Cha, điểm tựa đời con

BÀI HỌC TRONG ĐƯỜNG HẦM SÂN BÓNG



Hãy bắt đầu làm những điều cần thiết; sau đó tới cái có thế; và sẽ có lúc bạn nhận ra mình đang làm điều không thể.

St. Francis of Assisi

Con đứng ở điểm phát bóng, đưa mắt bao quát một vòng quanh sân. Lúc này, trông con vừa người lớn vừa trẻ con. Con đứng chụm hai đầu gối lại, cái áo thun quá khổ che luôn cả cái quần soóc con đang mặc. Con nâng gậy lên theo đủng cách bố đã dạy để chuẩn bị phát bóng. Cái mũ bảo hộ to màu đỏ lắc lư trên đầu con. Trên khán đài, mẹ siết chặt hai tay lại trong khi bố con lại rất bình thản.

Mẹ nhớ lại những ngày con mới tham gia đội bóng. Khi đó, các huấn luyện viên đều khuyên bố mẹ nên cho con chơi bóng với những đứa trẻ nhỏ hơn con bốn hoặc năm tuổi. Họ nói: “Thằng bé quá nhỏ so với tuổi.” Mẹ hiểu họ lo lắng cho sự an toàn của con. Sau đó, bố đã dành thời gian dạy con chơi bóng ở sân nhà và thuyết phục các huấn luyện viên cho con chơi chung với những bạn cùng tuổi. Bố con bảo rằng: “Nếu để thằng bé xuống lớp dưới thì nó sẽ bị nhụt chí mất.”

Giờ đây, khi ngồi trên khán đài xem con thi đấu trận đầu tiên, mẹ vẫn không khỏi lo lắng.

– Con mình nhỏ quá. – Mẹ khẽ nói với bố.

Bố vỗ vai mẹ, trấn an:

– Con sẽ ổn thôi em ạ.

Mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía con. Mẹ nhắm mắt cầu nguyện: “Xin Người hãy nâng đỡ thằng bé. Đây là việc có ý nghĩa cả đời đối với nó.”

Con vung gậy lên, cử chỉ thật vụng về với cây gậy quá dài so với người con. Rồi con để hụt bóng. Mẹ cúi đầu giấu đi dòng nước mắt chợt trào ra.

Một cầu thủ của đội đối phương lên tiếng cười nhạo. Huấn luyện viên đến vỗ vai và thì thầm gì đó vào tai con. Rồi ông đứng lùi lại, nhường chỗ cho con tiếp tục vung gậy. Con mím chặt môi, dồn hết tâm sức của mình vào cú đánh. Trái bóng bay lên và… rớt xuống chân con.

Mẹ nghe thoáng bên tai mình lời nói của ai đó:

– Có lẽ thằng bé không đánh nổi đâu.

Mẹ không phải là người yêu thích thể thao, cũng chẳng rành về luật thi đấu. Nhưng khi thấy con bước ra khỏi vị trí, mẹ đã đứng lên ghế và hét thật to:

– Cố lên Ford! Chạy nhanh lên con!

Bên cạnh mẹ, bố cũng cố sức hét theo.

Nhưng một lần nữa, con lại không đuổi kịp quả bóng. Hiệp đấu kết thúc, con chạy theo các bạn vào đường hầm dành cho cầu thủ. Mẹ nhìn theo con, chỉ muốn chạy đến ôm con vào lòng để an ủi nhưng bố khuyên mẹ hãy bình tĩnh.

– Đây là lúc cả đội hội ý với nhau và cũng là lúc để con mình lấy lại sự tự tin.

Bố bảo rằng là một cầu thủ nghĩa là học cách thích nghi với những lời chỉ trích cũng như những lời chế nhạo hoặc trêu ghẹo của đối phương và đôi khi là từ chính đồng đội của mình.

Bố bảo mẹ:

– Em đừng đi vào đường hầm.

Lòng mẹ đau nhói trong mười phút con khuất khỏi tầm mắt. Mẹ không biết chuyện gì sẽ xảy ra với con trong đường hầm. Dù hiểu những trải nghiệm này là cần thiết cho sự trưởng thành của con nhưng thật sự mẹ vẫn không thể chịu đựng được suy nghĩ rằng con đang phải một mình đối mặt với tất cả. Bố hiểu cảm giác của mẹ nên bố liên tục trấn an:

– Thằng bé không sao đâu. Nó sẽ ổn thôi mà.

Ở hiệp thi đấu tiếp theo, con lại được cầm gậy. Vậy mà mẹ đã tưởng con sẽ không được ra sân trong hiệp đấu này cơ đấy. Trong cái đường hầm ấy, con đã học được bài học trưởng thành theo cách mà mẹ không thể hiểu được.

Con vững vàng giơ gậy lên. Huấn luyện viên của con mỉm cười khích lệ. Con vung gậy nhưng mẹ không đủ can đảm để nhìn theo. Thế rồi có tiếng hét lên:

– Chạy đi, Ford!

Mẹ vội mở mắt và nhìn thấy con chạy về đầu tiên. Con đã chiến thắng! Đám đông reo hò và vỗ tay cổ vũ con. Mẹ mỉm cười nhìn sang bố. Bố con cũng đang cười rất tươi. Thêm hai cú đánh thành công nữa và con tiến về chốt chặn thứ ba. Con đưa mắt nhìn lên khán đài tìm bố mẹ. Cú đánh kế tiếp trúng bóng và con chạy về khu vực của mình. Kết thúc trận đấu, con cùng các bạn đi vào đường hầm. Bố mẹ dõi mắt nhìn theo và thật sự tự hào về con.

– Sarah Smiley


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.