Chiến hữu

CHƯƠNG 26



Tôi bước khỏi phòng của bác sĩ trưởng khoa; Koster chờ tôi ở hành lang. Anh đứng lên khi nhìn thấy tôi. Chúng tôi ra ngoài sân và ngồi trên băng ghế trước dưỡng đường.
“Xấu, Otto,” tôi nói. “Tệ hơn là tớ nghĩ.”
Một nhóm người trượt tuyết đi qua, ồn ào. Một vài bà tre trét dầu, với gương mặt rám nắng khỏe mạnh và hàng răng to trắng. Họ sôi nổi nói với nhau rằng họ đói cồn cào như sói. Chúng tôi chờ cho họ qua khỏi.
“Lối sống ấy, dĩ nhiên,” tôi nói. “Hưởng thụ đến tận xương tủy. Làm ta phát bệnh!”
“Cậu nói chuyện thẳng với bác sĩ trưởng khoa chứ?” Koster hỏi.
“Vâng. Bác sĩ đã giải thích cặn kẻ, với tất cả sự dè dặt cần thiết. Nhưng điều tối hậu là bệnh trở nặng. Ông ấy lại cứ nhất quyết là như thế lại tốt hơn.”
“Tớ không hiểu.”
“Ông ấy nói, nếu Pat vẫn sống ở đồng bằng, có lẽ tất cả hy vọng đã tiêu tan. Nhờ điều trị ở đây, bệnh phát triển chậm. Vì thế, ông ấy cho là tốt hơn.”
Koster ấn đế giày xuống lớp tuyết cứng thành những dấu bâng quơ. Rồi anh đứng lên. “Vậy, bác sĩ còn hy vọng?”
“Y sĩ luôn luôn hy vọng, đó là một phần công việc của ông ta. Nhưng tớ chẳng hy vọng cái chó gì nữa. Tớ hỏi ông ấy, đã bơm khí nén phổi cho nàng chưa. Ông ấy nói không ích gì. Người ta đã làm thủ thuật ấy cho nàng nhiều năm trước. Hiện nay, cả hai lá phổi đều nhiễm trùng. Căn bệnh ấy là con ác quỷ, Otto.”
Một bà già với đôi ủng đi tuyết đã mòn dừng lại trước chúng tôi. Bà có gương mặt tái xanh, thối rữa, đôi mắt xám như đá và vô hồn như mắt người mù. Một tấm lông thú kiểu lỗi thời quấn quanh cổ. Bà rị mọ đưa cặp mục kỉnh cầm tay lên gần mắt, quan sát chúng tôi; rồi lê chân bước đi.
“Hồn ma kinh tởm,” tôi càu nhàu.
“Bác sĩ còn nói gì khác không?” Koster hỏi.
“Ông ấy giải thích đường hướng bịnh tình có thể phát triển. Ông ấy có nhiều bệnh nhân cùng một lứa tuổi với nàng. Hậu quả của chiến tranh. Suy dinh dưỡng khi đang lớn. Nhưng điều ấy có liên quan gì tới tớ? Nàng phải lành bệnh.” Tôi nhìn anh. “Dĩ nhiên ông ấy nói là ông ấy thường gặp phép lạ. Đặc biệt với chứng bệnh này, đôi khi bệnh đột nhiên ngưng lại, vi khuẩn hóa nang và lành, ngay cả những trường hợp thê thảm nhất. Jaffe cũng nói vậy. Nhưng tớ không tin vào phép lạ.”
Koster không trả lời. Chúng tôi ngồi cạnh nhau trong im lặng. Chúng tôi biết nói gì đây? Chúng tôi đã chứng kiến quá nhiều để có thể nói lời an ủi.
“Đừng để cho nàng biết, Bob,” cuối cùng Koster nói.
“Dĩ nhiên,” tôi đáp.
Chúng tôi tiếp tục ngồi cho đến khi Pat xuất hiện. Tôi không nghĩ gì hết; tôi cũng chẳng tuyệt vọng; tôi chỉ thẩn thờ và xám ngoét và như đã chết.
“Cô ấy đến kìa,” Koster nói.
“Dĩ nhiên,” tôi nói, đứng dậy.
“Chào hai anh!” Pat đến gần, vẫy tay. Nàng hơi chếch choáng và cười lớn. “Em hơi say. Với mặt trời. Mỗi lần tắm nắng em đều quay cuồng như một người thủy thủ già.”
Tôi nhìn nàng, và trong một thoáng tất cả đều thay đổi. Tôi không tin bác sĩ nữa; tôi tin vào phép lạ. Nàng ở đấy; nàng sống động; nàng đứng và nói cười — tất cả những thứ khác chìm khuất.
“Sao mặt anh dài ngoẳng vậy?” nàng hỏi.
“Gương mặt của đô thị, không thích ứng với nơi đây,” Koster nói. “Tụi anh chưa quen với mặt trời.”
Nàng cười. “Hôm nay là ngày lành của em. Em không bị sốt. Em có thể ra ngoài. Chúng ta nên xuống làng và uống một chút rượu khai vị chứ?”
“Chắc chắn rồi.”
“Thế thì, ta đi.”
“Chúng ta nên dùng xe trượt tuyết không nhỉ?” Koster hỏi.
“Em có thể chịu được,” Pat nói.
“Anh biết,” Koster nói. Nhưng anh chưa hề ngồi trong thứ xe như thế. Anh muốn thử một lần.”
Chúng tôi ngoắc một bác tài và chúng tôi ngồi trong xe, trượt trên con đường cực kỳ khúc khuỷu xuống làng. Bên ngoài một quán cà phê với một mảnh vườn nhỏ ngập nắng, chúng tôi dừng xe và bước xuống. Đủ mọi hạng người, và tôi nhận ra vài gương mặt ở dưỡng đường. Người Ý gặp ở quầy rượu là một trong những người ấy. Anh tên là Antonio, và anh đến bàn chúng tôi, chào Pat. Anh kể rằng, có vài người nghịch ngợm tối qua đã đẩy một bệnh nhân, say ngủ, với giường và chăn gối các thứ, vào phòng của bà hiệu trưởng già cốc đế.
“Tại sao họ lại làm vậy?” tôi hỏi.
“Ông ấy đã lành bệnh và trong vài ngày nữa sẽ ra về,” Antonio trả lời. “Họ luôn luôn quậy phá kiểu ấy.”
“Đó là cách khôi hài đen, nổi tiếng của những người còn ở lại, anh yêu,” Pat nói.
“Những người sống ở đây như trẻ nít, thật đấy,” Antonio nói, như xin lỗi.
“Lành bệnh, tôi thầm nghĩ; người ta lành bệnh và được về. “Em thích uống chi, Pat?” tôi hỏi.
“Một ly Martini. Một ly Martini ngon, đắng.”
Radio bắt đầu phát thanh. Những bài luân vũ thành Viên. Chúng bồng bềnh trong không khí tươi ấm như những biểu ngữ sáng và nhẹ như mây. Hầu bàn đem ra Martini. Chúng mát lạnh và lấm tấm những hạt mồ hôi dưới nắng.
“Ngồi ở đây thú vị, anh nhỉ?”
“Tuyệt lắm,” tôi đáp.
“Nhưng đôi khi, không thể chịu nổi,” nàng nói.
Chúng tôi ở lại đến trưa. Pat đặc biệt thích vậy. Gần đây, nàng luôn phải ở trong dưỡng đường và đây là lần đầu tiên nàng được ra ngoài; nàng bảo họ rằng nàng sẽ cảm thấy khỏe gấp đôi nếu được xuống làng ăn trưa. Antonio dùng bửa cùng với chúng tôi. Sau đó chúng tôi ra xe trở về và Pat lên phòng nàng, nghĩ trong hai giờ. Koster và tôi đến ga-ra mang Karl ra kiểm tra. Chúng tôi phải thay hai ống nhún bị gẫy. Ông chủ ga-ra có dụng cụ và chúng tôi bắt tay vào làm. Rồi chúng tôi châm dầu và vô mỡ chu đáo cho khung gầm. Khi xong việc, chúng tôi đẩy Karl ra đường. Tai rũ và thân thể vấy bùn, nó đứng trong tuyết.
“Ta nên tắm nó chứ?” tôi hỏi.
“Không, còn đi tiếp,” Koster nói. “Nó không thích vậy đâu.”
Pat nhập bọn. Trông nàng ấm áp và phục hồi. Con cún của nàng lăng xăng nhảy nhót chung quanh. “Billy!” tôi gọi. Nó ngừng lại và nhìn tôi, nhưng không quá thân thiện. Nó không nhận ra tôi, và bối rối khi Pat nhắc nhở nó về tôi.
“Chóng quên thế,” tôi nói. “Tạ ơn Chúa, nhân loại có trí nhớ tốt hơn. Hôm qua nó ở đâu?”
Pat cười. “Nó nằm dưới giường cả ngày. Nó ghen khi em có khách, và đi trốn và dỗi hờn.”
“Trông em tuyệt vời,” tôi nói.
Nàng sung sướng liếc tôi. Rồi nàng đến bên Karl. “Em muốn được ngồi vào xe và lái một đoạn ngắn.”
“Sao lại không?” tôi nói. “Cậu thấy thế nào, Otto?”
“Dĩ nhiên. Cô có áo khoác dầy, và trên xe đầy đủ chăn và khăn choàng.”
Pat ngồi trước, núp sau kính chắn gió, cạnh Koster. Karl gầm rú. Ống thải khí phà hơi nước trắng xanh trong không khí lạnh. Động cơ vẫn chưa ấm hẳn. Xích sắt kêu lạch cạch, từ từ di chuyển trên tuyết. Khục khặc, lộc cộc, và càu nhàu, Karl trườn xuống làng, dọc theo con đường chính, như một con sói núp giữa tiếng dậm chân của bầy ngựa và tiếng leng keng của chuông xe trượt tuyết.
Chúng tôi ra khỏi làng. Chiều đã muộn và những cánh đồng tuyết óng ánh một màu đỏ, nhuộm bởi mặt trời lặn. Vài đụn rơm trên sườn núi hầu như vùi lấp trong màu trắng. Như những dấu phẩy tí hon, những người trượt tuyết cuối cùng lướt vào thung lũng, ngang phía dưới vầng mặt trời đỏ ối, khi ấy một lần nữa huy hoàng bên trên dốc núi, như một quả cầu lửa tối mờ.
“Hôm qua anh có đi ngang đây?” Pat hỏi.
“Có.”
Xe ngừng lại ở đỉnh thứ nhất. Hôm qua, khi chạy nhanh qua đây trong đêm xanh, loang loáng thủy tinh, chúng tôi chẳng để ý tới nó. Chúng tôi chỉ chú tâm vào con đường.
Thung lũng mở ra những gò đống trùng điệp. Lưng của các dãy núi xa xôi vẽ một đường sắc nét trên nền trời lục nhạt. Chúng ửng vàng. Những đém vàng lớt phớt như bụi phủ trên các cánh đồng tuyết ở chân núi dưới đỉnh. Mỗi giây phút trôi qua, những dốc núi càng chuyển thành màu đỏ phơn phớt trắng lộng lẫy hơn, và bóng tối xanh đen hơn. Mặt trời đứng ở khoảng cách giữa hai đỉnh núi lóng lánh, và thung lũng mông mênh với những vạt đất khi nhô cao khi trũng thấp, như một cuộc diễn hành lấp lánh, lặng câm, bao la trước một kẻ trị vì đang hấp hối. Con đường là dãi lụa tím cuộn quanh đồi, biến mất, rồi lại hiện ra, sậm tối ở những khúc cong, đi qua thôn làng, rồi thẳng tắp theo yên đèo đến tận chân trời.
“Em chưa bao giờ đi xa khỏi làng như thế,” Pat nói. “Có phải đây là đường về?”
“Phải.”
Nàng im lặng, nhìn theo. Rồi nàng bước xuống xe, lấy tay che trên mắt. Rồi nàng đăm đăm nhìn về hướng bắc, như thể đã nhìn thấy những ngọn tháp trong thành phố. “Từ đây về nhà bao xa?” nàng hỏi.
“Chừng một ngàn kí lô mét. Trong tháng Năm, ta sẽ về. Otto sẽ đến đón chúng ta.”
“Tháng Năm,” nàng lập lại. “Chúa ơi, tháng Năm.”
Mặt trời từ từ hạ thấp. Thung lũng trở nên sống động; bóng tối trước đây ngồi xổm trong nếp gấp của đất, bắt đầu êm ái bò ra và leo cao dần như những con nhện khổng lồ. Trời trở lạnh. “Chúng ta phải quay về, Pat.” tôi nói.
Nàng ngước lên và đột nhiên trên gương mặt nàng hiện ra vẻ đau đớn. Tôi thấy ngay rằng nàng đã biết tất cả. Nàng biết nàng sẽ không bao giờ thoát khỏi dãy núi chập chùng không biết xót thương ở chân trời, nàng biết điều ấy và muốn dấu chúng tôi, cũng như chúng tôi muốn dấu nàng, nhưng trong một khoảnh khắc nàng đã để lộ trên đôi mắt tất cả những nỗi khổ đau của thế gian. “Ta hãy lái xa thêm một chút,” nàng nói. “Xuống một chút nữa thôi.”
“Đến đây,” tôi nói, sau khi liếc qua Koster. Nàng ngồi băng sau với tôi, tôi để nàng tựa vào lòng tôi và tôi kéo chăn đấp cho cả hai. Xe từ từ lăn bánh, đổ dốc, đi vào thung lũng và bóng tối.
“Robby, anh yêu,” Pat thì thầm trên vai tôi, “chúng ta như đang về nhà, trở lại cuộc sống cũ –“
“Vâng,” tôi nói và kéo chăn đến tận mái tóc nàng.
Càng xuống thấp, trời càng tối rất nhanh. Pat nằm gọn dưới chăn. Nàng lần tay vào ngực tôi, dưới lớp sơ mi; tôi cảm nhận bàn tay của nàng trên da tôi, rồi hơi thở, rồi đôi môi, và rồi nước mắt của nàng.
Một cách thận trọng, để nàng không biết xe đang trở đầu, Koster đánh một vòng thật rộng ở khu thương mãi của ngôi làng kế tiếp, rồi chầm chậm lái về.
Mặt trời đã lặn khi chúng tôi trở lại đỉnh núi và trăng, ở phương đông, nhạt và thanh giữa những đám mây dâng cao, đã mọc sẳn tự lúc nào. Chúng tôi lái về, dây xích nghiến trên tuyết thành một âm thanh đều đặn. Đêm yên tỉnh; tôi ngồi im không cục cựa và cảm thấy nước mắt của Pat ướt tim tôi như thể có một vết thương nhỏ máu trên đấy.
Một giờ sau, tôi đang ngồi ở đại sảnh. Pat ở phòng của nàng và Koster đến Phòng Khí Tượng để hỏi xem ngày mai có tuyết hay không. Bên ngoài trời sương phủ, trăng viền hào quang và đêm, mềm xám như nhung, có mặt ngoài khung cửa. Một lúc sau Antonio đến và ngồi với tôi.
Cách vài bàn, một anh chàng tròn trịa chắc nịch, tự phụ như một viên đạn đại bác, áo khoác sợi thô và quần chẽn ngắn cũn; gương mặt trẻ con với đôi môi bĩu, cặp mắt lạnh và cái đầu tròn, đỏ không một cọng tóc, bóng như một trái banh bi-da. Bên cạnh anh ta là một thiếu phụ với quầng thâm dưới mắt và vẻ mặt bất an, cầu khẩn. Viên đạn đại bác rất sống động, đầu lắc lư không ngừng, đôi tay nhỏ hồng vung vẫy. “Trên đây tuyệt vời quá thể. Phong cảnh, không khí, sự chăm sóc! Em khỏe ra, thật thế–“
“Bernard,” cô vợ nhẹ nhàng nói.
“Nếu anh được một chút nâng niu, chìu chuộng ở đây, anh sẽ chẳng ngại ngùng!” Một tiếng cười nịnh. “Tuy nhiên, anh không ganh tị với em –“
“Ach, Bernard,” cô vợ chán nản nói.
“Chuyện gì nữa đây,” viên đạn đại bác hớn hở nói tiếp, “không còn nơi nào tốt hơn cho em. Vì sao, em đang ở Thiên Đường. Hãy nghĩ đến những người như anh dưới kia. Mỗi sáng phải ra khỏi nhà, lặn lội vào đống rác nhơ nhớp. Em nên biết ơn vì em khỏi phải làm việc như anh. Anh vui được thấy em đang bình phục, ở đây.”
“Bernard, em không bình phục,” vợ anh ta nói.
“Nhưng em yêu,” Bernard rối rít, “đừng có than vãn. Ta bắt buộc phải làm thế. Phá sản khắp nơi, chạy vạy khắp nơi, thuế má các thứ — thế mà, anh vui, vì chúng ta vẫn có khả năng gởi em tại đây, dĩ nhiên.”
Người đàn bà không nói gì.
“Một anh chàng tử tế,” tôi nói với Antonio.
“Không đâu,” Antonio nói. “Từ hôm qua đến nay, hắn luôn luôn bác bỏ lời của cô vợ bằng câu ‘Em đang bình phục một cách thần kỳ.’ Hắn không chịu nhìn thấy, cậu biết mà, nỗi sợ hãi, căn bệnh hay sự cô đơn của cô nàng. Và suốt từ đầu đến giờ, không chừng ở Bá Linh hắn đã sống chung với một viên đạn đại bác khác như hắn, và cứ sáu tháng hắn lại lên đây cho phải đạo, xoa tay, xun xoe, để tâm đến tiện nghi cho chính bản thân của hắn mà thôi. Và không lắng nghe gì cả. Cậu thường gặp hạng người ấy nơi đây.”
“Cô ấy ở đây đã bao lâu?”
“Chừng hai năm.”
Một toán người trẻ tuổi khúc khích chạy vào đại sảnh. Antonio cười to. “Họ từ Bưu Điện về. Họ gửi điện tín cho Roth.”
“Roth là ai?”
“Là ngưới kế tiếp sắp được xuất viện. Điện tín báo rằng đừng về thành phố vì dịch cúm đang hoành hành. Một trong những trò đùa thường gặp. Vì họ còn ở lại, cậu hiểu chứ.”
Tôi nhìn qua cửa sổ, núi như có ai treo lên một tấm satin xám. Tất cả đều không đúng thật, tôi nghĩ; không có thật, không thể nào xảy ra như thế. Đây chỉ là một sân khấu mà họ diễn xuất chút ít trước cái chết. Khi chết, người ta chết trong nghiêm trang ghê rợn — đáng lẽ tôi nên đi theo những người trẻ tuổi này, lắc vai họ và nói: “Không phải vậy, đúng không? Đây chỉ là trò nhạo báng tử thần, và các bạn chỉ là những diễn viên hài không chuyên đang giả chết? Rồi các bạn sẽ đứng lên và cúi chào, phải không? Người ta không thể chết kiểu này, vì sốt nhẹ, vì hơi thở khò khè — cần có đạn dược và vết thương, tôi biết như thế.”
“Cậu cũng bệnh?” tôi hỏi Antonio.
“Dĩ nhiên,” anh mỉm cười.
“Cà phê ngon tuyệt,” viên đạn đại bác ồn ào nói.”Tụi anh làm gì có được, nói cho em biết. Một vườn cây trái lạc thú vô tận.”
Koster trở về từ văn phòng khí tượng. “Tớ phải lên đường, Bob,” anh nói. “Hàn thử biểu hạ thấp và có lẽ tuyết sẽ rơi tối nay. Nếu chờ đến mai, tớ sẽ mắc kẹt. Tớ phải đi ngay đêm nay.”
“Vâng. Có đủ thì giờ cho ta ăn tối không?”
“Có. Tớ sẽ xếp hành lý thật nhanh.”
“Tớ sẽ ghé qua.”
Chúng tôi sắp xếp đồ đạc của Koster và mang tới ga-ra. Rồi chúng tôi trở lại đón Pat.
“Gọi tớ nếu có chuyện gì xảy ra, Bob nhé,” Otto nói.
Tôi gật đầu.
“Vài ngày nữa cậu sẽ nhận được tiển. Đủ một thời gian. Cậu cứ dùng vào những việc cần thiết.”
“Vâng, Otto,” tôi ngập ngừng. “Ta có mấy lọ morphine ở nhà. Cậu có thể gửi lên?”
Anh nhìn tôi. “Cậu cần để làm gì?”
“Tớ không biết rồi sẽ ra sao –có thể không cần tới chúng. Mặc dù tất cả mọi việc, tớ vẫn còn nuôi một chút hy vọng — luôn luôn như thế — mỗi khi nhìn thấy nàng, nhưng tớ không muốn nàng phải chịu đựng. Không muốn nàng lệ liệt trên giường và không còn gì nữa, trừ cơn đau. Không chừng trong trường hợp ấy, họ có thể cho nàng một liều thuốc — nhưng tớ sẽ an tâm, nếu tớ biết tớ có thể giúp nàng.”
“Chỉ thế thôi, Bob?” Koster hỏi.
“Chỉ có thế, Otto. Thật sự. Nếu vì lý do khác, tớ sẽ không hỏi cậu.”
Anh gật đầu.
“Bây giờ chỉ còn lại hai đứa mình,” anh chậm rãi nói.
“Vâng,”
“Được rồi, Bob.”
Chúng tôi đi ra phòng lớn và tôi đưa Pat xuống. Rồi chúng tôi ăn thật nhanh, vì trời càng lúc càng u ám. Koster lái Karl từ ga-ra đến tận cửa.
“Chúc cậu may mắn, Bob,” anh nói.
“Cậu cũng vậy, Otto.”
“Au revoir, Pat.” Anh bắt tay và nhìn Pat. “Đến mùa xuân, anh sẽ lên đón em về.”
“Tạm biệt, Koster.” Nàng nắm tay anh, thân thiết. “Em rất vui đã gặp lại anh. Cho em gửi lời chào Gottfried Lenz.”
“Vâng,” Koster đáp.
Nàng vẫn cầm tay anh. Môi nàng run run. Và thình lình nàng bước tới một bước và hôn anh. “Tạm biệt anh,” nàng nghẹn ngào khẻ nói.
Mặt Koster bỗng đỏ rần như có một ngọn lửa bừng cháy. Anh định nói một câu gì đó, nhưng rồi quay đi, ngồi vào xe, rồ máy chạy thật nhanh trên khúc quẹo gắt mà không ngoái nhìn. Chúng tôi đứng trông theo. Xe phóng như sấm trên phố chính và lên cao dần trên đường chữ chi, như một con đom đóm duy nhất, cặp đèn pha vàng vọt quét trên mặt tuyết xám phía trước. Lên đến đỉnh, xe ngừng lại và Koster vẫy tay. Bóng anh đen in trên ánh đèn sáng. Rồi anh biến mất, và trong một thời gian dài chúng tôi vẫn nghe tiếng động cơ ầm ì nhỏ dần.
Pat nghiêng tới trước, lắng nghe cho đến khi không còn một âm thanh nào. Rồi nàng quay sang tôi.
“Con tàu cuối cùng đã rời cảng, Robby.”
“Con tàu áp chót chứ,” tôi trả lời. “Anh mới là con tàu cuối. Và em biết anh đề nghị gì không? Anh sẽ đi tìm một chỗ thả neo mới. Anh không thích căn phòng ở dãy nhà phụ nữa. Anh không thấy tại sao chúng mình không thể sống với nhau. Anh sẽ cố gắng xin một phòng gần chỗ của em.”
Nàng mỉm cười. “Không thể nào. Chắc anh không làm được. Anh sẽ bắt đầu ra sao?’
“Nếu anh làm được, em có vui không?”
“Thế mà cũng hỏi! Sẽ tuyệt vời, anh yêu. Gần bằng lúc ta ở trọ nhà bác Zalewski.”
“Đúng. Vậy cho anh nửa tiếng.”
“Vâng. Em sẽ chơi cờ với Antonio. Một trong những món em học được ở đây.”
Tôi lên văn phòng và giải thích rằng tôi sẽ ở lại khá lâu và cần một phòng cùng tầng lầu với Pat. Một bà quản lý đứng tuổi, ngực lép kẹp, giận dữ từ chối vì điều lệ của dưỡng đường không cho phép.
“Ai viết điều lệ?” tôi hỏi.
“Ban Giám Đốc,” bà quản lý sẳn giọng, tay vuốt các nếp gấp trên áo mình.
Cuối cùng, bà miễn cưỡng cho tôi biết là bác sĩ phụ trách có thẩm quyền trong vài trường hợp ngoại lệ.
“Nhưng ông ấy đã về nhà,” bà nói. “Ban đêm ông ấy về nhà và không ai được quấy rầy nếu không phải là công việc.”
“Tốt,” tôi đáp, “vậy tôi sẽ quấy rầy ông ấy với lý do công việc. Một vấn đề liên quan tới điều luật của dưỡng đường.”
Bác sĩ ngụ ở một ngôi nhà nhỏ gần dưỡng đường. Ông tiếp tôi ngay và cho phép tức thì.
“Căn cứ vào tình hình ban đầu, tôi không dám hy vọng được giải quyết nhanh như thế,” tôi nói.
Ông cười khà. “Aha, chắc cậu gặp bà Rexroth? Được, để tôi điện thoại.”
Tôi trở lại văn phòng. Trông thấy nét mặt đắc thắng của tôi, Rexroth liền rút quân trong danh dự. Tôi sắp xếp mọi thứ với cô thư ký và nhờ người phục dịch dời hành lý của tôi và mua cho tôi vài chai rượu. Rồi tôi đi tìm Pat ở đại sảnh.
“Anh đã xin được chưa?” nàng hỏi.
“Chưa, nhưng mấy hôm nữa sẽ xong.”
“Tiếc nhỉ,” nàng lật ngã những quân cờ và đứng dậy.
“Mình nên làm gì đây?” tôi hỏi. “Đến quầy rượu?”
“Tụi này thường chơi bài,” Antonio nói. “Gió Fohn sắp thổi qua, tôi có cảm tưởng như vậy. Lúc ấy chơi bài là hay hơn cả.”
“Chơi bài? Pat hả?” tôi ngạc nhiên hỏi. “Em biết chơi bài gì? Black Peter và Patience?”
“Xì phé, anh yêu,” Pat tuyên bố.
Tôi cười. “Cô ấy biết chơi xì phé, thật đấy,” Antonio nói. “Có điều cô ấy hơi ẩu. Cô ấy tố dở lắm.”
“Tớ cũng thế,” tôi trả lời. “Chúng ta phải thử thời vận.”
Chúng tôi ngồi trong một góc phòng và bắt đầu chơi. Pat chơi xì phé không tệ chút nào. Nhưng nàng tố rất bạo. Một giờ sau, Antonio chỉ ra cửa sổ. Tuyết đang rơi. Chầm chẩm, như còn ngần ngại, những vẩy tuyết mỏng, dẹp gần như rơi theo chiều thẳng đứng. “Không một hơi gió thoảng,” Antonio nói. “Có nghĩa là sẽ có rất nhiều tuyết.”
“Giờ này Koster đang ở đâu nhỉ?” Pat hỏi.
“Anh ấy xuống khỏi đèo lâu rồi,” tôi nói. Trong một thoáng, tôi nhìn thấy khá rõ hình ảnh Karl lướt với Koster dưới làn tuyết, và thình lình tất cả dường như siêu thực — rằng tôi ngồi đây, rằng Koster đang dong duỗi trên đường và Pat ở đấy. Nàng cười hạnh phúc nhìn tôi và ấn bàn tay với những lá bài lên bàn.
“Nhanh lên nào, Robby,”
Viên đạn đại bác lăn vào, dừng lại phía sau bàn chúng tôi và bắt đầu lắc lư với thiện cảm trên đầu ngón chân. Cô vợ của hắn buồn ngủ thấy rõ, vậy mà hắn đang tìm món giải trí. Tôi đặt bài của mình xuống bàn và nhìn hắn ta một cách độc địa đến khi hắn biến đi.
“Anh không thân thiện gì mấy,” Pat nói, hài lòng.
“Không,” tôi nói. “Anh không có ý định ấy.”
Chúng tôi đến quầy rượu và uống vài ly Đặc Biệt. Rồi Pat phải lên giường. Tôi từ giã nàng ở phòng lớn. Nàng chậm chạp bước lên cầu thang, ngoảnh lại và dừng chân trước khi khuất vào hành lang. Tôi chờ một lát, rồi đến văn phòng lấy chìa khóa. Cô bé thư ký mỉm cười.
“Số bẩy mươi tám,” nàng nói.
Đó là căn phòng sát vách phòng Pat. “Theo đề nghị của Fraulein Rexroth, hẳn thế?”
“Không. Fraulein Rexroth ở Nhà Truyền Giáo,” nàng trả lời.
“Nhà Truyền Giáo đôi khi cũng hữu dụng,” tôi nói và nhanh nhẹn bước lên lầu. Đồ dùng của tôi đã lấy khỏi va-li. Nửa giờ sau, tôi gõ cánh cửa nối liền hai phòng.
“Ai đó?” Pat hỏi.
“Cảnh sát,” tôi trả lời.
Có tiếng chìa khóa lách cách trong ổ và cửa mở ra. “Anh, Robby?” Pat lập bập, hoàn toàn bất ngờ.
“Anh đây,” tôi nói. “Kẻ đánh bại Fraulein Rexroth. Chủ nhân của Cognac và Porto -Ronco.” Tôi rút mấy chai rượu từ túi áo choàng ngủ. “Và bây giờ, nói cho anh biết tức thì, bao nhiêu người đàn ông đã có mặt ở đây?”
“Không một ai, ngoại trừ đội cầu thủ football và ban nhạc giao hưởng,” Pat nói, cười phá lên. “Ach, anh yêu, những ngày thân ái cũ nay đã trở về.”
Nàng thiếp trên vai tôi. Tôi thao thức một lúc lâu. Ở góc phòng, một ngọn đèn nhỏ đang leo lét. Hoa tuyết lất phất đập vào khung cửa sổ và trong bầu ánh sáng lờ mờ nâu vàng, thời gian như lắng đọng. Thỉnh thoảng vài ống dẫn khí sưởi kêu răng rắc. Pat trở mình trong giấc ngủ, và rất chậm, sột soạt, mấy mảnh khăn trải giường rơi xuống đất.
Ach, tôi nghĩ, làn da nâu đồng, sáng mịn. Đầu gối mảnh khảnh huyền diệu. Bí ẩn mềm mại của đôi vú. Tóc nàng lòa xào chạm trên vai tôi, và huyết quản của nàng phập phồng dưới đôi môi tôi. Em sắp chết hay sao? tôi nghĩ. Em không thể chết. Em là niềm hạnh phúc.
Tôi thận trọng kéo khăn trải giường lên. Pat lẩm bẩm một điều gì đó rồi lại im lặng và trong giấc ngủ, chầm chậm quàng tay qua ngực tôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.