Chân dung một chàng trai trẻ

Chương V – Phần 8 (Hết)



Stephen, người đang lắng nghe một bài diễn văn hiểu ngầm đằng sau câu chữ, cất tiếng, làm ra vẻ thiếu thận trọng:

– Pascal, nếu tớ không nhớ nhầm, sẽ không phải chịu đựng cái hôn của mẹ vì sợ hãi mọi sự tiếp xúc khác giới.

– Pascal là một con lợn. – Cranli nói.

– Tớ nghĩ rằng Aloysius Gonzaga cũng có một trí tuệ như thế. – Stephen nói.

– Và sau đó ông ta cũng là một con lợn nữa. – Cranli nói.

– Nhà thờ gọi ông ta là một vị thánh. – Stephen khó chịu.

– Tớ không quan tâm đến những cách gọi chết tiệt mà mọi người gọi ông ta. – Cranli thẳng thừng và sống sượng nói. – Tớ gọi ông ta là một con lợn.

Stephen, chuẩn bị kĩ lưỡng câu nói trong đầu và tiếp tục:

– Chúa Giê-su nữa, có vẻ như đối xử với mẹ ông ta không được nhã nhặn lắm trước công chúng, nhưng Suarez, một nhà thần học và một người đàn ông Tây Ban Nha, đã tạ lỗi cho ông ta.

– Ý tưởng này đã từng nằm trong đầu cậu à? – Cranli hỏi. – Rằng Chúa Giê-su không phải như những gì ông ấy giả vờ?

– Người đầu tiên lóe lên ý tưởng ấy chính là Giê-su. – Stephen trả lời.

– Ý tớ là, – Cranli nói, cứng nhắc hơn trong cách nói, – cậu đã từng có khi nào lóe lên một ý nghĩ rằng ông ta ý thức được mình là một kẻ đạo đức giả, cái mà ông ta gọi là người cho vay nặng lãi: một kẻ giả nhân giả nghĩa? Hay nói một cách đơn giản rằng ông ta là một kẻ đê tiện?

– Ý tưởng đó chưa bao giờ lóe lên trong tớ. – Stephen trả lời. – Nhưng tớ tò mò muốn biết là cậu đang cố gắng cải tạo tớ hay chính cậu cũng là người bỏ đạo?

Cậu quay lại nhìn thẳng vào mặt bạn cậu và nhìn thấy một nụ cười non nớt thể hiện một vài sức mạnh của ý chí đang nỗ lực để làm cho mình trưởng thành hơn.

Cranli bất thình lình hỏi bằng giọng nói ngay thẳng, dễ hiểu:

– Nói với tớ sự thật đi. Cậu có bị sốc về tất cả những gì tớ nói không?

– Một chút. – Stephen trả lời.

– Và tại sao cậu lại sốc – Cranli tiếp tục vẫn bằng giọng điệu ấy, – nếu cậu chắc chắn rằng tôn giáo của chúng ta là giả dối và rằng Giê-su không phải là con của Chúa?

– Tớ không thực sự chắc chắn về tất cả. – Stephen trả lời. – Ông ta có vẻ như là con của Chúa Trời hơn là con của Đức mẹ Mary.

– Và rằng tại sao cậu không chịu nhận lễ ban thánh thể – Cranli hỏi, – bởi lẽ cậu cũng không chắc chắn về điều đó, bởi vì cậu cũng cảm nhận được bánh thánh. Có thể là thân thể và máu của con của Chúa Trời chứ không phải là bánh mì và rượu vang? Và cũng có thể tại vì cậu sợ điều đó?

– Đúng vậy. – Stephen ôn tồn đáp. – Tớ cảm thấy rằng tớ cũng sợ nó.

– Tớ hiểu rồ.i – Cranli nói.

Stephen, tấn công bằng giọng nói kết thúc, ngay lập tức bắt đầu lại thảo luận, nói:

– Tớ sợ rất nhiều thứ: Chó, ngựa, súng cầm tay, đại dương, những cơn bão có sấm chớp, máy móc, đường quê ban đêm.

– Nhưng tại sao cậu lại sợ một mẩu bánh mì?

– Tớ tưởng tượng rằng – Stephen nói, – rằng có một sự thực dã tâm ẩn sau những thứ đó.

– Và rồi cậu có sợ rằng – Cranli hỏi, – Chúa trời của Nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã sẽ đánh cậu đến chết và nguyền rủa cậu nếu cậu ăn trộm đồ thờ trong lễ ban thánh thể không?

– Bây giờ, Chúa trời của Nhà thờ Thiên Chúa La Mã có thể làm điều đó. – Stephen nói. – Tớ sợ hãi điều đó còn hơn cả những phản ứng hóa học mà chúng sẽ được làm trong linh hồn tớ bởi một sự tôn kính giả dối đối với một biểu tượng mà tụ hội hai mươi thế kỉ của uy quyền và sự sùng kính.

– Trong nguy cơ cuối cùng, cậu có phạm tội báng bổ thần thánh không? – Cranli hỏi. – Ví dụ, nếu cậu phải sống trong những ngày bị trừng phạt?

– Tớ không thể trả lời cho quá khứ – Stephen đáp. – Có lẽ không.

– Lát sau, cậu có ý định trở thành một người theo đạo Tin lành không? – Cranli hỏi.

– Tớ đã nói là tớ đánh mất lòng trung thành – Stephen trả lời, – nhưng không phải vì thế mà tớ đánh mất lòng tự trọng. Loại giải phóng nào mà trừ bỏ được sự ngu xuẩn hợp với lôgic, liền mạch và đi theo cái phi lí và rời rạc?

Họ tiếp tục đi về phía ngoại ô của thành phố Pembroke, và lúc này khi họ từ từ đi dọc theo những đại lộ, dưới những hàng cây, và ánh sáng lác đác trong những ngôi nhà ở nông thôn làm dịu tâm trí họ. Bầu không khí của sự giàu sang và thanh bình tràn vào họ dường như đang dỗ dành an ủi về cảnh túng thiếu của họ. Đằng sau hàng rào ngăn cách của cây nguyệt quế, một ánh sáng chập chờn le lói từ cửa sổ trong nhà bếp và giọng nói của một người hầu, vang lên như thể cô ấy đang mài sắc những con dao. Cô ta hát với những nhịp ngắn đứt quãng:

Hoa hồng hàm tiếu của nhân gian.

Cranli dừng lại để nghe, và lên tiếng bằng tiếng La-tinh:

– Một phụ nữ đang hát.

Vẻ đẹp nhẹ nhàng của từ tiếng La-tinh gõ nhẹ vào phải bùa mê của bóng tối, với một cảm giác oi bức làm cho tin cảm giác của âm nhạc hay của một bàn tay phụ nữ. Cuộc tranh luận trong tâm trí họ bị kìm nén lại. Hình dáng của người phụ nữ xuất hiện trong nghi thức tế lễ của nhà thờ, im lặng xuyên qua bóng tối: một người trong chiếc áo choàng trắng, nhỏ bé và mảnh khảnh như một cậu bé.

Mọi con tim đều cảm nhận được và quay về phía giọng nói của cô, tỏa sáng như một ngôi sao trẻ tuổi, ngày càng sáng hơn khi giọng nói có trọng âm ở âm tiết áp cuối và càng uể oải hơn khi ngữ điệu mất đi.

Và cả hai người cùng với chúa Giê-su.

Tất cả mọi trái tim đều thổn thức với giọng hát của cô. Tiếng hát sáng lên như một ngôi sao mới mọc với giọng hát êm dịu rõ ràng với trọng âm chuẩn xác và chậm dần đi khi nhịp điệu mất dần.

Tiếng hát ngừng lại. Họ vẫn sánh vai bên nhau bước đi. Cranli nhắc lại nhịp điệu mạnh mẽ và kết thúc bằng một điệp khúc:

Và khi chúng ta cưới nhau.

Ôi, chúng ta sẽ hạnh phúc nhường nào.

Vì tôi yêu bông hồng hàm tiếu của O’ Grady

Và Bông hồng hàm tiếu của O’ Grady cũng yêu tôi.

– Đó thực sự là một bài thơ cho cậu – Cranli nói. – Một tình yêu thực sự.

Cranli ngó sang nhìn Stephen với một nụ cười và nói:

– Cậu có cho rằng đó là thơ không? Hay cậu có biết những câu đó có nghĩa gì không?

– Trước tiên tớ muốn nhìn thấy bông hồng hàm tiếu. – Stephen nói.

– Rất dễ dàng tìm cô ấy. – Cranli nói.

Mũ của Cranli rơi xuống trán. Cậu ta đẩy mũ lại và dưới bóng tối của tán cây, Stephen nhìn thấy một khuôn mặt tái nhợt nổi bật lên trong bóng tối, đôi mắt to đen của Cranli. Đúng vậy! Khuôn mặt Cranli rất điển trai và cơ thể cậu ta cũng cường tráng và cơ bắp. Cranli đã nói về tình yêu của người mẹ. Rồi sau đó, cậu cảm nhận được những nỗi thống khổ của người phụ nữ, sự yếu ớt của thể xác và tâm hồn; sẽ bảo vệ họ bằng cánh tay cơ bắp và rắn chắc và nhường nhịn họ.

Tiếp theo là đi: bây giờ là lúc ra đi. Một giọng nói nhẹ nhàng nói với trái tim cô đơn của Stephen, mời chào cậu ra đi và bảo cậu rằng tình bạn này đang đi đến điểm kết thúc. Đúng vậy!

Stephen sẽ ra đi! Stephen không thể chống lại những người khác. Cậu biết nhiệm vụ của mình.

– Gần như chắc chắn tớ sẽ ra đi. – Stephen nói.

– Đi đâu? – Cranli hỏi.

– Bất cứ nơi nào có thể. – Stephen nói.

– Vậy à! – Cranli nói. – Hiện tại có lẽ sẽ khó cho cậu sống ở nơi đây. Nhưng đó có phải là nguyên nhân khiến cậu phải ra đi?

– Tớ phải đi. – Stephen trả lời.

– Tại vì – Cranli tiếp tục, – cậu cần phải chăm lo lấy chính bản thân khi bị xua đuổi nếu cậu không mong muốn ra đi như một tên dị giáo hay một kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Có rất nhiều tín đồ sẽ suy nghĩ về việc ra đi của cậu. Nó có làm cho cậu ngạc nhiên không? Nhà thờ không phải là tòa nhà bằng đá, cũng không phải là giới tăng lữ cùng với giáo điều. Đó là toàn bộ số đông của những người chịu đựng nó. Tớ không biết cậu mong muốn gì ở cuộc đời này. Có phải những điều cậu đã nói cho tớ trong cái đêm chúng ta đứng tại trạm xe trên phố Harcourt?

– Đúng vậy! – Stephen nói, cười chính bản thân mình, không đếm xỉa tới cái cách Cranli nhớ lại những ý định trong mối liên hệ với các địa điểm. – Cái đêm mà cậu tranh luận ầm ĩ với Doherty trong nửa giờ đồng hồ về con đường ngắn nhất từ Salligap đến Larras.

– Đúng là đầu đất! – Cranli nói với sự khinh bỉ điềm tĩnh. – Cậu ta có biết những gì về con đường từ Salligap đến Larras không? Hay là cậu ta có biết gì về vấn đề này không?

Cranli dừng lại trong một tràng cười to dài.

– Thôi được rồi? – Stephen nói. – Cậu còn nhớ phần còn lại không?

Cậu nói gì? – Cranli hỏi lại. – Ừ! Tớ vẫn nhớ nó. Để khám phá lối sống hay nghệ thuật nhờ đó tinh thần cậu có thể biểu lộ chính nó trong sự tự do được giải phóng.

Stephen bỏ mũ biểu lộ sự thừa nhận.

– Tự do! – Cranli nhắc lại. – Nhưng cậu không thể đủ tự do ngay cả khi phạm tội báng bổ thánh thần. Nói cho tớ biết cậu có định ăn cắp không?

– Đầu tiên tớ sẽ đi ăn xin – Stephen nói.

– Và nếu cậu không xin được cái gì, cậu sẽ đi ăn cướp à?

– Cậu muốn tớ trả lời à? – Stephen hỏi lại. – Đó là quyền sở hữu tài sản tạm thời, và trong một hoàn cảnh nào đó sẽ không trái pháp luật khi ăn cướp. Tất cả mọi người hành động bằng niềm tin đó. Vì thế tớ sẽ không trả lời câu hỏi đó của cậu. Áp dụng theo các học thuyết thần học, Juan Mariana de Talavera, người cũng sẽ giải thích cho cậu trong hoàn cảnh nào cậu có thể đúng pháp luật khi giết vua của mình và liệu cậu có định giết ông ta bằng một li thuốc độc không? Hãy hỏi tớ xem tớ nên chịu để những kẻ khác cướp đồ của tớ và nếu chúng làm như vậy, tớ sẽ gọi chúng là sự trừng phạt bằng quyền lực lâu dài.

– Và cậu sẽ làm chứ?

– Tớ nghĩ là vậy! – Stephen nói. – Nó sẽ làm tớ đau đớn như là khi tớ bị ăn cướp.

– Tớ hiểu rồi. – Cranli nói.

Cranli giơ ra một que diêm và bắt đầu xỉa sạch kẽ răng. Sau đó Cranli nói bất cẩn:

– Nói cho tớ nhé! Ví dụ, cậu có định phá trinh một cô gái còn trinh trắng không?

– Xin lỗi nhé! – Stephen lịch sự trả lời. – Đó có phải là tham vọng của hầu hết những thằng đàn ông trẻ không?

– Vậy thì quan điểm của cậu về việc này ra sao? – Cranli hỏi. Câu nói cuối cùng của Cranli, một mùi ôi thiu như mùi khói của than bùn làm nản lòng cậu, kích thích tâm trí Stephen.

– Hãy nghe này, Cranli – Stephen nói. – Cậu vừa hỏi tớ cái gì tớ sẽ làm và cái gì tớ sẽ không làm. Tớ sẽ nói cho cậu cái gì tớ sẽ làm và cái gì tao sẽ không làm. Tớ sẽ không phục vụ cái gì tớ không còn tin tưởng nữa, dù cái đó là gia đình, tổ quốc hay tôn giáo của tớ. Rồi tớ sẽ cố gắng phát biểu cá tính của mình thông qua một cách sống và lối sáng tạo nghệ thuật, tự do và triệt để trong khả năng có thể. Để tồn tại, tớ chỉ sử dụng những khí giới mà tớ tự cho phép mình được sử dụng: sự im lặng, sự đày ải và sự xảo trá.

Cranli túm lấy tay Stephen và hướng cậu trở về phía công viên Leeson. Cậu ta cười rất ranh mãnh và bóp chặt tay của Stephen thể hiện sự yêu mến của một người từng trải hơn.

– Thực sự xảo trá! – Cranli nói. – Có phải cậu không đấy? Một nhà thơ tội nghiệp!

– Và cậu làm tớ phải thú nhận với cậu. – Stephen nói, cảm động vì cái siết tay của Cranli. – Cũng giống như tớ đã từng thú nhận với cậu rất nhiều việc khác đúng không?

– Đúng vậy, thằng bạn thân của tớ. – Cranli vẫn vui vẻ trả lời.

– Cậu làm tớ thú nhận những nỗi sợ hãi của tớ. Tớ cũng nói cho cậu những thứ tớ không sợ. Tớ không sợ cô đơn hay bị hắt hủi bởi những người khác hay vứt bỏ những gì tớ phải vứt bỏ. Tớ không sợ mắc lỗi, thậm chí cả những lỗi lớn hay cả đời mắc lỗi.

Cranli lại từ tốn, chậm chạp bước và nói:

– Cô đơn, thực sự cô đơn. Cậu đâu có sợ nó. Và cậu có biết ý nghĩa của từ này không? Không chỉ là sự tách rời với tất cả mọi người mà thậm chí là không có nổi một người bạn.

– Tớ sẽ mạo hiểm. – Stephen trả lời.

– Và không cần thiết bất kì một ai – Cranli nói – người có ý nghĩa hơn cả một người bạn, thậm chí hơn cả một người bạn chân tình thực sự mà một người có thể có.

Những lời nói của cậu ta như đánh trúng vào tình cảm nội tâm của chính cậu ta. Có phải cậu ta đã nói về chính cậu ta: về quá khứ hay về những mong ước trong tương lai? Stephen yên lặng nhìn khuôn mặt Cranli một lúc. Một nỗi buồn khôn xiết hiện lên. Cậu ta đã nói về chính mình, về nỗi cô đơn làm cậu ta sợ hãi.

– Cậu đang nói chuyện với ai đấy? – Stephen hỏi. Cranli không trả lời.

* * * *

Ngày 20 tháng ba. Nói chuyện rất lâu với Cranli về sự nổi loạn của chính mình.

Cranli có cách xử sự cao thượng. Cậu ấy mềm mỏng và tinh tế. Giải thích cho mình về tình yêu của người mẹ dành cho con cái. Cố gắng tưởng tưởng ra mẹ Cranli: nhưng không thể. Một lần nói với mình, trong một khoảnh khắc không suy nghĩ, cha cậu ấy sáu mươi mốt tuổi mới sinh cậu ấy. Có thể tưởng tượng ra. Ăn mặc kiểu tá điền. Một bộ quần áo dính đầy muối và hạt tiêu. Đôi bàn chân to ngang, râu quai nón màu hoa râm. Thường xuyên đóng thuế và không được sung túc như Cha Dwyer xứ Larras. Thỉnh thoảng nói chuyện với con gái sau khi hoàng hôn buông xuống. Nhưng còn mẹ cậu ấy thì sao? Rất trẻ hay rất già? Chắc không thể là trẻ được. Nếu là trẻ thì Cranli sẽ không nói như vậy. Chắc là già. Gần như chắc chắn, và lôi thôi lếch thếch. Vì thế mà Cranli thất vọng: một đứa con của bộ phận sinh sản kiệt sức.

Ngày 21 tháng ba, buổi sáng. Đêm qua nằm suy nghĩ nhưng lười biếng không chịu ghi lại những ý tưởng. Tự do! Tuyệt vời! Bộ phận sinh sản kiệt sức đó của Elizabet và Zacchary. Lúc đó cậu ta là người báo điềm trước. Món ăn: cậu ấy chủ yếu ăn thịt xông khói và vả khô. Ăn ngấu nghiến với mật ong rừng. Ngoài ra khi nghĩ về cậu ấy, luôn tưởng tượng ra một cái đầu xấu xí và chiếc mặt nạ người chết như thể được vẽ ra những nét chính trên bức màn màu xám hay khăn có dấu mặt Chúa. Bối rối trong khoảnh khắc bởi thánh John tại cổng La-tinh. Mình nhìn thấy gì nhỉ? Một người báo điềm bị chém đầu đang cố gắng phá cổng.

Ngày 21 tháng ba: Đêm. Tự do. Tâm hồn thoải mái và sự tưởng tượng không biên giới. Hãy để quá khứ chôn vùi quá khứ. Nhất trí. Và để người chết cưới người chết.

Ngày 22 tháng ba. Đi cùng với Linch, theo sau là khá nhiều y tá trong bệnh viện. Ý tưởng của Linch. Không thích nó. Hai con chó săn thỏ gầy còm đói khát đi đằng sau con bê cái.

Ngày 23 tháng ba. Không được gặp nàng từ đêm hôm đó. Hình như là nàng bị ốm? Ngồi bên bếp lửa, có lẽ với chiếc khăn quấn lên vai. Nhưng không cáu kỉnh. Một bát cháo ngon? Ăn đi chứ?

Ngày 24 tháng ba. Bắt đầu một cuộc tranh cãi với mẹ. Chủ đề: Đức Mẹ đồng trinh. Bị cản trở bởi giới tính và tuổi trẻ của mình. Để thoát khỏi mối quan hệ giữa chúa Giê-su và cha mình chống lại mối quan hệ giữa Đức mẹ Mary và con trai bà. Nói rằng tôn giáo không phải là thời kì ở cữ trong bệnh viện. Mẹ bao dung. Nói rằng mình có một cái đầu lập dị vì đọc sách quá nhiều. Không đúng. Đã từng đọc ít và hiểu ít. Lát sau mẹ nói rằng mình sẽ quay lại với Thiên Chúa giáo bởi vì mình có cái đầu cầu tiến. Nghĩa là rời khỏi nhà thờ do mắc tội bằng cửa sau và quay trở lại với sự ăn năn hối cải bằng cửa sổ ở mái nhà. Không thể đau buồn bởi những gì mình đã làm. Nói với mẹ và xin bà sáu xu. Được ba xu.

Sau đó đi đến trường. Những người khác tranh cãi ầm ĩ về cái đầu tròn tròn và đôi mắt thằng đểu Ghezzi. Lần này thì về Bruno và Nolan. Bắt đầu bằng tiếng Italia và kết thúc bằng tiếng Anh bồi. Nó nói rằng Bruno là kẻ dị giáo ghê tởm. Mình nói rằng ông ta bị đốt cháy một cách kinh khủng. Nó đồng ý với một chút đau buồn. Sau đó đưa cho mình công thức làm bánh cái mà nó gọi là “cơm được nấu theo kiểu Bergamo, Itali.” Khi nó đánh vần nhẹ nhàng từ “o,” nó bắt đôi môi cử động như theons hôn nguyên âm. Nó đã làm à? Và có thể sám hối không? Được! Và khóc với hai hàng nước mắt của thằng xỏ lá.

Đi ngang qua nhà Stephan, đó là thằng Green của tôi. Hãy nhớ rằng những người đồng bào của nó không phải của mình đã sáng tạo ra cái mà Cranli gọi là tôn giáo của chúng ta trong một đêm nào đó. Một nhóm bốn người, những người lính của trung đoàn bộ binh chín mươi bảy, ngồi dưới chân thánh giá và tung đồng xu để đóng một cái áo choàng lên cây thánh giá.

Đi đến thư viện. Cố gắng đọc ba bài báo. Vô ích. Nàng vẫn chưa ra ngoài. Mình có lo lắng không? Về cái gì nhỉ? Rằng nàng sẽ không bao giờ ra ngoài một lần nữa.

Blake viết:

Tôi tự hỏi khi nào William Bond chết.

Vì ông đang rất ốm yếu rồi.

Than ôi! Tội nghiệp William!

Mình đã từng một lần xem tranh tầm sâu ở Rotunda. Ở cuối là những bức tranh vẽ về các quan lớn. Trong số họ có William Ewart Gladstone! Dàn nhạc chơi bài hát tưởng nhớ William, chúng tôi nhớ ngài.

Một cuộc đua của những người quê mùa cục mịch!

Ngày 25 tháng ba: Buổi sáng. Sau những giấc mơ hỗn loạn đêm qua. Mình muốn hất chúng ra khỏi lồng ngực.

Một cầu thang uống cong và dài. Từ dưới sàn nhà lên thẳng những chiếc cột hão huyền u ám. Đó là hình ảnh của những vị vua trong truyện cổ tích được khắc sâu và những phiến đá. Những đôi tay của họ đặt trên đầu gối thể hiện sự mệt mỏi và chán nản. Những con mắt họ u sầu sau những sai lầm của con người đi trước thế hệ họ mãi mãi như những vật hão huyền tối tăm.

Những dáng vẻ lạ lùng tiến ra từ một cái hang. Chúng không cao bằng con người. Người nọ có vẻ như không đứng quá cách xa người kia. Mặt họ đầy lân tinh, với những vệt đen huyền. Họ chằm chằm nhìn mình và mắt họ như muốn hỏi mình vài điều gì đó. Họ không nói.

Ngày 30 tháng ba. Tối hôm nay Cranli ở cổng vòm của thư viện, đưa ra một luận đề với Dixon và anh trai nàng. Một người mẹ để con mình ngã xuống sông Nin. Vẫn còn lải nhải tranh luận về người mẹ. Một con cá sấu cứu cậu bé. Người mẹ đòi lại đứa con. Cá sấu đồng ý với một điều kiện là người mẹ phải nói cho nó biết rằng nó sẽ làm gì với đứa con: ăn thịt hay không ăn thịt đứa bé?

Lepidus có thể nói về trạng thái tâm lí này trên thực tế là hãy thoát khỏi vũng bùn nhờ sức mạnh của mặt trời của ta.

Và những gì của mình? Cũng không cần phải không? Vậy thì hãy vùi chúng xuống bùn sông Nin.

Mùng 1 tháng tư. Không tán thành với cách diễn đạt cuối cùng.

Mùng 2 tháng tư. Nhìn thấy nàng uống chè và ăn bánh ở Johnston, Mooney và O’ Brien. Đúng hơn, đôi mắt tinh như mèo của Linch nhìn thấy nàng khi bọn mình đi qua. Cậu ấy bảo mình là Cranli được anh trai mời tới đó. Cậu ấy có mang con cá sấu của cậu ấy đi cùng không? Có phải bây giờ cậu ấy là ngọn đèn sáng ngời không? May quá! Mình đã phát hiện ra cậu ta. Mình phản đối cái mình đã làm. Ánh sáng chói lặng lẽ sau một bụi cây ở Wicklow.

Mùng 3 tháng tư. Gặp Davin ở hiệu bán xì-gà đối diện nhà thờ Findlater. Davin mặc chiếc áo len màu đen và mang theo một chiếc gậy đánh bóng. Cậu ta hỏi mình, có được không nếu mình đi ra chỗ khác và tại sao. Mình nói với cậu ta rằng con đường ngắn nhất đi tới ngai vàng là thông qua cổng thành. Vừa lúc đó cha mình bước đến. Giới thiệu. Cha lịch sự và tinh ý. Cha hỏi Davin có muốn ăn vài thứ không. Davin không thể nhận lời mời vì cậu ta phải đi họp. Khi chúng mình đi khỏi, cha nói với mình là Davin có đôi mắt trung thực. Cha hỏi mình rằng tại sao mình không tham gia vào câu lạc bộ chèo thuyền. Mình giả đò là đang suy nghĩ. Sau đó ông nói với mình đã làm vỡ trái tim Pennyfeather như thế nào. Cha muốn mình học luật. Nói rằng mình không phù hợp với ngành đó. Cuộc đời ông ấy thật vô vị.

Ngày 5 tháng tư. Mùa xuân hoang dại. Những đám mây trắng lăn tăn. Ôi cuộc sống! Dòng nước đen ngòm xoáy tít những bông hoa táo thanh nhã rơi xuống từ những cây táo cạnh đó. Đôi mắt của các cô gái giữa đám lá cây. Các cô gái bẽn lẽn nô đùa. Tất cả đều tóc vàng hoe: không có ai tóc đen. Họ đỏ mặt hơn. Ái chà chà!

Ngày 6 tháng tư. Chắc chắn nàng nhớ lại quá khứ. Linch nói rằng mọi phụ nữ đều như vậy. Sau đó nàng nhớ lại thời thơ ấu của nàng và của mình khi mình là một đứa trẻ. Quá khứ bị hiện tại hủy diệt; và hiện tại chỉ tồn tại bởi vì nó mang đến tương lai. Nếu Linch nói đúng thì những bức tượng phụ nữ luôn luôn nên được che đậy cẩn thận: một tay của người phụ nữ cảm thấy hối tiếc vì những trở ngại của mình.

Ngày 10 tháng tư. Mệt mỏi sau một đêm vất vả. Thế nhưng sự yên tĩnh của thành phố đã được chuyển từ những giấc mơ sang giấc ngủ say nồng giống như một người tình mệt mỏi không có sự vuốt ve âu yếm, những tiếng bước chân người đi trên đường. Bây giờ tiếng bước chân không còn quá xa vì đã đến gần cầu; và trong khoảnh khắc, khi chúng băng qua những cửa sổ u ám, sự yên tĩnh tan vỡ bởi tiếng động như khi một mũi tên bay ra. Những tiếng bước chân ngày càng xa, chúng tỏa sáng trong đêm tối như những viên đá ngọc, vội vàng trên những cánh đồng ngủ yên đến điểm cuối của cuộc hành trình – Trái tim? Mang nặng nỗi buồn nào đây?

Ngày 11 tháng tư. Đọc lại những gì mình viết đêm qua. Những từ khó hiểu miêu tả những cảm xúc khó hiểu. Nàng có thích nó không nhỉ? Mình nghĩ vậy. Và mình cũng sẽ phải thích nó.

Ngày 13 tháng tư. Từ “cái ống” nằm trong tâm trí mình một thời gian dài. Mình kiểm tra nó trong từ điển và nó cũng là một từ tiếng Anh thông dụng. Thầy trưởng khoa ngu dốt và cái phễu khốn khiếp! Ông ta đến đây để làm quái gì? Để dạy ngôn ngữ của chính ông ta hay là học từ chúng mình. Ông ta quả là khốn khiếp!

Ngày 14 tháng tư. John Alphonsus Mulrennan vừa quay trở về từ miền Tây Ireland. Anh ta nói với chúng mình rằng đã gặp một người ông già trong một ngôi nhà gỗ ở trên núi. Ông già đó có đôi mắt đỏ và một chiếc tẩu thuốc ngắn cũn. Ông ấy nói tiếng Ireland. Mulrennan cũng nói tiếng Ireland. Sau đó ông già và Mulrennan nói tiếng Anh. Mulrennan nói với ông ta về vũ trụ và những vì sao. Ông già ngồi xuống, lắng nghe, hút thuốc, khạc nhổ. Lát sau lên tiếng:

– Chắc chắn phải có những tạo vật kì quặc ở phần thế giới xa xôi đó.

Mình sợ anh ta. Mình sợ vì đôi mắt đỏ lửa của anh ta. Mình đã phải tranh cãi với anh ta suốt đêm hôm đó cho đến khi mình và anh ta nằm lăn ra mệt đến chết, hấp dẫn anh ta bằng cổ họng mạnh mẽ của mình cho đến khi…? Đến khi anh ta thét vào mặt mình? Không. Mình định nói là anh ta không hại tôi.

Ngày 15 tháng tư. Hôm nay được gặp nàng trên phố Grafton. Chúng tôi hòa mình vào cùng những người khác. Cả hai dừng lại. Nàng hỏi mình tại sao mình không bao giờ đến trường nữa rồi nói rằng nàng nghe mọi chuyện về mình. Mục đích chỉ để kéo dài thời gian. Hỏi mình rằng có phải mình đang làm thơ không? Về ai? Mình hỏi nàng. Nó làm nàng bối rối hơn trước. Mình cảm thấy hèn hạ và lấy làm tiếc. Ngay lập tức đóng cái van đó lại và mở một bộ máy phức tạp của tinh thần dám làm việc lớn; sáng chế ra và nhận bằng sáng chế trên mọi quốc gia bởi Dante Alighieri. Vội vàng nói với chính mình về những kế hoạch của mình. Ở giữa nó, thật không may mình gây ra một hành động bất ngờ về một cuộc cách mạng thiên nhiên. Mình phải được nhìn nhận, đánh giá như một người ném một vốc hạt đậu Hà Lan lên không trung. Mọi người bắt đầu nhìn chúng mình. Sau đó nàng cầm tay mình và cùng nhau đi khỏi đó và nàng nói rằng hi vọng mình sẽ làm những gì đã nói.

Bây giời mình gọi đó là tình bạn, có phải không nhỉ?

Đúng vậy! Hôm nay mình thích nàng. Ít hay nhiều nhỉ? Mình không biết. Mình thích nàng và nó có vẻ như một cảm xúc đến với mình. Sau đó, trong trường hợp này, mọi lúc nghỉ ngơi, mọi việc mình suy nghĩ và mình cảm nhận mọi sự thanh thản trước thời điểm này. Nói tóm lại: từ bỏ nó, ông tướng! quên hết mọi việc đi!

Ngày 16 tháng tư. Đi xa! Đi xa!

Sức quyến rũ của vòng tay và giọng nói: những cánh tay trắng trẻo của con đường, lời hứa của chúng về vòng ôm chặt hơn và những cánh tay màu đen của những con tàu to lớn đứng đối diện với mặt trăng, truyền thuyết của chúng về các quốc gia xa xôi. Chúng mời chào: Chúng tôi cô đơn quá – đến đây đi. Và những giọng nói nói với chúng: Chúng ta là một gia đình. Không khí khó thở và đặc quánh vì những người bà con của chúng. Chúng gọi tôi, người bà con thân thuộc ơi, hãy sẵn sàng ra đi nhé, hãy rung rinh đôi cánh của tuổi trẻ trước sự hân hoan và đau khổ của số phận.

Ngày 26 tháng tư. Mẹ sắp xếp lại những chiếc quần cũ của mình. Bây giờ mẹ cầu nguyện, bà nói rằng mình có thể tìm thấy chính cuộc đời của mình và sẽ xa gia đình cùng bạn bè. Trái tim là gì và nó cảm nhận được những gì? Amen! Hãy để nó chính là nó. Xin chào mừng! Ôi cuộc sống! Mình ra đi để đọ sức lần thứ một triệu với kinh nghiệm thực tế và rèn luyện trong lò luyện của tâm hồn lương tâm chưa bao giờ được kiến tạo trong mình.

Ngày 27 tháng tư. Một người cha già, một nhà phát minh kinh nghiệm, hãy giúp tôi đứng dậy và giúp tôi bây giờ và mãi mãi.

Dublin, 1904.

Trieste, 1914.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.