Chiến hữu

CHƯƠNG 11



Tôi đang trên đường đến nhà Pat. Sẽ là lần đầu tôi thăm nàng. Cho đến nay, hoặc nàng đến chỗ của tôi, hay tôi đến trước cửa nhà nàng, rồi hai đứa dẫn nhau đi nơi khác. Lúc nào cũng như là có một mình nàng thăm tôi. Tôi muốn biết thêm về nàng. Tôi muốn biết nàng sống ra sao.
Hoa nở đầy trong công viên phía sau bùng binh. Tôi nhảy qua rào, thò tay ngắt một nhánh tử đinh hương trắng.
“Cậu ấy ơi, câu đang làm gì vậy?” một giọng nói dõng dạc gióng lên.
Tôi ngước mắt nhìn. Một ông, mặt đỏ au như màu rượu chát, ria bạc vuốt sáp mượt, đang nhìn tôi, bất bình. Không phải cảnh sát hay nhân viên chăm sóc vườn hoa. Ta có thể nhận ra ngay, đấy là một sĩ quan cao cấp hồi hưu.
“Có gì khó biết đâu hở bác,” tôi lễ phép trả lời. “Cháu đang hái vài chùm tử đinh hương.”
Trong một thoáng, ông tắt nghẹn, không nói ra lời. Rồi ông gầm lên, thịnh nộ, “Vậy cậu không biết đây là công viên thành phố hay sao?”
Tôi mỉm cười thân ái. “Bác đừng nói rằng cháu nghĩ đây là quần đảo Canary nhé. Bác biết mà, xứ sở của những con hoàng yến xinh đẹp, ca hát véo von.”
Ông tím mặt. Tôi sợ ông sẽ đột quỵ mất thôi. “Thằng ranh con, bước ra lập tức!” Ông hét toáng lên, giọng chỉ huy ở trại lính. “Cậu đang trộm cắp tài sản công cộng. Tôi sẽ cho lính bắt cậu.”
Trong lúc ấy, tôi đã thu vén đủ số tử đinh hương cần thiết. “Nội ơi, đố nội đuổi kịp cháu,” tôi thách thức, và nhảy qua hàng rào đối diện, biến mất.
Bên ngoài nhà Pat, tôi kiểm soát lại y phục của mình. Rồi, chầm chậm, tôi bước lên cầu thang. Căn nhà mới và hiện đại — một tương phản rõ rệt với trại lính cũ mèm và lòe lẹt của tôi. Cầu thang trải thảm đỏ — một thứ không hề có ở nhà Mợ Zalewski. Nói gì tới thang máy.
Pat sống ở lầu hai. Cửa gắn một biển thau nhỏ đầy vẻ long trọng: EGBERT VON HAKE, TR. T. Tôi tự động chỉnh lại cà vạt, trước khi bấm chuông.
Một cô đội mũ trắng, khoác tạp dề be bé đi ra mở cửa –không thể xếp chung một lứa với Frida, bà cô nhếch nhác mắt lé của chúng tôi. Tôi cảm thấy lúng túng. “Herr Lohkamp?” cô hỏi.
Tôi gật đầu. Nhẹ nhàng, cô dẫn tôi đến một đầu cầu thang và mở cửa. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu Trung Tá Egbert von Hake đứng sẳn ở đấy, đồng phục chỉnh tề và tra vấn tôi trước tiên, bởi trên tường của tiền sảnh, một dãy chân dung các tướng lãnh, uy chương đầy ngực, nghiêm khắc nhìn xuống tôi, gã bạch đinh. Nhưng kìa Pat đã ra tới, bước chân dài uyển chuyển, và gian phòng đột nhiên trở thành một hòn đảo ấm áp, vui tươi. Tôi đóng cửa và việc trước nhất là thận trọng ôm nàng trong tay. Rồi tôi trao cho nàng bó tử đinh hương ngắt trộm. “Đây,” tôi nói, “với sự ân cần của hội đồng thành phố.”
Nàng cắm những cành hoa vào một chiếc bình gốm màu tươi đặt trên sàn, gần cửa sổ. Trong khi ấy, tôi liếc mắt nhìn quanh và ngạc nhiên. Màu sắc nhã nhặn, ưa nhìn; bàn ghế cũ, nhỏ gọn, đáng yêu; thảm lót sàn xanh lơ nhạt, màn cửa màu phấn tiên ngọt dịu, ghế bành ấm cúng bọc sa tanh đã ngã màu…
“Trời đất, Pat, làm sao em có thể tìm được một căn phòng thế này?” tôi nói. Thông thường người ta trang bị phòng cho thuê với bàn ghế hư hỏng và quà sinh nhật vô dụng.”
Nàng cẩn thận đẩy cái bình gốm cắm hoa vào sát tường. Tôi ngắm chiếc cổ thuôn, thanh tú, bờ vai thẳng và đôi tay có phần quá gầy guộc của nàng. Khi quỳ, trông nàng như một đứa trẻ, một cô bé cần được nâng niu chăm sóc. Nhưng cử động của nàng là cử động của một con thú duyên dáng, và khi nàng đứng lên, tựa vào tôi, nàng không còn là một em bé nữa, mắt môi nàng lại chứa một nỗi chờ mong hiếu kỳ và một niềm bí ẩn làm tôi ngây ngất điên mê, những thứ tôi tưởng không còn trong thế gian bùn lầy này.
Tôi đặt tay lên vai nàng. Thật sung sướng biết bao được chạm vào người nàng như thế. “Chúng là vật dụng của em, Bob ạ,” nàng nói. “Trước đây mẹ em làm chủ ngôi nhà. Khi bà mất đi, em cho thuê bớt, chỉ giữ hai phòng cho riêng em.”
“Vậy căn nhà thuộc về em, phải không? Và Trung Tá Egbert von Hake là người thuê?”
Nàng lắc đầu. “Bây giờ thì không. Em không giữ được. Em phải bán tất cả bàn ghế còn lại và cả ngôi nhà nữa. Em hiện đang ở trọ nơi đây. Nhưng anh không thích Trung Tá Egbert thì phải?”
“Không đâu. Chỉ có điều là tự nhiên anh không ưa đám cảnh sát và sĩ quan tham mưu. Hậu quả của những ngày đi lính.”
Nàng cười. “Cha em trước kia là thiếu tá.”
“Thiếu tá đứng gần chót bảng.”
“Anh có quen với cụ Hake không?” nàng hỏi.
Thình lình một ý tưởng đáng sợ xâm chiếm hồn tôi. “Có phải ông ấy thấp người, hăng hái, dáng thẳng, mặt đỏ, ria bạc, và có giọng nói sang sảng? Loại người thích đi dạo trong công viên?”
“À há!” Nàng liếc những cành tử đinh hương và rồi nhìn tôi, mỉm cười. “Không, cụ ấy cao ráo, da mặt tái và đeo kính gọng sừng.”
“Vậy anh không biết cụ ấy.”
“Anh muốn làm quen với cụ không? Cụ tử tế lắm.”
“Trời đất ơi, không đâu! Trong giây phút này, anh thuộc về giai cấp thợ máy và bà Zalewski nhiều hơn.”
Có tiếng gõ cửa. Cô hầu gái khi nãy trở lại với cái xe đẩy thấp. Tách dĩa bằng sứ mỏng tang, một dĩa bạc đựng bánh ngọt, một dĩa khác đựng những miếng bánh mì kẹp thịt bé tí hon, khăn ăn, thuốc lá, và nhiều thứ khác, có trời mới biết là gì — hoa cả mắt, tôi ngắm nghía từng món. “Cảm ơn, Pat!” tôi nói. “Cứ y như trong phim. Anh thì đã quen với cách ăn uống trên giấy dầu trải ở bệ cửa sổ nhà bà Zelewski, em nhớ không, và cái bếp dã chiến cũ mèm cạnh đó. Hãy tha thứ cho người khách trọ ở một nơi thiếu vắng tình yêu, nếu hắn xúc động lỡ tay đánh vỡ vài ba chén ngọc.”
Nàng cười. “Anh sẽ không làm vỡ cái gì. Thanh danh của một người thợ máy chân chính không cho phép. Anh khéo tay lắm.” Nàng với tay cầm cái bình sứ. “Trà hay cà phê, Bob?”
“Trà hay cà phê? Có cả hai thứ ư?”
“Vâng, nhìn đây.”
“Tuyệt. Như trong những cơ dinh sang trọng nhất! Chỉ còn thiếu âm nhạc.”
Nàng vươn tay bật nút một cái radio xách tay nhỏ mà tôi không chú ý. “Vậy — anh dùng trà, hay cà phê?”
“Cà phê, cà phê đen, Pat. Sở thích của anh đơn sơ lắm. Còn em?”
“Em sẽ dùng cà phê với anh.”
“Nếu không, em sẽ uống trà?”
“Vâng.”
“Chúng ta cùng uống trà vậy.”
“Từ nay em uống cà phê và sẽ quen đi. Anh dùng bánh ngọt hay bánh mì kẹp thịt?”
“Cả hai, Pat. Ta phải tận dụng tất cả cơ hội có được. Lát nữa, anh cũng sẽ uống trà. Anh phải thử tất cả những gì em có.” Nàng cười, xếp thức ăn vào đĩa của tôi. “Đủ rồi em, đủ rồi! Nên nhớ, chúng ta là láng giềng của ngài trung tá. Quân đội muốn thuộc cấp của họ phải điều độ.”
“Chỉ với chuyện rượu chè, Bob. Cụ Egbert mê bánh trứng đường lắm.”
“Thật à,” tôi đáp. “Thời nay, họ tước bỏ của chúng ta biết bao nhiêu thứ.” Tôi đung đẩy cái xe đựng thức ăn trên bánh cao su của nó. Rồi tự nó, êm ái, lăn nhẹ trên thảm. Tôi nhìn quanh. Tất cả đều hài hòa, xứng hợp. “Vâng, Pat,” tôi nói. “Tổ tiên chúng ta đã sống như thế này.”
Nàng cười. “Anh đang nói lăng nhăng gì thế?”
“Không lăng nhăng chút nào. Đấy là dấu hiệu của thời đại.”
“Bob, chỉ tình cờ em có được vài ba thứ vật dụng.”
Tôi lắc đầu. “Không phải tình cờ. Cũng không phải vật dụng. Chính là ý nghĩa ẩn dấu đàng sau chúng. Em không thấy được. Chỉ những người không còn thuộc về nó mới nhận ra.”
Nàng nhìn tôi. “Anh có thể sở hữu những thứ giống hệt, nếu anh muốn.”
Tôi cầm tay nàng. “Nhưng anh không muốn, Pat, chỉ đơn giản thế. Anh sẽ có cảm tưởng anh là một người bất tài, ham hố. Những người như anh phải sẳn sàng tiến tới, bất cứ lúc nào. Tụi anh đã quen vậy. Điều ấy thuộc về thời đại.”
“Đấy là một cách thuận tiện, Bob.” Pat nói.
Tôi cười. “Có lẽ. Cho anh xin một chút trà. Anh muốn thử.”
“Không,” nàng nói, “chúng ta chỉ uống cà phê thôi. Nhưng anh nên ăn thêm một chút gì, lỡ khi anh cần ‘tiến tới’.”
“Đúng. Nhưng Egbert thì sao — nếu hảo bánh ngọt, thể nào cụ ấy lại chẳng mong sẽ còn lại chút gì khi cụ trở về?”
“Có lẽ. Nhưng cụ ấy phải tính đến việc thuộc cấp trả thù. Chuyện ấy cũng thuộc về thời đại. Anh cứ tự nhiên nhé.”
Mắt nàng bừng sáng và trông nàng tuyệt vời. “Em có biết, khi phải tiến tới, có một thứ anh nhất quyết sẽ không rời bỏ?”
Nàng không trả lời, nhưng nhìn tôi.
“Là em,” tôi nói. “Còn bây giờ, ta hãy trả thù cụ Egbert.”
Buổi trưa ở nhà kho xe tắc xi, tôi chỉ có một bát canh lót dạ, vì thế chẳng một chút khó khăn tôi thanh toán sạch các món ăn. Và với sự khuyến khích của Pat, tôi cũng uống cạn bình cà phê.
Chúng tôi ngồi bên cửa sổ và hút thuốc. Buổi chiều đỏ rực trên những mái nhà. “Ở đây dễ chịu quá Pat,” tôi nói. “Anh có thể hiểu được vì sao có người mấy tuần liên tiếp không muốn ra khỏi nhà –gần như quên hết công việc khó nhọc bên ngoài.”
Nàng mỉm cười. “Có một dạo, tưởng chừng như em sẽ không bao giờ ra khỏi đây.”
“Sao lại thế?”
“Em ốm.”
“Đó là một vấn đề khác. Vậy em ốm ra sao?”
“Không nặng lắm. Nhưng em phải nằm yên trên giường. Chắc em lớn nhanh quá và không đủ thực phẩm. Trước chiến tranh, cũng như sau chiến tranh, chẳng có gì cả, dĩ nhiên.”
Tôi gật đầu. “Vậy, em nằm nhà bao lâu?”
Nàng thoáng ngần ngừ. “Khoảng một năm.”
“Đấy là một thời gian rất dài.” Tôi chăm chú nhìn nàng.
“Đã qua rồi, từ lâu. Nhưng với em, một năm ấy dài như một đời. Anh có nhớ trong quán “The Bar,” có lần anh đã kể em nghe về Valentin? Rằng khi chiến tranh chấm dứt, anh ấy không bao giờ có thể quên là hạnh phúc biết bao khi ta còn sống? Ngoài ra, chẳng có điều gì quan trọng với anh ấy cả?”
“Em nhớ dai thật,” tôi nói.
“Bởi vì em cảm thông sâu sắc. Từ đấy đến nay, rất dễ làm cho em vui. Em sợ là, Robby, em nông cạn lắm.”
“Chỉ những người tự cho mình không nông cạn, mới thật sự nông cạn.”
“Nhưng, chắc chắn em là người ấy. Em không quan tâm đến những vấn đề trọng đại trong đời. Chỉ thích cái đẹp. Những cành tử đinh hương cũng đủ làm em ngây ngất.”
“Không nông cạn đâu — đấy là triết lý tối hậu. Tinh túy của tất cả khôn ngoan.”
“Trường hợp của em, chắc chắn là không. Em nông nỗi và phù phiếm.”
“Anh cũng thế.”
“Thua em. Anh vừa nói về sự ham hố viễn vông. Em chính là loại người ấy.”
“Anh cũng nghĩ thế,” tôi nói.
“Vâng. Em quyết tâm là em sẽ sống trong một thời gian ngắn, bằng mọi giá, theo cách em thích. Không cần biết có hợp lý hay không. Và em đã sống như thế.”
Tôi cười rộ, “Sao em lại có vẻ thách thức như thế?”
“Bởi ai cũng nói sống như thế là cực kỳ vô trách nhiệm — em nên dành dụm số tiền ít ỏi của em, em nên tìm việc làm. Nhưng em nhất định sẽ sống thanh thản, vui tươi, làm những gì em thích, và không cần ký cóp từng xu từng cắc. Đấy là khi mẹ em vừa qua đời và em nằm liệt giường rất lâu.”
“Em có anh chị em nào không?” tôi hỏi.
Nàng lắc đầu.
“Anh không thể tưởng tượng được,” tôi nói.
“Anh cũng nghĩ như thế là vô trách nhiệm sao?”
“Không, can đảm chứ.”
“Ach, can đảm — em không can đảm đâu. Đôi khi em cũng sợ hết vía. Như một người ngồi sai chỗ trong rạp hát, chưa thoát ra.”
“Vậy là em can đảm,” tôi nói. “Người ta chỉ can đảm nếu họ biết sợ hãi. Và cũng hợp lý. Bề nào em cũng sẽ mất hết tiền. Ít nhất em còn hưởng chút ít. Nhưng em đã làm gì?”
“Thực ra, chẳng có gì. Chỉ sống cho em mà thôi.”
“Hay lắm! Hiếm có ai được như thế.”
Nàng mỉm cười. “Nhưng tất cả sẽ chấm dứt nay mai mà thôi. Em cần phải bắt đầu bây giờ.”
“Ô. Vậy ư? Có liên quan chút nào đến cuộc phỏng vấn của em với Binding không?”
Nàng gật đầu. “Với Binding và Bác sĩ Max Matuscheit, giám đốc tiệm Electrola Gramophone.”
“Tốt thôi,” tôi nói. “nhưng anh chắc, thể nào Binding cũng có ý khác.”
“Có đấy,” nàng đáp; “Nhưng em thì không.”
“Anh cũng sẽ khuyên anh ấy đừng. Vây, khi nào em sẽ bắt đầu?”
“Ngày một tháng Tám.”
“Như thế chúng ta không còn nhiều thì giờ. Có lẽ chúng ta nên tìm một việc làm khác. Dù sao chăng nữa, em có thể tin tưởng, tụi anh sẽ là khách hàng của em.”
“Vậy anh đã có máy hát?”
“Không, nhưng anh sẽ mua một cái ngay lập tức. Nói thế chứ anh không thích việc làm của em.”
“Không sao đâu,” nàng nói. “Em thấy dễ dàng hơn nhiều khi anh có mặt tại đây. Lẽ ra em không nên nói cho anh biết chuyện ấy.”
“Nên chứ. Em phải luôn luôn nói cho anh biết tất cả mọi chuyện.”
Nàng nhìn tôi rất nhanh. “Tốt lắm, Robby,” nàng nói. Rồi nàng đứng lên, đi tới một cái tủ nhỏ. “Đố anh biết em có gì đây? Rum cho anh. Loại ngon, em tin thế.”
Nàng đặt cốc rượu trên bàn, nhìn tôi chờ đợi.
“Anh biết rượu ngon, anh có thể ngửi được từ xa,” tôi nói. “Nhưng Pat này, — em không nghĩ là em nên tiện tặn một chút hay sao? Để trì hoản ngày đi làm?”
“Không,” nàng đáp.
“Em lại đúng,” tôi nói.
Rượu rum, chỉ cần nhìn màu sắc, đã hỏng. Rõ ràng, thằng cha bán rượu lừa nàng. Tôi uống cạn ly.
“Thượng hạng,” tôi nói, “cho anh một ly nữa. Em mua ở đâu vậy?”
“Ở tiệm đàng góc phố.”
À há, tôi nghĩ: dĩ nhiên, lại là một tiêm bánh ngọt mắc dịch. Tôi quyết định ra đó, mắng gã bán hàng một mẻ nên thân.
“Pat ơi, chắc đến lúc anh phải về?” tôi hỏi.
Nàng nhìn tôi. “Đừng đi ngay –“
Chúng tôi đang đứng cạnh cửa sổ. Ánh sáng chập chờn bên dưới.
“Cho anh xem phòng ngủ của em, được chứ?” tôi nói.
Nàng mở cửa và bật nút đèn. Tôi đứng ngay khung cửa, nhìn vào. Bao nhiêu ý nghĩ rối bời trong đầu tôi.
“Vậy, đấy là giường của em, Pat,” cuối cùng tôi nói.
Nàng mìm cười. “Chẳng lẽ giường của ai sao, Robby?”
“Đúng,” tôi nhìn lên. “Thật là một câu ngớ ngẩn. Anh muốn nói: như thế, đấy là nơi em ngủ. Và kia là điện thoại. Bây giờ anh đã biết. Bây giờ anh phải đi. Tạm biệt em, Pat.”
Nàng đặt hai tay lên má tôi. Sẽ thật tuyệt vời nếu đứng lại đây trong bóng tối chìm sâu, quấn quýt bên nhau dưới tấm phủ giường xanh dịu trong phòng ngủ — nhưng có một cái gì đó ngăn tôi lại; không phải sự cấm đoán, cũng không phải sợ hãi, chưa phải sự khôn ngoan — chỉ là một cảm giác ngọt ngào lấn lướt cả dục vọng.
“Tạm biệt em, Pat,” tôi nói. “Thật tuyệt. Anh đã có những giây phút tuyệt vời hơn là em tưởng. Về rượu Rum –em đã nhọc công –“
“Chẳng đáng chi, anh ạ.”
“Với anh, rất đáng kể. Anh không quen được đối đãi như thế, Pat.”
Hắc điếm Zalewski. Tôi lẩn quẩn đứng ngồi một lúc. Tôi không muốn Pat mang ơn của Binding. Cuối cùng, tôi băng qua hành lang, đến phòng chị Erna Bonig.
“Em có việc muốn hỏi,” tôi nói. “xin cho biết hiện nay phụ nữ có dễ tìm việc hay không?”
“Trời,” Erna đáp. “Một câu hỏi phũ phàng từ một trái tim cứng rắn? Khó tìm lắm, nếu em muốn biết.”
“Không có việc gì?”
“Loại nào?”
“Thư ký văn phòng, phụ tá –“
Chị lắc đầu. “Hàng ngàn người đang thất nghiệp. Cô ấy có chuyên môn gì không?”
“Cô ấy trông tuyệt vời,” tôi nói.
“Bao nhiêu chữ?” Erna hỏi.
“Cái gì?”
“Cô ấy có thể ghi tốc ký bao nhiêu chữ một phút? Bằng mấy thứ tiếng?”
“Em chẳng biết,” tôi nói; “nhưng, cô ấy có phong cách đặc biệt, Erna –“
“Em trai thân mến,” Erna đáp, “chị biết cả rồi — con nhà gia thế, khá giả, đầy năng lực, đủ mọi tính tốt. Nhưng vô vọng, em ạ. Họa may có ai quan tâm đặc biệt và vận động cho cô ấy. Em biết, dĩ nhiên. Nhưng em không muốn vậy, phải không?”
“Hỏi gì kỳ quá,” tôi nói.
“Không kỳ như em tưởng,” Erna trả lời, giọng chị có một chút cay đắng. “Chị biết mấy trường hợp như thế.” Tôi nghĩ ngay đến công việc của chị và lão chủ. “Nhưng cho chị khuyên em một điều,” chị nói tiếp. “Tìm thêm việc làm để cung ứng cho cả hai. Đấy là giải pháp đơn giản nhất. Cưới nhau.”
“Đừng nói giỡn,”tôi nói, cười to. “Về phần mình, em còn không biết chắc nữa là.”
Erna nhìn tôi lạ lùng. Thình lình sức sống như vơi cạn, chị già xọp và héo hắt hẳn. “Nói cho em biết,” chị nói. “chị sống một cách sung túc, sở hữu nhiều thứ mà chị không cần. Nhưng hãy tin chị — nếu có ai muốn chung sống với chị một cách lương thiện, đàng hoàng, chị sẽ bỏ tất cả những thứ vô nghĩa này và đến với anh ấy, ở gác xép dưới nóc nhà cũng cam.” Nét mặt chị bình thường trở lại. “Nhưng thôi, bỏ qua chuyện ấy — mỗi người đều có một góc tình cảm riêng tư.” Chị nháy mắt với tôi sau màng khói. “Hình như, em cũng thế?”
“Ach, ơ –” tôi nói.
“Coi chừng,” Erna cảnh cáo. “Khi ta không ngờ, chính là lúc ta dễ dính mắc nhất –“
“Làm gì có,” tôi trả lời.
Tôi giam mình trong phòng đến tám giờ tối — rồi tôi chán và ra khỏi nhà, đi đến quán “The Bar” để có người chuyện vãn.
Valentin đã có mặt. “Ngồi xuống,” anh nói, “cậu uống gì?”
“Rum,” tôi trả lời. “Tớ đã mơ tưởng tới nó từ chiều.”
“Rum là sữa của người lính,” Valentin nói. “Nhưng mà này, trông cậu khá lắm, Bob.”
“Vâng?”
“Vâng, trẻ ra.”
“Thôi mà,” tôi nói. “Pros’t, Valentin.”
“Pros’t, Bob.”
Chúng tôi đặt ly xuống bàn, nhìn nhau. Rồi cùng phá ra cười.
“Bé con,” Valentin nói.
“Con sâu rượu mắc dịch,” tôi nói. “Bây giờ chúng ta uống gì đây?”
“Như khi nãy.”
“Phải rồi.”
Fred rót đầy ly.
“Nào, pros’t, Valentin.”
“Pros’t, Bob.”
“Pros’t, câu chúc tuyệt vời, hả?”
“Chữ hay nhất trong tất cả chữ.”
Chúng tôi lập lại nhiều lần. Rồi Valentin đi.
Tôi vẫn ngồi đấy. Ngoài Fred ra, không còn ai. Tôi nhìn các manh bản đồ cũ, lồng sáng, nhìn những con tàu với cánh buồm vàng, và nhớ Pat. Tôi muốn gọi nàng, nhưng tôi cố kiềm chế. Tôi không muốn nghĩ về nàng quá nhiều như thế. Tôi muốn xem nàng như một món quà không mong đợi, đầy niềm vui, đến rồi đi –không có gì khác. Tôi không muốn ươm trong đầu mình ý nghĩ là sẽ còn có gì hơn. Tôi biết rõ, mọi tình yêu đều đòi hỏi vĩnh cữu, và do đó đã có sẳn mầm móng đau khổ thiên thu. Không có gì tồn tại mãi. Không có gì.
“Cho chúng ta một ly nữa, Fred,” tôi nói.
Một đôi trai gái bước vào. Họ uống cocktail sherry tại quầy. Người đàn bà trông mệt mỏi, người đàn ông trông đầy dục vọng. Chẳng mấy chốc, họ lại đi.
Tôi cạn ly. Có lẽ tốt hơn nếu chiều nay tôi đã không thăm Pat. Sẽ không bao giờ tôi quên được hình ảnh ấy — căn phòng tối mờ, bóng chiều xanh lơ êm ái, và hình dáng xinh đẹp của nàng, cuộn tròn, nói bằng một giọng khàn trầm về cuộc đời và ước vọng của nàng. Chết thật. Tôi trở nên ủy mị mất rồi. Điều mà cho đến nay chỉ là một cuộc phiêu lưu phấn khởi, đã tan chảy thành sương mù tình cảm; chẳng phải nó đã nắm giữ tôi vững hơn tôi nghĩ tưởng; chẳng phải tôi chỉ mới khám phá hôm nay rằng tôi thay đổi? Vì sao tôi bỏ đi? Vì sao tôi không ở lại với nàng như dự tính? Ach, chết thật, tôi sẽ không suy nghĩ về chuyện ấy nữa, bằng cách này hay cách khác. Cái gì đến sẽ đến — thể nào tôi cũng điên lên nếu mất nàng — nhưng nàng có ở đấy, nàng đang ở đây — còn chuyện gì đáng kể hơn thế hay sao? Mặc kệ tất cả. Có ích gì, cố gắng làm cho cuộc sống nhỏ bé của chúng tôi an toàn hơn? Chẳng sớm thì muộn, con sóng dữ sẽ ập đến, cuốn phăng mọi thứ.
“Uống với tớ một ly nhé, Fred?” tôi hỏi.
“Vâng,” anh nói.
Chúng tôi uống hai ly absinths. Rồi chúng tôi thẩy sấp ngửa tiền xu thêm hai ly. Tôi thắng. Đối với tôi, như thế có điều gì không ổn. Thế nên chúng tôi tiếp tục. Nhưng phải sau năm lần, tôi mới thua. Rồi tôi thua thêm ba lần liên tiếp.
“Tớ đang say hay sấm nổ bên ngoài?” tôi hỏi.
Fred lắng tai. “Là tiếng sấm. Cơn bão đầu tiên trong năm.”
Chúng tôi đi ra cửa, nhìn trời. Không có gì. Tròi chỉ ấm, thỉnh thoảng lại có tiếng sấm đì đùng. “Chúng ta nên uống một ly mừng tiếng sấm,” tôi đề nghị. Fred bằng lòng.
“Thứ nước cam thảo chết toi,” tôi nói, đặt ly rượu cạn lên quày. Fred cũng nghĩ rằng chúng tôi nên thử một thứ khác mạnh hơn. Anh ấy đề nghị cherry brandy — tôi muốn rum. Để tránh cãi cọ, chúng tôi tuần tự uống cả hai. Để Fred khỏi tốn công rót, chúng tôi dùng ly cở lớn. Chúng tôi đang rất mực hào hứng. Lâu lâu chúng tôi lại ra cửa để xem trời có chớp hay không. Chúng tôi thích được nhìn thấy chớp, nhưng không gặp may. Hễ chúng tôi vào trong, thì trời lại nhá sáng. Fred nói về người yêu của anh, cha cô ấy làm chủ một nhà hàng. Nhưng anh chỉ cưới cô ấy nếu cha cô chết đi và cô chắc chắn được để lại tiệm ăn. Tôi nghĩ, Fred cẩn thận quá độ, nhưng anh lý luận rằng lão già là một tay đểu cáng không thể tin tưởng, vào giờ chót, lão ấy hoàn toàn có thể hiến tặng nhà hàng cho nhà thờ Methodist. Ở chỗ này, tôi chịu thua. Ngoài chuyện ấy, có khá nhiều hy vọng cho Fred. Lão già đang cảm, và Fred tin rằng không chừng đấy là bịnh cúm, vốn rất nguy hiểm cho người cao tuổi như lão. Tôi bắt buộc phải nói, thật không may, bịnh cúm chẳng nghĩa lý gì với bợm nhậu, ngược lại là đàng khác, một bợm già, dù kiệt lực, bị cúm, vẫn có thể lành bệnh và khỏe hẳn ra, có khi còn lên cân không chừng. Fred nghĩ rằng không có nhiều khả năng như thế, và trong trường hợp ấy, cũng có thể lão sẽ bị xe buýt cán. Tôi đồng ý, bị xe cán chết dễ xảy ra hơn bị cúm chết, đặc biệt nếu đường xá trơn trợt. Do đó, Fred đi ra cửa xem trời đã mưa hay chưa. Nhưng trời vẫn khô ráo. Chỉ có tiếng sấm nổ to hơn một chút. Tôi trao anh một ly nước chanh và đến máy điện thoại. Vào phút chót, tôi nhớ là tôi không muốn gọi nàng. Tôi vẫy tay và sắp sửa nhấc mũ lên. Nhưng rồi tôi nhận ra, tôi không đội mũ.
Khi tôi quay lại, Koster và Lenz đã ở đấy. “Thở ra cho tớ ngửi nào,” Gottfried nói.
Tôi thở ra. “Rum, cherry brandy và absinth,” anh nói. “Absinth, đồ con heo.”
“Nếu cậu định nói là tớ say, cậu đã lầm,” tôi nói. “Nãy giờ hai người ở đâu vậy”
“Họp chính trị. Nhưng với Otto, buổi họp chán quá. Fred đang uống gì thế?”
“Nước chanh.”
“Cậu cũng nên uống một ly,” anh nói.
“Ngày mai,” tôi trả lời. “Bây giờ tớ sắp đi kiếm cái gì để ăn.”
Koster nhìn tôi với ánh mắt lo âu. “Đừng nhìn tớ như thế, Otto,” tôi nói. “Tớ chỉ say một chút vì yêu đời. Không phải vì lo âu.”
“Vậy không sao.” anh nói. “Nhưng chúng ta cùng đi ăn với nhau nhé.”
Đến mười một giờ, tôi đã tỉnh như sáo. Koster đề nghị chúng tôi ghé thăm Fred. Chúng tôi vào quán và thấy Fred nằm sóng sượt sau quày như người chết.
“Mang anh ấy qua phòng bên,” Lenz nói. “Tớ sẽ bán thay.”
Koster và tôi giúp Fred dã rượu. Chúng tôi cho anh uống một ít sữa nóng. Hiệu nghiệm tức thì. Rồi chúng tôi đặt anh ấy vào ghế, bảo anh ấy nghĩ ngơi chừng nửa giờ, Lenz sẽ trông coi mọi thứ bên ngoài.
Gottfried quán xuyến tất cả. Anh thông thạo giá cả và cách thức pha chế. Anh lắc cái ly pha rượu y hệt như cả đời anh chẳng làm chuyện gì khác hơn.
Một giờ sau, Fred trở lại chỗ cũ. Anh có một bao tử thép và phục hồi nhanh chóng.
“Xin lỗi Fred,” tôi nói, “đáng lẽ mình phải ăn chút gì dằn bụng trước đã.”
“Tớ khỏe rồi,” anh nói. “Thỉnh thoảng làm một cú như thế lại tốt.”
“Đúng vậy.” Tôi đến máy điện thoại, quay số gọi Pat. Tất cả những gì tôi đã suy nghĩ, thình lình không còn quan trọng. Nàng trả lời. “Mười lăm phút nữa, anh sẽ có mặt trước cửa nhà em,” tôi nói và cúp điện thoại ngay lập tức. Tôi sợ nàng mệt và không muốn nghe tôi nói. Tôi muốn gặp nàng.
Nàng đi ra. Khi nàng mở cửa, tôi hôn lên mặt kính nơi đầu nàng đã chạm. Nàng sắp sửa nói một điều gì đó, nhưng tôi không cho nàng cơ hội. Tôi hôn nàng và hai đứa rảo bước trên đường cho đến khi đón được một chiếc tắc xi. Sấm đang nổ và chớp đang nhoang nhoáng. “Nhanh lên, mưa đến nơi,” tôi giục.
Chúng tôi ngồi vào xe. Những giọt mưa đầu tiên lác đác vỗ vào nóc xe. Xe dằn xóc trên mặt đường trải đá không đều. Thật tuyệt, với mỗi cái giật của xe, tôi lại chạm vào Pat bên tôi. Tất cả mọi thứ đều tuyệt vời, cơn mưa, thành phố, thưởng rượu, tất cả mọi thứ đều huy hoàng, tráng lệ. Tôi đang ở trong trạng thái rất tỉnh táo và sáng suốt thường có sau khi đã vượt khỏi cơn say. Sự chế ngự không còn, đêm bừng lên sức mạnh sâu xa và diễm lệ, không có gì có thể xảy ra, không có gì sai trái nữa.
Mưa bắt đầu rơi nhanh hơn khi chúng tôi xuống xe. Trong khi tôi trả tiền, lề đường hãy còn lỗ chỗ từng đốm đen bởi các giọt nước, như da báo —nhưng khi tôi với lấy nắm cửa, nó trở thành đen loang loáng bạc, mưa đã ào ạt trút.
Tôi không bật đèn. Những tia chớp đủ soi sáng căn phòng. Bão giữa thành phố. Những chuỗi sấm nối đuôi nhau. “Lần này, chúng ta có thể hét toáng lên,” tôi nói với Pat, “mà không sợ ai nghe.”
Cửa sổ rực lửa. Trong giây phút, bóng đen của cây cối trong nghĩa trang nổi bật trên nền trời trắng – xanh rồi lập tức nhấn chìm dưới tiếng nổ ầm ì của trời đêm — trong một khoảnh khắc giữa bóng tối và bóng tối, thân thể mềm mại của Pat sáng lân tinh trước những ô kính cửa sổ — tôi đặt tay lên vai nàng, nàng nép vào tôi, tôi cảm nhận làn môi và hơi thở của nàng, tôi không còn nghĩ ngợi điều gì.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.