Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống

Chương 11: Rèn luyện những thói quen đưa đến thành công



Tôi là người bạn đồng hành trong suốt cuộc đời bạn.

Tôi có thể là trợ tá đắc lực, nhưng cũng có thể là gánh nặng to lớn. Tôi sẽ đẩy bạn tiến lên, hoặc dìm bạn xuống tận cùng thất bại. Tôi hoàn toàn làm theo mệnh lệnh của bạn.

Một nửa những việc bạn làm có thể chuyển giao sang tôi, và tôi sẽ thực hiện chúng

– một cách nhanh chóng và chuẩn xác.

Tôi rất dễ bảo – nhưng bạn phải cứng rắn với tôi.

Hãy dạy cho tôi những gì cần làm và chỉ sau vài lần hướng dẫn, tôi sẽ tự động thực hiện.

Tôi là kẻ hầu trung thành của những con người vĩ đại, nhưng cũng là yếu tố mang đến thất bại. Những ai muốn thành công, tôi giúp họ thành công. Những kẻ chỉ biết cúi đầu chấp nhận số mệnh, tôi khiến họ thất bại.

Tôi không phải là cỗ máy dù tôi làm việc chính xác như một cái máy, vì tôi có trí thông minh của một con người. Tôi có thể hữu ích cho bạn, nhưng cũng có thể hủy hoại bạn – đối với tôi hai chuyện đó chẳng khác gì nhau.

Hãy đón nhận tôi, rèn luyện tôi, cứng rắn với tôi và tôi sẽ khiến cả thế giới phải phục tùng dưới chân bạn. Dễ dãi với tôi thì tôi sẽ phá hoại cuộc đời bạn. Tôi là ai? Tôi là Thói Quen của bạn.

(Tác giả: Khuyết danh)

Một trong những yếu tố mạnh mẽ nhất quyết định thành công hay thất bại của chúng ta trong cuộc sống chính là thói quen. Đó là nguồn nội lực kiểm soát hầu hết mọi suy nghĩ, cảm xúc, hành vi và kết quả chúng ta đạt được. 90% suy nghĩ và hành động của chúng ta đều là thói quen. Nói cách khác, chúng được cài đặt tự động và ta tư duy/làm việc một cách vô thức và lặp đi lặp lại theo đúng một kiểu, ngày này sang ngày khác.

Bởi suy nghĩ và hành vi của ta sẽ dẫn đến những gì ta trải nghiệm trong đời, nên chất lượng sống của ta bị quy định bởi những thói quen mà ta lập trình trước đó. Nếu bạn bị phá sản, đó là do thói quen tiêu xài của bạn. Nếu bạn thường thấy mình bất hạnh, đó là kết quả của thói quen nhìn nhận cuộc sống và cách bạn tự đối thoại với bản thân. Nếu bạn chỉ đạt được những thành quả nhỏ bé trong đời thì nguyên nhân nằm ở những thói quen hạn chế của bạn.

Nếu muốn thay đổi bất kỳ khía cạnh nào trong cuộc sống, bạn phải thay đổi những thói quen đang tạo ra kết quả cụ thể đó. Dù bạn đặt ra nhiều mục tiêu và mang trong lòng niềm tin mạnh mẽ đến mấy nhưng lại không thay đổi hành vi quen thuộc hàng ngày, thì cuộc đời bạn sẽ chẳng bao giờ được cải thiện. Nếu muốn trở nên giàu có và hạnh phúc, bạn phải lập trình tâm trí với những thói quen của người giàu có và thành đạt. Nếu muốn khỏe mạnh, bạn phải tập thói quen của người có sức khỏe cường tráng.

Quá trình hình thành thói quen

Thế thì tại sao chúng ta lại có thói quen? Thói quen là công cụ cần thiết giúp chúng ta sống hiệu quả hơn. Nếu bất kỳ hoạt động/suy nghĩ nào dù lớn dù nhỏ ta đều phải để tâm thực hiện một cách ý thức, chắc chúng ta sẽ điên mất! Chúng ta sẽ chẳng còn thời gian để suy nghĩ về những thứ khác.

Rất nhiều việc ta làm đều được não bộ tự động điều khiển một cách chuẩn xác. Chúng ta đánh răng, ăn uống, đi lại và lái xe mà không cần suy nghĩ xem phải làm thế nào. Hãy thử tưởng tượng nếu bạn phải chủ ý quyết định cầm bàn chải bằng tay phải hay tay trái để đánh răng mỗi sáng thức dậy. Hay bạn phải suy nghĩ để điều khiển hai chân bước lên thang cuốn, đạp thắng, kiểm tra gương chiếu hậu rồi vào số xe… thì nội việc lái xe không thôi cũng đã đủ căng thẳng lắm rồi. Bởi con người có khả năng thực hiện mọi việc một cách vô thức, nên chúng ta có thể lái xe, nghe nhạc và nói điện thoại cùng lúc (dĩ nhiên không ai khuyến khích điều này). Và bởi ta đã biến những hoạt động ấy thành thói quen, nên đầu óc ta được giải phóng, chừa chỗ cho việc sáng tạo ý tưởng và đương đầu với thử thách mới.

Bạn nghĩ xem, nếu một phi công phải quan sát bầu trời và kiểm soát hệ thống lái một cách có ý thức suốt 20 giờ bay liên tục, anh ấy chắc sẽ kiệt sức. Cài chế độ lái tự động cho máy bay cho phép phi công nghỉ ngơi và tập trung vào những việc khác. Trong khi những thói quen tốt cực kỳ hữu ích trong việc giúp chúng ta vươn đến những mục tiêu và thành công trong cuộc sống thì những thói quen xấu chỉ mang đến thất bại và hủy hoại chúng ta. Nếu chiếc máy bay được lập trình bay thẳng vào ngọn núi cao trước mặt, chắc chắn thảm họa sẽ xảy ra.

Vậy thói quen được hình thành bằng cách nào? Mỗi một thói quen ngày hôm nay của chúng ta bắt nguồn từ một quyết định có chủ đích và một hành động trong quá khứ. Ví dụ, nhiều năm trước, bạn hay tự nhủ mỗi khi bước chân về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, “giờ mà ngồi xem ti- vi thì hay biết mấy?” Vậy là bạn bật ti-vi lên xem một cách chủ ý. Nếu hành động này mang đến cho bạn cảm giác dễ chịu, thì nhiều khả năng cũng quyết định ấy, hành động ấy được lặp lại vào ngày tiếp theo.

Sau vài ngày như thế, thói quen xem ti-vi mỗi khi đi làm về được neo vào tâm trí bạn. Vừa nhìn thấy chiếc ti- vi, bạn ngồi xuống một cách vô thức và bắt đầu xem. Nó trở thành một phản ứng tự động. Một khi thói quen đã hình thành, bạn sẽ thấy khó chịu nếu phải làm khác đi. Tất cả thói quen của chúng ta khi tổng hợp lại sẽ tạo nên tính cách con người chúng ta. Và chính tính cách đó là yếu tố quyết định vận mệnh sau này của ta.

“Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận.”
Khuyết danh
Hãy cùng thử nghiệm một trò chơi nhỏ để xem trí óc ta phi thường đến chừng nào. Bạn vui lòng đọc to từ sau 10 lần:

Bừng. Bừng. Bừng. Bừng. Bừng

Bừng. Bừng. Bừng. Bừng. Bừng

Trả lời câu hỏi sau: “Bạn đang lái xe rất nhanh. Bạn sẽ làm gì khi thấy đèn xanh?” Nếu bạn cũng giống như nhiều người khác, đáp án “ngừng/dừng” sẽ nảy ra trong đầu bạn, phải không? Sao lại thế? Bạn sẽ nhận ra rằng từ “bừng” có âm tiết gần giống với từ “ngừng/dừng.” Bằng cách lặp đi lặp lại từ này 10 lần, nó ăn vào tiềm thức của bạn và biến thành một suy nghĩ quen thuộc. Dù đáp án đúng theo tình huống phải là “đi tiếp”, tâm trí bạn lại mách nước từ “ngừng/dừng.”

Bạn có thấy lối suy nghĩ theo thói quen nguy hại đến mức nào chưa? Nếu bạn cứ suy nghĩ theo kiểu tiêu cực, “mình sẽ chẳng bao giờ thành công nổi,” “may mắn không mỉm cười với mình” hay “chẳng có cơ hội nào chào đón mình cả,” thì bạn sẽ luôn trải nghiệm một thế giới không có thành công, không may mắn và không có cơ hội. Thậm chí khi cơ hội trải ra trước mắt, bạn vẫn mặc nhiên nhủ lòng “không nắm bắt.”

“Sự xuất chúng không phải là một hành động mà là một thói quen. Những gì chúng ta lặp đi lặp nhiều lần sẽ tạo nên con người chúng ta.”

Aristotle.

Những thói quen dẫn đến thành công

Sau khi giúp rất nhiều người đạt được mục tiêu trong đời, tôi nhận ra điểm khác nhau giữa người bình thường và người phi thường chính là thói quen hình thành qua năm tháng của họ.

Người thành công có những thói quen rất khác với người thường thường bậc trung. Những cặp vợ chồng hạnh phúc cũng có thói quen khác với những đôi suốt ngày đấu võ mồm và động tay động chân. Người khỏe mạnh cũng có thói quen khác với những người liên tục mệt mỏi, yếu ớt, nay đau mai ốm. Người giàu có thói quen khác hẳn người lúc nào cũng cháy túi. Trong phần này, tôi sẽ nêu lên một số thói quen tiêu biểu tạo nên sự khác biệt đó.

Ví dụ, người giàu có và thành đạt không có thói quen xem ti-vi lúc vừa về đến nhà. Trong khi người nghèo và người bình thường có khuynh hướng xem đây là thói quen khó bỏ. Người thành công thường xuyên trò chuyện với người thân, đọc sách báo, suy ngẫm về những gì xảy ra trong ngày và lên kế hoạch cho ngày tiếp theo. Cuộc sống thực tế và đời sống nội tâm của họ đủ hứng khởi và vui vẻ nên họ thấy mình không có nhu cầu ngồi dán mắt vào ti-vi.

Nghiên cứu cho thấy trung bình một người bỏ ra 3 giờ đồng hồ mỗi ngày để xem ti- vi (hơn 1.000 giờ một năm). Tính ra họ mất 65.700 giờ suốt cả cuộc đời, tương đương với 4.106 ngày trong trạng thái thức, hay là 11 năm! Chả trách sao người ta không đào đâu ra thời gian để cải thiện chất lượng sống hay chinh phục mục tiêu.

Nhờ bỏ qua thói quen này mà người thành công có thêm 11 năm để nuôi dạy con cái, giao tiếp với bạn đời, rèn giũa kỹ năng chuyên môn, tổ chức sắp xếp cuộc sống, suy ngẫm và học hỏi, theo đuổi ước mơ và giúp đỡ những ai kém may mắn hơn mình. Chỉ một thói quen xấu đơn giản thôi lại có thể khiến bạn trả giá đắt đến thế!

Dưới đây là danh sách liệt kê một vài thói quen khác nhau mà tôi quan sát được giữa người thành công và người bình thường.

Vậy những người đang tận hưởng mối quan hệ tốt đẹp có những thói quen gì khác với người gánh chịu đau thương, tan vỡ không? Dĩ nhiên rồi, sau đây là những gì tôi quan sát được từ những cặp vợ chồng hạnh phúc bên nhau suốt 40 năm và những cặp không thể nhìn mặt nhau chỉ sau 2 năm đầu chung sống.

Giữa người giàu và kẻ bần cùng cũng có những thói quen khác nhau. Sau đây là điểm khác biệt.

Không quá khó để nhận ra các thói quen của những nhóm người khác nhau. Chỉ cần bạn chú ý tìm hiểu và chịu khó quan sát. Nếu bạn muốn cải thiện sức khỏe thể chất của mình, hãy bắt đầu từ việc quan sát thói quen của những người khỏe mạnh và so sánh chúng với thói quen của những người thân cận mà theo bạn chẳng khỏe mạnh cường tráng chút nào.

Thói quen của bạn là gì?

Giờ bạn đã nắm được những thói quen khác nhau mà mọi người thể hiện, hãy bắt đầu dành thời gian nhìn lại chính mình: Thói quen chi tiêu, thói quen sống, thói quen trong các mối quan hệ và trong công việc của bạn là gì? Bạn tư duy và hành xử theo cách nhất quán ra sao? Hãy suy nghĩ vài phút và viết chúng ra.

a. Thói quen trong lối sống

b. Thói quen chi tiêu

c. Thói quen trong các mối quan hệ

d. Thói quen trong công việc

Tiếp theo, hãy đánh giá xem liệu thói quen đó có giúp bạn đạt được mục tiêu đề ra hay đang hạn chế bạn. Sau đó, hãy viết ra những thói quen “không hữu ích” mà bạn muốn thay đổi, cùng một thói quen mới mà bạn muốn xây dựng.

 

Luyện tập cách nghĩ mới hoặc hành vi mới này mỗi ngày cho đến khi nó trở thành một thói quen. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy chỉ một thay đổi đơn giản trong thói quen lại có thể tạo nên khác biệt lớn trong chất lượng cuộc sống của bạn, chỉ sau vài tuần.

Ra khỏi vùng an toàn

Chúng ta hãy cùng khám phá một số điều mới mẻ qua bài tập sau. Khoanh tay trước ngực lại, nhớ để ý xem cánh tay nào nằm bên trên, cánh tay nào nằm bên dưới. Bạn có chủ đích khoanh tay theo kiểu như vậy không? Không hề. Bạn làm điều này theo thói quen một cách vô thức. Bây giờ, hãy khoanh tay theo kiểu ngược lại, nghĩa là tay trái đặt trên tay phải nếu lúc đầu tay phải đặt trên tay trái. Bạn cảm thấy sao? Khó chịu và kỳ cục lắm đúng không? Cảm giác tương tự sẽ xảy ra khi bạn cố thay đổi một thói quen… Không dễ chịu chút nào, gượng gạo, thậm chí đau đớn với một số người.

Đó là lý do tại sao phần lớn cảm thấy khó mà thay đổi được thói quen. Chúng đã khắc sâu vào tiềm thức đến mức nếu bạn làm khác đi thì sẽ nhận lại cảm giác không thoải mái. Một ưu điểm của kết cấu thần kinh (nghĩa là cách não bộ liên kết với nhau) và các thói quen của con người nằm ở việc chúng hoàn toàn có thể thay đổi được. Thách thức lớn nhất ở đây là bạn cần nguồn năng lượng dồi dào và cả kỷ luật bản thân hà khắc trong giai đoạn bắt đầu thay đổi. Bạn phải sẵn sàng chịu đựng cảm giác khó chịu kéo dài trong khoảng vài tuần. Tuy nhiên, đến khi thói quen mới hình thành, hành vi mới sẽ tự động diễn ra mà không cần bạn nhọc sức.

Hãy nghĩ về việc tạo dựng thói quen mới giống như phóng hỏa tiễn lên mặt trăng. Dù mặt trăng cách trái đất 356.400 km, 90% nhiên liệu hỏa tiễn được dùng vào mục đích tạo ra lực đẩy lớn hơn lực hút trái đất để phóng hỏa tiễn lên bầu khí quyển (với khoảng cách 350 km tính từ mặt đất) . Một khi hỏa tiễn đã bay vào không trung, nó cần rất ít nhiên liệu để hoàn tất cuộc hành trình bay đến mặt trăng. Tương tự, một khi bạn đã hình thành thói quen mới, bạn sẽ lặp đi lặp lại hành vi đó một cách nhẹ nhàng cho đến ngày bạn đạt được mục tiêu. Nỗ lực to lớn nhất mà bạn cần phải đầu tư là vào lúc bắt đầu tạo dựng thói quen.

Các bước hình thành những thói quen mới hữu ích

Đã đến lúc bạn cần phải phá bỏ những thói quen cũ kỹ đang hủy hoại bạn và thay thế chúng bằng những thói quen mới mạnh mẽ thúc đẩy bạn vươn tới thành công.

Trước khi có thể dẹp bỏ một thói quen xấu, bạn phải ý thức được rằng thói quen đó hiện đang đáp ứng một nhu cầu cảm xúc nào đó của bạn. Ví dụ, nếu bạn có thói quen hút thuốc lá, nhiều khả năng là hành động hút thuốc giúp bạn giải tỏa căng thẳng và cảm thấy thư giãn. Nếu trước giờ bạn hay chần chừ trì hoãn công việc thì hãy hiểu rằng đó là cách mà tâm trí bạn muốn giúp bạn tránh cảm giác khó chịu khi phải hành động và giúp bạn cảm thấy “an toàn”. Nếu bạn thường chỉ trích người khác, có thể vì điều đó khiến bạn thấy mình ”quan trọng” và “đáng được quan tâm”. Một thói quen, bất kể nó có tồi tệ đến mức nào chăng nữa, cũng nhằm thỏa mãn nhu cầu cảm xúc của chúng ta mà thôi.

Khi quyết tâm chấm dứt một thói quen xấu, bạn phải tìm một cách khác để thỏa mãn nhu cầu cảm xúc đó. Ví dụ, nếu muốn bỏ thuốc lá, bạn phải tìm một việc gì đó mới mẻ (và lành mạnh) giúp bạn xả stress. Thế nên mỗi khi cảm thấy lo lắng đứng ngồi không yên, bạn hãy thử nhai kẹo cao su, ngồi thiền hoặc tập thở, nhấm nháp thức ăn nhẹ cũng được. Nếu bạn ngừng thói quen cũ (hút thuốc) mà không có gì lấp vào khoảng trống cảm xúc đó, tôi cam đoan trước sau gì bạn cũng hút trở lại. Bởi thế, hãy tìm một cách khác thay thế thói quen cũ để đáp ứng nhu cầu cảm xúc đi kèm với nó.

Khi đã quyết định củng cố một thói quen mới, bạn có thể thực hiện bốn bước sau đây:

Kiên trì lặp lại một hành vi liên tục trong vòng 30 ngày

Cho dù bạn có lên kế hoạch rèn luyện nhiều thói quen mới, nhưng theo kinh nghiệm của cá nhân tôi thì tốt nhất mỗi lần bạn chỉ nên tập trung vào MỘT thói quen mà thôi. Nếu bạn cố thay đổi nhiều thói quen cùng lúc, sẽ chẳng có cái nào tồn tại lâu dài cả.

Do đó, hãy chọn ra một thói quen mới mà bạn muốn luyện tập trước. Bước tiếp theo là lặp lại cùng một hành vi đó trong vòng 30 ngày liên tục. Nếu thói quen mới đó là tập thể thao 30 phút mỗi ngày, hãy quyết tâm tập thể thao mỗi ngày 30 phút trong vòng 30 ngày liên tiếp. Nếu bạn bỏ lỡ một ngày, vì bất cứ lý do gì, bạn phải tính lại từ đầu cho đúng 30 ngày liên tục mới thôi.
Nếu bạn kiên nhẫn làm đi làm lại hành vi mới trong khoảng thời gian đó, nó sẽ khắc sâu vào tiềm thức và trở thành việc dễ như trở bàn tay. Một khi bạn đã luyện được thói quen mới này thành công, hãy tiếp tục với thói quen kế tiếp.

Sử dụng sức mạnh của trí tưởng tượng

Các vận động viên Olympic và những người trình diễn trên sân khấu thuộc hàng đẳng cấp thế giới đều sử dụng phương pháp hình dung để củng cố hành vi và hoàn thiện bài biểu diễn. Bạn cũng có thể làm tương tự. Một nghiên cứu được thực hiện với các vận động viên cho thấy bộ não con người không phân biệt được những gì xảy ra trong thực tế với những gì mà ta tưởng tượng trong tâm trí một cách sống động. Việc hình dung cụ thể về một sự vật sự việc tạo ra những xung thần kinh và phản ứng sinh hóa y hệt như lúc trải nghiệm thực tế. Ví dụ, nếu bạn tưởng tượng mình cắn một trái chanh chua lét, đồng thời nghĩ đến vị chua của nó, tuyến nước bọt của bạn sẽ tự động tiết ra nhiều nước bọt hơn.

Phát hiện quan trọng này có thể được ứng dụng để thúc đẩy tốc độ hình thành một thói quen mới. Chỉ cần bạn tưởng tượng mình lặp đi lặp lại một hành vi trong đầu, nó sẽ giúp khắc ghi hành động đó vào sâu hơn trong tiềm thức của bạn. Hãy nhớ dành ra 5 đến 10 phút mỗi ngày (trong vòng 30 ngày liên tiếp) để hình dung mình đang rèn luyện thói quen mới này nhiều lần.

Trong quá trình tạo dựng thói quen tập thể dục mỗi sáng, vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, tôi tưởng tượng ra hình ảnh mình thức dậy và tập thể thao hăng say trong vòng 30 phút. Điều này cực kỳ hiệu nghiệm. Ngay khi tôi vừa bật dậy khỏi giường, tâm trí tôi tự động hướng đến những bài thể thao.

Củng cố thói quen mới bằng niềm vui sướng

Như tôi đã từng đề cập, thói quen mới có thể khiến bạn khó chịu thậm chí đau đớn trong thời gian đầu. Khi bắt đầu thay đổi chế độ ăn uống sang giảm thịt, tăng cường rau xanh, tôi thấy không thoải mái chút nào. Lúc bắt đầu tập thể dục, đầu óc tôi chẳng ưa lắm cảm giác đau cơ bắp do việc luyện tập mang lại.

Những quyết định và hành vi của chúng ta chủ yếu là do cảm xúc chi phối. Bởi thế mà ngay cả khi lý trí muốn tạo ra sự thay đổi, chưa chắc tâm trí đã nghe theo nếu thay đổi đó gắn liền với “đau đớn” và “khó chịu”. Đó cũng là lý do tại sao nhiều người thực hiện một hành vi mới được vài ngày rồi bỏ. Đã bao giờ bạn gặp chuyện tương tự chưa? Sáng ra bạn hào hứng xỏ giày chạy bộ, làm vài vòng. Bạn duy trì cảm giác hứng khởi đó được đâu 1, 2 tuần rồi bỗng dưng bạn bắt đầu viện đủ lý do để bỏ tập. Đảm bảo là không bao lâu bạn lại lười biếng như cũ.

Cách duy nhất để tâm trí ta bám chặt lấy thói quen mới chính là khiến nó gắn liền cảm giác “vui sướng” vào thói quen đó, chứ không phải “đau đớn”. Não bộ của bạn phải cảm thấy được tưởng thưởng khi thực hiện hành vi mới này. Chúng ta đều biết thói quen mới rồi cũng sẽ mang lại cảm giác vui sướng cho ta trong tương lai.

Ví dụ, tôi biết nếu mình nỗ lực tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh, một ngày nào đó tôi sẽ cảm thấy dồi dào năng lượng hơn, cơ thể không còn nhức mỏi nữa. Ngay khi việc đó xảy ra, thói quen sẽ được duy trì tự động. Thử thách to lớn là vào 30 ngày đầu tiên khi bạn chưa cảm nhận được lợi ích của thói quen mới. Đó là lúc bạn phải tự nghĩ ra hình thức thưởng phạt cho mình.

Để tôi chia sẻ với bạn một trong những cách của tôi. Sở thích của tôi là xem phim, do đó tôi tự ra điều kiện cho bản thân là chỉ được xem phim trong lúc chạy bộ trên máy mà thôi. Ngay khi bài tập kết thúc, tôi phải tắt phim, và chỉ được xem tiếp vào ngày hôm sau trong khoảng thời gian tập luyện. Bằng cách này, não bộ của tôi tự động liên kết giờ tập thể thao và giờ xem phim lại với nhau, và tôi thật sự mong tới giờ tập ngày hôm sau. Sau khi thực hiện suốt một tháng, tôi bắt đầu vui vẻ tập luyện ngay cả khi không xem phim.

Vậy thì bạn nghĩ xem có cách nào tạo ra sự hưng phấn ngay lập tức cho việc luyện tập thói quen mới không. Chẳng hạn như mỗi tuần nếu bạn tuân thủ chế độ ăn kiêng, bạn sẽ tự tặng mình một món quà yêu thích.

Thay đổi môi trường sống

Nhiều thói quen của chúng ta bị tác động bởi các yếu tố trong môi trường sống. Ví dụ như khi chúng ta nhìn thấy bạn bè chung quanh hút thuốc (tác nhân kích thích), ta sẽ cảm thấy muốn hút theo. Khi ta về nhà và nhìn thấy chiếc ti-vi (tác nhân kích thích), ta sẽ muốn ngồi xuống xem. Khi nhìn thấy chiếc váy đẹp treo trong cửa hàng, các bà các cô chỉ muốn mở ví chi tiền.

Một phương pháp hiệu nghiệm để dẹp bỏ thói quen cũ, phát triển thói quen mới là thay đổi môi trường sống quen thuộc. Bạn cần sắp xếp lại môi trường sao cho các tác nhân kích thích thói quen cũ không còn tồn tại nữa, đặc biệt là trong vòng 30 ngày đầu tiên. Vứt hết mớ thức ăn có hại cho sức khỏe ra khỏi nhà, cắt thuê bao truyền hình cáp, và ngừng bén mảng đến những khu mua sắm trong thời gian rảnh.

Xây dựng một môi trường sống sao cho nó củng cố thêm những thói quen mới mà bạn đang rèn luyện. Trong Khóa Học Làm Giàu, tôi hướng dẫn các học viên cài đặt trang web của Bloomberg hoặc Reuters làm trang chủ trong trình duyệt để họ tự động lướt qua các thông tin tài chính, tình hình thị trường chứng khoán mỗi khi lên mạng.

Hãy nhớ rằng tính cách cá nhân của bạn không gì khác hơn là một tập hợp những thói quen trong quá khứ. Khi bạn tạo dựng được nhiều thói quen tích cực, bạn sẽ phát triển một tính cách mạnh mẽ. Tính cách mạnh mẽ sẽ mở đường dẫn lối đưa bạn đến một cuộc sống thành công hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.