Cây Tầm Gửi

CHƯƠNG 8



Em nguyện làm, hạt đậu đỏ trên cây tương tư
Xin anh hãy lay nhẹ gốc cây
Em sẽ thật cẩn thận, rơi vào tay anh, đỏ tươi.
Anh yêu ơi
Dù để em chìm lắng mười năm, khuất trong ngăn kéo
Trái tim nhung nhớ, có lẽ sẽ nhạt nhòa
Nhưng em sẽ không bao giờ cởi bỏ
Lớp áo ngoài đỏ tươi
“Đã đến ga Nhị Thủy, đã đến ga Nhị Thủy. Hành khách xuống ga xin đừng bỏ quên hành lý mang theo người.”
Tiếng loa phát thanh trên tàu hỏa, lại kéo tôi trở lại với chuyến tàu Doanh Quang Nam Hạ này.
Còn trí óc tôi, vẫn còn vương lại nụ cười, và động tác bàn tay của Thuyên, khi rời đi.
Tôi sực tỉnh, rút điếu thuốc thứ tám trong hộp ra đọc.
Ừ, những hàng chữ trên đó viết không sai, hạt đậu tương tư giữ mười năm, vẫn là màu đỏ.
Khi tôi học cấp ba, ở cổng trường có một cây tương tư, thường có hạt đậu tương tư rơi xuống.
Tôi đã từng nhặt mấy hạt.
Để tới bây giờ, đã hơn mười năm, tuy màu sắc đã thẫm hơn một chút, nhưng vẫn là màu đỏ.
Thì ra hạt đậu tương tư giống như tôi, cũng sẽ không ngừng kìm nén chính mình.
Khi trái tim nhung nhớ, cứ luôn kìm nén, đến cuối cùng phải chăng cũng sụp đổ?
Còn tôi đi trên chuyến tàu này tới Nam Hạ, phải chăng cũng là kết quả nỗi nhớ sụp đổ?
Tôi xoay khớp xương, đi ra phía cuối toa, mở cửa toa tàu.
Không phải là muốn nhảy lầu, mà chỉ muốn hóng gió một chút thôi.
Đã sắp tới Nam Đài Loan, thời tiết tuy vẫn âm u, nhưng không khí bên ngoài đã không còn lạnh lẽo.
Đây mới là mùi vị không khí mà tôi thân thuộc.
Chợt nhớ tới ví dụ mà Bách Sâm đã từng nói: “Tình yêu giống như nhặt đá cuội ven sông.”
Tuy Bách Sâm nói, trong thế giới tình yêu, vốn không có quy tắc.
Nhưng, thật sự không có quy tắc sao?
Với tôi, chuyện này nên tồn tại quy tắc đèn đỏ dừng lại đèn xanh được đi, mới không dẫn đến tình trạng giao thông hỗn loạn.
Bách Sâm lại nói, nhìn thấy hòn đá mình thích, thì nên nhặt ngay lên, sau này lúc muốn đổi thì lại đổi.
Tôi lại quên hỏi Bách Sâm, nếu xuất hiện hai hòn đá hình dáng không giống nhau nhưng trọng lượng lại giống nhau, thì phải làm thế nào?
Cùng lúc nhặt cả hai hòn đá sao?
Sự hiểu biết của nhân loại đối với tình yêu, e là cũng chẳng nhiều hơn sự hiểu biết với sao Hỏa.
Có lẽ tình yêu cũng giống như ma quỷ, bởi vì những người gặp ma luôn không thể nào miêu tả lại cụ thể dáng hình của ma quỷ.
Trước khi gặp ma, mọi người chỉ có thể tưởng tượng, vì thế trong lòng mỗi người, hình ảnh của ma quỷ đều không giống nhau.
Chỉ có sau khi gặp ma, mới biết hình dáng của ma quỷ.
Nhưng cũng chỉ có thể biết, không thể nào tả lại với người khác.
Người khác cũng chưa chắc đã hiểu.
Nhìn những hàng cây lướt qua ngoài khung cửa, tôi thở dài.
So sánh tình yêu với ma quỷ, chả trách mọi người đều nói tôi là một kẻ quái dị.
Chỉ có Minh Thanh và Thuyên, từ trước tới nay chưa từng coi tôi là người kỳ quái.
“Bạn đặc biệt, chứ không kỳ quặc.”
Minh Thanh sẽ dịu dàng chăm chú nhìn tôi, nhấn mạnh giọng nói.
“Anh không kỳ quái đâu.”
Thuyên sẽ khẽ nhíu mày, sau đó lắc đầu nguầy nguậy. Hai bàn tay đặt lên mặt bàn.
Minh Thanh và Thuyên, Thuyên và Minh Thanh.
Sao tôi lại may mắn đến vậy, có thể đồng thời quen cả Minh Thanh và Thuyên.
Và sao lại bất hạnh đến vậy, lại đồng thời quen được cả Minh Thanh và Thuyên.
Khi chúng tôi còn chưa biết tình yêu là thứ gì, chúng tôi bắt buộc phải lựa chọn, chấp nhận hoặc từ chối.
Cũng giống như tình cảnh khi Minh Thanh xuất hiện.
Tôi bắt buộc phải lựa chọn chấp nhận Minh Thanh, hoặc là từ chối Minh Thanh.
Nhưng khi dường như đã biết tình yêu là thứ gì, chúng tôi đã không thể nào chấp nhận và từ chối.
Giống như tình cảnh khi Thuyên xuất hiện.
Tôi đã không thể chấp nhận Thuyên, cũng không thể nào từ chối Thuyên.
Bàn tay phải nắm cây cột sắt trong toa, siết mạnh hơn một chút.
Vai phải lại cảm thấy một cơn đau nhức.
Đành đóng cửa toa lại, ngồi lên bậc thềm cuối cùng ở cửa toa.
Người hơi ngả về phía trước, trán khẽ tựa vào cửa toa, tay đặt trên đầu gối.
Gỡ kính ra, nhắm mắt lại, hai tay day nhẹ huyệt thái dương.
Hít sâu vài lần, thử thả lỏng.
Thuyên nói không sai, hiện giờ tôi không thể nào dùng âm thanh và từ ngữ trong lời nói để biểu đạt tình cảm.
Chỉ có những động tác vô thức.
Thuyên, tuy nhờ có Tôn Anh giới thiệu, khiến em đột nhiên xuất hiện trong cuộc đời tôi.
Nhưng tôi vẫn muốn hỏi lại em: “Chúng ta thật sự gặp nhau lần đầu tiên sao?”
Hôm đó sau khi Thuyên ngồi tàu hỏa ra về, trên đường về phòng nghiên cứu, tôi vẫn không ngừng suy ngẫm vấn đề này.
Vậy là giữa đêm hôm khuya khoắt, tôi bèn đi dạo một vòng trong sân trường đại học Thành Công.
Sau khi quay về phòng nghiên cứu, chuẩn bị xay cà phê, pha cà phê.
“Pha hai cốc nhé.” Bách Sâm nói.
“Được.” Tôi lại bỏ thêm hai thìa hạt cà phê.
Pha cà phê xong, tôi ngồi vào ghế, Bách Sâm ngồi trên bàn làm việc của tôi, chúng tôi vừa uống cà phê vừa nói chuyện.
“Sao hôm nay cậu ra ngoài lâu thế? Tớ cứ đợi cậu về ăn tối mãi.” Bách Sâm hỏi.
“Ủa? Xin lỗi.” Chợt nhớ ra, tôi và Thuyên đều chưa ăn cơm tối.
Nhưng, hiện giờ tôi không hề có cảm giác đói.
“Sao vậy? Bạn của Tôn Anh muốn cậu viết bài gì?”
“Không cần viết nữa. Cô ấy biết tớ rất bận.”
“Vậy sao hai người nói chuyện lâu thế?”
“Đúng vậy. Sao lại thế nhỉ?”
Tôi trộn cà phê, lòng đầy nghi hoặc.
Điện thoại chợt reo.
Tôi bật dậy như phản xạ, chạy tới bên điện thoại, nhấc ống nghe.
Quả nhiên là Thuyên gọi.
“Tôi về nhà rồi.”
“Tốt lắm. Mệt không?”
“Không mệt đâu.”
“Vậy… muộn lắm rồi, cô có phải đi ngủ không?”
“Tôi vẫn chưa muốn ngủ. Tôi thường viết bài giữa đêm khuya.”
“Ồ.”
Sau đó chúng tôi im lặng một lúc, tiếng thở của Thuyên rất nhẹ.
“Sau này còn có thể nói chuyện với anh nữa không?”
“Dĩ nhiên là được.”
“Hôm nay tôi nói rất nhiều điều kỳ quặc, anh có giận không?”
“Không đâu. Hơn nữa những điều cô nói rất có lý, không hề kỳ quặc.”
“Ừ. Vậy tôi chúc anh ngủ ngon trước đây, có lẽ anh phải làm việc rồi.”
“Chúc ngủ ngon.”
“Chúng ta có còn gặp lại không?”
“Chắc chắn là có.”
“Ngủ ngon.” Thuyên bật cười.
Gác điện thoại, tôi thở hắt ra một hơi, bụng cũng bắt đầu cảm thấy đói.
Vậy nên tôi và Bách Sâm ra khỏi phòng nghiên cứu, đi ăn đêm.
Lúc ăn tâm hồn tôi hơi treo ngược cành cây, thường là Bách Sâm hỏi một đằng, tôi lại đáp một nẻo.
“Sâu Rau, chắc cậu mệt quá rồi. Về nhà ngủ một giấc đi.”
Bách Sâm vỗ vai tôi.
Tôi đi xe về nhà, tắm rửa, nằm lên giường, chẳng bao lâu sau liền ngủ thiếp đi.
Những ngày tháng này, không cho phép tôi nghĩ ngợi vẩn vơ.
Bởi vì chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa, là tới ngày nộp bản sơ thảo luận văn.
Những môn cần học đều đã học xong, không còn áp lực lên lớp, chỉ còn lại việc viết luận văn.
Mỗi sáng khoảng 11 giờ tôi ra khỏi nhà, mua một hộp cơm trên đường, tới phòng nghiên cứu ăn.
Bữa tối lúc thì ăn với Bách Sâm, lúc lại ăn đại gì đó trên đường về nhà.
Ăn tối xong, tắm rửa, thỉnh thoảng xem thi đấu bóng chày trên ti vi, sau đó lại tới phòng nghiên cứu.
Cho tới tận bốn giờ sáng, mới về nhà ngủ.
Để hoàn thành luận văn, tôi cần phải viết chương trình trị số.
Tôi dùng ngôn ngữ của chương trình, để khống chế chương trình.
Tôi khống chế luồng chảy của chương trình, những suy nghĩ quay quanh chương trình, yêu cầu chúng nghe theo mệnh lệnh của tôi, không ngừng lặp đi lặp lại.
Có lần tôi bỗng chợt nghĩ, phải chăng tôi cũng chỉ là một chương trình do Thượng Đế tạo ra?
Những phản ứng mà tôi có được khi đối diện với kích thích, phải chăng cũng đều nằm trong dự liệu của Thượng Đế?
Vì thế tôi hoàn toàn không phải là thứ được gọi là “ý chí tự chủ”.
Dù tôi cảm thấy tôi có ý chí để phản kháng, phải chăng loại “ý chí” này cũng là do Thượng Đế an bài?
Là như vậy sao?
Bởi vì trong thời gian này, tôi chỉ biết lặp đi lặp lại một quỹ đạo mỗi ngày.
Thức giấc, ra khỏi nhà, tới phòng nghiên cứu, chạy chương trình, mắt không mở nổi, về nhà, nằm xuống, thức dậy.
Thậm chí nếu lúc ăn cơm bị kéo dài thêm mười mấy phút, tôi sẽ cảm thấy có lỗi với quốc gia dân tộc.
Tôi nghĩ, Thượng Đế nhất định đã thêm vào một phương trình thức khống chế trong đầu tôi:
“If you want to play, THEN you must die very hard look?”
Dịch ra tiếng Trung, nghĩa là: “Nếu bạn muốn chơi, vậy thì chắc chắn bạn sẽ chết rất khó coi.”
Ba tuần sau, quỹ đạo của tôi đã dễ dàng bị Thuyên phá hủy.
Đó là một ngày tháng Tư mát mẻ, những quả dâu kết thành từng chùm lúc lỉu trên cây dâu ngoài phòng nghiên cứu.
Khoảng năm rưỡi chiều, tôi nhận được điện thoại của Thuyên.
“Bây giờ em… đang ở Đài Nam.”
“Thật không? Vậy thì tốt quá. Đài Nam là một nơi tốt, anh cũng đang ở Đài Nam.”
Thuyên bật cười.
Phát hiện ra mình đã nói một câu cực kỳ vớ vẩn, tôi ngại ngùng cười theo.
Khi tiếng cười của chúng tôi ngừng lại, Thuyên nói tiếp.
“Em… có thể gặp anh không?”
“Dĩ nhiên là được. Em đang ở đâu?”
“Em ở bên ngoài công viên Tiểu Đông.”
“Được. Em hãy đợi ở đó, anh sẽ tới liền.”
Tôi phóng lên xe máy, tới công viên Tiểu Đông, dừng xe lại.
Lúc này mới nghĩ ra, công viên Tiểu Đông không có tường bao quanh.
Vậy thì, cái gọi là “ở bên ngoài công viên Tiểu Đông” là ở đâu?
Tôi đành vừa chạy vòng quanh bên ngoài công viên, vừa dáo dác tìm kiếm.
Chạy được chừng một nửa, mới nhìn thấy Thuyên ở bên ngoài 30 mét.
Tôi chạy chậm lại, từ từ bước tới.
Thuyên mặc một chiếc váy liền màu trắng, hai tay buông thõng tự nhiên phía trước, xách một chiếc túi xách màu đen.
Ngước mắt lên, như đang chăm chú nhìn những tàng lá xanh ngắt trong công viên.
Em đứng ở phía ráng chiều, nửa người bên trái quay về phía tôi.
Thỉnh thoảng gió thổi tung mái tóc em, em cũng không đưa tay vén lại những sợi tóc bị gió thổi tung.
Em chỉ đứng đó, không có bất kỳ động tác nào.
Tôi đi về phía bóng chiều, dừng lại cách em ba bước chân.
Thuyên vẫn duy trì tư thế ban đầu, hoàn toàn bất động.
Tầm mắt cũng vậy.
Tuy em lặng lẽ, nhưng không hề khiến tôi liên tưởng tới bức tượng.
Bởi vì bức tượng là chết, còn em, dường như chỉ đang chìm vào một trạng thái say ngủ.
Vì thế tôi cũng không nhúc nhích, sợ làm em tỉnh giấc.
Lại là một cảnh quay bị dừng hình.
Tôi ngắm Thuyên thật kỹ, cố gắng nhớ rõ hình dáng em.
Bởi vì trong ba tuần lễ này, tôi đã từng mơ một giấc mơ.
Trong mơ dáng hình Thuyên mơ hồ, thứ hiển hiện rõ rệt nhất, là động tác tay nhỏ nhặt của em.
Sau đó là ánh mắt, tiếp đó là giọng nói.
Gương mặt Thuyên, tôi mãi không tài nào chắp nối lại được.
Tôi chỉ nhớ, Thuyên đẹp.
Thuyên cũng giống Minh Thanh, đều có thể được gọi là người đẹp 360 độ.
Cũng tức là, dù nhìn từ góc độ nào, cũng đều xinh đẹp.
Chỉ có điều nét đẹp của Minh Thanh, là nét đẹp sẽ tỏa sáng.
Còn nét đẹp của Thuyên, lại thoáng chút mông lung.
Bỗng dưng liên tưởng tới Minh Thanh, khiến cơ thể tôi phút chốc run rẩy.
Sự run rẩy rất khẽ này, đã đánh thức Thuyên.
“Chào anh.”
Thuyên quay lại đối diện tôi, khom người cúi chào.
“Chào em.” Tôi cũng gật đầu.
“Anh đến nhanh quá.”
”Trường rất gần nơi này.”
“Xin lỗi. Đã gọi anh ra đây.”
“Không có gì.”
“Nếu đã làm phiền anh, mong anh bỏ qua.”
“Em khách sáo quá.”
“Xin hỏi dạo này anh vẫn khỏe chứ?”
“Anh rất khỏe. Cảm ơn. Còn em?”
“Em cũng rất khỏe. Cảm ơn.”
“Chúng ta còn phải tiến hành cuộc trò chuyện khách sáo này không? Cảm ơn.”
“Không cần đâu. Cảm ơn.”
Thuyên nói xong, chúng tôi cùng bật cười.
“Vừa rồi em tài thật, chẳng nhúc nhích chút nào.”
“Đoán thử xem, vừa rồi em đang làm gì?”
“Ừm… Em đang chờ đợi.”
“Sát lắm rồi, nhưng chưa đúng lắm. Bởi vì anh không nhìn thấy ánh mắt em.”
“Thế đáp án là gì?”
“Em đang mong đợi.”
“Mong đợi gì?”
“Sự xuất hiện của anh.”
Thuyên lại cười, cơ hồ như rất vui vẻ.
“Bây giờ em rất vui phải không?”
“Ừ. Em rất vui, vì anh đã đến. Còn anh?”
“Có lẽ anh cũng vui.”
“Vui là vui, không có có lẽ hay không. Anh lại kìm nén rồi.”
“Anh (chỉ tay vào mũi) thật sự (hai tay bắt chéo trước ngực) vui (tay trái vỗ lên mu bàn tay phải).”
“Anh lại minh họa linh tinh nữa rồi. Lần trước lúc anh minh họa từ “thật sự”, không phải là như thế.”
“Thế à? Thế anh minh họa như thế nào?”
“Anh minh họa thế này này…”
Thuyên đặt chiếc túi lên mặt đất, sau đó chầm chậm giơ hai tay lên cao.
“Ồ. Cách minh họa của anh rất giống với tiếng Anh, lần trước là dùng thì quá khứ, lần này là dùng thì hiện tại.”
“Anh lại nói linh tinh rồi.” Thuyên cười nói.
“Không ngờ em vẫn còn nhớ động tác của anh lần trước.”
“Ừ. Động tác của anh, em nhớ rất rõ. Những lời anh nói cũng vậy.”
Thực ra những lời Thuyên đã nói, và những động tác nhỏ nhặt của Thuyên, tôi cũng nhớ rất rõ.
Hơn nữa tôi quả thật rất vui, bởi vì tôi cũng mong đợi được gặp Thuyên.
Chỉ có điều, động tác mong đợi của tôi, rất… rất mãnh liệt.
Vì thế khi còn chưa kịp hỏi rõ vị trí chính xác của Thuyên, tôi đã vội vàng phóng xe đi, phi tới công viên.
Sau đó lại vùng chạy quanh công viên, để tìm em.
Còn động tác mong đợi của Thuyên, hết sức ôn hòa.
Mãnh liệt và ôn hòa?
Những tính từ mà tôi dùng, càng lúc càng giống Thuyên rồi.
Chúng tôi bước vào trong công viên, tìm một cái ghế, ngồi xuống.
Thuyên đi rất chậm rãi, lực chạm đất vô cùng nhẹ, giống như thể đang bay vậy.
“Sao hôm nay em lại đến Đài Nam?”
“Em có một đối tác phỏng vấn ở Đài Nam, em tới gặp cô ấy để thảo luận.” Thuyên vén tóc.
“Là Tôn Anh à?”
“Không. Tôn Anh chỉ là bạn.”
“Em thường viết báo à?”
“Vâng. Viết lách là công việc, cũng là hứng thú của em.”
“Không biết anh có được vinh hạnh được chiêm ngưỡng tác phẩm của em hay không?”
“Xem anh kìa, lại đóng gói câu chữ trong lời nói rồi.”
“Hả?”
“Anh dùng những từ “vinh hạnh” và “chiêm ngưỡng” để đóng gói đó.”
“Đó là khách sáo.”
“Không phải. Trong lòng anh nhất định nghĩ: Hừm, cô gái yếu ớt này thì viết được tác phẩm vĩ đại gì chứ.”
“Oan cho anh quá, anh không nghĩ vậy đâu.”
Tôi rất căng thẳng, ra sức xua tay.
“Ha ha…” Thuyên bỗng cười rạng rỡ, vừa cười vừa nói: “Em cũng dọa được anh rồi.”
Tiếng cười của Thuyên rất khẽ, nếu không nghe kỹ, sẽ không nghe thấy.
Khi em thể hiện “cười”, thường chỉ có động tác ở tay và mặt, rất ít âm thanh.
Nói cách khác, chỉ có nụ cười và động tác tay phải che miệng, rất ít có tiếng cười.
Nhưng nói ra cũng lạ, tôi lại có thể nghe thấy tiếng cười của em rất rõ.
Giống như có người nói khẽ bên tai tôi, tuy âm thanh có phần kìm nén, nhưng tôi lại nghe rất rõ.
“Chẳng phải em nói em không biết nói đùa hay sao?”
“Em không biết, chứ không phải là không thể.” Thuyên le lưỡi, nói:
“Không hiểu sao, em cứ muốn nói đùa với anh.”
“Tiểu thư à, trò đùa của cô đáng sợ lắm đó nhé.”
“Sao anh lại bắt chước cách nói của em vậy?”
“Anh không biết.”
“Anh đừng dùng từ “nhé” nữa, nghe kỳ cục lắm.”
Thuyên lại cười.
“Có phải giọng điệu lúc nói của em rất kỳ quặc không?” Thuyên hỏi.
“Không phải. Giọng em rất dễ nghe, ngữ điệu lại không lên bổng xuống trầm, vì thế nghe giống như…”
Tôi thoáng ngẫm nghĩ, rồi nói:
“Giống như một loại âm nhạc rất du dương.”
“Cảm ơn.”
“Người nên nói cảm ơn là anh. Bởi vì nghe em nói thật sự rất dễ chịu.”
“Dạ.” Hình như Thuyên đỏ mặt.
Chợt có một quả bóng, lăn tới trước mặt tôi và Thuyên.
Thuyên cúi người nhặt lên, đưa quả bóng cho cậu bé đang chạy tới, cậu bé nói cảm ơn.
Thuyên mỉm cười xoa đầu cậu bé, rồi lấy trong túi ra một cây kẹo, đưa cho cậu.
“Anh cũng muốn chứ?” Cậu bé đi rồi, Thuyên hỏi tôi.
“Dĩ nhiên là được. Nhưng hai ngày nay rồi anh không gội đầu.”
“Gì cơ?” Hình như Thuyên không hiểu, cũng đưa tôi một cây kẹo.
Thì ra là đang nói về kẹo.
“Anh thật sự rất muốn đọc những thứ em viết.”
Tôi cười ngượng ngùng, vội đánh trống lảng.
“Anh mà đọc xong chắc chắn sẽ cười.”
“Tại sao? Em viết tiểu thuyết hài à?”
“Không. Em sợ viết không hay, anh sẽ cười nhạo em.”
“Vậy sao?”
“Ừ. Em không tự tin lắm.”
“Không được mất tự tin.”
“Em không mất tự tin. Bởi vì thứ từ trước tới giờ chưa từng có, làm sao mất đi được?”
Tôi ngỡ ngàng nhìn Thuyên, thật khó tin được một cô gái như Thuyên, lại không có tự tin.
“Có phải anh cảm thấy em rất kỳ cục không?”
“Sao lại nói vậy?”
“Bởi vì mọi người đều bảo em kỳ cục.”
“Không. Em không kỳ cục, mà là đặc biệt.”
“Thật không?”
“Ừ.”
“Cảm ơn. Lời anh nói, em sẽ tin.”
“Nhưng…” Tôi nhìn Thuyên rồi nói:
“Nếu xinh đẹp là một sự kỳ cục, vậy thì đôi mắt em quả thật rất kỳ cục.”
“Anh lại cười nhạo em.” Thuyên cúi đầu.
“Anh nói thật lòng mà. Em là một cô gái rất tốt, nên tự tin vào bản thân mình.”
“Ừm. Cảm ơn anh.”
“Đừng khách sáo. Anh chỉ đang nói với một miếng ngọc, rằng đó là ngọc chứ không phải là đá mà thôi.”
“Ngọc cũng là một loại đá, anh hình dung như vậy không khoa học đâu.”
“Đúng là xấu hổ, anh vốn là người học khoa học đấy.”
“Ha ha.”
Màu mắt của Thuyên, là màu nâu trà rất nhạt.
Bởi vì rất nhạt, nên tôi gần như nhìn thấy chính bản thân mình, trong đôi mắt ấy.
Thuyên giống như tôi, không có tự tin, hơn nữa cũng bị coi là người kỳ quặc.
Chỉ có điều tôi đã lấy được tự tin, từ chỗ Minh Thanh.
Cũng nhờ có Minh Thanh, khiến tôi không còn cảm thấy mình là một người kỳ quặc nữa.
Bây giờ tôi gần như dùng một cách tương tự, để khích lệ Thuyên.
Liệu Thuyên cũng có vì tôi, không còn cảm thấy bản thân mình kỳ quặc, và có được tự tin?
Sau này tôi thường nghĩ, liệu tình yêu phải chăng cũng giống như chuỗi thức ăn?
Vì thế tồn tại lý lẽ hổ ăn thịt thỏ, thỏ ăn cỏ.
Nếu không gặp Thuyên, có lẽ vĩnh viễn tôi không biết được sự dụng tâm của Minh Thanh đối với tôi.
Chỉ có điều sau khi tôi biết, lại cảm thấy hoài niệm sự nhẹ nhõm của sự vô tri trước đó.
“Anh đang nghĩ gì thế?” Thuyên bất chợt hỏi tôi.
“Không có gì.” Tôi cười.
“Anh lại…”
“À. Thật sự là không có gì, chỉ đột nhiên nghĩ tới một người bạn mà thôi.”
Trước mặt Thuyên, không thể giấu được gì.
“Ừm.”
“Lần sau khi em gặp anh, sẽ cho anh đọc những thứ em viết.”
“Được.”
“Nói trước nhé, không được cười em.”
“Được. Thế nếu em viết rất hay, anh có được khen không?”
“Nếu anh bị văn của em làm cho cảm động, sau đó cứ vỗ tay không ngừng, em cũng không được cười nhé.”
“Được.” Thuyên lại cười.
“Tại sao anh lại muốn đọc những gì em viết?” Thuyên hỏi.
“Anh chỉ cảm thấy những thứ em viết chắc chắn sẽ rất hay, vì thế muốn đọc.”
“Anh cũng viết rất hay, không cần khiêm tốn.”
“Thật à? Nhưng chắc chắn không bằng em.”
“Không bằng? Với câu chữ, rất khó nói ai không bằng ai.”
“Vậy sao?”
“Cũng giống như nói…” Thuyên chăm chú nhìn ra xa, trầm ngâm suy nghĩ.
“Giống như chúng ta không thể nói những câu kiểu như sư tử không bằng đại bàng, hoặc voi không bằng linh dương.”
“Voi không bằng linh dương?”
“Vâng. Mỗi loại động vật đều có những điểm mạnh riêng, rất khó đem ra so sánh.”
“Như thế nào?”
“Linh dương chạy rất nhanh, sức voi lại mạnh. Nếu so về tốc độ, dĩ nhiên linh dương sẽ chiếm ưu thế. Nhưng nếu so về sức mạnh, người thắng lại là voi.”
“Ừ.”
“Vì thế đem so câu chữ của chúng ta với nhau, chẳng có ý nghĩa gì.”
“Em thật sự rất thích dùng ví dụ.” Tôi cười cười.
“Đó là vì em không quen dùng câu chữ, để biểu đạt ý tứ.”
“Nhưng ví dụ của em rất hay, không giống anh, ví dụ anh dùng đều rất kỳ quặc.”
“Vậy sao?”
“Ừ. Vì thế thành tích tập làm văn của anh trước đây rất kém.”
“Chuyện này thì khác. Câu chữ của anh có lẽ giống như một con báo, nhưng lại đi thi đấu cử tạ.”
“Hả?”
“Điểm mạnh của báo là tốc độ, nhưng nếu đi thi đấu cử tạ, thành tích đương nhiên sẽ kém.”
“Vậy câu chữ của em giống gì?”
“Câu chữ của em có lẽ giống.. giống một con vẹt.”
“Tại sao?”
“Bởi vì tuy anh biết em đang học nói tiếng người, nhưng lại thường xuyên không hiểu được những gì em nói.”
Thuyên bỗng cười rạng rỡ, rồi nói tiếp:
“Vì thế em là con vẹt.”
“Không đâu. Nhất định anh sẽ hiểu.”
“Ừ. Em tin anh sẽ hiểu.” Thuyên cúi đầu nói:
“Thực ra chỉ cần trong câu chữ không có mặt nạ, có thể thể hiện tình cảm chân thực, là đủ rồi.”
“Vậy thì chữ của em, nhất định không có mặt nạ.”
“Cái này thì chưa chắc.”
“Vậy sao?”
“Ừ. Những thứ do em tự viết, sẽ không có mặt nạ. Nhưng những bài viết vì công việc, ít nhiều vẫn có mặt nạ.”
“Em viết diễn văn cho chính khách à?”
“Không. Sao lại hỏi thế?”
“Vì anh cảm thấy câu chữ trong diễn văn của chính khách, là nhiều mặt nạ nhất.”
“Đó không phải là mặt nạ, mà là lời nói dối.”
“Ha ha ha…” Tôi bật cười, “Em rất dí dỏm.”
“Không. Em không dí dỏm. Anh nói chuyện mới thú vị.”
“Vậy sao?”
“Ừ. Bình thường em rất ít cười. Nhưng khi gặp anh, liền không kìm chế được mà bật cười.”
“Ừ. Thế tức là anh là cao thủ.”
“Em không biết anh có phải là cao thủ không. Em chỉ biết, anh là người em thích.”
“Thi… thích?” Tôi ngỡ ngàng, bắt đầu lắp bắp.
“Ừ. Em thích anh…” Thuyên nhìn tôi, đột nhiên nói một cách ngờ vực:
“Ủa? Màu sắc hiện giờ của anh rất rối loạn. Sao vậy?”
“Bởi… bởi vì em nói… em… em thích anh.”
“Đúng thế. Em thích anh, cũng giống như em thích viết lách, em thích đánh đàn vậy.”
“Ồ. Thì ra là vậy.” Tôi thở phào nhẹ nhõm, “Làm anh giật thót cả mình.”
“Em nói sai rồi à?”
“Không. Tại anh nghĩ vẹo vọ thôi.”
“Dạ.”
“Nếu nói như vậy, anh cũng thích em.” Tôi cười nói.
“Anh… anh…”
Dường như Thuyên cảm thấy khó thở, tay phải đặt lên ngực trái, không ngừng thở dốc khe khẽ.
“Sao vậy? Em không sao chứ?” Tôi thoáng lo lắng.
“Không. Chỉ là có một cảm giác kỳ quặc…” Thuyên bỗng cúi đầu.
“Màu của em bây giờ, cũng rất rối loạn.” Tôi nhìn Thuyên chăm chú, có phần không yên tâm.
“Nói linh tinh.” Cuối cùng Thuyên lại cười, “Anh đâu có nhìn được màu sắc.”
Thuyên ngẩng đầu lên, bắt gặp ánh mắt của tôi, em như hơi đỏ mặt, vì thế lại cúi xuống.
Bất giác, trời đã tối.
Tuy những ngọn đèn trong công viên đã bật sáng, nhưng ánh sáng vẫn khá tù mù.
“Em có đói không?” Tôi hỏi Thuyên.
“Không đói.” Thuyên lắc đầu, rồi như chợt nhớ ra chuyện gì, em hỏi:
“Đã tới giờ ăn tối rồi sao?”
“Ừ. Không những thế, bây giờ mà ăn tối có lẽ còn hơi muộn đó.”
“Vâng.” Thuyên thở dài, “Thời gian trôi nhanh thật.”
“Có phải em còn có chuyện gì không?”
Thuyên gật đầu.
“Vậy thì đi thôi.” Tôi đứng dậy.
“Dạ.” Thuyên cũng đứng dậy.
Khi Thuyên chuẩn bị cất bước, người hơi ngả về phía sau.
“Đó là động tác trốn tránh. Em đang trốn gì vậy?”
“Em sợ muỗi. Muỗi cứ thích cắn em thôi.”
“Đất không lành phượng hoàng không đậu, muỗi cũng vậy.”
“Anh lúc nào cũng thế.” Thuyên cười nói.
Tôi chở Thuyên ra ga, cũng giống như lần trước, đi vào sân ga số 2 đợi tàu cùng em.
Lần này không cần phải đợi nửa tiếng, mười phút sau tàu hỏa đã tới.
Trên sân ga, chúng tôi không trao đổi nhiều.
Tôi nhìn trời, phía Nam, đường ray, phía Nam, phía trước, sân ga số 1, phía Nam, những kiến trúc sau lưng.
Từ đầu tới cuối, ánh mắt không hề nhìn về phía Bắc.
Sau đó quay sang nhìn Thuyên, đúng lúc bắt gặp ánh mắt em.
“Anh… anh cũng giống em, cũng cảm thấy bây giờ em phải ra về, thì thật tiếc nuối phải không?”
“Sao em biết?”
“Động tác của chúng ta, giống nhau.”
“Thật sao?”
“Ừ. Tàu hỏa từ phía Bắc tới, thế nên chúng ta đều không nhìn về phía Bắc.”
“Ừ. Chúng ta đều là những người trốn tránh hiện thực.” Tôi cười.
Tiếng loa phóng thanh trên sân ga vang lên, tàu sắp vào ga.
Tôi và Thuyên cùng hít một hơi dài, rồi thở hắt ra.
Khi phát hiện ra động tác của cả hai giống hệt nhau, chúng tôi không khỏi nhìn nhau mỉm cười.
Trước khi lên tàu, Thuyên quay lại vẫy tay với tôi.
Tôi cũng vẫy tay, sau đó gật đầu.
Thuyên cúi người, hành lễ, rồi quay người bước lên tàu.
Thuyên lại chọn một chỗ ngồi cạnh cửa sổ, tôi cũng cố tình đi tới trước mặt em, cách một ô cửa kính.
Khi tàu hỏa chưa chuyển bánh, tôi lại minh họa bừa bãi vài động tác tay.
Thuyên cứ mỉm cười nhìn tôi.
Nhưng ánh mắt và cơ thể em, giống như khi tôi vừa nhìn thấy em vào chiều nay, đều tĩnh lặng.
Tàu hỏa lăn bánh, khiến Thuyên bừng tỉnh.
Tay trái Thuyên đột nhiên đưa ra, lòng bàn tay áp vào cửa kính.
Gần như cùng lúc ấy, tay phải của tôi cũng đưa ra thật nhanh, cách một lớp cửa kính, lòng bàn tay phải của tôi áp vào lòng bàn tay trái của Thuyên.
Cùng với những vòng quay của đoàn tàu, tôi chạy theo vài bước, cuối cùng buông tay phải xuống.
Tôi đứng yên tại chỗ, đau đáu nhìn theo Thuyên, tầm mắt dần chuyển từ phải sang trái.
Cho tới khi đoàn tàu mất hút vào màn đêm.
Thuyên cũng đăm đăm nhìn tôi, tôi biết.
Có lẽ tôi nói vậy, sẽ khiến mọi người cảm thấy tôi bị thần kinh.
Nhưng tôi vẫn muốn bất chấp nguy cơ bị coi là thần kinh, để nói với bạn rằng:
Bàn tay phải áp sát cửa kính tàu hỏa của tôi, có thể cảm nhận được hơi ấm mà Thuyên truyền tới.
Nóng hổi.
Chín giờ tối, tôi về phòng nghiên cứu, nhìn chằm chằm lòng bàn tay phải.
Thỉnh thoảng lại đưa tay trái ra đọ.
“Làm gì thế? Nghiên cứu xem tay đấy à?” Bách Sâm đi tới sau tôi, tò mò hỏi.
“Có nóng không?” Tôi áp lòng bàn tay phải lên má trái của Bách Sâm.
“Cậu khùng à.” Bách Sâm gạt tay tôi ra, “Ăn cơm chưa?”
“Chưa.”
“Về nhà ăn bánh gato đi. Hôm nay sinh nhật tớ.” Bách Sâm nói.
Bách Sâm mua một chiếc bánh kem 12 inch, đặt trong phòng khách.
Chị Tú Chi và anh Tử Nghiêu đều có mặt, chị Tú Chi cũng gọi điện thoại rủ Minh Thanh tới.
Thấy chị Tú Chi chuẩn bị ăn đến miếng bánh kem thứ ba, anh Tử Nghiêu nói:
“Ăn nhiều bánh kem béo đấy.”
“Tôi vui. Không được à?” Chị Tú Chi độp lại chẳng kiêng nể gì.
“Không phải là không được, chỉ là tôi cảm thấy thân hình cô hiện giờ vừa vặn…”
“Hừm! Hiếm khi anh nói được một câu ra hồn.”
“Thân hình cô hiện giờ vừa vặn có thể gọi là béo. Ăn nữa là sẽ trở thành béo phì.”
“Anh dám nói tôi béo!” Chị Tú Chi hầm hầm đặt đĩa bánh xuống, đứng bật dậy.
Thấy tình hình không ổn, Bách Sâm chuồn lên gác, trốn về phòng mình.
Tôi cũng chuồn lên gác, quay về phòng mình. Ngoảnh lại phía sau, Minh Thanh cũng đang ranh mãnh theo đuôi tôi.
Ở đây đã lâu, thường gặp những cảnh giật gân giữa anh Tử Nghiêu và chị Tú Chi.
Thông thường chị Tú Chi chỉ biết càng mắng càng to, cuối cùng ôm một bụng ấm ức quay về phòng, đóng sập cửa lại.
Lý do tôi và Bách Sâm không dám ở lại hiện trường, là vì chúng tôi có thể không nhịn được phì cười, e là sẽ tai bay vạ gió.
Minh Thanh nghiêng ngó trong phòng tôi, rồi hỏi:
“Quá Nhi, dạo này ổn không?”
“Cũng ổn.”
“Nghe chị nói, bạn toàn về nhà ngủ lúc rất khuya.”
“Đúng vậy.” Tôi thở hắt ra, “Làm luận văn mà, không còn cách nào khác.”
“Đừng để cơ thể suy nhược nhé.”
Nói xong, Minh Thanh khẽ vén tóc lên, lướt qua hàng lông mày phải hơi chau.
Tôi nhìn động tác của Minh Thanh, giật mình.
Mấy năm nay, Minh Thanh luôn rất quan tâm tới tôi, nhưng tôi chưa từng chú ý tới những động tác nhỏ nhặt của cô ấy.
Tôi bỗng cảm thấy rất cảm động, cũng rất áy náy.
Vì thế tôi bước tới gần cô ấy, chăm chú nhìn.
“Bạn… sao lại nhìn mình như thế.” Hình như Minh Thanh hơi ngượng, giọng rất nhẹ.
“Không có gì. Chỉ là rất muốn nói cảm ơn bạn.”
“Làm mình giật cả mình. “ Minh Thanh vỗ ngực, “Sao lại muốn nói cảm ơn?”
“Chỉ là muốn nói mà thôi.”
“Đồ ngốc.” Cô ấy cười.
“Còn bạn? Dạo này thế nào?” Tôi ngồi lên ghế, hỏi cô ấy.
“Trước mắt mình cũng coi là khá nhẹ nhõm.” Minh Thanh ngồi lên giường tôi, tiện tay cầm quyển sách trên giá sách lên.
“Nghiên cứu sinh khoa Trung văn thông thường phải học ba năm, vì thế năm sau mình mới phải viết luận văn.”
Dưới lầu loáng thoáng vang lên tiếng gầm thịnh nộ của chị Tú Chi, Minh Thanh dỏng tai nghe rồi cười nói:
“Chị Tú Chi hiện giờ cũng đang viết luận văn, anh Tử Nghiêu chọc vào chị ấy là thảm rồi.”
“Nói vậy, nếu mình thuận lợi, thì năm nay có thể cùng tốt nghiệp với chị Tú Chi rồi.”
“Ngốc ạ. Không phải là nếu, mà là nhất định.”
Minh Thanh gấp sách vào, nói một cách nghiêm túc.
“Ừ.” Một lúc sau, tôi mới gật đầu.
“Quá Nhi. Quen với bạn lâu như vậy, cái tính hay nghĩ ngợi linh tinh của bạn, mãi mà không sửa được.”
“Bọn mình đã quen nhau rất lâu rồi sao?”
“Hơn ba năm rồi, không được coi là lâu sao?”
“Ừ. Nhưng lần đi nông trường Thanh Cảnh chơi lần đó, mình vẫn nhớ rõ mồn một.”
“Mình cũng vậy.” Minh Thanh cười cười, “Khi bạn đoán đúng tên mình, mình thật sự giật nảy mình.”
Tôi không khỏi nhớ lại lần đầu tiên khi gặp Minh Thanh, ánh nắng, không khí và hương vị ngày hôm đó.
“Cô Cô…”
“Sao vậy?”
“Mình muốn nói với bạn một chuyện rất quan trọng.”
“Chuyện gì vậy?”
“Quen với bạn thật tốt.”
“Bạn lại nói linh tinh rồi.”
Minh Thanh đặt quyển sách về giá sách, hai tay chống xuống giường, người ngả về phía sau một góc 30 độ, ngồi xuống một cách thoải mái.
“Cô Cô…”
“Lại gì thế?”
“Còn có một chuyện rất quan trọng.”
“Chuyện gì?”
“Cái váy hôm nay bạn mặc rất ngắn, nếu còn ngả ra sau nữa, sẽ lộ sạch.”
“Quá Nhi!”
Minh Thanh đứng phắt dậy, đi tới cạnh bàn, cốc vào đầu tôi một cái.
Đúng lúc dưới lầu vang lên tiếng đóng cửa sầm sập của chị Tú Chi.
“Cảnh báo cuối cùng đã được dỡ bỏ rồi.” Tôi xoa cái đầu đau điếng.
“Ừ.” Minh Thanh nhìn đồng hồ, “Muộn quá rồi, mình cũng phải về thôi.”
“Mình tiễn bạn.”
“Được.”
“Nhưng bạn cốc đầu mình nên nó u mê rồi, quên béng mất bạn ở chỗ nào?”
“Bạn…” Minh Thanh lại giơ tay lên, làm ra vẻ muốn cốc đầu tôi.
“Mình nhớ ra rồi!” Tôi vội né đi.
Đưa Minh Thanh về đến cổng ký túc Thắng Lục, tôi vẫy tay, nói chúc ngủ ngon.
“Quá Nhi, phải cố lên nhé.”
“Mình sẽ.”
“Dạo này sắc mặt bạn xanh xao quá, nhớ phải phơi nắng nhiều hơn.”
“Mình chỉ cần thường xuyên gặp bạn là được.”
“Tại sao?”
“Bởi vì bạn chính là Mặt Trời của mình mà.”
“Câu này hay đây, cho mình mượn để viết tiểu thuyết được không?”
“Được.” Tôi cười, “Nhưng phải trả nhuận bút cho mình.”
“Được.” Minh Thanh cũng cười, “Một chữ một tệ, mình nợ cậu mười tệ.”
“Muộn lắm rồi, bạn lên lầu đi.”
“Ừ. Nhưng mình cũng muốn nói cho bạn biết một chuyện rất quan trọng.”
“Chuyện gì?”
“Mình thật sự rất vui vì được quen bạn.”
“Mình biết rồi.”
“Ừ. Chúc ngủ ngon.”
Minh Thanh vẫy tay, xoay người đi lên lầu.
Những ngày tháng tiếp theo, tôi lại trôi theo quỹ đạo.
Chỉ có điều thỉnh thoảng tôi sẽ nhớ tới Minh Thanh và Thuyên.
Thông thường những khi mệt mỏi, tôi sẽ nhớ tới Minh Thanh, rồi những lời khích lệ mà cô ấy dành cho tôi sẽ hiện lên trong đầu, vì thế tôi sẽ phấn chấn hơn.
Tôi thường hoài nghi, phải chăng tôi đang cố tình kiếm cớ nhớ tới Minh Thanh, để có được sức mạnh tiếp tục bứt phá?
Còn khi nhớ tới Thuyên, lại hoàn toàn không giống như vậy.
Đó thường là một dạng tình huống đột phát, tôi không thể dự đoán được.
Có thể lúc đó tôi đang đi xe, có thể đang ăn cơm, có thể đang nói chuyện.
Thế là trong phút chốc, từ một trạng thái chuyển động, tôi sẽ trở nên tĩnh lặng.
Nếu lúc đó tôi đang lái xe, bỗng đâu vọt ra một con chó hoang, chắc chắn tôi sẽ không kịp bóp phanh.
Nếu tôi nhớ tới Minh Thanh khi ở nhà, tôi sẽ lấy cây tầm gửi cô ấy tặng tôi ra nghịch.
Nếu nhớ tới Thuyên, tôi sẽ nhìn chằm chằm vào lòng bàn tay phải, mỉm cười.
Hai tuần sau sinh nhật Bách Sâm, để tìm tài liệu tham khảo, tôi tới Đại học Trung Sơn ở Cao Hùng.
Chụp xong tài liệu trong thư viện, tiện thể đi dạo quanh sân trường một vòng.
Kiến trúc trong đại học Trung Sơn, đa phần đều là màu đỏ, rất đặc biệt.
Cây cối trong sân trường um tùm, môi trường tao nhã đẹp đẽ, sinh viên lại ít, cảm giác hết sức u tịch.
Bước qua hành lang của khoa Quản lý văn hóa và khoa Tự nhiên, tôi còn nhìn thấy vài bạn sinh viên đang ngồi học bài.
So với đại học Thành Công, nơi này khiến người ta cảm thấy rất yên tĩnh, còn Thành Công lại thường ở trạng thái động.
Nếu bây giờ đột nhiên có người hét lên “Cứu tôi với”, âm thanh có thể sẽ truyền ra tận vịnh Tây Tử ở ngoài trường học.
Nhưng nếu là ở Thành Công, cùng làm chỉ làm giật mình mấy con chó hoang.
Bước ra khỏi sân trường Trung Sơn, hướng về phía chiều tà, đi dạo trên bờ kè chắn sóng dài ngút ngát của vịnh Tây Tử.
Nơi này rất đẹp, có thể cung cấp đủ loại tình tiết và tình huống cho tiểu thuyết diễm tình.
Nam nữ chính tình cờ chạm mặt, có thể tại nơi đây. Lúc mặn nồng thắm thiết cũng được.
Nếu nhỡ may hai bên bất hòa, quyết định chia tay, diễn ra ở đây cũng tiện.
Nhảy xuống dưới là có thể chết chìm trong nước biển, thi thể cũng khó tìm thấy.
Tôi biết nghĩ như vậy rất mất hứng, như với thằng tôi từ nhỏ đã lớn lên bên bờ biển, chỉ cần thấy có người chạy nhảy nô đùa trên bờ kè, tôi sẽ luôn nghĩ tới gương mặt phù nề sau khi trượt chân xuống biển của họ.
Khi tôi một lần nữa tránh một đôi tình nhân tung tăng chạy trên bờ kè, còn chưa kịp tưởng tượng ra gương mặt phù thũng của họ, thì giữa tôi và ráng chiều, xuất hiện một hình bóng quen thuộc.
Em ngồi trên bờ kè, hai tay đan vào nhau đặt trên đầu gối hơi co lên, cơ thể hướng về phía ráng chiều.
Mặt hướng về phía dưới bên trái, nhìn những tảng cấu kiện tiêu sóng dưới chân kè, lắng nghe tiếng sóng vỗ về.
Một lúc sau, hai tay chống xuống đất, người hơi ngả về phía sau, em ngẩng đầu lên, nhắm mắt lại.
Hít một hơi thật sâu, rồi từ từ thở ra.
Mở mắt ra, ngồi thẳng dậy, tay phải giơ thẳng về phía trước, như thể đang đo độ ấm của gió.
Rút tay phải về, nheo mắt, nhìn hoàng hôn, cúi đầu, thở dài.
Rồi lại giơ tay phải lên, vén những lọn tóc bị gió thổi lòa xòa nơi má trái ra sau tai.
Quay đầu qua, chăm chú nhìn mu bàn tay trái đang đặt trên mặt đất.
Lật ngửa bàn tay trái, lòng bàn tay chầm chậm đưa lên trước mắt, dừng lại khi cách chóp mũi 20cm.
Ngắm nghía rất lâu, sau đó mỉm cười.
“Anh tới rồi.” Tôi bước tới cách em hai bước, khẽ nói.
Người em đột nhiên run lên, ngước mặt lên phía trên bên phải, bắt gặp ánh mắt tôi.
“Cuối cùng em đã tìm được anh.” Em nhúc nhích đôi chân, như trút được gánh nặng.
“Xin lỗi. Anh đến muộn.”
“Tại sao lại để em phải đợi lâu như vậy?”
“Em đã đợi bao lâu?”
“Có lẽ là phải đến mấy trăm năm rồi đó.”
“Bởi vì Diêm vương không cho anh đầu thai thành người, anh chỉ có thể luân hồi giữa xác thân gia súc.”
“Vậy anh phải nhớ, kiếp này phải làm nhiều việc tốt hơn một chút.”
“Ừ. Anh sẽ nhớ.”
Tôi biết, do sự khúc xạ ánh sáng, khi Mặt Trời sắp xuống núi, sẽ đột nhiên biến mất.
Tôi cũng biết, nhiệt dung riêng của biển lớn hơn của đất liền, vì thế gió ban ngày sẽ thổi từ biển vào đất liền.
Tôi càng biết, những tảng cấu kiện tiêu sóng dưới chân kè có tác dụng tiêu trừ năng lượng sóng, có thể bảo vệ sự an toàn của bờ kè.
Nhưng tôi luôn không biết được, tại sao trên bờ kè của vịnh Tây Tử, khi Mặt Trời lặn xuống biển, tôi và Thuyên lại xuất hiện đoạn đối thoại này.
Tôi cũng ngồi xuống, một mét về bên trái Thuyên.
“Sao em lại ở đây?” Tôi hỏi Thuyên.
“Câu này phải là em hỏi anh mới đúng.” Thuyên cười, “Sao anh lại đến Cao Hùng?”
“À. Anh đến Đại học Trung Sơn tìm tài liệu. Còn em?”
“Hôm nay câu lạc bộ kịch nói công diễn, em đến cổ vũ cho mấy cô bé khóa dưới.”
“Em tốt nghiệp đại học Trung Sơn à?”
“Vâng.” Thuyên gật đầu, “Em học khoa Trung văn.”
“Sao mấy cô gái anh quen, đều học khoa Trung văn vậy?”
“Anh oán thán lắm à?” Thuyên cười.
“Không.” Tôi cũng cười, “Anh rất vinh hạnh.”
“Động tác vừa rồi của em rất rối loạn.”
“Thật sao?” Thuyên khẽ hỏi, “Anh… nhìn ra được à?”
“Phần lớn các động tác anh không hiểu, nhưng động tác cuối cùng của em, anh cũng thường làm.”
“Hả?”
Tôi từ từ lật ngược bàn tay phải, nhìn chăm chú vào lòng bàn tay, sau đó mỉm cười.
“Chỉ có điều em là tay trái, còn anh là tay phải mà thôi.”
“Anh… anh cũng nhớ em à?”
“Nhớ.” Tôi gật đầu.
Thuyên quay sang đối diện tôi, gió biển thổi tung tóc em, lòa xòa trên gò má phải.
Em không lấy tay gạt tóc đi, cứ nhìn tôi chăm chú.
“Có. Anh có nhớ em.” Tôi lại nhấn mạnh thêm một lần.
Bởi vì tôi đã hứa với Thuyên, phải dùng câu chữ để thể hiện cảm nhận thực sự, không thể lúc nào cũng kìm nén.
Miệng Thuyên bỗng hơi há ra, gần như đang thở dốc.
Nói cho chính xác, đó là một động tác hít thở kịch liệt.
Lồng ngực Thuyên phập phồng, càng lúc càng nhanh, cuối cùng em chau mày, đặt tay phải lên ngực.
“Em… vẫn ổn chứ?”
“Xin lỗi. Sức khỏe em không tốt, khiến anh phải lo lắng.”
Đợi lồng ngực bình tĩnh lại, Thuyên từ tốn nói ra câu này.
“Ừ. Không sao thì tốt.”
Thuyên nhìn tôi:
“Là bệnh tim bẩm sinh.”
“Anh không…” Tôi ngập ngừng rồi lại thôi.
“Không sao đâu. Em biết anh muốn hỏi.”
“Không phải anh tò mò, cũng không phải là tiện mồm hỏi han.”
“Em biết mà.” Thuyên gật đầu, “Em biết anh quan tâm tới em, không phải là tò mò.”
Thuyên lại quay đầu đi, nhìn Mặt Trời đang chìm dần xuống biển, điều hòa lại nhịp thở rồi nói:
“Từ nhỏ bác sĩ luôn dặn phải giữ cho cảm xúc ổn định, cũng phải tránh các hoạt động mạnh.”
Thuyên vén tóc rồi nói tiếp:
“Xét từ góc độ này, em với anh giống nhau, đều là kìm nén. Chỉ có điều em là do yếu tố sinh lý, còn anh lại là yếu tố tâm lý.”
“Vậy em là màu gì?”
“Nếu không có gương, làm sao em có thể nhìn thấy màu sắc của chính mình?”
Thuyên cười cười, “Nhưng em chỉ là không thể bộc lộ cảm xúc một cách hết mình thôi, không tính là quá kìm nén.”
“Nhưng mà anh…” Thuyên thở dài, “màu của anh lại đậm thêm một chút rồi.”
“Xin lỗi.” Tôi hơi ngại ngùng, “Anh sẽ cố gắng.”
“Không sao, cứ từ từ.”
“Vậy em… mọi việc vẫn ổn cả chứ?”
“Vâng. Chỉ cần không để tim đập quá nhanh, thì em đều ổn cả.”
Thuyên nhoẻn miệng cười:
“Động tác của em rất từ tốn, nhưng động tác hít thở thường rất kịch liệt. Chuyện này trái ngược với người bình thường, người thường hít thở đều không có động tác gì mấy. Vì thế thường không biết được mình đang sống.”
“Hả?”
“Người thường không thể nào cảm nhận được hơi thở của mình, nhưng em thì có thể. Vì thế khi em hít thở, tựa như là đang nói với chính mình, em đang sống.” Thuyên hít sâu một lần, rồi nói tiếp:
“Còn mỗi lần hít thở mạnh, đều đang nhắc nhở em, phải ra sức mà sống.”
“Khi nào thì hơi thở của em sẽ… sẽ khá kịch liệt vậy?”
“Khi cơ thể rất mệt hoặc là…” Thuyên lại cúi đầu, khẽ nói:
“Hoặc là khi cảm xúc biến chuyển rất kịch liệt.”
“Vậy… anh đưa em về nhà nghỉ nhé, được không?”
“Hả?” Thuyên như hơi ngỡ ngàng, ngước lên nhìn tôi.
“Anh không có ý gì khác. Chỉ là cảm thấy em… em hình như mệt rồi.”
“Vâng. Em hơi mệt.”
Thuyên chầm chậm đứng dậy, tôi đưa tay phải ra định đỡ em, bỗng cảm thấy không thỏa đáng, lại rút về ngay lập tức.
Thuyên ở tầng 16 một tòa chung cư có thang máy, rất gần vịnh Tây Tử.
Chúng tôi vào thang máy, tới tầng 16, Thuyên rút chìa khóa ra mở cửa.
“Vậy… anh đi nhé.” Tôi nhìn đồng hồ, gần bảy giờ rồi.
“Uống ly nước nhé? Em thấy anh rất mệt đó.”
“Anh không mệt.”
“Muốn em nói thẳng ra à?” Thuyên mỉm cười.
“Không không không… Em nói đúng, anh rất mệt.” Bị Thuyên nhìn thấu, tôi có phần ngại ngùng.
“Anh cứ ngồi tự nhiên, em lên lầu rót cho anh ly nước.”
“Ừ.”
Phòng của Thuyên chừng 10 mét vuông, còn có một căn gác xép bằng gỗ.
Dưới nhà là phòng khách, nhà tắm, bếp đơn giản. Bên cánh cửa sổ sát đất sát ban công, là một cây đàn dương cầm.
Tôi đi tới bên cánh cửa sổ, nhìn cảnh đêm bên ngoài, phong cảnh rất đẹp.
Bỗng nghe thấy một tiếng thở dài u uất, như thể vang vọng từ dưới đáy biển khơi.
Tôi ngoảnh lại, Thuyên đang tựa trên lan can gác xép.
“Haizzz…” Thuyên lại khẽ thở dài.
Tôi nhìn em nghi hoặc. Thuyên chống khuỷu tay lên lan can, hai tay tì má, ánh mắt hơi hướng lên trên.
“Romeo, tại sao chàng lại mang họ Montague? Chỉ có họ của chàng, mới là kẻ thù của ta, xin chàng hãy đổi họ, có được không? Chỉ cần chàng yêu ta, ta cũng sẽ không muốn mang họ Capulet nữa.”
“Được. Ta nghe lời nàng.”
“Là ai?” Ánh mắt Thuyên hoảng loạn tìm kiếm, “Ai đang nghe trộm lời ta trong đêm tối?”
“Ta không thể cho nàng biết tên của ta. Bởi vì nó là kẻ thù của nàng, ta căm hận nó.”
“Ta nhận ra tiếng chàng, chàng là Romeo, người của gia tộc Montague?”
“Không phải, hỡi nữ thần xinh đẹp, bởi vì nàng ghét cái tên đó.”
“Nhỡ may người nhà ta biết chàng đang ở đây thì làm thế nào? Ta tuyệt đối không được để bọn họ thấy chàng.”
“Nếu không có được tình yêu tôn quý của nàng, vậy thì hãy để người nhà phát hiện ra ta, để họ dùng sự hận thù của mình kết thúc sinh mệnh đáng thương này của ta đi.”
“Không, không thể được. Romeo, ai đã gọi chàng đến nơi này?”
“Là tình yêu, chính tình yêu đã đưa ta tới đây. Cho dù nàng và ta cách xa đại dương ngút ngàn, ta cũng sẽ mượn đôi mắt của tình yêu, vượt qua muôn trùng sóng gió để kiếm tìm nàng.”
“Xin hãy tha thứ cho ta, ta nên gìn giữ, nhưng bóng đêm đã tiết lộ bí mật của ta. Romeo yêu quý, xin hãy cho ta hay, phải chăng chàng thật lòng yêu ta?”
“Ta thề, với vầng trăng này chứng giám.”
“Xin đừng thề với vầng trăng, trừ khi tình yêu của chàng cũng khi tròn khi khuyết, khi tỏ khi mờ giống trăng kia.”
“Vậy ta phải thề làm sao?”
“Chàng không cần thề. Tuy ta thích chàng, nhưng lời thề ước tối nay dẫu sao cũng quá tùy tiện. Romeo, tạm biệt. Có lẽ lần sau khi gặp nhau, nụ hoa của tình yêu mới có thể nở ra thành đóa hoa xinh đẹp.”
“Nàng cứ ra đi như thế, không cho ta câu trả lời sao?”
“Chàng muốn nghe câu trả lời gì?”
“Hỡi Juliet thân yêu, nước mà ta muốn uống, nàng … nàng đã rót xong chưa?”
Thuyên hơi ngẩn người ra, tầm mắt cuối cùng cũng cúi xuống dưới, nhìn tôi, rồi bật cười.
“Em rót xong rồi, mời lên lầu.”
“Thế… có tiện không?”
“Không sao đâu.”
Tôi giẫm lên những bậc thang bằng gỗ, bước lên gác xép.
Gác xép cao chừng mét tám, có một chiếc giường và ba cái bàn học, giá sách gắn trên tường.
Chiếc bàn bên phải đặt máy tính và máy in, chiếc bàn bên trái chất đầy sách vở và bản thảo.
Thuyên ngồi trên chiếc ghế của chiếc bàn ở giữa, trên bàn chỉ có vài cây bút và giấy trắng.
“Xin đừng chê nơi này bừa bộn quá.” Thuyên mỉm cười.
Không tìm được chỗ nào để ngồi, tôi đành dựa lưng vào lan can, đứng uống hết nước.
“Đây là văn em mới viết, xin được chỉ giáo.”
“Em khách sáo quá.”
Tôi đón lấy mấy tờ giấy Thuyên đưa cho, đó là một tiểu thuyết chừng tám nghìn chữ.
Câu chuyện kể về một cô gái xinh đẹp, luân hồi mấy kiếp, không ngừng kiếm tìm người mình yêu.
Cuối cùng cũng tìm được người nàng yêu, nhưng nàng lại vì ký ức nặng trĩu của mấy kiếp sống, mà chìm sâu nơi đáy biển.
“Một câu chuyện bi thương.” Đọc xong, tôi nói.
“Không đâu.”
“Sao lại không? Cô gái này chẳng phải rất đáng thương sao?”
“Không.” Thuyên lắc đầu, “Cô ấy có thể tìm thấy, là đủ rồi.”
“Nhưng mà cô ấy…”
“Không sao đâu.” Thuyên cười cười, bình thản nói:
“Cho dù luân hồi qua mấy kiếp, cô ấy vẫn yêu thương sâu sắc cùng một người. Nếu đã tìm thấy, thì không cần phải đòi hỏi thêm gì nữa, bởi vì cô ấy đã hạnh phúc hơn phần lớn mọi người rồi.”
“Hạnh phúc sao?”
“Phải. Dù gì mỗi người sống đến cuối đời, chưa chắc đã biết được người mà mình yêu nhất. Dù biết, đối phương cũng chưa chắc đã đáng để đợi chờ mấy kiếp.”
“Ừ.” Tuy không hiểu lắm, nhưng tôi vẫn gật đầu.
“Đây chỉ là một câu chuyện mà thôi, đừng nghĩ ngợi nhiều quá.”
“Ủa? Em chắc không phải là nữ chính xinh đẹp đấy chứ?”
“Ha ha, dĩ nhiên là không. Bởi vì em chẳng hề xinh đẹp.” Thuyên cười cười, quay người dọn dẹp.
“Em rất xinh đẹp.”
“Thật sao?” Thuyên ngoảnh lại, ngỡ ngàng hỏi tôi.
“Khi Phạm Lãi khen Tây Thi đẹp, Tây Thi cũng giống em, cũng giật nảy mình.”
“Hả?”
“Đây là chuyện thật. Khi đó Tây Thi đang giặt lụa bên suối, bèn ngoảnh lại hỏi: Thật sao?”
Thuyên thoáng ngẫm nghĩ, rồi bật cười:
“Anh lại nhạo em rồi.”
“Phải rồi, có thể nhờ em giúp một việc được không?”
“Được chứ. Sao thế?”
“Ngón cái tay phải của anh, hình như bị chuột rút rồi.”
“Sao lại thế?”
“Bởi vì em viết hay quá, ngón cái của anh cứ phải ra sức bật mạnh lên, nên bị chuột rút.”
“Em không tin.”
“Là em bảo anh không được kìm nén nữa, cho nên anh đành nói thật thôi.”
“Thật không?”
“Em viết rất hay, là thật. Ngón cái bị chuột rút, là giả, cùng lắm là chỉ bị tê thôi.”
“Anh lúc nào cũng thế.” Thuyên cười nói.
“Nhưng, cuốn tiểu thuyết này thiếu một thứ.”
“Thiếu thứ gì?”
“Đó, là tì vết.”
“Anh thật sự rất thích nhạo em nhỉ… Ủa? Sao anh lại đứng?”
“Ờ…”
Thuyên bỗng sực tỉnh:
“Em quên mất ở đây chỉ có một chiếc ghế, thành thật xin lỗi.”
“Không sao. Dựa vào lan can, rất dễ chịu.”
“Xin lỗi.” Hình như Thuyên rất ngại ngùng, lại xin lỗi thêm một lần nữa, rồi nói tiếp:
“Bởi vì em chưa từng cho ai lên trên đây.”
“Vậy có phải anh nên…”
“Là anh thì không sao.”
Thuyên đứng dậy, cũng bước tới dựa vào lan can.
“Em thường dựa vào lan can này, suy nghĩ.”
“Nghĩ gì thế?”
“Em không rõ lắm. Hình như… hình như em chỉ đang chờ đợi.”
“Chờ đợi?”
“Ừm. Em luôn cảm thấy, sẽ có người xuất hiện. Em chỉ cứ luôn chờ đợi.”
“Đã xuất hiện chưa?”
“Em không biết.” Thuyên lắc đầu, “Em chỉ biết, em đã đợi rất lâu, rất lâu.”
“Em đã đợi bao lâu?”
“Có lẽ đã mấy trăm năm rồi.”
Tôi chợt nhớ ra cảnh tượng chiều nay trên bờ đê vịnh Tây Tử, không khỏi trầm ngâm suy nghĩ.
Dường như Thuyên cũng vậy.
Vì thế chúng tôi đều không nói gì.
Đôi lúc ánh mắt giao nhau, cũng chỉ cười cười.
“Anh nói em đẹp, là thật.”
“Em tin anh.”
“Anh thích truyện em viết, cũng là thật.”
“Ừm.” Thuyên gật đầu.
“Chỉ có một truyện, anh không biết là thật hay là giả?”
“Chuyện gì?”
“Đoạn kịch mà chúng ta vừa diễn.”
“Em… em cũng không biết.”
“Anh nghĩ, anh nên về rồi.” Tôi lại nhìn đồng hồ.
“Vâng.”
Chúng tôi đi xuống nhà, Thuyên tiễn tôi ra cửa.
“Nếu mệt thì phải nghỉ sớm.”
“Ừ.”
“Vậy… anh đi đây.”
“Chúng ta có còn…”
“Sẽ còn gặp mặt. Đừng lo.”
“Nhưng…”
“Nhưng gì?”
“Em cảm thấy anh… anh là kiểu người sẽ đột nhiên biến mất.”
“Không đâu.”
“Thật không?”
“Ừ.” Tôi cười, “Anh không biết làm ảo thuật, hơn nữa cũng không có thói quen giật hụi.”
“Xin đừng… nói đùa.”
“Xin lỗi.” Tôi đưa tay phải ra, “Cho anh mượn chứng minh thư của em một lát.”
“Để làm gì?”
“Anh thề với chứng minh thư của em, chắc chắn sẽ đáng tin hơn thề với ánh trăng.”
“Sao không dùng chứng minh thư của anh?”
“Bởi vì em không tin anh.”
“Em tin anh là được rồi.” Cuối cùng Thuyên cười.
Tôi ra khỏi nhà Thuyên, quay người chúc cô ấy ngủ ngon.
Thuyên dựa vào cánh cửa đang mở ra 30 độ, nửa người bên trái khuất sau cánh cửa, để lộ ra nửa người bên phải.
Em không nói gì, tay phải khẽ nắm lấy tay nắm cửa.
Tôi lại nói chúc ngủ ngon, tay phải của Thuyên chầm chậm buông tay nắm, khẽ vẫy sang hai bên trái phải năm lần.
Tôi gật đầu, quay người đi, bước một bước.
Như thoáng nghe thấy tiếng Thuyên khẽ kêu lên thảng thốt phía sau tôi.
Tôi đành quay người lại một lần nữa, rút chân ra khỏi cửa nhà Thuyên.
Mỗi bước tôi đi, cánh cửa lại khép lại thêm một chút.
Cho tới khi cửa khép lại, tôi dừng bước, chờ đợi.
Tiếng khóa cửa lách cách vang lên, tôi mới quay người đi về phía thang máy.
Tiếp tục quỹ đạo cuộc sống ở Đài Nam.
Cuối cùng cũng tới hạn nộp bản thảo luận văn, tôi mang đơn đăng ký tới cho thầy hướng dẫn ký tên.
Khi cầm bút chuẩn bị ký tên, thầy bỗng hỏi tôi:
“Cậu có cảm thấy, tôi là một thầy giáo rất tốt không?”
“Dĩ nhiên là có ạ.”
“Cậu có cảm thấy, làm nghiên cứu với tôi là một may mắn không?”
“Dĩ nhiên là may mắn ạ.”
“Thế sao cậu nỡ tốt nghiệp? Học thêm một năm nữa đi.”
“Ơ…”
“Ha ha… hết hồn chưa?”
Tôi theo thầy hướng dẫn làm nghiên cứu hai năm, tới lúc này mới phát giác, hóa ra thầy cũng là một cao thủ.
Chỉ là óc hài hước kiểu này, dễ lấy mạng nhau như chơi.
Bách Sâm và tôi có cùng một giáo viên hướng dẫn, nó cũng bị thầy dọa một trận.
“Bài luận văn này của cậu viết rất tốt.” Thầy nói.
“Đó đều là nhờ công chỉ dạy của thầy ạ.” Bách Sâm cúi người đáp.
“Bài luận văn này của cậu, gần như đã viết hết tất cả những thứ tôi biết.” Thầy tấm tắc khen ngợi.
“Thầy sự nghiệp lớn lao, một bài luận văn sao có thể bao quát cho đủ ạ?” Bách Sâm vẫn cung kính.
“Nói cũng phải. Vậy cậu phải viết hai bài luận văn mới được tốt nghiệp.”
“Dạ?”
“Ha ha… cậu cũng hết hồn hả?”
Anh Tử Nghiêu thảm hơn, lúc mang bản đăng ký đến cho giáo viên hướng dẫn ký tên, giáo viên hướng dẫn của anh còn sửng sốt hỏi:
“Cậu là sinh viên của tôi à?”
“Vâng ạ.”
“Sao tôi chẳng có ấn tượng gì với cậu thế?”
“Thầy là quý nhân, khó tránh khỏi quên lãng ạ.”
“Câu này nói rất tuyệt, hiện giờ tôi cũng quên mất tên tôi viết thế nào rồi.”
Cuối cùng anh Tử Nghiêu phải đi nhờ một đàn anh học tiến sĩ chứng minh thân phận giúp, thầy giáo mới chịu ký tên.
Ba chúng tôi bảo vệ luận văn cùng một ngày, quá trình rất thuận lợi.
Tối hôm đó, bọn tôi mời chị Tú Chi và Minh Thanh ăn cơm, tiện thể gọi cả Tôn Anh tới.
“Tú Chi à…” Trong lúc ăn cơm, anh Tử Nghiêu đột nhiên gọi chị Tú Chi.
“Anh không muốn sống nữa hả? Gọi gì mà kinh tởm thế.” Chị Tú Chi trừng mắt.
“Năm nay chúng ta cùng tốt nghiệp, vì thế tôi không cần gọi cô là đàn chị nữa rồi.”
“Anh…”
“Chưa biết chừng năm nay cô chẳng tốt nghiệp nổi, tôi còn phải gọi cô là em Tú Chi nữa đó.”
“Anh dám trù ẻo tôi?” Chị Tú Chi đập bàn đứng dậy.
“Anh Tử Nghiêu nói đùa thôi chị, đừng giận.” Bách Sâm ngồi sát bên cạnh chị Tú Chi, cười giả lả.
“Nhưng mà Tú Chi à…” Bách Sâm lại cũng bắt đầu gọi.
“Thằng ranh này muốn chết đây!” Bách Sâm còn chưa dứt lời, chị Tú Chi đã giáng cho cậu ta một cái tát nảy lửa.
Khiến Bách Sâm tối tăm mặt mũi, hai tay ôm đầu rống thảm thiết.
“Âm thanh của cú tát này thật giòn giã quá.” Tôi hả hê trên sự đau khổ của người khác.
“Đúng thế. Không chỉ giòn giã, mà còn chói tai.” Minh Thanh cũng cười phụ họa.
“Đau không?” Chỉ có Tôn Anh, đưa tay khẽ xoa đầu cho Bách Sâm.
Ăn cơm xong, cả sáu người cùng về nhà bọn tôi.
Tôn Anh nói tháng sau cô ấy được điều tới Chương Hóa, phải rời khỏi Đài Nam.
Chúng tôi nói một loạt những lời chúc phúc, Tôn Anh mỉm cười đón nhận.
Trước khi Tôn Anh đi, còn bắt tay tạm biệt từng người.
Nhưng khi đối diện Bách Sâm, cô ấy lại chỉ nói hai câu “Tạm biệt” và một câu “Bảo trọng”.
Tôn Anh về rồi, chúng tôi ngồi trong phòng khách nói chuyện một lúc, rồi ai về phòng nấy.
Minh Thanh vào phòng chị Tú Chi tán dóc một lúc, rồi lại tới phòng tôi.
“Quá Nhi, chúc mừng bạn.”
“Cảm ơn bạn.” Tôi ngồi vào bàn học, ngoảnh lại mỉm cười.
“Cuối cùng bạn đã được giải thoát, năm sau tới lượt mình.”
“Ừ. Bạn cũng phải cố lên nhé.”
“Ừ.” Minh Thanh gật đầu, như đầy tự tin.
“Quá Nhi, bạn có nhận ra không?”
“Nhận ra gì cơ?”
“Chị Tú Chi và anh Tử Nghiêu ấy.”
“Họ làm sao?”
“Bạn không phát hiện ra, dù anh Tử Nghiêu chọc giận chị Tú Chi đến thế nào, chị ấy cũng không hề động thủ à.”
“Đúng vậy!” Tôi sực tỉnh ngộ, “Còn Bách Sâm mà động đến chị ấy, thì bị bụp ngay.”
“Còn gì nữa?”
Tôi nhớ lại bàn tay khẽ xoa đầu Bách Sâm của Tôn Anh, và ánh mắt cô ấy lúc nói với Bách Sâm câu bảo trọng và tạm biệt.
Không khỏi khẽ thốt lên:
“Tôn Anh đối với Bách Sâm cũng thế.”
“Ha ha, bạn cũng không đến nỗi chậm chạp quá.”
Từ khi quen Thuyên, về phương diện này, tôi như trở nên nhạy cảm hẳn.
Đầu tôi bỗng lóe lên cảnh tượng trước đây khi ở bên Minh Thanh.
Động tác của Minh Thanh, lời nói của Minh Thanh, ánh mắt của Minh Thanh, như được soi qua một chiếc kính hiển vi, không ngừng phóng đại.
Minh Thanh đối với tôi, hơn hẳn chị Tú Chi đối với anh Tử Nghiêu, và Tôn Anh đối với Bách Sâm.
“Quá Nhi, bạn đang nghĩ gì thế?”
“Cô Cô, bạn…”
“Mình làm sao?”
“Hình như bạn cắt tóc ngắn đi rồi, trông xinh hẳn ra.”
“Ha ha, cảm ơn. Bạn thật tinh tế.”
“Cô Cô…”
“Chuyện gì thế?”
“Bạn… bạn đúng là một cô gái rất tốt.”
“Bạn lại lên cơn rồi.”
“Cô Cô…”
“Tốt nhất bạn hãy nói câu gì có ý nghĩa một chút, nếu không…”
Minh Thanh làm bộ xắn tay áo lên, đi đến trước bàn làm việc.
“Tại sao… bạn lại tốt với mình như vậy?”
Minh Thanh ngẩn người ra, hạ tay xuống, nhìn tôi chăm chăm, sau đó cúi đầu nói:
“Bạn nói linh tinh, mình… mình đâu có.”
“Tại sao lại tốt với mình như thế?”
“Làm sao mình biết được?”
“Vậy bạn thừa nhận là có rồi nhé.”
“Đừng nói linh tinh. Mình đối với bạn là tồi tệ nhất, mình hay đánh bạn, chẳng phải sao?”
“Đó không phải là đánh. Đó chỉ là một động tác quan tâm mãnh liệt.”
“Mình không nói nhăng nhít với bạn nữa, mình xuống nhà tìm chị Tú Chi đây.”
Minh Thanh xoay người định rời đi, tôi khẽ kéo tay áo cô ấy lại.
“Gì thế?” Cô ấy cúi đầu, khẽ hỏi.
“Cô Cô…”
“Đừng… không được…”
“Đừng cái gì? Không được cái gì?”
“Đừng bắt nạt mình. Cũng không được bắt nạt mình.”
“Mình đâu có.”
“Thế sao bạn kéo mình lại?”
“Mình chỉ… chỉ là mong bạn ở lại thêm một lúc.”
“Ừ. Thế thì bạn phải nói chứ.”
Tôi ngồi trước bàn học, sững người. Minh Thanh đứng cạnh bàn học, cứng đờ.
“Sao không nói gì?” Minh Thanh là người phá vỡ sự im lặng trước.
“Mình…” Tôi bỗng mất khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ.
“Nếu không nói, thì mình đi đây.”
“Mình chỉ…” Tôi đứng dậy, tay phải đụng vào cái đèn trên bàn, phát ra tiếng động.
“Coi chừng.” Minh Thanh đỡ lấy cây đèn đang chao đảo.
“Ủa? Đây là cây tầm gửi mà?”
Minh Thanh chỉ vào cành cây khô màu vàng kim tôi treo trên cây đèn.
“Đúng thế. Chính là cây tầm gửi mà bạn đã tặng mình.”
“Không ngờ thật sự biến thành màu vàng kim.” Minh Thanh lại ngắm nghía, “Treo ở đây làm gì thế?”
“Chẳng phải bạn nói cây tầm gửi sẽ mang tới may mắn và tình yêu sao? Vì thế mình treo nó ở đây, học hành có lẽ sẽ thuận lợi hơn.”
“Ừm.” Minh Thanh gật đầu.
“Quá Nhi, có lúc mình cảm thấy, bạn rất giống cây tầm gửi.”
“Hả? Thật thế à?”
“Đó chỉ là cảm giác của mình thôi. Mình luôn cảm thấy bạn cứ không ngừng hút dưỡng chất, dù là từ sách vở hay từ người khác, sau đó trưởng thành và vững chãi.”
“Vậy sao? Vậy cây chủ lớn nhất của mình là ai?”
“Điều này mình làm sao biết được?”
Tôi ngẫm nghĩ:
“Có lẽ là bạn đó.”
“Tại sao?”
“Bởi vì, mình nhận được nhiều dưỡng chất nhất, là từ trên người bạn.”
“Đừng nói linh tinh.” Minh Thanh cười cười.
Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy Minh Thanh nói tôi giống cây tầm gửi, thực ra cũng chỉ có Minh Thanh nói thế.
Tuy có thể là cô ấy chỉ buột mồm nói vậy, nhưng tối hôm đó, tôi đã suy nghĩ rất lâu.
Từ thời đại học, những người xuất hiện nhiều nhất trong cuộc đời tôi là: Lâm Minh Thanh, Lý Bách Sâm, Tôn Anh, Dương Tú Chi và Diệp Tử Nghiêu.
Trừ Diệp Tử Nghiêu ra, tên của tất cả mọi người, đều mang bộ Mộc.
Nhưng dù là Diệp Tử Nghiêu, thì “Diệp Tử ” cũng liên quan đến cây cỏ.
Họ không chỉ ảnh hưởng tới tôi, mà vô hình trung, gần như tôi cũng nhận được dưỡng chất từ người họ.
Còn cây chủ lớn nhất của tôi thì sao?
Trước khi quen Minh Thanh, có lẽ đó là Bách Sâm.
Sau khi quen Minh Thanh, e rằng đó chính là Minh Thanh.
Minh Thanh khiến tôi có tự tin, cũng khiến tôi tin bản thân mình là một người thông minh và có tài, càng khiến tôi không còn cảm thấy mình là người kỳ cục, và tôn trọng bản sắc của riêng mình.
Tôi, hình như quả thật là một cây tầm gửi.
Vậy còn Phương Thuyên?
Phương Thuyên chẳng có chút liên hệ gì với cây cỏ hết.
Nhưng có khi nào, khi tôi trở thành một cây tầm gửi trưởng thành, lại đem toàn bộ năng lượng, dành cho Thuyên?
Tổng cộng hai lần, Minh Thanh nói tôi giống một cây tầm gửi.
Nhưng lần thứ hai cô ấy nói tôi là cây tầm gửi, lại khiến tôi rời khỏi Đài Nam, đến Đài Bắc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.