Chiến hữu

CHƯƠNG 16



Tôi ngồi ở bãi biển, ngắm mặt trời lặn. Pat không ra. Cả ngày hôm nay, nàng không khỏe lắm.
Trời tối dần, tôi đứng dậy đi về. Vừa khi ấy, qua rừng cây, tôi nhìn thấy bà giúp việc đang lúp xúp chạy tới. Bà huơ tay ra dấu và la hét một điều gì đó. Tôi không hiểu; tiếng gió và biển quá lớn. Tôi vẫy tay cho bà ấy đứng lại; tôi sẽ chạy tới chỉ trong một phút. Nhưng bà ấy tiếp tục, tay chụm quanh miệng.
“Vợ ông…” tôi nghe. “Nhanh lên…”
Tôi phóng tới. “Chuyện gì thế?”
Bà ấy thở hào hển. “Nhanh lên…vợ ông… tai nạn…”
Tôi cuống cuồng chạy thục mạng trên con đường cát xuyên qua cánh rừng thưa dẫn về nhà trọ. Cổng rào gỗ bị kẹt; tôi nhảy qua và ào vào phòng. Pat nằm đó, ngực đẫm máu, tay nắm chặt, máu trào ra từ miệng. Fraulein Muller đứng cạnh, với khăn lông và một chậu nước.
“Cái gì thế?” tôi la lên, đẩy bà sang một bên.
Bà nói một câu gì đó. “Đem bông băng lại!” tôi khóc. “Vết thương ở chỗ nào?”
Bà nhìn tôi, môi run rẩy. “Không có vết thương…”
Tôi cứng người. “Thổ huyết,” bà nói.
Tôi có cảm giác bị búa bổ. “Thổ huyết?” Tôi đứng lên, giật thau nước khỏi tay bà. “Đem nước đá tới, mau lên, nước đá.”
Tôi nhúng khăn vào chậu nước, và trải trên ngực Pat.
“Nhà không có nước đá,” Fraulein Muller nói.
Tôi quay ngoắt lại. Bà thụt lùi. “Nước đá, khổ quá bà ơi! Chạy ra quán rượu gần nhất. Và gọi điện cho bác sĩ ngay lập tức.”
“Nhưng chúng tôi không có điện thoại…”
“Quỷ thần ơi! Chỗ nào gần đây có điện thoại?
“Nhà Massmann.”
“Đi ngay. Nhanh lên! Gọi điện cho bác sĩ gần nhất. Bác sĩ tên gì? Nhà ở đâu?”
Trước khi bà kịp trả lời, tôi đẩy bà. “Mau lên, mau lên, cố chạy thật mau. Bao xa vậy?”
“Ba phút,” bà nói và lật đật đi ra.
“Đem nước đá về nhé,” tôi gọi vói theo.
Bà gật đầu và chạy đi.
Tôi lấy thêm nước và một lần nữa nhúng khăn vào. Tôi không dám động tới Pat. Tôi không biết nàng nằm như thế là đúng cách hay không; tôi tuyệt vọng vì tôi không biết điều tôi cần biết — nên lót gối dưới đầu nàng, hay để nàng nằm thẳng.
Nàng nấc nghẹn, rồi trỗi dậy và phun ra một bụm máu. Hơi thở eo éo như tiếng khóc, đôi mắt hoảng loạn, nàng nuốt và nghẹn và ho, và máu lại phún ra. Tôi ôm chặt nàng, một tay luồn dưới vai. Tôi cảm nhận phiến lưng rung giật, vật vã– thời gian như kéo dài vô tận. Rồi nàng lả ra, mềm nhũn.
Fraulein Muller bước vào. Bà nhìn tôi, và trông như một bóng ma.
“Chúng ta phải làm sao bây giờ?” tôi gào lên.
“Bác sĩ sẽ đến ngay,” bà thì thầm.”Nước đá… đặt lên ngực cô ấy — và trong miệng, nếu cậu có thể…”
“Dựng cô ấy dậy hay để cô ấy nằm? Chúa ơi, bà làm ơn nói nhanh hơn một chút được không?”
“Y như thế, để cô ấy nằm — bác sĩ tới liền bây giờ.”
Tôi chườm đá vụn lên ngực Pat, và bớt lo âu, vì rồi ra tôi cũng làm được một điều gì. Tôi đập cho đá vỡ, bọc trong gạc thưa và đặt chúng lên, nhưng lúc nào tôi cũng chỉ nhìn thấy hình ảnh của đôi môi yêu dấu, đôi môi thống khổ, đôi môi, đôi môi ứa máu…
Kìa, tiếng nổ bành bạch của một chiếc mô tô. Tôi nhảy lên. Bác sĩ.
“Tôi có thể giúp gì không?” tôi hỏi. Bác sĩ lắc đầu và mở túi cứu thương. Tôi đứng bên giường cạnh ông, tay nắm cứng cọc giường. Ông nhìn lên. Tôi lùi lại, mắt vẫn dán chặt vào ông. Ông khám lồng ngực Pat. Pat rên khẻ.
“Có nguy hiểm không bác sĩ?” tôi hỏi.
“Vợ cậu điều trị ở đâu vậy?” ông trả lời.
“Cái gì? Điều trị?” tôi lắp bắp.
“Ai là bác sĩ của cô ấy?” ông ta nóng nẩy hỏi.
“Tôi không biết…” tôi trả lời. “Không, tôi không biết gì cả… tôi không tin là…”
Ông nhìn tôi. “Nhưng cậu phải biết.”
“Nhưng tôi không biết. Cô ấy không bao giờ nói cho tôi biết gì cả.”
Ông cúi xuống, hỏi Pat. Nàng cố trả lời. Nhưng một lần nữa, cơn ho đỏ thắm lại bật ra. Bác sĩ nâng nàng lên. Nàng hớp từng ngụm không khí và thở khò khè, mệt nhọc.
“Jaffé,” nàng hổn hển nói, ồng ộc.
“Felix Jaffé? Giáo sư Felix Jaffé?” bác sĩ hỏi. Đôi mắt nàng xác nhận. Ông quay lại tôi. “Cậu gọi điện thoại cho giáo sư được không? Có thể mời giáo sư đến không?”
“Vâng, vâng,” tôi trả lời. “Tôi sẽ gọi ngay. Rồi tôi sẽ đi đón… Jaffé?”
“Felix Jaffé,” bác sĩ nói. “Hỏi nhân viên tổng đài số điện thoại của ông ấy.”
“Liệu cô ấy có qua khỏi không, bác sĩ?” tôi tiếp tục hỏi.
“Cần phải ngừng thổ huyết,” bác sĩ nói.
Tôi tìm thấy bà giúp việc và khởi chạy trên đường làng. Bà chỉ tôi căn nhà có điện thoại. Tôi hộc tốc chạy đến, gõ cửa. Một nhóm người đang quây quần uống cà phê và bia. Tôi liếc nhìn họ và không thể hiểu vì sao người ta lại có thể uống bia trong khi Pat đang xuất huyết. Tôi xin tổng đài gọi khẩn và đứng chờ bên điện thoại. Trong khi lắng nghe tiếng u u của bóng tối, tôi nhìn thấy một cảnh tượng kỳ lạ, sống động qua phần kính lắp trên cánh cửa đi vào một căn phòng khác. Một cái đầu hói nhấp nhô tới lui, vàng vọt dưới ánh đèn, một cái kim cài áo trên lớp gấm đen của một cái áo đăng ten thít chặt, một cái càm đôi với cặp kính kẹp mủi và búi tóc cao ngất ngưởng — một bàn tay già nua xương xẩu gân thô gõ nhịp trên bàn… tôi không muốn nhìn, nhưng chẳng đặng đừng; nó cứ xoáy vào mắt tôi như một nguồn ánh sáng chói lòa.
Cuối cùng tôi cũng được trả lời. Tôi xin gặp giáo sư. “Rất tiếc,” bà y tá nói. “Giáo sư Jaffé đã ra ngoài.”
Tim tôi ngừng đập, rồi nện thình thịch như búa tạ. “Giáo sư đang ở đâu? Tôi cần phải nói chuyện với giáo sư ngay bây giờ.”
“Tôi không biết. Giáo sư có thể đang ở bệnh viện.”
“Xin sơ làm ơn gọi đến bệnh viện. Tôi sẽ đợi. Sơ có điện thoại khác, hẳn thế?”
“Xin chờ một chút.” Tiếng gầm rú lại bắt đầu, bóng tối không đáy, bên trên là một sợi kim loại mỏng đong đưa. Tôi giật nảy mình. Trong lồng chim phủ khăn bên cạnh tôi, một con hoàng yến ríu rít. Lại có tiếng của bà sơ. “Giáo sư Jaffé vừa rời bệnh viện.”
“Đi đâu?”
“Tôi không thể nói, thưa ông.”
Thua. Tôi dựa lưng vào vách.
“A-lô!” bà sơ hỏi. “Ông vẫn còn đó?”
“Vâng. Xin hãy nghe — sơ không biết khi nào giáo sư trở lại?”
“Không thể biết.”
“Giáo sư không dặn dò gì sao? Hẳn giáo sư phải nói cho ai biết chứ! Nhỡ có chuyện gì xảy ra, ta mới có thể tiếp xúc với giáo sư, phải không?”
“Có bác sĩ trực ở bệnh viện.”
“Sơ có thể nào… không, như thế cũng chẳng ích gì, bác sĩ ấy cũng chẳng biết gì… Thôi được, sơ ạ,” tôi nói, rã rời như chết. “Nếu giáo sư Jaffé trở lại, xin giáo sư vui lòng gọi liền cho tôi, khẩn cấp.” Tôi đọc cho sơ y tá số điện thoại. “Tối khẩn, xin sơ làm ơn nói dùm. Một vấn đề sống chết.”
“Ông có thể tin tưởng nơi tôi, thưa ông. ” Bà lập lại số điện thoại rồi cúp máy.
Tôi đứng đó, một mình. Những cái đầu đung đưa, mảng trán hói, cái kim cài áo, căn phòng kia, tất cả nhẳn thín như cao su, xa diệu vợi. Tôi nhìn quanh. Tôi không thể làm gì thêm, ở đây. Chỉ còn nói với họ, xin nhắn tôi nếu có ai gọi. Nhưng tôi không đành lòng rời khỏi điện thoại. Như thể buông bỏ dây cứu hộ. Bỗng nhiên tôi hiểu ra. Tôi cầm ống nghe và xin số của Koster. Chắc anh ấy đang có mặt ở đó. Không thể nào khác hơn.
Và rồi, trong cơn náo nhiệt đêm nay, giọng nói trầm lặng của Koster vang lên. Và tôi lập tức bình tỉnh, và tôi kể tất cả cho anh nghe. Tôi biết anh ghi chép lại.
“Được rồi,” anh nói. “Tớ sẽ đi tìm ông ấy ngay. Tớ sẽ gọi lại. Đừng lo, tớ sẽ tìm được ông ấy.”
Đã xong? Trái đất ngừng quay. Lời nguyền đã giải. Tôi chạy về.
“Sao?” ông bác sĩ hỏi, “cậu tìm được ngài giáo sư chứ?”
“Không,” tôi nói, “nhưng tôi nói chuyện với Koster.”
“Koster? Chưa bao giờ nghe đến tên này. Ông ấy nói gì? Cách chữa trị của ông ấy ra sao?”
“Chữa trị? Anh ấy có chữa chạy gì đâu. Anh ấy đi tìm một người.”
“Tìm ai?”
“Jaffé.”
“Lạy Chúa tôi — vậy Koster là ai?”
“Ach so — xin lỗi! Koster là bạn tôi. Anh ấy đi tìm giáo sư Jaffé. Tôi không gặp được Jaffé.”
“Thật đáng tiếc!” ông bác sĩ nói, và quay lại Pat.
“Anh ấy sẽ tìm được ông ta,” tôi nói. “Nếu ông ta chưa chết, anh ấy sẽ tìm được.”
Ông bác sĩ nhìn tôi như thể tôi điên lắm, rồi nhún vai.
Ánh đèn bao phủ căn phòng. Tôi hỏi tôi có thể làm được gì không. Bác sĩ lắc đầu. Tôi chăm chú nhìn ra cửa sổ. Pat lại mắc nghẹn. Tôi đóng cửa sổ và đứng ở ngạch cửa. Tôi canh chừng con đường.
Bất thình lình tôi nghe tiếng la. “Có điện thoại!”
Tôi quay ngoắt lại. “Điện thoại! Tôi có nên đi không?”
Bác sĩ nhảy lên. “Không, để tôi đi. Tôi nói chuyện với ông ấy dễ hơn. Cậu ở đây. Đừng làm gì nhé. Tôi sẽ sớm trở lại.”
Tôi ngồi trên giường, cạnh Pat. “Pat,” tôi âu yếm nói, “có bọn anh. Bọn anh sẽ chăm sóc em! Không để em bị hại. Không để cho thứ gì xâm phạm đến em. Giáo sư đang nói chuyện. Ông ấy sẽ chỉ dẫn chúng ta. Ngày mai ông ấy sẽ tới đây. Bọn anh đã lo liệu xong. Ông ấy sẽ giúp em. Em sẽ lành bệnh. Sao em không bao giờ nói cho anh biết là em mắc bệnh? Một chút xíu máu không ăn thua gì, Pat. Bọn anh sẽ đền lại. Koster đã tìm được giáo sư, Pat. Chúng ta sẽ ổn thôi.”
Bác sĩ trở lại. “Không phải giáo sư.”
Tôi đứng lên.
“Một người bạn của cậu — Lenz.”
“Koster chưa tìm được ông ấy?”
“Tìm được rồi. Jaffé đã dặn cậu ấy những việc cần làm. Lenz, bạn của cậu, chuyển lời lại cho tôi. Rõ ràng và chính xác lắm. Thế bạn cậu là bác sĩ à?”
“Không ạ. Anh ấy muốn thành bác sĩ. Còn Koster thì sao?”
Bác sĩ nhìn tôi. “Lenz nhờ tôi nói với cậu, Koster đã lên đường mấy phút trước. Với ngài giáo sư. Hai giờ nữa, ông ấy sẽ tới.”
Tôi dựa vào thành giường. “Otto,” tôi nói.
“Vâng,” bác sĩ đáp, “đó là điều sai lầm của cậu ấy. Tôi biết đường xá ở đây. Nhanh lắm cũng phải hơn ba giờ. Tuy thế…”
“Nếu anh ấy nói hai giờ, thì bác sĩ có thể tin được, anh ấy sẽ có mặt ở đây trong hai giờ.”
“Không thể nào. Đường ngoằn ngoèo, và hơn nữa, trời đã tối.”
“Bác sĩ sẽ thấy,” tôi nói.
“Dù sao chăng nữa… nếu ông ấy đến được… thì tốt lắm…”
Cuối cùng tôi không chịu nỗi. Tôi đi ra ngoài đồng trống. Trời đã có sương mù. Sóng biển vỗ ì ầm đàng xa. Sương móc rơi từ cành lá. Tôi nhìn quanh. Tôi không còn cô độc nữa. Về hướng nam, xa tít ngoài chân trời, đâu đó có một động cơ đang gầm rú. Xa vút ngoài màn sương, sự giúp đỡ đang bon bon trên những nẽo đường nhợt nhạt, đèn pha quét hai luồng sáng về phía trước, lốp xe xiết như tiếng huýt sáo và hai tay ai cứng như gọng kìm nắm chặt bánh lái, đôi mắt ai soi thủng màn đêm, sắc lạnh, hẳn nhiên rồi — đôi mắt của một chiến hữu của tôi…
Về sau Jaffé kể lại cho tôi nghe những gì đã xảy ra.
Sau khi nói chuyện qua điện thoại với tôi, Koster gọi ngay Lenz để anh ấy chuẩn bị trước. Rồi anh và Lenz hộc tốc lái Karl đến bệnh viện của Jaffé. Y tá trực tin rằng ông ấy đã đi ăn tối. Bà cho Koster tên của vài tiệm ăn mà ông ấy thường lui tới. Koster lập tức lái đi. Anh không đếm xỉa gì đến tín hiệu lưu thông — anh phe lờ đám cảnh sát dang tay múa chân. Anh luồn lách trong dòng xe cộ như một con ngựa sổng chuồng. Đến quán thứ tư, anh tìm được giáo sư. Jaffé nhớ ngay ra Pat. Ông bỏ dở bửa ăn và đi với anh. Họ về nhà ông lấy những vật dụng cần thiết. Và đó là chặng đường duy nhất mà Koster lái nhanh nhưng không lạng lách. Anh không muốn giáo sư hốt hoảng lúc ban đầu. Trên đường, Jaffe hỏi Koster chỗ Pat đang ở. Koster nói tên một nơi, cách đó khoảng bốn mươi kí lô mét. Anh muốn giáo sư chịu lên xe trước đã. Sau đó chuyện gì cần xảy ra, sẽ xảy ra. Trong lúc sắp xếp hành lý, Jaffe chỉ dẫn cách sơ cứu để Lenz nhắn lại chúng tôi. Rồi ông ngồi vào xe với Otto.
“Có nguy kịch không?” Koster hỏi.
“Nguy lắm,” Jaffé nói.
Từ lúc ấy trở đi, Koster biến thành một con quỷ trắng biết bay. Anh cho xe nhảy chồm lên và phóng vút đi. Anh lái xe táo tợn, leo hai bánh trên lề, chạy vào đường một chiều, tìm con đường ngắn nhất để ra khỏi thành phố.
“Cậu có điên không vậy?” giáo sư rú lên khi Koster luồn ngay dưới cái cảng cao của một chiếc xe buýt, chựng lại một giây, rồi tiếp tục rồ máy hết ga.
“Lái chậm lại,” giáo sư rên, “có ích gì nếu ta gặp tai nạn?”
“Ta sẽ không gặp tai nạn.”
“Chúng ta sẽ có tai nạn, trong hai phút, nếu cậu cứ lái theo kiểu này.”
Koster lạng sang trái, qua mặt một chiếc xe điện. “Không!” Giờ anh lái trên một con đường dài. Anh nhìn giáo sư. “Tôi biết tôi phải đưa giáo sư tới nơi an toàn. Giáo sư hãy tin tưởng vào tôi.”
“Nhưng chạy đua như thế để làm gì? Cậu chỉ đến sớm vài phút thôi.”
“Không,” Koster nói, né một chiếc xe tải chở đầy đá; “chúng ta còn phải đi hai trăm bốn mươi kí lô mét nữa.”
“Cái gì, cậu nói sao?”
“Đúng vậy…” Xe chui tọt qua một khoảng trống giữa xe giao thư và xe buýt… “Tôi không dám nói trước với giáo sư chuyện đó.”
“Có nói cũng không sao,” Jaffé gầm lên. “Tôi đâu có tính tiền công theo số kí lô mét. Lái ra nhà ga. Xe lửa chạy nhanh hơn.”
“Không.” Koster đã ra tới ngoại ô. Gió thổi bạt tiếng của anh. “Tôi đã hỏi dò — xe lửa khởi hành rất trễ.” Anh lại nhìn Jaffé.
Có lẽ giáo sư nhận ra một điều gì đó trên mặt anh. “Cô ấy là người của cậu hả?” ông hét.
Koster lắc đầu. Anh không trả lời thêm câu hỏi nào nữa. Anh bỏ lại những khu vườn nhỏ và lái vào miền quê trống trải. Xe chạy với vận tốc tối đa. Giáo sư co ro nép sau tấm kính chắn gió hẹp. Koster nhường cái mũ da của mình cho ông.
Còi rú không ngừng. Rừng cây dội lại âm thanh nức nở của nó. Koster chỉ chậm lại khi băng qua những thôn làng khi cần. Đàng sau tiếng vọng như sấm của động cơ nổ, những dãy nhà tiếp nối vào nhau như bóng của một dây phơi quần áo, và xe phóng vút qua chúng, móc vội chúng vào trong vũng ánh sáng chói lòa và với tia đèn pha của nó, rồi biến mất vào màn đêm xa kia.
Lốp xe bắt đầu gầm, rít, rên, huýt; máy xe vẫn cống hiến sức lực của nó. Koster cúi rạp người, dồn hết tâm trí vào những thứ ở phía trước, toàn thân của anh là một cái tai vĩ đại, một cái lọc lược tiếng sấm và những tiếng sột soạt rất khẻ, bởi lẽ mỗi tiếng gừ gừ hay nổ đánh độp hay kéo lê thê, có nghĩa là xâm lốp bị thủng và sự chết.
Mặt đường trở nên trơn ướt. Trên một đoạn đầy đất sét, xe trượt đảo. Koster bắt buộc phải bớt tốc độ. Sau đó, để bù lại, anh chạy nhanh hơn ở những khúc ngoặt. Anh không lái bằng lý trí nữa, mà bằng trực giác. Đèn pha soi hai mảng ở khúc quanh; nhưng khi ta lái đến nơi thì khúc cong tối đen như mực. Koster phải phụ thêm đèn rọi, nhưng chùm tia quá nhỏ.
Giáo sư im thin thít.
Bất thình lình không khí lóng lánh trong ánh đèn pha; ánh sáng như nhuộm — một màu bạc tái, một lớp voan đục. Đó là lần duy nhất, Jaffé nghe Koster chửi thề. Một phút sau, họ đã ở trong vùng sương mù dày đặc.
Koster hạ tầm đèn. Họ bơi trong một khối bông nõn, bóng tối lặng lẽ lùi ra sau, những con ma trong biển sữa; không còn đường lộ nữa, chỉ là đoán chừng và may mắn, bóng tối lù lù nhô ra rồi nhỏ dần theo tiếng nổ của máy xe.
Mười phút sau, khi đã ra khỏi chỗ ấy, gương mặt Koster hốc hác hẳn. Rồi một lần nữa, anh lại xả hết tốc độ, rạp người, lạnh lùng và tự chủ…
Trong phòng, không khí nỏng rin rít và nặng như chì.
“Máu đã ngừng chảy chưa, thưa bác sĩ?” tôi hỏi.
“Chưa,” bác sĩ đáp.
Pat nhìn tôi. Tôi mỉm cười. Nụ cười trở thành cái nhăn mặt đau thương. “Nửa giờ nữa,” tôi nói.
Bác sĩ nhìn đồng hồ tay. “Một giờ rưỡi, hoặc hai giờ. Trời đang mưa.”
Mưa nhỏ giọt tí tách trên các phiến lá của cành cây, bụi kiểng trong vườn. Tôi gương mắt cố nhìn qua màn đêm. Bao lâu rồi, từ khi chúng tôi, Pat và tôi, thức giấc giữa đêm, ra vườn, ngồi giữa các bụi hoa và dây leo và Pat khẻ hát một khúc ru em? Bao lâu rồi, từ khi ánh nguyệt bạch soi trên lối đi và Pat, như một con thú uyển chuyển, len lách theo, giữa những lùm cây?
Dễ có đến lần thứ một trăm tôi đi ra cửa. Tôi biết làm như thế là vô ích; nhưng nó thâu ngắn đợi chờ. Trời mù sương. Tôi chửi thề; tôi biết điều ấy có nghĩa gì với Koster. Một con chim hót ngoài kia, trong bóng tối.
“Nín đi,” tôi gầm. Trong đầu tôi, một ý nghĩ nhoáng lên, loài chim mang điềm gỡ! “Mình nghĩ nhãm,” tôi nói to. Một con bọ cánh cứng rè rè đâu đây — nhưng nó không đến gần — nó không đến gần. Tiếng kêu của nó đều đều; lúc ngừng — lúc trở lại — và trở lại lần nữa. Tôi bỗng run rẩy. Không phải bọ cánh cứng; đó là tiếng động của một chiếc xe đang chạy ở xa, quẹo ở các khúc ngoặt với tốc độ rất nhanh. Tôi đứng im như tượng — tôi nín thở và há mồm ra để nghe cho rõ. Một lần nữa… một lần nữa… ánh đèn, tiếng u u the thé, như tiếng vo ve của một con ong bắp cày giận dữ… Và bây giờ, rõ hơn, tôi có thể phát hiện tiếng máy ép — và rồi đường chân trời, kéo dãn đến điểm tới hạn, bỗng vỡ thành một vô cực mềm mại, chôn vùi dưới nó sức mạnh và sợ hãi và kinh hoàng…
Tôi chạy vào. Bám lên cửa cho vững, “Họ sắp tới!” tôi kêu. “Bác sĩ, Pat, họ sắp tới! Tôi có thể nghe tiếng xe của họ!”
Suốt đêm, bác sĩ đối xử với tôi như một người dở điên dở khùng. Nhưng ông cũng đi ra, nghe ngóng. “Có thể là xe của người khác,” sau cùng, ông nói.
“Không, tôi quen với tiếng máy xe.”
Ông nhìn tôi, bực dọc. Rõ ràng, ông nghĩ ông cũng là một người ái mộ xe hơi. Với Pat, ông kiên nhẫn và tận tụy như một người mẹ; nhưng mỗi lần tôi nhắc đến xe cộ, ông lại gườm gườm nhìn tôi qua cặp kính và chứng tỏ là ông thông thạo hơn. “Không thể được,” ông nói cụt lủn và quay vào nhà.
Tôi vẫn ở ngoài sân. Tôi rung lên vì kích động. “Karl! Karl!” tôi gọi. Tiếng ồm ồm, tiếng nỉ non liên tiếp xen nhau — chiếc xe hẳn đã vào trong làng, chạy với vận tốc cực nhanh giữa những ngôi nhà. Tiếng rên rĩ yếu dần; nó ở đàng sau cánh rừng — và bây giờ nó lại kêu lớn lên, dồn dập, chiến thắng — một ngọn đèn pha qua sương mù: cặp đèn trước đầu xe; một tiếng động như sấm nổ… Không thể nào tin được, bác sĩ ra đứng cạnh tôi. Thình lình ánh đèn chói đến nỗi lóa mắt chúng tôi và với tiếng thắng ren rét, xe ngừng lại trước cổng vườn.
Tôi chạy ào ra. Giáo sư bước xuống xe lập tức. Ông không để ý đến tôi, mà đi thẳng tới bác sĩ. Koster theo sau.
“Cô ấy ra sao rồi?” anh hỏi.
“Vẫn còn thổ huyết.”
“Cô ấy sẽ ổn thôi,” anh nói. “Cậu đừng lo nữa.”
Tôi không nói gì, chỉ nhìn anh…
“Cậu có thuốc lá không?” anh hỏi.
Tôi đưa anh một điếu. “Thật tốt, cậu đã tới đây, Otto.”
Anh rít mấy hơi dài. “Tớ cũng hy vọng là thế.”
“Chắc cậu lái nhanh lắm?”
“Cũng không tệ. Chỉ có một khúc sương mù.”
Chúng tôi ngồi cạnh nhau, trên ghế trong vườn và chờ.
“Cậu có nghĩ rằng cô ấy sẽ qua khỏi không?”
“Dĩ nhiên cô ấy sẽ sống sót. Thổ huyết không nguy hiểm đâu.”
“Cô ấy chẳng hề nói một lời về chuyện ấy với tớ.”
Koster gật đầu.
“Cô ấy phải sống, Otto,” tôi nói.
Anh không nhìn lên. “Chúng ta hút thêm một điếu nữa,” anh nói, “Tớ quên đem thuốc của tớ.”
“Cô ấy phải sống,” tôi nói, “nếu không, tất cả chỉ là rác rưởi.”
Giáo sư đi ra. Tôi đứng dậy. “Tôi thề sẽ không bao giờ ngồi xe của cậu lái nữa,” ông nói với Koster.
“Xin giáo sư tha lỗi,” anh nói, “nhưng cô ấy là vợ của bạn tôi.”
“Vậy thì?” Jaffé nói, nhìn tôi.
“Cô ấy khỏe chưa, thưa giáo sư?” tôi hỏi.
Ông lạnh lùng nhìn tôi. Tôi lẫn tránh mắt ông.
“Thế cậu nghĩ, tôi có thể đứng đây nếu cô ấy chưa khỏe hay sao?”
Tôi cắn môi. Tôi nắm chặt hai bàn tay. Lệ dâng đầy mắt tôi.
“Xin giáo sư thứ lỗi,” tôi nói, “nhưng giáo sư xong việc quá nhanh.”
“Không bao giờ đủ nhanh cho loại việc đó,” Jaffé nói, mỉm cười.
“Tớ không thể không lo lắng, Otto,” tôi nói.
Anh nắm hai vai tôi, xoay người tôi lại, và đẩy nhẹ tôi về phía cửa. “Giáo sư cho phép chứ?”
“Tôi ổn rồi,” tôi nói. “Tôi có thể vào trong đó, được không?”
“Được lắm, nhưng đừng trò chuyện,” Jaffé trả lời. “Và thăm nhanh thôi. Cô ấy cần sự yên tịnh.”
Tôi chỉ thấy ánh sáng lờ mờ bơi lội trong làn nước. Tôi chớp mắt. Ánh sáng chập chờn, lung linh. Tôi không dám lau khô dòng lệ, tôi sợ Pat nghĩ rằng tôi khóc bởi tình hình xấu tệ. Tôi chỉ liều lĩnh mang một nụ cười vào phòng. Rồi tôi trở ra ngay.
“Đưa giáo sư tới đây là đúng, phải không?” Koster hỏi vị giáo sư.
“Phải,” Jaffé nói.
“Tôi có thể đưa giáo sư trở về, sáng sớm mai.”
“Tôi nghĩ, tôi chưa nên về,” Jaffé nói.
“Ở lượt về, dĩ nhiên tôi sẽ lái đàng hoàng hơn.”
“Tôi nghĩ tôi sẽ ở lại một ngày để phòng hờ bất trắc. Tôi có thể ngủ trên giường của cậu, được chứ?” ông hỏi. Tôi gật đầu.
“Tốt. Vậy tôi sẽ ngủ ở đây. Các cậu có thể tìm chỗ trú qua đêm trong làng không?”
“Dạ được. Giáo sư cần bàn chải đánh răng và áo ngủ không?”
“Không cần. Tôi có đủ. Tôi luôn luôn chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp — tuy chẳng phải chuyện đua xe.”
“Tôi xin lỗi,” Koster nói. “Giáo sư có bực mình lắm không?”
“Không,” Jaffé nói.
“Và tôi rất tiếci đã không nói hết mọi thứ cho giáo sư rõ.”
Jaffé cười lớn. “Cậu đánh giá giới y sĩ quá tệ. Ôi giào, thôi các cậu đi nghĩ đi. Tôi ở lại đây.”
Tôi quơ đại vài món vật dụng cần dùng cho Koster và tôi. Chúng tôi đi bộ vào trong làng.
“Cậu mệt không?” tôi hỏi.
“Không,” anh nói. “Chúng ta ngồi chơi đâu đây một lát đã.”
Sau một giờ, tôi bắt đầu băn khoăn. “Nếu ông ấy ở lại, có nghĩa là còn nguy kịch, Otto,” tôi nói. “Bằng không ông ấy…”
“Tớ nghĩ đó chỉ là dự phòng,” Koster trả lời. “Ông ấy rất quý mến Pat. Ông ấy bảo với tớ như thế, khi đi với tớ. Ông ấy cũng là bác sĩ săn sóc cho mẹ Pat.”
“Có phải bà ấy… “
“Tớ không biết,” Koster trả lời, thật nhanh. “Cũng có thể do một căn bệnh khác hẳn. Cậu chưa buồn ngủ à?”
“Cậu đi đi, Otto. Tớ muốn, một lần nữa thôi…. Cậu biết mà, nhìn từ xa…”
“Được. Tớ sẽ cùng đi với cậu.”
“Nghe này, Otto. Đừng bận tâm — tớ thích ngủ ngoài trời –khi thời tiết ấm áp. Tớ đã làm như thế mấy lần rồi, mới đây.”
“Trời ướt mưa.”
“Chẳng sao cả. Tớ sẽ dựng mui xe lên và ngồi trong đó một lúc.”
“Tốt lắm. Tớ cũng thích ngủ ngoài trời như thế.”
Tôi thấy mình không tài nào trốn được anh ấy. Chúng tôi lấy vài tấm chăn, nệm và quay trở lại Karl. Chúng tôi tháo then cài tấm đậy và đẩy ghế ra sau. Ta có thể nằm thoải mái ở đó.
“Còn dễ chịu hơn những đêm ở Tiền Tuyến,” Koster nói.
Cửa sổ ngôi nhà sáng ngời qua màn sương. Thỉnh thoảng tôi lại thấy bóng của Jaffe di chuyển qua lại. Chúng tôi chia nhau một gói thuốc. Cuối cùng, đèn cũng tắt hết, chỉ còn một ngọn đèn đêm nhỏ.
“Tạ ơn Chúa,” tôi nói.
Mưa rỉ rả rơi trên nóc xe. Một cơn gió nhẹ thoảng qua. Trời trở lạnh. “Nếu muốn, cậu có thể lấy cái mền của tớ, Otto,” tôi nói.
“Không — cậu nghĩ sao chứ? Tớ đủ ấm mà.”
“Jaffé, một người có tinh thần thượng võ, hén?”
“Vâng. Lại còn khôn ngoan. Tớ tin như vậy.”
Tôi ngồi dậy, lưng cứng đơ như que củi sau một đêm chập chờn không ngủ. Ngoài kia, trời xám và lạnh. Koster đã dậy từ lúc nào.
“Cậu không ngủ sao, Otto?”
“Có chứ.”
Tôi trèo khỏi xe và len lén theo con đường nhỏ trong vườn đến gần cửa sổ. Ngọn đèn đêm vẫn thắp sáng. Tôi thấy Pat nằm trên giường, nhắm mắt. Trong một giây, tôi lo rằng nàng đã chết. Rồi tôi thấy cánh tay mặt của nàng nhúc nhích. Nàng xanh mướt như tàu lá. Nhưng máu đã thôi chảy. Rồi tay nàng lại động đậy. Cùng một lúc, Jaffé, trong giường của tôi, mở mắt. Tôi lùi lại. Tôi cảm thấy an lòng; ông ấy biết rõ việc làm của mình.
“Tớ nghĩ chúng ta nên rút lui, Otto,” tôi nói với Koster; “đừng để cho ông ấy biết là chúng ta theo dõi.”
“Trong nhà ổn cả?” Otto hỏi.
“Dựa vào những gì tớ trông thấy, ổn cả. Giáo sư ngủ say đúng mức. Trong trận oanh kích vẫn ngon giấc; nhưng nếu có một con chuột gậm nhấm ba-lô, sẽ choàng tỉnh lập tức.”
“Cậu tắm biển không?” Koster nói. “Không khí trong lành.” Anh vươn vai.
“Cậu tắm đi,” tôi nói.
“Tắm đi mà,” anh kèo nài.
Bầu trời xám rẽ ra, lộ những vệt cam – đỏ long lanh. Dọc theo chân trời, bức màn mây vén lên, ngoài xa kia là màu xanh da táo trong sáng.
Chúng tôi nhảy tòm xuống nước và bơi. Biển xám và đỏ.
Rồi chúng tôi trở vào. Fraulein Muller đã thức. Bà đang hái rau mùi tây trong vườn. Bà bắt đầu khi tôi trò chuyện. Một cách vụng về, tôi cố lựa lời xin lỗi, hôm qua tôi đã văng tục quá nhiều.
Bà rấm rức khóc. “Tội nghiệp. Cô ấy đẹp quá, và trẻ quá.”
“Cô ấy sẽ sống tới một trăm tuổi,” tôi nói, phật ý vì bà khóc lóc như thể Pat sắp chết tới nơi. Pat nào có sắp chết. Buổi sáng lạnh, sức sống mà biển nhanh chóng quất vào tôi, nói với tôi như thế. Pat không thể chết. Nàng chỉ chết nếu tôi đánh mất trái tim. Koster có mặt ở đây — tôi có mặt tại đây: là chiến hữu của Pat… chúng tôi sẽ chết trước nàng. Chừng nào chúng tôi còn sống, nàng sẽ qua khỏi. Trong quá khứ, đã như thế. Nếu Koster còn sống, tôi sẽ sống. Và do đó, nếu chúng tôi còn sống, Pat không thể nào chết.
“Con người phải tuân theo số mạng,” bà già nói, và gương mặt nâu, nhăn nhúm như quả táo khô nhìn tôi, trách móc. Rõ ràng, bà muốn trả lời câu chửi thề của tôi.
“Tuân theo?” tôi nói. “Tại sao lại phải tuân theo? Chẳng ích gì. Ta phải trả giá đắt cho mọi thứ trong đời, hai lần, ba lần. Vậy cớ sao ta phải tuân theo?”
“Vâng, tuân theo — là điều tốt nhất.”
Tuân theo! còn lâu tôi mới tuân theo, tôi thầm nghĩ. Có nhiều thứ hỗ trợ cho ta. Tranh đấu, tranh đấu, là điều duy nhất trong cuộc chiến này, nơi mà, dù sao chăng nữa, cuối cùng ta cũng sẽ đến. Tranh đấu cho những gì bé bỏng mà ta yêu quý. Khi nào được bẩy mươi tuổi, họa may ta có thể tính tới việc đầu hàng.
Koster trò chuyện với bà. Chẳng mấy chốc, bà đã mỉm cười và hỏi anh muốn ăn trưa món gì.
“Cậu thấy chưa,” Otto nói. “Đó là phần thưởng của tuổi già. Nước mắt và nụ cười — mau thay đổi nhau. Không tiếc hận. Một điều đáng cho ta học hỏi,” anh trầm ngâm nói.
Chúng tôi đi vòng quanh nhà. “Cô ấy ngủ thêm phút nào hay phút đó,” tôi nói. Chúng tôi trở lại vườn. Fraulein Muller đã dọn điểm tâm. Chúng tôi uống cà phê đen nóng. Mặt trời dâng cao, và không khí ấm áp. Những phiến lá ướt lấp lánh trong nắng. Từ biển vọng lại tiếng kêu của bầy hải âu.
Fraulein Muller đặt một bó hoa hồng lên bàn. “Chúng ta sẽ tặng cho cô ấy,” bà nói. Hoa hồng thơm mùi thơ ấu và những bức vách trong vườn.
“Cậu biết không, Otto,” tôi nói, “tớ có cảm tưởng như chính tớ đã mắc bệnh… Tớ không còn là mình nữa. Lẽ ra tớ phải bình tĩnh hơn. Điềm đạm hơn. Một người càng bình tĩnh càng được việc.”
“Người ta không thể lúc nào cũng giữ được bình tĩnh, Bob. Tớ cũng bị một vài lần như thế. Càng lớn tuổi người ta càng sợ hãi. Như một tay cờ bạc, luôn luôn sẽ thua những canh bài mới.”
Cửa mở. Jaffe bước ra trong bộ pyjamas. “Ổn cả rồi,” ông ra hiệu, khi thấy tôi lóng ngóng sắp làm ngã bàn ăn. “Tốt như đã mong mỏi.”
“Tôi có thể vào chưa?”
“Chưa. Bà giúp việc còn ở trong ấy. Lau rửa và những chuyện lặt vặt khác.”
Tôi rót cà phê cho giáo sư. Dưới nắng, ông hấp háy đôi mắt và quay sang Koster. “Thực ra, tôi phải cám ơn cậu mới đúng. Nhờ cậu, ít ra tôi cũng được một ngày sống ở thôn quê.”
“Nhưng giáo sư có thể về quê thường xuyên mà,” Koster nói. “Xa thành phố một đêm, sáng hôm sau quay về.”
“Có thể, có thể,” Jaffé đáp. “Thế cậu chưa nhận ra rằng chúng ta đang sống trong thời đại tự – ngược đãi? Có nhiều thứ người ta có thể làm, thế nhưng lại không — và vì sao, chỉ có trời mới biết. Hiện thời, công việc đã trở nên quan trọng một cách khiếp đảm, tôi đoán, có lẽ vì có quá nhiều người thất nghiệp, đến mức công việc tiêu diệt hết mọi thứ. Địa điểm này đáng yêu làm sao! Thế mà đã nhiều năm tôi chưa trở lại. Tôi có hai chiếc xe, một căn nhà mười phòng và rất nhiều tiền để phung phí… và tôi đã làm gì với số tiền ấy? Nó có nghĩa lý gì so với buổi sáng mùa hè thôn dã này? Công việc, công việc, công việc… một nỗi ám ảnh kinh hoàng — và luôn luôn với ảo tưởng rằng cuối cùng tình huống sẽ thay đổi. Và chẳng bao giờ có thay đổi. Kỳ cục quá, phải không, có người lại sống một cuộc đời như thế?”
“Bác sĩ y khoa, theo tôi, là một trong số rất ít những người biết sống để làm gì,” tôi nói. “Lấy thí dụ, một thư ký ngân hàng, thì sao?”
“Anh bạn thân mến,” Jaffé trả lời, “là một sai lầm nếu ta cho rằng tất cả mọi người đều có sở thích giống nhau.”
“Vâng,” Koster nói. “Nhưng chẳng mấy khi người ta lại có một nghề nghiệp như ý.”
“Thật vậy,” Jaffé đáp. “Rất khó.” Ông gật đầu với tôi. “Bây giờ, cậu vào được rồi. Nhưng nương nhẹ một chút, — đừng chạm tới cô ấy và đừng để cô ấy nói nhiều nhé… “
Nàng nằm giữa mấy cái gối, yếu ớt, như bị thương. Gương mặt trắng bệch; quầng mắt trũng sâu, thâm và làn môi tái nhợt. Chỉ có cặp mắt to và sáng. Rất to và rực sáng…
Tôi cầm tay nàng. Lạnh và dịu oặt.
“Pat thương,” tôi vụng về nói và suýt nữa đã ngồi xuống cạnh nàng khi tôi bất chợt nhìn thấy bên cửa sổ, gương mặt bì bì của bà giúp việc đang lom lom nhìn vào.
“Chị đi chỗ khác, được không?” tôi nói, bực tức.
“Tôi phải đóng màn cửa,” bà nói.
“Được rồi, vậy kéo màn xong rồi đi đi.”
Bà kéo hai cánh màn vàng khép lại. Tuy thế bà vẫn chưa chịu bỏ đi. Bà chậm chạp dùng kẹp, ghim chúng khít vào nhau.
“Này chị,” tôi nói, “đây không phải là kịch trường. Làm ơn biến đi.”
Bà quay lại, cao ngạo. “Chừng nào kẹp xong tôi mới đi — mà lúc đó, chưa chắc nữa.”
“Em có nhờ bà ấy kéo màn không?” tôi hỏi Pat.
Nàng gật đầu.
“Ánh sáng làm đau mắt em không?” tôi hỏi.
Nàng lắc đầu. “Tốt nhất, hôm nay anh đừng nhìn em rõ quá…”
“Pat,” tôi hoảng hốt, “em không được nói! Nhưng nếu đó là điều em muốn…”
Tôi mở cửa ra ngoài, bà giúp việc rồi cũng biến mất. Tôi trở vào. Tôi không còn bực bội nữa. Tôi lại hài lòng với bà giúp việc; chính vì bà, tôi đã trải qua những giây phút đầu tiên an lành. Bởi nhìn Pat nằm ở đó như thế, quả thật chẳng dễ dàng.
Tôi ngồi cạnh giường. “Em sẽ sớm bình phục, Pat ạ.”
Nàng mấp mấy đôi môi. “Ngày mai, anh có nghĩ như thế không?”
“Có lẽ ngày mai chưa được đâu, phải thêm vài ngày nữa. Rồi em sẽ ngồi dậy và chúng mình sẽ lái về nhà. Đáng lẽ chúng mình đừng nên tới đây, không khí quá khắc nghiệt với em –“
“Vâng,” nàng thì thào. “Nhưng em không có bệnh, Robby. Chỉ là một tai nạn thôi –“
Tôi nhìn nàng. Có thực là nàng không biết, vừa rồi, nàng đã đỗ bệnh? Hay nàng không muốn biết? Tròng mắt của nàng đưa qua đưa lại không ngừng. “Anh không cần phải e sợ –” nàng khẻ nói.
Thoạt tiên tôi không hiểu nàng muốn nói gì và tại sao lại đặc biệt quan trọng là tôi không cần phải lo sợ. Tôi chỉ nhận thấy rằng nàng đang bức rức khó chịu, ánh mắt chứa đựng một vẻ phiền muộn, cấp bách lạ lùng. Rồi một ý nghĩ thình lình nảy ra. Tôi hiểu nàng đang nghĩ gì; nàng tưởng rằng tôi gớm sợ nàng vì nàng đang có bệnh.
“Trời ơi, Pat,” tôi nói, “có phải đó là lý do, có lẽ thế, khiến em không bao giờ nói cho anh biết điều gì?”
Nàng không trả lời, nhưng tôi thấy đúng như tôi nghĩ.
“Thật bậy bạ,” tôi nói; “thế em cho anh là hạng người gì, hở?”
Tôi cúi xuống. “Em nằm im một chút; không được cử động.” Tôi hôn nàng. Môi nàng khô và nóng.
Khi đứng lên, tôi thấy nàng khóc. Lặng lẽ không thành tiếng, với đôi mắt vẫn mở to, và gương mặt bất động. Chỉ nước mắt trào ra, ướt đẫm.
“Trời ơi, Pat —“
“Em sung sướng lắm,” nàng nói.
Tôi đứng đó, nhìn nàng. Chỉ một chữ thôi, nhưng tôi chưa bao giờ nghe ai nói lên chữ ấy theo cách đó. Tôi đã biết phụ nữ, nhưng họ chỉ là những mối tình thoảng qua, những cuộc phiêu lưu, đôi khi là một giờ vui vẻ, một đêm cô đơn, chạy trốn bản thân, chạy trốn tuyệt vọng, chạy trốn trống vắng. Và tôi chẳng mong muốn một điều gì khác hơn, bởi tôi đã học được rằng, ta không thể tin tưởng vào bất cứ điều gì ngoại trừ bản thân, và chiến hữu, có lẽ. Giờ đây bỗng nhiên tôi hiểu ra, với một người, tôi có thể là một thứ gì đó, đơn giản chỉ vì tôi có mặt ở đấy, và người ấy hạnh phúc vì sự hiện diện của tôi. Diễn tả như thế nghe đơn sơ mộc mạc; nhưng nếu nghĩ kỹ, ta sẽ thấy đó là một cái gì mênh mông, bao la vô cùng tận. Cái đó có thể bẻ gẩy và biến đổi một người. Cái đó là tình yêu và tuy thế, lại còn là một điều khác hơn– một điều dựa vào đó, người ta có thể sống. Một người không thể sống chỉ vì tình yêu. Nhưng sống cho một người khác, có lẽ…
Tôi muốn nói một câu gì đó, nhưng không thể. Thật khó tìm lời diễn đạt khi chúng ta thật sự có một điều để nói. Cho dù chúng ta có biết những từ ngữ thích hợp, chúng ta cũng e thẹn không thốt nên lời. Tất cả chữ nghĩa này thuộc về các thế kỷ khác, đã qua. Thời đại của chúng ta không có ngôn từ để mô tả cảm xúc của nó. Chúng ta chỉ có thể nói năng cụt ngủn, thô thiển — mọi cách khác đều như giả tạo.
“Pat,” tôi nói, “cô bé can đảm thương mến –“
Ngay lúc đó Jaffé bước vào. Ông lập tức hiểu hết sự tình. “Hạnh kiểm tốt dữ a,” ông gầm gừ. “Tôi đoán mò vậy mà.”
Tôi sắp sửa viện vài lý do để bào chữa, nhưng ông đã đuổi tôi khỏi phòng mà không cần phải làm ầm ỷ gì hơn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.