Chiến hữu

CHƯƠNG 25



Tháng Hai tôi ngồi trong xưởng sửa xe với Koster lần cuối. Chúng tôi phải bán xưởng, và chờ người phát mãi tới, đấu giá các trang thiết bị và chiếc tắc xi. Koster có thể có việc làm vào mùa xuân, lái xe đua, cho một công ty nhỏ sản xuất xe hơi. Tôi vẫn đàn ở International, nhưng sẽ tìm việc phụ ban ngày để kiếm thêm.
Một ít người đã tụ tập trong sân. Phát mãi viên đã đến. “Cậu ra đó chứ, Otto?” tôi hỏi.
“Để làm gì? Mọi thứ đều có sẳn và ông ấy biết rành công việc.”
Koster trông hốc hác, mệt mỏi. Ta không dễ biết, nhưng nếu quen thân với anh, ta có thể nhận ra điều đó. Mặt anh đanh lại. cứng rắn khác xưa. Đêm này sang đêm khác, anh lang thang ngoài đường, cùng một khu xóm. Đã từ lâu anh biết tên thằng nhóc bắn chết Gottfried. Nhưng anh không tìm ra nó; vì sợ cảnh sát, nó đã đổi nhà trọ và trốn chui trốn nhủi ở một xó nào đó. Alfons cũng lấy được tin tức này. Anh cũng chờ. Có khả năng là thằng nhóc ấy không còn ở thành phố. Rằng nó không biết Koster và Alfons theo dõi. Họ chờ nó quay lại, khi nó nghĩ rằng đã an toàn.
“Tớ ra ngoài xem chơi, Otto,” tôi nói.
“Được mà.”
Tôi đi ra. Băng ghế sửa xe và các thứ lặt vặt chất đống giữa sân. Bên phải, cạnh vách tường là chiếc tắc xi. Nó được lau chùi tươm tất. Tôi quan sát bộ nệm và lốp xe. “Em bò sữa vui tươi của chúng ta,” Gottfried thường âu yếm gọi.
Có ai đó vỗ nhẹ lên vai. Tôi quay lại, ngạc nhiên. Một anh chàng diêm dúa khó coi với chiếc áo choàng có thắt lưng, đứng đối diện. Hắn nháy mắt và quay tít cái gậy tre. “Chào ông bạn! Người quen cũ đây mà.”
Một ý niệm mơ hồ dâng lên trong trí nhớ của tôi. “Guido Thiess của hảng Augeka.”
“Nhớ hay thế!” hắn nói, mãn nguyện. “Ta gặp nhau cũng vì chiếc xe này. Phải nói là lúc ấy cậu đi với một thằng cha dễ ghét vô cùng. Tớ dằn lòng lắm mới không đấm hắn vài cái”
Các sớ thịt trên mặt tôi co giật ngoài ý muốn, khi tôi nghĩ đến hắn thụi Koster mấy phát. Thiess lại tưởng đấy là một nụ cười và tới phiên hắn nhe hàm răng khá thảm. “Tuy nhiên, chuyện đã qua. Guido không ôm hận. Dù sao, cậu cũng đã trả một số tiền quá lớn cho cái xe già như ông nội. Còn lại gì cho cậu không?”
“Có,” tôi nói. “Xe tốt lắm.”
Thiess cười khi dễ. “Nếu làm theo lời khuyên của tớ, cậu đã kiếm nhiều tiền hơn. Tớ cũng thế. Tuy nhiên, chuyện đã vào dĩ vãng. Hãy quên và tha thứ. Hôm nay ta có thể xử dụng mánh khóe cũ: Chúng ta sẽ đấu giá, tối đa năm trăm marks, há? Có con ma nào thèm mua đâu. Đồng ý?”
Tôi chợt hiểu. Hắn tưởng là dạo ấy chúng tôi mua bán xe kiếm lời, và hắn không biết xưởng sửa xe này của chúng tôi. Trái lại, hắn tưởng nhầm chúng tôi tìm mua chiếc xe một lần nữa.
“Xe vẫn đáng một ngàn năm trăm marks,” tôi nói. “Chưa kể thuế.”
“Đúng,” Guido hăm hở nói. “Tớ đề nghị, ta đấu tới năm trăm marks. Nếu mua được, tớ sẽ chi cho cậu ba trăm tiền tươi, tại chỗ.”
“Không được,” tôi nói. “Tớ có sẳn mối bán lại rồi.”
“Trong trường hợp ấy –” hắn muốn đưa ra đề nghị mới.
“Không ích gì.” Tôi đi tới ra giữa sân. Hắn dám mua tới giá một ngàn hai trăm marks, bây giờ tôi biết.
Người phát mãi bắt đầu rao. Trước hết là những trang thiết bị. Chẳng được bao nhiêu. Dụng cụ sửa xe, cũng thế. Rồi đến chiếc tắc xi. Giá khởi đầu là ba trăm marks.
“Bốn trăm,” Guido nói.
“Bốn trăm năm mươi,” một chàng trai trong bộ đồ thợ máy nói, sau khi ngần ngừi rất lâu.
Guido trả năm trăm. Phát mãi viên rao mời. Chàng trai trong bộ đồ thợ máy không nói gì. Guido nháy mắt với tôi và đưa bốn ngón. “Sáu trăm,” tôi nói.
Guido lắc đầu và trả bẩy trăm. Tôi trả cao hơn. Guido theo đuổi trong tuyệt vọng. Giá lên đến một ngàn, và hắn làm những cử chỉ đầy ý nghĩa, và với các ngón tay của hắn, ra dấu là tôi vẫn có thể được chia một trăm. Hắn kêu giá một ngàn lẻ mười.
Khi giá lên đến một ngàn một trăm, mặt hắn đỏ lừ và thù nghịch, nhưng vẫn đấu một ngàn một trăm lẻ mười. Tôi nâng lên một ngàn một trăm chín mươi, hy vọng hắn sẽ ra giá một ngàn hai trăm. Rồi tôi sẽ thôi.
Nhưng Guido đã điên tiết. Hắn bực tức vì theo tính toán của hắn, hắn đang bị lấn ép; và đột nhiên hắn đề nghị một ngàn ba trăm. Tôi làm tính thật nhanh. Nếu thật sự muốn mua, hắn đã dừng ở một ngàn hai trăm. Hiện giờ hắn chỉ muốn chọc tức khiến tôi trả giá cao, để trả thù. Từ câu chuyện với tôi, hắn nghĩ rằng một ngàn năm trăm là giới hạn của tôi, và do đó không thấy nguy hiểm cho hắn.
“Một ngàn ba trăm lẻ mười,” tôi nói.
“Một ngàn bốn trăm,” Guido xướng lên, thật nhanh.
“Một ngàn bốn trăm lẻ mười,” tôi do dự. Tôi sợ tôi mắc kẹt.
“Một ngàn bốn trăm chín mươi,” Guido nhìn tôi, đắc thắng và chế diễu. Hắn nghĩ hắn đã nêm muối mặn chát vào chén xúp của tôi.
Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn và không nói gì. Người phát mãi lập lại, lần thứ nhất, lần thứ hai, và rồi nâng búa. Trong giây phút ấy, nét mặt của hắn đổi từ thắng lợi sang ngỡ ngàng.
Không thể hiểu, hắn đến bên tôi. “Tớ tưởng cậu muốn –“
“Không,” tôi nói.
Hắn lấy lại bình tỉnh và gãi đầu. “Mẹ kiếp. Không dễ gì giải thích với công ty. Tớ cứ tưởng cậu muốn mua tới giá một ngàn năm trăm. Tuy nhiên — ít nhất kỳ này tớ cũng giật được ông nội già của cậu.”
“Tớ cũng định là thế,” tôi nói. Guido không hiểu. Chỉ đến khi nhìn thấy Koster từ văn phòng bước ra, hắn mới vỡ lẽ và lùa bàn tay bối rối trong tóc. “Trời thần ơi, chiếc xe này của mấy cậu? Đần quá, tớ đúng là thằng đần! Lỡ mua rồi. Bị lừa rồi. Ô Guido, chuyện này không nên xảy ra cho mày mới phải. Gậy ông đập lưng ông. Tuy nhiên — không ích gì than khóc một lỗi lầm đã qua. Con chó dữ dằn nhất thường mắc miếng mồi tầm thường nhất. Ta sẽ huề nhau kỳ tới.”
Hắn ngồi sau tay lái và lái đi. Chúng tôi nhìn theo, và chúng tôi chẳng thấy hạnh phúc gì lắm.
Buổi chiều Mathilda Stoss đến. Chúng tôi phải trả tiền công tháng cuối cho bà. Koster đưa tiền và đề nghị bà xin việc quét dọn với người chủ mới. Chúng tôi đã dàn xếp được việc làm cho Jupp. Nhưng Mathilda lắc đầu. “Không, không, Herr Koster, bác không muốn đi làm nữa. Gân cốt của bác đã cứng đờ. “
“Thế bác nghĩ bác sẽ làm gì?”
“Bác sẽ đi theo con gái. Nó có chồng ở Bunzlau. Các cậu có biết Bunzlau? “
“Không,” tôi đáp.
“Herr Koster biết không?”
“Cháu cũng không biết, Frau Stoss ạ.”
“Buồn cười nhỉ,” Mathilda nói, “không ai biết Bunzlau. Bác đã hỏi thăm nhiều người lắm. Thế mà con gái của bác đã lấy chồng ở đấy mười hai năm rồi. Chồng nó là thơ ký.”
“Vậy thì sẽ có một Bunzlau, bác có thể tin chắc, nếu có một viên thư ký cư ngụ ở đấy.”
“Bác chẳng biết nói chi. Nhưng có buồn cười chăng, khi không ai biết đến thành phố ấy?”
Chúng tôi đồng ý. “Nhưng sao trong ngần ấy năm, bác chưa bao giờ thăm viếng?” tôi hỏi.
Mathilda cười khỉnh. “Ơ, thì cũng có chuyện… Tuy nhiên, hiện nay chúng lại muốn bác đến thăm cháu ngoại. Đã có bốn nhóc. Và thằng Edward sắp sửa chui ra nữa chứ.”
“Cháu tin rằng ở Bunzlau cũng có Schnapp ngon,” tôi nói. “Hiệu Damson hay gì đó…”
“Chẳng có đâu,” Mathilda nói. “Thực ra, rượu chè chính là chuyện ấy. Rể của bác, xin lỗi các cậu, là người cử rượu tuyệt đối. Hạng người ấy không nhấp một giọt nào.”
Koster với lấy chai rượu cuối cùng trên cái kệ trống trơn. “Ồ, Frau Stoss, vậy trong trường hợp này chúng ta phải uống với nhau lần chót, trước khi chia tay.”
“Đồng ý với cậu,” Frau Stoss nói.
Koster đặt ly trên bàn và rót rượu vào. Mathilda ực một hơi, như rum chảy tưới qua nia. Đôi môi cong tớn và hàng ria mép giần giật.
“Một ly nữa nhé?” tôi hỏi.
“Bác sẽ không từ chối.”
Bà uống thêm một ly đầy nữa, rồi từ giã.
“Chúc bác những gì tốt đẹp nhất ở Bunzlau.”
“Vâng, cám ơn cậu nhiều. Nhưng buồn cười quá, phải không, chẳng ai biết cái nơi quái quỷ ấy, nhỉ?”
Bà lạch bạch đi ra. Chúng tôi đứng một lúc trong xưởng sửa xe. “Có lẽ chúng ta cũng đi thôi, tớ nghĩ vậy.” Koster nói.
“Vâng,” tôi trả lời. “Chẳng còn gì để làm ở đây.”
Chúng tôi khóa cửa và bước ra. Rồi chúng tôi đi lấy Karl về. Nó đậu trong một ga-ra gần đấy và chúng tôi không bán nó cùng với những thứ khác. Chúng tôi lái đến ngân hàng và Koster nộp tiền cho Quỷ Thu Nhận. “Tớ sắp đi ngủ,” anh nói. “Chốc nữa, cậu không bận gì chứ?”
“Tớ đã xin nghĩ trọn đêm nay.”
“Tốt, vậy tớ sẽ ghé qua lúc tám giờ.”
Chúng tôi ăn tối ở một quán nhỏ miền quê, rồi tiếp tục lái. Vừa vào đến những con đường đầu tiên trong thành phố thì lốp của bánh trước bị thủng. Chúng tôi đổi tay lái cho nhau. Đã lâu, Karl không được tắm gội và tôi thấy mình bẩn thỉu. “Tớ phải rửa tay một phát, Otto,” tôi nói.
Gần đó có một quán cà phê khá lớn. Chúng tôi vào quán, ngồi ở một bàn cạnh cửa. Chúng tôi ngạc nhiên, quán chật nức người, hầu như không còn chỗ trống. Một ban nhạc nữ trình diễn và trong quán đang có trò hoạt náo; ban nhạc đội mũ giấy sặc sở, dăm ba người khách mặc áo cải trang, những sợi giấy hoa giăng từ bàn này sang bàn khác, bong bóng lững lơ, những người hầu bàn với các chồng khay trên tay tất tả tới lui, và cả quán chìm trong nhộn nhịp, trong tiếng cười nói xôn xao.
“Ở đây có chuyện gì thế?” Koster hỏi.
Cô gái da trắng bàn bên cạnh tung một chùm confetti li ti như mây rơi lên chúng tôi.
“Hai anh từ đâu tới vậy?” nàng cười. “Không biết hôm nay là Thứ Ba Béo hay sao?”
“Thì ra thế,” tôi nói. “Vậy tớ đi rửa tay cái đã.” Tôi phải băng ngang căn phòng rộng để tới phòng vệ sinh. Tôi bị cản đường bời một đám đông say sưa đang công kênh một chị đàn bà lên bàn, ép hát. Chị ta chống cự và kêu ầm ỷ; cái bàn lật, và cùng với nó, cả đám ngã lăn. Tôi đang đợi cho lối đi trống lại, thì thình lình có một cảm giác như điện giật. Tôi đứng đó, cứng đờ và bất động; cả quán chìm xuống; tiếng ồn, tiếng nhạc, không còn gì, chỉ còn những hình bóng mơ hồ lãng đãng chung quanh; nhưng rõ rệt và sắc nét khủng khiếp là cái bàn, nơi đấy có một thằng nhóc đội lệch cái mũ thằng hề, tay choàng một cô gái nửa tỉnh nửa say, cặp mắt mất hồn lờ đờ, đôi môi mỏng quẹt, và dưới gầm bàn thò hai ống quần bó sát da vàng chói, lòe loẹt, bóng lộn.
Một người hầu bàn đụng vào tôi. Như say như tỉnh, tôi nhích qua một bên rồi dừng lại. Người tôi nóng ran như bị phỏng, nhưng toàn thân tôi run bây bẩy. Lòng bàn tay tôi ướt đẫm. Và rồi tôi nhìn thấy những người còn lại ở bàn. Tôi nghe họ, với vẻ mặt thách thức, đồng ca một bài hát và gõ nhịp với những ly bia. Một lần nữa, lại có người đụng vào tôi. “Đừng có chắn lối đi chứ,” hắn càu nhàu.
Tôi bước như máy và tìm được phòng rửa mặt, tôi rửa tay và chỉ ý thức được khi da tay của tôi sắp bong ra. Rồi tôi quay lại.
“Có chuyện gì thế?” Koster hỏi.
Tôi không thể trả lời. “Cậu ốm hả?” anh hỏi.
Tôi lắc đầu và liếc qua bàn bên cạnh, nơi cô gái da trắng vẫn chăm chú nhìn chúng tôi. Đột nhiên Koster tái mặt. Mắt anh nhíu hẹp. Anh chồm tới. “Đúng không?” anh hỏi rất khẻ.
“Vâng,” tôi trả lời.
“Ở đâu?”
Tôi nhìn về hướng ấy.
Koster chầm chậm đứng lên. Như một con rắn sắp mổ.
“Cẩn thận,” tôi thì thào. “Đừng làm ở đây, Otto.”
Anh khoát tay thật nhanh, rồi từ từ tiến tới. Tôi chuẩn bị đi theo. Một người đàn bà ấn cái nón giấy màu xanh lục và đỏ lên đầu anh và cài quai nón cho anh. Chị ta lùi phắt lại dù không bị anh động tay vào, và chòng chọc nhìn theo. Anh đi chầm chậm một vòng quanh phòng và trở lại.
“Không còn đó,” anh nói.
Tôi đứng lên, quan sát. Koster nói đúng. “Cậu có nghĩ là nó đã nhận ra tớ?” tôi hỏi.
Koster nhún vai. Bây giờ anh mới để ý cái mũ giấy trên đầu và tháo bỏ.
“Tớ không hiểu,” tôi nói. “Tớ chỉ ở trong phòng vệ sinh, cùng lắm là một hay hai phút.”
“Cậu đi hơn mười lăm phút.”
“Vậy hả?” Tôi nhìn cái bàn ấy một lần nữa. “Mấy người kia cũng đi rồi. Có một cô gái với họ, cô ấy cũng không còn. Nếu nó nhận ra tớ, chắc hẳn chỉ một mình nó lĩnh đi mà thôi.”
Koster ngoắc người hầu bàn. “Quán có cửa thứ nhì không?”
“Vâng, ở đàng ấy, vách bên kia, trổ ra Hardenbergstrasse.”
Koster móc trong túi một đồng kim loại và đưa cho người hầu bàn. “Chao ơi,” hắn nói.
“Xấu hổ,” cô gái da trắng ở bàn bên cạnh nói, mỉm cười. “Thật là những hiệp sĩ trang trọng.”
Bên ngoài, gió tạt mạnh vào chúng tôi. Gió dường như sương giá, so với sương mù nóng ấm bên trong.
“Cậu về đi,” Koster nói.
“Bọn chúng đông lắm,” tôi nói, leo vào xe với anh.
Xe vọt đi. Chúng tôi lùng sục tất cả những đường phố chung quanh, càng lúc càng xa, nhưng không thấy gì. Cuối cùng, Koster dừng lại.
“Biến mất,” anh nói. “Nhưng không sao. Chúng ta sẽ gặp nó ngay, chẳng sớm thì muộn.”
“Otto,” tôi nói, “chúng ta nên buông bỏ.”
Anh nhìn tôi. “Gottfried đã mất,” tôi nói và kinh ngạc trước lời nói của mình. “Việc ấy không làm Gottfried sống lại.”
Koster vẫn nhìn tôi.
“Bob,” anh chậm rãi nói, “Tớ không biết mình đã giết bao nhiêu mạng người. Nhưng tớ nhớ đã bắn một thằng lính Anh. Súng của nó bị hóc và nó không thể làm gì. Tớ đứng cách nó chỉ vài mét và trông thấy gương mặt bầu bỉnh, hãi hùng của nó, nỗi kinh hoàng hiện rõ trong ánh mắt — đó là trận đầu tiên của nó, sau này tớ mới biết, và nó chưa đầy mười tám — và tớ đã bấm cò khẩu súng máy của tớ, nã thẳng vào gương mặt trẻ thơ xinh xắn, sợ hãi và bất lực của nó, khiến hộp sọ của nó vỡ vụn như quả trứng gà. Tớ không quen nó và nó chẳng làm gì tổn hại đến tớ. Phải một thời gian dài hơn lệ thường, tớ mới quên được hình ảnh ấy và xoa dịu lương tâm của tớ bằng khẩu hiệu khốn khiếp ‘chiến tranh là thế’. Nhưng nếu tớ không giết thằng nhóc đã giết Gottfried, — bắn nó như bắn một con chó, — thì, nói cho cậu biết, việc tớ bắn thằng lính Anh là một tội ác man rợ. Cậu đồng ý không?”
“Vâng,” tôi nói.
“Và bây giờ cậu về đi. Tớ phải tiếp tục cho đến khi chấm dứt. Như một bức tường — tớ không thể đi tiếp nếu không phá bỏ.”
“Tớ không về nhà. Nếu đó là cách phải làm, chúng ta sẽ cùng làm vậy.”
“Nhảm nhí,” anh hối hả nói. “Tớ không thể để cậu giúp.” Anh dơ một tay lên, khi thấy tôi chực nói. “Tớ lo liệu được. Tớ sẽ hạ nó, không đụng đến ai khác, chỉ một mình nó mà thôi. Đừng lo.”
Anh nóng nẩy đẩy tôi khỏi ghế và lập tức lái đi.
Tôi hiểu ra, không gì có thể cản trở anh. Tôi cũng hiểu, vì sao anh không cho tôi theo. Bởi vì Pat. Nếu là Gottfried, có lẽ anh đã dẫn đi.
Tôi đến quán của Alfons. Anh là người duy nhất tôi có thể tâm sự. Tôi muốn xin anh một lời khuyên — nếu chúng tôi có thể làm bất kỳ điều gì. Nhưng anh đi vắng. Một cô gái còn ngái ngủ nói anh đi dự một cuộc mít- ting một giờ trước. Tôi ngồi xuống bàn, chờ đợi.
Quán vắng tanh. Chỉ có một quả cầu điện soi trên quầy rượu. Cô gái ngồi xuống, tiếp tục ngủ. Tôi nghĩ đến Otto và Gofffried, tôi nhìn qua cửa sổ mở ra ngoài, càng lúc càng sáng dưới ánh trăng rằm dâng cao trên những mái nhà; tôi nghĩ đến nấm mồ với chiếc thập tự đen và cái nón sắt trên đó; và bỗng nhiên tôi thấy mình đang khóc. Tôi lau nước mắt.
Một lúc sau tôi nghe tiếng chân bước nhanh và nhẹ. Cánh cửa ra sân trong mở ra và Alfons đi vào. Mặt anh loang loáng mồ hôi.
“Tớ đây, Alfons,” tôi nói.
“Đến đây, nhanh lên!”
Tôi theo anh vào phòng bên phải, sau phòng rượu. Alfons mở tủ lấy hai gói cứu thương quân sự đã cũ. “Cậu cứ băng vết thương cho tôi,” anh nói, trong khi êm ái cởi chiếc quần dài.
Có một vết cắt dài, sâu ở đùi. “Trông như vết đạn,” tôi nói.
“Là vết đạn,” Alfons gừ lên. “Băng tiếp đi mà,”
“Alfons,” tôi nói khi đứng dậy, “Otto đâu?”
“Làm sao tớ biết Otto ở đâu? anh lẩm bẩm, bóp nhẹ vết thương.
“Hai người không đi chung với nhau à?”
“Không.”
“Cậu không gặp anh ấy sao?”
“Chẳng hề gặp. Mở gói kia và đặt lên trên. Chỉ là vết sướt ngoài da.”
Anh vừa càu nhàu vừa bận bịu với vết thương của mình. “Alfons,” tôi nói, “tụi này trông thấy cái — cậu biết mà, chuyện của Gottfried — tụi này trông thấy cái thằng ấy lúc tối và Gottfried đang lùng kiếm nó.”
“Cái gì?” anh lập tức chú ý. “Cậu ấy đâu rồi? Không cần thiết nữa. Cậu ấy phải về ngay.”
“Anh ấy sẽ không chịu bỏ về.”
Alfons thẩy cây kéo qua một bên. “Cậu lái xe tới chỗ ấy. Cậu biết Otto ở đâu không? Otto phải biến đi. Nói với cậu ấy là việc của Gottfried đã liệu xong. Tớ biết trước cậu. Cậu thấy rồi đấy. Tớ bị bắn, nhưng tớ gạt được tay nó. Rồi tớ bắn. Otto đâu?”
“Ở một nơi nào đấy, gần Monkestrasse.”
“Tạ ơn Chúa. Nó đã đi khỏi chỗ ấy lâu rồi. Nhưng ta vẫn cần đưa Otto ra khỏi.”
Tôi đi đến điện thoại và gọi về bến tắc xi, nơi Gustav thường lai vãng. Gustav có mặt. “Gustav,” tôi nói, “cậu có thể lái đến giao lộ Wiesenstrasse và Bellevueplatz không? Nhanh lên nhé? Tớ đợi.”
“Được. Mười phút nữa.”
Tôi mắc ống nghe lên giá và quay lại Alfons. Anh đã mặc một chiếc quần dài khác.
“Không biết cậu cũng lùng kiếm,” anh nói. Mặt anh vẫn mướt mồ hôi. “Có lẽ tốt hơn nếu như cậu ngồi ở một địa điểm khác. Sẽ là một chứng cớ ngoại phạm. Họ có thể điều tra cậu. Không thể nào nói trước.”
“Còn cậu thì sao?” tôi nói.
“Ach, cậu nghĩ sao.” Anh nói nhanh hơn bình thường. “Lúc ấy chỉ có một mình nó. Tớ đợi sẳn trong phòng của nó. Trên gác mái. Không một láng giềng. Ngoài ra, tớ có cớ tự vệ. Vừa bước vào, nó đã bắn ngay. Không cần cớ ngoại phạm. Tuy nếu muốn, tớ có thể có cả chục cái.”
Anh nhìn tôi. Anh ngồi trên ghế, gương mặt ướt, to bè của anh hướng sang tôi, mái tóc bết dính mồ hôi, miệng méo một bên, và hầu như ta không thể chịu đựng nổi đôi mắt của anh, quá nhiều nỗi dày vò, thống khổ và tình yêu thình lình biểu lộ và tuyệt vọng trên đấy. “Giờ thì Gottfried có thể an giấc,” anh dịu dàng nói, giọng khàn đặc. “Trước đây mình có cảm giác là cậu ấy không ngủ được.”
Tôi đứng, lặng câm trước anh.
Tôi đi ra phòng rượu. Cô gái vẫn ngủ, và thở to. Bên ngoài trăng đã cao và sáng vằng vặc. Tôi đi bộ tới Bellevueplatz. Cửa sổ các ngôi nhà lóng lánh dưới trăng như những mảnh gương bạc. Gió đã lặng. Yên tỉnh tuyệt đối.
Vài phút sau Gustav lái đến. “Có gì không, Robert?” anh hỏi.
“Xe của tụi này bị đánh cắp hồi tối. Tớ nghe nói, có người nhìn thấy gần Monkerstrasse. Chúng ta có thể lái tới nơi ấy chứ?”
“Ô, dĩ nhiên. ” Gustav sốt sắng hẳn. “Thời buổi này có gì mà không bị đánh cắp? Mỗi ngày vài ba chiếc. Nhưng thông thường, chúng chỉ lái chơi một lúc đến khi xăng cạn rồi thôi.”
“Vâng; có lẽ xe của tụi này cũng bị giống thế.”
Gustav nói với tôi, anh sẽ cưới vợ. Một em bé sắp sửa chào đời, vì thế không có chọn lựa nào khác ngoài hôn nhân. Chúng tôi lái đến Monkestrasse, rồi các con đường nhỏ bên cạnh.
“Nó kia rồi!” Gustav bỗng kêu lên.
Xe đậu trong một ngõ tối, kín đáo. Tôi bước xuống, lấy chìa khóa xe và nổ máy. “O.K. Gustav,” tôi nói. “Cám ơn cậu nhiều lắm, đã chở tớ tới đây.”
“Chúng ta nên đi nhậu ở đâu đó không nhỉ?” anh hỏi.
“Không, tối nay không được. Ngày mai nhé. Tớ phải đi ngay.”
Tôi thò tay vào túi lấy tiền trả cho Gustav.
“Tay cậu ướt thế à?” anh hỏi.
“Vâng, cám ơn, Gustav. Đừng chờ tớ. Au revoir.”
“Cậu có muốn mình giúp cậu đi tìm thằng ăn cắp xe không?”
“Không, không, chắc nó đã bỏ đi lâu rồi.” Thình lình trong tôi dấy lên sự nóng nảy. “Au revoir, Gustav.”
“Cậu còn đủ xăng không?”
“Vâng, còn đủ. Đã kiểm. Thôi, ngủ ngon nhé.”
Anh lái đi. Tôi đợi một lát, rồi chạy theo, đến Monkestrasse và lái trên đường đó, gài số ba. Khi tôi vòng lại, Koster đứng ở một góc.
“Cậu làm gì vậy?”
“Lên xe,” tôi nói nhanh. Cậu không cần lẩn quẩn ở đây nữa. Tớ đã tới quán của Alfons. Anh ấy — anh ấy đã gặp nó.”
“Và?”
“Vâng,” tôi nói.
Koster leo lên xe không nói một lời. Anh không lái. Anh ngồi cạnh tôi, hơi co cụm, và tôi cầm tay lái. “Ta nên chạy về nhà của tớ?” tôi hỏi.
Anh gật đầu. Tôi tăng ga và lái theo con đường cạnh kênh đào. Dòng nước như một dãi bạc lớn bản. Nhà kho phía bên kia bờ nằm sâu, đen trong bóng đêm, nhưng những con đường là những luồng sáng xanh nhạt lướt thướt mà lốp xe trượt trên đó như trên một lớp tuyết vô hình. Những ngọn tháp giáo đường thời Baroque to rộng, chễm chệ bên trên những mái nhà. Chúng xanh lục và trắng bạc trên nền trời dạ quang, chìm lấp, nơi mặt trăng lơ lửng như một củ hành lộng lẫy, cháy bỏng.
“Tớ vui vì chuyện đã xảy ra theo chiều hướng ấy, Otto,” tôi nói.
“Tớ thì không,” anh đáp. “Phải chi chính tay tớ bắt được nó.”
Đèn trong phòng Frau Zalewski vẫn sáng. Trong lúc tôi mở khóa cửa, bà từ phòng khách bước ra. “Cậu có điện tín,” bà nói.
“Điện tín?” tôi ngạc nhiên hỏi. Tôi còn mãi nghĩ về đêm nay. Rồi tôi hiểu, và chạy về phòng. Bức điện nằm giữa bàn, trắng lốp như phấn dưới ánh đèn chói gắt. T’ôi xé niêm; buồng ngực của tôi thắt nghẽn; những con chữ quay cuồng, biến mất, rồi hiện ra; tôi thở nhẹ nhõm; mọi thứ đứng im lại và tôi đưa bức điện cho Koster. “Tạ ơn Chúa, tớ cứ tưởng –“
Chỉ vỏn vẹn ba chữ: ROBBY, ĐẾN NGAY.
Tôi lại cầm bức điện. Sự an tâm tan đi. Nỗi lo lắng trở về.
“Không biết chuyện gì đây, Otto? Chúa ơi, sao cô ấy không viết rõ hơn? Chắc phải có chuyện chẳng lành.”
Koster đặt phiến giấy xuống bàn. “Lần cuối cậu nói chuyện với cô ấy là khi nào?”
“Tuần trước. Không lâu hơn thế.”
“Hãy gọi điện thoại. Nếu có bề gì, chúng ta sẽ lên đường ngay. Bằng xe hơi. Cậu có chương trình xe lửa không?”
Tôi xin gọi dưỡng đường và ra phòng khách của Frau Zalewski lấy tờ chương trình xe lửa.
“Chuyến tàu thuận tiện nhất sẽ khởi hành trưa mai,” anh nói. “Vậy ta nên lái xe, càng xa càng tốt. Chúng ta có thể đuổi kịp chuyến tàu trước. Hy vọng ta sẽ tới nơi nhanh hơn vài tiếng. Cậu nghĩ sao?”
“Vâng, bất kỳ cách nào.” Tôi không thể hình dung tôi sẽ chịu đựng những giờ buồn tẻ trên tàu ra sao.
Điện thoại reo. Koster cầm tờ chương trình về phòng tôi.
Dưỡng đường trả lời. Tôi xin gặp Pat. Một phút sau, bà quản lý bảo tôi rằng nếu Pat không nói chuyện, có lẽ sẽ tốt hơn.
“Có vấn đề gì chứ?” tôi quát lên.
“Thổ huyết nhẹ mấy hôm trước. Và hiện đang sốt.”
“Nói với cô ấy là tôi sẽ đến,” tôi nói. “Với Koster và Karl. Chúng tôi lên đường ngay tức thì. Bà hiểu không?”
“Với Koster và Karl,” giọng nói lập lại.
“Vâng. Nhưng báo cho cô ấy biết ngay. Chúng tôi sắp lên đường.”
“Tôi sẽ cho cô ấy biết ngay.”
Tôi về phòng mình. Kỳ lạ thay, đôi chân của tôi nhẹ tâng. Koster ngồi ở bàn viết, hí hoáy ghi các chuyến tàu.
“Cậu chuẩn bị hành lý,” anh nói. “Còn tớ lái về nhà lấy đồ của tớ. Tớ sẽ trở lại trong nửa giờ.”
Tôi kéo va-li ra khỏi tủ. Đó là va-li của Lenz, với các tấm nhãn khách sạn màu mè. Tôi sắp quần áo vào va -li, thu xếp công việc với Frau Zalewski và ông chủ quán International. Rồi tôi ngồi bên cửa sổ trong phòng, chờ Koster. Trời rất tĩnh lặng. Tôi nghĩ đến việc tối mai sẽ ở bên Pat, và một cảm giác nóng ấm, chứa chan hy vọng bỗng dâng trong lòng tôi, khiến những tình cảm khác — sợ hãi, lo lắng, u sầu, tuyệt vọng đều biến mất. Tối mai tôi sẽ được ở cạnh nàng –một hạnh phúc không thể hiểu, một điều mà tôi không còn nghĩ rằng có thể xảy ra. Quá nhiều thứ đã tàn lụi, từ dạo ấy.
Tôi xách va-li xuống lầu. Mọi thứ bỗng thân cận và ấm áp; cầu thang, mùi ẩm mốc của đầu cầu thang, mặt nhựa đường xám-cao su, lấp lánh và lạnh, trên đó Karl đang trờ tới.
“Tớ mang theo vài tấm chăn,” Koster nói. “Trời sẽ lạnh. Cậu quấn cho kỹ vào.”
“Ta thay nhau lái, hở?” tôi hỏi.
“Vâng. Nhưng để tớ lái trước. Lúc ban chiều, tớ đã đánh một giấc.”
Nửa giờ sau chúng tôi để lại thành phố sau lưng và đêm trăng vằng vặc đón chào chúng tôi. Con đường trắng xa tít tận chân trời. Sáng đến nỗi chúng tôi có thể lái xe mà không cần đèn pha. Tiếng động cơ trầm như một nốt organ; nó không làm hỏng đi sự yên lặng, mà còn tăng thêm ý nghĩa.
“Cậu cần chợp mắt một lát,” Koster nói.
Tôi lắc đầu. “Không thể, Otto.”
“Vậy ít ra cũng cố thư giản, để sớm mai được tỉnh táo. Chúng ta có nguyên một nước Đức để lái xuyên qua.”
“Tớ thích như thế này lắm.”
Tôi vẫn ngồi cạnh Koster. Trăng lướt trên vòm trời. Đồng ruộng óng ánh như mặt xà cừ. Thỉnh thoảng một vài ngôi làng vút qua, đôi khi một thành phố, ngủ say, trống rỗng, lòng đường giữa những dãy nhà đong đầy ánh trăng yêu ma, vô hình khiến đêm trở thành một cuộn phim hư ảo.
Gần sáng trời trở lạnh. Đồng cỏ bỗng dưng lóng lánh với sương mai, cây cối như thép chảy trên nền trời xám; trong rừng, gió bắt đầu thổi và đây đó những làn khói dài tha thướt bốc lên từ những ống khói. Tới phiên tôi và tôi lái đến mười giờ. Rồi chúng tôi có một bửa điểm tâm vội vàng ở một lữ quán ven đường và tôi tiếp tục lái đến mười hai giờ. Từ lúc ấy trở đi, Koster giữ tay lái. Nếu một mình, anh còn lái nhanh hơn nữa.
Buổi chiều, khi trời chạng vạng, chúng tôi đến chân núi. Chúng tôi có mang theo xích sắt và thuổng xúc tuyết và hỏi thăm có thể lái được bao xa nữa.
“Với xích sắt, các ông có thể thử,” người thư ký Câu Lạc Bộ Xe Hơi nói. “Năm nay trời ít tuyết. Nhưng ở những kí lô mét cuối cùng, sẽ ra sao, tôi không thể đoan chắc. Các ông có thể mắc kẹt ở đấy.”
Còn rất lâu xe lửa mới đến nên chúng tôi quyết định lái xe lên núi. Trời lạnh nên không sợ có sương mù. Xe ngoan ngoãn leo con dốc ngoằn ngoèo. Được nửa đường, chúng tôi lắp xích vào bánh xe. Đường đã được cào tuyết, nhưng nhiều đoạn có một lớp giá mỏng ở trên và xe bị chao đảo. Đôi khi chúng tôi phải xuống xe và hì hục đẩy. Hai lần chúng tôi bị lún và phải dùng thuổng xúc cho Karl thoát ra. Ở ngôi làng cuối, chúng tôi xin một xô cát, vì chúng tôi đang ở một nơi rất cao và chúng tôi sợ những khúc quanh của đường xuống núi đóng giá. Bấy giờ trời đã tối hẳn. Vách núi thẳng đứng, chót vót và trơ trụi vươn lên trời đêm, đường đèo hẹp lại, máy xe gầm gừ ở số nhỏ nhất, và hết khúc quanh này đến khúc quanh khác đường xuống thấp dần. Thình lình đèn pha trợt khỏi sườn núi và lao vào hư không, núi mở ra, và trước mặt chúng tôi, đèn giăng như lưới trên ngôi làng thung lũng.
Xe lao như sấm giữa các cửa tiệm hai bên phố chính. Khách bộ hành nhảy tránh; giật mình trước hình ảnh khác thường, ngựa giật lùi; một cỗ xe trượt tuyết tự tuột dốc; xe chúng tôi lướt qua các khúc cong, vào dưỡng đường và dừng trước hiên. Tôi nhảy xuống; như qua một màng voan mỏng, nhìn thấy những gương mặt tò mò, người ta, văn phòng, thang máy; rồi tôi chạy trong hành lang trắng, tung cửa, và trông thấy Pat; như tôi đã trông thấy nàng hàng trăm lần trong mơ và ước vọng; nàng lại gần và tôi ôm nàng vào lòng, như ôm chính đời sống và còn hơn cả đời sống.
“Tạ ơn Chúa,” tôi nói, khi đã hoàn hồn. “Anh cứ tưởng em còn nằm trên giường.”
Trên vai tôi, nàng lắc đầu. Rồi nàng đứng thẳng lại, ấp tay vào mặt tôi và nhìn.
“Cứ nghĩ xem, anh có mặt nơi đây,” nàng khẻ nói. “Và anh đến thăm em!”
Nàng hôn tôi, chăm chút, thận trọng, yếu ớt, như hôn một vật mà ta không muốn làm tan vỡ. Khi chạm môi nàng, tôi run lên. Mọi thứ xảy ra quá nhanh, tôi chưa bắt kịp. Tôi chưa có mặt ở đây; tôi vẫn còn di chuyển, tiếng máy xe gầm rú, và con đường. Tôi có cảm giác như một người bước ra khỏi giá lạnh và đêm tối vào một căn phòng ấm; hắn cảm thấy sức nóng trên da, chính mắt nhìn thấy điều ấy, nhưng vẫn chưa kịp ấm.
“Tụi anh lái khá nhanh,” tôi nói.
Nàng không trả lời. Nàng nhìn tôi trong im lặng. Gương mặt nghiêm trang của nàng mang một vẻ quyết liệt, mắt nàng kề sát mắt tôi, và như thể nàng cố tìm lại một điều hệ trong. Tôi luống cuống. Tôi đặt tay lên vai nàng và cụp mắt xuống.
“Anh ở lại chứ?” nàng hỏi.
Tôi gật đầu.
“Hãy nói. Nói rằng một lần nữa, anh sẽ bỏ đi, để ngay lúc này em được biết.”
Tôi định nói là tôi chưa biết, và có lẽ tôi sẽ ra về trong vài ngày tới, bởi vì tôi không đủ tiền trọ. Nhưng tôi không thể thốt nên lời. Tôi không thể, cách nàng nhìn tôi như thế.
“Vâng,” tôi nói. ” Anh ở lại. Cho đến khi hai đứa mình về cùng một lúc.”
Mặt nàng không đổi. Nhưng rồi, đột nhiên nó rạng ngời, như thắp sáng bên trong.
“Ach,” nàng thì thầm, “nếu không, làm sao em chịu nổi.”
Qua vai nàng, tôi cố đọc tấm biểu đồ thân nhiệt treo trên đầu giường. Nàng biết, giật tờ giấy khỏi hộp, vo tròn và thẩy dưới gầm giường. “Không còn ý nghĩa nữa,” nàng nói.
Tôi ghi nhớ vị trí của viên giấy và định là sau đó khi nàng không để ý sẽ cất vào túi.
“Em ốm à?” tôi hỏi.
“Nhẹ thôi. Nhưng đã khỏi.”
“Bác sĩ nói sao?”
Nàng cười. “Đừng hỏi tới bác sĩ. Đừng hỏi gì cả. Anh có mặt ở đây, thế là đủ.”
Nàng đã thay đổi bất ngờ. Tôi không hiểu có phải vì đã lâu tôi không gặp nàng, nhưng tôi cảm thấy nàng không giống như xưa. Cử động duyên dáng hơn, da ấm hơn, cách nàng đến với tôi khác hơn; nàng không chỉ là một cô gái trẻ đẹp mà ta cần bảo vệ; một điều gì đó đã xâm nhập, và trước đây tôi thường mù mờ không biết nàng có yêu tôi không, nay thì tôi biết rõ, nàng không che dấu điều ấy nữa, nàng hoạt bát và thân cận với tôi hơn bao giờ hết, sống động hơn, gần gủi hơn và xinh đẹp hơn, thú vị vui tươi hơn nhưng trong một cách thức lạ lùng, cũng gây nhiều lo âu hơn.
“Pat,” tôi nói. “Anh phải xuống lầu một lát. Koster chờ bên dưới. Tụi anh phải tìm chỗ trọ.”
“Koster? Còn Lenz đâu?”
“Lenz…,” tôi nói. “Lenz phải ở nhà.”
Nàng không để ý. “Em dám mạo hiểm xuống dưới nhà không?” tôi hỏi. “Hay tụi anh nên lên đây?”
“Chuyện gì em cũng dám. Hiện nay em có thể làm đủ mọi thứ. Chúng ta sẽ xuống lầu, gọi rượu. Em sẽ nhìn anh uống.”
“Tốt. Vậy tụi anh chờ em ở phòng khách dưới nhà.”
Nàng đến tủ lấy một chiếc áo đầm. Thừa lúc ấy,tôi dấu viên giấy biểu đồ vào túi.
“Được rồi, Pat; một chốc nữa gặp lại em, nhé?”
“Robby,” nàng bước theo và quàng tay lên cổ tôi. “Em có nhiều chuyện muốn kể với anh.”
“Anh cũng thế, Pat. Nhưng mình đủ thì giờ mà. Mình sẽ tâm tình suốt ngày. Ngày mai. Thuở ban đầu chúng ta không được vậy.”
Nàng gật đầu. “Vâng, chúng ta sẽ kể cho nhau nghe tất cả. Chúng ta sẽ biết rõ về nhau, như chưa bao giờ chia cách.”
“Dù sao, chúng ta chưa hề chia cách,” tôi nói.
Nàng mỉm cười. “Em không cảm thấy như thế. Em không đủ sức mạnh. Em khổ sở hơn nhiều. Em không thể tự an ủi khi đơn độc. Lẻ loi, em chỉ biết vậy. Sẽ dễ dàng hơn khi ta đơn côi mà không có tình yêu.” Nàng tiếp tục mỉm cười. Nụ cười ngớ ngẩn, vô hồn; nàng cố gắng bám víu, nhưng ta có thể thấy rõ điều ấy.
“Pat,” tôi nói, “bà già can đảm.”
“Lâu lắm em mới nghe anh gọi thế,” nàng nói, và mắt đẫm lệ.
Tôi xuống nhà gặp Koster. Hành lý đã được lấy khỏi xe. Họ cho chúng tôi hai phòng sát nhau thuộc dãy nhà phụ. “Nhìn này,” tôi nói, chìa cho anh tấm biểu đồ thân nhiệt. “Khi cao khi thấp.”
Chúng tôi bước trên mặt tuyết lạo xạo, đi tới bậc thềm. “Ngày mai cậu hỏi bác sĩ,” Koster nói. “Chỉ có thân nhiệt mà thôi, không đầy đủ.”
“Theo tớ, đủ rồi,” tôi trả lời và vo tròn nó và nhét vào túi.
Chúng tôi tắm gội. Rồi Koster qua phòng tôi. Trông anh như vừa thức giấc. “Phải mặc y phục vào, Bob,” anh nói.
“Vâng,” tôi choàng tỉnh khỏi giấc trầm tư và mở va -li, cất áo quần vào tủ..
Chúng tôi trở lại dưỡng đường. Karl vẫn đậu bên ngoài. Koster đã phủ một tấm chăn trên đầu máy. “Chừng nào ta về, Otto?”
Anh đứng lại. “Tớ định là tối mai hay sáng sớm hôm sau sẽ về. Còn cậu, ở lại.”
“Nhưng tớ biết làm sao đây?” tôi tuyệt vọng. “Tớ chỉ đủ tiền trọ cho mười ngày. Còn viện phí của Pat chỉ trả tới mười lăm tây. Tớ phải về, đi làm kiếm tiền. Chắc ở đây không cần một nhạc sĩ dương cầm tồi.”
Koster cúi mình trên đầu xe và nhấc tấm chăn. “Tớ sẽ chạy tiền cho cậu,” thẳng người lên, anh nói. “Cậu cứ ở lại, đừng bận tâm về chuyện ấy.”
“Otto,” tôi nói, “Tớ biết cậu thu được bao nhiêu từ cuộc đấu giá. Chẳng tới ba trăm marks.”
“Không phải thế. Tớ sẽ kiếm thêm. Đừng lo. Trong vòng tám ngày, cậu sẽ có tiền.”
“Cậu được hưởng gia tài à?” tôi hỏi với một niềm hân hoan ảm đạm.
“Gần như thế. Để mặc tớ. Cậu không thể rời bỏ nàng.”
Koster trải lại tấm chăn trên đầu máy. Anh vuốt ve nắp xe. Rồi chúng tôi vào phòng khánh tiết và ngồi cạnh lò sưởi. “Chắc trễ lắm, mấy giờ rồi nhỉ?” tôi hỏi.
Koster nhìn đồng hồ tay. “Sáu giờ ba mươi.”
“Tuyệt vời,” tôi nói. “Tớ tưởng phải khuya lắm rồi.”
Pat đi xuống cầu thang. Nàng mặc chiếc áo lông ngắn và băng qua phòng khách đến chào Koster. Lần đầu tôi được thấy làn da của nàng nâu đến mực nào. Màu đồng đỏ, và trông nàng giống một cô Da Đỏ trắng trẻo.
“Em có bị sốt không?” tôi hỏi.
“Gây gây thôi,” nàng đáp, nhanh và mơ hồ. “Buổi tối tại đây ai cũng sốt. Chỉ vì anh đã đến. Anh không mệt à?”
“Mệt vì cái gì cơ?”
“Vậy mình ra quầy rượu. Anh biết không, đây là lần đầu tiên em có người thăm.”
“Tại đây có quầy rượu?”
“Vâng, bé thôi. Ít ra cũng là một góc phòng, gần giống quầy rượu. Là một phần của việc trị liệu. Phải làm đủ cách để không có thứ gì giống như bệnh viện. Ta chỉ được uống những thứ họ cho phép.”
Quầy rượu đầy người. Pat chào hỏi khá nhiều. Có một người Ý mà tôi ưa thích. Chúng tôi ngồi vào một cái bàn vừa trống.
“Vậy em uống gì?” tôi hỏi.
“Một ly cocktail với rum. Thứ ta thường uống ở quán ‘The Bar.’ Anh biết công thức chứ?”
“Đơn giản thôi,” tôi nói với cô hầu bàn. “Nửa phần port, nửa phần Jamaica rum.”
“Hai ly,” Pat nói. “Và một ly Đặc Biệt.”
Cô gái đem ra hai ly Porto-Roncos và một ly màu đỏ tươi. “Ly ấy của tôi,” Pat nói. Nàng đẩy hai ly rum lại gần chúng tôi. “Salut!”
Nàng đặt ly xuống bàn mà không nhấp môi, nhìn quanh, rồi nhanh tay tráo nó với ly rượu của tôi và uống cạn. “Ach,” nàng nói, “sao mà ngon thế.”
“Em gọi món thổ tả gì vậy?” tôi hỏi, nếm thứ dung dịch đỏ tươi đáng ngờ ấy. Nó có vị của quả mâm xôi và chanh. Không chứa một giọt rượu.
“Ngon quá,” tôi nói.
Pat nhìn tôi.
“Với người khát nước,” tôi thêm vào.
Nàng cười to. “Gọi một ly Porto-Ronco nữa nhé. Nhưng cho anh. Em không được phép uống.”
Tôi ra dấu cho cô gái. “Một Porto-Ronco và một Đặc Biệt,” tôi nói. Tôi thấy ở các bàn chung quanh, nhiều người uống ly Đặc Biệt.
“Cho em mạo hiểm hôm nay, Robby nhé?” Pat nói. “Chỉ hôm nay mà thôi? Như ngày xưa. Vâng, cho em nhé, Robby nhé?”
“Ly Đặc Biệt cũng khá ngon,” tôi trả lời và uống ly thứ hai.
“Em ghét nó. Tội nghiệp Robby, anh phải uống thức giải khát ở đây.”
“Nếu ta gọi cho nhanh, thế nào anh cũng hưởng phần,” tôi nói.
Pat cười to. “Chút nữa, sau bửa ăn tối, em sẽ được uống một thứ gì ấy. Vang đỏ.”
Chúng tôi gọi vài ly Porto-Roncos nữa, rồi vào phòng ăn. Trông Pat thật đáng yêu. Gương mặt rạng ngời. Chúng tôi ngồi ở một cái bàn nhỏ phủ khăn trắng, cạnh cửa sổ. Phòng ấm, và dưới kia là ngôi làng trong tuyết với những con đường sáng đèn.
“Helga Guttmann đâu em?” tôi hỏi.
“Đã đi,” Pat nói, sau một chút ngập ngừng.
“Đã đi? Sớm thế ư?”
“Vâng,” Pat đáp và tôi hiểu ý nàng.
Cô hầu bàn đem ra một chai vang đỏ sậm. Koster rót vào ly. Mọi bàn ăn đều có người ngồi. Ai nấy cười nói râm ran. Tôi nắm tay Pat.
“Anh yêu,” nàng nói âu yếm, ngọt ngào. “Em không thể chịu đựng nhiều hơn nữa.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.