây năm năm. Bà ta đi sang Anh.
Ngài Edwin cúi đầu một cái, nói:
– Đây là nhân chứng của ngài.
Ngài Samuel, vẻ mặt bối rối, đứng lên bắt đầu nói:
– Thưa bà Sedley, tôi nghĩ có thể là bà lầm chăng?
– Thưa, tôi không lầm.
– Có thể là bà đã lầm, do có sự tình cờ giống nhau.
– Thưa, tôi biết Mary Draper đủ rõ.
– Bà Hopkins là một điều dưỡng khu vực có chứng thực.
– Thưa, Mary Draper trước khi lấy chồng, là một điều dưỡng ở bệnh viện.
– Bà có biết rằng bà đang buộc lỗi khai man cho một nhân chứng của Vương quyền không?
– Thưa, tôi biết tôi nói gì.
* * *
– Edward John Marshall, ông đã sống mấy năm ở Auckland, Tân Tây Lan, và bây giờ đang ngụ tại số 14 đường Wren, Deptford, phải không?
– Thưa, đúng thế.
– Ông có biết Mary Draper không?
– Tôi đã biết bà ta nhiều năm ở Tân Tây Lan.
– Ông có trông thấy bà ta hôm nay ở phiên tòa này không?
– Thưa có. Bà ta tự xưng tên là Hopkins, nhưng đó đúng là bà Draper.
Quan tòa ngẩng đầu lên. Bằng một giọng nhỏ, rõ và sắc, ông nói:
– Tôi nghĩ là cần phải đòi lại nhân chứng Jessie Hopkins.
Ông ngừng lại; có tiếng thì thầm.
– Thưa ngài, Jessie Hopkins đã rời khỏi tòa cách đây mấy phút.
* * *
– Hercule Poirot.
Hercule Poirot vào ghế tòa, tuyên thệ, vân vê ria mép, đứng đợi, đầu hơi nghiêng về một bên. Ông xưng họ tên, nói địa chỉ và việc tòa đòi.
– Thưa ông Poirot, ông có thừa nhận văn kiện này không?
– Thưa, chắc chắn là có.
– Làm sao thoạt tiên ông có được văn kiện này?
– Bà Hopkins, điều dưỡng khu vực, đã đưa cho tôi.
Ngài Edwin nói:
– Thưa ngài, xin cho phép tôi được đọc to văn kiện này, rồi xin chuyển đến bồi thẩm đoàn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.