Chiến hữu

CHƯƠNG 19



Tôi đang đứng chờ ở bến tắc xi. Gustav lái đến, đậu ngay đàng sau xe tôi.
“Con cún ra sao rồi, Robert?” anh hỏi.
“Nó khỏe lắm,” tôi nói.
“Còn cậu thì sao?”
Tôi chán nản phẩy tay. “Tớ cũng khỏe, nếu có thể kiếm thêm chút ít tiền. Cậu nghĩ xem, cả ngày nay chỉ thu vào hai đồng năm mươi xu thôi.”
Anh gật đầu. “Càng lúc càng tệ. Tất cả mọi thứ càng lúc càng tệ. Nhưng nào đã hết đâu.”
“Vâng, và tớ lại cần một số tiền lớn,” tôi nói. “Cần gấp. Thật nhiều.”
Gustav gãi cầm.
“Một số tiền lớn.” Rồi anh nhìn tôi.”Thực tình không còn chỗ nào để kiếm tiền dễ dàng. Ngoại trừ cá độ. Cậu nghĩ sao về cá ngựa? Hôm nay có mấy trận đua. Tớ biết một tiệm đánh cá được lắm. Tớ vừa thắng độ con Aida, hai mươi tám ăn một, ở chỗ ấy.”
“Tớ chả cần biết cá kiếc là gì cả. Quan trọng ở chỗ là tớ có dịp may không?”
“Cậu đã bao giờ chơi cá ngựa chưa?”
“Chưa bao giờ.”
“Vậy cậu sẽ may mắn, bởi Tổ thường đãi người mới — chúng ta cần làm một cái gì đó.” Anh nhìn đồng hồ. “Ta đi ngay nhé? Hy vọng còn kịp.”
“Vâng.” Sau vụ con chó, tôi rất tin tưởng vào Gustav.
Chỗ cá độ là một gian phòng khá rộng; nửa bên phải là quầy bán xì gà, nửa bên trái đặt máy tổng hợp. Cửa kính treo đầy tin tức thể thao, tin cá độ màu xanh lá cây và hồng. Dọc theo vách, có một quầy trên đó bày la liệt giấy bút. Ba người đàn ông đứng sau quầy, bận tíu tít. Một người nói như quát vào điện thoại, một người chạy tới chạy lui với một cọc phiếu trên tay, người thứ ba, mũ quả dưa đội lệch ra sau đầu, một điếu xì gà Ba Tây tròn đen nhấm nhá trong miệng, không mặc áo lớn, tay áo xắn cao, đứng sau quầy ghi chép số tiền cá. Áo sơ mi của ông ta có màu tím chói chang nhất.
Trước sự ngạc nhiên của tôi, nơi đây rất đông khách. Hầu hết họ là những người thuộc giai cấp bình dân, thợ thủ công, thợ thuyền công xưởng, thơ ký, vài cô gái điếm và đủ loại ma cô.
Một gã đàn ông, áo mưa xám bẩn, mũ quả dưa xám, áo lớn màu xám kiểu thể thao đã sờn chỉ, chặn chúng tôi tại cửa. “Von Bieling. Các ông mua tin đặc biệt không? Bảo đảm trúng.”
“Kêu bà ngoại ông mua đi,” Gustav trả lời, vẻ mặt thay đổi khá bất ngờ.
“Chỉ năm mươi pfennigs thôi,” Bieling nài nỉ. “Tôi quen với một người huấn luyện. Từ khi còn bé,” anh ta vừa nói vừa liếc tôi.
Gustav đã nghiên cứu kỹ danh sách ngựa đua. “Khi nào đến lượt Auteuil?” Anh réo mấy người đàng sau quầy.
“Năm giờ,” người phụ tá réo lại.
“Philomene, cùng một duộc,” Gustav gầm lên. “Thứ ngựa kéo xe trong thời tiết nóng ẩm. Anh vã mồ hôi vì kích động. “Kế đến là con nào nhỉ?” Anh hỏi.
“Hoppegarten,” có ai đó sau lưng anh lên tiếng.
Gustav nghiên cứu thêm. “Để bắt đầu, mỗi đứa chúng ta đặt hai đồng cho con Tristan nhé,” anh nói. “Chắc ăn lắm.”
“Mà cậu có biết gì về nó không?” tôi hỏi.
“Biết gì à?” Gustav trả lời. “Tớ biết rõ từng cái móng chân của chúng.”
“Thế mà anh lại đi cá con Tristan?” một người bên cạnh chúng tôi nói. “Cá con Slippery Liz đi, ông ơi, cơ hội duy nhất của ông đấy. Tôi là bạn của Johnny Burns.”
“Còn tôi,” Gustav nói móc,” tôi là ông chủ chuồng Slippery Liz. Tôi biết nhiều hơn anh.”
Anh réo người đàn ông ở quầy để đặt cược. Chúng tôi nhận biên lai và đến ngồi ở tiền sảnh, nơi bày lơ thơ dăm ba bộ bàn ghế. Mọi người rôm rả kháo chuyện với nhau, nêu lên đủ thứ tên của những con ngựa đua. Mấy ông thợ bàn thảo về cuộc đua ở Nice, hai ông phát thư xem xét bản tin thời tiết của Paris, một người trước kia hành nghề đánh xe ngựa nhớ lại thời gian đã tham gia các cuộc thi nước kiệu. Chỉ có một người đàn ông béo mập, râu ria lởm chởm, dửng dưng ngồi ở một bàn riêng, tì tì ăn hết ổ bánh mì nhỏ này đến ổ bánh mì nhỏ kia. Hai người đàn ông khác đứng dựa vách, thèm thuồng nhìn ông ta. Mỗi người cầm một mẩu biên lai trong tay, nhưng gương mặt của họ hốc hác tiều tụy như nhiều ngày không có chút thức ăn nào dằn bụng.
Chuông điện thoại reo inh ỏi. Mọi người dỏng tai nghe. Người phụ tá xướng lên nhiều cái tên ngựa đua. Chẳng hề nghe nhắc đến Tristan.
“Mẹ kiếp,” Gustav nói, mặt đỏ bừng. “Solomon thắng. Ai mà ngờ được, anh à?” anh hỏi người bắt con Slippery Liz. “Anh cũng thua đậm như ai.”
Von Bieling chen vào giữa chúng tôi. “Nếu các ông chịu nghe tôi — có lẽ tôi đã đưa tên Solomon. Một mình Solomon mà thôi. Nếu các ông muốn, trận tới –“
Gustav chẳng thèm nghe. Anh đã bớt buồn và bàn bạc về kỹ thuật với anh chàng Slippery Liz.
“Ông có sành ngựa không?” Bieling hỏi tôi.
“Chả biết một tí gì, ” tôi nói.
“Vậy ông hãy đánh cá. Đánh cá. Nhưng chỉ ngày hôm nay mà thôi,” ông ta thầm thì nói tiếp, “và sau đó, đừng bao giờ chơi nữa. Nghe tôi nè. Ông cứ cá bừa đi –con gì cũng được –con King Lear hay Silver Moth — hay L’Heure Bleue, cũng thế. Tôi không lấy tiền của ông đâu. Nhưng nếu thắng, xin thưởng cho tôi một ít, vậy thôi.” Càm của hắn rung lên trong nỗi đam mê của một tay nghiền cờ bạc. Đã từng chơi Xì phé, tôi biết quy tắc cũ xưa này: người mới đánh bạc thường thắng cuộc.
“Được rồi,” tôi nói. “Cá con gì đây?”
“Bất cứ con nào ông muốn — bất cứ con nào –“
“Tên L’Heure Bleue nghe cũng không tệ lắm,” tôi nói, “vậy đặt mười marks cho con L’Heure Bleue.”
“Cậu có điên không?” Gustav hỏi.
“Không,” tôi nói.
“Cá mười đồng mồ hôi nước mắt cho cái con ngựa già yếu ấy? Đáng lẽ nó phải thành xúc xích từ lâu.”
Slippery Liz, người mà Gustav gọi là thằng khờ tội nghiệp, nhảy vào, huênh hoang nói: “Cái gì thế? Anh ấy cá con Laura Blaue hở? Thưa ngài, nó không phải là ngựa đâu, nó là bò đấy. May Dream, nếu muốn, có thể thắng nó dễ dàng chỉ bằng hai chân thôi. Compris?”
Bieling nhìn tôi cầu khẩn, tay ra dấu. “Compris,” tôi nói.
“Ach, cậu ơi.” Gustav nhìn tôi như thể tôi đã biến thành Hottentot, một chú mọi Phi châu. “Gypsy II, con nít chưa đẻ cũng biết thế.”
“Tôi nhất định bắt cá con L’Heure Bleue,” tôi nói. Và nếu lúc này đổi ý, tôi phải chống trả lại tất cả những quy luật huyền bí của cờ bạc.
Người đàn ông áo sơ mi màu oải hương đưa tôi biên nhận. Gustav và Slippery Liz nhìn tôi như tôi mắc dịch hạch. Họ bỏ rơi tôi, chen vai thích cánh đi tới quầy, ở đó với những tiếng cười nhạo báng cho nhau, tuy vẫn ẩn chứa một niềm tương kính, họ đặt cược cho Gypsy II và May Dream.
Ngay lúc ấy, một người đột ngột ngã quỵ. Đó là một trong hai người đàn ông gầy gò, vừa mới đây còn đứng cạnh mấy cái bàn. Ông ta chùi theo vách rồi ngã đùng xuống đất. Hai người phát thư đỡ ông ta dậy, đặt lên ghế. Mặt ông ta trắng bạch. Mồm há hốc.
“Lạy Chúa!” một cô gái điếm, thân hình đầy đặn, nước da sậm, tóc óng mượt và trán thấp, kêu to. “Ai đó làm ơn đem lại một ly nước.”
Tôi ngỡ ngàng, chẳng mấy ai quan tâm đến người ngất xỉu. Phần lớn họ chỉ liếc mắt nhìn qua, rồi quay về chuyện cá cược của họ.
“Xảy ra thường lắm,” Gustav nói. “Thất nghiệp. Đánh đến xu cuối cùng. Luôn luôn cá với tỉ lệ cao nhất. Một trăm trên một.”
Người lái xe ngựa từ quầy bán xì gà đi ra với một cốc nước. Cô điếm tóc đen nhúng khăn tay của mình vào đó rồi lau lên trán và thái dương của người bệnh. Ông ta thở dài và thình lình mở mắt. Có một điều bí ẩn nào đó, cách chúng đột nhiên trở lại, không một tiếng động, trên gương mặt mờ mịt chìm sâu — như có một sinh vật nào, xa lạ, ghé mắt nhìn, tò mò và tìm hiểu, qua những kẻ nứt của cái mặt nạ cứng đờ, trắng bệch.
Cô gái cầm ly nước và cho ông ta uống. Cô ôm ông ta trong tay như một đứa trẻ. Rồi cô với lấy một miếng sandwich trên bàn của người khách vô tình, râu ria lởm chởm. “Nào, ăn đi — nhưng từ từ, từ từ nhé. Đừng cắn ngón tay của tôi chứ — đúng rồi, và bây giờ, uống nước đi.”
Người đàn ông ngồi ở bàn đưa mắt nhìn miếng sandwich, nhưng không nói gì. Màu hồng dần dà trở lại trên gương mặt của người đàn ông kia. Ông ta ăn thêm một chập, rồi loạng choạng đứng dậy. Cô gái dìu ông ta, đẩy ra cửa. Rồi, liếc thật nhanh ra sau, cô nàng mở ví. “Đây nè — chuồn đi, và mua cái gì ăn, đừng đánh cá nữa.”
Một trong những tay ma cô, tự nãy giờ vẫn giả lơ, nay quay lại. Hắn có gương mặt của một con chim săn mồi, đôi tai vểnh ngược, mang giày da bóng và đội nón kết.
“Mày cho nó bao nhiêu?” hắn hỏi.
“Mấy xu thôi.”
Hắn thúc cùi chỏ vào ngực cô. “Phải nhiều hơn thế chứ. Lần sau nhớ xin phép tao.”
“Thôi mà, Ede,” gã kia nói. Cô gái điếm lấy hộp phấn ra, và tô lại son môi. “Nhưng tôi đúng,” Ede nói. Cô gái không trả lời.
Điện thoại reo. Tôi nhìn Ede, và không tài nào hiểu hắn. “Đó chính là thứ mà ta gọi là con lợn,” thình lình tôi nghe Gustav nói. “Thưa quý ông quý bà, còn hơn là lợn, đó là một con heo nái xồ xề với hai mươi đứa con ủn ỉn.” Anh vỗ bình bịch lên vai tôi. “Vớ được một trăm tám mươi marks rồi, con trai ơi. Con lạc đà với cái tên buồn cười của cậu đã thắng đậm.”
“Cái gì, thiệt hả?” tôi hỏi.
Người đàn ông ngậm xì gà và mặc áo sơ mi chói gắt, gật đầu cay đắng và đưa tay nhận tấm biên lai của tôi. “Ai mách cho cậu vậy?”
“Tôi,” Bieling nói, với nụ cười nhẫn nhục và hy vọng, tiến ra, cúi rạp mình chào. “Chính tôi, tôi dám nói rằng –sự quen biết của tôi –“
“Ach, bạn ơi –” Rồi chẳng buồn nhìn hắn, ông ta phát tiền cho tôi. Trong phút chốc, cả phòng im phăng phắc. Mọi người chăm chú theo dõi.. Ngay cả người khách vốn hết sức thờ ơ cũng phải ngước mắt nhìn.
Tôi nhét tiền vào túi. “Thôi chứ,” Bieling thầm thì. “Đủ rồi.” Có nhiều đốm đỏ trên gò má anh ta. Tôi dúi mười marks vào tay hắn.
Gustav cười toe, đấm vào cạnh sườn tôi. “Thấy chưa, tớ đã nói với cậu những gì? Cậu chỉ cần nghe lời Gustav này là đủ đào được một đống tiền”
Tôi cố nhịn, không nhắc tới cựu trung sĩ tải thương của Gypsy II. Dường như anh cũng đang tự vấn về chuyện ấy. “Ta đi thôi,” anh nói. “Hôm nay không phải là ngày tốt cho những người nghệ sĩ.”
Ở cửa, có ai nắm tay áo tôi kéo lại. Đó là Slippery Liz. “Anh sẽ cá con nào trong trận Maslowski Benefit?” anh ta hỏi, giọng kính cẩn, ao ước.
“O Tannenbaum,” 1 tôi nói, và đi với Gustav tới quán rượu gần nhất, uống một ly mừng sức khỏe L’Heure Bleue.
Một giờ sau, tôi thua ba mươi marks. Tôi không thể giữ trọn số tiền thắng. Nhưng rồi tôi cũng dừng lại được. Khi tôi ra về, Bieling ấn một tấm thiệp vào tay tôi. “Nếu anh cần bất cứ chuyện gì… Hay bạn anh. Tôi là người đại diện của họ.” Đó là mẩu quảng cáo các trang thiết bị chiếu phim tư gia. “Tôi cũng thương thảo giá bán quần áo cũ,” anh ta nói theo. “Trả tiền mặt.”
Bẩy giờ chiều, tôi quay lại xưởng sửa xe. Karl đậu trong sân, máy nổ ầm ỉ.
“May quá cậu đã về, Bob,” Koster nói. “Tụi tớ sắp sửa chạy thử. Đến đây.”
Cả xưởng đang ở tư thế chuẩn bị. Otto đã thay và sửa nhiều chi tiết cho Karl, anh muốn đưa Karl dự cuộc thi leo núi trong hai tuần tới. Sắp sửa có cuộc tập dợt lần thứ nhất.
Chúng tôi leo vào xe. Jupp ngồi cạnh Koster, cặp kính đua ngoại khổ choán trọn gương mặt. Nó sẽ tan nát cõi lòng nếu không được đi theo. Lenz và tôi ngồi ở băng sau.
Karl lao vun vút. Chúng tôi ra đến vành đai xa lộ và chạy với tốc độ một trăm bốn mươi kí lô mét. Lenz và tôi rạp mình sau lưng hàng ghế trước; gió mạnh như thổi bay đầu. Hai hàng bạch dương bên đường lao ngược về sau và tiếng nổ tuyệt vời của máy xe làm chúng tôi đê mê như lời réo gọi thống thiết của tự do.
Mười lăm phút sau, chúng tôi nhìn thấy ở phía trước một chấm đen đang lớn thật nhanh. Đó là một chiếc xe khá nặng, vận tốc từ tám mươi đến một trăm khí lô mét. Nó không chạy thẳng mà hơi sàng qua sàng lại trên đường. Đường khá hẹp. Koster giảm tốc độ cho thích hợp. Khi còn cách một trăm mét và sắp sửa bóp còi, thình lình chúng tôi thấy bên tay phải, một người cưỡi mô tô từ một đường nhánh phóng tới; hắn lập tức biến mất sau một ụ rơm ngay tại giao lộ. “Lạy Chúa! chết mất thôi,” Lenz kêu.
Cùng lúc ấy, người cưỡi mô tô xuất hiện trên đường, hai mươi mét đàng trước xe hơi. Rõ ràng hắn đánh giá sai vận tốc của xe và đang cố gắng vượt qua bằng cách lạng ngay trước đầu xe. Xe lách qua trái để tránh, nhưng chiếc mô tô cũng nháng sang bên trái. Một lần nữa, xe bẻ gắt qua phải, và tấm chắn bùn của nó quệt trúng và hất tung chiếc mô tô. Người cưỡi mô tô văng ra, đầu đập xuống đất. Xe hơi trượt về bên phải, bẽ gãy cột chỉ đường, cột đèn đường và cuối cùng đâm sầm vào một gốc cây.
Tất cả chỉ xảy ra trong tíc tắc. Còn chúng tôi, với tốc độ cao, trờ tới ngay sau đó; bánh xe nghiến rào rạo, Koster lái Karl như cưỡi ngựa lách qua người lái mô tô, mô tô, và chiếc xe còn nổ máy hồng hộc chắn ngang đường; bên trái, anh tránh được cánh tay của người cưỡi mô tô, bên phải, tránh được khung ràng hành lý của xe hơi; rồi động cơ gầm lên, Karl chạy thẳng, thắng rít ken két, và đứng chựng lại. “Lái cừ quá, Otto,” Lenz nói.
Chúng tôi chạy ngược lại và mở cửa xe. Máy vẫn nổ. Koster thò vào bảng đồng hồ, rút chìa khóa. Động cơ tắt ngúm và chúng tôi nghe tiếng người rên rỉ.
Tất cả kính cửa sổ của chiếc limousine đều vỡ nát. Dưới ánh sáng lờ mờ trong lòng xe, chúng tôi thấy một gương mặt phụ nữ máu chảy thành dòng. Bên cạnh bà, một người đàn ông, kẹt giữa tay lái và ghế ngồi. Việc đầu tiên là chúng tôi khiêng người đàn bà ra khỏi xe, đặt trên đường. Mặt bà đầy vết cắt, vài mảnh kính vụn còn ghim trên đó, nhưng máu chảy đều. Cánh tay mặt của bà tệ hơn. Tay áo trắng sũng máu đỏ thắm và nhỏ giọt. Lenz xé toạt tay áo. Một dòng máu phụt ra, rồi phun từng ngụm. Động mạch bị đứt. Lenz xoắn khăn tay của anh thành một vòng cầm máu. “Khênh ông ấy ra, một phút nữa tớ sẽ xong,” anh nói. “Chúng ta phải chở họ tới bệnh viện ngay tức thì.”
Để đem người đàn ông ra, chúng tôi phải vặn ốc vít của ghế xe. May mắn thay, chúng tôi có đủ dụng cụ và tháo gỡ thật nhanh. Người đàn ông cũng chảy máu như bà kia, và có lẽ bị gẩy vài cái xương sườn. Khi chúng tôi dìu ra, ông quỵ xuống với một tiếng kêu đau đớn. Đầu gối của ông cũng bị thương thì phải. Nhưng trong lúc này, chúng tôi không thể giúp gì hơn.
Koster lùi Karl về gần chỗ tai nạn. Người đàn ba gào thét vì khiếp sợ khi thấy Koster lui đến, dù anh lái chậm như đi bộ. Chúng tôi hạ chỗ dựa của một cái ghế trước và có thể đặt người đàn ông vào đó. Chúng tôi cho người đàn bà ngồi ở băng sau. Tôi ngồi ở bục bước lên xe cạnh bà, còn Lenz ôm người đàn ông, phía bên kia.
“Cháu ở lại trông xe, Jupp nhé,” Lenz nói.
“Nhân tiện, người cưỡi mô tô đâu rồi?” tôi hỏi.
“Chuồn mất, khi chúng ta đang bận,” Jupp đáp.
Chúng tôi lái thật chậm. Cách ngôi làng kế tiếp không xa mấy là một dưỡng đường nhỏ. Chúng tôi thường nhìn thấy nó mỗi khi đi ngang. Nó thấp và trắng, nằm dưới chân đồi. Chúng tôi biết nó là chỗ an dưỡng dành cho những người khá giả, bệnh tương đối không nặng– nhưng thế nào ở đó cũng có bác sĩ và một căn phòng có thể dùng làm trạm băng bó.
Chúng tôi lái lên đồi và bấm chuông. Một nữ y tá xinh đẹp đi ra. Cô tái mặt khi nhìn thấy máu và chạy trở vào. Lập tức một người khác, lớn tuổi hơn, xuất hiện.
“Rất tiếc, nhưng chúng tôi không được trang bị cho tai nạn. Các ông cần đi đến Bệnh viện Virchow. Cách đây không xa.”
“Cách đây cả tiếng đồng hồ,” Koster nói.
Bà y tá khăng khăng từ chối. “Chúng tôi không có dụng cụ dành cho những trường hợp như thế. Ngoài ra, không có bác sĩ –“
“Vậy bà đang phạm luật,” Lenz nói. “Dưỡng đường tư nhân kiểu này phải có bác sĩ thường trực. Bà cho phép tôi dùng điện thoại chứ? Tôi muốn gọi cảnh sát và một trong những tòa báo.”
Người nữ y tá bắt đầu nao núng. “Bà không cần lo lắng,” Koster lạnh lùng nói. “Những việc bà làm sẽ được đền đáp hậu hĩnh. Chúng tôi cần một cái cáng. Tôi nghĩ bà có thể liên lạc với bác sĩ được mà.”
Nữ y tá vẫn do dự. “Một cái cáng,” Lenz giải thích, “cũng là quy định pháp lý, và là dụng cụ sơ cứu cần thiết –“
“Vâng, phải rồi,” bà hấp tấp trả lời, rõ ràng bối rối vì quá nhiều tin tức. “Tôi sẽ cho người đem ra ngay.”
Bà biến mất.
“Hơi dữ dằn,” tôi nói.
“Tớ đã gặp những thứ tương tự ở bệnh viện công,” Lenz ôn tồn nói. “Trước hết là tiền, kế đến là thủ tục hành chánh, sau đó mới được giúp đỡ.”
Chúng tôi trở lại xe, dìu người đàn bà vào. Bà không nói gì, chỉ nhìn xuống đôi tay mình. Chúng tôi đưa bà vào một phòng khám bệnh nhỏ gần cửa ra vào. Rồi cáng được đem ra cho người đàn ông. Chúng tôi nhấc ông lên.
Ông rên. “Khoan đã –“
Chúng tôi nhìn ông. Ông nhắm mắt lại.
“Tôi không muốn gặp khó khăn nào,” ông khó nhọc nói.
“Ông không có lỗi,” Koster đáp. “Chúng tôi đã chứng kiến tai nạn và sẳn sàng làm chứng cho ông.”
“Không phải thế,” người đàn ông nói. “Vì lý do khác, tôi không muốn ai biết chuyện. Cậu hiểu chứ –“ông ta liếc nhìn cánh cửa, nơi người đàn bà được mang vào.
“Vậy ông đang ở đúng nơi,” Lenz giải thích. “Một cuộc trình diễn riêng tư. Chỉ cần phi tang xe của ông trước khi cảnh sát tới.”
Người đàn ông gượng dậy.”Cậu giúp tôi nhé. Điện thoại cho ga ra xe hơi nào đó. Và làm ơn cho tôi xin địa chỉ của cậu — tôi muốn — tôi rất mang ơn cậu –“
Koster khoát tay từ chối.
“Nhưng mà,” người đàn ông nói, “tôi muốn.”
“Khá đơn giản,” Lenz đáp. “Chúng tôi có một ga ra sửa xe, và chuyên môn về loại xe của ông. Chúng tôi sẽ mang nó về, nếu ông đồng ý, sửa lại tốt như xưa. Như thế hai bên đều có lợi.”
“Tốt lắm,” người đàn ông nói. “Các cậu cần địa chỉ của tôi không — tôi sẽ đến nhận xe. Hoặc nhờ ai đấy.”
Koster cất danh thiếp vào túi và chúng tôi khiêng ông vào trong. Bác sĩ, một người trẻ tuổi, khi ấy đã đến. Bác sĩ rửa sạch máu cho người đàn bà, và nay ta thấy rõ những vết cắt sâu trên mặt. Người đàn bà nhỏm dậy trên cánh tay lành của mình, nhìn chầm chầm vào cái chậu bằng kền bóng lộn trên xe đựng bông băng. “Chao ôi,” bà khe khẻ nói và nằm vật xuống, đôi mắt hoảng loạn.
Chúng tôi lái vào làng và hỏi tìm một ga ra sửa xe. Đó là một lò rèn, và chúng tôi mượn của ông chủ một bộ cứu cấp và dây cáp, và hứa sẽ trả hai mươi marks. Nhưng ông ta nghi ngờ và muốn tận mắt nhìn. Chúng tôi chở ông ta trở lại chỗ xảy ra tai nạn.
Jupp đứng giữa đường, vẫy tay lia lịa. Tuy nhiên, không cần thằng bé chúng tôi vẫn nhận ra chuyện rắc rối. Một xe Mercedes cũ, nóc nặng nề, đậu ở lề đường và bốn người đang chuẩn bị kéo chiếc Stutz đi.
“Chúng ta tới đúng thời đúng lúc,” Koster nói.
“Đó là anh em nhà Vogt,” người thợ rèn đáp. “Một nhóm người nguy hiểm. Sống gần đây. Một khi họ đã dính dáng vào chuyện gì, họ sẽ không bỏ cuộc.”
“Rồi ta sẽ thấy,” Koster nói.
“Cháu đã giải thích với họ, Herr Koster ạ,” Jupp thì thào. “Cạnh tranh bất chính. Muốn kéo xe về xưởng của họ.”
“Tốt lắm, Jupp. Bây giờ cháu hãy đứng yên ở đây.”
Koster lại gần người đàn ông cao to nhất trong bọn và nói. Anh giải thích, chiếc xe thuộc về chúng tôi.
“Cậu có mang theo món gì cứng không?” tôi hỏi Lenz.
“Chỉ có một xâu chìa khóa, mà tớ muốn giữ riêng cho tớ. Cậu hãy lấy cái khóa vặn ốc nhỏ.”
“Không nên,” tôi nói, “có thể gây thương tích. Tiếc quá, tớ đi giày mềm. Nếu không, sẽ đá ngon lành.”
“Tham gia chứ?” Lenz hỏi người thợ rèn. “Như thế, chúng ta sẽ có bốn chọi bốn.”
“Tôi đứng ngoài. Không muốn tiệm của tôi ngày mai bị đập phá. Tôi tuyệt đối trung lập.”
“Đúng thôi,” Lenz nói.
“Cho cháu theo với,” Jupp nói.
“Đừng vội,” tôi nói. “Chỉ cần cháu trông chừng không cho ai đến, thế là đủ.”
Người thợ rèn tách ra khỏi chúng tôi để nhấn mạnh tính cách trung lập của hắn.
“Đừng nói bậy,” thình lình tôi nghe tên cao lớn nhất nạt nộ Koster. “Ai đến trước, hưởng trước. Không nói lôi thôi gì cả. Tránh ra chỗ khác.”
Karl giải thích một lần nữa là chiếc xe thuộc về chúng tôi. Anh đề nghị chở Vogt tới dưỡng đường để tìm hiểu. Vogt cười khi dễ. Lenz và tôi tiến lại gần. “Cha nội muốn đi nhà thương hả?” Vogt hỏi.
Koster không đáp, mà đi tới chiếc xe. Ba đứa Vogt kia đứng thẳng lên. Chúng nhích sát vào nhau.
“Đưa cho tớ cái ròng rọc,” anh nói với chúng tôi.
“Ê, cha nội –” thằng anh cả Vogt nói. Hắn cao hơn Koster một cái đầu.
“Xin lỗi,” Koster nói, “nhưng chúng tôi phải kéo xe về.”
Lenz và tôi thong thả đi tới, tay đút trong túi. Koster cúi xuống chiếc xe. Ngay lúc ấy, Vogt tung một cước vào anh. Otto đã dự trù; anh bắt giò và quật hắn xuống đất. Rồi anh nhảy lên, đấm vào bụng thằng kế bên, đang cầm cái tay quay dơ cao, khiến hắn lảo đảo và cũng té nhào. Tiếp đó, Lenz và tôi nhảy xổ vào hai đứa kia. Tôi nhận một cú vào mặt. Không tệ lắm nhưng mũi tôi bắt đầu đỗ máu, quả đấm của tôi hụt mục tiêu và trợt lên cái cầm trơn nhẫy của thằng kia, rồi tôi bị móc xướt trên mắt và tôi thủ thế hớ hênh nên một thằng Vogt hạ tôi bằng một cú đấm vào dạ dầy. Hắn đè tôi xuống đường và bóp cổ tôi. Tôi cố gồng bắp thịt cổ để không bị nghẹt thở và cố nhỏm dậy và lăn tròn để đẫy hắn ra bằng chân hay đá vào bụng hắn. Nhưng Lenz và đối thủ Vogt của anh đang quần nhau, đè cứng trên chân tôi và tôi không thể cục cựa. Mặc dù đã gồng bắp thịt cổ lên tôi vẫn khó thở; tôi không hít được không khí vì mũi tôi đang chảy máu. Cảnh vật chung quanh mờ ảo như ở đàng sau một lớp kính, mặt thằng Vogt rung rinh như một khối thạch, và tôi thấy phía sau não tôi một mảng tối đen. Cái liếc mắt cuối cùng cho thấy Jupp thình lình đang ở bên cạnh — thằng bé quỳ trong rãnh nước bên đường, bình tĩnh và chăm chú quan sát cuộc vật lộn, và khi lần tạm ngưng cuối cùng dường như cho thấy đã sẳn sàng, nó dùng một cây búa nhỏ gõ lên cổ tay của Vogt. Khi nó gõ lần thứ nhì, Vogt buông tôi ra và từ mặt đất gắng sức chụp Jupp, nhưng nó đã nhảy lùi ra sau mấy tấc và bình thãn nện thêm một búa lên những ngón tay của Vogt, rồi một búa nữa lên đầu hắn. Tôi vùng dậy, lăn lên mình Vogt, và đến lượt tôi, sắp sửa xiết cổ hắn.
Ngay lúc ấy, có tiếng rống đau đớn của con thú rừng và tiếng rên xiết: “Buông ra — buông ra!”
Đó là anh cả Vogt. Koster đã bẻ tay hắn ra sau lưng. Vogt gục đầu sát đất, Koster quỳ trên mình hắn và bẻ vẹo cánh tay hắn. Vogt thét lên, nhưng Koster biết anh phải làm đến nơi đến chốn, nếu chúng tôi muốn yên thân. Anh bất ngờ giật, xoắn tay hắn một cái trước khi thả ra. Vogt nằm liệt trên mặt đất một lúc. Tôi ngước lên. Một đứa trong bọn Vogt vẫn đứng, nhưng tiếng rên la của thằng anh đã làm hắn chùn bước. “Cút ngay, nếu không tôi sẽ đánh tiếp,” Koster nói với hắn.
Tôi dộng đầu thằng Vogt của tôi xuống đường để từ giã rồi buông ra. Lenz đã đứng cạnh Koster. Áo khoác của anh rách toạc, máu chảy từ một góc miệng. Có vẻ như cuộc chiến của anh không phân thắng bại, vì thằng Vogt của anh, dù cũng chảy máu, vẫn còn đứng. Sự đầu hàng của anh cả Vogt đã quyết định. Chúng không dám hó hé một câu nào. Chúng giúp thằng anh đứng dậy và dìu ra xe. Đứa không bị thương quay lại, nhặt cái tay quay xe hơi. Hắn nhìn Koster như thể anh là con quỷ dữ. Rồi chiếc Mercedes lạch cạch chạy đi.
Thình lình người thợ rèn xuất hiện. “Đáng kiếp,” ông ta nói. “Đã lâu lắm chưa có chuyện như thế xảy ra với họ. Thằng anh cả đã ngồi tù vì tội sát nhân.”
Không ai trả lời. Koster chợt rùng mình. “Hành nghề bẩn thỉu,” anh nói. Rồi anh quay lại. “Nào, làm việc đi chứ.”
“Cháu đã bắt đầu,” Jupp nói, kéo cái ròng rọc lên.
“Chờ một phút,” tôi nói. “Từ nay trở đi, cháu được thăng chức Cai và được hút thuốc lá.”
Chúng tôi câu chiếc xe lên và buộc chặt phía sau Karl bằng giây cáp.
“Chắc sẽ không làm hư hại Karl, phải không?” tôi hỏi Koster. “Dù sao, Karl chỉ là xe đua mà thôi, không phải là xe thồ.”
Anh lắc đầu. “Không xa lắm. Và đường bằng.”
Lenz ngồi trong chiếc Stutz và chúng tôi chầm chậm lái đi. Tôi cầm khăn tay ấn vào mũi và nhìn ra ngoài, ngắm những cánh đồng chiều và mặt trời lặn. Có một niềm an lạc, mênh mông và vững chãi trong đó, và ta cảm thấy thiên nhiên hoàn toàn dửng dưng với bất cứ điều gì mà cái tổ kiến tàn ác gọi là nhân loại đang chọn lựa để làm trong thế gian này. Quan trọng hơn nhiều, với nó là những áng mây dần biến đổi thành một dãy núi vàng óng, là bóng tối tím ngắt của hoàng hôn trôi dạt không tiếng động từ chân trời, là những con chiền chiện từ bầu trời vô tận quay về tổ trong các luống cày, là buổi chiều chầm chậm vào đêm.
Chúng tôi lái vào sân trong. Lenz bước xuống, hân hoan ngã mũ chào. “Chào cưng, em yêu dấu! Em đến với chúng tôi vì một tai nạn buồn, nhưng với một chút may mắn, em có thể đem về cho chúng tôi, ước lượng khiêm nhường, ba ngàn đến ba ngàn năm trăm marks. Và bây giờ cho tớ một ly lớn cherry brandy và một bánh xà phòng — tớ phải gột rửa hơi hám của nhà Vogt.”
Ai cũng uống một ly rồi lập tức bắt tay vào việc, tháo gỡ chiếc Stutz càng nhanh càng tốt. Một mình chủ xe cho phép ta sửa chữa không đủ — đôi khi sau đó, công ty bảo hiểm sẽ tìm đến và lấy xe giao cho một tiệm khác, có liên hệ với họ. Do đó, xe càng bị tháo gỡ nhiều chừng nào, càng tốt cho chúng tôi chừng đó. Tiền công lắp ráp khi ấy sẽ cao đến nỗi, để xe cho chúng tôi sửa, còn rẻ hơn là lấy đi.
Khi chúng tôi dừng tay, trời đã tối.
“Cậu có chạy tắc xi đêm nay không?” tôi hỏi Lenz.
“Không,” Gottfried đáp. “Ta không nên lao lực quá đáng để kiếm tiền. Hôm nay, với tớ, có chiếc Stutz như thế đã đủ.”
“Tớ thì chưa,” tôi nói. “Nếu cậu không đi, tớ sẽ lái nó lượn quanh các hộp đêm từ mười một giờ đến hai giờ sáng.”
“Tớ xin can,” Gottfried cười. “Cậu thử soi gương mà xem. Dạo này cậu không được may với cái mũi của cậu. Ai mà chịu lên xe với cái củ cải đường ấy? Về nhà, ngoan và chườm đá.”
Anh nói đúng. Không thể nào đón khách với cái mũi của tôi. Nên tôi nghĩ sớm và về nhà. Trên đường đi, tôi gặp Hasse và cuốc bộ với anh một đoạn ngắn. Trông anh bệ rạc và khổ sở.
“Anh gầy đi,” tôi nói.
Anh gật đầu, và nói rằng hiện nay anh không có bửa tối nào ra hồn. Hầu như chiều nào vợ anh cũng ra ngoài với những người bạn mới quen và về nhà trễ. Anh vui vì vợ anh được đi chơi nhưng anh không muốn nấu ăn một mình mỗi đêm khi về nhà. Dù sao, anh cũng không đói mấy; anh quá mệt để mà thấy đói.
Tôi nhìn anh bước đi bên cạnh, đôi vai còm rũ thấp. Có lẽ anh thực lòng tin vào những điều anh nói, nhưng thật tội nghiệp khi ta lắng nghe. Vì thiếu thốn một chút an sinh, một chút tiền nong mà cuộc hôn nhân này, cuộc đời hiền lành khiêm tốn này phải đảo điên. Tôi nghĩ đến hàng triệu người như anh, cũng luôn luôn chỉ vì một chút an toàn, một chút vật chất mà ra nông nỗi. Phẫn uất, cuộc đời co rút lại thành một chiến trường đáng thương chỉ để tồn tại. Tôi nghĩ đến vụ đánh nhau giành mối chiều nay; tôi nghĩ đến tất cả những gì tôi đã chứng kiến mấy tuần qua; tôi nghĩ đến tất cả những chuyện tôi đã thử; rồi tôi nghĩ đến Pat và đột nhiên tôi có cảm tưởng là không bao giờ có thể bắt được nhịp cầu nối kết hai bên bờ vịnh. Khoảng cách quá rộng, cuộc đời quá dơ bẩn để mà hạnh phúc; hạnh phúc không thể tồn tại, người ta không còn tin tưởng vào nó nữa; nó chỉ là một không gian để hít thở, không phải một hải cảng để ẩn trú.
Chúng tôi leo cầu thang và mở cửa. Ở đầu cầu thang, Hasse dừng lại. “Au revoir –“
“Tối nay anh cố ăn uống một chút gì nhé,” tôi nói.
Anh lắc đầu với một nụ cười yếu ớt, như thể xin lỗi, và đi vào căn phòng trống rỗng, tối đen. Tôi nhìn theo anh. Rồi tôi đi trên hành lang dài hẹp như cái ống. Tôi bỗng nghe một tiếng hát nhẹ nhàng. Tôi ngừng lại và lắng nghe. Không phải âm nhạc từ máy hát của Erna Bornig, như tôi lầm tưởng, mà là giọng hát của Pat. Nàng hát một mình trong phòng. Tôi nhìn qua bên kia, cánh cửa phòng nơi Hasse biến mất. Tôi cúi xuống lắng nghe, rồi bất ngờ tôi nắm chặt hai tay. Kệ bố nó, có khoảng cách hít thở hay không có khoảng cách hít thở, có nơi trú ẩn hay không có nơi trú ẩn, dù cách xa đến mức không bao giờ nối đươc nhịp cầu, không bao giờ được tin tưởng — chính vì lý do đó, vì không ai có thể tin được, chính vì lý do đó mà nó — hạnh phúc — luôn luôn mới lạ và ngây ngất không cùng.
Pat chưa biết tôi về. Nàng ngồi trên sàn nhà, trước gương và đang thử mũ, một cái mũ vành đen. Bên cạnh nàng, trên thảm là cây đèn. Căn phòng ngập ánh hoàng hôn ấm áp nâu vàng, và chỉ có gương mặt nàng được ngọn đèn chiếu sáng. Một chiếc ghế kéo gần, một tấm lụa phủ lên. Trong lòng ghế, cây kéo sáng bóng.
Tôi vẫn đứng im ở cửa, ngắm nàng bận bịu với cái mũ. Nàng thích ngồi bệt dưới sàn, và tôi thường bắt gập nàng ngủ quên trong một góc phòng, với một quyển sách bên cạnh, và con chó.
Con chó ngồi kế bên và bắt đầu kêu ủng oẳng. Pat nhìn lên, thấy tôi trong gương. Nàng mỉm cười, và đối với tôi, toàn thế giới dường như sáng bừng lên vì nụ cười ấy. Tôi băng ngang phòng đến bên nàng, quỳ xuống và, sau tất cả những nhơ nhớp của một ngày, áp môi lên làn da mềm mại, ấm áp trên cổ của nàng.
Nàng cầm cái mũ đen đưa lên. “Em sửa cái mũ, anh yêu. Anh thích không?”
“Cái mũ đẹp tuyệt,” tôi nói.
“Nhưng anh có thấy gì đâu. Em cắt một chút vành phía sau và bẻ vành phía trước cong lên.”
“Anh thấy rõ mà, ” tôi nói, vùi mặt trong mái tóc của nàng, “đó là một cái nón có thể làm cho mấy bà thợ nón ở Paris phải điên lên vì ghen tức, nếu được nhìn thấy.”
“Robby này!” Nàng cười to, xô tôi ra. “Anh chẳng biết gì hết. Đôi khi, em tự hỏi, không hiểu anh có biết em ăn mặc ra sao không.”
“Anh biết từng chi tiết,” tôi nói, ngồi trên sàn nhà, sát bên nàng, tuy có lùi một chút vào bóng tối để dấu đi cái mũi.
“Thế à? Vậy tối hôm qua em mặc gì?”
“Tối hôm qua?” tôi suy nghĩ. Thật tình tôi có biết gì đâu!
“Đúng như em nghĩ, anh yêu! Anh chẳng biết một tí ti nào về em.”
“Đúng,” tôi nói; nhưng chính như thế mới hay. Càng biết rõ về nhau, chúng ta càng hiểu lầm. Và càng gần nhau, chúng ta càng trở nên xa cách. Cứ nhìn gia đình ông Hasse thì rõ — họ biết hết mọi thứ về nhau, thế nhưng họ lại cách biệt với nhau còn hơn người xa lạ.”
Nàng đội cái mũ đen vào và ngắm nghía trong gương. “Những gì anh vừa nói chỉ đúng một nữa thôi, Robby.”
“Tất cả mọi sự thật đều giống như thế,” tôi trả lời. “Chúng ta không bao giờ đi xa hơn. Điều đó làm chúng ta mang đậm tính người. Và Chúa cũng biết chúng ta đã gặp biết bao khó khăn với một nửa sự thật. Làm sao chúng ta sống nỗi với trọn vẹn sự thật cơ chứ?”
Nàng bỏ mũ ra và đem cất. Rồi nàng quay lại, và, khi đó, nhìn thấy cái mũi thê thảm của tôi. “Có chuyện gì vậy anh?” nàng hỏi, lo lắng.
“Không có chi trầm trọng. Tuy trông đáng sợ thật. Lúc làm việc dưới gầm xe, anh bị cái gì đó rơi trúng mặt.”
Nàng nhìn tôi lộ vẻ nghi ngờ. “Ai mà biết anh ở đâu cơ chứ. Anh chẳng bao giờ nói cho em biết gì cả, phải không nào? Em biết rất ít về anh, cũng như anh không biết mấy về em.”
“Và như thế càng hay,” tôi nói.
Nàng đem ra một chậu nước, một mảnh vải và làm một miếng gạc đấp cho tôi. Rồi nàng lại ngắm nghía tôi rất kỹ.
“Giống như bị ai đấm vậy. Và cổ cũng bị trầy. Anh lại phiêu lưu ở đâu đó, anh yêu.”
“Cuộc phiêu lưu lớn nhất của hôm nay vẫn chưa xảy ra,” tôi nói.
Nàng nhìn tôi, ngạc nhiên. “Muộn thế sao, Bob? Vậy, anh sắp đi?”
“Anh ở lại,” tôi nói, quẳng bỏ miếng gạc và ôm nàng trong tay. “Anh sẽ ở đây với em suốt buổi tối này.”
——————————–
1 O Tannenbaum: Ôi Cây Giáng Sinh, tên một bài hát

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.