Chênh Vênh Hai Lăm

CHƯƠNG 23: BUS



Trước hai lăm, thứ phương tiện ghét nhất luôn là xe bus, dù chỉ đi được một lần.
Không thích cảm giác phải đi kiếm tìm một cái trạm dừng giữa đường Sài Gòn hối hả, nắng như đổ lửa, để rồi đứng chờ đợi một chuyến xe ào tới như hội, có khi cũng là xe, nhưng khác số cần đến nên cứ cho lướt qua mặt, như cái kiểu nhìn người ta cần đi ngang đời mà không thể níu kéo được.
Không thích cái cảm giác phải chen chúc trên một chuyến xe, có khi đứng chứ chẳng còn đủ chỗ để ngồi, rồi chứng kiến bao điều trái khuấy, có cô gái xinh đẹp bước lên, cả đám thanh niên nháo nhào nhường chỗ, có người công nhân nữ quần áo lấm bụi đường, lại cứ phải đứng bám vào tay vịn.
Không thích cả cái cảm giác tới nơi, bước xuống chiếc xe đông người, cả cơ thể ám thứ mùi xa lạ, bước vào văn phòng thấy sao lạc lõng quá, như thể mình đang rơi từ một nơi khác đến chỗ này. Nghĩ lại, giận chiếc xe bus vừa bước lên quá thể, tự nhủ thầm dù có phải tốn tiền taxi chứ cũng không bước lên lần nữa.
Đến hai lăm, hoàn cảnh buộc phải sử dụng xe bus như một thứ phương tiện duy nhất để đi về hai lần trong tuần. Và cũng từ đó, nhận ra trên một chuyến xe bus, có nhiều điều để người ta ngẫm nghĩ.
Xe bus giúp bản thân có được sự quan sát tỉ mỉ. Trên đường xe cộ tấp nập, giữa những con phố nghẹt kín người, hàng quán chen chúc, vẫn có một trạm xe bus, hay đơn giản chỉ là một cột báo lặng lẽ đứng tại đó. Rồi chợt thấy thích thú khi nhận ra mình đã không bỏ qua những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống bộn bề, những thứ mà lắm lúc đời quên hẳn.
Ngồi chờ xe bus, hiểu rõ được cảm giác nôn nao chờ đợi để được về với gia đình, là gia đình thực sự chứ chẳng phải đơn thuần là một căn nhà. Là “home” chứ chẳng phải “house”. Thứ cảm giác đó, những ngày còn ở cạnh người thân, chưa bao giờ hiểu được trọn vẹn và quan trọng bao nhiêu.
Bước lên xe bus, nếu còn trống chỗ, vẫn thường chọn cho mình cái ghế gần sát cửa sổ bên phải, để được nhìn dòng người ngoài kia đang chạy cùng hướng đời. Biết là đời họ, đời ta chắc khó tìm ra điểm giao kết, nhưng vẫn có lúc tự an ủi rằng, dù sao vẫn còn rất nhiều người cùng lối, trên cái đoạn đường đời này, mình không cô độc.
Khi xe đông người, thường kín đáo, im lặng quan sát rồi phỏng đoán những người đi cùng làm nghề nghiệp gì. Có cô sinh viên bước lên xe, mặt buồn xo, mắt đỏ hoe, hỏi ra mới biết biết vừa chia tay bồ. Có anh công nhân lên xe xách theo cái hộp cơm nhỏ, do sáng vợ nấu gởi chồng mang theo. Có cô hàng rong đặt gánh mưu sinh cạnh bên, lần áo bà ba móc ra đông tiền lẻ ngồi đêm, trăm lẻ hai ngàn năm trăm, nghe cô nói, thương lắm, “Vậy là đủ đóng tiền học cho thằng út.”
Nhớ đến tối nay có hẹn ở quán café mà khoảng tám mươi ngàn một ly, chạnh lòng.
Trên xe bus tập dần thói quen thấy người già, người tàn tật hay chị phụ nữ mang bầu thì vội đứng dậy nhường chỗ. Hay có lúc, dù đó chỉ là một cô công nhân quét rác người còn lấm tấm mồ hôi nhưng vẫn đứng dậy nhường chỗ. Chả phải để khoe khoang rằng ta là người có ý thức, chỉ là nhận thấy họ cần được nghỉ ngơi hơn bản thân.
Có những lúc vừa nói chuyện được dăm ba câu, người đi cùng đã phải xuống ở trạm kế tiếp, chút gì đó tiếc nuối đậu lại trong lòng. Chưa đủ hiểu, chỉ là vài câu xã giao nhưng vẫn thấy được quan tâm từ người xa lạ. Ít nhiều gì, cũng đã có lúc cùng chung vài cây số ngắn ngủi bên cạnh nhau.
Ban đầu rất khó chịu, nhưng rồi lại nhận ra thứ mồ hôi phảng phất của chuyến xe đông người lại là điều làm cho mình ấm lòng hơn. Có lúc vào văn phòng, cạnh những con người sực nức nước hoa, tựa hồ hốt hoảng như thể đứng cạnh những con ma-nơ-canh vô tri vô giác.
Rồi thì việc cũng xong, trở lại với con ngựa sắt cũ, những chuyến xe bus đi về cứ thế trôi vào ký ức. Có hôm Sài Gòn đẩy người ra xa khỏi nó, mệt mỏi đến mức chẳng còn tâm trí để làm gì hay gặp ai. Đứng bên đường thấy chiếc xe bus qua, thế là cứ vậy mà leo lên, ngồi yên lặng.
Xe cứ đi qua bao con đường, qua bao trạm dừng, người lên, kẻ xuống, đến trạm cuối cùng, anh phụ xe báo rằng đã không còn nơi đến, chỉ im lặng, rồi nói khẽ, “Vậy xin cho một vé về.”
Như một lãng khách quay đầu tìm lại cố hương, như một kể sai tìm con đường đúng, như những bản ngã vội vã tìm nhau.
Qua hai lăm nhìn lại, cơ bản cuộc đời như một chuyến xe bus ngắn.
Chúng ta là những người hành khách đi cùng nhau dọc một đường đời.
Có người lên ở trạm này, xuống ở trạm kia. Có người lạ, cũng có người quen. Có người kịp chào, có người chẳng lưu lại chút ấn tượng.
Nhưng chí ít, ta đều biết đã có lúc đi cùng nhau một đoạn ngắn cô đơn…
Ngày bé, có lần mải chơi, vấp té đến chân chảy máu, rưng rưng nước mắt về ăn vạ với cha, mẹ.
Mẹ xót con, dỗ dành đủ cách. Cha nhìn, chỉ nói, “Cho chừa, lần sau đi đứng phải cẩn thận”. Khi đó cứ ngỡ cha không thương lại càng khóc tợn.
Giờ mới hiểu bài học cha dạy ngày đó.
Có vấp ngã, mới hiểu thế nào là đau để sau này đi cẩn thận.
Đã là người, ai chẳng một lần té đau, quan trọng rằng bản thân có biết đứng lên từ nơi đã ngã, phủi hết bụi trên người để rồi bước đi tiếp.
Và học được rằng, đôi khi con người cần trưởng thành bằng nỗi đau.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.