Chiến hữu

CHƯƠNG 5



Trong bộ y phục tồi tàn nhất, Koster ra sở thuế. Anh cố xin miễn giảm. Chỉ còn Lenz và tôi ở lại xưởng.
“Gottfried,” tôi nói, “bây giờ đến lượt cái Cadillac cũ!”
Tối qua, rao vặt của chúng tôi đã in trên báo. Như thế, hy vọng hôm nay sẽ có khách — giả sử, nếu có ai muốn mua. Dù sao, cũng phải chuẩn bị sẳn sàng.
Trước tiên, chúng tôi đánh bóng lớp sơn. Nó sáng đẹp hẳn ra, như thể phải tốn thêm hàng trăm marks. Rồi chúng tôi thay thứ nhớt có độ đậm đặc nhất. Piston không còn tuyệt hảo nữa, kêu khục khặc. Nhưng nhờ chất lượng của nhớt bù đắp, động cơ nổ rất êm. Và chúng tôi cũng tra đầy đủ nhớt ở hộp số và cầu sau để chúng vận hành trơn tru.
Rồi chúng tôi lái cô ấy ra ngoài. Có một quãng đường rất xấu ở vùng này. Chúng tôi tăng tốc độ lên năm mươi kí lô mét một giờ. Xe khua lạch cạch. Chúng tôi xả bớt một phần tư đơn vị áp suất ở lốp xe. Xe êm hơn. Chúng tôi xả thêm một phần tư đơn vị nữa. Giờ thì không còn một tiếng động nào.
Chúng tôi lái về xưởng, bôi mỡ bò vào nắp máy hãy còn cọt kẹt, lót một chút viền cao su, thêm nước nóng vào bộ tản nhiệt cho máy nổ dễ dàng, và phun dưới gầm xe một lớp dầu tẩy bụi để nơi đấy cũng sạch tinh tươm. Rồi Gottfried đưa tay lên trời. “Lạy trời xin gởi khách đến! Người khách giàu sụ, hãy đến đây! Chú rể chờ cô dâu như thế nào, chúng tôi mong đợi người như thế ấy!”
Cô dâu vẫn cho chúng tôi đợi dài cổ. Vì thế chúng tôi đẩy chiếc xe xì khói của ông chủ tiệm bánh vào ổ sửa và bắt đầu tháo trục trước. Chúng tôi làm việc suốt mấy tiếng đồng hồ không trò chuyện. Rồi tôi nghe Judd ở cây xăng khởi sự huýt sáo “Có cái gì đi tới…”
Tôi đu lên, nhìn qua cửa sổ. Một người đàn ông nhỏ bé đi vòng quanh chiếc Cadillac. Ông ta có vẻ đứng đắn và đáng kính.
“Gottfried, nhìn kìa,” tôi khẻ nói, “cậu nghĩ có phải là cô dâu đấy không?”
“Chắc thế,” Lenz nói, sau khi liếc qua. “Hãy nhìn nét mặt của ông ta. Không có ai ở đấy, thế mà ông ta đã lộ vẻ nghi ngờ. Cố lên. Tở ở đây thủ trại, — và sẽ ra đó nếu cậu cần. Đừng quên những bí quyết, nhé.”
“Vâng.” Tôi bước ra.
Người đàn ông nhìn tôi với đôi mắt đen, bình thản.
Tôi tự giới thiệu: “Lohkamp.”
“Blumenthal.”
Đó là bí quyết đầu tiên của Gottfried — tự giới thiệu. Anh nói, như thế sẽ tạo một không khí thân mật ngay lập tức. Bí quyết thứ nhì là bắt đầu câu chuyện một cách thận trọng, để khách nói trước và chỉ tham dự đúng lúc.
“Herr Blumenthal, ông đến xem chiếc Cadillac, phải không?” tôi hỏi.
Blumenthal gật đầu.
“Xe kia kìa, thưa ông,” tôi nói, và chỉ tay.
“Tôi thấy mà,” Blumenthal trả lời.
Tôi liếc ông ta thật nhanh. Mình phải coi chừng, tôi nghĩ thầm, đây là một ông khách láu cá.
Chúng tôi băng qua sân. Tôi mở cửa xe và khởi động máy. Rồi tôi giữ im lặng để Blumenthal có đủ thì giờ quan sát. Thế nào ông ta cũng tìm ra một điều gì đấy để chê bai; rồi tôi sẽ bắt chuyện.
Nhưng Blumenthal không xem xét; ông ta cũng không chê bai. Cũng như tôi, ông không nói gì và chỉ đứng ỳ ra như tượng gỗ. Không biết làm gì hơn, tôi chỉ còn cách đem hết vốn liếng của mình ra dùng.
Tôi bắt đầu mô tả chiếc Cadillac, chậm rãi và có lớp lang như mẹ nói với con, đồng thời tìm cách khai thác. Nếu ông ta là một người giỏi kỷ thuật, tôi sẽ nói nhiều về động cơ và trục xe; nếu ông ta chẳng biết chi, tôi sẽ nói về tiện nghi và các món trang bị lăng nhăng.
Thế nhưng ông ấy vẫn kín như bưng. Ông ấy để mặc tôi nói cho đến khi tôi cảm thấy mình rỗng tuếch như một cái bong bóng.
“Thế ông cần dùng xe để làm gì? Lái trong thành phố hay đi du lịch?” cuối cùng tôi hỏi, hy vọng sẽ tìm ra manh mối.
“Làm đủ thứ,” Blumenthal nói.
“À há. Và ông sẽ tự lái lấy hay cho tài xế lái?”
“Tùy chuyện.”
Tùy chuyện. Ông này chẳng khá gì hơn một con vẹt. Rõ ràng, ông ta là một thầy tu dòng Trappists. 1
Để ông ấy linh hoạt hơn, tôi cố thuyết phục ông thử làm một điều gì. Thông thường sau đó, khách sẽ cởi mở hẳn ra. Tôi sợ ông sẽ ngủ gục mất thôi.
“Một chiếc xe to như thế này nhưng nắp của nó lại nhẹ một cách không ngờ,” tôi nói. “Ông thử hạ xuống mà xem. Chỉ cần một tay cũng đủ.”
Nhưng Blumenthal nghĩ là không cần. Ông có thể thấy được điều ấy mà không cần phải thử.
Tôi đóng cửa xe nghe một cái rầm và lắc mạnh cái tay nắm cửa. “Xe không hư gì cả. Chắc chắn vô cùng. Ông lắc thử nhé.”
Blumenthal không thử. Rõ ràng lắm, cần gì phải thử. Một lão gàn bát sách.
Tôi đưa ông ấy tới cửa sổ xe. “Cửa quay lên, hạ xuống nhẹ như lông hồng. Vị trí nào cũng giữ chính xác. “
Ông ta không nhúc nhích.
“Và kính loại không vỡ,” tôi tiếp tục nói, hầu như tuyệt vọng. “Một lợi điểm không lường. Ở đàng kia là chiếc Ford đang sửa….” tôi kể câu chuyện của bà vợ ông chủ hiệu bánh, thêm thắt chút đỉnh, thành thử lại có một đứa trẻ cũng bị thương.
Nhưng Blumenthal cứ vững như bàn thạch.
“Tất cả xe hơi đều gắn kính không vỡ,” ông ta chặn lại, “như thế có gì đặc biệt đâu.”
“Không phải xe nào cũng có kính không vỡ,” tôi bẻ lại, khá chua ngoa, “cùng lắm là kính trước, ở vài loại xe. Nhưng không một xe nào có cửa sổ hai bên to như thế bằng kính không vỡ.”
Tôi bóp kèn và xoay ra mô tả những tiện nghi bên trong — khoang chứa hành lý, ghế ngồi, các túi bọc, bảng điều khiển; tôi kể lể từng chi tiết; thậm chí còn đưa cho ông ấy cái bật lửa, và lợi dụng thời cơ, mời ông ấy một điếu thuốc, hy vọng có thể lấy lòng — nhưng ông ấy từ chối.
“Tôi không hút, cám ơn.” ông ta nói, nhìn tôi với vẻ buồn chán đến đổi tôi chợt nghĩ — có lẽ ông ta không muốn mua bán gì cả, ông ta chỉ lạc đường và muốn mua một thứ hoàn toàn khác –một cái máy đơm khuy hay một cái radio — và chỉ lẩn quẩn nơi đây trong lúc chưa biết quyết định ra sao.
“Ta lái thử một vòng nhé, Herr Blumenthal,” cuối cùng, quá mệt, tôi đề nghị.
“Lái thử?” ông ấy nói, như thể tôi vừa nói “ga xe lửa.”
“Vâng ạ, lái thử. Ông cần phải thử, dĩ nhiên, để xem xe chạy như thế nào. Nó cứ như một tấm ván lướt trên mặt đường. Không chừng phải nói là vèo vèo như trên đường rầy. Và máy xe mạnh đến nổi nó lôi cái thân xe nặng như thế, dễ dàng như lôi một cọng lông chim –“
“Ach, lái thử –.” Ông ta làm một cử chỉ dè bỉu. Lái thử không chứng tỏ được gì. Ta chỉ khám phá những trục trặc mãi về sau mà thôi.”
Dĩ nhiên, tên bộ hạ sừng xỏ của quỷ Satan kia, tôi tức tối nghĩ thầm; bộ ngươi nghĩ rằng ta sẽ ngoan ngoãn khai báo cho ngươi hay sao?
“Nếu thế thì thôi,” tôi từ bỏ mọi hy vọng. Ông ta chẳng muốn chiếc xe, rõ ràng thế.
Nhưng ông ta bỗng quay ngoắt lại, nhìn thẳng vào mắt tôi, và nhẹ nhàng, cương quyết, mau mắn hỏi: “Xe giá bao nhiêu?”
“Bẩy ngàn marks,” tôi trả lời nhanh như chớp, tỉnh bơ không nháy mắt. Không thể cho ông ta thấy là tôi do dự, dù chỉ trong một giây. Tôi hiểu. Một giây chần chừ có thể làm mất toi cả ngàn bạc. “Bẩy ngàn đồng chẳn,” tôi quả quyết, thầm nghĩ, “ông mà trả năm ngàn thì đây bán đứt.”
Nhưng Blumenthal không trả giá. Ông ta chỉ khịt mũi: “Đắt quá!”
“Dĩ nhiên!” tôi nói, và cho rằng như thế đã xong, về phần mình.
“Tại sao lại là ‘dĩ nhiên;?” Blumenthal hỏi, đột nhiên đầy tính người.
“Herr Blumenthal,” tôi trả lời, “Về chuyện giá cả, ông có bao giờ gặp ai trả lời khác hơn thế không?”
Một nụ cười hoài nghi trùm lên mặt ông ta. “Đúng. Nhưng quả tình là giá quá cao.”
Tôi không thể tin nỗi tai mình. Đây rồi, cuối cùng, đúng giọng điệu mà tôi mong đợi. Bày tỏ một sự thích thú. Hay đây chỉ là trò giật gân bất ngờ của lão?
Ngay lúc đó, một chàng trai ăn mặc bảnh bao bước qua cổng. Anh ta lôi từ túi quần ra một tờ báo, kiểm lại số nhà, và bước đến bên tôi, “Ở đây có bán xe Cadillac phải không?”
Tôi gật đầu và mất hồn nhìn chiếc gậy tre vàng và đôi găng tay da heo.
“Tôi có thể xem nó không?” anh chàng nói, vô cùng bình thản.
“Đúng là ở đây,” tôi nói; “nhưng ông vui lòng chờ một lát được không, tôi đang bận chút việc. Mời ông vào trong kia ngồi nhé.”
Chàng trai đỏm đáng lắng nghe qua tiếng nổ êm ái của máy xe, lúc đầu có chê bai, nhưng sau đó nét mặt ra vẻ hài lòng, và để tôi dẫn vào văn phòng.
“Thằng nỡm,” tôi gầm vào mặt hắn và vội vàng quay trở lại với Blumenthal.
“Nếu ông lái nó, dù chỉ một lần, ông sẽ có suy nghĩ khác về giá bán,” tôi nói. “Ông cứ thử, bao lâu cũng được. Hay một buổi tối nào đó, tôi có thể gọi điện thoại và đến nhà chở ông đi, nếu ông thấy như thế tiện hơn.”
Nhưng cơn phấn khởi phù du đã vụt bay. Một lần nữa, Blumenthal lại đứng ỳ ra như phỗng đá.
“Đừng bận tâm,” ông ta nói, “tôi phải đi ngay. Khi nào muốn thử, tôi vẫn có thể gọi lại cơ mà.”
Tôi nhận ra, tôi không thể làm gì hơn. Không thể thuyết phục lão một chuyện gì.
“Thôi được,” tôi tuyên bố, “nhưng có thể nào ông cho tôi xin số điện thoại, để tôi còn báo cho ông biết, khi có ai đó tỏ ra ưa thích chiếc xe.”
Blumenthal nhìn tôi một cách đầy ý nghĩa. “Từ thích đến mua là một sự cách biệt khá lớn.”
Ông ta lấy ra một hộp xì gà và mời tôi. Ông ta phì phèo — hiệu Corona-Coronas hẳn hoi, trời ạ! Chắc ông ta có cả núi tiền. Nhưng giờ đây, tôi cũng chẳng màng. Tôi nhận điếu xì gà.
Ông thân ái bắt tay tôi và bỏ đi. Tôi nhìn theo và nguyền rủa ông, một cách nhẹ nhàng nhưng tới nơi tới chốn. Rồi tôi quay trở lại văn phòng.
“Sao rồi?” tôi được chào đón bởi chàng trai lịch lãm, Gottfried Lenz. “Cậu đánh giá tớ thế nào? Thấy cậu khổ sở quằn quại ở đấy, tớ nghĩ tớ cần giúp một tay. May làm sao Otto thay y phục ở đây để ra sở thuế. Thấy bộ đồ lớn của cậu ấy đang treo, tớ mặc vào, nhảy qua cửa sổ và trở lại — một khách hàng nghiêm chỉnh. Tớ diễn xuất cũng khá, hén?”
“Đại ngốc thì có” tôi trả lời. “Lão ấy láu cá còn hơn hai đứa mình gộp lại. Thấy điếu xì gà này không? Một đồng năm mươi xu một điếu. Cậu làm ông triệu phú co giò chạy mất.”
Gottfried giật điếu xì gà trên tay tôi, đưa lên mũi ngửi và châm lửa. “Tớ cứu cậu thoát khỏi một tay lừa đảo thì có. Triệu phú không hút loại xì gà này. Họ hút thứ giá hai mươi bốn shilling một điếu.”
“Vớ vẫn,” tôi trả lời, “những đứa bịp bợm không mang tên Blumenthal. Chúng tự xưng là Bá tước Blumenau này nọ chứ.”
“Lão sẽ trở lại,” Lenz nói, lạc quan như thường lệ, thổi phù vào mặt tôi khói điếu xì gà của tôi.
“Lão không trở lại,” tôi quả quyết.” Nhưng cậu lấy ở đâu ra cái gậy tre và đôi găng thế nhỉ?”
“Đồ mượn ấy mà. Trên đường đi, ở tiệm Benn. Tớ quen với một cô bán hàng ở đấy. Không chừng tớ sẽ mua cây gậy. Tớ thích nó.”
Hài lòng với chính mình, anh múa tít cây gậy to.
“Gottfried,” tôi nói. “Thật uổng phí. Cậu biết không — cậu nên đầu quân vào một gánh ca nhạc tạp kỹ. Đấy mới là nơi thích hợp cho cậu.”
“Có người gọi điện thoại cho cậu,” Frida, bà giúp việc mắt lác của Frau Zalewski nói, khi tôi bất ngờ trở về nhà, vào giờ ăn trưa.
Tôi quay ngoắt lại, “Hồi nào?”
“Khoảng nửa tiếng trước. Một cô gái.”
“Thế cô ấy nói chi?”
“Đến tối cô ấy sẽ gọi lại. Nhưng tôi bảo cô ấy rằng chẳng ích gì, cậu không bao giờ có mặt ở nhà buổi tối.”
Tôi trố mắt. “Cái gì? Bác bảo cô ấy như thế à? Herrgott, đã đến lúc cần có người dạy cho bác cách sử dụng điện thoại.”
“Tôi biết cách dùng điện thoại mà,” Frida ngạo nghễ. “Và hầu như cậu có ở nhà đêm nào đâu.”
“Chuyện ấy chẳng ăn nhập gì tới bác,” tôi rủa. “Lần sau, không chừng bác sẽ bảo cô ấy là vớ của tôi thủng đầy lổ.”
“Tôi sẽ nói, nếu cậu muốn,” Frida trả đũa, cặp mắt viêm đỏ nhìn tôi đầy ác ý. Chúng tôi là kẻ thù lâu đời của nhau.
Tôi chỉ muốn nhấn bà ta vào nồi súp, nhưng cố kiềm chế, mò trong túi lấy ra một đồng mark, ấn vào tay bà ta và hỏi bằng giọng cầu hòa: “Cô ấy có xưng tên không?”
“Không,” Frida đáp.
“Thế giọng nói của cô ấy ra sao? Có phải hơi trầm và khàn?”
“Tôi không biết,” Frida lãnh đạm nói, như thể tôi chưa bao giờ dúi một đồng mark nào vào tay bà ta.
“Bác đeo cái nhẫn đẹp quá,” tôi nói, “thật ưa nhìn; nào, bây giớ bác cố nhớ xem.”
“Không,” Frida trả lời và một vẻ đắc thắng độc địa sáng trên mặt.
“Vậy bác cút xéo ngay,” tôi nói và bỏ đi.
Đúng sáu giờ tôi lại có mặt ở nhà. Khi mở cửa, tôi nhìn thấy một quảng cảnh lạ thường. Frau Bender, đứng ở hàng lang, các bà các cô trong nhà vây quanh. “Tới đây nào,” Frau Bender nói.
Nguyên nhân của cuộc tụ tập là một em bé chừng sáu tháng, điểm trang đầy nơ, nằm trong nôi. Frau Bender mang bé từ viện mồ côi về. Đó là một đứa trẻ hoàn toàn bình thường, thế nhưng các bà các cô cúi nhìn, xuýt xoa trầm trồ một cách lố bịch như thể đây là đứa bé đầu tiên được tạo ra trên cõi đời này. Họ tắc lưỡi, vờn những ngón tay trước mắt sinh vật nhỏ bé ấy, và dẫu môi âu yếm. Ngay cả Erna Bonig, trong chiếc kimono thêu rồng, cũng tham gia vào cuộc liên hoan tình mẫu tử cao thượng này.
“Thằng bé trông hấp dẫn làm sao, phải không?” Frau Zaleuski hỏi, cặp mắt ướt rượt.
“Hai mươi hay ba mươi năm nữa mới có thể nói,” tôi trả lời, vừa liếc về phía máy điện thoại. Lạy trời đừng ai gọi vào lúc này, khi họ còn chùm nhum ở đấy.
“Nhưng hãy nhìn kỹ nào,” Frau Hasse kèo nài.
Tôi nhìn. Nó là một em bé cũng như những em bé khác. Tôi chẳng thấy nó có gì xuất sắc. Cùng lắm, nó có đôi tay cực kỳ bé bỏng, và thật lạ lùng nếu ta nhớ rằng, ta cũng đã từng có lần nhỏ xíu như thế.
“Tội nghiệp thằng bé,” tôi nói, “nó chẳng biết những gì sẽ chờ đón. Tôi không hiểu, đến thời của nó, sẽ có loại chiến tranh nào.”
“Đừng kinh khủng như thế,” Frau Zalewski đáp. “Thế cháu không có xúc cảm nào hay sao?”
“Có nhiều là đàng khác,” tôi giải thích, “nếu không, cháu đã chẳng có những ý nghĩ ấy.” Và như thế, tôi lui về phòng mình.
Mười phút sau chuông điện thoại reo. Tôi nghe tên tôi và ra khỏi phòng. Đúng như tôi nghĩ, cả đám vẫn còn đấy! Chẳng những thế, họ còn không nói nhỏ lại trong khi tôi phải dí ống nghe vào tai và nhận ra tiếng Patricia Holmann, cám ơn tôi về bó hoa. Ngược lại, đứa bé, rõ ràng là người hiểu biết nhất bọn, và đã chán cái trò khỉ ấy, thình lình khóc ầm lên.
“Xin lỗi,” tôi tuyệt vọng nói. “Tôi không nghe được gì cả, ở đây có một em bé đang quấy khóc; tuy không phải là em bé của tôi.”
Các cô các bà, như một ổ rắn hổ mang, suỵt cho thằng bé im lặng. Họ thành công ngay tức thì, nó càng gào tướng lên. Bây giờ tôi mới hiểu, quả thật nó là một đứa trẻ xuất chúng; phổi của nó phải dài tận đầu gối, nếu không, làm sao giải thích được tiếng khóc inh ỏi kia. Tôi đang ở một tình huống khó xử; mắt tôi phải giận dữ liếc nhìn tổ hợp các bà mẹ, trong lúc môi phải thốt những từ thân thiện vào ống nói; từ đỉnh đầu đến chóp mũi, tôi là hậu thân một cơn bão tố, từ mũi đến cầm, là cảnh trí mùa xuân ươm nắng; thật là một điều huyền nhiệm rằng, mặc dù tất cả những thứ ấy, tôi cũng đã thành công trong việc hẹn gặp lại nàng buổi tối hôm sau.
“Bác cần phải gắn một buồng điện thoại cách âm,” tôi nói với Frau Zalewski.
Nhưng bác đã sẳn sàng. “Tại sao phải thế?” bác phản ứng ngay. “Bộ cháu có nhiều thứ cần phải che dấu lắm sao?”
Tôi không nói nữa và biến đi. Không ích lợi gì, cãi nhau với những bản năng làm mẹ đang kích động. Họ có sự ủng hộ của toàn thế thế giới.
Đêm ấy, lũ chúng tôi sẽ tụ họp ở nhà Gottfried. Tôi ăn tối ở một quán nhỏ rồi ra đi. Trên đường, để ăn mừng, tôi tự thưởng cho mình một chiếc cà vạt mới, mua từ một cửa hàng thời trang. Tôi không ngừng ngạc nhiên vì sự việc đã diễn ra êm đẹp, và tôi tự nhắc nhở rằng, ngày mai tôi phải nghiêm trang như một ông giám đốc nhà vĩnh biệt.
Tư gia của Gottfried là nơi đáng cho ta thưởng ngoạn. Ở đấy trưng bày những lưu niệm anh ấy mang về từ Nam Mỹ. Các tấm chiếu bằng cói màu sắc tươi vui treo trên vách, nhiều mặt nạ, một cái thủ cấp phơi khô, các lục bình hình dạng cổ quái, các ngọn giáo và, như những tác phẩm thời kháng chiến, một bộ sưu tập chiếm trọn một bức vách: ảnh các thiếu nữ da đỏ và thổ dân Creoles — da nâu, đáng yêu, những sinh vật uyển chuyển với nét duyên dáng và hững hờ không thể tả.
Ngoài Lenz và Koster, còn có Braumuller và Grau. Oscar Braumuller, rám nắng, tóc đỏ như đồng, ngồi trên tay ghế sô pha, thích thú ngắm những bức ảnh của Gottfried. Anh ấy là tay đua cho một hảng xe hơi và bạn vong niên của Koster. Anh ấy tham dự cuộc đua thứ sáu, cuộc đua mà Otto đã ghi danh với Karl. Ferdinand Grau, to lớn, béo phì và ngà ngà say, ngồi ở bàn. Khi trông thấy tôi, anh đưa bàn tay hộ pháp ra.
“Bob,” anh nhừa nhựa nói, “cậu định làm gì ở đây với bọn trời đánh này hử? Ở đây không có gì cho cậu. Đi ngay. Cho toàn mạng. Khi còn đủ thì giờ.”
Tôi liếc về phía Lenz. Anh ấy nháy mắt với tôi. “Ferdinand đang xỉn. Từ hai ngày nay, anh ấy uống cho những người quá cố yêu dấu. Anh ấy vừa bán một bức tranh truyền thần và túi rủng rỉnh xu.”
Ferdinand là họa sĩ. Và có lẽ anh ấy đã chết đói từ lâu, nếu như không có sở trường độc đáo. Theo yêu cầu của tang gia hiếu thảo, chỉ dựa trên ảnh chụp của người đã mất, anh vẽ những tấm chân dung sống động tuyệt vời. Anh kiếm sống bằng cách đó — thực tình mà nói, khá giả. Tranh phong cảnh tuyệt đẹp của anh, không ma nào mua. Việc này làm cho câu chuyện của anh nhuốm màu sắc bi quan.
“Lần này là một ông chủ quán rượu, Bob ạ,” anh nói; “một ông chủ quán rượu có bà cô giàu sụ trong ngành dầu, dấm.” Anh rùng mình. “Kinh khiếp quá!”
“Ferdinand này,” Lenz phản đối. “cậu không nên dùng những từ ngữ nặng nề như thế. Cậu sống nhờ lòng hiếu để, một trong những đức tính cao đẹp nhất của con người.”
“Không đúng,” Ferdinand tuyên bố, “tôi sống nhờ vào mặc cảm tội lỗi. Hiếu thảo gì đây? chẳng qua chỉ là lòng ân hận. Người ta muốn bù đấp lại những ước muốn và hành vi xấu xa mà họ đã gây ra cho thân nhân của họ lúc sinh tiền.” Anh chậm rãi lấy tay vuốt vầng trán đam mê. “Cứ nghĩ xem, bao nhiêu lần ông chủ quán rượu của tớ đã ao ước bà cô của ông ấý chết phức đi! Để chuộc lỗi, giờ đây ông ấy đặt tớ vẽ tranh cho bà bằng những màu sắc đẹp đẽ nhất và treo lên tường bên trên sô pha. Ông ta thích bà ấy như thế hơn. Lòng hiếu thảo! Nhân loại chỉ nhớ tới những đức tính hiếm hoi của họ khi đã quá trễ. Và người ta sẽ an ủi bằng cách nghĩ rằng họ có thể cư xử tồi tệ còn hơn thế, và coi đó như là điều công chính. Con người muốn người khác có những đức tính — đức hạnh, nhân từ và độ lượng — để họ có thể lợi dụng.”
Lenz nhoẽn cười. “Cậu đang tấn công vào nền tảng của xã hội, Ferdinand.”
“Nền tảng của xã hội là lòng ganh tỵ, sợ hãi và thối nát,” Grau bẻ lại. “Loài người xấu xa nhưng lại yêu thích điều thiện — do người khác làm.” Anh chìa ly rượu của mình cho Lenz. “Vậy nên, hãy rót cho tớ thêm một ly và đừng nói suốt cả đêm. Để cho người khác được góp lời với.”
Tôi leo qua ghế sô pha đến chỗ Koster đứng. Một ý tưởng đột nhiên nảy sinh trong đầu. “Otto, xin giúp tớ việc này, Tớ muốn sử dụng chiếc Cadillac tối mai.”
Đang mãi mê nhìn ngắm ảnh một vũ công Creole ăn mặc phong phanh, Braumuller ngừng lại.
“Thế, cậu đã biết quẹo cua?” anh gạn hỏi. “Tớ nghĩ cậu chỉ biết lái một đường thẳng bong, nếu có ai kềm tay lái cho cậu.”
“Đừng lo, Oscar,” tôi trả lời, “tụi tớ sẽ cho cậu hít bụi trong cuộc đua thứ sáu.”
Braumuller cười ngoặt ngoẽo gần như tắc thở.
“Sao, có được không, Otto?” tôi thúc hối.
“Xe không có bảo hiểm, Bob,” Koster nói.
“Tớ sẽ lái chậm như rùa bò và bóp kèn om trời như xe buýt. Chỉ vài kí lô mét khỏi thành phố.”
“Otto khép mắt lại cho đến lúc chúng chỉ còn là hai vạch nhỏ và anh mĩm cười. “Theo tớ, được đấy Bob.”
“Cậu muốn chiếc xe, tớ đoán, để đi đôi với cái cà vạt mới?” Lenz vừa bước tới, hỏi.
“Nín đi,” tôi nói, xô anh sang một bên.
Nhưng anh không buông tha.
“Bé ơi, cho xem nào!” Anh mân mê mảnh lụa. “Đẹp. Thằng bé của chúng ta đĩ trai thế. Tớ nghi hắn sẽ dự hội chiêu thê.”
“Hôm nay cậu chẳng làm gì được tớ đâu, đồ nghệ sĩ thay áo,” tôi trả lời.
“Hội chiêu thê?” Ferdinand Frau ngẩng đầu. “Và tại sao chú ấy không dự hội chiêu thê được nhỉ?” Anh trở nên sống động và quay lại nhìn tôi. “Đi đi, Bob. Cậu có đủ điều kiện. Một tính chất đơn giản cần thiết cho tình yêu. Cậu sở hữu điều ấy. Gìn giữ nó. Đấy là quà tặng của thượng đế. Không bao giờ có lại, một khi đã mất.”
“Tuy thế, đừng lo lắng nhiều, Bob,” Lenz cười toe toét. “Chẳng có gì phải hổ thẹn khi ta sinh ra đời ngờ nghệch. Chết khờ dại mới xấu hổ.”
“Gottfried, nín đi!” Chỉ với một cái nhấc tay, Grau đã đẩy anh ấy sang một bên. “Đừng can dự vào, đồ lãng mạn cuối mùa. Chẳng ai thèm thương hại cậu.”
“Ferdinand ạ, nếu cần, cậu cứ nói.” Lenz đáp. “Nói ra được, thường sẽ nhẹ lòng hơn.”
“Cậu, một người cáo bệnh trốn việc,” Grau tuyên bố. “Chính cậu, là người đáng thương, theo chủ nghĩa thoát ly, xa vời thực tế.”
“Thế thì tất cả chúng ta đều cá mè một lứa,” Lenz cười. “Chúng ta chỉ sống bằng ảo tưởng và tín nhiệm.”
“Vâng, đúng thế,” Grau nói, nhìn chúng tôi dưới hàng chân mày dầy rậm. “Bằng ảo vọng dựa vào quá khứ, và niềm tin vay mượn ở tương lai.” Rồi anh quay lại tôi. “Tính chất mộc mạc,” tớ đã nói như thế, Bob. Chỉ có những ai ganh tỵ mới gọi điều ấy là sự khờ dại. Cậu đừng lo bị thua thiệt. Đấy không phải là một khuyết điểm; đấy chính là tài năng.”
Lenz muốn cắt ngang, nhưng Ferdinand vẫn tiếp tục. “Cậu biết tớ muốn nói gì. Một lòng can đảm tròn vẹn, chưa bị xói mòn bởi sự nghi ngờ và khôn ngoan quá mức. Parsifal ngu ngốc. Nếu là một người thông minh sắc sảo, hẳn ông ta chẳng thể dành được Chén Thánh. Chỉ có những người khờ khạo mới thành tựu trong đời; những người khác, nhìn thấy quá nhiều chướng ngại và do dự trước khi bắt đầu. Trong những lúc khó khăn, sự ngây thơ chân chất là món quà vô giá nhất — là chiếc áo tàng hình, che giấu mối hiểm nguy mà những người khôn ngoan vượt bực thường đâm đầu vào như bị thôi miên.”
Anh tợp một ngụm rượu và nhìn tôi bằng đôi mắt xanh, mênh mang, như một mảng trời trên gương mặt anh. “Đừng bao giờ muốn biết quá nhiều, Bob. Càng ít chừng nào, càng dễ sống chừng ấy. Kiến thức giải phóng chúng ta — nhưng làm chúng ta đau khổ. Nào, hãy uống với tớ để chúc tụng sự đơn giản, khờ dại và những thứ tùy thuộc vào nó — tình yêu, niềm tin ở tương lai, ước mơ có hạnh phúc; hãy uống để chúc tụng sự ngu ngơ tuyệt vời, chúc tụng một thiên đàng đã mất…”
Anh ngồi đấy, nặng nề, to béo, thình lình co rút lại và lọt thỏm vào chính mình và cơn say, như một ngọn đồi cô đơn u sầu không ai có thể chạm đến. Đời anh đã tan nát, và anh biết anh không thể hàn gắn. Anh sống trong xưởng họa to rộng của mình và tằng tịu với bà quản gia. Mụ cứng rắn và thô kệch; trong khi, Grau, mặc dù thân hình đồ sộ, lại nhạy cảm và mong manh. Anh không thể thoát khỏi tay mụ và có lẽ, anh cũng chẳng màng. Anh mới bốn mươi hai tuổi.
Mặc dù tôi biết anh chỉ say sưa, nhưng tôi vẫn rùng mình rất khẻ. Anh không thường đến đây; anh hay uống trong xưởng vẽ một mình. Như thế lại càng gục nhanh.
Một nụ cười lướt qua mặt, anh ấn ly rượu vào tay tôi.
“Uống đi, Bob. Và tự cứu. Hãy nghĩ về những điều tớ vừa nói.”
“Vâng, Ferdinand ạ.”
Lenz mở máy hát. Anh có một chồng đĩa nhạc của người da đen và anh cho máy chạy những bài — về Mississippi, về mùa thu hoạch bông vải, và về những đêm oi ả trên sông nước nhiệt đới xanh rờn.
——————————–
1 Trappists: một chi nhánh của dòng tu Cistercian, tuân theo luật khổ hạnh thiết lập ở La Trappe năm 1664

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.