Anh dịu dàng như nước.
Nhưng trái tim em
Lại vì những cơn sóng mà anh đem tới, chấn động mạnh mẽ vì thế trái tim nhớ nhung anh của em, kiên định sẽ chỉ loạn nhịp, trước sự dịu dàng của anh
Những câu chữ rụng rơi khi tim đập, vương trên giấy trắng chữ đỏ, chữ xanh, rồi chữ đen vì thế giấy trắng như một đàn quạ đen, bay trong đêm tối không trăng.
Trong tai vang lên tiếng u u, tàu lại chạy qua một đường hầm.
Từ Miêu Lịch tới Đài Trung là tuyến đường núi, rất nhiều đường hầm, ban đầu các công nhân xây dựng chắc chắn rất vất vả.
Bên trong tàu tuy sáng rõ, nhưng ngoài cửa sổ lại đen kịt một màu.
Giống như dòng chữ trên điếu thuốc thứ sáu “Một đàn quạ đen bay trong đêm tối không trăng.”
Tôi rót một cốc nước, uống một ngụm, nóng quá.
Cũng tốt, lấy cái cốc này làm lò sưởi sưởi ấm bàn tay.
Người trong toa vẫn còn rất đông, tôi chỉ có thể miễn cưỡng đứng ở đây mà thôi.
Ký ức là một chuyện nặng nề, giống như nỗi nhớ, nó cũng có trọng lượng.
Ký ức là hàm số của thời gian, nhưng phương hướng của thời gian mãi mãi hướng về phía sau, phương hướng của ký ức lại luôn hướng về phía trước.
Cả hai đều chỉ có một hướng, nhưng lại ngược nhau.
Tôi cũng thuộc tuýp người hoài cổ nhỉ.
Bên người thường giữ lại mấy thứ đồ nho nhỏ, để ghi nhớ tâm trạng của những ngày tháng đã qua.
Đặc biệt nhất, có lẽ là nhành cây tầm gửi mà Minh Thanh tặng tôi.
Bách Sâm từng hỏi tôi: “Giữ mấy thứ đó lại không tốn diện tích à?”
“Chắc không đâu. Bởi vì thứ tốn diện tích nhất, là ký ức.”
Tất cả những thứ đồ đã từng lưu giữ, đều có thể dễ dàng từ bỏ.
Duy chỉ có ký ức, không những không tài nào từ bỏ, mà còn lớn lên theo thời gian, không ngừng tích luỹ.
Giữa ký ức mới và ký ức cũ, cũng sẽ cùng nhau tăng tiến, sản sinh ra những con số vô cùng vô tận.
Giống như ký ức với cây tầm gửi, luôn khiến tôi trào dâng một cảm giác bi thương và áy náy lạ thường.
Tôi cảm thấy đầu mình nặng trĩu, hai chân không tài nào đỡ nổi sức nặng này, vì thế bèn ngồi sụp xuống.
Cho tới khi cốc nước kia trở nên nguội ngắt.
Uống nước xong, tôi đứng dậy, xoay xoay xương khớp, dù sao quãng đường cũng còn gần ba tiếng nữa.
Kẻ thù lớn nhất của việc nhàm chán khi ngồi tàu xe, chính là có một người bạn có thể tán gẫu để giải khuây.
Chỉ tiếc là giờ tôi chỉ đơn độc một mình.
Hôm đó leo núi xong, quãng đường quay về Đài Nam cũng mất khoảng ba giờ chạy xe.
Tôi ngồi cùng với Minh Thanh, cười cười nói nói, loáng cái đã tới Đài Nam.
Thực ra khi quay về, các đôi nam nữ đều phải rút thẻ tên thêm một lần nữa.
“Cậu có thích Lâm Minh Thanh không?” Bách Sâm lén hỏi tôi.
“Cô ấy rất tốt. Hỏi câu hỏi kỳ quặc này làm gì thế?”
Bách Sâm không trả lời, chỉ lấy hết 21 tấm thẻ trên tay tôi đi.
Cậu ta tìm tấm thẻ tên Dương Quá, nhét vào túi áo tôi.
Rồi bảo tôi đưa 20 tấm thẻ còn lại cho lũ con trai trong lớp rút thăm.
Còn cậu ta thì đưa 21 tấm thẻ tên nhân vật nữ cho các bạn gái khoa Trung văn.
Không ngờ Minh Thanh vẫn rút trúng tấm thẻ Tiểu Long Nữ.
Lần này Bách Sâm rút được Đường Cao Tông Lý Trị, kết quả Tôn Anh rút được Võ Tắc Thiên.
Sợ hãi quá độ, Bách Sâm ôm chặt vai tôi khóc rống lên.
“Quá Nhi, chúng ta thật có duyên. Cô Cô thấy rất vui.”
Trông Minh Thanh có vẻ rất vui vẻ.
“Ừ.”
Tôi không dám trả lời.
Trở về Đài Nam, tôi, Minh Thanh, Bách Sâm và Tôn Anh đi ăn đêm ở gần đại học Thành Công.
Lúc gần 11 rưỡi, tôi và Bách Sâm lại tiễn hai cô gái về ký túc xá.
11 giờ 30 là giờ ký túc Thắng Cửu đóng cửa, lúc đó luôn có một đám nam nữ bịn rịn lưu luyến nhau ở cổng ký túc.
Sau đó sẽ có một bà thím cầm một hòn đá gõ vào cánh cổng sắt, nhắc nhở lũ con gái rằng đã đến giờ đóng cổng.
Vừa gõ vừa kéo dần cánh cổng từ trái qua phải.
Minh Thanh nói con gái ở ký túc Thắng Cửu đều gọi tiếng gõ đó là tiếng chuông gọi hồn.
Cổng của ký túc Thắng Cửu là kiểu cửa có chấn song, bên dưới có bánh xe tiện cho việc đóng mở.
Nhưng dù cửa kéo lại rồi, thì qua lớp song sắt, kẻ trong người ngoài vẫn nhìn được nhau.
Thế nên thường có những đôi yêu nhau, sau khi cổng đóng lại rồi, vẫn thò tay qua lớp song sắt để nắm tay nhau.
Có cô gái thậm chí còn kích động quỳ xuống, thổn thức khóc.
Rất giống cảm giác đi thăm tù.
Trước đây lúc 11 giờ tôi và Bách Sâm thường đến Thắng Cửu để xem mấy màn kịch miễn phí này.
Chuông gọi hồn vừa điểm, Minh Thanh và Tôn Anh vẫy tay chào bọn tôi, chuẩn bị lên lầu.
“Bạn Tôn Anh khoa Trung văn năm thứ ba ơi! Xin bạn đừng vội đi như vậy!”
Bách Sâm bỗng gào toáng lên, tôi giật bắn mình.
Bọn Minh Thanh cũng dừng chân, ngoảnh đầu lại.
“Bạn Tôn Anh ơi! Với nhan sắc của bạn, dù là Phan Kim Liên cũng không sánh bằng!”
“Nhố nhăng!”
Tôn Anh mắng một câu rồi kéo tay Minh Thanh, quay người rảo bước lên lầu.
“Bạn Tôn Anh ới! Hình bóng kiều diễm của bạn đã in sâu trong tâm trí mình rồi! Có câu này mình nhất định phải nói!”
Bách Sâm cứ như đang diễn kịch, gân cổ đọc lời thoại.
“Không nghe! Không nghe!”
Loáng thoáng có thể nghe thấy giọng nói của Tôn Anh vọng ra từ trong ký túc xá.
“Câu này chỉ có ba từ thôi! Chỉ là ba từ nhỏ nhoi đã giày vò trái tim mình.”
“…”
Không nghe rõ Tôn Anh nói gì.
“Bạn Tôn Anh ơi! Chỉ có ba từ thôi! Xin hãy nghe mình thổ lộ!”
“Bạn Tôn Anh ơi! Nếu tối nay mình không nói ra được ba từ này, chắc chắn mình sẽ bị mất ngủ!”
“Bạn Tôn Anh ơi! Khó khăn lắm mình mới có đủ can đảm! Mình nhất định phải thổ lộ với bạn!”
“Bạn Tôn Anh ơi! Mình muốn tất cả mọi người trong ký túc Thắng Cửu đều nghe được ba từ này! Đó chính là…”
“Bách Sâm!”
Tôi căng thẳng lên tiếng ngăn cản.
Đám nam nữ xung quanh cũng dỏng hết tai lên, chuẩn bị lắng nghe Bách Sâm nói ra ba từ khiến người ta mặt đỏ tim run.
“NGỦ… SỚM… NHÉ! …”
Bách Sâm khum hai tay quanh miệng, hét toáng ba từ đó, vừa to vừa rõ.
Thoạt tiên tôi sững người lại, sau đó thì bật cười.
Một tiếng lạch cạch vang lên, cửa sổ của một căn phòng nào đó ở tầng bốn đột ngột mở toang.
“Chết đi!”
Tôn Anh tức tối ném thứ gì đó xuống. Bọn tôi né sang một bên, cúi người nhìn xuống, là một chiếc giày.
Tôi nhặt chiếc giày lên, kéo Bách Sâm lúc này đang giơ ngón tay hình chữ V về phía tầng bốn, vội vàng rời khỏi hiện trường.
Trở về ký túc, lúc leo cầu thang, tôi mắng Bách Sâm:
“Cậu rõ là vớ vẩn, cậu không thấy như thế thật xấu hổ à?”
“Không, có ai biết tớ là ai đâu. Nhưng Tôn Anh thì sẽ trở nên rất nổi tiếng đấy.”
“Sao cậu lại chọc cô ấy?”
“Đâu có, đùa tí thôi mà. Hôm nào xin lỗi cô ấy là được.”
“Đúng rồi, sao cậu lại nhét thẻ tên Dương Quá cho tớ?”
“Giúp cậu chứ sao, đồ ngốc. Tớ thấy cậu và Minh Thanh hình như rất hợp nhau.”
“Vậy làm thế nào mà cậu làm cho cô ấy rút được thẻ Tiểu Long Nữ?”
“Rất đơn giản. Lúc mọi người rút thăm, thông thường đều rút ở giữa, cùng lắm là rút lá trên cùng.
Cho nên tớ nhét cái thẻ Tiểu Long Nữ xuống dưới cùng, lúc còn lại hai tấm thẻ cuối cùng mới để cô ấy rút.”
“Vậy vẫn còn xác suất 50% chứ.”
“Vốn dĩ xác suất chỉ có 50%, nhưng tay trái tớ lúc nào cũng đã sẵn sàng. Nếu cô ấy rút đúng thẻ Tiểu Long Nữ thì không vấn đề gì. Còn nếu không, tay trái tớ sẽ giữ thật chặt, cô ấy không rút được thì sẽ phải đổi sang rút tấm thẻ Tiểu Long Nữ thôi.”
“Anh nói gì!”
Lúc bọn tôi mở cửa vào nhà, chị Tú Chi gần như là đang gầm lên.
“Tôi nói cô đừng giặt một lần nhiều đồ lót như thế, ban công trông cứ như cái kho dưa chuột ấy.” Anh Tử Nghiêu thong thả trả lời.
“Anh lại còn dám nói áo lót của tôi giống dưa chuột!”
“Thì giống mà! Nhất là treo nhiều như thế kia, giống hệt như đang trồng dưa chuột trên ban công.”
“Anh…”
“Sâu Rau, cậu về đúng lúc lắm. Mau ra khuyên giải chị Tú Chi…”
Anh Tử Nghiêu còn chưa dứt lời, chị Tú Chi lại càng gào to hơn.
“Đã nói với anh bao nhiêu lần rồi, không được gọi tôi là chị. Anh hơn tôi những mấy tuổi, tôi không đảm đương nổi đâu.”
“Nhưng trông cô cũng chả kém tuổi tôi đâu.”
“Anh nói lại một lần nữa xem!”
“Chị Tú Chi, hai ngày không gặp, chị vẫn xinh đẹp như ngày nào.”
Thấy có vẻ không ổn, Bách Sâm nhanh chóng đánh trống lảng.
“Anh Tử Nghiêu, em mang hai viên đá trên núi về cho anh đây. Anh xem này…”
Tôi phụ trách không cho anh Tử Nghiêu phát ngôn linh tinh nữa.
Chị Tú Chi tức tối bỏ về phòng, anh Tử Nghiêu mặt mày vẫn ngơ ngác.
Tôi lấy hai viên đá hình tròn màu nâu thẫm nhặt bên bờ suối trên núi ra, đưa cho anh Tử Nghiêu.
Bách Sâm cũng đưa cho anh Tử Nghiêu một viên đá, hình tam giác màu đen.
Vì anh Tử Nghiêu có sở thích sưu tầm các loại đá.
Anh Tử Nghiêu nói cảm ơn, sau đó ba chúng tôi trở về phòng nghỉ ngơi.
Hôm sau đi học về, bước vào phòng khách, tôi nhìn thấy Minh Thanh đang ngồi trên ghế xem ti vi.
“Sao bạn lại ở đây?” Tôi kinh ngạc.
“Ối…” Minh Thanh khóc hờ mấy tiếng “Chị ơi, bạn cùng nhà với chị không chào đón em kìa.”
“Ai mà to gan như vậy…” Chị Tú Chi bước vào phòng nhìn tôi”
“Sâu Rau, cậu dám không chào đón sư muội trực thuộc của chị hả?”
“Hả? Chị Tú Chi, chị là sư tỷ trực thuộc của bạn ấy ạ?”
“Chính thị. Sao cậu dám bắt nạt con bé?”
“Đâu có. Em chỉ tò mò là tại sao bạn ấy lại xuất hiện ở đây thôi.”
“Vậy thì tốt. Cô em này của chị tài mạo song toàn, sắc nghệ đầy đủ, không được bắt nạt nó.”
Nói xong, chị Tú Chi lại đi vào phòng.
“Mình không lừa bạn nhé.” Minh Thanh nhún vai, “Sư tỷ trực thuộc của mình toàn nói mình như thế.”
Tôi nhón một cái bánh quy trong hộp bánh mà Minh Thanh đưa cho.
“Không ngờ bạn lại ở đây?” Minh Thanh nghiêng ngó nhìn quanh, “Chỗ này được đó chứ.”
“Sao bạn lại ở đây?” Tôi hỏi thêm một lần nữa.
“Chị Tú Chi nói bạn ở chỗ này, cho nên mình đến tìm bạn. Quá Nhi, ngươi muốn đuổi Cô Cô đi sao?”
“Đừng nói linh tinh.” Tôi cũng ngồi xuống, ăn bánh quy và xem ti vi cùng cô ấy.
“Bạn tìm mình có việc gì không?”
“Quá Nhi,” Vẫn không dời mắt khỏi màn hình, Minh Thanh đưa tay trái ra trước mặt tôi, “Đưa đây.”
Tôi cầm vỏ hộp bánh quy vừa mở đặt vào lòng bàn tay trái đang xoè ra của cô ấy.
“Không phải cái này!”
“Nếu không thì bạn muốn mình đưa cái gì?”
“Giày ấy.”
“Giày?” Tôi nhìn chân cô ấy, cô ấy đang đi đôi dép trong nhà của bọn tôi.
Tôi lại thò đầu nhìn ra hành lang bên ngoài, có thêm một đôi xăng-đan lạ màu xanh lá.
Tôi đi ra hành lang, cầm đôi xăng-đan lên rồi quay vào phòng khách, đặt dưới chân cô ấy.
“Mới đó mà đã muốn về rồi à?” Tôi băn khoăn.
Ánh mắt Minh Thanh chuyển từ ti vi sang người tôi, rồi lại nhìn đôi xăng-đan tôi đặt dưới sàn.
“Quá Nhi…” Minh Thanh bỗng cười ngặt nghẽo, hoàn toàn không có dấu hiệu sẽ ngừng lại.
“Bạn sao thế?”
“Mình nói cái giày tối qua bạn nhặt cơ, đấy là giày của mình. Mình đến để lấy giày.”
“À. Sao bạn không nói rõ ra.”
“Sao Tôn Anh lại ném giày của bạn?”
“Cậu ấy tức quá. Tiện tay túm ngay phải giày của mình, chả thèm nghĩ ngợi gì, cứ thế ném xuống luôn.”
“Cậu ấy vẫn ổn chứ?”
“Không ổn. Đến hôm nay vẫn còn giận.”
“Thật không?”
“Ừ. Nhất là sau khi đọc được tờ thông báo dán trên bảng tin của ký túc, cậu ấy tức phát khóc.”
“Thông báo gì thế?”
“Không biết là ai dán lên. Trên đó viết:
Thất tịch gặp nơi cầu Ô Thước
Khổng tước bỗng bay về Đông Nam
Làm sao một câu Ta yêu nàng
Lại thành Bạn ơi đi ngủ sớm”
“Bách Sâm chỉ đùa thôi, không có ác ý.”
“Không thể tuỳ tiện đùa như thế với con gái đâu, như thế con gái sẽ đau lòng lắm.”
“Bách Sâm nói cậu ấy sẽ xin lỗi Tôn Anh. Thực ra tính tình Bách Sâm rất tốt.”
“Ừ. Thảo nào Tôn Anh nói Lý Bách Sâm rất xấu, còn bạn thì tốt hơn nhiều. Cho nên cậu ấy bảo mình phải…”
Minh Thanh bỗng im bặt, không nói tiếp nữa.
“Bảo bạn phải làm sao?”
“Phòng này rộng thật đấy.”
“Tôn Anh bảo bạn phải làm sao?”
“Bánh quy này ngon quá.”
“Tôn Anh rốt cuộc bảo bạn phải làm gì?”
“Cái ti vi này nét thật đấy.”
“Tôn Anh rốt cuộc bảo bạn phải làm gì?”
“Quá Nhi! Bạn còn xấu hơn cả Bách Sâm.”
Tôi vò đầu gãi tai, hoàn toàn không hiểu Minh Thanh đang nói gì.
Minh Thanh tiếp tục xem ti vi, khoảng 10 phút sau cô ấy mới lên tiếng:
“Quá Nhi, bạn nghe cho rõ đây. Tôn Anh nói hai từ, mình chỉ nói một lần thôi.”
“Được.” Tôi hết sức chăm chú.
“Chữ thứ nhất, quần áo rách rồi thì phải lấy gì để vá?”
“Kim”
“Chữ thứ hai, quần áo bẩn rồi thì làm thế nào?”
“Giặt chứ sao.”
“Mình nói xong rồi.”
“Kim giặt?”
Minh Thanh không đáp.
“À, thì ra là trân trọng.”
Minh Thanh ăn một miếng bánh, không đáp.
“Nhưng sao Tôn Anh lại bảo bạn phải trân trọng?”
Minh Thanh ăn miếng bánh thứ hai.
“Rốt cuộc Tôn Anh bảo bạn phải trân trọng cái gì?”
Minh Thanh ăn miếng bánh thứ ba.
“Trân trọng là động từ, nếu không có danh từ thì làm sao biết được là trân trọng cái gì?”
“Chị ơi! Bạn cùng phòng của chị lại bắt nạt em nè!”
Minh Thanh bỗng kêu toáng lên.
“Sâu Rau!”
Chị Tú Chi lại đi ra khỏi phòng.
“Sư tỷ tha mạng, bạn ấy nói đùa thôi.” Tôi lấy khuỷu tay huých Minh Thanh, “Đúng không?”
“Chỉ cần bạn không hỏi tiếp nữa, thì mình chỉ là nói đùa thôi.” Minh Thanh khẽ nói.
Tôi gật đầu cái rụp.
“Chị ơi, em đang đùa với bạn ấy thôi.” Minh Thanh cười cực kỳ ngây thơ.
“Ờ. Minh Thanh, bọn mình cùng đi ăn cơm đi.” Chị Tú Chi tiện thể hỏi tôi:
“Sâu Rau, đi ăn cơm cùng luôn không?”
“Dạ không ạ. Em đợi Bách Sâm.”
Lúc ăn tối, tôi kể chuyện Tôn Anh tức phát khóc cho Bách Sâm nghe, cậu ta rất áy náy.
Vì thế cậu ta đề nghị đêm Giáng sinh tuần sau nướng thịt trên sân thượng sẽ mời bọn Tôn Anh tới chơi.
“Cậu nên tự mà rủ cô ấy đi ăn cơm hay đi xem phim ấy, lôi bọn mình theo làm cái gì?”
“Đông người cho vui. Hơn nữa còn có thể tạo cơ hội cho cậu và Lâm Minh Thanh nữa.”
“Khỏi. Mình và Lâm Minh Thanh không có gì.”
“Sâu Rau.” Bách Sâm nhìn tôi đầy ẩn ý, “Sau này cậu sẽ biết.”
Đêm Giáng sinh, trời trong lành mát mẻ, rất dễ chịu.
Tôi và Bách Sâm kéo một sợi dây diện dài từ tầng năm lên sân thượng, thắp mấy ngọn đèn.
Chị Tú Chi phụ trách đi chợ, mua một đống đồ ăn, gần như có thể ăn tới tận năm sau.
Bách Sâm nhờ anh Tử Nghiêu ít mở miệng thôi, để tránh việc chị Tú Chi điên lên sẽ róc thịt anh ấy ra nướng.
Sau đó chúng tôi lại bê thêm mấy bộ bàn ghế lên trên sân thượng.
Khoảng bảy giờ, Minh Thanh và Tôn Anh tới. Trông Minh Thanh rất vui vẻ, còn mặt Tôn Anh thì xị ra.
Nhưng khi Bách Sâm tặng cho Tôn Anh một món quà nhỏ, mặt cô ấy liền giãn ra.
Sáu người chúng tôi vừa nướng thịt vừa tán gẫu, cũng thoải mái ra phết.
Lúc mọi người đã gần no say, anh Tử Nghiêu lại còn hát chay bài Hồng đậu từ nổi tiếng của mình.
“Không ngờ anh hát cũng hay ra phết đấy.” Chị Tú Chi lườm anh Tử Nghiêu.
Anh Tử Nghiêu rất hứng chí, tiếp tục hát thêm mấy bài nữa.
Sau đó họ còn bắt đầu bàn luận về các ca khúc và việc hát hò.
Bách Sâm cố tình bám lấy Tôn Anh trò chuyện, có thể thấy cậu ta thật sự rất áy náy về trò đùa hôm trước.
Nghịch mấy khúc củi tàn một lúc, Minh Thanh chỉ vào ban công của toà nhà bên cạnh rồi hỏi tôi:
“Quá Nhi, có thể sang bên đó xem không?”
Tôi gật đầu.
Ban công bên cạnh trồng rất nhiều hoa cỏ, khác xa cái ban công trống huơ trống hoác của bọn tôi.
Hai cái ban công chỉ cách nhau một bức tường cao chừng 1,2 mét.
“Trèo tường được không?” Tôi hỏi.
“Độ cao này không làm khó mình được.”
“Ừ. Trước khi cưới trèo tường thì được, sau khi cưới rồi thì đừng trèo nhé.”
“Ha ha… Quá Nhi, mồm bạn giảo hoạt quá, lại dám so mình với hồng hạnh.”
Tôi và Minh Thanh trèo qua bức tường, nhẹ nhàng tiếp đất.
Tầng dưới là đôi vợ chồng suốt ngày ném bát đĩa, hẳn là tính khí không được tốt lắm, không cần thiết phải kích thích bọn họ.
Minh Thanh lần lượt gọi tên từng loại hoa, tôi chỉ gật đầu liên tục, vì tôi chả biết gì.
“Hình như bạn rất thích hoa cỏ?”
“Ừ, mình rất thích thiên nhiên. Mình hy vọng sau này có thể được ở trong một thảo nguyên xanh tươi mênh mông.”
Minh Thanh dang hai tay ra, cố phác hoạ trong không khí một cảm giác rất rất rộng lớn. Rồi cô ấy hỏi tôi:
“Quá Nhi, còn bạn?”
“Mình lớn lên giữa thiên nhiên, cho nên với mình, rừng bê tông trong thành phố lại thành ra mới mẻ.”
“Bạn rất đặc biệt.” Minh Thanh cười cười.
“Quá Nhi, cảm ơn các bạn đã chiêu đãi hôm nay.”
Minh Thanh dựa vào lan can sân thượng, đưa mắt nhìn màn đêm rồi quay sang bảo tôi.
“Đừng khách sáo.” Tôi cũng dựa vào lan can, ngay cạnh cô ấy.
Minh Thanh ngân nga một bài hát, thỉnh thoảng lại ngẩng lên nhìn trời.
“Ở đây rất yên tĩnh lại rất đẹp, bạn không phiền nếu sau này mình thường tới chơi chứ?”
“Mình chào đón bạn còn chẳng kịp ấy.”
Minh Thanh nghiêng đầu chăm chú nhìn tôi, cười nói: “Quá Nhi, bạn đang nói xã giao à.”
Tôi cũng cười cười:
“Mình thật sự chào đón bạn mà.”
“Đúng rồi, mình tặng bạn cái này. Đứng đây đợi mình nhé.”
Minh Thanh nhảy qua tường để đi lấy đồ, lúc quay lại, thoạt tiên cô ấy đặt thứ đó lên gờ tường rồi mới nhảy qua.
Rất giống hình ảnh trong tản văn Hình bóng của Chu Tự Thanh, cha ông trèo lên trèo xuống ban công để mua quýt.
Nếu thật sự cô ấy lấy quýt đưa cho tôi, vậy sau nay tôi sẽ gọi cô ấy là cha chứ không phải là Cô Cô nữa.
“Này, cho bạn này.”
Cô ấy cũng phủi bụi trên quần áo, hệt như trong Hình bóng.
Đó là một nhánh cây màu xanh, có những cành đan nhau một cách đặc biệt.
Lá cây mọc đối xứng, giống như con chuồn chuồn tre mà trẻ con hay chơi. Quả nhỏ xíu, hơi dinh dính.
“Đây là cái gì?”
“Cây tầm gửi.”
Mặc dù đây là lần thứ hai tôi nhìn thấy cây tầm gửi, nhưng lần trước khoảng cách xa quá, không nhìn rõ được.
Tôi nhìn cành tầm gửi trong tay mình, cảm thấy hiếu kỳ một cách lạ thường.
Vì thế tôi giơ cành cây lên cao, nương theo ánh đèn trên sân thượng để nhìn cho rõ.
“Có gì lạ à?” Bị động tác của tôi thu hút, Minh Thanh cũng nhoài qua xem.
“Cây tầm gửi…”
Tôi nghiêng đầu, đang định hỏi Minh Thanh tại sao quả của cây tầm gửi lại dinh dính như thế thì cô ấy bỗng kêu “ui da” rồi lập tức lùi lại hai bước.
“Quá Nhi!”
“Hả?”
“Bạn gian xảo quá.”
“Sao cơ?”
Minh Thanh không trả lời mà chỉ bĩu môi, chỉ tay vào cây tầm gửi.
Tôi bỗng sực ngộ ra, thì ra cô ấy tưởng tôi cố ý dụ cô ấy đứng dưới nhánh cây tầm gửi để hôn cô ấy.
“Không phải đâu, mình chỉ muốn nhìn cây tầm gửi cho kỹ hơn thôi.”
“Ờ. Vừa rồi nguy hiểm quá.” Minh Thanh cười.
Lần thứ ba tôi bỏ lỡ cơ hội hôn Minh Thanh.
Sau này tôi thường nghĩ, tục ngữ nói “sự bất quá tam”, vậy nếu thực sự đã “quá tam” thì sao?
Giữa tôi và Minh Thanh luôn có rất nhiều mối duyên kéo chúng tôi xích lại gần nhau, nhưng luôn thiếu một cú hích cuối cùng.
Cũng giống như thi đấu bóng đá, thường có cơ hội ghi bàn, chỉ tiếc là bóng mãi không thể nào lọt lưới.
“Cảm ơn món quà của bạn.”
Tôi huơ cành tầm gửi trong tay, mỉm cười với Minh Thanh.
“Đừng khách sáo. Nhưng bạn phải giữ gìn đấy nhé.”
“Tại sao?”
“Cây tầm gửi có thể hút nước và chất vô cơ từ cây chủ, sau đó tiến hành quang hợp để tạo dưỡng chất, nhưng dưỡng chất vẫn không đủ. Vì thế khi cây chủ khô héo, cây tầm gửi cũng sẽ khô héo theo.”
“Vậy tại sao vẫn phải giữ gìn?”
“Mặc dù sau khi rời khỏi cây chủ, chẳng bao lâu sau cây tầm gửi sẽ héo khô đi. Nhưng nghe nói sau vài tháng, cành của cây tầm gửi đã hái xuống sẽ dần biến thành màu vàng kim.”
“Ồ. Mình sẽ giữ lại.”
“Đúng rồi, vừa rồi mình định hỏi bạn, tại sao quả của cây tầm gửi lại dính như vậy?”
“Đó là để cây tầm gửi gieo rắc sinh sôi đấy.”
“Hả?”
“Quả tầm gửi có thể tỏa ra mùi thơm, thu hút chim chóc tới ăn, mà quả cây tầm gửi dính như vậy, sẽ dính trên mỏ chim. Khi chim di chuyển, chúng sẽ cọ mỏ vào các thân cây khác khiến những quả này rơi xuống, cây tầm gửi sẽ tìm thấy cây chủ mới.”
“Thì ra là vậy.” Tôi gật đầu, cất cành tầm gửi đi.
Khoảng 11 giờ, tôi và Bách Sâm đưa Minh Thanh và Tôn Anh trở về ký túc xá.
Lúc tới ký túc Thắng Cửu, Tôn Anh nói muốn mua một thứ, bảo Minh Thanh lên lầu trước.
Minh Thanh nói chúc mừng giáng sinh với tôi, sau đó quay người đi lên trên lầu.
Đợi Minh Thanh đi khuất, Tôn Anh quay sang nói với tôi bằng vẻ mặt thần bí:
“Sâu Rau. Bạn phải, cảm ơn, Minh Thanh.”
“Mình cảm ơn rồi.”
“Không phải Tôn Anh nói về món quà đâu. Tối nay vốn là có người muốn mời Minh Thanh đi xem phim đấy.”
Bách Sâm đứng bên cạnh nói xen vào, giọng đầy mờ ám.
“Người ta vì cậu mà từ chối cuộc hẹn, cho nên cậu phải đền cho cô ấy một bộ phim.”
“Người đề xuất tụ tập tối nay là cậu, nếu đền thì cũng là cậu đền chứ.” Tôi chỉ vào Bách Sâm.
“Cái thằng cu vô lương tâm này, là cậu kiên quyết muốn mời cô ấy tới nhà bọn mình chơi còn gì.”
Tôi đang định ngoạc mồm ra phản bác thì thấy Bách Sâm nháy nháy mắt.
“Hơn nữa cậu còn nói: Đêm Giáng sinh không có Lâm Minh Thanh, chúa Jesus cũng chẳng muốn giáng sinh.”
“Vớ vẩn! Sao tớ lại có thể nói ra cái câu…”
Còn chưa kịp nói từ “buồn nôn” thì Bách Sâm đã bịt chặt mồm tôi.
“Sâu Rau, đừng ngượng. Mời cô ấy đi xem phim đi.”
“Đúng thế.” Tôn Anh nói.
“Tôn Anh, ngày mai các bạn có bận gì không?”
“Không.”
“Vậy 12 giờ trưa mai gặp nhau tại đây, bốn người bọn mình cùng đi ăn trưa.”
Bách Sâm bỏ bàn tay đang bịt mồm tôi ra rồi nói tiếp:
“Sau đó cho Sâu Rau và Minh Thanh đi xem phim. Bạn thấy thế có được không?”
“Rất được.” Tôn Anh gật đầu.
“Tớ…”
“Đừng quá cảm kích tớ, tớ sẽ ngại lắm đấy.” Bách Sâm nhanh chóng ngắt lời tôi.
“Cứ vậy đi nhé.” Bách Sâm vẫy tay với Tôn Anh, “Mai gặp.”
Hôm sau là lễ Giáng sinh, nghỉ một ngày.
Buổi trưa tôi và Bách Sâm mỗi thằng một chiếc xe máy phóng tới trước cửa ký túc Thắng Cửu.
Tôn Anh mặc một chiếc váy dài gần quét đất, tôi rất băn khoăn tại sao cái váy lại dài đến vậy?
Sau đó khi nhìn thấy Minh Thanh cũng mặc một cái váy dài bước ra, tôi mới tỉnh ngộ.
Thì ra cái váy mà con gái bình thường mặc dài quá gối, Tôn Anh có thể mặc thành gần quét đất.
Bọn tôi ăn ở một nhà hàng gần trường, là nhà hàng mà tôi và Bách Sâm thường tới ăn.
“Nhà hàng này thật sự rất ngon, mình và Sâu Rau đã từng tới ăn liên tục hai lần trong một ngày.”
Ổn định chỗ ngồi xong, Bách Sâm lên tiếng.
“Thật không?” Minh Thanh hỏi tôi.
“Đúng thế. Có điều đó là vì hôm đó lúc tới lần đầu, cả hai thằng đều quên không mang tiền theo.” Tôi vờ như không nhìn thấy ánh mắt ngăn cản của Bách Sâm, “Cho nên lần thứ hai tới, là để trả tiền.”
“Ha ha… như thế làm sao được tính.”
Bốn người bọn tôi ngồi ở vị trí sát cửa sổ trên tầng hai, chỉ tiếc hôm nay trời âm u, ngoài cửa sổ xám xịt một màu.
Minh Thanh ngồi đối diện tôi, bên trái tôi là cửa sổ, bên phải là Bách Sâm.
Có vẻ Minh Thanh như rất thích nhà hàng này, khen từ bức hoạ treo trên tường cho tới âm nhạc bật trong quán.
Thậm chí bông hoa màu đỏ cắm trong lọ hoa màu trắng đặt trên mặt bàn ăn, cũng khiến ánh mắt cô ấy dừng lại rất lâu.
“Quá Nhi, bạn nói có phải không?” Cô ấy luôn hỏi ý kiến của tôi như thế.
“Có lẽ vậy.” Tôi cũng luôn trả lời như vậy.
Tôn Anh và Bách Sâm thỉnh thoảng lại chụm đầu thì thào, hình như đang bàn chuyện gì.
Minh Thanh nhìn họ rồi quay sang nhún vai với tôi, mỉm cười.
Lúc Minh Thanh đứng dậy vào nhà vệ sinh, Bách Sâm và Tôn Anh cùng đưa mắt nhìn nhau.
“Sâu Rau, lát nữa ăn cơm xong, tớ và Tôn Anh sẽ kiếm cớ chuồn.” Bách Sâm nghiêm mặt dặn dò, “Sau đó cậu phải hẹn cô ấy đi xem phim nhé.”
“Tôn Anh nói Lâm Minh Thanh không thích xem phim kinh dị và phim hành động, bọn mình đều cảm thấy có lẽ cô ấy sẽ thích Bản danh sách của Schindler. Ở đây có lịch chiếu của mấy rạp, cậu cầm mà tham khảo.”
Bách Sâm lấy ra một tờ giấy, đưa tới trước mặt tôi. Tôi ngập ngừng.
“Còn không mau lĩnh chỉ tạ ân!”
“Tạ vạn tuế.” Tôi cầm lấy tờ giấy.
“Nhưng Bản danh sách của Schindler không phải là phim hành động và phim kinh dị sao?”
“Sao lại thế được?”
“Lúc Đức quốc xã tàn sát người Do Thái sẽ có cảnh giết người, mà cảnh giết người thì quá là kinh dị còn gì.”
“Cậu đừng có chơi chữ với tôi, cứ đi xem là được rồi.” Bách Sâm nói rất nghiêm túc.
Tôi còn đang định đấu tranh một lần cuối cùng thì Minh Thanh quay lại.
“Chó mẹ, chó con, ba con. Hay lắm, đi xem.”
Lúc bọn tôi ra khỏi tiệm ăn, Tôn Anh bỗng tuôn ra đoạn này.
“Hả?” Tôi và Minh Thanh gần như là đồng thời thốt lên.
“Tôn Anh nói con chó cái nhà bạn cô ấy sinh được ba con chó con, cô ấy thấy rất hay, muốn đi xem.”
Bách Sâm trả lời ngay tắp lự.
“Sao bạn lại hiểu được?” Minh Thanh hỏi Bách Sâm.
“Mình và Tôn Anh tâm linh tương thông mà! Ha ha… ha ha… ha ha ha…”
Bách Sâm bắt đầu cười khan. Có lẽ Tôn Anh không giỏi nói dối hay diễn kịch, thái độ có phần mất tự nhiên.
Kết quả Bách Sâm cứ thế lôi Tôn Anh đi, để lại một thằng tôi thấp thỏm bất an và một Minh Thanh lòng đầy nghi hoặc.
Thực ra qua vài lần tiếp xúc, tôi và Minh Thanh tuy chưa thể coi là thân thiết, nhưng tuyệt đối không đến mức xa lạ.
Lúc ở một mình với Minh Thanh, tôi sẽ hết sức thoải mái và vui vẻ.
Tôi đã nói rồi, đối với tôi, Minh Thanh giống như Mặt Trời ấm áp, luôn luôn là như vậy.
Nhưng lúc trước khi ở bên cô ấy, chỉ đơn thuần là ở bên mà thôi, không có mong muốn khác nên tất sẽ chính trực.
Nhưng bây giờ tôi lại buộc phải mở miệng mời cô ấy đi xem phim, điều này không khỏi khiến tôi chột dạ.
Dù gì thì nếu xét từ góc độ một người bình thường, hẹn hò kiểu này đã hàm chứa ý nghĩa theo đuổi.
Đối với rất nhiều thằng con trai mà nói, mở mồm ra hẹn con gái phải cần tới dũng khí rất lớn.
Hơn nữa về mặt tâm lý, sẽ thấy sợ hãi ở một mức độ nào đó.
Không phải là sợ “mở miệng hẹn hò”, mà là sợ “bị từ chối.”
Đài Loan có câu: Mình đồng da sắt cũng không chịu nổi ba ngày Tào Tháo đuổi.
Nếu đổi thành: Chàng trai kiên cường đến mấy cũng không chịu nổi ba lần bị con gái từ chối, thì cũng tương đương nhau.
Đau khổ ở chỗ, đối với tôi mà nói, riêng việc “mở miệng” đã đủ khó khăn rồi.
Muốn tôi mở miệng, có lẽ cũng khó khăn như việc muốn tôi nhảy từ tầng năm xuống đất.
Còn về có bị từ chối hay không, chỉ là sự khác biệt giữa việc nhảy lầu xong sẽ chết hay trọng thương mà thôi.
Còn có một câu hỏi quan trọng nữa: Tôi có thật sự muốn theo đuổi Minh Thanh không?
Tôi của lúc đó, không hề có bất kỳ sự chuẩn bị tâm lý nào đối với việc “theo đuổi Minh Thanh” này.
Nếu không phải do Tôn Anh và Bách Sâm thông đồng hãm hại, tôi căn bản chưa từng nghĩ tới việc hẹn Minh Thanh đi xem phim.
Đề nghị chú ý, việc tôi phủ nhận là “theo đuổi Minh Thanh”, chứ không phải là cô gái mang tên “Minh Thanh”.
Ví dụ nếu nói Minh Thanh là một viên kim cương cực kỳ đẹp đẽ lấp lánh chói mắt, tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì.
Nhưng dù viên kim cương này có lấp lánh đến đâu, dù tôi có thích đến đâu, không có nghĩa là tôi nhất định phải mua nó.
Còn về việc không mua được hay là không muốn mua, thì lại là một vấn đề khác.
“Quá Nhi, bạn đang nghĩ gì thế?” Minh Thanh bỗng hỏi tôi.
“Không… không có gì.” Viên kim cương đột nhiên lên tiếng, khiến tôi giật nảy mình.
“Thật không? Không được lừa mình đâu đấy.”
“Ừ. Bạn… chiều nay bạn có bận gì không?”
“Không. Sao tự nhiên bạn lại ăn nói lắp bắp như thế?”
“Trời lạnh quá đấy mà.”
“Thế thì bọn mình đừng đứng yên ở đây nữa, đi loanh quanh thôi.”
Bọn tôi đi dạo xung quanh nhà hàng một lúc, đại khái là ngang qua ba mươi mấy cửa hàng, hai con ngõ nhỏ.
Lúc đi đường, Minh Thanh đút hai tay vào túi áo khoác, dáng vẻ rất ung dung.
Nhưng nhịp tim tôi đập, lại gần như có thể so với tốc độ của các tay trống nhạc rock Mỹ.
Thỉnh thoảng Minh Thanh sẽ dừng lại, ngắm nghía những thứ xinh xinh bày trong các cửa hàng, cầm lên nghịch một lúc rồi lại đặt xuống.
“Quá Nhi, xinh không này?” Cô ấy thường đưa những thứ đang cầm trong tay lên trước mắt tôi.
“Ừ.” Tôi cầm lấy, ngắm nghía rồi gật đầu.
Sau mấy lần gật đầu, tôi phát hiện ra lá gan lạnh lẽo của tôi đã dần dần ấm lại.
“Cô Cô, Quá Nhi, hai người. Rạp phim, đi xem.” Cuối cùng tôi đã lấy hết can đảm nhảy từ tầng năm xuống.
Hình như Minh Thanh giật mình, sau đó thì bật cười.
“Quá Nhi, không được xấu thế nhé. Sao lại bắt chước cách nói của Tôn Anh.”
“Mình…” Khó khăn lắm tôi mới mở được miệng, không ngờ cô ấy lại không hiểu.
Đang lưỡng lự có nên nhắc lại một lần nữa không, thì Minh Thanh đang đi phía trước bỗng dừng chân, quay người lại.
“Quá Nhi. Bạn đang rủ mình đi xem phim đấy à?” Cô ấy vẫn còn đang cười.
“A… coi như là vậy.”
Tiếng cười của Minh Thanh tạm ngừng, cô ấy lúc lắc mái tóc, vuốt lại nếp váy, khóe miệng khẽ cong lên.
“Quá Nhi, đề nghị bạn nói lại câu muốn rủ mình đi xem phim một cách hoàn chỉnh và rõ ràng. Có được không?”
“Thế nào là hoàn chỉnh và rõ ràng?”
“Quá Nhi.” Minh Thanh nhìn thẳng vào tôi, “Bạn nói đi, có được không?”
Giọng Minh Thanh tuy rắn rỏi, nhưng ánh mắt lại hết sức thành khẩn.
Tới giờ tôi vẫn nhớ được sự ấm áp trong ánh mắt ấy.
“Mình muốn mời bạn đi xem phim, có được không?” Như bị ánh mắt cô ấy làm cho xao động, tôi bất giác buột mồm nói.
“Được.”
Khung hình dừng lại.
Ánh đèn rọi thẳng lên người Minh Thanh.
Đôi mắt cô ấy toả sáng, ánh sáng bao trùm lên người tôi.
Người đi đường vẫn tiếp tục đi với tốc độ cũ, xe cộ trên đường cũng thế, nhưng không thể bấm còi.
Tấm biển “Trà sữa trân châu 15 tệ” treo trên quầy hồng trà sủi bọt ven đường, vẫn đung đưa trong gió.
“Chỉ đơn giản thế thôi?”
Tôi không ngờ câu hỏi đã day dứt trong tim bấy lâu, lại có thể giải quyết một cách đơn giản như thế.
“Thì vốn có gì phức tạp đâu. Bạn rủ mình đi xem phim, mình đồng ý, chỉ thế thôi.”
Nghe giọng Minh Thanh cứ như đang giải một bài toán dễ ẹc vậy.
“Ờ.”
Tôi vẫn có chút không dám tin.
“Quá Nhi. Đôi lúc bạn thường suy nghĩ linh tinh, trong lòng tự nhiên sẽ phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm không đáng.”
Minh Thanh cười cười, “Chúng ta đi xem phim thôi.”
Nhân lúc Minh Thanh đi mua hai cốc trà sữa trân châu, tôi lén lút nhòm cái phao mà Bách Sâm vứt cho tôi.
Tính toán thời gian một lúc, quyết định xem suất chiếu lúc 2 giờ 40.
Bách Sâm và Tôn Anh nói không sai, Minh Thanh quả thật rất thích Bản danh sách của Schindler.
Bởi vì khi tôi đề nghị đi xem Bản danh sách của Schindler, cô ấy liền vỗ tay khen hay.
Xem phim xong, cô ấy vẫn không ngừng thảo luận với tôi về tình tiết và diễn viên trong phim, dáng vẻ rất hưng phấn.
Tôi hơi lơ đãng, bởi vì tôi không biết tiếp theo sẽ làm gì?
Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ hẹn Minh Thanh đi xem phim, còn sau đó?
“Quá Nhi, mình tới Trung tâm Văn hoá chơi đi?”
“Hả?”
“Bạn bận à?”
“Không.”
“Thế thì còn hả gì nữa, đi thôi.”
Vấn đề lại được giải quyết gọn gàng.
Trung tâm Văn hoá có triển lãm tranh, tranh màu nước và tranh sơn dầu.
Tôi theo Minh Thanh đi xem, thỉnh thoảng cô ấy sẽ nói với tôi bức tranh nào là thế nào ra làm sao.
“Quá Nhi, bạn đoán bức tranh này tên là gì?”
Minh Thanh lấy tay che tấm biển tên viết trên bức tranh, quay sang hỏi tôi.
Trong bức tranh có một cô gái trẻ khoả thân, bên cạnh là một con hổ, hai mắt con hổ trợn tròn, thần thái dữ tợn.
Mái tóc dài tới eo của cô gái che khuất nửa mặt phải, vẻ mặt bình thản, còn dùng tay vuốt ve đầu con hổ.
“Điếc không sợ súng?” Tôi đoán.
Minh Thanh lắc đầu cười.
“Sống chung với hổ?”
“Đoán lại đi.”
“Yêu hổ không phải là lỗi của ta?”
“Đoán tiếp.”
“Thiếu nữ không biết hổ nguy hiểm, xoa đầu con hổ xoã tóc che.”
“Quá Nhi! Bạn cứ thích nghĩ linh ta linh tinh.”
Minh Thanh bỏ tay ra, tôi nhìn tấm thẻ tên, thì ra bức tranh này tên là Người đẹp và hổ.
“Quá Nhi, có nhiều việc thật ra rất đơn giản, chỉ có điều bạn cứ phức tạp hoá chúng lên.”
“Nếu bức tranh này tên là Điếc không sợ súng thì cũng rất đơn giản mà.”
“Điều đó chứng tỏ bạn cho rằng con hổ này rất dữ tợn, cô gái không nên động vào. Có thể thấy tư tưởng vẫn đã thay đổi.”
“Vậy tại sao cô ấy lại không mặc quần áo?”
“Cơ thể người ta đẹp không được sao? Nhất định phải có lý do phức tạp à?”
Hai tay Minh Thanh khẽ chống nạnh, cười ranh mãnh, sau đó nói:
“Cũng giống như bây giờ mình đói rồi, có lẽ bạn cũng đói rồi, cho nên chúng ta đơn thuần là nên đi ăn cơm tối thôi.”
“Đơn thuần?”
“Đương nhiên là đơn thuần. Ăn cơm thì có gì mà phức tạp?”
Chúng tôi lại tới quán ăn buổi trưa để ăn, vì Minh Thanh đề nghị thế.
“Quá Nhi. Lúc về nhớ nói với Lý Bách Sâm, như thế này mới gọi là một ngày đến hai lần liền.”
“Bạn hoành tráng thật.”
“Như thế gọi là đơn thuần. Đơn thuần là muốn sửa lại kỷ lục của các bạn mà thôi.”
“Tại sao bạn vẫn muốn ngồi ở chỗ cũ?”
“Cũng vẫn là đơn thuần. Nếu đã là đơn thuần, thì cứ đơn thuần đến cùng đi.”
“Thế bạn có muốn gọi những món giống buổi trưa hay không?”
“Thế thì không gọi là đơn thuần, mà là cố chấp rồi.” Minh Thanh cười rạng rỡ.
Có lẽ do chịu ảnh hưởng từ Minh Thanh, cho nên sau này khi ở bên Minh Thanh, trong bất kỳ trường hợp nào, tôi đều sẽ liên tưởng tới sự đơn thuần.
Đơn thuần tới mức không cần phải nghĩ tới vấn đề khó xử như tôi là con trai mà cô ấy là con gái.
Mặc dù tôi biết sau này, giữa bọn tôi không hề đơn thuần, nhưng tôi luôn cố tình duy trì suy nghĩ đơn thuần.
Minh Thanh, những gì bạn đã dành cho mình, từ trước tới nay luôn đơn thuần.
Dẫu cho tôi cảm thấy sự đơn thuần này, gần như là cố chấp.
Có rất nhiều thứ tôi không nhớ nổi, nhưng cũng có rất nhiều thứ lại không thể nào quên đi.
Cũng giống như buổi tối ăn cơm cùng Minh Thanh ấy, tôi nhớ Minh Thanh đã nói rất nhiều chuyện, tôi cũng nói rất nhiều.
Nhưng nội dung là gì, tôi lại không nhớ rõ.
Cùng với động tác che miệng khi cười của Minh Thanh, hoặc là vẻ vung tay để nhấn mạnh của cô ấy, chiếc vòng tay màu bạc trên tay phải cô ấy không ngừng đung đưa trước mặt tôi.
Trong những đêm khó ngủ, tôi thường nằm mơ thấy ánh sáng màu bạc này.
Tôi và Minh Thanh dường như chỉ muốn đơn thuần nói rất nhiều chuyện, cũng chỉ đơn thuần muốn nghe người kia nói rất nhiều chuyện mà thôi.
Đơn thuần tới mức quên cả giờ đóng cổng của ký túc Thắng Cửu.
“Á!” Minh Thanh nhìn đồng hồ, thảng thốt kêu lên, “Toi rồi!”
“Đúng vậy. Đi mau.” Tôi cũng nhìn đồng hồ, chỉ còn năm phút nữa là đến giờ đóng cổng ký túc Thắng Cửu.
Vội vàng thanh toán, tôi trèo lên xe máy, Minh Thanh ngồi đằng sau, vỗ nhẹ lên vai phải của tôi:
“Mau!”
“Cô Cô, bạn quên không nói từ “làm ơn” rồi.”
“Quá Nhi!” Minh Thanh cuống cả lên, một lần nữa vỗ lên vai phải của tôi, “Đừng bày trò nữa.”
“Nếu không thì nói cảm ơn cũng được.”
“Quá Nhi!” Minh Thanh vỗ vai tôi lần thứ ba, rất mạnh.
Tôi cười, tăng hết tốc lực, trong vòng ba phút đã phi đến trước cổng Thắng Cửu.
“Đợi một lát!” Khi tiếng chuông gọi hồn vừa dứt, Minh Thanh nghiêng người lách vội qua cánh cổng sắp khép lại.
“Phù…” Cô ấy thở hổn hển, hai tay nắm chặt song sắt cửa, nở một nụ cười, “Nguy hiểm quá.”
“Bây giờ bạn đã có thể nói cảm ơn được chưa?”
“Bạn còn nói nữa.” Cô ấy lườm tôi, “Vừa rồi chắc chắn là bạn cố tình.”
“Mình chỉ tò mò muốn biết, nếu bạn không về kịp giờ đóng cửa ký túc thì sẽ thế nào thôi.”
“Sẽ rất thảm đấy! Ngốc ạ.”
Đợi nhịp thở của Minh Thanh trở lại bình thường, tôi vẫy tay với cô ấy, “Ngủ ngon nhé.”
“Quá Nhi, vai bạn có đau không?”
“Vai thì vẫn ổn, nhưng bạn mãi chẳng chịu nói cảm ơn mình, mình đau lòng lắm.”
“Quá Nhi, cảm ơn bạn đã ở bên mình cả ngày. Hôm nay mình rất vui.”
“Mình nói đùa thôi. Chắc bạn mệt lắm rồi, tối nay đi ngủ sớm một chút nhé.”
“Ừ.”
Tôi quay người đi về, mới đi được hai bước.
“Quá Nhi.”
Tôi dừng bước, ngoảnh lại.
“Lúc về bạn đi xe chậm thôi, vừa rồi bạn phóng nhanh quá, mình rất lo.”
Tôi gật đầu. Sau đó lại quay người lại định đi về.
“Quá Nhi.”
Tôi lại ngoảnh lại nhìn Minh Thanh.
“Mình nói hôm nay mình rất vui là nói thật đấy, không phải là khách sáo đây.”
“Mình biết.” Tôi gật đầu cười. Lần thứ ba quay người ra về.
“Quá Nhi.”
“Cô Cô. Bạn nói hết một lần luôn đi. Mình quay đi quay lại sái cả cổ rồi.”
“Không có gì hết.” Hình như Minh Thanh rất ngại, “Chỉ muốn bạn cũng đi ngủ sớm một chút mà thôi.”
“Ừ.” Tôi dứt khoát đi thẳng tới trước cánh cửa sắt nhìn Minh Thanh.
Chỉ là đơn thuần nhìn nhau, không nói gì.
Mắt Minh Thanh rất đẹp, đặc biệt là trong ánh đèn mờ ảo, trông càng thêm phần thi vị.
Chợt nhớ tới trước đây toàn cùng với Bách Sâm tới chỗ này xem kịch, không ngờ bây giờ tôi cũng trở thành nam chính rồi.
Cảm thấy mất tự nhiên, tôi ngượng nghịu mỉm cười.
“Quá Nhi, bạn cười gì thế?”
“Không có gì. Chỉ cảm thấy cái trò phạt đứng thế này rất hay ho. Bạn lên lầu trước đi, mình đợi bạn lên xong rồi mới về.”
“Ừ.” Minh Thanh buông bàn tay ra khỏi song cửa, sau đó đút tay vào túi áo khoác.
“Đừng đút hai tay vào túi áo nữa, đó là thói quen xấu.”
“Ừ.” Minh Thanh rút tay ra khỏi túi áo, “Mình đi đây.”
Đi được mấy bước, Minh Thanh ngoái đầu lại:
“Quá Nhi. Mình nhận lời đi xem phim với bạn, chẳng lẽ bạn không nên nói cảm ơn mình à?”
“Cảm ơn… cảm ơn… cảm ơn… Mình rất rộng rãi, cảm ơn miễn phí thêm hai lần liền.”
“Quá Nhi, nghiêm túc đi.” Vẻ mặt Minh Thanh rất nghiêm túc.
“Tại sao?”
“Bởi vì đây là lần đầu tiên mình đi xem phim với con trai đấy.” Minh Thanh vẫy tay, “Ngủ ngon.”
Tôi sững người lại, lúc tỉnh lại thì bóng dáng Minh Thanh đã mất hút nơi góc tường.
Minh Thanh, có rất nhiều lời mình không kịp nói ra, cũng không biết làm thế nào để nói ra.
Cho nên bạn sẽ mãi không biết được, đó cũng là lần đầu tiên mình mời một cô gái đi xem phim.
Cái mình nợ bạn, không chỉ là một lời cảm ơn chân thành.
Mà còn có rất nhiều câu xin lỗi.
Sau lần tụ tập đêm Giáng sinh hôm đó, Minh Thanh và Tôn Anh thường hay đến chỗ bọn tôi.
Nhất là vào tầm tám giờ tối, họ thường đến xem ti vi với chị Tú Chi.
Tôi và Bách Sâm thì toàn thích vừa xem ti vi vừa chửi biên kịch là thiểu năng biến thái.
Thảo nào người ta đều bảo trong phạm vi mười dặm quanh đài truyền hình, tuyệt đối không tìm được nửa con chó nào.
Bởi vì chó đều bị giết sạch, máu chó dùng để tưới cho phim truyền hình.
Có lúc không chịu nổi cảnh hai thằng tôi vừa khạc máu cạnh ti vi, lại còn chiếm ngôi chủ nhà, bọn họ liền đuổi bọn tôi về phòng.
Nếu mấy cô ấy ở lại muộn, chúng tôi sẽ cùng nhau đi ăn khuya, rồi đưa họ về ký túc.
Có lần chưa đến 6 giờ hai cô nàng đã chạy tới, lại còn xách theo một đống đồ.
Thì ra chị Tú Chi hẹn họ tới nấu ăn.
Nhìn dáng vẻ hồ hởi của hai cô nàng, tôi biết ngay là bữa tối hôm nay sẽ rất thê thảm.
Mẹ tôi từng bảo, nấu ăn trong bếp rất vất vả, vì thế sẽ chẳng có ai cười được ở trong bếp.
Chỉ có hai loại người là ngoại lệ, một là lần đầu tiên nấu cơm;
Hai là bởi vì mặt bị dầu mỡ bám cho nhăn nhúm, đến mức nhìn trông như đang cười.
Tôi đoán mấy cô nàng này là loại một.
Ba người họ loay hoay rõ lâu, bày ra một bàn đồ ăn.
Nhìn bảy món ăn bày trên bàn, tôi rất băn khoăn đó là những món gì.
Tôi chỉ biết, màu xanh là rau, màu vàng là cá, màu đỏ là thịt, màu trắng là canh.
Vậy, còn màu đen?
Sáu người bọn tôi quây quần quanh bàn cùng ăn cơm.
“Món này đúng là khó…” Anh Tử Nghiêu vừa mở miệng, Bách Sâm đã vội vàng cướp lời:
“Đúng là khó tưởng tượng nổi lại ngon đến thế.”
Chị Tú Chi lườm Bách Sâm, “Để anh ta nói hết xem nào, chị không tin anh ta dám chê canh không ngon.”
Minh Thanh cầm thìa lên, uống một ngụm, khẽ chau mày lại:
“Tôn Anh, cậu cho muối chưa?”
“Mang máng, hình như, có vẻ, đã từng, cho rồi.” Tôn Anh trầm ngâm.
Tôi âm thầm giấu thìa canh đi, tối nay quyết định không ăn canh.
“Quá Nhi, sao bạn chỉ ăn có một món thế?” Ngồi cạnh tôi, Minh Thanh quay sang hỏi.
“Thằng này giống Vương An Thạch, lúc ăn cơm chỉ ăn món ngay trước mặt.” Bách Sâm đáp.
“Như thế không được đâu.” Minh Thanh đổi món ăn màu xanh trước mặt tôi thành một món màu vàng.
“Quá Nhi, ăn đi.” Minh Thanh cười cười, “Món này mình nấu đấy.”
Cái món màu vàng này trông sền sệt, cứ như không phải nấu bằng gas mà dùng axit clohydric hoà tan vậy.
Tôi ăn một miếng, vị rất kỳ quặc, không phân biệt được là món gì.
“Ừm… món cá này xào cũng được lắm.” Màu vàng, chắc là cá rồi.
“Hả?” Minh Thanh sửng sốt, “Đó là thịt gà chứ!”
“Thật thế à? Bạn lại có thể nấu món thịt gà bình thường thành một món cao lương mỹ vị đậm đà vị cá thế này,” Tôi gật đầu tỏ ý khen ngợi, “Không đơn giản, bạn có năng khiếu. Bạn nhất định là một đầu bếp trời sinh.”
Liếc nhìn ánh mắt hoài nghi của cô ấy, tôi vỗ vai Minh Thanh:
“Tin mình đi, mình đã bị món ăn này làm cho cảm động rồi.”
“Quá Nhi, bạn nói dối.”
“Mình nói thật đấy, không tin bạn hỏi Bách Sâm ấy.” Tôi dùng ánh mắt cầu cứu Bách Sâm.
Bách Sâm cũng ăn một miếng, “Sâu Rau nói cấm có sai, đây có lẽ là một con gà đã từng ăn cá?”
Nhìn ánh mắt thất vọng của Minh Thanh, tôi rất không đành lòng, vì thế cúi đầu cắm cúi ăn món cá màu vàng này.
Nhầm, là món gà màu vàng mới đúng.
“Quá Nhi, đừng ăn nữa.”
“Gà ngon thế này, sao lại có thể không ăn?”
“Thật không?”
“Nếu mình nói là mình lừa bạn, bạn có đánh mình không?”
Có lẽ tôi và Minh Thanh đều nhớ tới cuộc nói chuyện hôm lửa trại, vì thế nhìn nhau cười.
“Ngon thật không?” Minh Thanh dường như rất không yên tâm, lại hỏi thêm một lần nữa.
“Ừ. Thức ăn giống như người, quan trọng là ngon, chứ không phải là hình thức.”
Tôi ăn xong món này, Minh Thanh múc một bát canh, vào bếp cho thêm một chút muối, bê ra trước mặt tôi.
Ăn cơm xong, tôi và Minh Thanh lên sân thượng tán gẫu.
“Quá Nhi, bụng bạn không sao chứ?”
“Mình có biệt danh là ruột đồng bao tử sắt, không sao đâu.”
“Quá Nhi, xin lỗi. Lần sau mình sẽ tiến bộ.”
“Lần đầu tiên bạn vào bếp, đương nhiên không thể hoàn hảo được. Hơn nữa thực sự là rất ngon mà.”
“Ừ.”
Thấy Minh Thanh có vẻ ủ rũ, tôi bèn kể chuyện hồi nhỏ cho cô ấy nghe.
Trước lúc đi ngủ mẹ tôi luôn cho một chút canh thừa từ bữa tối vào nồi, sau đó đặt lên trên bếp.
Vung nồi không đậy khít mà để he hé, cho gián có thể bò vào trong.
Sáng hôm sau, việc đầu tiên khi vào bếp là đậy vung nồi lại, bật bếp lên.
Thế là sẽ nghe thấy một tràng tiếng nổ lép bép, tiếp đó là một mùi thơm nồng nồng, còn tôi vừa hít hà vừa nhảy múa.
Mẹ bảo canh không được để quá nhiều hoặc quá ít, ít quá thì gián sẽ dính nồi, nhiều quá thì sẽ không nổ lép bép được, cũng sẽ không có mùi thơm.
“Như thế gọi là nhiều quá hoá dở. Con có hiểu không?” Vẻ mặt mẹ rất nghiêm túc.
Ngoài ra mẹ cũng nói, tuyệt chiêu nướng gián này, gọi là “dụ địch vào hang”.
Mẹ tôi luôn dùng cách này để dạy thành ngữ cho tôi, cứ như là mẹ của Mạnh Tử với Âu Dương Tu ấy.
“Mùi gián nướng thật sự rất thơm.”
“Ha ha…” Minh Thanh cười không khép mồm lại được.
“Vì thế trước khi nấu món gì, có thể cho thêm vài con gián vào cho thơm.”
“Quá Nhi, đừng trêu mình nữa.” Minh Thanh cười đến nghẹt thở.
“Trời hơi lạnh rồi, bọn mình xuống dưới đi.”
“Ừ.”
“Không được nghĩ linh tinh nữa, biết chưa?”
“Ừ.”
Sau này mấy cô gái lại nấu thêm mấy lần nữa, càng ngày càng thành công.
Bởi vì những chỗ màu đen trong các món ăn càng ngày càng ít đi.
Tôn Anh không còn quên không bỏ muối, lúc chặt sườn chị Tú Chi cũng đã biết có thể thay bằng dao phay, chứ không còn mắm môi mắm lợi ghè miếng sườn vào tường nữa.
Đồ do Minh Thanh nấu, tôi cũng đã có thể phân biệt được là cá hay là gà.
Ngày tháng như một đứa trẻ lẻn ra ngoài rong chơi, cứ âm thầm lẳng lặng trôi.
Quần áo mặc trên người Minh Thanh càng lúc càng ít, da thịt lộ ra càng ngày càng nhiều, tôi biết mùa hạ đang tới.
Khi học kỳ hai năm thứ ba sắp kết thúc, chị Tú Chi thi đỗ vào Viện nghiên cứu Trung văn Đại học Thành Công.
Chị Tú Chi mở tiệc suốt ba ngày, mời chúng tôi hát hò ăn nhậu xem phim đủ cả.
Điều khiến tôi ngạc nhiên là, anh Tử Nghiêu lại còn tặng chị ấy một món quà.
Đó là một cái chậu gốm hình vuông màu trắng, to bằng cái chậu rửa mặt, bên trong đựng rất nhiều viên đá.
Trên chậu viết: Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi. Chính là đại ái. Nét chữ của anh Tử Nghiêu.
Góc trái bày một viên đá hình bầu dục màu trắng sữa, trơn bóng, sáng loáng. Anh Tử Nghiêu viết:
Gặp được chính mình nơi Minh Kính đài.
Bên trái sừng sững ba viên đá nhọn màu đen, một to hai nhỏ, xếp thành hình ngọn núi. Bên trên viết:
Tử trúc lâm ngoại sơn thuỷ tú.
Bên trong chậu cắm tám viên đá hình trụ dài và mảnh, màu xanh lá thẫm điểm chút ánh tím.
Đó đương nhiên là tượng trưng cho rừng trúc tía.
Đặc biệt nhất là, bên trong rừng trúc tía có một viên đá trông rất giống bàn tay của Quan Âm Bồ Tát đang cầm cành dương liễu.
Tôi nhớ lúc anh Tử Nghiêu cẩn thận bê cái chậu gốm này đưa cho chị Tú Chi, vẻ mặt vô cùng ngượng nghịu.
Chị Tú Chi rất vui, cứ nói mãi: “Đúng là một tác phẩm nghệ thuật thật đẹp!”
Tôi đã từng hỏi anh Tử Nghiêu, thứ đồ đó có ý nghĩa gì đặc biệt không?
“Phật dạy bất khả thuyết, không thể nói đâu.” Anh Tử Nghiêu đã trả lời như vậy.
Vài năm sau, khi anh Tử Nghiêu rời Đài Nam, tôi mới giải được câu đố này.
Sau khi lên năm thứ tư, tôi bắt đầu nghiêm túc chuẩn bị cho việc thi vào viện nghiên cứu, thời gian học hành trở nên nhiều hơn.
Minh Thanh và Tôn Anh cũng vậy.
Chỉ có điều bọn Minh Thanh quen đến thư viện để học, còn tôi và Bách Sâm thì quen học ở nhà.
Anh Tử Nghiêu cũng muốn thi vào viện nghiên cứu, vì thế rất ít khi ra khỏi nhà, những cuốn sách không phải sách chuyên ngành trong ba lô cũng ít hẳn đi.
Nhưng cứ cách một thời gian, sáu người chúng tôi lại cùng nhau ăn cơm.
Đến sinh nhật của ai cũng sẽ rủ nhau đi hát.
Đối với việc thi vào viện nghiên cứu, thật lòng mà nói, tôi không chắc chắn lắm.
Hơn nữa tôi luôn cảm thấy tôi không may mắn trong thi cử.
Hồi thi tốt nghiệp cấp ba suýt nữa ngủ quên, lúc đi taxi tới địa điểm thi, xe còn chết máy.
Lúc thi đại học vào nhầm phòng thi, đến cả ghế ngồi cũng bị hỏng, khiến mông tôi phải hôn đất.
Không được nói là ngã chổng vó, phải nói là hôn đất. Thầy giáo đã dặn đi dặn lại như thế.
Lúc thi vật lý cuối học kỳ một năm thứ nhất đại học, đồng hồ báo thức hết pin, ngủ quên quá cả giờ thi.
Thấy bộ dạng tôi tội nghiệp quá, thầy Vật lý cho tôi thi lại hai lần, nộp ba bài báo cáo, còn bắt tôi đứng trước cửa khoa Vật lý rống đủ mười lần: “Tôi có lỗi với Galileo, Newton và Faraday.”
Cuối cùng cho tôi 60 điểm, vừa đủ điểm đỗ.
Những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ này, mỗi lần nhớ tới đều tạo thành một bóng đen bao phủ lên thời đi học của tôi.
“Cút @#%$&%#$^% mày đi! Cho bố mẹ mày cút vào núi A Lý nướng chim đi!”
Có lúc bức bối quá, tôi không kìm chế được buột miệng chửi thề.
“Quá Nhi!” Minh Thanh từ đằng sau gọi giật một tiếng, tôi giật bắn mình.
Lúc học tôi cần thật nhiều không khí trong lành, vì thế không đóng cửa phòng.
“Bạn… bạn lại chửi thề cơ đấy!”
“Bạn ngạc nhiên lắm à?”
“Quá Nhi! Nghiêm túc đi. Dù thế nào cũng không thể chửi bậy được.”
“Bạn cứ thế mình sẽ giận đấy.”
“Sao bạn lại có thể chửi thề cơ chứ?”
“Nói bậy là không đúng, bạn không biết sao?”
“Bạn… bạn đúng là đáng ăn mắng. Mình rất muốn mắng bạn, thật sự rất muốn mắng bạn.”
Minh Thanh càng nói càng kích động, hơi thở cũng trở nên dồn dập.
“Cô Cô, bạn đừng giận. Bạn đã đang mắng rồi, hơn nữa mình cũng biết sai rồi.”
“Bạn biết sai thật rồi chứ?”
“Ừ.”
“Nói bậy khó nghe lắm, mọi người sẽ coi thường bạn. Biết chưa?”
“Ừ.”
“Lần sau không được tái phạm đâu nhé.”
“Ừ.”
“Nhất định phải sửa đó.”
“Ừ.”
“Nghéo tay?”
“Được.”
“Quá Nhi, tâm trạng bạn không tốt à?”
“Không có gì, chỉ là…”
Tôi kể những chuyện thi cử đã từng xảy ra cho cô ấy nghe, tiện thể than thở về vận hạn thi cử của mình.
“Ngốc ạ. Cho dù bạn có xui xẻo trong thi cử đến thế nào, thì bây giờ bạn vẫn đang thuận lợi học đại học.”
Minh Thanh cốc đầu tôi một cái, mỉm cười nói.
“Nói theo một cách khác, mỗi lần bạn đều có thể chuyển nguy thành an, ngược lại còn là cực kỳ may mắn ấy.”
Minh Thanh đưa tay phải ra, theo hướng cánh cửa đang mở toang chỉ vào phòng khách sáng trưng:
“Con người nên hướng tới tương lai tươi sáng, không nên vác theo mình bóng đen của quá khứ.”
Không tìm được chỗ ngồi, Minh Thanh đành ngồi trên góc giường tôi rồi nói tiếp:
“Nam tử hán đại trượng phu phải đội trời đạp đất, sao có thể đem sự bất cẩn của mình đổ vấy cho vận may được?”
“Chuyện gì cũng chỉ cần tự hỏi mình đã dốc toàn lực chưa, không nên đòi ông Trời phải nhón tay làm phúc quá đà, như thế mới đúng.”
“Hơn nữa càng cảm thấy mình không may mắn, thì vận xui sẽ càng nhiều hơn. Đó là tác dụng thôi miên đấy.”
“Hiểu chưa hả?”
“Cô Cô, bạn nói rất có lý, mình bị bạn làm cảm động rồi. Bạn không phiền nếu mình rơi nước mắt chứ?”
“Quá Nhi! Mình nói thật đấy. Không được cãi lại mình.”
”Ừ.”
“Quá Nhi. Đừng lo, bạn sẽ thi đỗ mà. Bạn vừa chăm chỉ vừa thông minh, thi cử không làm khó được bạn đâu.”
Giọng Minh Thanh bỗng trở nên dịu dàng lạ thường.
“Thật không?”
“Mình đã lừa bạn bao giờ chưa? Mình thật sự cảm thấy bạn vô cùng thông minh, lại rất xuất sắc nữa.”
“Thật sao? Mình cảm thấy mình rất bình thường.”
“Ngốc ạ. Mình coi bạn như giao long, bạn lại hạ mình thành giun dế.”
“Hả?”
“Quá Nhi, nghe mình nói.” Minh Thanh ngồi thẳng người dậy, chăm chú nhìn tôi:
”Mặc dù mình không giỏi nhìn người lắm, nhưng trong mắt mình, bạn là một người rất rất có năng lực.”
Cái từ “rất” này, cô ấy đặc biệt nhấn mạnh hai lần.
“Những chuyện mình chắc chắn không nhiều, nhưng mình cực kỳ chắc chắn với cảm giác về con người bạn.”
Minh Thanh nói chậm lại, mỉm cười:
“Quá Nhi, mình vẫn luôn tin tưởng bạn như vậy. Bạn tuyệt đối đừng nghi ngờ mình.”
Ánh mắt cô ấy rực sáng, rọi xuyên qua bóng mây u ám trong lòng tôi.
“Cô Cô, hôm nay bạn nói nhiều thật đấy.”
“Ngốc ạ. Mình quan tâm bạn mà.”
“Ừ. Cảm ơn bạn.”
“Quá Nhi. Sau này nếu có gì phiền muộn, chúng ta cùng lên sân thượng nói chuyện, thì sẽ không còn vấn đề gì nữa.”
“Ừ.”
“Chúng ta cùng nhau cố gắng, sau đó cùng thi đỗ vào viện nghiên cứu. Được không?”
“Được.”
Sau này chúng tôi thường lên trên sân thượng, không hẳn là vì tôi phiền muộn, mà chỉ là một thói quen.
Thói quen tìm kiếm nguồn dưỡng chất cho tâm hồn từ nơi Minh Thanh.
Minh Thanh luôn không ngừng cổ vũ và khích lệ tôi, không chút nề hà.
Đôi cánh của tôi dường như càng ngày càng cứng cáp, có thể bay cao, còn Minh Thanh sẽ là cơn gió dưới cánh tôi.
Tôi dần tin tưởng, tôi là một người thông minh ưu tú lại có tài.
Thậm chí cảm thấy đây là một sự thực hiển nhiên kiểu “Mặt Trời mọc ở đằng đông”.
Nếu đối diện với những chông gai trên con đường đời, cần có thanh kiếm của lòng tự tin, thì thanh kiếm đó, là do Minh Thanh đem tới cho tôi.
Để chấn chỉnh triệt để thói quen nói bậy của tôi, Minh Thanh nhờ Bách Sâm và anh Tử Nghiêu làm gián điệp.
Chiêu này quá hiểm, bởi vì trước mặt hai người đó, tôi vốn không giữ mồm.
Ban đầu biết tôi lại nói bậy, cô ấy sẽ dịu dàng khuyên nhủ, sau vài lần cô ấy bèn đổi phương thức.
“Quá Nhi, lên sân thượng với mình.”
Lên đến sân thượng, cô ấy bèn nói:
“Bạn nói bậy, mình không nói chuyện với bạn nữa.”
Dù tôi dụ dỗ thế nào, cô ấy cũng chỉ lặp đi lặp lại một câu này.
Cực giống nhân vật nữ chính cuối cùng bị tâm thần trong tiểu thuyết Tôi là một áng mây của Quỳnh Dao.
Bởi vì nhân vật nữ đó, bất luận là hỏi cô ta câu gì, cô ta cũng chỉ đáp: “Tôi là một áng mây.”
Nếu tâm trạng của Minh Thanh không tốt, thì đến nói cũng chẳng màng, chỉ dùng tay cốc vào đầu tôi.
Vì thế tôi bỏ được tật nói bậy.
Không phải là vì sợ Minh Thanh cốc vào đầu bị đau, mà là không nhẫn tâm nhìn ánh mắt của cô ấy khi đó.
Kỳ thi vào viện nghiên cứu cuối cùng đã tới, đó có lẽ là vào tầm giữa tháng Tư đầu tháng Năm.
Thông thường thời gian thi của mỗi trường không giống nhau, vì thế thí sinh phải đôn đáo chạy nam chạy bắc.
Thi xong Đại học Thành Công, tiếp đó là Đại học Đài Loan.
Anh Tử Nghiêu và Tôn Anh không thi vào Đại học Đài Loan, còn Bách Sâm nhà ở Đài Bắc, mấy hôm trước đã tiện đường về nhà.
Vì thế tôi và Minh Thanh hẹn với nhau, cùng đi tàu hoả tới Đài Bắc dự thi.
Buổi chiều một ngày trước ngày thi, chúng tôi ngồi chuyến tàu Tự Cường 1 giờ 30 tới Đài Bắc.
Đầu tiên tôi tới ký túc Thắng Cửu đón Minh Thanh, sau đó gửi xe ở nhà xe của trường Quang Phục thuộc Đại học Thành Công.
Rồi cùng nhau đi bộ ra ga.
Khi lên xe, vừa ổn định chỗ ngồi, Minh Thanh bỗng kêu lên:
“Chết rồi! Mình quên mang thẻ dự thi!”
“Hả? Có phải để trong cốp xe của mình không?”
Minh Thanh gật đầu, mắt ngân ngấn nước:
“Sao mình lại bất cẩn như thế chứ?”
Tôi không nghĩ ngợi nhiều, cũng chẳng thèm để ý tới việc tàu hoả đã bắt đầu lăn bánh, quay sang bảo Minh Thanh:
“Mình đi chuyến tàu sau. Bạn đứng ở ga Đài Bắc đợi mình.”
“Quá Nhi! Không được…” Minh Thanh căng thẳng.
Minh Thanh còn chưa dứt lời, tôi đã rời khỏi chỗ ngồi.
Phi ra chỗ nối giữa các toa, thầm niệm một câu Bồ Tát phù hộ, rồi nhảy xuống tàu không chút do dự.
Chỉ thấy một thanh kiếm sắt màu xám vung tới trước mắt, tôi né người sang trái theo bản năng.
Đó là cây cột sắt trên sân ga.
Chỉ tiếc thế kiếm quá nhanh, tôi tránh không kịp, vai phải bị đụng vào, tôi hét lên rồi ngã lăn xuống đất.
Trên sân ga cùng lúc vang lên tiếng kêu thét và tiếng còi, viên quản lý sân ga cũng xông tới.
Đầu tôi trống rỗng chừng mười giây, sau đó cố gắng bò dậy, đến lần thứ ba mới thành công.
Thấy tôi có vẻ chẳng có gì đáng sợ, ông ta lầm bầm trong miệng, đại ý là lũ choai choai không biết quý trọng mạng sống gì đó.
“Đại ca, em đang vội, lát nữa nghe anh chỉ bảo sau.”
Tôi chạy vội ra khỏi sân ga, lấy thẻ dự thi của Minh Thanh trong cốp xe, rồi lại chạy về sân ga.
Còn phải mua thêm một lần vé, đúng là con mẹ nó… thôi, không được phép chửi bậy.
Tôi đi chuyến tàu Tự Cường 2 giờ 23, lên tàu, ngồi xuống, thở hắt một hơi dài.
Vai phải lại cảm thấy tê rần.
Minh Thanh đứng ở ga Đài Bắc đợi tôi hơn nửa tiếng đồng hồ, từ đằng xa, tôi đã nhìn thấy cô ấy đang đứng trên sân ga nhìn ngược nhìn xuôi.
Vừa nhìn thấy tôi, nước mắt cô ấy lã chã rơi.
“Không sao.” Tôi đưa thẻ dự thi ra, sau đó vỗ lên vai cô ấy.
“Đói chưa? Đi ăn cơm trước đi.” Tôi hỏi.
Minh Thanh chẳng nói chẳng rằng, chỉ liên tục lau nước mắt.
Một lúc lâu sau, cô ấy mới nói:
“Cùng lắm là không thi vào Đại học Đài Loan nữa thôi. Sao bạn lại có thể nhảy tàu chứ?”
Hôm sau, lúc thi, vai phải cảm thấy đau nhức, lúc làm bài có phần nào lực bất tòng tâm.
Thi trong hai ngày, ngày thứ hai vai tôi đau vô cùng, lúc viết tay phải bị run.
Đành phải dùng tay trái ôm vai phải để viết bài.
Giám thị phòng thi có lẽ cảm thấy tôi thật tội nghiệp, thường lượn lờ ra chỗ tôi để quan sát.
Nếu là trước đây, tôi sẽ cảm thấy tôi lại bị rơi vào cơn ác mộng thi cử xui xẻo.
Nhờ có Minh Thanh, tôi ngược lại lại cảm thấy mới chỉ bị thương ở vai, đúng là may mắn.
Sau khi quay về Đài Nam, trước tiên là đi khám Tây y, kết quả chụp X quang cho thấy xương không bị gãy.
“Xương không gãy, ngược lại lại càng khó chữa. Chà… đúng là thà rằng ngọc vỡ, còn hơn ngói lành nhỉ.”
Vị bác sĩ này rất dí dỏm, không đơn giản, cao thủ đấy.
Sau đó đi khám Đông y, bác sĩ nói xương vai bị chấn thương, lại kéo dài mất mấy ngày, khá nghiêm trọng.
Sau đó tôi phải cầm đũa bằng tay trái mất mấy ngày, đến trứng kho cũng không gắp được.
Một buổi trưa nào đó của một tuần sau khi thi vào Đại học Đài Loan, tôi mua một hộp cơm về ăn trong phòng.
Đúng lúc đang dùng tay trái vật lộn với cá viên chiên trong hộp cơm thì nghe thấy phía sau vang lên tiếng khịt mũi rõ to.
Quay đầu lại, Minh Thanh đứng sau lưng tôi, nước mắt đầm đìa.
“Á? Bạn đến lâu chưa?”
“Được một lúc rồi.”
“Sao lại khóc?”
“Quá Nhi, xin lỗi. Tại mình hại bạn bị thương…”
“Ai nói cho bạn biết?”
“Lý Bách Sâm.”
“Không sao đâu, chỉ va chạm một chút thôi mà.” Tôi vén tay áo lên, chỉ vào dải băng quấn quanh vai phải, “Thay thêm một lần thuốc nữa là ổn thôi.”
“Quá Nhi, đều tại mình không tốt. Mình đã quá bất cẩn.”
“Đừng nói linh tinh. Tại mình không cẩn thận đấy chứ.” Tôi cười cười:
“Chẳng phải Dương Quá cũng bị chặt đứt tay phải hay sao? Mình như thế này mới giống Dương Quá chứ.”
“Quá Nhi, có đau không?”
“Không đau. Chỉ hơi tê một tí thôi.”
“Thế sao bạn lại cầm đũa bằng tay trái?”
“À… nếu mình nói mình đang học chiêu “trái phải phân tranh ” của lão ngoan đồng Chu Bá Thông, bạn có tin không?”
Minh Thanh không đáp, chỉ nhìn chằm chằm vào vai phải của tôi.
“Không sao mà, đừng lo.”
Cô ấy cốc đầu tôi một cái:
“Quá Nhi, bạn đúng là rất xấu, tại sao không nói cho mình biết?”
“Bạn giận à?”
Cô ấy lắc đầu, tay trái sờ nhẹ lên dải băng quấn trên vai phải tôi, sau đó bật khóc.
“Bạn sao vậy?”
Minh Thanh cúi đầu, nghẹn ngào nói:
“Quá Nhi, mình không đành lòng, mình không đành lòng…”
Cuối cùng Minh Thanh gục đầu vào vai trái tôi khóc nức nở, lưng không ngừng run lên.
“Cô Cô, đừng khóc nữa.” Tôi vỗ lên lưng cô ấy.
“Cô Cô, để người ta nhìn thấy sẽ tưởng là mình bắt nạt bạn đấy.”
“Cô Cô, nghỉ một lát đi. Uống chút nước đã.”
Minh Thanh căn bản không thể nào ngừng khóc được, tôi đành phải để kệ cô ấy.
Tôi không nhớ cô ấy đã khóc bao lâu, chỉ nhớ cô ấy cứ không ngừng lặp đi lặp lại câu “không đành lòng”.
Tay áo trái của tôi ướt sũng một mảng, nước mắt nóng hổi.
Sau một năm rưỡi quen với Minh Thanh, đó là lần đầu tiên tôi và Minh Thanh tiếp xúc vượt qua giới tuyến tình bạn.
Sau này mỗi lần vai phải đau, tôi sẽ nhớ tới bờ lưng run rẩy của Minh Thanh.
Vậy là vai phải sẽ giống như có một luồng điện chạy qua, tê tê nong nóng.
Tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn một chút.
Có điều dòng điện này, sau khi quen với Thuyên, đã đứt mạch.
Sau khi biết tôi phải ăn cơm bằng tay trái, Minh Thanh đút cho tôi ăn một thời gian.
Cho tới khi tôi hoàn toàn tháo băng mới thôi.
“Cô Cô, như thế này khó coi lắm.” Tôi há mồm nuốt một con tôm mà Minh Thanh dùng đũa gắp cho mình.
“Đừng nói linh tinh. Ăn mau.” Minh Thanh lại gắp một miếng cơm, đưa tới trước miệng tôi.
“Vậy thì đừng ăn trong phòng khách có được không?”
“Phòng bạn chỉ có một cái ghế, không tiện.”
“Nhưng nếu người khác nhìn thấy…”
“Tay phải của bạn không tiện, cho nên mình đút cho bạn ăn, rất đơn thuần. Không cần phải cảm thấy xấu hổ.”
“Ừ.”
Có kết quả thi, tôi và anh Tử Nghiêu chỉ thi đỗ vào viện nghiên cứu của Đại học Đài Loan.
Hết sức xin lỗi, ở đây tôi dùng từ “chỉ”.
Không có ý tỏ vẻ gì, đơn thuần là vì để phân biệt với tên Bách Sâm cùng lúc đỗ cả hai trường Đài Loan và Giao Thông mà thôi.
Bách Sâm chọn Đại học Đài Loan, Minh Thanh cũng vào viện nghiên cứu Trung văn của Đại học Đài Loan.
Nhưng Tôn Anh thì trượt vỏ chuối tất.
Tôn Anh quyết định sau khi tốt nghiệp đại học sẽ làm việc tại toà soạn báo ở Đài Nam.
Lễ tốt nghiệp, tôi gặp Tôn Anh đang chụp ảnh với mọi người bên bờ hồ Thành Công
Tôn Anh kéo tôi vào cùng chụp ảnh, chụp xong cô ấy nói:
“Minh Thanh, rất tốt. Anh cũng, rất được. Duyên phận, khó cầu. Phải biết, trân trọng.”
Cuối cùng tôi cũng biết được từ “trân trọng” mà Tôn Anh từng nói có ý nghĩa gì.
Khi đó có lẽ cô ấy cũng nói với Minh Thanh như vậy.
Tôn Anh nói đúng, người con gái như Minh Thanh, tôi nên biết trân trọng.
Tôi cũng luôn cố gắng trân trọng.
Nếu như sau này Thuyên không xuất hiện.