Chiếc Lexus Và Cây Ô Liu

4. Rồi những bức tường theo nhau sụp đổ



Mùa hè năm 1998, Guilherme Frering, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn khoáng sản Brazil mang tên Caemi Minerção e Metalurgia miêu tả cho tôi những thay đổi đáng kinh ngạc của nền kinh tế Brazil trong thập niên trước đó.

Ông ta chêm vào một nhận xét: “Ông có thấy, bức tường Berlin cũng sụp đổ trên đất này. Đó không những là sự kiện riêng của châu Âu, nó cũng là sự kiện toàn cầu, bức tường cũng đổ ngay trên đất Brazil. Sự thay đổi lớn lao trong kinh tế Brazil diễn ra đúng vào lúc tường Berlin sụp đổ”.

Để minh họa cho luận điểm đó, ông ta kể lại câu chuyện sau: Tháng 11 năm 1988, những người thợ luyện thép muốn đấu tranh đã biểu tình trước nhà máy luyện thép của Công ty Thép Quốc gia (CSN) thuộc chính phủ đặt tại Volta Redonda, tây bắc Rio de Janeiro và là xí nghiệp luyện thép lớn nhất của Nam Mỹ. Khoảng 2.500 thợ thép người Brazil chiếm giữ xí nghiệp đòi tăng lương và giảm giờ làm từ 8 tiếng xuống còn 6 tiếng mỗi ngày. Xung đột giữa công nhân và cảnh sát địa phương leo thang tới mức quân đội Brazil được phái đến. Ba người thợ bị thiệt mạng và 36 người khác bị thương trong cuộc giành giật chiếm quyền kiểm soát nhà máy. Quân đội khép cho công nhân tội “hoạt động chống phá theo lối du kích ở thành thị”, khi công nhân dùng gạch đá, bom xăng, gậy sắt và súng để bảo vệ công ăn việc làm và lợi nhuận theo biên chế nhà nước của họ.

Trong quãng thời gian 21 năm dưới chế độ độc tài ở Brazil, kết thúc vào năm 1995, các tướng lĩnh nắm quyền của đất nước rất coi trọng việc quản lý nhà máy luyện thép khổng lồ này, đến mức họ ra tuyên bố coi vùng Volta Redonda là “Thị trấn thuộc lợi ích an ninh quốc gia”, và trực tiếp bổ nhiệm chức Thị trưởng của thị trấn. Sau khi giải thích câu chuyện trên, Frering chua thêm: “Khoảng bốn năm sau cuộc chống đối đẫm máu đó, khi bức tường Berlin sụp đổ, chính những người công nhân của CSN lại đòi nhà máy phải được tư nhân hóa, vì chính họ hiểu rằng đó là con đường duy nhất giúp cho nhà máy tiếp tục khả năng cạnh tranh và giữ được công ăn việc làm cho họ. Ngày nay, CSN được hoàn toàn tư nhân hóa và trở nên có cổ đông lớn nhất, tham gia trong công cuộc tư nhân hóa các nhà máy lớn của chính phủ Brazil”.

Nhận xét của Frering khiến tôi bừng tỉnh: Tất nhiên rồi, ông ta nói đúng! Bức tường Berlin không chỉ sụp đổ ở thành phố Berlin. Nó sụp cả ở phương Đông lẫn phương Tây, phía Bắc cũng như phía Nam, sụp xuống đầu nhiều đất nước, nhiều công ty, và dường như chúng sụp cùng một lúc. Chúng ta đã chỉ chú ý vào việc bức tường sụp ở phương Đông vì sự kiện này lúc đó mang đầy kịch tính và dễ thấy: qua bản tin tối trên TV, một bức tường xi măng rạn vỡ rồi sụp xuống. Nhưng trên thực tế các bức tường Berlin khác trên khắp thế giới cũng đang theo nhau đổ sập, mặc dù người ta

thường không thấy được tận mắt, chính điều đó khắc họa nên kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập. Vậy câu hỏi quan trọng là: Điều gì đã lay đổ những bức tường đó? Hay như các cháu nhà tôi có thể hỏi, “Bố ơi, toàn cầu hóa từ đâu đến?”

Tôi xin bắt đầu câu trả lời như thế này: thế giới của Chiến tranh Lạnh tựa như một cánh đồng lớn bị xé lẻ dọc ngang bởi những hàng rào, tường chắn, hố sâu và ngõ cụt. Người ta không thể đi nhanh, đi cho hết được cánh đồng mà không bị những thứ như tường Berlin hay bức màn sắt hay khối Vacsava hay các hàng rào thuế quan hay kiểm soát tài chính, cản chân. Và trong khuôn khổ từng lô đất trên cánh đồng đó, các quốc gia gìn giữ các thể loại chính trị, kinh tế và văn hóa độc đáo của họ. Họ có thể thuộc về thế giới thứ nhất, thứ hai hay thứ ba. Họ có thể duy trì các hệ thống kinh tế khác nhau – một nền kinh tế cộng sản theo kế hoạch của nhà nước, một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa hay một nền kinh tế thị trường tự do. Và họ cũng duy trì các hệ thống chính trị khác nhau – bao gồm từ mức dân chủ tới mức độc tài, từ mức toàn trị đến quân chủ lập hiến rồi áp chế toàn phần. Sự khác biệt có thể sâu sắc, thậm chí như trắng và đen, vì có nhiều bức tường dày để bao bọc sự khác biệt đó – những bức tường khó mà đi xuyên qua được.

Lay chuyển những bức tường đó là ba sự thay đổi lớn – thay đổi trong cung cách chúng ta liên lạc với nhau, trong lề lối đầu tư và trong cách thức tìm hiểu về thế giới. Những thay đổi đó được sinh ra, ấp ủ trong thời Chiến tranh Lạnh rồi đạt đến mức tới hạn vào cuối thập niên 1980. Khi đó, chúng được kết hợp thành một cơn lốc, đủ sức phá sập tất cả những bức tường của hệ thống Chiến tranh Lạnh, giúp cho thế giới tập hợp lại với nhau, xé bỏ ngăn cách tạo lập được một cánh đồng thẳng tắp. Ngày nay, cánh đồng này được mở rộng hơn, với tốc độ nhanh hơn, ngày càng có nhiều bức tường sụp đổ và nhiều quốc gia bị hút vào. Chính vì thế ngày nay không còn khái niệm thế giới thứ nhất, thứ nhì hay thứ ba nữa. Ngày nay chỉ còn là thế giới phát triển nhanh, và thế giới phát triển chậm chạp – thế giới của những người bị đào thải sang bên lề hay của những người tự chọn theo lối sống biệt lập không muốn nhập vào cánh đồng rộng lớn nói trên. Những người đó có thể cho rằng, cái thế giới ấy đi nhanh quá, đáng sợ quá, đồng hóa nhiều quá hay đòi hỏi nhiều quá. Và đây là chi tiết của từng sự thay đổi.

Dân chủ hóa trong công nghệ

Thứ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Larry Summers thích kể câu chuyện rằng vào năm 1988 ông ta hoạt động cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng cử viên Michael Dukakis. Một hôm ông ta được cử sang Chicago để nói chuyện thay cho Dukakis. Ở đó ông ta được nhân viên của Dukakis cấp một chiếc xe hơi, trong đó, bạn bình tĩnh nhé… có chiếc điện thoại.

“Tôi nghĩ, vào năm 1988 mà trong xe có chiếc điện thoại di động thì thật tuyệt”, Summers kể lại. “Tôi dùng điện thoại đó gọi để khoe với vợ rằng trong xe của tôi có

chiếc điện thoại di động”.

Chín năm sau, 1997, Summers, lúc đó đi công cán cho Bộ Tài chính thăm đất nước Bờ Biển Vàng, vùng Tây Phi. Trong chuyến thăm chính thức này, một nhiệm vụ của ông ta là khánh thành một dự án y tế do Mỹ tài trợ ở một ngôi làng trên thượng nguồn của Thủ đô Abidjian. Theo dự án, ngôi làng này, khi đó chuẩn bị khánh thành một hệ thống các loại giếng nước di động. Người ta chỉ vào làng bằng cách đi ca nô. Summers, một vị khách to béo đến từ Hoa Kỳ được phong chức già làng danh dự của người Phi, và được mặc trang phục truyền thống Phi châu. Điều làm Summers nhớ nhất đó là trên đường rời làng ra đi, bước xuống chiếc ca nô thì một viên chức của Bờ Biển Ngà trao cho ông ta một chiếc điện thoại di động và nói, “Washington muốn hỏi ông một điều gì đó”. Chín năm, từ chỗ thốt lên thán phục khi thấy điện thoại di động trong xe hơi, nay Summers lại thấy điện thoại di động trên chiếc thuyền độc mộc ở vùng Tây Phi hẻo lánh.

Những cuộc phiêu lưu với điện thoại di động của Summers diễn ra cho thấy sự thay đổi quan trọng đầu tiên, được hình thành trong thời Chiến tranh Lạnh – sự thay đổi về cách thức chúng ta liên lạc với nhau. Tôi xin gọi nó là “quá trình dân chủ hóa trong công nghệ”, khiến cho ngày càng có thêm số người dùng máy vi tính tại nhà, modem, điện thoại di động, hệ thống viễn thông cáp và kết nối internet, để có thể vươn dài liên lạc của họ, sang nhiều nước khác. Nhờ đó họ được tìm hiểu thông tin kỹ càng hơn với chi phí rẻ hơn bao giờ hết.

Có một ngân hàng ở Valley Spring, Washington, D.C., đã mời chào khách hàng rất nhiều dịch vụ giao dịch qua Internet và điện thoại. Quảng cáo của ngân hàng này tóm tắt quá trình dân chủ hóa nói trên: “Hãy để chúng tôi lập nhà băng trong ngôi nhà của quý vị”. Do quá trình dân chủ hóa công nghệ, chúng ta nay có dịch vụ ngân hàng, văn phòng, tòa báo, nơi giao dịch chứng khoán, nhà xưởng và dịch vụ đầu tư, trường học, tất cả có thể cùng ngự trị trong mỗi căn nhà nơi chúng ta sinh sống.

Dân chủ hóa công nghệ là sản phẩm của một loạt phát kiến được tập hợp lại trong những năm 1980, bao gồm vi tính hóa, viễn thông, thu nhỏ, kỹ thuật nén và số hóa. Chẳng hạn, tiến bộ trong công nghệ vi xử lý giúp cho máy vi tính tăng công suất gấp đôi sau mỗi chu kỳ 18 tháng, trong suốt thời gian 30 năm qua. Tiến bộ trong công nghệ nén làm cho số lượng thông tin lưu trên các đĩa máy tính tăng 60% mỗi năm, tính từ 1991. Trong khi đó chi phí để lưu một megabite dữ liệu đã giảm từ 5 đô-la xuống còn 5 xu, làm công suất máy tính tăng lên và giá của chúng giảm xuống – giúp cho có thêm nhiều người được sử dụng máy vi tính. Những cải tiến trong công nghệ viễn thông đã giảm dần được chi phí điện thoại hay truyền dữ liệu, đồng thời tăng tốc độ truy cập, mở rộng vùng phủ sóng và tăng sức tải và bộ nhớ các dữ liệu mỗi lần giao dịch qua điện thoại, cáp hoặc sóng radio.

Không những bạn có thể gọi đến bất cứ nơi nào, bạn còn có thể gọi từ bất cứ nơi

đâu, từ máy tính xách tay, từ trên đỉnh núi, từ máy bay khi đang di chuyển hay từ nóc nhà của thế giới, đỉnh Everest. Những khả năng đó xuất hiện sau khi công nghệ đã thu nhỏ được kích cỡ máy vi tính, máy điện thoại và máy nhắn tin. Những thiết bị thông tin có thể được di chuyển tới những vùng xa xôi hẻo lánh và cung cấp cho những người dân có mức thu nhập thấp. Tháng 7 năm 1998 tạp chí Golf đăng bài cho hay có nhiều sân golf bắt đầu cho lắp đặt hệ máy tính Spyder-9000 trên các xe chơi golf, “cho phép người chơi golf theo dõi kết quả cuộc chơi qua hệ thống điện tử và đo đạc cự ly bằng kỹ thuật số, xem xét các lỗi bi, theo dõi những lời mách nước cách chơi, cách đánh. Hơn nữa họ có thể đặt bữa ăn trưa, kiểm tra giá chứng khoán và xem các chương trình TV thương mại”. Chỉ có một việc chúng không làm được là trực tiếp đánh bóng vào lỗ hộ bạn thôi.

Những sáng tạo đó đã thúc đẩy và ngược lại, được tăng cường bởi cuộc cách mạng kỹ thuật số. Kỹ thuật số hóa là phép mầu nhiệm cho phép chúng ta chuyển hóa giọng nói, âm thanh, phim, tín hiệu truyền hình, âm nhạc, màu sắc, hình ảnh, ngôn ngữ, tài liệu, thông số, ngôn ngữ máy tính và bất cứ loại hình dữ liệu nào …thành những bit dữ liệu, rồi truyền chúng qua đường điện thoại, vệ tinh và cáp quang đi khắp thế giới. Những ký tự máy tính là đơn vị đo đếm dùng trong vi tính, thể hiện đơn giản bằng sự kết hợp khác nhau của những tập hợp gồm hai con số 1 và 0. Số hóa có nghĩa là chuyển âm thanh, hình ảnh và con số hay mẫu tự mã hóa chúng thành những tập hợp gồm 1 và 0, truyền chúng qua một điểm khác, nơi chúng được giải mã trở lại thành nguyên bản.

Nicholas Negroponte, tác giả cuốn sách Kỹ thuật số đưa ra cách giải thích rất hình tượng về công nghệ số hóa: “Tựa như chúng ta vừa tìm ra cách sấy khô và làm đông lạnh một ly cà phê sữa một cách hoàn hảo, sau đó, cho nước nào thì thứ đồ đông lạnh lại trở lại nguyên hình dáng và hương vị của một ly cà phê như trước, như vừa được pha, trong bất cứ quán cà phê nào của người Y”. Và Negroponte nói thêm rằng chúng ta có thể làm khô và đông lạnh nhiều thứ khác, bằng cách chuyển hóa chúng “từ nguyên tử thành ký tự vi tính”, từ hình ảnh và âm thanh sang những số 1và số 0, truyền chúng đến nhiều nơi khác nhau với chi phí rẻ hơn bao giờ hết”.

Hãy tưởng tượng về quá trình đó như sau: Bộ vi xử lý và máy tính tựa như một thứ lò luyện kim có khả năng nung tất cả các vật liệu hình thành từ các nguyên tử thành bits. Vệ tinh, đường điện thoại và cáp quang là những đường ống dẫn đi từ lò luyện này đến mọi nơi trên thế giới. Những đường ống này ngày càng trở nên tinh vi hơn – như người ta thường nói là tăng và mở rộng các “băng thông”, công cụ để đo đếm số lượng tập hợp của 1 và 0 được truyền trong một giây – chúng ta cũng có thể dùng đường ống để truyền tải nhiều hơn nữa các nguyên tử, mà lò luyện đã “luyện cán” chúng lại thành bits.

Quá trình số hóa là kiến thức trọng tâm để hiểu về quá trình toàn cầu hóa ngày

nay và về những điều làm cho nó trở nên độc đáo. Chúng ta cần ngưng lại ít phút để nghe một ví dụ cụ thể về hoạt động của quy trình số hóa. Bạn bốc điện thoại ở New York, quay số của người bạn ở Bangkok. Khi bạn nói vào ống nghe, áp suất từ hơi thở của bạn đập vào màng chắn trong ống nghe. Màng chắn này rung theo nhịp bạn đang nói. Màng chắn này được gắn với một nam châm, nằm bên cạnh một cuộn dây điện [cuộn cảm]. Khi màng chắn kích thích nam châm, từ trường của nam châm tạo một dòng điện trong cuộn dây cáp. Từ trường lên xuống tùy theo độ lên xuống của giọng nói và khiến dòng điện trong cuộn cảm cũng lên xuống theo. Vậy ta có âm thanh từ miệng ta được đổi thành những tín hiệu điện từ lên xuống như làn sóng theo một biên độ tùy theo độ cao thấp của giọng nói. Bạn có thể thấy điều này khi âm thanh được một máy ghi dao động ghi lại.

Làm thế nào có thể biến sóng điện thành những bits của vi tính để truyền tải? Về cơ bản bạn tưởng tượng những bước sóng lên xuống theo một khung nhất định. Bạn xẻ những bước sóng thành những phần cực nhỏ, đánh số những phần đó, sử dụng đơn vị 1 và 0. Chẳng hạn, độ cao 10 có thể được biểu hiện thành 11110000 và độ cao 11 là 11111000 và tiếp tục… Mỗi đơn vị 1 và 0 được dịch thành một nhịp đập của bước sóng, và khi được xâu chuỗi với nhau sẽ được biết đến như một cột sóng hình vuông. Không như sóng âm thanh analog, lên xuống như hình những làn sóng biển, dễ bị bóp méo và phân tán trong quá trình truyền tải, sóng hình vuông kỹ thuật số chỉ lên khi là 1 và xuống khi là 0. Điều đó làm cho thiết bị tiếp nhận đón nhận và hiểu được chúng. Thiết bị này chỉ v iệc hỏi, nó lên hay nó xuống – thay vì cố gắng đọc cho được một làn sóng uốn lượn. Điều này giải thích tại sao những bản sao kỹ thuật số có độ sắc nét hơn và vì sao những gì được truyền qua hệ thống mã hóa 1 và 0 từ miệng của bạn, từ máy fax hay từ máy tính sang đến bên kia được, giải mã nguyên vẹn.

Nhưng giả sử bạn là người lắm lời. Và bạn chăm chú nói chuyện mải mê với người bạn ở Bangkok. Vậy là sẽ có nhiều bộ mã số 1 và 0 cần được truyền tải. Phép mầu nhiệm của công nghệ mới cho phép “nén” các tập hợp 1 và 0. (Máy vi tính của bạn sẽ thể hiện 8 x 1 hay 8 x 0, thay vì 11111111 hay 00000000.) Giờ đây ta có giọng nói của bạn được nén lại thành những gói bits. Đã đến lúc phải truyền tải chúng. Ta có thể dùng nhiều cách. Đơn giản nhất là phóng ra một dòng điện, theo quy chế 1 vôn cho 1, và hai vôn cho 0. Hay ta truyền chúng qua đường cáp quang, dùng thiết bị có chức năng phát ra những luồng ánh sáng: một luồng ánh sáng đại diện cho 1, tắt đi đại diện cho 0. (Một đĩa CD đơn giản là một đĩa nhựa bọc màn nhôm. Người ta đục một lỗ trên đĩa để thể hiện 1 và chừa phần còn lại, phẳng để thể hiện 0. Máy chạy đĩa CD sẽ chiếu một tia la de vào từng rãnh của chiếc đĩa đọc những tập hợp 1 và 0, rồi chuyển hóa chúng lại thành những âm thanh đẹp đẽ vốn có khi được ghi ban đầu.) Hay chúng ta có thể dùng sóng radio, sóng cao cho số 1 và sóng thấp cho số 0. Dùng phương tiện gì đi nữa, công nghệ kỹ thuật số giúp cho chúng ta có những bản sao hoàn hảo.

Quay trở lại cuộc nói chuyện giữa bạn và người bạn ở Bangkok, giọng của bạn được chuyển thành những tín hiệu truyền bằng ánh sáng qua hệ thống cáp quang, khi sang đến Bangkok, tín hiệu được giải mã từ những 1 và 0, quay trở lại những âm thanh, tiếng người tác động vào cuộn cảm ứng trong ống nghe của người bạn Bangkok. Khi cuộn cảm ứng được tác động, tạo điện trường, lay động tấm màng chắn, tác động vào áp suất không khí biến thành giọng nói hồn nhiên của bạn. Thật mầu nhiệm! Giống như ly cà phê của Negroponte vậy.

Khi nói về quá trình vi tính hóa, kỹ nghệ thu nhỏ thiết bị, viễn thông và số hóa đã tạo ra quá trìn h dân chủ hóa công nghệ, ý tôi muốn nói tới việc chúng giúp cho hàng trăm triệu người trên thế giới liên hệ với nhau để trao đổi thông tin, kiến thức, tiền bạc, ảnh gia đình, giao dịch tài chính, âm nhạc và các chương trình truyền hình bằng những cung cách trước đây chưa từng có. Ngày trước, nếu bạn sống ở New York, con của bạn sống ở Australia vừa sinh cháu bé. Thường trong trường hợp đó con của bạn sẽ phải đi mua một máy ảnh, mua phim, chụp ảnh cháu bé, rửa ảnh, cho ảnh vào phong bì thư, dán tem và gửi cho bạn. Nếu may mắn bạn có thể được xem hình của cháu sau đó 10 ngày. Giờ đây chuyện đó không còn cần thiết nữa. Con của bạn sẽ chụp ảnh cháu bé bằng máy ảnh kỹ thuật số, lưu ảnh vào đĩa mềm, sửa ảnh trên máy

vi tính và gửi ảnh cho bạn qua Internet – mọi thứ khi cháu bé chưa đầy 10 giờ tuổi. Cựu Chủ tịch Hãng Truyền hình NBC Lawrence Grossman tóm tắt gọn gàng quá

trình dân chủ hóa công nghệ như thế này: “In ấn biến chúng ta thành độc giả. Photocopy biến chúng ta thành những nhà xuất bản. Truyền hình biến chúng ta thành khán giả. Và công nghệ số hóa cho phép chúng ta trở thành các hãng truyền thông”.

Quan sát của Grossman làm nổi bật một nhân tố khiến cho toàn cầu hóa thời nay khác hẳn với các thời đại trước đây. Nói đơn giản, công cuộc dân chủ hóa công nghệ đã cho phép “toàn cầu hóa sản xuất”. Ngày nay, ai cũng có thể trở thành một nhà sản xuất. Toàn cầu hóa thời nay không còn cho thấy việc các nước đang phát triển vận chuyển nguyên liệu thô sang các nước phát triển, để những nước này tinh chế thành thành phẩm, rồi lại chở chúng quay lại. Ngày nay, nhờ có dân chủ hóa công nghệ, nhiều quốc gia khác nhau đã có cơ hội tự quy tụ công nghệ mới, nguyên liệu và vốn, để phát triển trở thành các nhà sản xuất hay nhận hợp đồng gia công những sản phẩm hay dịch vụ với độ phức tạp cao – thêm một yếu tố gắn bó các quốc gia trên thế giới với nhau. Tôi sẽ bàn thêm sau về yếu tố này. Có thể nói dân chủ hóa công nghệ đã giúp cho Thái Lan, trong vòng 15 năm, từ một đất nước trồng lúa, thu nhập thấp trở thành quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về công nghệ sản xuất xe vận tải, cạnh tranh với Detroit, và là nước đứng thứ tư trên thế giới trong việc sản xuất xe gắn máy.

Dân chủ hóa công nghệ không chỉ đơn thuần áp dụng cho xe hơi và xe gắn máy. Như Teera Phutrakal, một nhà quản lý quỹ hỗ tương ở Bangkok có lần nói với tôi: “Tại quỹ của chúng tôi, chúng tôi không việc gì phải tự sáng chế chiếc bánh xe, chúng

tôi nhập khẩu nó. Một vài trong số những công nghệ chúng tôi nhập rẻ gấp 10 lần so với giá của công ty mẹ phải thanh toán. Chẳng hạn, hệ thống liên lạc hồi âm tự động cho khách hàng, khi khách hàng gọi vào, bấm số 1 để tìm hiểu giá trị tài sản của quỹ, bấm 2 để nghe giá chào, và bấm 3 để ra lệnh bán. Nếu bạn muốn mua hay chuộc lại các cổ phiếu, bạn có thể thực hiện giao dịch qua hệ thống điện thoại. Toàn bộ thiết bị và linh kiện chúng tôi nhập có giá rất rẻ. Chúng tôi chỉ cần chờ người khác cải tiến chúng ở nước khác. Đây là vẻ đẹp thực chất của toàn cầu hóa. Chúng tôi là những nhà sản xuất địa phương, có kiến thức địa phương, nhưng nay chúng tôi được trang bị công nghệ ở tầm toàn cầu”.

Dân chủ hóa công nghệ đồng thời có nghĩa là tiềm năng làm giàu sẽ được san sẻ theo vị trí địa lý. Chúng giúp cho nhiều sắc dân ở nhiều vùng sâu vùng xa những cơ hội để họ tiếp cận và áp dụng kiến thức. Tại Kuala Lumpur, tôi gặp một nữ thương gia người Hoa gốc Hồng Kông, chị kể với tôi có một lần gọi vào một số điện thoại Hồng Kông để gặp dịch vụ trợ giúp kỹ thuật cho khách hàng của hãng vi tính Dell, và gặp một nhân viên nói rất sõi tiếng Quan thoại. Chị thương gia này nói với nhân viên là ở trung tâm Hồng Kông hôm đó mưa nhiều và hỏi rằng có mưa ở gần văn phòng Dell hay không. Nhân viên này nói ở vùng văn phòng Dell không mưa, vì văn phòng này thực ra nằm ở Penang, Malaysia, cách Hồng Kông hàng vạn dặm. Nhân viên đó là người Hoa gốc Malaysia, làm việc cho Dell Hồng Kông trong khi sống ở Penang, Malaysia. Đó là thành quả của dân chủ hóa công nghệ.

Ấn Độ cũng đang nhanh chóng trở thành một văn phòng cho toàn thế giới. (Theo tờ The Economist, số 18/9/1999, các tổng đài viên Ấn Độ đóng ở Ấn Độ nhưng lại phục vụ cho khách hàng của tập đoàn GE Capital. Một ngày nào đó họ có thể gọi khách hàng ở bang Texas, chất vấn vì sao khách hàng chậm trả tiền vào thẻ tín dụng. Nhưng tôi không cảm thấy thoải mái khi nghe những nhân viên người Ấn lại quay ra “thay tên của họ bằng tên lối phương Tây và bắt chước phương ngữ tiếng Anh từ những vùng của khách hàng họ phục vụ”.) Hàng không Thụy Sĩ đã chuyển toàn bộ các văn phòng kế toán của họ, bao gồm các máy tính từ địa bàn Thụy Sĩ đắt đỏ sang Ấn Độ rẻ hơn nhiều, để tận dụng nhân công lương thấp trong các khâu thư ký, lập chương trình và kế toán.

Nhờ có kỹ thuật số hóa và nối mạng vi tính, những công việc như vậy có thể được thực hiện ở mọi nơi, những nơi có số đông các sinh viên tốt nghiệp các trường Anh ngữ. Đó có lẽ là cơ hội cho Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Nam Phi và các cộng đồng nói tiếng Anh khác trên khắp các nước đang phát triển. Dịch vụ mạng quốc tế của hàng không Anh British Airways đóng ở Mumbai, Ấn Độ có chức năng phụ trách hồ sơ của lượng khách đi lại thường xuyên. Selectronic, một công ty điện toán ở Delhi nhận các chỉ dẫn được ghi âm từ các bác sĩ đóng tại Hoa Kỳ thông qua đường dây miễn phí, ghi chúng lại và gửi nội dung bằng văn bản đến một tổ chức chăm sóc sức

khỏe của Hoa Kỳ. Tờ Tạp Chí Kinh Tế Viễn Đông số ngày 2/9/1999 cho biết công ty American Online (AOL) hiện có 600 nhân viên phục vụ khách hàng người Philippines đóng tại Manila để mỗi ngày trả lời từ 10.000-12.000 cú điện thoại của khách hàng nhờ chỉ dẫn và thanh toán. Khách thường gọi từ Hoa Kỳ, chiếm khoảng 80 phần trăm số người dùng email của AOL. Chi nhánh của AOL tại Philippines trong năm 1999 trả cho các nhân viên địa phương có trình độ đại học khoảng 5,5 đô-la mỗi ngày, tờ tạp chí viết tiếp, vị chi là 35% cao hơn mức lương tối thiểu ở đất nước này, nhưng chỉ bằng lương của một công nhân thiếu tay nghề ở Mỹ làm việc trong một giờ. Mức lương như vậy là thấp, nhưng đó là khởi điểm để tiến tới một thế hệ người Philippines vươn tới một “Thế giới đi nhanh”, và bạn có thể đánh cuộc rằng những nhân viên có năng khiếu trong số đó một ngày nào, sẽ ra đi và mở một công ty vi tính, gọi là POL chẳng hạn, để cạnh tranh với AOL. Sự lan tràn nhanh chóng công nghệ phục vụ khách hàng và liên lạc qua vi tính có thể là nền tảng cho sự tăng tốc sắp tới ở châu Á. Nhưng để tham gia, những nước như Thái Lan, một nước đã lọt vào trò chơi toàn cầu bằng cách mời chào các dây chuyền sản xuất giá thành thấp, sẽ phải nâng cấp giáo dục và dạy nghề trong dân chúng để họ có thể cạnh tranh và chiếm lĩnh các dịch vụ và việc làm liên quan đến viễn thông và vi tính.

Một lần tôi ngồi trầm ngâm với Geoff Baehr, phụ trách thiết kế mạng vi tính của công ty Sun Microsystem, bàn về vấn đề: khả năng quá trình dân chủ hóa công nghệ và phương tiện sản xuất như hiện nay rồi sẽ đi đến đâu? Càng nghĩ chúng tôi càng thấy điên rồ. “Giờ đây chúng ta có thể dùng mạng điện toán để cung cấp các dịch vụ mà trước đây chưa từng được trao đổi, thông qua Internet, vậy tại sao chúng ta không outsource chính phủ của chúng ta luôn nhỉ?” Baehr đặt câu hỏi. Hãy nghĩ mà xem – hãy giao việc điều hành lính biệt kích và vệ sĩ cho người Nga. Bạn có thể để cho người Ấn Độ làm kế toán giữ sổ sách cho bạn và người Thụy Sĩ hãy làm công việc phục vụ khách hàng. Bạn hãy giao nhà băng trung ương cho người Đức. Người Ý chịu trách nhiệm thiết kế mẫu giày dép của bạn. Người Anh quản lý các trường trung học. Người Nhật có thể phụ trách tiểu học và lái tàu hỏa cho bạn…

Dân chủ hóa tài chính

Dân chủ hóa công nghệ chắc chắn tăng cường cho sự thay đổi quan trọng thứ hai đang điều hành toàn cầu hóa, đó là sự thay đổi trong cung cách chúng ta đầu tư. Tôi xin gọi đó là “Dân chủ hóa tài chính”. Nhiều năm trong thời Hậu Chiến tranh Lạnh các khoản cho vay lớn ở nội địa cũng như quốc tế được các ngân hàng thương mại và đầu tư và các công ty bảo hiểm lớn đảm nhiệm. Những định chế sang trọng đó bao giờ cũng muốn giao tiền cho các công ty có hoạt động ổn định và tài chính lành mạnh và được xếp hạng “đáng đầu tư”. Điều đó khiến cho việc cho vay rất mất dân chủ. Ngân hàng làm ăn theo lối cổ điển thường duy trì khái niệm hạn hẹp về việc ai là người đáng cho mượn tiền. Và nếu bạn là người mới vào cuộc, muốn vay tiền thì điều đó có

nghĩa bạn phải có một “tay trong” trong các ngân hàng hay một công ty bảo hiểm nào đó. Những định chế tài chính thường là do các giám đốc quản trị và những ban quản trị có bản chất trì trệ nắm giữ. Những người đó không thích rủi ro và không quyết đoán khi ứng phó với các thay đổi trên thị trường.

Dân chủ hóa tài chính thực ra bắt đầu từ cuối thập niên 1960 với sự ra đời của thị trường “thương phiếu.” Đó là những trái phiếu mà các tập đoàn công ty phát hành ra công chúng để thu hút vốn. Sự ra đời của thị trường trái phiếu làm nảy sinh một số yếu tố đa nguyên trong thế giới tài chính và xóa bỏ sự độc quyền của các nhà băng. Tiếp đó, vào thập niên 1970, xuất hiện khái niệm “thế chấp” để cho phép dân chúng vay tiền mua nhà trả dần. Các ngân hàng đầu tư khi đó bắt đầu đến tiếp xúc với các nhà băng và các công ty tài chính chuyên trách việc cho vay để phục vụ khách hàng mua địa ốc. Họ mua lại toàn bộ các khoản cho vay, chia chúng thành các trái phiếu giá 1.000 đô-la mỗi phiếu và mời những người dân thường như bạn và tôi và bà cô của bạn đóng tiền để mua. Chúng ta có cơ hội để hưởng chút ít lãi suất từ loại trái phiếu khá là an toàn này, khi mà lãi suất và vốn ban đầu cho bạn sẽ được cách khách hàng vay tiền mua nhà trang trải hàng tháng. Chứng khoán hóa trên thực tế đã giúp cho rất nhiều công ty và cá nhân tiếp cận được mức tài chính cho phép họ đầu tư hay làm ăn.

Tuy nhiên thập niên 1980 mới là lúc dân chủ hóa tài chính bùng nổ. Người đạp đổ rào cản cuối cùng chính là ông vua trái phiếu Michael Milken, một con người thông minh, lanh lợi và cũng hư hỏng nặng nề. Milken, tốt nghiệp Trường Thương mại và Tài chính Wharton, Đại học Pennsylvania, lúc đầu làm việc cho hãng môi giới chứng khoán Drexel ở Philadelphia năm 1970. Thời gian đó không thấy các ngân hàng hay định chế tài chính nào đếm xỉa tới việc mua các “trái phiếu rẻ mạt”, do các công ty hết thời làm ăn hoặc các thương vụ thiếu kinh nghiệm bỡ ngỡ bước vào đời phát hành. Milken cho rằng, các ngân hàng lớn như vậy thật là ngu. Anh ta thực hiện một số tính toán riêng; tham khảo một số nghiên cứu không mấy nổi tiếng về chủ đề trái phiếu rẻ mạt và kế luận như sau: Những công ty không được xếp hạng “đáng đầu tư ”, nếu vay được tiền thì thường phải chịu mức lãi từ 3-10 phần trăm cao hơn mức thông lệ.

Nhưng trên thực tế, nếu so sánh với các công ty làm ăn ổn định (được xếp hạng – blue chip) mà trái phiếu ít sinh lời thì tỷ lệ phá sản của các công ty tầm tầm này chỉ cao hơn chút ít. Chính vì thế, cái gọi là trái phiếu rẻ mạt tạo một khả năng kiếm tiền cao trong khi mức rủi ro lại cũng không mấy cao hơn. Và nếu bạn dồn nhiều loại trái phiếu tầm tầm này vào cùng một quỹ đầu tư, thì dù một vài trong số chúng có đổ bể, không thanh toán được, thì phần còn lại vẫn sẽ sinh lãi cho bạn ở mức 3-4 phần trăm cao hơn lãi suất của trái phiếu các công ty được xếp hạng, và hầu như mức rủi ro không tăng. Tạp chí Business Week số tháng 3 năm 1995 cho biết: Milken được trang bị bằng vốn hiểu biết nói trên, “thực hiện một sứ mệnh khó khăn, đó là thuyết phục cho được thế giới toàn những kẻ hoài nghi rằng anh ta tìm ra được một phương pháp

đầu tư mới ngon ăn”.

Do việc các nhà băng và các công ty đầu tư truyền thống có thái độ hoài nghi và tiếp tục lảng tránh thương vụ mới này, Milken nhanh chóng chuyển từ việc kinh doanh duy nhất trái phiếu các công ty bị tụt hạng, sang cuộc bao mua trái phiếu của hàng loạt các công ty thuộc loại “có vết” – công ty có độ rủi ro cao, công ty bị khánh tận, công ty mới nhập cuộc, những doanh nhân và cách hãng mới thành lập hiện chưa vay được tiền từ các ngân hàng lớn, và thậm chí các công ty tài chính “cướp biển” muốn sáp nhập công ty khác nhưng lại không có tiềm lực tài chính. Khi mua xong, Milken bán những trái phiếu của các công ty đó cho các qũy đầu tư, qũy hưu bổng và cá nhân các nhà đầu tư. Những người này nhận ra rằng Milken đã có quyết định đúng đắn khi làm như vậy – mức thu nhập cao hơn trong khi rủi ro không mấy cao hơn. Điều đó giúp cho bạn, cùng tôi và cùng người cô của bạn mua trái phiếu, đầu tư, và tài trợ được các thương vụ mới mẻ, nhiều bên cùng có lợi.

Rất nhiều những thương vụ kiểu đó đã tạo nên những chấn động đối với các công ty và công nhân của họ. Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, linh cảm của Milken được nhân đại trà. Một làn sóng trái phiếu rẻ mạt xuất hiện, trở thành ngành công nghiệp bán trái phiếu có mức lãi cao, động viên được tiền nhàn rỗi trong dân chúng.

Một chu trình dân chủ hóa tài chính quốc tế tương tự cũng xuất hiện trong giai đoạn này. Qua nhiều thập niên các nhà băng lớn chuyển những khoản tiền khổng lồ cho các chính phủ và tập đoàn ngoại quốc vay mà chỉ ghi giá trị các khoản vay trên sổ sách ở mức gốc. Có nghĩa là nếu nhà băng của bạn cho một nước hay một công ty vay 10 triệu đô-la, thì trên sổ sách chỉ ghi lại khoản tiền vay phải trả là 10 triệu đô-la, chứ không có gì xác nhận là đất nước đó hay công ty đó có tài sản gì trị giá 10 triệu đô-la để cho bạn xiết nợ, nếu họ không thanh toán đầy đủ. Trong trường hợp nhà băng cho vay trực tiếp và chỉ ghi lại khoản nợ, thì khi một đất nước-con nợ như Mexico chẳng hạn gặp khó khăn tài chính, như thời năm 1982, do họ vay tiền nước ngoài để tăng tiêu dùng trong nước cho dân chúng thì nhà băng sẽ chịu nhiều bất trắc. Tổng thống Mexico có thể đã bay sang New York, quy tụ hơn 20 ngân hàng lớn đã cho đất nước của ông vay tiền và tuyên bố như sau: “Thưa các quý vị, chúng tôi đã bị khánh tận. Và quý vị có biết câu ngạn ngữ này không: nếu một người vay của bạn 1.000 đô-la thì đó là vấn đề của anh ta. Nhưng nếu một người vay bạn 10 triệu đô-la, thì đó là vấn nạn của bạn. Vâng, chúng tôi chính là vấn nạn của quý vị. Chúng tôi không thể thanh toán cho quý vị được. Vậy xin quý vị làm ơn đàm phán lại, thay đổi hạn định thanh toán và tiếp tục cấp thêm tín dụng cho chúng tôi”. Và chủ các ngân hàng không còn cách gì hơn là gật đầu chấp nhận, bàn lại một vài phương thức gia hạn tín dụng (thông thường với mức lãi suất cao hơn).

Liệu các chủ nhà băng có lựa chọn nào khác không? Mexico chính là chuyện của họ, và các chủ nhà băng không đời nào lại quay lại giải thích cho các cổ đông của họ

là tài sản thế chấp cho khoản vay 10 triệu đô-la của Mexico là số không. Tốt nhất là họ hẳn cứ tiếp tục cáng đáng gánh nặng Mexico. Và 20 ngân hàng cùng ra tay chung sức để quản trị khoản vay này và tiếp tục ngồi lại với nhau để bàn phương cách giải quyết.

John Page, thời đó là một nhà kinh tế làm việc trong Phòng Mỹ La tinh của Ngân hàng Thế giới, đã giải thích cho tôi chính xác về quy trình giải quyết vấn đề Mexico. Là người nói được tiếng Tây Ban Nha, Page đã vào Mexico năm 1982 và gặp José Angel Gurria, Cục trưởng phụ trách tín dụng công của Bộ Tài chính nước này. Gurria là một con người huyền thoại trong việc thuyết phục các ngân hàng – từ những ngân hàng lớn ở New York cho tới các ngân hàng nhỏ hơn ở bang Texas, miền Tây nước Mỹ – về việc gia hạn tín dụng cho Mexico.

“Một hôm, tôi ngồi trong văn phòng của Gurria, nói chuyện với ông ta bằng tiếng Tây Ban Nha, thì điện thoại reo”, Page nhớ lại. “Đó là Chủ tịch một ngân hàng ở Texas, người bị Gurria thuyết phục trợ giúp tài chính cho Mexico. Ông ta hơi hoang mang khi nghe tin kinh tế Mexico có trục trặc. Đang nói chuyện với tôi bằng tiếng Tây Ban Nha như thế, mà Gurria chuyển ngay sang nói tiếng Anh thật là sõi. Gurria nói: “Ê, Joe, may mà anh gọi điện… Không, không, đừng lo. Mọi thứ dưới này ngon lành. Tiền của ông rất an toàn. Gia đình độ này thế nào? … Hay lắm. Con gái làm ăn ra sao rồi? Con bé vẫn đi học à?… Rất hay là đã nói chuyện được với bạn. Cứ gọi tôi lúc nào cũng được. Giữ liên lạc nhé!’ Sau đó, rất tự nhiên, Gurria quay lại nói chuyện với tôi bằng tiếng Tây Ban Nha. Như vậy, trong 30 giây đồng hồ, ông ta đã giải quyết cả một vấn đề với một nhà đầu tư quan trọng”.

Nhưng có một điều nực cười đã xảy ra trên con đường toàn cầu hóa. Thị trường các khoản nợ quốc tế được “chứng khoán hóa”, tựa như trường hợp các công ty và mối lái của Milken. Khi châu Mỹ La tinh lâm vào một cuộc khủng hoảng nợ nần nữa hồi cuối thập niên 1980, Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó là Nicholas Brady đã ứng dụng công thức Milken. Năm 1989, những khoản nợ của Mỹ La tinh được chuyển đổi thành các trái phiếu được chính phủ Mỹ đảm bảo. Những trái phiếu đó sau đó được các nhà băng giữ lại làm tài sản, hay bán ra cho công chúng, cho các qũy hỗ tương và các qũy hưu bổng với mức lãi suất cao hơn thông lệ. Như vậy, bỗng nhiên, tôi, bạn và bà cô được mua một phần nợ của Mexico, Brazil hay của Argentina – hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các qũy hưu bổng. Những trái phiếu như vậy được mua bán hàng ngày, với giá trị lên hay xuống, tùy thuộc vào mức lên xuống trong kinh tế mỗi nước. Tiền không còn đóng băng trên sổ sách như trước. Joel Korn, người đứng đầu chi nhánh Bank of America tại Brazil nhận xét: “Những gì Brady làm thực sự là một cuộc cách mạng. Thời trước ông ta, Bộ Tài chính Hoa Kỳ chỉ có gây sức ép, buộc các ngân hàng và Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) đổ tiền tới tấp vào các nước Mỹ La tinh. Điều Brady đã làm là đưa ra một giải pháp dựa vào thị trường. Các ngân hàng được

chính phủ Mỹ bảo đảm để tiếp tục gia hạn tín dụng cho các nước Mỹ La tinh, với điều kiện những nước này phải cải tổ kinh tế. Sau khi gia hạn tín dụng, thay vì ôm trọn cách khoản nợ trong sổ sách của họ, các nhà băng phân phối chúng lại thành các khoản trái phiếu được chính phủ bảo đảm và bán ra cho dân chúng. Như vậy sân chơi đã được mở rộng cho hàng ngàn tay chơi non trẻ mới mẻ. Đối với con nợ, thay vì phải đối phó với một ủy ban của nhóm 20 ngân hàng lớn nọ, họ phải chịu trách nhiệm trước hàng ngàn các nhà đầu tư tư nhân và các qũy đầu tư. Điều này đã mở rộng được thị trường, khiến cho nó uyển chuyển hơn và đồng thời tăng thêm vô khối sức ép lên các quốc gia mang công nợ. Dân chúng mua và bán trái phiếu hàng ngày, tùy thuộc vào mức giá trị của chúng lên xuống. Và cũng hàng ngày, người ta xếp hạng các loại chứng khoán đó. Và những người mua, bán và xếp hạng chứng khoán là những người nước ngoài, nằm ngoài vòng ảnh hưởng của Barzil, Mexico và Argentina”. Những người sở hữu trái phiếu không như những nhà băng. Họ không việc gì phải tiếp tục chu cấp cho con nợ để đảm bảo các khoản vay trước đó. Ngược lại, nếu kinh tế của đất nước-con nợ trì trệ, trái phiếu sẽ mất giá, chủ trái phiếu sẽ bán trái phiếu ra, nói lời vĩnh biệt, và mang tiền đầu tư vào trái phiếu của những đất nước làm ăn tốt hơn.

Cho nên khi Mexico lâm vào khủng hoảng do lạm tiêu năm 1995, rất nhiều các chủ trái phiếu của Mexico đã bán tháo các trái phiếu của họ, khiến trái phiếu này sụt giá, và Gurria lúc đó không còn có thể kêu cứu tới 20 ngân hàng đảo nợ nữa. Khoản nợ của Mexico đã được dân chủ hóa vào tay nhiều người. Vậy Mexico đã phải kêu cứu Bộ Tài chính Mỹ. Và Chú Sam đã đặt điều kiện khắc nghiệt với Mexico, kết quả là nước này phải dành khoản dự trữ dầu lửa của họ làm vật thế chấp. Điều kiện lúc đó cho việc Hoa Kỳ ứng cứu đó là kinh tế Mexico phải được cải tổ và phát triển như kinh tế bang New Mexico của Hoa Kỳ. Ngay sau đó, hàng loạt các nền kinh tế đang trỗi dậy bắt đầu bán trái phiếu theo công thức Brady, thường tính bằng tiền đôla Mỹ. Ngày nay có 16 quốc gia phát hành trái phiếu kiểu Brady với tổng giá trị là 150 tỷ đô-la. Chuyện chính phủ phát hành công trái cho người nước ngoài thì không có gì mới. Chuyện này diễn ra đã nhiều năm. Nhưng điều đáng nói ở đây là việc các món công trái nay được phân phối rộng rãi vào tay các cá nhân, qũy đầu tư và qũy hưu bổng. Hồi đầu thế kỷ 20, chỉ có các gia đình giàu có mới tham gia vào thị trường công trái. Giờ đây, quỹ hưu bổng của quận Cam [California], hay người gác trường, thậm chí bạn và tôi và bà cô của bạn cũng có thể tham gia mua bán công trái.

Đó là hiện tượng dân chủ hóa trong việc cho vay tín dụng, và tại Hoa Kỳ, nó trùng hợp với quá trình dân chủ hóa trong quy chế đầu tư. Điều này có xuất xứ từ cuộc cải cách qũy hưu bổng và sự ra đời của các tài khoản hưu bổng cá nhân 401 (k). Hoa Kỳ đang chuyển mình từ một đất nước trong đó các công ty đảm bảo hưu bổng cho nhân viên thông qua một hệ thống “các lợi tức cố định”, sang một chế độ trong đó, các công ty chỉ đảm bảo “sẽ đóng góp” cho hưu bổng của nhân viên. Trong trường hợp

đó, nhân viên có quyền hoán chuyển, mua bán các khoản đầu tư cho hưu bổng, tái đầu tư theo ý muốn để có thể sinh lãi nhiều hơn. Con người ta thời nay sống lâu hơn, họ lo lắng rằng khi về hưu thì an sinh xã hội cho họ còn được bao nhiêu, họ sẽ quay sang sử dụng đồng tiền trong các qũy hưu bổng và đầu tư một cách năng động hơn. Cha mẹ của quý vị có lẽ chả hiểu qũy hưu bổng của họ sẽ được đầu tư vào đâu. Trong khi thời nay, công nhân được mời chào một loạt các hình thức đầu tư, giải thích đầy đủ mức lãi suất và rủi ro, và người lao động hoán chuyển đồng tiền của họ chẳng khác việc đặt tiền trong các vòng quay rulô trong sòng bạc, tăng đầu tư vào các loại qũy làm ăn khấm khá và khiến cho các loại qũy làm ăn tồi hơn đi đến chỗ khánh kiệt.

Hãng môi giới chứng khoán trên Internet mang tên E*Trade đã tung ra một quảng cáo có thể minh họa cho quan điểm này. Quảng cáo bắt đầu bằng hình ảnh một anh chàng ngồi trong chiếc xe hơi mui trần, chiếc gậy đánh golf lộ ra ở băng ghế sau. Anh ta dừng xe bên vệ đường theo lệnh của cảnh sát. Thầy cớm bước lại và bắt đầu cuộc đối thoại sau đây:

Cớm: “Chào ông”.

Chàng trai: “Tôi hiểu rồi, hiểu rồi. Trình bằng lái và đăng ký xe phải không ạ”.

Cớm: “Ôi, Kirk Brewer. Tôi những mong được nói chuyện với anh.”

Chàng trai: “Nói chuyện với tôi?”

Cớm: “Vâng, anh là quản trị viên của qũy Large Cap”.

Chàng trai (vênh váo): “Ồ, vâng”.

Cớm: “Tôi thấy anh lọt vào danh sách 10 qũy hỗ tương hàng đầu”.

Chàng trai: “Vâng”.

Cớm: “Nhưng không phải là danh sách 5 hãng hàng đầu.”

Cảnh sát quay lại và nhìn vào các cây gậy đánh golf ở băng ghế sau của xe.

Chàng trai có điệu bộ lo lắng: “Dạ…vâ..ng”.

Cớm: “Hãy cất ngay những cây gậy đánh golf và quay lại đi làm việc đi”.

Rồi sau đó có một giọng nói cất lên: “Hãy khiến cho các quản trị viên tài chính của bạn làm việc hăng say hơn. Đây là thời điểm các bạn tham gia Trung tâm Qũy Hỗ tương E*Trade”.

Sau đó quay lại hình ảnh viên cảnh sát, lúc này đang bốc chiếc túi đựng đồ chơi golf từ trong xe và bước đi. Thông điệp ở đây thật rõ ràng: ngay cả viên cảnh sát cũng thấu hiểu tiền hưu bổng của anh ta hoạt động như thế nào và có toàn quyền quyết định về việc sử dụng nó.

Quá trình dân chủ hóa đầu tư cũng được tăng cường trên phạm vi quốc tế sau sự rạn vỡ hồi đầu thập niên 1970 của hệ thống kiểm soát chặt chẽ hối đoái và dịch chuyển các ngân khoản quốc tế. Hệ thống này còn được gọi là Bretton Wood, được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Những điều sau đây có thể đã bị lãng quên, nhưng từ sau Thế chiến thứ hai cho tới những năm 70, giới đầu tư người Nhật, châu

Âu hay Mexico rất khó mua cổ phiếu hay trái phiếu ở Hoa Kỳ. Và ngược lại dân Mỹ cũng không dễ gì mua chứng khoán tại những nước này vào thời đó. Nhưng ngay sau khi hệ thống tỷ giá ngoại hối cố định và kiểm soát dòng vốn bị rạn vỡ, các nước phát triển dần dần cho phép dân chủ hóa các thị trường vốn của họ, mở cửa cho các nhà tài chính nước ngoài, dần dần các nước đang phát triển cũng nhảy vào cuộc.

Nhiều sản phẩm mới nhanh chóng xuất hiện trong các thị trường đầu tư: công trái Mexico, Li Băng, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức và Pháp. Bạn tùy thích, muốn chọn loại nào cũng được. Càng có nhiều cá nhân lưu hành vốn của họ trong các thị trường toàn cầu, thì càng có nhiều các nhà quản trị vốn năng động, đòi hỏi mức lợi nhuận càng cao. Các qũy đầu tư cạnh tranh mạnh mẽ hơn để thu hút khách. Nhờ có quá trình dân chủ hóa tài chính như vậy, chúng ta đã chuyển từ một thế giới trong đó một số ít nhà băng nắm giữ những khoản nợ của các quốc gia, sang một thế giới ngày này trong đó nhiều ngân hàng, cá nhân, quỹ hưu bổng và qũy đầu tư nắm giữ phần nhiều khoản nợ của các quốc gia.

Điều quan trọng ở đây là tiền bán các trái phiếu rẻ mạt cũng thường được dùng để làm nảy sinh các vụ mua bán sáp nhập công ty tại Hoa Kỳ. Một lần nữa, những kẻ thấp cổ bé họng vốn dĩ không đủ khả năng tham gia vào các thương vụ béo bở như vậy, nay có dịp vào để mua bán thông qua các quỹ đầu tư và hưu bổng. Quá trình sáp nhập các công ty tạo sức ép đối với giám đốc các công ty, buộc họ phải làm việc nhiều hơn. Quá trình đó cũng làm nảy sinh trong những năm 80 công cuộc “giảm biên chế” khiến cho kinh tế Mỹ đỡ cồng kềnh và trở nên năng động hơn trước. Nó chuẩn bị cho nước Mỹ tham gia vào kỷ nguyên toàn cầu hóa nhanh hơn và sớm hơn so với các quốc gia khác trên thế giới. Nhiều công ty nhờ đó đã ăn ra làm nên, nhưng cũng có nhiều công ty khác chết nghoẻo cũng chính vì quá trình “giảm biên chế” này.

Một trong những lý do chính khiến Nhật Bản vẫn còn những công ty hoạt động trì trệ chính là do hệ thống tài chính của nước này trong nhiều năm đã chưa được dân chủ hóa. Các ngân hàng lớn của Nhật thống lĩnh nền tài chính, khiến cho các thương vụ non trẻ không ngóc cổ lên được, không vay được tiền và không tham gia được vào cơ chế sáp nhập công ty. Vả lại nhà băng chỉ chu cấp cho các công ty lớn, có quan hệ lâu dài với họ, mà không cần đếm xỉa đến chuyện cạnh tranh hay khả năng rủi ro mới có thể nảy sinh từ những quan hệ như vậy. Bản sắc văn hóa của người Nhật cũng ít cho phép những vụ mua bán sáp nhập thương vụ, thêm nữa các ban quản trị ngân hàng có quan hệ hết sức gần gũi với bộ sậu lãnh đạo của các tập đoàn lớn. Thêm nữa, nhân công người Nhật không có quyền quyết định đối với quyền lợi hưu bổng của họ. Họ không được phép chuyển tiền hưu bổng của họ sang các thị trường khác; kết quả là công ty, qũy đầu tư hay qũy hưu bổng ở Nhật không phải chịu sức ép để làm việc năng động hơn. Đó là lý do khiến kinh tế của Nhật mang phong thái vương giả nhưng lại không hiệu quả. Điều đó cũng giải thích lý do đồng vốn bị phân bổ không hợp lý,

tạo ra một loại bong bóng kinh tế hồi cuối thập niên 80 cũng như hàng ngàn hãng xưởng làm ăn không hiệu quả tiếp tục được phép tồn tại theo lối tầm gửi.

Nhưng tình hình đó bắt đầu thay đổi từ đầu năm 2000, khi Nhật Bản mở rộng cánh cửa tài chính nội địa và các công ty của Hoa Kỳ bắt đầu dồn vốn vào đầu tư, ví dụ hãng GE Capital. Sự cạnh tranh từ nước ngoài đã buộc các ngân hàng Nhật Bản phải nghiêm túc hơn trong việc cho vay vốn, và buộc các công ty và nhà sản xuất của đất nước này phải làm ăn năng động hơn. Điều đó khiến việc sử dụng vốn trở nên hiệu quả hơn tại Nhật Bản, và vốn được chu cấp hợp lý hơn tới được tay các công ty non trẻ mới vào cuộc. Tiền không còn là thứ chỉ dành riêng cho mạng lưới các “tay chơi quen biết”. Tập đoàn tài chính GE Capital, chủ nhân của hãng tài chính Lake, đã cho mở các kiosk cho vay tự động khắp nơi trên đất Nhật Bản từ cuối những năm 90. Bạn chỉ cần dừng xe, chìa bằng lái hoặc một loại chứng minh thư để có thể được kiểm tra mức khả tín, ký một hợp đồng và trong vòng một tiếng đồng hồ, bạn có thể được vay tiền. Dân chủ hóa tài chính là như thế đấy.

Dân chủ hóa thông tin

John Burns là Trưởng phân xã tờ The New York Times tại New Delhi cuối những năm 90. Tôi tình cờ đến thăm anh vào mùa hè năm 1998, lúc đó là trong thời gian World Cup, và Burns lúc nào cũng dán mắt vào màn hình TV xem đá bóng. Một buổi sáng Burns kể cho tôi câu chuyện này: “Chúng tôi cho lắp 4 ăng ten chảo trên nóc nhà, chi phí tờ Times phải chịu lên đến hàng ngàn đô-la mỗi năm. Cứ như là chúng tôi có trạm viễn thông chuyên dụng vậy. Thế nhưng tôi thật chán vì ngay cả khi có tới bốn “chảo” mà không thể bắt được kênh truyền hình Ấn Độ đang tường thuật World Cup. Hình như có điều gì liên quan tới thời tiết làm nhiễu sóng hay là vị trí ăng ten; người kỹ thuật viên làm chuyện đó thỉnh thoảng mới vác xác đến. Tôi đem chuyện này phàn nàn trong một bữa ăn sáng và Abdul Toheed, đầu bếp 71 tuổi, con người thời trẻ đã làm thợ đánh giày trong quân đội Anh tại Ấn Độ, nói với tôi: “Không hiểu anh phàn nàn về chuyện gì. Tôi dò được tất cả các kênh trên TV của tôi. Anh phí không biết bao nhiêu tiền vào mấy cái ăng ten vệ tinh của các anh. Đến chỗ tôi đi!” Ông ta và bà vợ sống ở nếp nhà nhỏ phía sau ngôi nhà của tôi. Thế là tôi sang, và thấy vợ ông đang nghe đài BBC. Tôi hỏi ông ta: ‘Bà nhà đang làm gì vậy? Bà ấy có nói được tiếng Anh đâu. Ông đáp: “Bà đang học”. Rồi ông ta đưa cho tôi cái điều khiển từ xa. Tôi sửng sốt khi dò từ kênh thứ nhất tới kênh 27. Ông ta có chương trình đến từ Trung Quốc, Pakistan, Australia, Ý, Pháp – toàn bộ như vậy mà ông chỉ phải trả 150 rupee một tháng (3.75 đô-la). Trong khi đó, với 4 ăng ten chảo, tôi chỉ được có 14 kênh. Đầu bếp của tôi đã nhờ một người bạn, buôn bán một hệ thống phát lậu truyền hình cáp quang, mắc một đường dây vào đằng sau nhà, một hành động phi pháp. Nhưng nó giúp ông tiếp xúc với hình ảnh của cả thế giới và vợ ông được học tiếng Anh, trong khi tôi vẫn tiếp tục phải vật lộn dò tìm kênh truyền hình Ấn Độ”.

Câu chuyện của Burns minh họa sự thay đổi thứ ba khiến nảy sinh toàn cầu hóa – sự thay đổi trong cung cách ta quan sát thế giới. Tôi gọi đó là quá trình “dân chủ hóa thông tin”. Nhờ có các đĩa vệ tinh, Internet và truyền hình, chúng ta ngày này có thể nhìn và lắng nghe, xuyên qua hầu như tất cả các tấm màn chắn.

Sự đột phá này bắt đầu bằng sự toàn cầu hóa truyền hình. Trong suốt thời Chiến tranh Lạnh, truyền hình và phát thanh là lĩnh vực bị hạn chế, vì công nghệ và phạm vi của hai ngành này còn bị giới hạn. Các chính phủ hoặc tự đứng ra điều khiển truyền thông hoặc có chính sách chi phối chặt chẽ ngành này. Tình hình này đã chấm dứt tại Hoa Kỳ khi ở đây xuất hiện truyền hình cáp, có khả năng truyền đồng thời nhiều kênh khác nhau. Sau đó, trong những năm 80 nhiều loại truyền hình đa hệ, nhiều kênh bắt đầu xuất hiện lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới, nhờ có việc ngày càng nhiều trạm vệ tinh viễn thông được phóng vào không gian, và giá thành thuê kênh tiếp vận ngày càng giảm xuống. Nhưng cũng có những điều oái oăm: Chiến tranh Lạnh khiến cho cả Hoa Kỳ và Liên Xô chạy đua để sản xuất loại vệ tinh ngày càng nhỏ hơn, mạnh hơn và rẻ hơn, phóng chúng vào không gian để do thám lẫn nhau. Nhưng chính những công nghệ đó đã mở đường cho việc tiếp vận truyền hình được nhiều hơn và rẻ hơn, và chính điều đó khiến cho các bức tường sụp đổ nhanh hơn.

Hồi đầu, chỉ có những trạm truyền hình cáp lớn mới có đủ khả năng dựng loại ăng ten chuyên dụng để nhận tín hiệu từ vệ tinh. Nay do có quá trình dân chủ hóa công nghệ, đặc biệt khả năng thu nhỏ thiết bị, mà hàng triệu người trên hành tinh có thể tiếp nhận các tín hiệu thông qua loại ăng ten nhỏ như cái chảo, lắp trên ban công nhà họ. Đột nhiên bao nhiêu hạn chế về truyền thông xưa nay biến mất; nảy sinh một lớp khán thính giả đông đảo mới cho ngành truyền thông. Một khi công nghệ số hóa được triển khai đại trà, thì thay vì 5 kênh hay 10 kênh, các hãng truyền thông có thể phân phối tới 500 kênh.

Thêm vào đó, thông tin được dân chủ hóa do công nghệ “nén thông tin” phát triển, chẳng hạn việc xuất hiện các loại đĩa video kỹ thuật số: Đĩa DVD là loại CD, đường kính 5 inch, có sức chứa cả một phim truyện, có âm thanh “vòm”, có phụ đề bằng nhiều ngôn ngữ và bạn có thể dùng để xem trong máy tính xách tay hay máy DVD thu nhỏ. Tôi nhớ lại lần sang vùng Vịnh vào cuối thập niên 1970, được thấy các viên chức hải quan sục sạo trong hành lý của du khách để kiểm soát và tìm những băng video văn hóa phẩm gây hại, gây hấn về chính trị chống lại đất nước của họ. Tôi thách họ tìm cho ra đĩa DVD trong hành lý của tôi bây giờ. Đã có sự lan tràn máy chiếu DVD tại Trung Quốc hồi cuối những năm 90 – song song với việc xuất hiện băng đĩa in ấn và phát hành lậu các bộ phim Hollywood cho hàng triệu hộ dân Trung Quốc, mà không phải đợi đến khi Hollywood cho trình chiếu chính thức để mua vé. Các loại máy ảnh, máy quay phim và máy đèn chiếu kỹ thuật số, loại không cần dùng phim nhựa, khiến ai ai cũng có thể trở thành nhà làm phim. Và không những làm

được phim, bạn còn có thể truyền bá phim của bạn đi khắp thế giới thông qua Internet, với chi phí thấp.

Quan trọng tương đương với công nghệ truyền hình cáp và viễn thông qua vệ tinh chính là Internet. Internet là trụ cột của quá trình dân chủ hóa thông tin: không có ai sở hữu Internet; Internet được phi tập trung hóa hoàn toàn; không ai có thể xóa bỏ Internet; và Internet có thể đến với từng nhà và từng con người trên hành tinh. Những tiến bộ của Internet chính là sản phẩm của sự phối hợp giữa các cá nhân – nhiều người trong số họ có khi chả bao giờ gặp nhau, nhưng họ hợp tác trong công việc trên mạng, đóng góp sáng kiến với nhau, nhiều khi miễn phí. Internet quan trọng không khác gì cuộc sống của chính chúng ta ngày nay, dẫu cho không mấy ai hiểu được ngọn ngành của Internet. Đó là một câu chuyện ly kỳ. Internet được phát minh khi Hoa Kỳ phản ứng lại sự kiện ngày 4/10/ 1957, khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik của họ vào quỹ đạo. Có trọng lượng 184 pounds và kích thước bằng một quả bóng rổ, vệ tinh Sputnik được chuyên chở bằng một tên lửa của Liên Xô. Sự kiện này khởi đầu không những chỉ kỷ nguyên không gian mà còn kỷ nguyên không gian ảo.

Trong buổi họp báo ngày 9 /10/ 1957, Tổng thống Hoa Kỳ Dwight D Eisenhower được Merriman Smith, một nhà báo đã trở thành huyền thoại, chất vấn: “Nước Nga đã phóng một vệ tinh viễn thông. Họ cũng thông báo đã bắn thử một lửa đạn đạo vượt đại châu. Đó là những thứ mà đất nước ta chưa có. Tôi xin hỏi ngài, chúng ta sẽ làm gì để đối phó?” Vị Tổng thống đối phó bằng cách thiết lập một chương trình không gian để gấp rút theo kịp Liên Xô – trong đó, ông ta muốn có một tổ chức phụ trách chung các nghiên cứu và tên lửa và chiến lược không gian. Eisenhower đã thuyết phục được Quốc hội cho phép lập Cơ quan Nghiên cứu các Dự án Kỹ thuật cao – ARPA. Từ đó, các dự án tên lửa và hàng không dần dần được tách ra trở thành NASA, phần còn lại của ARPA sau này do Lầu Năm Góc phụ trách và trở thành cơ quan nghiên cứu và cải tiến công nghệ thông tin và vi tính. Công nghệ xử lý thông tin thời đó còn rất mới. Và như Stephen Segaller, tác giả cuốn sách Nerds 2.0.1: Tóm lược lịch sử Internet, chỉ ra, chính Văn phòng Xử lý Công nghệ Thông tin của ARPA, là cơ quan đầu tiên xây dựng nguyên mẫu đầu tiên của Internet và đặt những nền tảng đầu tiên cho mạng Internet thời nay.

Nguyên mẫu Internet được trình làng vào năm 1969, mang tên ARPAnet – một mạng nội bộ thô sơ nối giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và một số trường đại học và phòng thí nghiệm của chính phủ. Được Lầu Năm Góc tài trợ, ARPAnet giúp cho một nhóm các nhà nghiên cứu trao đổi ý kiến và thông số, họ tiết kiệm được thời gian dùng máy tính và phương tiện, thông qua mạng nội bộ này. Lúc đó máy tính còn yếu và thiếu thốn, qua mạng nội bộ, kỹ thuật viên ở trung tâm UCLA có thể chạy được các chương trình trên các máy tính đặt ở Cambridge, Massachusetts, và nhân viên ở những nơi đó trao đổi dữ liệu với nhau.

“Cách đây 30 năm, ngày 29/10/1969, mẩu tin đầu tiên được truyền qua một mạng điện tử đơn sơ, tiền thân của Internet”, tin trên tờ New York Times ra ngày 12/10/1999 cho biết. “Mẩu tin này không “hoành tráng” như dòng chữ đầu tiên “Chúa an bài” xuất hiện trên băng điện báo khi kỹ thuật này điện tín ra đời năm 1844: mẩu tin chỉ vẻn vẹn là “login”. Lúc đó mạng ARPANET chỉ có hai điểm. Một sinh viên trường UCLA tên Charley Kline lúc đó đánh hai chữ “L” và “O”, và chữ này được truyền sang một máy tính cách văn phòng của anh ta 300 dặm về hướng tây bắc, tại Viện Nghiên cứu Stanford, tiền thân của khu Silicon Valey sau này” bài báo viết tiếp.

Nhưng mãi đến năm 1972, những kỹ thuật viên Internet đầu tiên mới phát hiện ra email. Những máy tính thời đó cho phép lập những “hộp thư chết” trên máy: người nọ nhắn vào hộp thư của người kia trên cùng một máy. Một ngày kia, như Segaller kể lại, Ray Tomlinson, làm việc cho hãng máy tính Bolt, Beranek và Newman, viết một chương trình truyền các tệp hồ sơ đơn giản, truyền được các file từ một máy tính sang một máy khác, rồi khẳng định máy kia đã nhận được các file này. Sau này Tomlinson nói với Segaller, “Một khi ta truyền được file từ một máy tính sang một máy khác thì đương nhiên ta có thể viết và truyền các file này cho một vài máy khác, và gửi thư cho những người khác nhau. Lúc đó tình cờ tôi đang nghiên cứu một loại nhu liệu cho phép soạn thảo và truyền email, gọi là “gửi lời nhắn” (send message) – và thách thức lúc đó là kết hợp soạn thảo email và dùng nhu liệu truyền file từ máy tính này sang máy tính khác. Tôi thực hiện ngay… và đã thành công.” Nhiều người khác nghe được chuyện này, nhiều mạng máy tính khác cùng áp dụng và… alê, email ra đời.

Theo Segaller, Tomlinson chính là người sáng tạo chữ @ [a còng] để phân biệt người viết mail và nơi làm việc hay địa chỉ của người này. Khi những nhà nghiên cứu thấy được công dụng của email, thì việc sử dụng chúng bùng phát ngay, các mạng xuất hiện và hàng loạt thể loại thông số khác nhau được truyền qua lại giữa các trường đại học, cơ quan chính phủ, công ty và các hãng nghiên cứu. Nhiều mạng điện toán khác ra đời, nhưng như Segaller cho biết, chúng chỉ cho phép các khách hàng liên hệ trong nội bộ mỗi mạng mà thôi, vì các mạng này không “nói chuyện” được với nhau. Cho đến khi hai nhà nghiên cứu Vint Cerf và Bob Kahn phát minh ra một thể thức, một loại ngôn ngữ lập trình, có thể làm các mạng “nói chuyện được với nhau”, khiến cho một “gói dữ liệu” rời khỏi một mạng, di chuyển và vào qua cổng một mạng khác, mà theo Segaller, được giới thiệu hồi năm 1973 là một thứ “mạng của mạng”, gọi tắt là Internet.

Toàn bộ câu chuyện chưa được đại chúng biết đến cho mãi tới năm 1990. Năm đó, Tim Berners-Lee, một kỹ sư mạng điện toán người Anh đóng tại Geneva sáng tạo ra một công cụ, đơn giản và hầu như miễn phí để thu thập tin tức từ Internet – một thứ mang tên the World Wide Web. Theo Segaller, lúc đó có khoảng 800 mạng máy tính, nối tổng số 160.000 máy tính trên thế giới hòa mạng Internet. Về mặt kỹ thuật thì số

máy tính đó được nối với nhau, nhưng để vào tìm dữ liệu trữ trong các máy tính này là việc không dễ, vì lúc đó không có trung tâm thông tin, không có danh bạ địa chỉ và không có phần mềm quản lý thông tin. Phát minh của Berners-Lee, theo tờ The New York Times có lần viết, “là cho ra đời một nhu liệu tiêu chuẩn hóa cho việc đăng ký địa chỉ, nối và truyền các thông số và tài liệu trên Internet”. Những phát kiến của ông bao gồm Uniform Resource Locator URL – một hệ thống mã hóa để tìm và truy cập nội dung các trang mạng dù trang đó được hỗ trợ bằng bất kỳ máy chủ loại nào; nghi thức siêu văn bản (HTTP) – tạo đường truyền giữa trang mạng và máy tính của khách hàng; và sau cùng là ngôn ngữ siêu văn bản (HTML) – đây là hệ tiêu chuẩn chung để hình thành mỗi website và cách nó xuất hiện mỗi khi bạn nhấn chuột để “gọi”. URL, HTTP và HTML hình thành một hệ thống liên kết các mạng liên lạc, cho phép bạn nhấn chuột lên những dòng chữ, những hình ảnh trên màn máy tính để truy cập vào nhiều trang thông tin, dù chúng ở trên một máy chủ khác ở một nước khác. Đó là lý do tại sao người ta gọi đấy là World Wide Web vì bạn có thể theo một dòng liên kết đến bất kỳ nơi nào trên thế giới rồi quay trở về. Thời trước, cuốn sách bạn đang đọc cũng có thể được lưu trên một mạng điện toán, nhưng để đến với nó, bạn cần đi qua mê lộ các mạng khác nhau và ngay cả khi tìm ra nó, bạn cũng không tài nào đọc được vì máy tính của bạn không có chương trình thích hợp. Ngày nay bạn chỉ cần vào Internet, đánh địa chỉ www.lexusandtheolivetree.com hoặc nhấn chuột lên hình ảnh của cuốn sách trên trang amazon.com, World Wide Web sẽ dẫn bạn đến với cuốn sách.

Tuy vậy, để phát triển trở thành phương tiện đại chúng cho nghiên cứu, thương mại và liên lạc, Internet cần thêm ba phát minh nữa – phần mềm truy cập [Web browser], công cụ tìm kiếm [search engine] và công nghệ mã hóa bảo mật cao [high-grade encryption technology] để người dùng có thể yên tâm cung cấp số thẻ tín dụng của họ cho trang Web để mua bán. Browser là một nhu liệu biến máy tính thành một thứ TV giúp cho ai cũng có thể trưng bày nội dung trang web của họ lên; khi bạn đánh vào khung địa chỉ www, hoặc nhấn chuột lên một hyperlink sẽ xuất hiện trên màn hình toàn bộ hình ảnh, nội dung của trang web. Dùng một browser cùng search engine, một em bé cũng có thể đánh những chữ cần thiết để truy cập vào nhiều trang thông tin tìm những thông tin cần thiết. Berners-Lee phát minh ra một thứ browser sơ cấp để khởi động world wide web. Sau đó Marc Andreessen, năm 1993, sáng tạo loại browser đại chúng đầu tiên mang tên Mosaic. Một năm sau Netscape Navigator ra đời có tính năng tinh vi hơn. Netscape cho phép sử dụng đại chúng hơn, đơn giản hơn, nhiều màu sắc hơn và độ tương tác cao hơn.

Netscape ra đời trùng hợp với quyết định của Quốc hội Hoa Kỳ cho phép thương mại điện tử hoạt động; đồng thời việc giá của máy tính cá nhân và điện thoại giảm nhanh chóng. Kết hợp ba điều kiện đó dẫn đến sự bùng nổ của ứng dụng Internet và

cuộc cách mạng dân chủ hóa thông tin. Kevin Maney tóm tắt cuộc cách mạng này trong bài viết trên tờ USA Today (9/8/1999): “Là một phát minh mang tính cải biến thế giới, Internet có nhiều yếu tố giống máy in ngày xưa. Nó khiến cho chi phí tạo dựng, truyền và lưu trữ thông tin sụt giảm hẳn và khiến thông tin gần gũi với con người ta hơn nhiều. Nó đánh gục độc quyền truyền thông. Hãy nhìn vào những thông tin về y tế trên web, những thứ mà từ trước đến nay chỉ có bác sĩ mới biết. Thông tin về xe hơi và giá cả của chúng không còn bị các tay buôn xe bưng bít… Hàng triệu người ngày nay có thể lên mạng để kể rõ từng chi tiết về cuộc sống của họ.”

Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới con người ta hiểu biết nhiều như ngày nay về số phận của đồng loại, về các loại sản phẩm và tri thức. Và giai đoạn tiếp theo trong thế kỷ 21 đó là việc người ta được trang bị hệ thống viễn thông Internet băng thông rộng, tốc độ nhanh ngay tại nhà, văn phòng trên các máy tính cầm tay. Internet cao tốc cho phép truy cập suốt ngày đêm, tựa như TV lúc nào cũng bật, thông tin cập nhật hơn, đến nhanh hơn và chi tiết hơn. Từ chiếc máy tính xách tay đi trên đường, bạn có thể họp bàn, giao dịch với đồng nghiệp và khách hàng ở nhiều nơi khác. Internet cho phép bạn “tải xuống” phim, âm nhạc và video. Nó cho phép bạn đi chợ thương mại điện tử trong không gian ba chiều. Một quảng cáo hấp dẫn của công ty Internet Qwest hồi năm 1999 cho thấy một thương gia mệt mỏi và lấm láp đăng ký trọ ở một khách sạn ở một nơi hẻo lánh. Ông ta hỏi một người phục vụ buồn nản ở đó liệu khách sạn các dịch vụ tận buồng. Cô này đáp: “Vâng”. Và khi ông này hỏi thêm, thế TV trong buồng có gì hay? Thì cô này lên giọng dạy đời: “Buồng nào cũng có bất cứ phim gì từng sản xuất và bằng bất cứ thứ tiếng gì, giờ nào cũng có, ngày hay đêm…

” Internet cao tốc là như thế đấy, mang phương tiện giải trí đến cả nơi khỉ ho cò gáy.

Kết hợp toàn bộ các yếu tố dân chủ hóa thông tin ta thấy các chính phủ ngày nay không còn có thể bưng bít dân chúng của họ về những gì xảy ra bên ngoài lũy tre làng hay biên giới của đất nước. Thông tin về cuộc sống ở bên ngoài không còn bị bóp méo hay bôi xấu. Thông tin về cuộc sống trong nước không còn bị tô vẽ theo lối tuyên truyền. Nhờ quá trình dân chủ hóa thông tin, chúng ta càng thấu hiểu hơn cuộc sống của đồng loại – dù cho đất nước có nằm ở nơi nào xa xôi và cô lập. Mỗi khi bạn tạo dựng một bức tường dày hơn, cao hơn để lẩn trốn, bạn sẽ thấy có những công nghệ len lách hoặc vượt trên bức tường đó mang thông tin đến với bạn. Mỗi khi bạn vẽ một ranh giới trên cát để tự bao bọc, công nghệ sẽ tìm cách xóa nhòa ranh giới đó. Raul Valdes Vivo, Hiệu trưởng Trường Đảng của Cuba mang tên Nico Lopez, Havana giải thích rất hay về chuyện này trong cuộc phỏng vấn với báo National Geographic (6/1999). Khi được hỏi về những khó khăn mà đất nước Cuba gặp phải khi cố duy trì các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời áp dụng một số phương pháp của tư bản để tồn tại, ông ta nói vui: “Cuba không còn là một hòn đảo. Không có hòn đảo nào

trên thế giới này nữa. Tất cả là một thế giới duy nhất”.

Trong những năm 80, ở Liên Xô, trên tờ Pravda, có tấm ảnh được chú thích là “dòng người chờ phát chẩn ở Hoa Kỳ”. Nhưng nhìn kỹ tấm hình thì ra đó là dòng người xếp hàng trước cửa hiệu bánh mỳ Zabar’s ở Manhattan vào một sáng thứ bẩy. Đừng có dở cái trò đó thời nay – thậm chí ở Trung Quốc! Một khi người ta có Internet. Điều khiến Internet trở nên nguy hiểm đối với các nhà nước độc tài, đó là các nhà nước này buộc phải cho phép nó tồn tại, vì nếu không họ sẽ bị thua thiệt về kinh tế. Nhưng nếu có Internet, họ sẽ không kiểm soát được thông tin như trước kia. Điều đe dọa hơn đối với một hệ thống như ở Trung Quốc đó là Internet cho phép người ta trao đổi tin tức sống động hàng ngày. Internet không phải là một thứ đài phát thanh, không đơn thuần là một thứ truyền hình để chỉ có thính hay khán giả. Trên Internet người ta trao và đổi, trò chuyện, thu thập tin tức và ý tưởng, mua và bán – làm tất cả những chuyện đó mà dường như không thể bị cấm đoán.

Ngày 4 tháng 12 năm 1998 Trung Quốc xử án một thương gia máy tính, người được coi là một nhân vật bất đồng chính kiến trên mạng, phân tán địa chỉ email của dân Trung Quốc cho một tờ báo điện tử tiếng Hoa quảng bá cho dân chủ. Tòa án Chung thẩm Nhân dân tại Thượng Hải đã tổ chức xử kín, buộc cho Lin Hai, thương gia nọ, tội phản loạn do đã cung cấp địa chỉ email của 30.000 người dân Trung Hoa sử dụng email cho VIP Reference, một tạp chí điện tử có trụ sở ở Hoa Kỳ. Tổng biên tập gốc Trung Hoa của VIP Reference nói với báo Los Angeles Times (4/1/1999) rằng: “ Chúng tôi nguyện phá bỏ hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc nhằm vào Internet. Chúng tôi tin dân chúng Trung Hoa cũng như các dân tộc khác trên thế giới xứng đáng được quyền tiếp cận tri thức và tự do ngôn luận”. Tên của tạp chí này có lượng độc giả 250.000 người qua email ở Trung Quốc cũng là cách chơi chữ. Các viên chức cao cấp Trung Quốc được cung cấp một bản tin vắn hàng ngày gồm những tin đích thực, đầu đề là “Bản tin tham khảo” (Reference News.) Và như tờ Los Angeles Times đăng, thì VIP Reference là tin tham khảo cho những yếu nhân Trung Hoa đích thực – đó chính là dân thường. Một chuyện tương tự diễn ra trong lĩnh vực tài chính. Một công ty Internet thành lập tại Chicago năm 1998 mang tên China Online, sử dụng các cộng tác viên tại Trung Quốc để thu thập tin thị trường và thời sự. Họ gửi tin sang Chicago, tin này được biên tập và truyền trở lại Trung Quốc qua Internet. Một trong những dịch vụ hàng ngày của China Online là bảng tỷ giá hối đoái chợ đen giữa Nhân dân tệ và đô-la Mỹ tại các thành phố lớn của Trung Quốc. Các cộng tác viên của China Online hàng ngày ra chợ trời, kiểm tra tỷ giá với các tay buôn ngoại tệ, gửi kết quả về Chicago. Đây là một dịch vụ rất hữu ích cho những ai làm ăn ở Trung Quốc, đặc biệt trong giới người Hoa. Đó là dịch vụ mà không bao giờ chính phủ Trung Quốc cung cấp cho dân chúng của họ, cũng như cho thế giới. Và Bắc Kinh không thể nào ngăn chặn được dịch vụ này.

Nam Teheran, quận nghèo nhất của thủ đô của Iran, là nơi rất hiếm TV. Khi đến đây vào năm 1997, tôi thấy nhà nào có TV thường bày ghế ra và bán vé cho người xem nhờ mỗi khi có chương trình của Mỹ [qua vệ tinh]. Chương trình được hâm mộ nhất là Baywatch, một loại phim truyền hình sản xuất từ miền Nam California với phụ nữ mặc áo tắm hai mảnh và số đo cơ thể 91-60-91. Chính phủ Iran cấm ăng ten vệ tinh, nên mấy ông bạn tôi dấu chúng phía dưới dây phơi quần áo hay các bụi cây trên các ban công nhà họ.

Nhờ có cuộc cách mạng thông tin và việc giảm chi phí điện thoại, fax, Internet, radio và các phương tiện thông tin khác, không còn bức tường vững chãi nào trên thế giới nữa. Một khi chúng ta biết thêm về đời sống của người khác thì một động lực chính trị mới đã xuất hiện. Khi một thảm họa diệt chủng xảy ra ở một nơi dù là heo hút trên thế giới, thì các nhà lãnh đạo đất nước chắc chắn phải biết, họ không thể nói: “không biết”, mà chỉ có thể quyết định không hành động. Khi có những phát kiến ở những nơi khấm khá hơn trên hành tinh, thì các nhà lãnh đạo không thể cấm dân chúng áp dụng và học hỏi chúng; họ chỉ có thể quyết định: làm ngơ và không giúp. Vậy một khi dân chúng biết nhiều hơn thì quý vị lãnh đạo trở nên có ít lựa chọn hơn. Nếu họ không nghe theo, không giúp dân, thì họ sẽ gặp trở ngại – một thứ trở ngại ngày càng trầm trọng. Trong vài năm nữa mỗi người dân trên thế giới sẽ có thể so sánh sản phẩm và cả chính phủ ở nơi họ đang sống và ở những đất nước khác.

“Ngày nay không một đất nước nào có thể khóa kín bản thân, không tiếp xúc với truyền thông toàn cầu hoặc những nguồn tin từ bên ngoài; những khuynh hướng xuất hiện ở một nơi có thể được nhân đại trà ở nhiều nơi khác xa xôi”, đấy là nhận xét của Francis Fukuyama, tác giả cuốn sách Kết cục của lịch sử và con người cuối cùng. Ông nói tiếp “Một đất nước tự đứng bên ngoài nền kinh tế toàn cầu bằng cách tự tách mình khỏi hệ thống thương mại và dòng vốn quốc tế sẽ phải đối phó với một thực tế: kỳ vọng của người dân được định hình bởi sự hiểu biết của họ về mức sống và các sản phẩm văn hóa từ thế giới bên ngoài”.

Thế đấy. Một vị tổng thống của một đất nước đang phát triển hôm nay có thể đến phát biểu trước dân chúng, “Thưa đồng bào, chúng tôi sẽ ngưng, không đi theo cái trào lưu toàn cầu hóa. Chúng tôi sẽ tạm thời dựng những hàng rào thuế quan và áp đặt kiểm soát đối với các dòng ngoại tệ đang ra vào nước ta. Chúng ta sẽ giảm được những đau thương và xáo động trong nền kinh tế của chúng ta, nhưng mức tăng trưởng sẽ chậm lại, vì chúng ta sẽ không còn tiếp cận được các khoản tiền nhàn rỗi từ nhiều nơi trên thế giới. Vì thế nếu quý vị nào chưa đạt được mức sống trung lưu, thì xin hãy chờ một thời gian”. Nghe thấy vậy một người dân ở ngoại thành sẽ lên tiếng: “Nhưng, thưa Tổng thống, tôi xem phim Baywatch đã được năm năm nay. Ý ông muốn nói là rồi đây sẽ không còn Baywatch cho tôi xem? Không còn Disney World? Không còn áo tắm hai mảnh?” Những chính phủ muốn trốn tránh toàn cầu hóa không

những sẽ phải tìm ra những lựa chọn mới thích hợp, mà còn phải làm điều đó trong môi trường ai ai cũng hiểu biết và so sánh các loại mức sống.

Các nhà nghiên cứu chính trị đánh giá rằng trong thời Chiến tranh Lạnh, thời của những bức tường, các nhà lãnh đạo thường khuyến khích dân chúng hãy so sánh đời họ với đời cha ông của họ. Lãnh đạo hay nói: “Các anh bây giờ sướng hơn đời bố, đúng không? OK, Thế thì im bớt đi nhé”. Nhưng ngày nay dân chúng không so sánh đời họ với đời cha ông của họ. Họ có thêm nhiều thông tin hơn. Giờ đây họ so sánh đời họ với đời sống của dân nước láng giềng, dân nơi khác. Vì họ có thể nhận biết qua truyền hình, vệ tinh, DVD và Internet. Giờ đây họ có thể thấy được phòng khách của kẻ thù tồi tệ nhất của họ mà một thời đã từng trốn tránh trong kín cổng cao tường.

Laura Blumenfeld, cây viết cho tờ The Washington Post, từng sang Trung Đông tìm tư liệu viết một cuốn sách về sự trả thù. Chị sang Syria cùng bà mẹ vào mùa xuân năm 1998. Chị kể cho tôi câu chuyện, rằng: “Mẹ và tôi thuê một hướng dẫn viên để đi thăm thủ đô Damascus. Anh này tên là Walid. Lâu dần quen nhau, tôi nói chúng tôi từ Israel, anh ta nói chuyện thẳng thắn hơn. Anh kể anh thích ngồi trong văn phòng vào ban đêm xem TV Israel. Tôi tưởng tượng tay này ngồi ban đêm, dán mắt vào những hình ảnh về cuộc sống những con người mà anh ta căm ghét nhưng thích và ghen tị mức sống của họ. Anh nói trong tất cả mọi thứ trên TV Israel, chỉ có một thứ làm cho anh ta buồn lòng – quảng cáo về một loại sữa chua. Giống ở Hoa Kỳ, sữa chua Israel đựng trong hộp màu hồng và da cam, trong khi hộp ở Syria có màu trắng và đen. Anh ta thậm chí chỉ cho chúng tôi xem sữa chua bán trên đường phố. Anh nói: “Lúc cho vào sữa, loại ngô rang để ăn sáng, loại của chúng tôi ngấm nhanh lắm, mềm ra, trong khi cái loại của Israel [trong quảng cáo] thì vẫn cứng, vẫn ròn”. Chẳng phải [chiến sự ở] cao nguyên Golan, mà hộp đựng sữa chua hay loại ngô ăn sáng, chính là mối quan tâm của anh chàng này. Một ngày kia anh ta nói: “Thật không công bằng, chúng tôi lạc hậu so với người Israel 100 năm vậy mà họ chỉ vừa mới đến lập nghiệp ở vùng này”.

Dân chủ hóa thông tin cũng đang cải biến các thị trường tài chính. Các nhà đầu tư không những có thể tự mua bán cổ phần và trái phiếu trên toàn thế giới thậm chí chỉ ngồi nhà qua máy tính để mua bán, họ còn được các công ty Internet cung cấp hầu như miễn phí các thông tin và dự đoán tài chính qua mạng, không cần đến khâu môi giới. Càng nhiều người làm chuyện này, ngày càng có thêm nhu cầu thông tin và đánh giá chi tiết hơn về những nền kinh tế mới. Tiền di chuyển nhanh và trên phạm vi rộng hơn, từ những kẻ thất bại chậm chạp đến với những tay buôn thông thái linh hoạt.

Charles Schwab, một công ty môi giới chứng khoán đăng một quảng cáo hồi cuối 1998 cho thấy một bà nội trợ khoe về cách buôn bán trên mạng của chị và cung cách thu thập tất cả các thông tin cần thiết từ trang mạng Schwab. Bà này, tên là Holly, nói trong mẩu quảng cáo: “Vài năm trước, người ta mời tôi nhập vào một nhóm đầu tư của phụ nữ mang tên Tăng tưởng ngay. Chúng tôi phải tính toán nhiều lắm. Rồi bàn

bạc, biểu quyết và giao dịch. Quả thực tất cả những gì chúng tôi muốn biết đều đến từ Trung Tâm đánh giá của Schwab.com. Báo cáo ngành, thông tin về quản trị, dự báo doanh thu làm cơ sở cho những tính toán của chúng tôi.

Chả bao lâu nữa ai cũng có thể đến tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán New York. Schwab cùng những E*Trade site khác đang quy tụ quá trình dân chủ hóa thông tin, công nghệ và tài chính vào một mối. Một quảng cáo E*Trade khác mà tôi cũng rất thích đã tóm tắt cả ba khuynh hướng dân chủ hóa vào cuối những năm 1990, khi những bức tường theo nhau sụp đổ. Quảng cáo này chiếm hai trang với hàng tít: “GIẤC MƠ CỦA GIỚI ĐẦU TƯ. CƠN ÁC MỘNG CỦA CÁC NHÀ MÔI GIỚI. Xin giới thiệu E*Trade mới. Trung tâm tài chính trên mạng – cơ chế một cửa. Mức độ nghiên cứu gấp 10 lần. Nhiều công cụ tìm hiểu thông tin. Hiệu lực hơn. Bạn có thể đầu tư vào các chứng khoán, quyền tùy chọn và trên 4.000 quỹ khác nhau. Hãy tự thiết lập và kiểm soát tài khoản của bạn. Giao dịch 24/24 – qua mạng hoặc điện thoại – với giá chỉ 14,95 đô-la. Trợ giúp và đào tạo miễn phí, như công cụ đánh giá qũy hỗ tương. Báo giá miễn phí trực tuyến – vì tin cũ chính là tin xấu. Nhận tin mới nhất. Bảng biểu. Đánh giá từ các nguồn hàng đầu. An toàn (thông tin) tuyệt đối… TẤT CẢ MIỄN PHÍ,

24/24. HÃY ĐẾN. ĐẾN MAU, ĐẾN BÂY GIỜ ĐI. RỒI ĐẾN LÚC MỌI NGƯỜI SẼ ĐẦU TƯ THEO CÁCH NÀY”. Tuy nhiên, chính câu kết quảng cáo này làm tôi thích nhất: “E*Trade, quyền lực giờ đây nằm trong tay bạn”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.