Chiến hữu

CHƯƠNG 18



Tắc xi của chúng tôi đậu trước cửa “The Bar.” Tôi đi vào, tìm Gottfried, lấy chìa khóa xe và giấy tờ để thay thế anh. Gottfried bước ra ngoài với tôi.
“Làm ăn khá không?” Tôi hỏi.
“Tàm tạm,” anh trả lời. “Hoặc có quá nhiều tắc xi, hay quá ít khách. Còn cậu thì sao?’
“Tệ lắm. Chầu chực cả đêm vẫn không kiếm quá hai mươi marks.”
“Chán nhỉ.” Gottfried nhướng cặp chân mày. “Vậy hôm nay, có lẽ cậu cũng không gấp gáp gì lắm?”
“Không, tại sao?”
“Đi với tớ một chút nhé.”
“Được.” Chúng tôi lên xe. “Đi đâu?” tôi hỏi.
“Nhà thờ.”
“Cái gì?” tôi hỏi. “Tớ không nghe nhầm chứ? tớ nghe ‘nhà thờ.'”
“Không nhầm đâu, con trai. Chính là nhà thờ.”
Tôi nhìn anh, kinh ngạc.
“Nhìn cái gì; lo lái đi,” Gottfried nói.
“Tốt lắm.” Chúng tôi khởi hành.
Nhà thờ nằm ở một khoảng đất trống thuộc khu vực xưa của thành phố, nhà các giáo sĩ bao quanh. Tôi ngừng ở cửa trước.
“Cứ lái tiếp,” Gottfried nói; “vòng qua bên phải.”
Anh bảo tôi lái đến cửa sau nhà thờ, và anh bước xuống xe.
“Chúc cậu vui,” tôi nói. “Cậu sắp sửa xưng tội đấy à?”
“Đi theo tớ,” anh trả lời.
Tôi cười lớn. “Không. Sáng nay tớ đọc kinh rồi. Với tớ, như thế đã đủ cho một ngày.”
“Đừng nói nhảm, em cưng. Đi nào. Để tỏ lòng rộng rãi, tớ chỉ cho cậu cái này.”
Hiếu kỳ, tôi đi theo. Qua khỏi cửa, chúng tôi lập tức lọt vào những hành lang tu viện. Chúng họp thành một khối to vuông, với các vòm cung dựa trên những cột hoa cương xám; và bao quanh một khu vườn. Giữa vườn, vươn cao một thập giá to, với tượng chúa Giê Su, đã bạc màu sương gió. Trên bốn vách có những phù điêu khắc chìm, mô tả Các Chặng Đàng Thánh Giá. Trước mỗi phù điêu có một băng ghế cũ để cầu nguyện. Trong vườn, hoa lá um tùm, mọc tràn lan.
Gottfried trỏ vào mấy bụi rất to hoa hồng trắng và đỏ. “Tớ muốn chỉ cho cậu cái ấy. Cậu nhận ra không?”
Ngạc nhiên, tôi dừng chân. “Dĩ nhiên,” tôi nói. “Vậy đây là chỗ cậu lượm mót hoa, thằng ăn trộm nhà thờ.”
Tuần trước, khi Pat dọn vào nhà trọ của Frau Zelewski, Gottfried đã gửi tặng nàng, Jupp mang tới, một bó hồng khổng lồ. Nhiều đến nỗi Jupp phải xuống lầu hai lượt, mỗi bận trở lên, hai tay ôm đầy hoa. Tôi suy nghĩ nát óc, vẫn không hiểu Gottfried tìm chúng ở đâu; tôi biết quy tắc của anh, không bao giờ mua hoa. Tôi chưa hề thấy hoa hồng trong công viên thành phố.
“Đây là một ý tưởng hết sức độc đáo,” tôi nói, biết ơn. “Phải một đấng nam nhi mới có thể nghĩ ra.”
Gottfried rạng rỡ. “Vườn này là một mỏ vàng riêng tư.” Anh vui vẻ đặt tay lên vai tôi. “Vì lẽ đó, tớ nhận cậu làm người đồng sở hữu. Tớ nghĩ rằng ngay bây giờ, cậu đã có dịp dùng đến.”
“Sao lại ngay bây giờ?” tôi hỏi.
“Bời vì công viên hầu như trơ trụi. Và công viên là chỗ cậu vẫn hái trộm lâu nay, phải không?”
Tôi gật đầu.
“Ngoài ra,” Gottfried nói tiếp, “cậu đang tiến vào giai đoạn mà sự khác biệt giữa một anh trọc phú với một hiệp sĩ bắt đầu biểu hiện. Càng quen biết người yêu, anh nhà giàu càng lơ là. Còn hiệp sĩ vẫn chăm chút cho nàng như cũ.” Anh giang tay ra. “Với tất cả những thứ này, cậu có thể trở thành một hiệp sĩ hào hoa khiến ai cũng trầm trồ.”
Tôi cười to. “Nghe hay lắm, Gottfried,” tôi nói. “Nhưng nếu ta bị bắt quả tang thì sao? Coi bộ nơi này không dễ trốn, và các tín đồ sẽ nghĩ đó là một việc làm xấu xa, ô nhiễm chốn thiêng liêng.”
“Bé yêu ơi,” Lenz trả lời, “cậu có thấy người nào ở đây không? Từ chiến tranh đến nay, người ta toàn đi họp chính trị, không đi nhà thờ nữa.”
Điều này đúng. “Nhưng còn cha xứ thì sao? Tôi hỏi.
“Hoa hoét chẳng có nghĩa gì với các linh mục, bởi nếu có, vườn đã được chăm sóc cẩn thận rồi. Và Đấng Toàn Năng sẽ vui, nếu ta dùng nó mang lại hạnh phúc cho người khác. Ngài không như ta tưởng. Ngài là một người lính già.”
“Vâng, cậu nói chí phải.” Tôi trầm ngâm trước những bụi hoa khổng lồ. “Đủ dùng cho vài tuần nữa, Gottfried.”
“Còn lâu hơn thế. Cậu may mắn lắm. Đây là một giống hồng lâu tàn, và nở hoa trong một thời gian dài. Cậu sẽ có hoa đến tận tháng Chín. Lúc ấy lại có thúy cúc và hoàng cúc nữa. Đến đây, tớ chỉ cho.”
Chúng tôi đi khắp vườn. Hoa hồng thơm điếc mũi. Bầy ong như một áng mây vi vu, từ hoa này vờn sang hoa khác.
“Nhìn chúng kìa,” tôi nói và đứng im. “Chúng từ đâu bay đến chỗ này, giữa thành phố? Không thấy tổ ong nào quanh đây. Trừ phi các linh mục giữ những tổ ong dưới mái nhà.”
“Không, bạn ơi,” Lenz trả lời. “Chúng từ một traị nuôi ong nào đó bay thẳng tới. Có điều, chúng biết rõ đường đi của chúng.” Anh nháy mắt. “Còn chúng ta, thì không?”
Tôi nhún vai. “Có lẽ chúng ta cũng biết chứ. Nhưng dù sao, một phần thôi. Chúng ta cố hết sức. Còn cậu thì không?”
“Không. Cũng không muốn biết làm gì. Mục tiêu khiến cho cuộc đời trở thành tư sản.”
Tôi nhìn lên tháp nhà thờ. Lục như lụa trên nền trời xanh, ngọn tháp cổ kính muôn đời và tĩnh lặng, với lũ chim nhạn chao quanh.
“Ở đây yên tịnh quá,” tôi nói.
Lenz gật đầu. “Vâng, con ơi, nơi đây người ta nhận thức rằng, chỉ khi thiếu thốn thời gian, người ta mới không thể là con người tốt?”
“Thời gian và im lặng. “Tôi trả lời. “Cả sự im lặng.”
Anh cười to. “Đã quá muộn,” người đại úy năm xưa nói, ứa nước mắt, cay đắng. Đã đến lúc chúng tôi không chịu được sự yên lặng nữa… Nên chúng tôi đi ra. Trở về chốn ồn ào.
Tôi thả Gottfried xuống và lái về bến. Trên đường, tôi lái ngang nghĩa trang. Tôi biết Pat đang nằm trên chiếc ghế dài trắng của nàng ngoài ban công, và tôi bóp kèn mấy lần. Nhưng chẳng có ai thò mặt ra, và tôi lái đi luôn. Bù lại, tôi có thấy, xa hơn một quãng, Frau Hasse trong chiếc khăn choàng lụa, lướt trên hè phố, rồi biến mất ở khúc quanh. Tôi bám theo, định hỏi bà có muốn tôi chở đi đâu hay không. Nhưng ở lằn ranh đi bộ, tôi thấy bà chui vào một chiếc xe hơi đã chờ sẳn ở góc đường. Đó là một chiếc Mercedes xập xệ, đời 1923, máy nổ khành khạch. Một thằng cha mũi dài ngoằng như mỏ vịt, vận một bộ đồ lớn kẻ ô lòe loẹt ngồi sau tay lái. Tôi trông theo một lúc rất lâu. Đó là kết cục của một người đàn bà đơn độc ở nhà, trong một thời gian quá lâu. Lòng nặng nề, tôi lái về bến, sắp hàng đón khách.
Mặt trời chói chang trên nóc nhà. Xe chúng tôi chầm chậm nhích tới. Tôi ngồi bần thần trong xe và cố dỗ giấc ngủ. Nhưng tôi không thể xóa đi hình ảnh của Frau Hasse. Tình huống có khác biệt, nhưng nói cho cùng, Pat cũng ở nhà một mình cả ngày.
Tôi bước ra và đi đến xe của Gustav. “Đây nè, cậu uống đi,” anh nói, đưa tôi một cái bình thủy nhỏ. “Lạnh ác. Phát minh của tớ. Cà phê đá. Giữ lạnh được mấy tiếng đồng hồ khi trời nóng. Vâng, Gustav này hữu dụng lắm.”
Tôi rót một ly, uống sạch. “Nếu anh hữu dụng như thế,” tôi nói, “làm ơn mách cho tôi, một người đàn ông phải làm gì để một người đàn bà rất lẻ loi được vui?”
“Chỉ có thế thôi sao?” Guvstav nhìn tôi, cao ngạo. “Ông bạn Robert, — tưởng gì, một đứa bé hay một con chó con là xong. Hỏi tớ một câu gì khó hơn.”
“Một con chó!” tôi ngạc nhiên. “Trời ạ, lẽ dĩ nhiên, một con chó. Cậu nói đúng. Với con chó, người ta không bao giờ cảm thấy cô đơn.”
Tôi mời anh một điếu thuốc. “Này, cậu có biết gì về chúng không? Chó tạp chắc không đắt tiền lắm, phải không?”
Gustav lắc đầu, phật ý. “Robert! Cậu không biết là cậu có một kho tàng trong tớ. Ông nhạc tương lai của tớ là thơ ký phụ tá của Hiệp hội Dobermann Terrier. Dĩ nhiên, cậu có thể được một con cún nhỏ; rặc giống nữa là khác. Bọn tớ đang có một bầy: bốn đôi, bà ngoại của chúng là vô địch Hertha von Toggenburg.”
Gustav là một người may mắn. Bố vợ sắp cưới của anh, không những là một tay chuyên gây giống Dobermann, lại còn điều hành và là chủ nhân quán rượu Neuerklaus; và vợ chưa cưới của anh có một tiệm giặt ủi. Gustav khá hãnh diện. Anh ăn uống ở quán của “cha vợ” và nàng giặt giũ cho anh. Anh không vội cưới xin. Vì lúc ấy, đến lượt anh là người phải lo toan.
Tôi giải thích với Gustav, Dobermann không phải là ý tưởng tốt nhất. Nó to lớn quá đối với tôi và không luôn luôn dễ dạy.
Gustav suy nghĩ một lát. Từng là lính chiến, anh đã quen với cách ứng phó trong những tình huống bất ngờ.
“Cứ đi theo tớ,” anh nói. “Chúng ta sẽ tính toán. Tôi biết ít nhiều. Chỉ cần cậu đừng xen vào.”
“Vâng.”
Anh dẫn tôi đến một cửa hàng nhỏ. Cửa kính phía trước có vài chậu cá đầy rong. Vài con bọ đáng thương lỗm nhỗm trong thùng giấy. Hai bên tường treo nhiều lồng chim, những con sẻ ức đỏ, sẻ cánh vàng và bạch yến lao xao, ríu rít không ngừng.
Một người đàn ông thấp bé, chân vòng kiềng, áo gi lê nâu thêu ra đón. Đôi mắt kèm nhèm, làn da bủng và cái mũi như một quả cầu lửa — ông ta đích thị là một đệ tử Lưu Linh.
“Anton, ” Gustav nói, “Asta thế nào rồi?”
“Đoạt giải nhì và bằng danh dự tại Cologne,” Anton trả lời.
“Bậy quá,” Gustav nói. “Sao không được giải nhất?”
“Udo Blankenfels được hạng nhất,” Anton gầm lên. “Nhưng tôi không phàn nàn đâu.”
Ở cuối tiệm có tiếng chó con rên rĩ và kêu ủng oẳng. Gustav đi tới đó. Anh trở lại, xách cổ hai con terriers nhỏ, tay trái một con lông đen và trắng, tay phải một con nâu đỏ. Cánh tay với con chó nâu đỏ giật rất khẻ. Tôi nhìn nó: vâng.
Đó là một sinh vật bé bỏng, lý lắc, và đáng yêu. Chân thẳng, thân hình vuông vắn, đầu hình thuỗn, thông minh, dạn dĩ. Gustav thả chúng xuống.
“Thằng chó thấy ghét này,” anh nói và chỉ vào con nâu đỏ. “Anh tìm nó ở đâu vậy?”
Anton nói, một bà dọn xuống Nam Mỹ để lại. Gustav cười ngặt ngoẽo. Tự ái, Anton đưa ra một gia phả đi ngược đến tận thời kỳ đại hồng thủy. Gustav khoác tay từ chối và tỏ ý thích con trắng đen. Anton đòi một trăm marks cho con nâu đỏ. Gustav trả giá năm marks. Anh không thích ông tổ của nó. Đuôi của nó trông kỳ kỳ sao ấy. Và đôi tai của nó cũng thế, có một điều gì không ổn. Vậy mà, con trắng đen thì lại — tuyệt hảo.
Tôi đứng trong góc, lắng nghe. Thình lình một vật gì đó khều khều cái mũ của tôi. Ngạc nhiên, tôi quay lại. Một con khỉ nhỏ chênh vênh trên cao, hơi co rúm, da vàng và gương mặt u buồn. Nó có cặp mắt đen, tròn và đôi môi phiền muộn của một bà lão. Chung quanh bụng nó, một cái thắt lưng da nối với một sợi xích sắt. Bàn tay nhỏ, đen và giống tay người một cách đáng sợ.
Tôi đứng yên, tại chỗ cũ. Trên cái băng của nó, con khỉ từ từ nhích lại. Trong lúc đó, nó vẫn không ngừng quan sát tôi, không phải một cái nhìn nghi ngại, mà mệt mỏi không cùng. Cuối cùng, nó thận trọng đưa tay. Tôi chìa một ngón tay cho nó. Nó rút lại, nhưng rồi nắm lấy. Thật kỳ dị, cảm giác tiếp xúc với một bàn tay lạnh và nhỏ như tay trẻ con — cách nó bíu chặt ngón tay tôi. Như thể có một người khờ khạo đáng thương nào đó, bị giam hãm trong cơ thể méo mó ấy, đang cố gắng tự giải thoát. Ta không thể nhìn vào đôi mắt buồn não ruột ấy.
Gustav khịt mũi, thoát khỏi cánh rừng phả hệ rối rắm. “Đồng ý, Anton; tôi sẽ bù cho anh một con cún Dobermann, dòng dõi Hertha. Cuộc đổi chác tốt nhất đời anh.” Rồi anh quay sang tôi. “Cậu muốn đem con chó về bây giờ không?’
“Con chó giá bao nhiêu?”
“Không tốn xu nào cả. Đổi con Dobermann mà tớ đã tặng cậu. Vâng, cậu cứ để mặc Gustav lo liệu. Nghề của chàng.”
Chúng tôi thỏa thuận là sau khi tan ca, tôi sẽ trở lại nhận con chó.
“Cậu có biết cậu được gì không?” Gustav hỏi, khi chúng tôi đã ra ngoài. “Một giống chó hiếm quý: Irish terrier. Primissima. Không một tỳ vết. Và gia phả của nó nữa, trời ạ, cậu không nên xem, vì nếu không, mỗi lần nói chuyện với ông mãnh, cậu sẽ phải cúi chào.”
“Gustav,” tôi nói, “cậu đã giúp tôi tận tình. Nào, chúng ta hãy đi nhậu một bữa cognac ngon nhất.”
“Hôm nay không được,” Gustav nói. “Hôm nay tớ phải giữ cho tay không run. Tớ sẽ chơi môn ky ở câu lạc bộ của tớ tối nay. Hứa với tớ là sẽ có lúc cậu ghé qua. Đầy đủ các bậc tai to mặt lớn, có cả ông giám đốc bưu điện.”
“Tớ sẽ đến,” tôi nói. “Cho dù không có ông ấy.”
Gần sáu giờ chiều, tôi lái về ga-ra. Koster đang chờ tôi. “Hồi chiều, Jaffé có điện thoại cho cậu. Cậu gọi lại ông ấy nhé.”
Trong một giây, tôi nín thở.
“Giáo sư có nói gì không, Otto?”
“Không, không nói gì đặc biệt. Chỉ nói rằng ông ấy sẽ có mặt ở phòng khám đến năm giờ. Sau đó, sẽ là bệnh viện Dorothee. Vậy, cậu nên gọi đến đó.”
“Vâng.”
Tôi vào văn phòng. Không khí nóng và rít, nhưng tôi lạnh và cái ống nghe run rẩy trong tay tôi. “Vô lý,” tôi nói và tỳ tay lên bàn cho vững.
Một lúc lâu sau, Jaffé mới đến nghe.
“Cậu có rảnh không?” ông hỏi.
“Có ạ.”
“Vậy, đến đây ngay. Tôi còn ở đây trong một giờ.”
Tôi muốn hỏi, có chuyện gì xảy ra cho Pat hay không. Nhưng tôi không thể. “Tốt, tôi sẽ có mặt tại đó trong mười phút.” Tôi đặt ống nghe xuống, rồi lập tức gọi về nhà. Chị giúp việc trả lời. Tôi hỏi Pat. “Tôi không biết cô ấy có ở nhà không,” Frida nói, chẳng lễ độ tí nào. “Tôi phải đi tìm cô ấy.”
Tôi chờ. Đầu tôi đặc cứng và nóng hổi. Thời gian như vô tận. Rồi tôi nghe tiếng răng rắc của đường dây và giọng nói của Pat. “Robby?”
Tôi nhắm mắt trong một giây. “Em khỏe không, Pat?”
“Dạ khỏe. Em ngồi ngoài ban công đọc sách từ nãy đến giờ. Sách hay lắm.”
“Thế à, sách hay lắm hở em,” tôi nói. “Được. Anh chỉ muốn báo cho em biết, tối nay anh sẽ về trễ. Em đọc xong chưa?”
“Chưa, em đang đọc nửa chừng. Phải mấy tiếng nữa mới xong.”
“Anh sẽ về trước khi ấy. Vậy em cố đọc nhanh hơn nhé.”
Tôi ngồi nán lại một lúc. Rồi đứng lên. “Otto,” tôi nói, “cho tớ mượn thằng Karl một chút, được chứ?”
“Dĩ nhiên. Tớ có thể đưa cậu đi, nếu muốn. Tớ không bận gì cả.”
“Không dám làm phiền cậu. Chẳng có chuyện gì. Tớ vừa gọi về nhà.”
“Đèn đẹp quá,” tôi thầm nghĩ khi Karl phóng ra đường, “ánh sáng buổi chiều trên những mái nhà! Đời phong phú biết bao!”
Tôi phải đợi Jaffé mấy phút. Cô y tá dẫn tôi vào một căn phòng nhỏ, có nhiều tạp chí cũ để rải rác khắp nơi. Vài chậu dây leo đặt trên bệ cửa sổ. Luôn luôn cùng một thứ tạp chí bọc trong giấy nâu, luôn luôn cùng một thứ dây leo buồn tẻ; ta chỉ gặp chúng trong phòng mạch bác sĩ hay bệnh viện.
Jaffé đi vào. Ông khoác một bộ áo liền quần trắng như tuyết, hãy còn nguyên nếp gấp. Nhưng khi ông ngồi đối diện với tôi, tôi trông thấy một vết máu đỏ tươi ở mặt trong cánh tay áo bên phải. Trong đời, tôi đã thấy cơ man là máu — thế nhưng giọt máu nhỏ xíu này bỗng khiến tôi phát ốm, còn hơn tất cả những bông băng đẫm máu. Tâm trạng lạc quan của tôi lịm tắt.
“Tôi có hứa sẽ cho cậu biết bệnh tình của Fraulein Hollmann,” Jaffé nói.
Tôi gật đầu, nhìn tấm trải bàn. Nó có những mẫu sáng, mềm mại. Tôi chăm chú nhìn những hình lục giác giao kết với nhau, và tôi có cảm giác điên rồ rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn, nếu tôi đừng chớp mắt trước khi Jaffe nói tiếp.
“Hai năm trước, cô ấy phải điều trị ở một dưỡng đường trong sáu tháng, cậu có biết không?”
“Không,” tôi nói và tiếp tục nhìn tấm trải bàn.
“Sau đó, bệnh ngừng lại. Tôi vừa khám rất kỹ. Cô ấy phải trở lại dưỡng đường mùa đông năm nay. Không thể ở thành phố.”
Tôi vẫn chăm chú nhìn những hình lục giác. Chúng trôi bềnh bồng vào nhau, và bắt đầu nhảy múa.
“Khi nào cô ấy phải đi?” Tôi hỏi.
“Mùa thu. Trễ nhất là cuối tháng Mười.”
“Vậy, cơn thổ huyết không phải tạm thời?”
“Không.”
Tôi ngước mắt lên.
“Có lẽ, tôi không cần nói với cậu,” Jaffe tiếp tục nói, “rằng rất khó tiên liệu diễn tiến của căn bệnh này. Một năm về trước, bệnh đã ngừng, vết thương đã lành, và ai cũng nghĩ nó sẽ giữ yên. Thế nhưng mới đây, nó lại bộc phát, và vì thế, nó cũng có thể lành lại một cách bất ngờ. Tôi không nói suông — thực tế, tôi đã gặp nhiều trường hợp ngoạn mục như vậy.”
“Và cũng có những trường hợp trở nặng?”
Ông nhìn tôi. “Dĩ nhiên, cũng có.”
Ông bắt đầu đi vào chi tiết. Cả hai lá phổi đều nhiễm trùng, lá bên mặt nhẹ hơn bên trái. Rồi ông ngừng nói, bấm chuông gọi y tá. “Làm ơn đem hồ sơ bệnh lý vào.”
Cô y tá mang hồ sơ đến. Jaffé lấy ra hai tấm hình lớn. Ông rút chúng khỏi phong bì và đưa cao, hướng về cửa sổ. “Như thế, cậu sẽ nhìn rõ hơn. Đây là hai tấm phim quang tuyến.”
Tôi nhìn thấy một cột xương sống trên nền phim trong mờ xam xám, xương đòn gánh, xương cổ, ổ xương vai trái và bẹ sườn. Nhưng tôi nhìn thấy nhiều hơn nữa — tôi nhìn thấy một bộ xương người. Tối tăm, ma quái, nó trỗi dậy từ những cái bóng mờ ảo, nhợt nhạt của tấm phim. Tôi thấy bộ xương của Pat. Xương khô của Pat.
Jaffé lần cái kẹp dò theo đường nét và màu sắc trên phim và giải nghĩa. Ông không biết là tôi đã thôi nhìn. Tính tỉ mỉ, cẩn thận của một nhà khoa học khiến ông chỉ tập trung vào công việc. Cuối cùng, ông quay sang tôi. “Cậu hiểu chứ?”
“Vâng,” tôi nói.
“Vậy, có vấn đề gì không?” ông hỏi.
“Không có gì,” tôi trả lời. “Chỉ là tôi không thể theo dõi quá lâu.”
“Thế à,” Ông đeo kính lên. Rồi cất phim vào phong bì, ông nhìn tôi, dò hỏi. “Cậu không đóng góp ý kiến nào sao?”
“Không ạ,” tôi nói. “Nhưng con tạo thật trớ trêu. Có hàng triệu triệu con người khỏe mạnh. Tại sao cô ấy lại mắc bệnh?”
Jaffé im lặng một lúc.
“Không ai có câu trả lời,” ông nói.
“Vâng,” tôi đáp, và bỗng dưng, tôi thấy lòng cay đắng và tê dại vì giận dữ: “không ai có thể trả lời. Dĩ nhiên. Không ai có câu trả lời về sự đau khổ và cái chết. Không, khốn nạn quá; ngoài ra, ta lại chẳng có thể làm được gì.”
Jaffé nhìn tôi rất lâu.
“Xin lỗi giáo sư,” tôi nói. “Nhưng tôi thấy mình bất lực. Khốn nạn bởi lẽ đó.”
Ông vẫn nhìn tôi. “Cậu có dư chút thì giờ?”
“Có,” tôi nói. “Có đủ.”
Ông đứng lên. “Tôi sắp làm một vòng thăm bệnh buổi tối. Tôi muốn cậu đi theo. Y tá sẽ đưa cậu một bộ quần áo trắng. Bệnh nhân sẽ nghĩ cậu là phụ tá của tôi.”
Tôi không hiểu ý định của ông, nhưng tôi cầm bộ quần áo cô y tá đưa cho.
Chúng tôi đi theo một hành lang dài. Qua những khung cửa sổ rộng, màu hồng óng ả của buổi tối lọt vào — một thứ ánh sáng dai dẳng, gần như siêu thực, kín đáo, êm đềm. Một vài cửa sổ còn mở, và hương hoa chanh nhè nhẹ thoảng đưa.
Jaffé mở cửa. Một mùi hôi thối xộc vào mũi chúng tôi. Một thiếu phụ với mái tóc tuyệt đẹp, màu vàng cũ, trong đó ánh sáng phản chiếu sáng ngời, đang yếu ớt đưa tay lên. Vầng trán cao quý và hẹp lại ở thái dương, nhưng dưới đôi mắt, một lớp bông băng che đến tận miệng. Jaffé cẩn thận tháo ra. Người đàn bà không có mũi — thay vào đó, một vết thương đỏ hỏn, nhày ướt, đóng mài, với hai lổ thủng ở giữa. Jaffé quấn băng lại.
“Tốt,” ông nói, giọng thân thiện và quay đi.
Ông đóng cửa. Tôi đứng im một chốc và nhìn vào ánh sáng dịu êm của buổi chiều.
“Đi nào,” Jaffé nói và dẫn đường, vào phòng bên cạnh.
Một tràng ho sùng sục, òng ọc nóng sốt trong cơn mê sảng chào đón chúng tôi. Đó là một người đàn ông mặt xám như chì, trên đó nổi bật những đốm đỏ son. Miệng há to, mắt lồi, và đôi tay quờ quạng tứ tung trên tấm khăn phủ giường. Coi như anh không còn ý thức. Biểu đồ nhiệt độ ghi mãi con số một trăm lẻ bốn. Một cô y tá ngồi bên giường, đọc sách. Cô bỏ sách xuống và đứng dậy khi Jaffé đi vào. Ông liếc mắt qua biểu đồ và lắc đầu. “Sưng phổi và tràn dịch màn phổi cùng một lúc. Đã cật lực như một con trâu mộng chống lại căn bệnh trong hai tuần. Bịnh tái phát. Trước đó hầu như đã lành. Đi làm quá sớm. Một vợ, bốn con. Vô vọng.” Ông nghe phổi và đếm mạch. Cô y tá phụ một tay. Khi ấy, sách của cô rơi xuống đất. Tôi nhặt lên, nhận ra đó là một quyển sách dạy nấu ăn. Người bệnh vẫn tiếp tục cào sướt với bàn tay dài lêu khêu như nhện trên tấm phủ giường. Đó là tiếng động duy nhất trong phòng. “Y tá, cô trực ở đây đêm nay,” Jaffé ra lệnh.
Chúng tôi đi ra. Ánh hồng của hoàng hôn biến đổi thành nhiều sắc màu. Nó lấp đầy hành lang như một vầng mây. “Ánh sáng khốn nạn,” tôi nói.
“Tại sao?” Jaffé hỏi.
“Chúng không phù hợp. Cái này và cái kia.”
“Ô, có chứ,” Jaffé nói, “chúng phù hợp với nhau.”
Trong phòng kế bên, một người đàn bà nằm, thở một cách khó nhọc. Bà được đưa vào đây lúc chiều vì ngộ độc thuốc ngủ. Hôm qua, chồng của bà bị tai nạn và được chở về nhà cho bà, cột sống gãy, ông la hét thảm thiết, và vẫn tỉnh táo. Ông chết ở nhà, đêm qua.
“Liệu bà ấy có qua khỏi không?” tôi hỏi.
“Có thể lắm.”
“Để làm gì?”
“Tôi đã gặp năm trường hợp tương tự trong vài năm gần đây,” Jaffé nói. “Chỉ có một người tìm cách tự tử lần thứ nhì. Bằng hơi ga. Bà ấy chết. Số còn lại, có hai người về sau tái hôn.”
Ở phòng kế là một người đàn ông bại liệt đã mười hai năm. Ông ta có nước da vàng như sáp, bộ râu đen thưa thớt, và một cặp mắt to, bất động.
“Ông khỏe chứ?” Jaffé hỏi.
Người đàn ông làm một cử chỉ mơ hồ. Rồi ông ta chỉ ra cửa sổ — “Hãy nhìn trời. Sắp có mưa, tôi cảm thấy thế.” Ông cười to. “Ta luôn luôn ngủ ngon hơn khi trời mưa.” Trước mặt ông, trên tấm chăn là một bàn cờ bọc da, với những con cờ có thể cắm vào mà không tuột ngã. Một chồng tạp chí và vài cuốn sách đặt bên cạnh.
Chúng tôi đi tiếp. Tôi gặp một cô gái trẻ với cặp mắt kinh hoàng và đôi môi tím ngắt, tinh thần suy sụp vì sinh khó — một đứa trẻ tàn tật với đôi chân què quặt, mềm nhũn và có bướu nước trong não — một người đàn ông không dạ dầy — một bà già tóc bạc, như chim cú, khóc than vì bị người thân bỏ rơi; bà sống dai quá chẳng chịu chết cho họ nhờ — một người đàn ông mù, tin rằng ông ta sẽ nhìn lại được — một đứa trẻ bị nhiễm giang mai, cha nó ngồi canh bên giường — một người đàn bà vừa được giải phẩu sáng nay, cắt bỏ cái vú thứ nhì — một bà khác dị dạng vì thấp khớp — bà thứ ba bị cắt bỏ hai buồng trứng — một công nhân với đôi thận hư nát — hết phòng này qua phòng kia đều có chung một mẫu số: rên xiết, đau đớn, bất động, tàn phế; một đường dài vô tận của sự bất hạnh, sợ hãi, đầu hàng, đau đớn, tuyệt vọng, hy vọng, khó khăn; và mỗi lần, khi cửa khép lại, bỗng ở hành lang lại có thứ ánh sáng hồng nhạt, siêu nhiên của chiều tà; lúc nào cũng thế, tiếp theo sự khủng khiếp của những căn phòng nhỏ là vầng mây huy hoàng, vàng óng pha xám, êm đềm mà ta không thể nào biết đó là một điều mĩa mai khủng khiếp hay là một niềm an ủi thiêng liêng.
Jaffé ngừng lại trước cửa phòng mỗ. Ánh sáng chói chang xuyên qua những ô kính trên cửa. Hai người y tá đẫy xe tới. Một người đàn bà nằm trên đó. Tôi bắt gặp cái nhìn của bà. Bà không thấy tôi; bà nhìn vào một nơi vô định. Tuy thế tôi phải chớp mắt trước cái nhìn ấy, chan chứa can đảm, tự chủ và bình thản.
Jaffé đột nhiên lộ vẻ mệt mỏi. “Tôi không biết đúng không,” ông nói, “nhưng tôi nghĩ, không thể dùng lời để an ủi cậu. Cậu sẽ chẳng tin tôi. Bây giờ cậu đã nhìn thấy, hầu hết những người ấy đều bệnh nặng hơn Pat Hollmann; một vài người không còn gì hết, ngoại trừ hy vọng. Tuy nhiên, đa số sẽ vượt qua khó khăn, và tốt đẹp hơn. Đó là những gì tôi muốn cho cậu thấy.”
Tôi gật đầu. “Giáo sư đúng lắm,” tôi nói.
“Chín năm trước vợ tôi qua đời. Cô ấy mới có hai mươi lăm. Chưa hề bị bệnh. Cúm.” Ông im lặng một lát. “Cậu có biết tại sao tôi nói ra chuyện ấy?”
Tôi gật đầu lần nữa.
“Ta không thể biết trước tương lai. Người bệnh trầm kha có khi lại sống dai hơn người khỏe mạnh. Cuộc đời là một hiện tượng lạ kỳ.” Trên mặt ông bây giờ lộ ra khá nhiều vết nhăn. Một người y tá đi đến, nói thầm vào tai ông. Ông đứng thẳng lên, gật đầu về phía phòng mỗ. “Tôi phải vào mỗ. Đừng để Pat biết cậu lo lắng. Đó là điều chính yếu. Cậu có làm được không?”
“Có ạ,” tôi nói.
Ông bắt tay tôi và cùng với người y tá nhanh chóng đi qua cửa kính, vào căn phòng có ngọn đèn trắng như vôi.
Tôi chầm chậm bước xuống lầu. Càng xuống thấp, càng tối dần, và ở lầu một, đèn điện đã bật lên. Rồi tôi ra ngoài đường. Tôi nhìn thấy hoàng hôn hồng nhạt lóa lên một lần nữa ở chân trời như dưới một tiếng thở dài. Rồi lập tức nó lụi tàn và biến thành màu xám.
Tôi ngồi trong xe một lúc lâu, nhìn về phía xa xôi. Rồi tôi lấy lại bình tĩnh và lái về ga-ra. Koster đã chờ sẳn trước cổng.
“Cậu đã biết cả rồi?” tôi hỏi.
“Vâng, anh trả lời. “Nhưng Jaffé muốn đích thân nói với cậu.”
Tôi gật đầu.
Koster nhìn tôi.
“Otto,” tôi nói, “tớ không còn là một đứa bé và tớ biết là chưa thực sự mất mát gì. Nhưng có lẽ tối nay tớ sẽ khó tự chủ nếu chỉ có một mình tớ với Pat. Ngày mai thì không sao. Tớ sẽ không còn xúc động mạnh. Vậy đêm nay, bọn mình đi chơi chung với nhau, được không?”
“Sao lại không, Bob. Tớ đã tính trước và sắp xếp với Gottfried.”
“Vậy cho tớ mượn lại Karl. Tớ lái về nhà, đón Pat và, trong một giờ, đón cậu.”
“Vâng.”
Tôi lái đi. Đến Nicholaistrasse, tôi chợt nhớ mình đã quên bẵng con chó. Tôi trở đầu xe, quay lại rước nó.
Tiệm không còn thắp đèn nhưng cửa vẫn mở. Anton ngồi trên chiếc giường cắm trại ở cuối phòng. Tay ông cầm một cái chai. “Gustav, hắn gạt tôi,” ông nói, hơi men nồng như một lò nấu rượu.
Con terrier chạy ra, ngửi ngửi và liếm tay tôi. Mắt của nó xanh lục, phản chiếu ánh đèn đường. Anton đứng lên. Ông lảo đảo đi tới và thình lình bật khóc.
“Cún ơi, bây giờ con cũng bỏ đi. Mọi thứ đều bỏ đi –Thilda chết — Minna không còn — nói cho tôi biết, cậu ơi, những người như chúng ta sống để làm gì?”
Giọt nước cuối cùng! Bóng điện nhỏ xíu, tẻ nhạt mà ông vừa bật lên, mùi hư hoại của nước trong bồn nuôi cá, âm thanh sột soạt của bầy rùa và chim, và người đàn ông thấp bé béo phệ trong gian hàng này…
“Đám côn trùng, dĩ nhiên chúng thừa biết — còn, cậu ơi, nói cho tôi nghe, những người như chúng ta có gì để sống, tôi muốn biết? Chúng ta, những con chó lai khốn nạn, có gì để sống, thưa cậu?” Con khỉ ré lên như tiếng khóc và lăng xăng như người điên trên băng ghế. Bóng của nó trên tường cũng chập chờn nhảy múa theo. “Koko,” người đàn ông thấp bé, uống rượu một mình trong đêm tối, khóc thút thít, “con duy nhất của ta, đến đây!” Ông đưa chai rượu cho nó. Con khỉ với lấy.
“Ông giết nó mất, nếu ông đưa cái đó cho nó uống.”
“Thì đã sao, thưa cậu? ông lắp bắp nói. “Thêm vài năm trong xích xiềng hay không — cũng vậy — cũng vậy thôi — thưa cậu.”
Tôi bế con chó đang nép vào tôi, ấm áp, và đi ra. Với những bước chân dài duyên dáng, nó lon ton chạy bên cạnh tôi, ra xe hơi.
Tôi lái về nhà, dẫn con chó với dây xích, và cẩn thận lên lầu. Trong hành lang, tôi đứng lại soi gương. Nét mặt của tôi có vẻ bình thường. Tôi gõ cửa phòng của Pat, hé cửa và thả con chó vào.
Tôi vẫn đứng bên ngoài, nắm cứng dây xích và chờ đợi. Nhưng không ngờ, thay vì giọng nói của Pat, tôi lại nghe giọng nam trầm của Frau Zalewski. “Ối trời, cái gì thế này!”
Lấy lại hơi thở, tôi len lén nhìn. Tôi đã e sợ giây phút ban đầu chỉ một mình tôi với Pat. Bây giờ mọi chuyện dễ dàng hơn; Frau Zalewski là một cái vách chắn không thấm nước mà tôi có thể dựa vào.
Bà chễm chệ ngồi ở bàn. Một ly cà phê bên cạnh, một cỗ bài tây trải ra theo một thứ tự huyền bí trước mặt. Pat, mắt sáng long lanh, nằm cuộn tròn kế bên, hóng chuyện tương lai.
“Chào mọi người,” tôi nói, thình lình rất hài lòng.
“Hắn đến kìa,” Frau Zalewski long trọng tuyên bố, “theo con đường tắt vào buổi chiều, bên một quý ông da sậm ở chỗ cao nhất trong nhà.”
Con chó kéo tuột dây xích, và, sủa ầm ỉ, lách giữa hai chân tôi, chạy bổ vào.
“Trời ơi!” Pat kêu. “Một con Irish terrier!”
“Phục em thật,” tôi nói. “Một giờ trước đây, anh không biết nó là giống chó gì.”
Nàng cúi xuống, và con chó nhảy phóc vào lòng nàng. “Vậy nó tên gì, hở Robby?”
“Anh không biết. Có lẽ Cognac hay Whiskey hay một cái tên tương tự, đặt theo ông chủ cũ.”
“Nó thuộc về chúng ta?”
“Như một sinh vật có thể thuộc về một sinh vật khác, vâng.”
Nàng vui quá, gần như nghẹt thở. “Vậy chúng ta đặt tên nó là Billy, Robby nhé. Khi còn bé, mẹ em cũng có một con chó. Mẹ em thường kể lại. Nó cũng có tên là Billy.”
“Vậy là anh may mắn,” tôi nói.
“Nó đã được huấn luyện cách ăn ở trong nhà chưa?” Frau Zalewski hỏi.
“Nó có dòng dõi quý phái như một quận công,” tôi trả lời, “mà tất cả quận công đều được huấn luyện.”
“Nếu chúng còn nhỏ quá thì không đâu. Nó bao lớn rồi?”
“Tám tháng. Tương đương với mười sáu tuổi người.”
“Trông nó không có vẻ gì đã được huấn luyện,” Frau Zaleski nói.
“Nó chỉ cần tắm cho sạch, mà thôi.”
Pat đứng dậy, vòng tay qua vai Frau Zalewski. Tôi nhìn nàng, bối rối. “Cháu luôn luôn muốn có một con chó,” nàng nói. “Bác cho phép chúng cháu được giữ nó ở đây, bác nhé? Chắc bác không phiền đâu nhỉ?”
Lần đầu tiên từ khi quen biết, tôi thấy Frau Zalewski đờ ra, không thể đối đáp. “Ơ, trong trường hợp này — bác nghĩ,” bà trả lời. “Dĩ nhiên, bài đã cho thấy. Có một ngạc nhiên với người đàn ông trong nhà.”
“Thế bài có báo là chúng ta sẽ đi ăn tối không?”
Pat cười to. “Chưa đến lúc đó, Robby. Chúng em mới bói đến anh mà thôi.”
Frau Zalewski đứng lên, gom bài lại. “Cô có thể tin, hay có thể không tin, hay có thể tin một cách nhầm lẫn như Zalewski nhà tôi. Với ông ấy, con chín bích luôn luôn là điềm xấu cảnh báo chuyện nước nôi. Ông ấy hiểu là phải thận trọng với nước. Thế nhưng, chính ra lại là các thứ rượu schnapps và Pilsner.”
“Pat,” tôi gọi nàng, sau khi bà ấy đi ra, và tôi ôm nàng. “Thật tuyệt vời khi anh về nhà và được nhìn thấy em. Lúc nào cũng là một nỗi ngạc nhiên không ngừng cho anh. Mỗi khi leo những nấc thang cuối và mở cửa, tim anh vẫn đập loạn, vì anh sợ đó không phải là sự thật.”
Nàng nhìn tôi, mỉm cười. Gần như không bao giờ nàng trả lời khi tôi nói những câu như thế. Tôi không thể tưởng tượng, và tôi cũng sẽ đau khổ nếu nàng nói một câu tương tự — dường như với tôi, một người đàn bà không nên nói với một người đàn ông rằng nàng yêu hắn. Đôi mắt của Pat chỉ sáng ngời và chứa chan hạnh phúc, vậy mà, lại chuyện chở biết bao chữ nghĩa.
“Có thực chúng ta sẽ đi chơi không, Robby?” nàng hỏi, mặt sát bên tôi.
“Tất cả chúng ta,” tôi đáp.”Có Koster và Lenz nữa. Karl đậu ngay trước cửa.”
“Còn Billy?”
“Dĩ nhiên, Billy cũng được đi theo. Thức ăn tối nay chưa đụng tới, chúng ta sẽ làm gì bây giờ? Hay là em đã ăn?”
“Không, em chưa ăn. Em chờ anh mà.”
“Nhưng em không nên chờ anh. Không bao giờ. Đợi chờ khủng khiếp lắm.”
Nàng lắc đầu. “Anh không hiểu, Robby. Chỉ khủng khiếp khi ta không có gì để đợi chờ.”
Nàng bật ngọn đèn bên trên tấm gương. “Nhưng em cần thay y phục bây giờ, nếu không chẳng biết khi nào mới xong. Anh có thay áo không?”
“Chút nữa,” tôi nói. “Anh sẽ thay rất nhanh. Cho anh ngồi đây một lát.”
Tôi gọi con chó lại và ngồi trên ghế bành cạnh cửa sổ. Tôi thích ngồi im, ngắm Pat khi nàng thay áo. Chưa bao giờ tôi biết đến sự bí ẩn, lạ lùng vô tận của một người đàn bà cho bằng lúc tôi ngắm nhìn thứ ánh sáng lượn lờ này trước gương soi, sự trầm ngâm thưởng thức, say sưa miệt mài nơi bản thân, trôi tuột trở về cái khôn ngoan sắc sảo trong vô thức về phái tính. Tôi không thể hình dung một người đàn bà nói cười khi thay áo — và nếu cô ấy làm thế, cô ấy sẽ đánh mất đi tính cách bí ẩn và quyến rũ không thể giải thích của một điều gì mơ hồ lãng đãng. Tôi yêu nét duyên dáng và những cử động mềm mại của Pat trước gương; thật tuyệt vời khi ta ngắm cách nàng đưa tay lên mái tóc; hay cách nàng khéo léo và thận trọng cầm cây bút chì kẻ mắt lên gần trán. Khi ấy nàng có một vẻ gì đó của một con nai và của một con báo mảnh dẻ, và cũng có một chút gì đó của một thiếu nữ Amazon sắp ra trận. Nàng quên tất cả mọi chuyện chung quanh, nét mặt của nàng nghiêm trang,chăm chú, nàng nhẹ nhàng và cẩn thận đưa nó đến gần bóng của nó trong gương, và, khi nàng nghiêng mình tới, dường như không còn là bóng của nàng phản chiếu trong gương nữa, mà là hai người đàn bà đang ngắm nhau với ánh mắt già dặn, từng trải, — táo bạo và thẩm định giá trị của nhau trong hoàng hôn của hiện thực và thế kỷ.
Hơi thở tươi mát của buổi tối lùa qua cửa sổ. Tôi im lìm ngồi đó, tôi không quên điều gì của buổi chiều hôm ấy; tôi hiểu hết — nhưng khi tôi nhìn sang Pat, tôi cảm thấy một nỗi buồn rười rượi, chìm đắm trong tôi như một hòn đá, bắt đầu bao phủ bởi một hy vọng mãnh liệt; thay đổi và bằng một cách lạ lùng nào đó, trộn lẫn với hy vọng; cái này biến thành cái kia; sự tiếc thương, niềm hy vọng, cơn gió, buổi tối, và cô gái xinh đẹp giữa tấm gương sáng và ánh đèn; vâng, trong một khoảnh khắc, tôi đã có một trực giác lạ lùng rằng, chỉ có điều này, trong ý nghĩa thực tế và sâu đậm của nó, là cuộc sống; và có lẽ cả hạnh phúc — tình yêu với một hỗn hợp của nỗi buồn, lòng tôn kính và kiến thức giữ kín.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.