Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống

Chương 10: Thay đổi cách nhìn nhận bản thân để thay đổi cuộc sống



Vào một số thời điểm trong đời, tất cả chúng ta đều mong muốn tạo nên những thay đổi nhất định. Chúng ta muốn thay đổi cách mình cảm nhận, hành động và cả hệ quả tương ứng.
Một số người muốn giảm cân, bỏ thuốc lá hoặc cai nghiện ma túy. Số khác muốn thay đổi tình hình tài chính hiện tại, trong khi có người chỉ đơn giản muốn trở nên tự tin hơn, trui rèn kỹ năng lãnh đạo sắc bén hơn để nhắm đến những vị trí cao hơn trong sự nghiệp. Vậy nên người ta mới cần đọc sách phát triển bản thân, tham gia hội thảo hoặc thậm chí nhờ đến dịch vụ tư vấn và trị liệu tâm lý. Một số người cũng tìm cách tự thay đổi bằng cách kỷ luật bản thân.

Trong thời đại thông tin ta đang sống, làm gì có chuyện thiếu kiến thức, thiếu thông tin hay phương pháp giúp ta học hỏi và thực hiện bất cứ thay đổi nào ta muốn. Nếu bạn muốn giảm cân, có cơ man nào là sách, video, thiết bị, các loại thuốc chức năng và những khóa rèn luyện thể chất giúp bạn đạt được mục tiêu. Tương tự, có rất nhiều con đường có thể đưa bất kỳ ai lên đỉnh thành công.

Vậy tại sao chẳng mấy ai thật sự thay đổi và duy trì được sự thay đổi đó?

Các số liệu thống kê cho thấy chỉ có 12% số người tham gia chương trình giảm cân giảm được số cân như ý. Càng ngạc nhiên hơn khi chỉ có 3% trong nhóm nói trên giữ được mức cân nặng mới trong vòng 12 tháng. Tương tự, không phải tất cả những ai lên kế hoạch cai nghiện thuốc lá đều có thể bỏ thuốc hoàn toàn. 60% hút trở lại sau ba tháng cai nghiện.

Với vai trò hướng dẫn và hỗ trợ các học viên của mình thay đổi tích cực trong cuộc sống, tôi luôn canh cánh trong lòng không biết điều gì tạo nên sự thay đổi lâu dài. Tại sao một số người có thể thay đổi được suy nghĩ và hành vi của mình mãi mãi trong khi số khác cứ bám chặt vào những thói quen thâm căn cố đế? Điều gì làm nên sự khác biệt đó?

Sức mạnh của cách bạn nhìn nhận bản thân

Trong quá trình tiếp xúc với hơn 550.000 người trên bảy quốc gia thông qua các buổi hội thảo và huấn luyện của mình, tôi nhận thấy khi một người thật sự thay đổi lâu dài, đó là vì họ không chỉ thay đổi về mặt hành vi, cảm xúc hay mức độ nhận thức mà cách họ nhìn nhận bản thân cũng thay đổi.

Thế nào là nhìn nhận bản thân? Cách bạn nhìn nhận bản thân là những niềm tin của bạn về chính bản thân mình. Đó là những gì bạn nhìn thấy ở bản thân. Khi một người giảm cân thành công và duy trì được mức cân nặng lý tưởng, đó là vì trong tư tưởng họ không còn xem mình là một “người béo phì” nữa. Họ tin mình là một người có thân hình khỏe mạnh, cân đối và cương quyết không bao giờ ăn uống vô độ đến nỗi thừa cân một lần nữa. Với cách nhìn nhận bản thân mới này, niềm tin, các giá trị và chuẩn mực sống của họ không còn như trước nữa.

Ngược lại, phần lớn nhiều người có thể giảm cân sau một thời gian theo đuổi quá trình luyện tập, kiêng khem, nhưng cách nhìn nhận bản thân của họ vẫn như cũ. Họ vẫn thấy mình có thân hình “quá khổ” và chỉ mới giảm được vài ký. Bởi cách nhìn nhận bản thân của họ hoàn toàn không có gì mới mẻ nên chẳng bao lâu sau họ lại tiếp tục ăn uống thả ga, không buồn tập luyện và cuối cùng đâu lại vào đấy.

Cách bạn nhìn nhận bản thân chi phối suy nghĩ và hành động của bạn
Để tôi hỏi bạn một câu mà các nhà hiền triết đã băn khoăn suốt bao thế kỷ: “Bạn là ai?” “Bạn nhìn nhận bản thân mình thế nào?” Cách bạn nhìn nhận bản thân sẽ ảnh hưởng đến niềm tin, giá trị sống, thái độ và cả hành vi của bạn nữa. Nó quyết định bạn sẽ làm gì và không làm gì. Kết quả là nó vẽ nên vận mệnh cuộc đời bạn.

Tôi xin nêu ra một số trường hợp để giải thích cho sức mạnh của cách nhìn nhận bản thân. Hãy tưởng tượng con tàu của bạn bị đắm và trôi giạt vào một hòn đảo hẻo lánh với một nhóm người sống sót mà bạn chẳng biết ai là ai. Tất cả đều bấn loạn tinh thần, không một ai chịu đứng lên làm thủ lĩnh để đưa ra những quyết định liên quan đến sự sống còn của cả nhóm. Bạn sẽ xung phong lãnh đạo, hay ngồi chờ ai đó lãnh trách nhiệm thay cho mình? Hãy nghĩ về điều này.

Thú vị ở chỗ là luôn có những người nói lên ý kiến của mình và dẫn dắt nhóm, nhưng cũng sẽ có những người chẳng bao giờ chịu tham gia. Vì sao vậy? Tất cả nằm ở cách nhìn nhận bản thân của mỗi người. Nếu bạn là tuýp người thích đi trước dẫn đầu, đó là vì bạn nghĩ mình có tố chất “lãnh đạo”. Bạn tin mình là một lãnh đạo và thế là bạn hành xử đúng y như thế. Số khác hài lòng với vai trò “phục tùng” nên chẳng bao giờ tiên phong. Nếu ai đó đề nghị họ làm thủ lĩnh, họ sẽ tìm cách tránh né bởi trong họ luôn mang niềm tin mình không đủ năng lực.

Tôi muốn chia sẻ thêm với bạn một ví dụ nữa. Nếu bạn có cơ hội ăn cắp khoảng một triệu đô của công ty bạn đang làm việc và biết chắc không ai phát hiện ra, bạn có làm không? Có người tuyên bố luôn, “tôi không đời nào làm chuyện đó!” Khi tôi hỏi lý do, họ trả lời rằng họ mang nặng cảm giác tội lỗi khi làm chuyện sai trái. Thế nhưng có những người sẵn sàng nẫng một triệu đô mà không cảm thấy vướng mắc chút nào. Một lần nữa, sự khác biệt nằm ở cách nhìn nhận bản thân của mỗi người. Những ai tự xem mình là “trung thực” sẽ không thò tay lấy tiền và những ai không có quan điểm tương tự chắc chắn sẽ chớp thời cơ.

Tôi nhớ mình có xem bộ phim hoạt hình Kỷ Băng Hà 2 (Ice Age 2), trong đó phác họa rõ nét sức mạnh của việc nhìn nhận bản thân. Trong phim có nhân vật voi ma- mút (loài voi thời tiền sử) tên là Ally, vốn bị lạc bầy từ khi còn bé xíu. Ally được gia đình chuột possum mang về nuôi nấng. Lớn lên cùng nhà chuột, nó bắt đầu tin rằng mình cũng là một con chuột possum.

Kết quả? Ally hành xử không khác gì một con chuột possum. Nó lăn đùng ra giả chết bất cứ khi nào thấp thoáng bóng dáng thú săn mồi, như đại bàng lượn trên đầu chẳng hạn. Nó treo ngược người trên thân cây để ngủ, và bỏ chạy trối chết khi con vật khác đến gần. Nó chưa bao giờ ý thức được rằng mình là một con voi ma-mút, loài vật to lớn và mạnh mẽ nhất trên cạn. Một ngày kia, Ally gặp một chàng voi ma- mút tên là Manny. Manny tìm mọi cách thuyết phục Ally tin rằng nó là voi ma-mút chính gốc, đừng có hở tí là bỏ chạy khi có chuyện xảy ra.

Manny đưa Ally đến bên vũng nước và bảo nó nhìn vào bóng mình trong nước để biết mình thật sự là ai. Ally làm theo, rồi nó la toáng lên, “mình là một con chuột possum béo ú!” Nó vẫn không tin mình là voi ma-mút, dù bằng chứng rành rành trước mắt. Bài học rút ra từ bộ phim này là gì?

Nhiều người trong chúng ta mạnh mẽ không khác gì loài voi ma-mút. Chúng ta mang trong mình tiềm năng to lớn và thừa khả năng làm được những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Thế nhưng, trong quá trình sống, vì một lý do nào đó, những người chung quanh khiến ta tin rằng mình là kẻ “lười nhác”, “bất hạnh”, “kém cỏi”, “yếu đuối”… Vào thời điểm chúng ta tin rằng mình chỉ là người bình thường, chúng ta bắt đầu hành xử như người bình thường. Chúng ta hạ thấp chuẩn mực sống, giới hạn niềm tin và thái độ sống của chính mình. Thậm chí khi có dịp thể hiện tài năng thật sự, chúng ta vẫn bị kiềm chế bởi tư duy thiển cận và từ chối nhìn nhận sự thật.

Cách bạn nhìn nhận bản thân ảnh hưởng đến vận mệnh

“Ở đúng nơi, vào đúng thời điểm thôi chưa đủ. Bạn còn phải là người phù hợp trong hoàn cảnh đó, vào đúng thời điểm đó.”
T. Harv Eker

Cách bạn nhìn nhận bản thân tác động đến những gì bạn nghĩ mình có thể làm hoặc không thể làm. Rồi điều này lại ảnh hưởng đến những điều bạn mong muốn trong cuộc sống (mục tiêu và các chuẩn mực). Điều bạn muốn sẽ dẫn đến việc bạn làm (hành vi) . Cuối cùng chính hành vi đó sẽ định hình kết quả và toàn bộ vận mệnh của bạn mai sau.

Hiểu được sức mạnh của việc nhìn nhận bản thân đã khiến cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi. Khi còn học cấp một, tôi từng mang nặng mặc cảm về bản thân mình. Tôi từng xem mình là kẻ thất bại, học hành chậm tiến, lười biếng và dốt nát. Giờ nghĩ lại, tôi nhận ra cách nhìn nhận bản thân này được hình thành từ những trải nghiệm trước đó trong quá khứ và cả những lời nhận xét chua cay mà người khác dành cho tôi.

Trong khoảng thời gian đó, suốt ngày tôi kiếm cớ trì hoãn chuyện học hành, chỉ toàn xem ti-vi và chơi game trên máy vi tính thay vì ngồi vào bàn học và làm bài tập về nhà. Bài giảng của thầy trên lớp mới khó nhớ và khó hiểu làm sao, vậy nên tôi đâu thèm chú ý. Kết quả là tôi thi rớt lên rớt xuống và lúc nào cũng đội sổ. Bạn bè chê tôi dốt, còn cha mẹ, gia sư và thầy cô thì không ngừng than vãn sao mà tôi lười thế không biết. Tất cả những điều đó sớm gieo vào lòng tôi một chân dung chẳng mấy tốt đẹp về mình – một kẻ thất bại.

Lúc nào tôi còn xem mình là đứa chẳng nên thân, lúc đó tôi chẳng dám mơ mình sẽ làm chuyện gì to tát. Tôi chỉ mong sao qua được kỳ thi để cha mẹ đừng càm ràm tôi nữa. Đủ điểm đậu là một thành quả to lớn đối với tôi lúc bấy giờ. Và nó không mang lại cho tôi tí xíu động lực nào. Tôi chẳng bao giờ cố gắng. Thế nên điểm số của tôi vẫn lẹt đẹt. Có trời mới biết số phận tôi sẽ ra sao nếu tôi cứ giữ mãi trong đầu hình ảnh về chính mình như thế. Chắc chắn tôi không ngồi đây mà viết ra quyển sách này.

Vậy thì điều gì đã thay đổi cuộc đời tôi 180 độ vậy? Tôi may mắn có được một trải nghiệm mạnh mẽ đến nỗi nó hoàn toàn thay đổi cách tôi nhìn nhận bản thân mình. 13 tuổi, tôi tham dự một khóa học phát triển bản thân dành cho thiếu niên. Trong suốt khóa học ấy, chúng tôi trải qua nhiều hoạt động thử thách để chứng minh cho bản thân mình thấy rằng mình có khả năng làm được nhiều điều to lớn hơn mình tưởng. Tôi được dạy rằng những hành vi và kết quả trong quá khứ không quyết định tôi là người như thế nào. Tự tôi nắm trong tay sức mạnh để trở thành con người tốt đẹp trong tương lai mà tôi hằng ao ước. Tất cả học viên của khóa học đều nhận ra rằng ẩn chứa bên trong chúng tôi là những mỏ tiềm năng dồi dào đang chờ được khai phá để đạt được bất kỳ mục tiêu nào chúng tôi muốn.

Sau năm ngày đầy ắp những trải nghiệm tích cực, tôi bắt đầu xem mình là “người thành công”. Tôi học cách hình dung mình là một học sinh giỏi, một người thành công, một nhà lãnh đạo và là triệu phú tương lai. Bỗng dưng tư duy tôi thay đổi hoàn toàn, kéo theo những thay đổi lớn trong nhận thức, hành vi và cả cuộc đời tôi.

Với cách nhìn nhận bản thân mới lạ này, tôi bắt đầu tin rằng mọi thứ trên đời này đều khả thi. Tôi đặt ra những chuẩn mực sống cao hơn. Tôi khao khát đạt được nhiều thứ. Tôi đặt mục tiêu học giỏi nhất trường, đậu đại học và trở thành doanh nhân thành đạt. Tôi bắt đầu hành xử khác đi. Tôi học hành chăm chỉ, hăng hái giơ tay phát biểu trong lớp. Chẳng bao lâu sau, điểm số của tôi được cải thiện rõ rệt và những gì diễn ra sau đó thì mọi người đã rõ. Từ chính kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận ra rằng cuộc đời mình chỉ thay đổi khi cách mình nhìn nhận bản thân thay đổi. Ngày hôm nay, tôi vô cùng hài lòng vì đã giúp được các bạn trẻ lẫn những người trưởng thành thay đổi cách nhìn nhận bản thân thông qua khóa học “Sống & Khát Vọng” (Patterns of Excellence).

Bạn là ai?

Tôi muốn bạn dành ra vài phút để suy nghĩ về câu hỏi: “Bạn là ai?”“Bạn nhìn nhận bản thân mình thế nào?” Tôi biết câu hỏi này không dễ, nhưng bạn cần phải phân tích câu trả lời mà mình đưa ra. Điều này rất quan trọng. Hãy miêu tả bản thân mình bắt đầu bằng chữ “tôi là …”

Có nhiều cách để bạn nói về bản thân mình. Một số người tự nhận xét từ khía cạnh hành vi như, “tôi là người nghiêm túc. Tôi là người lười biếng. Tôi là người luôn tìm cách trì hoãn.” Số khác miêu tả chân dung của mình dựa trên cảm xúc, “tôi là người vô lo. Tôi là người quyết tâm. Tôi là người dễ buồn.”

Còn một cách nữa để bạn khắc họa chân dung chính mình là xem xét vai trò của bạn trong cuộc sống. Ví dụ, “tôi là thầy giáo. Tôi là một người mẹ. Tôi là sĩ quan quân đội.” Bạn cũng có thể dùng phương pháp ẩn dụ. Tôi từng thấy có người nói về mình như sau, “tôi là chú chuột ngoan ngoãn”, “một cái bị rách” hoặc “một đóa hướng dương”.

Vậy bạn là ai? Bạn nghĩ mình thuộc loại người nào? Một người thành công? Một người bình thường? Một nhà phiêu lưu? Một kẻ nhút nhát? Một nhà lãnh đạo hay kẻ phục tùng? Kẻ bại trận hay người chiến thắng? Bạn có thông minh không? Bạn là người lôi cuốn hay tẻ nhạt? Hãy thành thật với chính mình và làm bài tập này ngay bây giờ.

Giờ bạn hãy xem lại những gì bạn miêu tả về mình. Có điểm nào (do bạn tự đánh giá) giúp bạn cảm thấy tự tin không? Ví dụ, nếu bạn cho là mình quyết đoán, vậy thì bạn không dễ dàng chấp nhận bỏ cuộc. Ngoài ra, có điểm nào hạn chế bạn không? Ví dụ, nếu bạn thấy mình lười biếng, bạn sẽ hành xử tương ứng với quan điểm đó một cách vô thức.

Một trong những nhu cầu tâm lý mạnh mẽ nhất của con người là hành xử theo đúng cách mình nhìn nhận bản thân và cách người khác nhìn nhận mình, bất kể góc nhìn đó tiêu cực và tồi tệ đến mức nào đi nữa. Bởi thế bạn phải hết sức cẩn trọng khi chọn cách mình nhìn nhận bản thân.

Bạn tài giỏi hơn bạn nghĩ

Nếu cách bạn nhìn nhận bản thân còn giới hạn và tiêu cực ở một vài chỗ, thì tin tốt lành là bạn có thể thay đổi nó. Bạn phải nhớ rằng cách nhìn nhận bản thân của bạn ngày hôm nay chính là kết quả của toàn bộ trải nghiệm và hành vi của bạn trong quá khứ. Nó không quyết định bạn là ai nếu bạn không cho phép điều đó xảy ra.

Ví dụ, nếu bạn nghĩ rằng mình lười biếng, lý do gì khiến bạn nghĩ vậy? Chắc hẳn là nhiều lần trong quá khứ bạn đặt mục tiêu rồi cuối cùng không theo đến cùng. Có những lúc cần bắt tay vào hành động thì bạn lại không hành động. Tình trạng ấy cứ lặp đi lặp lại vài lần, cuối cùng bạn kết luận đó là biểu hiện của một kẻ biếng nhác. Những người chung quanh cũng gán cho bạn cái nhãn “lười biếng” khi quan sát lối hành xử ấy của bạn. Một khi đã chấp nhận nhãn dán “lười biếng” này, bạn sẽ xem đó là chuyện bình thường và tiếp tục phát huy.

Bạn cần hiểu rằng những hành vi trong quá khứ không tạo nên con người bạn ngày hôm nay. Cách bạn hành động trong quá khứ là kết quả của những lựa chọn đã qua và trạng thái cảm xúc của bạn tại thời điểm ấy. Bạn có khả năng đưa ra những lựa chọn mới, tự tạo động lực cho mình và hành động quyết liệt. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn tin mình là kẻ lười biếng, thì bạn sẽ chẳng thay đổi được gì trong lựa chọn và hành vi của mình.

Bạn có thể nghĩ mình lười đến mức nào cũng được, nhưng tôi tin vẫn có nhiều thứ khiến bạn làm một cách hào hứng. Ví dụ như khi còn là một đứa trẻ, tôi rất lười làm bài tập Toán, nhưng tôi mê vẽ và chơi game trên máy vi tính. Vậy nên, chẳng có ai “lười” cả. Còn tùy vào tình huống và hoàn cảnh nữa.

Tôi muốn nhắc lại, hành vi của bạn không quyết định cách bạn nhìn nhận bản thân, trừ phi bạn cho phép điều đó xảy ra. Hành vi là thứ có thể thay đổi được dễ dàng. Nhưng ngay thời điểm bạn hình thành cách nhìn nhận bản thân gắn liền với hành vi tiêu cực ấy, nó sẽ trở nên khó thay đổi hơn bao giờ hết. Ai cũng mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn trong quá khứ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa là chúng ta ngu dốt. Tương tự, ai cũng từng nhiều lần thất bại. Nhưng điều đó không biến chúng ta thành những kẻ thua cuộc. Do vậy nếu bạn có thừa vài ký lô thì cũng đừng tự dán nhãn mình là “phì nộn”, bởi khi làm vậy, bạn sẽ không thể thoát khỏi nó. Thay vào đó, hãy xem như mình là người cần giảm bớt vài ký mỡ thừa.

Thay đổi lâu dài bắt đầu từ việc nhìn nhận bản thân mình khác đi
Hãy nhớ nếu bạn muốn thay đổi bất kỳ hành vi hoặc kết quả nào, trước tiên bạn phải thay đổi cách bạn nhìn nhận bản thân mình. Nếu bạn muốn thành công hơn trong cuộc sống, bạn phải xem mình là người thành công trước đã. Rồi bạn sẽ tư duy và hành động như một người thành công thật sự. Bạn sẽ có phong thái khác trước, nói năng và ăn mặc cũng khác trước. Bạn sẽ sử dụng quỹ thời gian trong ngày một cách hiệu quả hơn và đòi hỏi bản thân phải nỗ lực nhiều hơn.

Có một nguyên tắc nổi tiếng là “Trở Thành, Thực Hiện và Đạt Được”. Trước tiên, bạn hãy trở thành con người mà bạn mong muốn. Chỉ có thế bạn mới làm những gì người đó làm và sở hữu những gì người đó sở hữu. Nhiều người không bao giờ gặt hái thành quả bởi vì họ làm ngược lại nguyên tắc trên. Theo đó, họ nghĩ mình phải thành công trước khi hành xử như một người thành công. Rồi họ sẽ trở thành những người thành công. Nhưng không phải vậy. Bạn phải “Trở thành”, “Thực hiện” rồi mới “Đạt được”.

Rất nhiều người nghiện thuốc lá tôi biết đã rất nỗ lực để bỏ thuốc, một số còn tham gia chương trình cai nghiện hẳn hoi, nhưng chỉ được vài tháng thì “ngựa quen đường cũ”. Tại sao họ không bỏ thuốc lâu được? Lý do là họ cố gắng hết sức để thay đổi thói quen, nhưng nhận thức về bản thân họ thì không thay đổi. Nếu họ vẫn còn tin mình là người nghiện hút thuốc thì chuyện tái nghiện là khó tránh khỏi. Trong quãng thời gian cai thuốc, họ phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Đó là một dạng xung đột nội tâm. Rốt cuộc, nhận thức của bạn về bản thân mình lúc nào cũng giành phần thắng.

Giây phút bạn quyết định thay đổi cách nhìn nhận về bản thân, mâu thuẫn nội tâm sẽ biến mất và kết quả của sự thay đổi sẽ ở lại với bạn. Khi mới 14 tuổi, tôi cũng tập tành hút thuốc với đám bạn chung trường cấp hai. Thêm nữa, công việc bán thời gian của tôi khi ấy là DJ chỉnh nhạc và kinh doanh sàn nhảy lưu động vào dịp cuối tuần hoặc những kỳ nghỉ. Trong môi trường nhảy nhót này, ai cũng hút thuốc: từ người dẫn chương trình, đến DJ và cả những khách đến dự. Đó là một phần tất yếu của người trong giới. Nếu bạn không hút thuốc, bạn trở nên lập dị.

Tôi hút liên tục cho đến năm 18 tuổi. Vào thời điểm ấy, tôi nảy sinh mong muốn trở thành một diễn giả nổi tiếng như Anthony Robbins và Tony Buzan. Tôi dần dần không còn mặn mà với công việc chỉnh nhạc nữa, thay vào đó tôi chuyển sang mê đọc sách phát triển bản thân và tình nguyện làm huấn luyện viên và chuyên gia đào tạo cho các khóa học truyền động lực. Trong lúc dành thời gian hướng dẫn các em nhỏ cách làm chủ cuộc sống và suy nghĩ như một người thành công, tôi bắt đầu nhìn nhận bản thân mình khác đi. Giờ tôi là một tấm gương của thành công để các em noi theo. Tôi bắt đầu thấy chuyện phì phèo điếu thuốc trên tay là không chấp nhận được, nên tôi bỏ thuốc và không bao giờ hút lại. Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn không có cảm tình với chuyện hút thuốc. Bạn có thể tin rằng nếu tôi tiếp tục kinh doanh sàn nhảy, hẳn giờ đây tôi vẫn không thể rời điếu thuốc lá.

Tôi nhận ra điều tương tự khi tôi chỉ định các học viên của mình làm huấn luyện viên và trưởng nhóm, họ bắt đầu hành xử khác hẳn. Họ thể hiện phong thái chững chạc hơn, trở nên có trách nhiệm hơn và có động lực để thực hiện những gì người khác trông đợi vào mình, cũng như không làm cho bản thân họ thất vọng. Thay đổi cách nhìn nhận bản thân thật sự là một công cụ vô cùng hiệu nghiệm.

Thay đổi cách nhìn nhận bản thân. Thay đổi cuộc sống

Khi tôi bảo mọi người thay đổi cách họ nhìn nhận bản thân, một số người hỏi, “mình có thể thay đổi bản chất con người mình sao?” “Chẳng phải điều đó cố định rồi sao?” Hoàn toàn không phải thế! Khi ta lớn lên, cách ta nhìn nhận bản thân cũng biến đổi theo từng giai đoạn, có khi theo hướng tích cực, có khi lại tiêu cực. Nguy hiểm ở chỗ là nếu cách nhìn nhận bản thân ta thay đổi một cách vô thức, chúng sẽ có nguy cơ trở nên tiêu cực và hủy hoại cuộc đời ta.

Đã bao giờ bạn bất chợt nhận thấy mình khác trước quá nhiều? Đã bao giờ bạn tự nhủ “mình từng là người như thế, sao bây giờ mình lại…?” Đó là lúc cách bạn nhìn nhận bản thân thay đổi.

Chúng ta cần biết rằng cách nhìn nhận bản thân thay đổi khi chúng ta phải đối mặt với những biến chuyển trong văn hóa, trường học, tổ chức, bạn bè, hoặc những cột mốc quan trọng trong đời (như lập gia đình, sinh con…). Ví dụ, khi ta bước sang một độ tuổi nhất định (21 chẳng hạn), nhập ngũ rồi vào đại học, ta thấy mình khác đi một chút (giờ mình là sinh viên ra trường rồi, trưởng thành rồi, là một người lính) và hành xử của mình phải khác xưa. Khi một người theo đạo Công giáo, Phật giáo hay Hồi giáo, họ sẽ bắt đầu có những thói quen, đức tin, giá trị sống và hành vi khác trước.

Khi vợ tôi trở thành người thuyết giảng Phật giáo, cô ấy thay đổi rõ rệt cách nhìn nhận bản thân và hành vi mỗi ngày. Cô ấy ăn chay trường, suy tư nhiều hơn và quan tâm đến người khác hơn. Cô ấy giàu lòng trắc ẩn hơn và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi cần. Thật là một sự chuyển biến tuyệt vời! Thay đổi cách nhìn nhận bản thân quả thật là một quá trình chuyển hóa toàn diện.

Các bước thay đổi cách nhìn nhận bản thân

Vậy bạn phải TRỞ THÀNH người như thế nào để vươn đến những ước mơ và cuộc sống mà bạn mong muốn? Ví dụ, nếu bạn muốn khỏe mạnh hơn, cơ thể săn chắc hơn, hãy học hỏi cách nhìn nhận bản thân của một người khỏe đẹp.

Nếu bạn muốn thành công, trước tiên bạn phải học cách nhìn nhận bản thân của một người thành công. Bạn phải trở nên tràn đầy động lực, kiên trì, quyết đoán và ngùn ngụt lửa đam mê. Bạn phải tự xem mình là nhà lãnh đạo và một tấm gương sáng.
Bước 1: Viết xuống cách nhìn nhận bản thân mới của bạn

Quá trình này bắt đầu bằng việc viết ra cách nhìn nhận bản thân mà bạn mong muốn. Hãy dành nhiều thời gian đầu tư suy nghĩ và viết vào chỗ trống bên dưới. Hãy làm ngay bây giờ!

Bây giờ bạn còn bốn bước nữa để củng cố cách nhìn nhận bản thân mới này.

Bước 2: Hình dung bạn trở thành con người mới đó

Mọi thứ đều bắt đầu trong tâm trí trước khi nó trở thành hiện thực. Ví dụ, nếu bạn muốn thành công về tài chính, hãy tưởng tượng mình là một triệu phú. Tưởng tượng ra cuộc sống lý tưởng mà bạn ao ước: sở hữu một căn biệt thự sang trọng, lái chiếc xe đắt tiền và đưa ra những quyết định đầu tư trị giá hàng triệu đô. Tâm trí sẽ cho bạn nguồn năng lượng để tạo ra bất cứ thứ gì bạn muốn. Khi bạn thường xuyên vẽ lên trong đầu mình một sự việc nào đó một cách thật rõ ràng cụ thể, nó sẽ lập trình tiềm thức của bạn theo hướng đó, khiến bạn phải tư duy và hành xử tương ứng.
Bước 3: Hành động phù hợp với cách nhìn nhận bản thân mới

Bước tiếp theo là hành động. Lựa chọn hành động theo cách nhìn nhận bản thân mới một cách có ý thức, cho đến khi nó trở thành một thói quen. Ví dụ, nếu bạn muốn là một người giao thiệp rộng, việc trước tiên bạn cần làm là bước đến chào hỏi và bắt chuyện với người lạ. Cố gắng nhớ tên của họ, xin danh thiếp và giữ liên lạc qua điện thoại hoặc email. Nếu bạn chưa từng làm điều này trước đây (vì bạn là người hướng nội hoặc hay ngại ngùng) thì ban đầu bạn sẽ gặp chút khó khăn.
Đó là lúc bạn phá vỡ vùng an toàn của mình và lặp đi lặp lại hành động này cho đến khi nào nó trở thành vùng an toàn mới của bạn. Ngay khi bạn cảm thấy thoải mái với thói quen mới đó, cách nhìn nhận bản thân mới sẽ gắn bó trung thành với bạn.
Bước 4: Củng cố thêm bằng lời nói

Những gì chúng ta nói ra hàng ngày sẽ ảnh hưởng đến cách ta suy nghĩ và cả hành động. Bạn hãy bắt đầu củng cố cách nhìn nhận bản thân mới một cách có chủ ý bằng việc đối thoại với bản thân, nói cho bạn bè biết về sự thay đổi này. Càng chia sẻ nhiều bao nhiêu, bạn càng kiên quyết thực hiện nó bấy nhiêu.

Từng có lúc tôi luôn miệng nói với bạn mình rằng, “tôi là người có ý thức chăm sóc sức khỏe và thích tập thể thao”. Trước đây tôi là người có sức khỏe kém và chẳng biết rèn luyện thể chất là gì, nhưng giờ tôi không thế nữa. Tôi càng nói nhiều về chuyện đó bao nhiêu, tôi càng cố gắng làm đúng những gì mình nói. Tôi không để mình có cơ hội quay lại con người cũ nữa.
Bước 5: Tạo ra những thay đổi về mặt thể chất

Cuối cùng, bạn có thể thay đổi về mặt thể chất để củng cố thêm cách nhìn nhận bản thân mới. Bạn có thể đổi kiểu tóc, thay đổi cách trang điểm, gu ăn mặc và trang sức sao cho phù hợp với con người mới của bạn.

Lúc trở thành một diễn giả, tôi bắt đầu ăn vận khác đi. Tôi thường xuyên mặc vest và xách túi du lịch dành cho thương nhân. Tôi chải tóc thật chỉn chu và chuyên nghiệp. Về phương diện nào đó, diện mạo của ta ảnh hưởng đến cách ta nhìn nhận bản thân mình và cách người khác nhìn nhận ta. Bạn không thể là người thành đạt với một vẻ ngoài nhếch nhác. Hoàn toàn không thể! Vậy bạn hãy xem lại cách ăn mặc của mình và bạn sẽ trở thành con người mình mong muốn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.