Chiến hữu

CHƯƠNG 15



Buổi sáng trong veo và lấp lánh trên những đồng cỏ. Pat và tôi ngồi ở bìa một khoảnh rừng thưa, ăn điểm tâm. Tôi nghĩ phép hai tuần và đang trên đường du lịch với Pat. Chúng tôi đi ra biển.
Một chiếc Citroen nhỏ, cũ đậu ở ven đường. Chúng tôi mua trả góp nhờ chiếc Ford, và Koster cho tôi mượn đi chơi. Nó như một con lừa nhẫn nại, thồ đầy hòm xiểng trên lưng.
“Hy vọng nó không hư bất tử dọc đường,” tôi nói.
“Không đâu,” Pat trả lời.
“Sao em biết?”
“Tất nhiên. Đây là cuộc du ngoạn của chúng ta, Robby.”
“Có lẽ,” tôi đáp. “Nhưng anh biết cái trục sau của nó. Nhìn thảm lắm. Nhất là phải chở nặng như thế.”
“Nó là anh em của Karl. Nó sẽ chịu đựng được.”
“Người anh em mắc bệnh còi xương trầm trọng.”
“Đừng chê bai nó, Robby. Nó là chiếc xe đáng yêu nhất đối với em, lúc này.”
“Em qua đây,” tôi nói.
“Để làm chi?”
“Khó nói.”
Trên đồng cỏ, chúng tôi nằm song song bên nhau thêm một lúc. Gió từ cánh rừng thổi ra, ấm áp và dịu dàng. Gió thơm hương nhựa thông và hoa dại.
“Robby,” một lát sau Pat hỏi, “những bông hoa đàng kia, bên dòng suối, tên gì hở anh?”
“Cỏ Chân Ngỗng,” tôi trả lời, không cần nhìn lên.
“Nhưng anh yêu! Không phải Cỏ Chân Ngỗng, hoa Cỏ Chân Ngỗng nhỏ hơn nhiều; ngoài ra, chúng chỉ nở vào mùa xuân.”
“Đúng,” tôi nói. “Rau Tề.”
Nàng lắc đầu. “Em biết Rau Tề. Hoa này trông khác hẳn.”
“Vậy là Độc Cần.”
“Nhưng Robby! Hoa Độc Cần không đỏ, mà trắng.”
“Vậy anh không biết. Từ nào đến giờ, nếu bị hỏi, anh cứ nói đại ba cái tên ấy là xong. Các cô thường tin vào một trong ba cái tên ấy.”
Nàng cười to. “Tội thì thôi. Nếu biết thế, em đã bằng lòng với tên Cỏ Chân Ngỗng.”
“Độc Cần,” tôi nói. “Anh thành công nhất với tên Độc Cần.”
Nàng ngồi dậy. “Phấn khởi nhỉ. Vậy anh thường được hỏi lắm sao?”
“Không thường lắm. Và trong những trường hợp hoàn toàn khác.”
Nàng chống tay trên mặt đất. “Thật xấu hổ khi người ta chạy loanh quanh khắp nơi trên trái đất, thế nhưng lại không biết gì về nó. Ngay cả mấy cái tên vặt.”
“Em đừng buồn,” tôi nói, “có một nỗi xấu hổ lớn hơn, đó là người ta lại còn không biết người ta loanh quanh chạy khắp trái đất để làm gì. Và biết thêm nhiều hay ít hơn một vài cái tên thì có quan trọng gì đâu.”
“Anh cứ nói vậy. Nhưng em tin anh chỉ nói như thế bởi lười nhác.”
Tôi trở mình. “Dĩ nhiên. Nhưng ta cũng không chiêm nghiệm đủ về sự lười nhác. Lười nhác là nền tảng của tất cả hạnh phúc và kết thúc của mọi triết lý. Đến đây em, nằm xuống. Người ta nằm quá ít. Người ta lúc nào cũng đứng, hoặc ngồi. Như vậy thể xác không được dễ chịu. Chỉ khi người ta nằm xuống, họ mới hoàn toàn hòa thuận với bản thân.”
Một chiếc xe hơi rầm rù chạy ngang rồi biến mất.
“Mercedes nhỏ,” tôi nói mà không ngồi dậy. “Bốn xy-lanh.”
“Có xe khác đến nữa,” Pat trả lời.
“Vâng, anh có nghe. Một chiếc Renault. Phải đầu xe trông giống mỏ heo không?”
“Vâng.”
“Vậy đúng là Renault. Nhưng hãy lắng nghe, một chiếc xe chính hiệu sắp chạy đến. Một chiếc Lancia. Anh dám cá, nó sẽ đuổi theo hai cái xe kia như một con sói đuổi theo đôi cừu. Chỉ cần lắng nghe tiếng máy nổ. Như tiếng đàn ống nhà thờ.”
Chiếc xe lao vút qua. “Em đoán, anh biết nhiều hơn ba hiệu xe?” Pat hỏi.
“Dĩ nhiên. Và biết đúng, còn muốn gì hơn?”
Nàng cười to. “Như vậy buồn lắm, hay không buồn?”
“Không buồn gì hết. Thuận lẽ tự nhiên. Anh chuộng một chiếc xe đẹp hơn là hai mươi cánh đồng hoa.”
“Đứa con ngỗ nghịch của thế kỷ hai mươi! Em đoán, anh không phải là người đa cảm.”
“Ô, anh đa cảm chứ, em vừa nghe đấy: với xe hơi.”
Nàng nhìn tôi. “Em cũng thế,” nàng nói.
Từ tàng cây linh san, một con chim cu cất tiếng. Pat bắt đầu đếm.
“Tại sao em làm thế?”
“Anh không biết ư? Nó gáy bao nhiêu tiếng thì ta sẽ sống thêm bấy nhiêu năm.”
“Ach, vậy à, đúng rồi. Nhưng có một con khác đang gáy nữa kìa. Khi nó gáy, hãy lắc tiền. Tiền sẽ sinh sôi nảy nở.”
Tôi móc mấy đồng lẽ trong túi ra và bụm tay lại, lắc thật mạnh.
“Đúng là anh,” Pat cười nói. “Em muốn cuộc sống, còn anh muốn tiền.”
“Để có thể sống,” tôi trả lời. “Một người duy tâm chân chính phải phấn đấu để có tiền. Tiền bạc cho ta tự do về mặt tinh thần. Và tự do là cuộc sống.”
“Mười bốn,” Pat đếm. “Trước đây, em nghe anh nói khác.”
“Đấy là thời kỳ đen tối của anh. Ta không nên chê bai tiền bạc. Chính tiền là thứ làm cho nhiều người đàn bà say tình. Mặt khác, tình làm cho nhiều người đàn ông tham lam. Do đó, tiền sẽ thúc đẩy lý tưởng –tình yêu chống lại vật chất.”
“Hôm nay là ngày tốt của anh,” Pat nói. “Ba mươi lăm.”
“Đàn ông,” tôi tiếp tục nói, “trở thành tham lam vì dục vọng của người đàn bà. Nếu không có đàn bà, sẽ không có tiền, và đàn ông sẽ là một sắc tộc anh hùng. Dưới chiến hào, không có đàn bà — nơi ấy, cũng thế, người đàn ông có nhiều tiền đến đâu cũng không kể. Nơi ấy, anh ta chỉ được coi như một người đàn ông mà thôi. Và không nói tới chiến hào đâu nhé; anh chỉ mô tả tình yêu dưới ánh sáng thực của nó. Nó khơi dậy bản năng xấu xa của con người — thôi thúc được sở hữu, địa vị, lợi nhuận, an nhàn. Không phải vô cớ mà những nhà độc tài muốn thuộc cấp của họ có gia đình — vì như thế, những người ấy sẽ ít nguy hiểm hơn. Cũng không phải tự dưng mà các linh mục Thiên Chúa Giáo sống độc thân — nếu có vợ, họ sẽ không bao giờ là những nhà truyền giáo can trường.”
“Hôm nay thật là một ngày tuyệt vời của anh,” Pat nói một cách biết ơn. “Năm mươi hai.”
Tôi cất tiền vào túi và châm thuốc.
“Em sắp ngừng đếm`hay chưa?” Tôi hỏi. “Nếu không coi chừng, em sẽ đếm hơn bẩy mươi cho xem.”
“Một trăm mới được, Robby. Một trăm là con số đẹp. Em muốn sống lâu ngần ấy.”
“Bái phục em! Em can đảm thật. Nhưng em sẽ làm gì với tất cả những năm ấy?”
Nàng nhìn tôi từ đầu đến chân. “Em có những suy nghĩ khác với anh về chuyện ấy.”
“Hẳn vậy, Nhưng bẩy mươi năm đầu là những năm gian khổ. Sau đó, chắc phải dễ dàng hơn.”
“Một trăm!” Pat tuyên bố, và chúng tôi lại lên đường.
Biển đến với chúng tôi như một cánh buồm bạc mênh mông. Trước khi nhìn thấy biển rất lâu, chúng tôi đã ngửi được vị mặn trong gió; chân trời tươi sáng hơn và xa vời hơn; và đột nhiên, trước mắt chúng tôi, biển trải dài, cuồn cuộn, huy hoàng và vô tận.
Con đường uốn một khúc cong gần biển. Rồi đến một cánh rừng và đàng sau rừng là một ngôi làng. Chúng tôi hỏi thăm căn nhà nơi chúng tôi dự định ở trọ. Căn nhà ấy nằm bên ngoài làng một khoảng khá xa. Koster cho chúng tôi biết địa điểm này. Anh đã ở đây cả năm trời, sau chiến tranh.
Đó là một căn nhà nhỏ, biệt lập. Tôi lượn hai vòng, rồi đậu chiếc Citroen cạnh nhà và bóp kèn. Từ rèm cửa sổ, một gương mặt trèn trẹt nhô ra, há hốc mồm nhìn chúng tôi trong giây lát rồi biến đi. “Hy vọng đó không phải là Fraulein Muller,” tôi nói.
“Diện mạo của bà ấy ra sao, cũng không ăn nhằm chi,” Pat trả lời.
Cửa mở. May quá, người ấy không phải là Fraulein Muller mà là một bà giúp việc. Fraulein Muller, chủ nhân của căn nhà, xuất hiện một phút sau. Bà là một cô gái lỡ thời, chải chuốt, với mái tóc hoa râm. Bà mặc một chiếc áo đen che kín cổ và kim cài áo là một chiếc thánh giá vàng.
“Mang vớ vào đi, Pat, cẩn thận vẫn hơn,” tôi thì thào với Pat, sau khi thấy cái kim cài áo, và bước xuống xe.
“Herr Koster có nói với bà về chúng tôi, phải không ạ?” tôi nói.
“Vâng, chú ấy có đánh điện báo cho tôi rằng cô cậu sắp đến,” bà cẩn thận quan sát tôi. “Herr Koster vẫn khỏe chứ?”
“Ach, khỏe lắm — trong thời buổi này.”
Bà gật đầu và lại chú tâm tra hỏi. “Cậu quen với Koster bao lâu rồi?”
Đã đến giờ thẩm cung, tôi nghĩ, và nói số năm tôi đã quen biết anh. Bà ra vẻ hài lòng. Pat xuất hiện. Nàng đã mang vớ. Ánh mắt của Fraulein Muller dịu lại. Dường như Pat dễ chiếm được cảm tình của người khác, hơn là tôi.
“Vậy bà đã để dành phòng cho chúng tôi?” tôi hỏi.
“Nếu Herr Koster gởi điện tín đặt phòng cho cậu,” Fraulein Muller nhìn tôi đầy khiển trách và nói, “thì cô cậu sẽ có căn phòng đep nhất,” bà nói với Pat.
Pat mỉm cười. Fraulein Muller cũng mỉm cười. “Tôi dẫn cô đi xem nhé,” bà nói.
Hai người đi trên một lối hẹp băng qua một khu vườn nhỏ. Tôi đủng đỉnh theo sau và cảm thấy thừa thãi, bởi Fraulein Muller chỉ nói chuyện với Pat mà thôi.
Căn phòng mà bà cho chúng tôi xem nằm ở tầng trệt, có cửa riêng mở ra vườn hoa. Tôi thích nó lắm. Phòng khá rộng, sáng sủa và ấm cúng. Nằm một bên, gần như trong một cái hốc nhỏ, là hai chiếc giường đơn.
“Thế nào?” Fraulein Muller hỏi.
“Đẹp lắm,” Pat nói.
“Thực ra, phải nói là tuyệt vời,” tôi nói, cố lấy lòng bà. “Còn phòng kia ở đâu ạ?”
Fraulein Muller chậm rãi quay lại. “Phòng kia? Phòng nào cơ? Cậu muốn một phòng khác à? Cậu không thích phòng này sao?”
“Phòng tuyệt đẹp,” tôi nói, “nhưng –“
“Nhưng?” Fraulein Muller nói, hơi gắt. “Chẳng may, tôi không còn phòng nào đẹp hơn nữa.”
Tôi sắp sửa giải thích rằng chúng tôi cần hai phòng đơn, thì bà đã nói: “Nhưng vợ cậu đã nói, phòng này được lắm mà.”
Vợ cậu — tôi có cảm giác như té lùi hai bước. Nhưng tôi vẫn còn nguyên ở vị trí cũ. Tôi len lén nhìn Pat, nàng đang tựa mình vào cửa sổ, cố nén cười khi nhìn tôi. “Nhà tôi, hẳn thế –” tôi dán mắt vào cái thánh giá vàng trên cổ áo Fraulein Muller. Tôi không dám liều lĩnh giải thích. Bà ấy sẽ rú lên và té xỉu. “Chỉ có điều, chúng tôi quen ngủ hai phòng,” tôi nói.”Mỗi người một phòng, ý của tôi là thế.”
Fraulein Muller lắc đầu phản đối. “Hai phòng ngủ, khi đã cưới nhau — hẳn là phong trào hiện nay.”
“Không phải thế,” tôi nói trước khi bà bắt đầu nghi ngờ. “Chả là nhà tôi rất khó ngủ. Chẳng may, tôi lại ngáy khá to.”
“Ach, phải rồi, cậu ngáy,” Fraulein Muller nói, như thể đã đoán biết từ lâu.
Tôi đang lo, không hiểu bà sẽ cho tôi một phòng trên lầu hay không, nhưng rõ ràng, hôn nhân rất mực thiêng liêng với bà. Bà mở cửa sang một phòng nhỏ bên cạnh, trong ấy không bày biện món gì, ngoại trừ một cái giường.
“Hay tuyệt,” tôi nói, “thế thì tuyệt hảo. Nhưng liệu tôi có làm phiền ai không?” tôi muốn biết, nếu chỉ có một mình chúng tôi ở tầng trệt này.
“Cậu sẽ không làm phiền ai,” Fraulein Muller nói, vẻ oai vệ biến mất. “Ngoại trừ cô cậu ra, không có một mống nào. Tất cả mọi phòng đều trống khách.” Bà đứng lặng một chốc, rồi lấy lại uy nghi cũ. “Cô cậu muốn ăn tại đây hay ở ngoài phòng ăn?”
“Tại đây,” tôi nói.
Bà gật đầu và đi ra.
“Úi, bà Lohkamp ơi,” tôi nói với Pat. “Thế cũng xong. Nhưng anh không bao ngờ được, cái ngữ ấy lại mộ đạo đến thế. Dường như bà ta không thích anh thì phải. Cũng lạ, bởi anh thường được mấy bà già quý mến.”
“Không phải bà già, Robby. Một cô gái già dễ thương.”
“Dễ thương?” tôi nhún vai. “Bà ấy không biết thẹn — cao cả, kiêu kỳ đến thế, mà lại chẳng có con ma nào ở trọ!”
“Bà ấy có kiêu kỳ đâu.”
“Không có với em.”
Pat cười to. “Em thích bà ấy. Nhưng bây giờ, ta nên khuân hành lý vào và lấy quần áo tắm ra chứ?
Tôi bơi chừng một tiếng rồi lên phơi nắng trên bờ. Pat vẫn tắm dưới biển. Cái nón trắng của nàng nhấp nhô trên những ngọn sóng xanh. Vài con hải âu lượn tròn trên không. Phía chân trời, một chiếc tàu chậm chạp đi tới, một làn hơi nước kéo theo sau.
Mặt trời cháy bỏng. Nó làm chảy mềm từng chống đối, khiến chúng trở thành buông thả, hời hợt và ngầy ngật. Tôi nhắm mắt, xoãi chân tay. Cát nóng lèo xèo. Tiếng sóng vỗ bờ xào xạc bên tai, khiến tôi nhớ lại một điều gì đó, một ngày đã xa, tôi cũng nằm như thế…
Đó là mùa hè, 1917. Đại đội của chúng tôi lúc ấy đóng tại Flanders và thình lình chúng tôi được mấy ngày phép ở Ostend — Meyer, Holthoff, Bryer, Lutgens, tôi và vài người khác. Hầu hết mọi người chưa từng thấy biển, và những ngày hiếm hoi ấy — một khoảng lặng không ngờ giữa hai đầu nỗi chết — đã được tận hiến cho mặt trời, cát và biển. Chúng tôi ở lỳ suốt ngày trên bãi, phơi trần dưới nắng — để có cảm giác nhẹ nhõm, không quân nhu, không súng trường, không áo trận, và hầu như đạt đến bình an. Chúng tôi đuổi bắt nhau trên cát và nhảy ùm xuống nước; chúng tôi ý thức về tay chân, về hơi thở, về những cử động, với tất cả sức sống mãnh liệt đang có — bởi trong những giờ phút ấy, chúng tôi quên tất cả, và chúng tôi muốn quên. Nhưng buổi tối, khi hoàng hôn xuống, khi mặt trời đã lặn và bóng xám từ chân trời lan ra khắp mặt nước xanh xao, tuần tự pha trộn ở đấy cùng với tiếng gầm của sóng một tiếng động khác, lớn dần và cuối cùng nhấn chìm nó — một âm thanh ầm ì, đáng sợ: trận mưa bom ngoài Tiền Tuyến. Rồi đột ngột, sự im lặng tím tái cắt ngang câu chuyện, người ta ngước lên trời nghe ngóng, và từ gương mặt tươi vui của các cậu học trò, mệt mỏi vì chơi đùa, bỗng lộ ra bộ mặt cứng rắn của người lính, sững sờ trong phút chốc, một nỗi buồn ẩn tàng những điều không bao giờ thổ lộ –lòng can đảm, nỗi cay đắng và tham lam của cuộc đời, ý chí tuân hành nhiệm vụ, niềm tuyệt vọng, lòng hy vọng và nỗi buồn bí ẩn của những người đã sớm được chỉ định cho cái chết. Rồi, vài ngày sau, cuộc Tổng Tấn Công bắt đầu, và đến mùng ba tháng Bảy, đại đội chỉ còn lại ba mươi hai người, và Meyer, Holthoff và Lutgens đã chết…
“Robby!” Pat gọi.
Tôi mở mắt. Trong một thoáng, tôi phải định thần xem mình ở đâu. Lúc nào cũng vậy, khi kỷ niệm của chiến tranh ùa về, hồn ta cứ lâng lâng nơi nao. Với những kỷ niệm khác, thì lại không như thế.
Tôi ngồi dậy, Pat từ dưới nước đi lên. Nàng gần như lọt trong luồng nắng từ mặt trời rọi xuống nước, huy hoàng phủ trên bờ vai, và nàng ngập sâu trong ánh sáng đến nỗi có vẻ đen sậm so với nó. Theo từng bước chân, nàng nhô cao dần cho đến khi mặt trời buổi chiều khuất sau đầu nàng như một vòng hào quang.
Tôi nhảy cẫng lên, thật siêu thực, thật rõ ràng đến đổi bức tranh trước mắt tôi như đến từ một thế giới khác –nền trời bao la, xanh ngát, bọt trắng viền ngọn sóng, và thân hình yêu kiều mảnh khảnh của nàng bên trên đó — như chỉ có một mình tôi ở trái đất và từ dưới biển bước lên người đàn bà đầu tiên. Trong một chốc, tôi cảm thấy sức mạnh lộng lẫy im lìm của cái đẹp, và tôi biết nó mạnh hơn tất cả quá khứ nhuộm máu, nó phải mạnh hơn, nếu không thế giới sẽ sụp đổ, đắm chìm và hủy diệt trong mớ bòng bong của chính nó. Hơn thế, tôi còn có cảm tưởng rằng, chỉ đơn giản là, tôi ở đó, và Pat ở đó, rằng tôi đang sống, rằng tôi đã thoát khỏi chốn kinh hoàng, rằng tôi có đầy đủ mắt mủi tay chân và tư tưởng và nhiệt huyết, và rằng tất cả những thứ ấy quả thật là một phép mầu ngoài tầm hiểu biết của con người.
“Robby!” Pat lại gọi và vẫy tay.
Tôi nhặt manh áo choàng của nàng và bước nhanh đến. “Em ngâm nước quá lâu,” tôi nói.
“Em vẫn thấy ấm,” nàng nói, thở dốc.
Tôi hôn bờ vai ướt. “Em cần phải điều độ ngay từ đầu.”
Nàng lắc đầu và rạng rỡ nhìn tôi. “Em đã sống điều độ quá đủ.”
“Em nghĩ vậy?”
“Dĩ nhiên. Quá đủ. Em định em sẽ không giữ điều độ nữa, thử thay đổi xem sao.”
Nàng cười và áp một bên má ướt lên mặt tôi. “Chúng ta sẽ không thèm sống chừng mực nữa, Robby. Không nghĩ ngợi về một điều gì, tuyệt đối không, chỉ bản thân chúng ta và mặt trời, mùa lễ và biển cả.”
“Em nói đúng,” tôi nói, và cầm cái khăn tắm. “Nhưng trước hết anh phải lau cho em. Thế nhưng, em đi đâu mà da đã nâu hồng?”
Nàng kéo áo choàng lên. “Đó là những năm sống điều độ, khi em phải phơi nắng ở ban -công mỗi ngày một giờ. Và lên giường mỗi tối đúng tám giờ. Tám giờ tối nay, em sẽ tắm nữa.”
“Để xem,” tôi nói. “Con người luôn có những dự tính lớn lao. Khi thực hành lại không bằng. Cái duyên của họ nằm ở đó.”
Không tắm biển buổi tối. Chúng tôi đi bộ vào làng và lái chiếc Citroen trong ánh chiều tà — đột nhiên Pat thấy mệt và muốn về. Tôi đã để ý thấy chuyện đó thường xảy ra cho nàng — sức sống rạng ngời nhanh chóng kiệt quệ. Nàng yếu ớt và dễ mệt – tuy nhiên khi nhìn nàng, ta không hề có cảm tưởng ấy. Nàng luôn luôn tận dụng từng sớ nhỏ nguồn sinh lực của mình và với vẻ thanh xuân, trông như không thể nào kiệt sức; rồi thình lình đến một lúc, gương mặt của nàng trở nên xanh xao và đôi mắt trũng sâu với quầng đen — thế là xong. Nàng không mệt mỏi từ từ, mà trong một giây.
“Chúng mình lái về nhà đi, Robby,” nàng yêu cầu, và giọng nói u buồn của nàng trầm hơn bình thường.
“Về nhà? Về Fraulein Muller với cái thánh giá vàng trên ngực? Ai mà biết cái bà già quỷ quái ấy đang âm mưu gì?”
“Nhà, Robby,” Pat nói và mệt mỏi ngã vào vai tôi. “Đó là nhà của chúng ta.”
Tôi lái bằng một tay, còn tay kia choàng qua vai nàng. Và cứ thế chúng tôi lái chầm chậm trong hoàng hôn xanh, mù sương, và cuối cùng khi nhìn thấy những cửa sổ sáng đèn của ngôi nhà nhỏ, thu mình trong khoảng trống của thung lũng như một con thú buồn, quả tình có một điều gì đó giống như ta quay trở về tổ ấm.
Fraulein Muller chờ sẳn. Bà đã thay y phục và thay vì chiếc áo đen bằng len, bà mặc một chiếc áo lụa đen, cắt cùng một kiểu thanh giáo. Và thay cho cái thánh giá vàng là một huy hiệu gồm ba thứ: trái tim, mỏ neo và thánh giá — biểu tượng tôn giáo của niềm tin, hy vọng, và tình yêu.
Rõ ràng bà tỏ ra thân thiện hơn chiều nay và bà hỏi rằng món trứng, thịt nguội và cá hun khói mà bà chuẩn bị cho bửa ăn tối có đúng ý chúng tôi không.
“Chắc là có,” tôi nói.
“Cậu không thích sao? Cá bơn vừa hun khói.” Bà nhìn tôi, khá lo ngại.
“Dĩ nhiên,” tôi nói, lạnh nhạt.
“Cá bơn vừa hun khói nghe ngon lắm,” Pat nói, nhìn tôi trách móc. “Một bửa ăn tối tuyệt hảo, đúng như ý muốn của người ta sau ngày đầu tiên ở biển, Fraulein Muller ạ. Và nếu như có thêm trà nóng nữa thì —“
“Vâng, hẳn rồi. Trà ngon nóng. Hân hạnh. Tôi sẽ cho người mang ra ngay, ” Fraulein Muller, bớt lo âu, vội vàng đi ra, tà áo lụa sột soạt.
“Anh không thích ăn cá sao?” Pat hỏi.
“Anh mà không thích? Lại là cá bơn nữa chứ! Anh đã mơ tưởng tới chúng nhiều ngày qua.”
“Vậy tại sao anh lại hành động như vậy? Có phần quá đáng!”
“Anh phải trả thù cách bà ấy đón tiếp chúng ta lúc chiều, phải không?”
“Choáng thật!” Pat cười. “Anh không bao giờ tha thứ cho ai sao? Em đã quên chuyện ấy từ lâu.”
“Anh chưa quên,” tôi nói. “Anh không quên dễ dàng như thế.”
“Vậy anh cần phải quên,” Pat đáp.
Bà giúp việc mang khay thức ăn đến. Những con cá bơn da vàng như hoàng ngọc và thơm mùi biển và khói. Lại có cả tôm tươi.
“Anh bắt đầu quên rồi đó,” tôi hăm hở nói. “Anh nhận thấy, ngoài ra, anh lại còn đói bụng khủng khiếp.”
“Em cũng thế. Tuy nhiên trước tiên, cho em xin, mau lên, trà nóng. Lạ lắm, nhưng em đang lạnh cóng người. Mà bên ngoài trời vẫn ấm.”
Tôi nhìn nàng. Nàng xanh xao, dù mỉm cười. “Anh không nói một tiếng nào hết, về chuyện em tắm quá lâu,” tôi nói, và hỏi bà giúp việc: “Chị có rum không?”
“Cái gì?”
“Rum. Một thứ thức uống đóng chai.”
“Rum?”
“Vâng.”
“Hả?”
Bà ấy há hốc mồm nhìn, gương mặt phì phị, tròn vành vạnh như trăng.
“Hả?” bà ấy hỏi, một lần nữa.
“Tốt,” tôi trả lời. “Thôi đừng để ý. Chào chị. Xin Chúa ban phước lành cho chị.”
Bà ấy biến mất. “Thật may, Pat, chúng ta có một người bạn biết lo xa,” tôi nói. “Sáng nay khi khởi hành, Lenz đã thẩy vào xe một cái gói khá nặng. Hãy xem coi trong ấy có gì.”
Tôi ra xe lấy gói quà. Đó là một thùng nhỏ đựng bốn chai rum, một chai cognac và một chai port. Tôi dơ chúng lên cao. “Rum hiệu St. James nữa cơ! Các cậu ấy thật xứng đáng với lòng tin của ta.”
Tôi khui các chai rượu và rót khá nhiều vào tách trà của nàng. Tay nàng run rẩy. “Em lạnh đến mức đó à?” tôi hỏi.
“Tạm thời thôi. Đã khá hơn lúc nãy. Rum ngon lắm. Nhưng em sẽ lên giường sớm.”
“Ngay bây giờ, Pat ạ,” tôi nói. “Mình có thể đẩy cái bàn vào và ăn tại đó.”
Nàng bằng lòng. Tôi đem đến cho nàng một cái mền khác, lấy từ giường của tôi. Và tôi đẩy cái bàn vào đúng vị trí. “Có lẽ em cần một ly Grog, Pat? Như thế vẫn tốt hơn. Anh có thể pha một ly rất nhanh.”
Nàng lắc đầu. “Em thấy khỏe lại rồi.”
Tôi liếc nàng. Quả thực nàng trông khỏe hẳn. Mắt long lanh trở lại, môi đỏ au và làn da tươi sáng.
“Không thể ngờ kết quả nhanh thế,” tôi nói. “Nhờ rum, chắc vậy.”
Nàng mỉm cười. “Nhờ cái giường nữa, Robby. Trên giường, em hồi phục nhanh. Giường là chỗ an trú của em.”
“Tuyệt vời. Anh sẽ phát điên nếu anh phải lên giường sớm. Một mình, ý của anh là vậy.”
Nàng cười. “Với phụ nữ, lại khác.”
“Đừng nói là với một phụ nữ. Em không phải là một người đàn bà.”
“Vậy em là ai?”
“Anh không biết. Nhưng không phải là một người đàn bà, Nếu em là một người đàn bà chuẩn mực, anh sẽ không thể yêu em.”
Nàng nhìn tôi. “Dù sao đi nữa, anh có thể yêu không?”
“Ơ,” tôi nói, “đó là một câu hỏi rất hay trong giờ ăn tối. Em còn câu hỏi nào tương tự nữa không?”
“Có lẽ có. Nhưng câu này thì sao?”
Tôi rót cho mình một ly rum. “Pros’t, Pat. Có lẽ em đúng. Có lẽ không một ai trong chúng ta có thể yêu. Không như ngày xưa, anh muốn nói thế. Nhưng không phải vì vậy mà tệ hơn. Chỉ là khác biệt. Chúng ta không còn thấy như thế nữa.”
Có tiếng gõ cửa. Fraulein Muller đi vào. Bà cầm một cái bình thủy tinh bé như ngón tay chỉ có một giọt chất lỏng sóng sánh dưới đáy. “Tôi đem rum đến cho cô cậu.”
“Cám ơn,” tôi nói, vô cùng xúc động và ngắm cái đê thủy tinh. “Thật quý hóa, nhưng chúng tôi đã tự lo liệu.”
“Trời ơi!” Bà mất hồn, trố mắt nhìn bốn chai rượu trên bàn. “Cô cậu uống hết ngần ấy sao?”
“Để chửa bệnh thôi,” tôi nhẹ nhàng nói và tránh nhìn vào mắt Pat. “Uống theo toa bác sĩ. Gan của tôi khô quá, Fraulein Muller ạ. Nhưng cho tôi hân hạnh được mời bà nhé?”
Tôi khui chai port. “Mừng sức khỏe của bà! Xin chúc nhà trọ được đông khách.”
“Rất cảm ơn.” Bà thở dài, khẻ cúi chào và nhấp từng chút rượu, nhỏ nhẹ như một con chim. “Ngày lễ vui nhé!” Rồi bà mỉm cười nhìn tôi, ra vẻ hiểu biết. “Rượu mạnh. Và ngon lắm.”
Ly rượu trong tay tôi suýt nữa rơi tuột trước chuyển biến này. Gò má Fraulein Muller ửng hồng, mắt long lanh và bà bắt đầu chỉ dạy những chuyện mà chúng tôi chẳng mấy quan tâm. Với bà, Pat có lòng nhẫn nại của một thiên thần. Cuối cùng, Fraulein quay lại tôi.
“Herr Koster vẫn khỏe chứ?”
Tôi gật đầu.
“Thuở đó, cậu ấy rất lặng lẽ,” bà nói. “Có khi suốt ngày chẳng nói một tiếng nào. Bây giờ cậu ấy vẫn như thế?”
“Thỉnh thoảng anh ấy có trò chuyện.”
“Cậu ấy sống ở đây gần một năm. Một mình –“
“Vâng,” tôi nói. “Lúc đó người ta có khuynh hướng nói ít hơn.”
Bà long trọng gật đầu, rồi nhìn qua Pat. “Chắc cô mệt lắm.”
“Hơi mệt ạ,” Pat nói.
“Mệt vô cùng,” tôi xen vào.
“Vậy, tất nhiên tôi sẽ lui ra,” bà giật mình đáp. “Tạm biệt cô cậu, ngủ ngon nhé.”
Bà ngập ngừng bước đi.
“Anh nghĩ bà ấy còn muốn ngồi lại,” tôi nói. “Lạ nhỉ, đột nhiên thay đổi, tại sao?”
“Tội nghiệp bà ấy,” Pat trả lời. “Đêm đêm cô đơn trong phòng, em chắc vậy, lo âu.”
“Ach, thế đấy, vâng –” tôi nói. “Nhưng anh vẫn nghĩ rằng, nói chung, anh đối xử khá tử tế với bà ấy, phải không?”
“Vâng,” nàng vuốt tóc tôi. “Hé cửa dùm em, Robby.”
Tôi ra mở cửa. Ngoài kia, trời trong hơn và một mảng trăng rơi trên lối đi, len vào phòng. Như thể vườn hoa đã chờ sẳn đến khi cửa mở — hương đêm của những loài hoa lập tức ùa vào, mùi quế trúc, mộc tê và hồng hoa thơm ngát.
“Nhìn kìa em,” tôi nói, trỏ tay.
Dưới ánh trăng ta có thể thấy trọn vẹn lối đi trong vườn. Những thân hoa gục đầu hai bên lề, lá ánh màu bạc cũ, và những bông hoa tươi thắm lúc ban ngày nay ngã sang màu phấn tiên, óng ánh, ma quái và nhàn nhạt. Đêm và trăng đã đánh cắp sức mạnh của sắc màu của chúng — nhưng bù lại, hương nồng hơn, ngọt hơn.
Tôi nhìn qua Pat. Tóc huyền xõa trên nền gối trắng, Pat mềm mại, thanh nhã và mong manh. Nàng không có nhiều sức mạnh — nhưng nàng cũng có sự bí ẩn của một thứ gì dễ tàn phai, bí ẩn của những bông hoa trong hoàng hôn và dưới ánh trăng lung linh.
Nàng nhỏm người lên. “Em mệt vô cùng, Robby. Tệ quá anh nhỉ?”
Tôi ngồi trên giường, cạnh nàng. “Không đâu. Em sẽ ngủ yên.”
“Nhưng anh đâu đã muốn đi ngủ?”
“Anh sẽ đi dạo ở bãi biển trước vậy.”
Nàng gật đầu và ngã mình xuống. Tôi ngồi đó một lúc.
“Anh cứ để cửa mở suốt đêm nhé,” nàng nói, đã say ngủ. “Như thế giống như ngủ trong vườn.”
Hơi thở của nàng sâu dần và tôi nhẹ nhàng đứng lên và đi ra vườn. Tôi đứng bên hàng rào gỗ và hút một điếu thuốc. Ở đó, tôi có thể nhìn vào phòng. Áo tắm của Pat móc trên ghế, áo đầm và mấy thứ đồ lót vứt trên đấy, và dưới đất phía trước ghế là đôi giày của nàng. Một chiếc lật nghiêng. Tôi có cảm giác như đang ở nhà khi nhìn quang cảnh ấy, và nghĩ rằng, it nhất bây giờ cũng có ai đó ở đó và sẽ ở đó, rằng tôi chỉ cần bước vài bước là có thể gặp nàng và được ở bên nàng, hôm-nay, ngày-mai, và có lẽ cả một đời —
Có lẽ, tôi nghĩ, có lẽ — lúc nào cũng hai chữ đó, người ta không thể tránh được. Chúng ta thiếu sự chắc chắn, mọi người và mọi thứ đều thiếu sự chắc chắn.
Tôi ra bãi biển, đến với đại dương và gió, đến với âm thanh ầm ì với tiếng dội như tiếng bom từ xa vọng lại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.