Cây Bách Buồn

Chương 7



Bà Hopkins xúc động nói:

– Thực là một đám tang đẹp.

Cô O’Brien đáp:

– Thực thế! Có nhiều hoa. Đã bao giờ chị thấy những bông hoa đẹp thế này chưa? Một cây đàn hạc kết toàn hoa huệ trắng, một cây thánh giá toàn bằng hồng vàng. Đẹp quá!

Bà Hopkins thở dài sườn sượt, rồi ăn bánh ngọt phết bơ. Hai nữ điều dưỡng này đang ngồi trong quán Chim Sẻ Xanh.

Bà Hopkins lại nói:

– Cô Carlisle là người rộng rãi. Cô ta tặng tôi một món khá khá, mặc dù không cần phải làm như vậy.

– Cô ta quả là người tử tế, rộng rãi – cô O’Brien nhiệt liệt tán thành – Em chúa ghét tính bủn xỉn keo kiệt.

Bà Hopkins nói:

– À, mà cô ta được thừa kế một di sản cực kỳ vĩ đại.

Cô O’Brien nói:

– Em tự hỏi là… – rồi ngừng lại.

Bà Hopkins khuyên giục:

– Thế ư, em?

– Thật lạ lùng là bà lão đã không làm di chúc.

– Tệ thật – bà Hopkins nói gay gắt – Người ta bắt buộc phải làm di chúc chứ. Không làm thì chỉ đem lại sự bực mình mà thôi.

Cô O’Brien nói:

– Em tự hỏi là, nếu bà ta đã làm di chúc, thì bà ta để lại tiền bạc như thế nào nhỉ?

Bà Hopkins nói kiên quyết:

– Chị biết chắc một điều.

– Gì thế, chị?

– Bà ta chắc để lại một số tiền cho Mary – Mary Gerrard.

– Phải rồi, thực đúng thế – cô O’Brien tán thành. Rồi sôi nổi nói thêm – Có phải em đã kể lại cho chị về tình trạng của bà ta buổi tối đó không, bác sĩ đã cố hết sức làm cho bà ta dịu xuống. Lúc ấy cô Elinor nắm lấy tay bà cô, viện Chúa toàn năng ra mà thề nguyền.

Rồi với óc giàu tưởng tượng của người Ái Nhĩ Lan bỗng nhiên nổi lên, cô O’Brien nói:

– Cô Elinor thề rằng sẽ mời luật sư tới, rồi mọi sự sẽ đâu vào đấy cả. Bà lão liền nói: “Mary! Mary!” Rồi cô Elinor hỏi: “Có phải cô muốn nói Mary Gerrard không?’ Rồi cô thề là sẽ giữ quyền lợi cho Mary.

Bà Hopkins hoài nghi nói:

– Đúng như thế a, em?

Cô O’Brien đáp lời một cách quả quyết.

– Đúng như thế đó, chị ạ. Còn điều này nữa: theo ý em, nếu như bà Welman còn sống mà làm di chúc đó, thì chắc hẳn còn lắm chuyện ngạc nhiên cho tất cả. Biết đâu bà ta lại chẳng để cả từng cắc bạc của mình cho Mary Gerrard.

Bà Hopkins ngờ vực nói:

– Chị không nghĩ bà ta làm như vậy. Chị không tán thành gạt bỏ bà con ruột thịt, không cho hưởng tiền bạc của mình.

Cô O’Brien nói một cách bí hiểm:

– Cũng tùy thứ máu mủ, ruột thịt chứ.

Bà Hopkins lập tức đáp lời:

– Em nói thế là có ý gì?

Cô O’Brien nghiêm trang nói:

– Em đâu phải hạng người nói chuyện tầm phào. Em cũng chẳng muốn bôi đen tên tuổi của người đã khuất.

Bà Hopkins gật đầu thong thả nói:

– Phải đấy. Chị đồng ý với em. Càng ít nói càng tốt.

Bà rót nước vào bình trà.

Cô O’Brien nói:

– À, chị có kiếm thấy cáo ống moọc-phin khí tại nhà không?

Bà Hopkins nhăn mặt nói:

– Không. Chị không biết nó ra sao nữa, nhưng chị nghĩ có lẽ là như thế này: chắc là chị đã để trên thành lò sưởi như mọi bận mỗi khi chị khóa tủ chén, rồi có thể là nó rơi vào giỏ giấy vụn đầy ngập, chị đem ra đổ vào thùng rác ngay khi rời nhà. – Bà ngừng rồi nói tiếp – Chắc hẳn là thế, vì chị không thấy còn có thể như thế nào khác nữa.

– Ừ, chắc hẳn là thế, chị ạ – cô O’Brien nói – Hình như chị không để cái cặp ở nơi nào khác – mà chỉ ở trong phòng đợi tại Hunterbury thôi – như vậy thì theo ý em, chắc hẳn là như lời chị vừa nói đó. Nó đã rơi vào trong thùng rác rồi.

– Đúng thế – bà Hopkins hăm hở nói – Không có thể xảy ra cách nào khác nữa, phải không em?

Bà ăn một chiếc bánh đường màu hồng. Rồi nói:

– Hình như không phải… – rồi ngừng lại.

Cô O’Brien tán thành mau mắn – có lẽ hơi quá mau mắn.

– Nếu là chị thì em sẽ không băn khoăn về chuyện đó nữa – cô nói một cách thoải mái.

Bà Hopkins nói.

– Chị không băn khoăn đâu.

* * *

Bận đồ đen, trẻ trung, nghiêm nghị, Elinor ngồi trước bàn viết đồ sộ của bà Welman trong phòng sách. Các thứ giấy tờ bày la liệt trước mặt nàng. Nàng vừa gặp riêng các gia nhân và bà Bishop. Bây giờ đến lượt Mary Gerrard, nàng ngập ngừng giây lát ở khung cửa rồi mới bước vào phòng.

– Thưa cô Elinor, cô muốn gặp em – nàng nói.

Elinor ngước trông lên.

– Ồ, phải rồi, Mary. Em tới ngồi đây.

Mary đến ngồi xuống ghế Elinor chỉ. Ghế này hơi quay về phía cửa sổ, ánh sáng từ đó chiếu xuống mặt nàng phô bày rực chói làn da thanh khiết và mái tóc vàng nhạt.

Elinor đưa một bàn tay lên che mặt. Qua kẽ ngón tay nàng có thể ngắm nhìn khuôn mặt của cô gái kia.

Nàng nghĩ. “Có thể nào ghét cay ghét đắng một người mà không tỏ ra là mình ghét được không nhỉ?”

Với giọng vui vẻ, thành thạo, Elinor lớn tiếng nói:

– Này em Mary, chị nghĩ em biết rằng bà cô của chị lúc nào cũng rất quan tâm đến em và hẳn đã lo lắng cho tương lai của em.

Mary nói giọng nhỏ nhẹ:

– Bà Welman luôn luôn rất tốt đối với em.

Giọng lạnh lùng, xa cách, Elinor nói tiếp:

– Chị biết rằng nếu bà có thời gian để làm di chúc, thì chắc bà muốn để lại tiền của cho nhiều người. Vì bà mất đi mà không có di chúc để lại, cho nên chị có trách nhiệm thực hiện những nguyện vọng của bà. Chị đã tham khảo ý kiến ông Seddon; dựa vào lời ông khuyên, chị đã trù định các khoản tiền cấp cho gia nhân tùy theo thời gian phục dịch của họ… – Nàng ngừng lại rồi nói – Còn em, cố nhiên là không liệt vào hàng đó.

Elinor có lẽ hơi mong rằng những tiếng đó có thể làm cho nhức nhối, nhưng khuôn mặt mà nàng nhìn đây lại chẳng có chút biến đổi nào. Mary thừa nhận những tiếng đó theo như giá trị bề ngoài của chúng, và nghe nói tiếp thêm.

Elinor nói:

– Mặc dù bà lão khó nói được mạch lạc, tối qua bà cũng có thể khiến cho người ta hiểu được bà muốn nói gì. Bà rõ ràng muốn đặt một điều khoản cho tương lai của em trong di chúc.

Mary thanh thản nói:

– Bà thật tốt bụng.

Elinor nói giọng cộc lốc:

– Ngay khi sự thừa kế được chứng thực, chị tính dành cho em hai ngàn đồng bảng – số tiền đó là của em, em muốn dùng làm gì thì làm.

Mặt Mary ửng hồng lên:

– Những hai ngàn bảng ư? Ồ, cô Elinor, cô tử tế quá. Em không biết nói gì đây.

Elinor nói xẵng:

– Chị chẳng tốt đặc biệt gì đâu, xin đừng nói gì nữa.

Mary đỏ bừng mặt, thì thầm nói:

– Cô đâu có biết số tiền ấy sẽ làm đổi khác số phận em như thế nào.

Elinor nói:

– Chị rất vui mừng.

Nàng ngập ngừng, mắt rời Mary nhìn sang phía kia phòng. Nàng gắng gượng nói:

– Chị tự hỏi – em có kế hoạch gì không?

Mary nói nhanh:

– Ồ, có chứ. Em sẽ học một nghề gì. Có lẽ là xoa bóp. Bà Hopkins khuyên em như vậy.

Elinor nói:

– Ý đó có vẻ hay đấy. Chị sẽ cố thu xếp với ông Seddon để ứng trước số tiền ấy cho em càng sớm càng tốt – ngay tức thì, nếu có thể được.

– Cô Elinor, cô tử tế, cô tử tế quá. – Mary biết ơn nói.

Elinor nói cụt lủn.

– Đó là nguyện vọng của cô Laura. – Nàng ngập ngừng rồi nói – Thôi, thế là xong rồi, chị nghĩ thế.

Lần này sự xua đuổi rõ rệt trong các tiếng nói xiên xoáy vào làn da nhạy cảm của Mary. Nàng đứng lên, nói vội:

– Cảm ơn cô rất nhiều, thưa cô Elinor – rồi rời phòng đi ra.

Elinor ngồi hoàn toàn im lặng, nhìn ra phía trước. Mặt nàng hoàn toàn điềm tĩnh. Trên đó không có vẻ gì cho thấy những gì đang diễn ra trong trí óc nàng. Nhưng nàng ngồi ở đây, không động đậy, trong một lát sau.

Cuối cùng Elinor đi đến kiếm Roddy. Nàng thấy chàng trong căn phòng thường ở ban ngày. Chàng đang đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ. Elinor bước vào, chàng quay ngoắt lại.

Nàng nói:

– Em đã cho thanh toán xong tất cả. Năm trăm cho bà Bishop – vì bà đã ở đây nhiều năm. Một trăm cho chú bếp, còn Milly và Oliver mỗi người được năm chục. Hai mươi lăm bảng cho bác làm vườn chính Stephens, và còn lão Gerrard ở khu nhà săn nữa, cố nhiên rồi. Đối với lão ta em chưa làm gì cả, thực lúng túng quá. Phải trả tiền cho lão nghỉ việc chứ. Em nghĩ thế.

Nàng ngừng lại, rồi vội vàng nói tiếp:

– Em tính cho Mary Gerrard hai ngàn bảng Anh. Anh có nghĩ là cô Laura mong muốn như thế không? Em cho số tiền ấy là thỏa đáng.

Roddy không nhìn nàng, nói:

– Đúng rồi, thế là phải lắm. Em thì bao giờ chẳng phán đoán tuyệt giỏi, em Elinor.

Chàng lại ngoảnh nhìn ra ngoài cửa sổ.

Elinor nín thở giây lát, rồi nàng bắt đầu nói với giọng bồn chồn vội vã, tiếng nói đổ xô ra rời rạc:

– Còn điều này nữa. Em muốn – thế mới là phải – Em muốn nói là, anh cần phải có phần mình trong đó, anh Roddy ạ.

Roddy quay lại, vẻ mặt tức giận. Thấy thế, Elinor vội nói tiếp:

– Không, hãy nghe đây, anh Roddy. Đây chỉ là công bằng thôi. Tiền đó là của chú anh – chú ta để lại cho vợ – thì tự nhiên là chú ta bao giờ cũng nghĩ rồi nó sẽ chuyển đến anh. Cô Laura cũng có ý như vậy. Em biết rõ là thế, căn cứ vào nhiều điều cô đã nói ra. Nếu em có số tiền của cô ta, thì anh phải có số tiền thuộc về chú ta – thế mới là phải. Em – em không chịu nổi cái cảm tưởng là em đã tướt đoạt của anh – chỉ bởi vì cô Laura sợ làm di chúc. Anh phải… anh phải thấy đó là phải chứ!

Khuôn mặt dài và nhạy cảm của Roddy trở nên trắng bệch nhợt nhạt. Chàng nói.

– Lạy Chúa, em Elinor, em muốn làm cho anh cảm thấy mình là một tên ti tiện, tồi hại hay sao? Em nghĩ một lúc nào đó em có thể… có thể lấy số tiền ấy từ nơi em ư?

– Em không cho anh số tiền đó. Mà đó chỉ là… công bằng thôi.

Roddy hét to.

– Anh không cần tiền của em.

– Đó không phải là của em.

– Theo pháp định thì đó là của em, chỉ cần thế thôi. Vì Chúa, đừng để cho chúng ta rặt là thực tế như vậy. Anh không lấy của em một cắc nào. Đừng làm như thể tiểu thư hào phóng đối với anh.

Elinor thét lên:

– Anh Roddy!

Roddy vội vàng khua tay:

– Ồ, em ạ, anh rất lấy làm tiếc, anh không biết mình đang nói gì. Anh thấy bối rối. Hoàn toàn mất trí.

Elinordịu dàng nói:

– Anh Roddy đáng thương.

Roddy lại quay đi, đùa nghịch cái núm bông ở rèm cửa sổ. Bằng một giọng khác, một giọng xa rời, chàng nói:

– Em có biết… Mary Gerrard đề nghị làm gì không?

– Cô ta định học nghề xoa bóp. Cô ta nói thế.

Chàng nói:

– Anh hiểu rồi.

Chợt hoàn toàn yên lặng, Elinor đứng thẳng mình, hất đầu về phía sau. Giọng nàng bỗng trở nên thúc bách:

– Này anh Roddy, em muốn anh thận trọng nghe em đây.

Roddy quay lại phía nàng, hơi ngạc nhiên nói:

– Cố nhiên rồi, em Elinor.

– Em muốn xin anh làm theo lời em khuyên.

– Em khuyên anh gì chứ?

Elinor điềm tĩnh nói.

– Anh không bị ràng buộc gì đặc biệt cả? Lúc nào muốn nghỉ cũng được, phải không?

– Ồ, đúng thế.

– Thế thì anh hãy làm – làm như thế này thôi. Anh hãy xuất ngoại, đến một nơi nào đó – trong vòng ba tháng. Hãy đi một mình. Kết bạn mới, xem cảnh lạ. Bây giờ chúng mình hãy thực thẳng thắn mà nói chuyện với nhau. Lúc này em nghĩ là anh yêu Mary Gerrard. Có lẽ là thế. Nhưng nay chưa phải là lúc thăm dò ý kiến cô ta – anh biết quá rõ điều đó. Cuộc đính hôn của chúng mình rõ rệt là tan vỡ rồi. Vậy thì anh hãy đi ra nước ngoài, như một người tự do, rồi khi hết ba tháng, anh, như là một người tự do, lúc ấy hãy quyết định. Lúc bấy giờ anh sẽ biết rằng mình có thực sự yêu Mary Gerrard không, hay đó chỉ là một cơ mê đắm tạm thời. Bây giờ nếu anh hoàn toàn chắc chắn là mình thực yêu cô ta – thì hãy trở về mà đến với cô ta, nói với cô ta như vậy, nói là anh hoàn toàn chắc chắn về điều đó, thế thì có lẽ cô ta sẽ nghe.

Roddy tiến đến chỗ nàng, cầm lấy tay nàng.

– Em Elinor, em thật tuyệt vời! Đầu óc rất sáng suốt. Tính cực kỳ khách quan. Không cáu kỉnh dỗi hờn. Chẳng đê tiện keo kiệt. Lúc này anh cảm phục em hơn bao giờ hết. Anh sẽ làm theo đúng điều em gợi ý. Sẽ đi xa, cắt đứt hết thảy mọi sự – để xem xét mình có bệnh hoạn thật sự không hay chỉ xử sự như một thằng ngốc khủng khiếp nhất đời. Ồ, em Elinor thân yêu, em không biết anh thực sự yêu em như thế nào. Bây giờ anh mới nhận ra rằng lúc nào em cũng quá tốt với anh, tốt ngàn vạn lần. Cầu Chúa phù hộ cho em, vì tất cả tấm lòng tốt của em.

Thế rồi nhanh nhẹn, khích động, chàng hôn nàng rồi ra đi.

Có lẽ chàng cũng không nhìn lại và trông mặt nàng.

* * *

Sau đó mấy ngày, Mary đến báo cho bà Hopkins biết về những triển vọng tương lai tốt đẹp của mình.

Người đàn bà thực tế ấy nồng nhiệt chúc mừng:

– Đây thật là một cơ may lớn cho cháu đó, Mary ạ. – Bà nói – Có thể bà lão kia có ý tốt đối với cháu, nhưng trừ phi sự việc đã được đặt định bằng giấy trắng mực đen rồi thì không kể, còn không thì ý định cũng chẳng ích gì bao nhiêu đâu. Cháu rất dễ có thể chẳng có được gì cả.

– Cô Elinor nói rằng cái đêm bà Welman mất, bà có bảo cô ta giúp đỡ cháu.

Bà Hopkins khịt mũi.

– Có lẽ bà ta đã nói thế. Nhưng có nhiều kẻ về sau sẽ dễ dàng quên ngay. Họ hàng bà con là như vậy đó. Cô đã thấy một vài chuyện, cô có thể bảo cháu. Người ta lúc sắp chết, họ nói họ biết rằng họ có thể dặn lại con trai hoặc con gái thân yêu làm đúng sở nguyện của họ. Có đến chín trong số mười lần, cậu con hay cô con yêu dấu kiếm ra cớ tốt để rồi chẳng làm gì như thế cả. Bản tính con người là bản tính con người: chẳng có ai thích rời bỏ tiền nếu như pháp luật không bó buộc họ phải làm như vậy. Cháu Mary ạ, cháu thật may mắn. Cô Carlisle thẳng thắn hơn nhiều kẻ khác.

Mary chậm rãi nói.

– Thế nhưng – không biết làm sao – cháu cảm thấy là cô ta không ưa cháu.

– Cô ta có lý do đấy, cô phải nói thế – bà Hopkins nói toạc ra – Thôi, đừng có quá ngây thơ, Mary ạ. Gần đây cậu Roderick đã để mắt đến cháu.

Mary bừng đỏ mặt.

Bà Hopkins nói tiếp.

– Theo ý cô, cậu ta rất mê cháu. Bỗng nhiên thế. Còn cháu thì sao, cháu ơi? Cháu có cảm tình gì với cậu ta không?

Mary ngập ngừng nói.

– Cháu… cháu không biết nữa. Cháu không nghĩ thế. Thế nhưng cậu ta rất tử tế, cố nhiên rồi.

– Hừm – bà Hopkins nói – Cậu ta chẳng thể là người có thích được! Đó là một trong số những gã cầu kỳ, kiểu cách, quá bồn chồn, dễ kích động. Lại cảnh vẻ về ăn uống nữa. Đàn ông chẳng phải chứng này, khi mình gặp thời cơ thuận lợi. Cháu chớ nên quá vội vàng, Mary ạ. Với nhan sắc của cháu, cháu có đủ điều kiện để mà kén cá chọn canh. Hôm trước cô O’Brien có gợi ý với cô là cháu nên đi đóng phim. Họ thích gái tóc hoe, cô thường nghe nói thế.

Với nếp nhăn hơi gợn trên trán, Mary nói:

– Thưa cô, cô nghĩ cháu phải làm gì đối với bố cháu? Ông ta nghĩ cháu phải đưa cho ông một phần số tiền đó?

– Cháu chớ có làm vậy nhé – bà Hopkins tức giận nói – Bà Welman không bao giờ có ý để tiền đó cho ông ta. Cô nghĩ rằng nếu không phải là vì cháu, thì ông ta đã mất việc từ nhiều năm trước rồi. Kẻ lười biếng thì có bao giờ chịu bước đâu.

Mary nói:

– Bà ta có tất cả số tiền bạc đó mà lại không hề làm di chúc dặn để lại ra sao, thì có vẻ kỳ cục quá.

Bà Hopkins lắc đầu:

– Người ta như vậy đó. Chắc cháu lạ lắm. Họ bao giờ cũng cứ trì hoãn việc đó lại.

Mary nói:

– Cháu thấy làm như thế thì hình như hết sức khờ dại.

Bà Hopkins hơi nháy mắt nói:

– Thì cháu làm di chúc đi, Mary ạ.

Mary nhìn bà chằm chằm:

– Ồ, không đâu.

– Cháu đã ngoài hai mươi mốt rồi mà.

– Nhưng cháu… cháu chẳng có gì để lại cả… ít nhất thì lúc này cháu nghĩ là cháu có.

Bà Hopkins gay gắt nói:

– Cố nhiên là cháu có chứ. Một số tiền nho nhỏ thôi, nhưng cũng xôm lắm.

Mary nói:

– Chẳng có gì phải vội.

– Cháu cũng thế đấy – bà Hopkins lạnh lùng nói – Cũng giống như mọi người khác. Vì cháu là một thiếu nữ trẻ trung, khỏe mạnh ư, để chẳng phải là một cái cớ khiến cháu sẽ không bị cán xẹp, đè nghiến bởi xe đò hoặc xe buýt ở ngoài đường phố, bất cứ giây phút nào.

Mary cười:

– Cháu không biết đến cả làm di chúc như thế nào nữa.

– Cũng dễ thôi. Cháu có thể mua một mẫu giấy ở bưu điện. Chúng ta hãy đi mua ngay bây giờ.

* * *

Trong nhà bà điều dưỡng Hopkins, mẫu giấy được bày ra, rồi cái vấn đề quan trọng kia được thảo luận. Bà Hopkins rất lấy làm khoái trá. Bà nói, theo ý bà thì di chúc là cái tốt nhất ngay liền sau cái chết.

Mary nói:

– Nếu cháu không làm di chúc, thì ai sẽ được hưởng số tiền kia?

Bà Hopkins hơi hoài nghi nói:

– Bố cháu, chớ ai nữa.

Mary sẵng giọng nói:

– Ông ta sẽ không được hưởng. Cháu muốn để lại cho cô cháu ơ Tân Tâh lan hơn.

– Dù sao thì để lại cho bố cháu cũng chẳng ích gì mấy – vì ông ta chẳng còn ở đời được bao lâu nữa. Cô phải nói thế đấy.

Mary đã nghe bà Hopkins nói điều đó quá nhiều lần rồi, cho nên chẳng thấy cảm kích gì vì câu nói này.

– Cháu không nhớ nổi địa chỉ của cô cháu. Đã nhiều năm chúng cháu không được tin tức gì về cô ta cả.

– Cô nghĩ điều đó chẳng quan hệ gì – bà Hopkins nói – Thế cháu có biết tên thánh của bà ta không?

– Mary. Mary Riley.

– Được rồi. Cháu hãy viết là cháu để lại mọi thứ cho Mary Riley, em gái của bà Eliza Gerrard đã chết, ở Hunterbury, Maidensford.

Mary cúi xuống viết lên mẩu giấy. Khi viết đến cuối, nàng bỗng rùng mình. Một cái bóng đến xen vào giữa nàng và bóng mặt trời. Nàng ngẩng đầu lên, trông thấy Elinor Carlisle đang đứng bên ngoài cửa sổ nhìn vào.

Bà Hopkins cười nói:

– Cô nàng đang làm di chúc. Cô ta đang làm thế đấy.

– Làm di chúc à? – Bỗng nhiên Elinor cười rộ lên, một cái cười kỳ lạ, gần như cuồng loạn.

Nàng nói.

– Thế ra em đang viết di chúc đấy à, Mary. Thật là nực cười. Thật là nực cười hết mức.

Vẫn còn cười vang. Elinor quay ra, đi rảo bước theo dọc đường phố.

Bà Hopkins đăm đăm nhìn theo.

– Cô ta làm sao thế nhỉ?

Elinor chưa đi được mươi bước – nàng vẫn còn cười – thì một bàn tay từ phía sau đặt lên cánh tay nàng. Nàng đứng sững, ngoảnh lại.

Bác sĩ Lord, mày chau nhíu, nhìn nàng chòng chọc. Chàng nói giọng quả quyết:

– Cô đang cười cái gì thế?

Elinor nói:

– Thực ra – tôi không biết nữa.

Peter Lord nói:

– Đó là một câu đáp ngây ngô quá.

Elinor đỏ bừng mặt nói:

– Tôi nghĩ chắc là tôi bị kích động – hoặc là sao đó. Tôi ngó vào nhà của bà điều dưỡng khu vực, thì… thì thấy Mary Gerrard đang viết di chúc. Điều đó làm tôi bật cười; tôi chẳng hiểu tại sao nữa.

Lord nói cộc lốc:

– Thế à?

Elinor nói:

– Thực là ngốc quá – tôi bị kích động.

Peter Lord nói:

– Tôi sẽ kê cho cô một toa thuốc bổ.

Elinor chua chát nói:

– Bổ, ích lắm đấy.

Chàng cười xuề xòa nói:

– Hoàn toàn vô ích, tôi đồng ý với cô. Thế nhưng chỉ có thể làm thế được thôi khi người ta không chịu nói với mình là người ta làm sao cả.

Elinor nói:

– Tôi chẳng làm sao cả.

Peter Lord bình thản nói:

– Cô có khá nhiều sự.

Elinor nói:

– Tôi cho là tôi hơi bị kích động đôi chút.

Lord nói:

– Tôi nghĩ là cô bị khá nhiều đấy. Nhưng tôi không nói đến chuyện đó – Chàng ngừng lại – Cô có còn… có còn ở lại đây lâu không?

– Tôi sẽ đi ngày mai.

– Cô sẽ không xuống ở đây sao?

Elinor lắc đầu:

– Không – không bao giờ. Tôi nghĩ… tôi nghĩ… tôi sẽ bán nơi này nếu tìm được người trả được giá.

Bác sĩ Lord nói thẳng ra:

– Tôi hiểu rồi.

Elinor nói:

– Giờ thì tôi phải trở về nhà.

Nàng giơ tay ra, rất kiên quyết. Peter Lord cầm, nắm lấy bàn tay đó. Chàng nói rất nghiêm chỉnh.

– Cô Carlisle, xin cô vui lòng cho tôi được biết có sự gì trong óc cô khi cô cười lúc vừa rồi?

Cô vội giằng tay ra:

– Phải có sự gì trong óc tôi sao?

– Đó chính là điều tôi muốn được biết.

Mặt chàng lộ vẻ nghiêm trọng và hơi rầu rĩ.

Elinor bồn chồn nói:

– Tôi ngạc nhiên vì nực cười quá, chỉ có thể thôi.

– Có phải vì Mary Gerrard đang làm di chúc không? Tại sao thế? Làm di chúc là một thủ tục hoàn toàn khôn ngoan, hợp lý. Tránh được bao nhiêu rắc rối. Cố nhiên là đôi khi nó cũng tạo nên rắc rối.

Elinor nôn nóng nói:

– Cố nhiên là mọi người đều cần phải làm di chúc. Lúc nãy tôi không có ý nói thế.

Bác sĩ Lord nói:

– Bà Welman hẳn là phải làm di chúc.

Elinor cảm động nói:

– Phải, đúng thế.

Màu hồng ửng lên khuôn mặt nàng.

Bác sĩ Lord thình lình nói:

– Còn cô thì sao?

– Tôi ư?

– Đúng rồi, vừa mới đây cô bảo là mọi người đều cần phải làm di chúc! Thế cô đã làm chưa?

Elinor chăm chăm nhìn chàng trong giây lát, rồi cười vang.

– Thực kỳ lạ quá! – Nàng nói – Chưa, tôi chưa làm. Tôi chưa hề nghĩ tới chuyện đó. Tôi cũng giống như cô Lara vậy. Ông có biết không, bác sĩ Lord, tôi sẽ về nhà rồi viết ngay tức thì cho ông Seddon về việc này.

Peter Lord nói:

– Rất hợp lý.

* * *

Trong phòng sách, Elinor vừa viết xong bức thư:

Kính gửi ông Seddon,

Xin ông vui lòng phác thảo một bản di chúc cho tôi ký. Một bản hoàn toàn đơn giản. Tôi muốn để lại tất cả cho ông Roderick Welman.

Kính chào

ELINOR CARLISLE

Elinor liếc trông đồng hồ. Mấy phút nữa bưu điện sẽ đưa đi.

Nàng mở ngăn kéo bàn giấy, rồi nhớ ra rằng đã dùng chiếc tem cuối cùng lúc sáng nay.

Còn vài cái nữa trong phòng ngủ, nàng chắc chắn thế.

Nàng đi lên lầu. Khi nàng cầm tem trở vào phòng sách, thì Roddy đang đứng bên cửa sổ.

Roddy nói:

– Thế là chúng mình sẽ rời đây sáng mai. Hunterbury cũ kỹ, tốt đẹp. Chúng mình đã có những lúc vui vẻ ở đây.

Elinor nói.

– Bán đi, anh nghĩ có được không?

– Ồ, không, không sao đâu. Anh nghĩ đó là cái việc tốt nhất nên làm.

Im lặng. Elinor cầm lấy bức thư, liếc xem thế đã được chưa. Rồi nàng niêm lại, dán tem


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.