Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống

Chương 14: Nuôi dưỡng trí tuệ và tâm hồn mỗi ngày



Nhu cầu căn bản nhất của con người là “có thực mới vực được đạo”. Quả thật, chúng ta có thói quen ăn ít nhất 3 lần mỗi ngày, gồm bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Chúng ta phải nuôi dưỡng cơ thể để có năng lượng duy trì sự sống, phát triển và làm việc.

Đồng thời, ai cũng biết cả lượng và chất có trong thực phẩm ta dùng mỗi ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của ta. Chọn lọc những món ăn bổ dưỡng sẽ cho ta một cơ thể khỏe mạnh, cường tráng; ngược lại, nếu thường xuyên ăn những món ăn có hại, sức khỏe thể chất và tinh thần ta sẽ suy yếu, mỏi mệt.

Thỉnh thoảng, chúng ta có thể bỏ một hoặc hai bữa không sao, nhưng để bụng rỗng cả ngày là chuyện hiếm hoi. Tại sao vậy? Cơ thể chúng ta có một hệ thống cảnh báo. Hệ thống này tự động gửi tín hiện đau về não nếu ta không ăn uống đều đặn. Ta gọi cảm giác đó là đói. Đói là công cụ hữu hiệu nhằm mục đích đảm bảo chúng ta cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể để sống sót.

Bạn có trau dồi trí tuệ mỗi ngày?

Để đạt được thành công trong các mối quan hệ, sự nghiệp và tài chính, sở hữu một thân thể tráng kiện không thôi chưa đủ mà ta còn cần một trí tuệ minh mẫn. Tâm trí ta phải luôn sắc bén và sáng tạo, đầy ắp ý tưởng và chiến lược để giải quyết vấn đề, đổi mới giải pháp và vươn tới mục tiêu. Napoleon Hill, tác giả của quyển sách “Think and Grow Rich” (Nghĩ Và Làm Giàu) từng nói, “một người chỉ có giá trị ngang vài đồng lẻ nếu tính từ cổ trở xuống. Từ cổ trở lên, người đó đáng giá mọi thứ trên đời.”

Bên cạnh đó, nếu muốn có được cảm giác hạnh phúc, viên mãn, hừng hực lửa đam mê và tràn đầy động lực, ta không nên lãng quên việc chăm sóc tinh thần và tâm hồn mình. Cũng giống như cơ thể, tâm hồn và trí tuệ ta sẽ chết dần chết mòn nếu thiếu đi các dưỡng chất cần thiết.

Hãy nghĩ xem, nếu việc lấp đầy dạ dày là điều kiện cần thiết để cơ thể khỏe mạnh thì chẳng phải việc nuôi dưỡng trí tuệ mỗi ngày để nó sáng suốt là hợp tình hợp lý sao? Chưa hết, ta còn phải quan tâm đến tâm hồn để thấy mình mạnh mẽ, lạc quan và tràn ngập yêu thương.

Bí quyết của những người hạnh phúc và thành công

Đây chính là điểm khác biệt giữa những người thành công với số đông tầm thường ngoài kia. Các quán quân trong bất kỳ lĩnh vực nào đều biết rằng để giành được và duy trì vị trí đó, họ phải thường xuyên tăng cường trí tuệ. Trong khi phần lớn chỉ biết “ăn cho no” và tin rằng sau mười mấy năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, họ đã đủ kiến thức và sự hiểu biết cho cả quãng đời còn lại. Thật là một sai lầm chết người!

Trong khi cơ thể có cơ chế cảnh báo mang tên ”cơn đói”, thì trí não lại không có mấy dấu hiệu rõ ràng. Chẳng hạn, nếu ta không thu nạp thêm kiến thức cũng như rèn luyện mỗi ngày để có tư duy sắc bén, nó cũng chẳng hề lên tiếng cảnh báo ta bằng một cơn đau đầu. Nhưng ngày qua ngày, ta sẽ thui chột và trở nên lãnh đạm với mọi thứ xung quanh, mất đi khả năng sáng tạo. Ta sẽ thấy chuyện tập trung học hỏi sao mà khó quá! Sau một vài năm, ta bỗng thấy mình tụt hậu nhiều so với đồng nghiệp và các đối thủ cạnh tranh. Khi ta bị mất việc vì không bắt kịp xu hướng chung, hoặc khi ta nhận ra công ty mình bị đánh bại bởi những đối thủ có tư duy đổi mới và đầu óc tân thời, thì e rằng đã quá muộn.

Nhiều người thắc mắc nhờ đâu mà tôi luôn duy trì được động lực, đam mê và nhiệt huyết mỗi ngày – bất chấp thử thách cứ liên tục ập đến, và thường vào lúc tôi không ngờ nhất. Người ta còn hỏi làm thế nào mà tôi có nhiều ý tưởng, kiến thức và thông tin để phát triển thêm nhiều khóa học hàng đầu, để viết những quyển sách bán chạy nhất và giữ cho công ty đứng vững trước tình hình cạnh tranh khốc liệt.

Mọi thứ không tự nhiên mà đến. Không phải vì tôi sở hữu đầu óc siêu phàm có khả năng đẻ ra ý tưởng, mà nhờ tôi dành nhiều thời gian, tiền bạc để làm giàu trí tuệ hơn là mải lo thỏa mãn những cơn kêu réo của dạ dày. Giống như đa số mọi người, tôi ăn ngày ba bữa tức là 1.095 bữa một năm. Làm một phép tính nhỏ, tôi bỏ ra trung bình 30 phút và 15 đô cho một bữa ăn (tôi không thường xuyên ăn ở những nhà hàng sang trọng), nghĩa là tôi đầu tư 547,5 giờ đồng hồ và 16.425 đô một năm để nuôi dưỡng cơ thể mình.

Thay vì chi 300 đô để ăn một miếng bò tẩm xốt XO, tôi mua và đọc trung bình bốn quyển sách một tuần. Tôi đọc sách về kinh doanh, tài chính, các mối quan hệ, phát triển bản thân, kỹ năng lãnh đạo, sáng tạo, tự truyện và bất cứ thứ gì giúp tôi hiểu biết sâu rộng hơn. Mỗi quyển sách có giá khoảng 30 đô và tôi ngốn hết một quyển trong khoảng bốn tiếng. Tôi cũng dành hai giờ mỗi ngày để đọc tin tức kinh tế trong tạp chí và Internet. Cuối cùng, để hoàn tất quy trình cập nhật kiến thức liên tục của mình, tôi ra nước ngoài tham dự ít nhất hai buổi hội thảo chuyên đề hoặc hội nghị mỗi năm, trung bình kéo dài khoảng một tuần. Mỗi chuyến đi như vậy tiêu tốn của tôi từ 5.000 đến 10.000 đô.

Như vậy, tôi dành cả thảy 26.240 đô và 1.652 giờ mỗi năm để bồi dưỡng tâm trí. Khoản đầu tư này nhiều gấp hai lần so với những gì tôi bỏ vào bao tử. Bạn thử áp dụng phép tính này để xem mình đã dành bao nhiêu thời gian và tiền bạc cho việc mở mang trí óc – tài sản quý giá nhất của bạn.

Tầm quan trọng của việc bồi đắp trí tuệ

Chúng ta đang sống trong nền kinh tế tri thức, nơi mà thứ quý giá nhất chính là trí tuệ con người. Để trở nên tài giỏi vượt trội trong lĩnh vực chuyên môn, chúng ta phải không ngừng nghĩ ra các ý tưởng sáng tạo để khắc phục khó khăn và tìm tòi những giải pháp mới.

Nếu bạn muốn phát huy tối đa tiềm năng não bộ, hàng ngày bạn phải nuôi dưỡng nó bằng những ý tưởng hay và thông tin hữu ích. Bạn càng khơi dậy khả năng của não bộ nhiều bao nhiêu thì nó càng trở nên am hiểu, sáng tạo và thông thái bấy nhiêu.

Chỉ số thông minh của bạn không phải bất di bất dịch mà có thể tăng hoặc giảm theo thời gian, tùy thuộc vào việc bạn rèn luyện trí óc nhiều hay ít. Tất cả chúng ta đều có lượng nơ- ron (tế bào thần kinh) tương đương nhau. Một người trung bình có khoảng 100 tỷ nơ- ron, nghĩa là mọi người bình đẳng về mặt tiềm năng trí tuệ.
Yếu tố quyết định ai thông minh hơn ai nằm ở số lượng các mối liên kết được thiết lập giữa các tế bào thần kinh (liên kết nơ- ron). Cứ mỗi lần hệ thần kinh tạo thêm một liên kết mới, lối tư duy mới cũng được hình thành. Do đó, người nào có số lượng liên kết nơ-ron càng nhiều, người đó sẽ càng thông minh.

Những khi ta kích thích, thử thách não bộ thông qua việc học hỏi hoặc bắt tay vào làm điều gì mới mẻ, các liên kết mới được hình thành. Số lượng liên kết nơ-ron trong hệ thần kinh con người gần như là vô tận. Điều đó cũng có nghĩa là trí thông minh của ta không hề có giới hạn.

Ngược lại, nếu không thường xuyên rèn luyện trí não, các liên kết hiện hữu ấy sẽ yếu dần và não bộ của bạn sẽ co lại theo đúng nghĩa đen. Y học gọi đó là chứng teo não. Đây là lý do tại sao những người nghỉ hưu sớm mà không tiếp tục làm việc nào khác thường bị lão suy và mắc chứng Alzhei- mer nhanh hơn. Những người này mất khả năng tập trung, trí nhớ suy giảm trầm trọng. Bạn hãy nhớ câu, “phàm cái gì lâu không dùng đều sớm hỏng”.

Nên nạp thông tin gì cho não?

Vậy bạn nên cung cấp cho trí não những loại thông tin nào? Điều này tùy thuộc vào lĩnh vực bạn muốn nghiên cứu chuyên sâu và mục tiêu bạn đặt ra cho mình.

Ví dụ, ở tuổi 15, tôi đặt mục tiêu trở thành triệu phú vào năm 30 tuổi và tự do về tài chính. Từ lúc đó, tôi luôn khao khát những kiến thức giúp tôi quản lý tài chính hiệu quả.

Ngày nào cũng vậy, tôi tập thói quen đọc báo kinh tế tài chính như The Wall Street Journal, The Business Times và các trang web như www.reuters.com, www.cnbc.com, www.google.com/finance, www.bloomberg.com và www.cnn.com/money. Ở đó tôi tìm thấy những cơ hội đầu tư và chớp lấy các ý tưởng kinh doanh.

Chưa hết, tôi còn thường xuyên tìm đọc những quyển sách về đầu tư, kế hoạch tài chính, chiến lược kinh doanh, tư duy làm giàu, bất động sản, hàng hóa, chứng khoán, v.v… Nó giúp tôi củng cố kiến thức, trau dồi những kỹ năng cần thiết để đạt được các mục tiêu tài chính. Tôi có khả năng đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn, tránh được những sai lầm về tài chính mà đa số mắc phải. Ngoài ra, mỗi ngày tôi còn dành vài giờ ngồi nghiên cứu đồ thị chứng khoán, phân tích báo cáo tài chính và đọc báo cáo thường niên của các công ty. Sau cùng, tôi tham dự các hội nghị chuyên đề và hội thảo của các chuyên gia tài chính đến từ khắp nơi trên thế giới. Đầu óc tôi rất nhạy bén và chính xác với những gì liên quan đến tài chính bởi vì ngày nào tôi cũng nuôi dưỡng nó bằng những thông tin tài chính bổ ích.

Điều nực cười là tôi gặp nhiều người (thường là mấy anh chàng) nói với tôi rằng họ muốn giàu có hơn, nhưng lại dùng thời gian để đọc những tạp chí kiểu tạp nham như FHM, Playboy và 8 Days. Khi lướt Internet, họ chỉ vào những trang web như mạng xã hội Facebook, mua theo nhóm Groupon và xem video trên Youtube. Khi đọc báo, họ chỉ tập trung vào những tin tức giải trí và thể thao. Họ có thể trở nên sành sỏi hơn về cách hưởng thụ tình dục, kết bạn hay giải trí, nhưng những thông tin này hoàn toàn chẳng đem đến cho họ một chút thành công nào về mặt tài chính.

Một mục tiêu khác của tôi là trở thành một người chồng, người cha tốt. Vì vậy, hai vợ chồng tôi luôn ý thức vun đắp cho hôn nhân, không ngừng học hỏi cách nuôi dạy con. Tôi đọc những quyển sách như “The Five Love Languages” (Năm Ngôn Ngữ Yêu Thương), “Making Love Work All The Time” (Để Tình Yêu Sống Mãi), “Secrets Of Raising Great Kids” (Bí Quyết Nuôi Dạy Con Ngoan) và tạp chí “Young Parents” (Cha Mẹ Trẻ). Tôi còn tìm lời khuyên về hôn nhân và dạy con trên các trang web như www.todaysparent.com. Vợ tôi rất thường đọc nguyệt san về gia đình, cô ấy còn lưu giữ những bài viết bổ ích để tham khảo.

Tất cả những việc làm trên tác động tích cực đến cuộc sống gia đình tôi. Sau 16 năm bên nhau, tôi và vợ vẫn tiếp tục tận hưởng sự hào hứng và lửa đam mê trong hôn nhân. Những phương pháp giao tiếp mà chúng tôi học được đã giúp chúng tôi biến những bất đồng, xung đột thành cơ hội để hiểu nhau và yêu thương nhau nhiều hơn. Kỹ năng làm cha mẹ từ nhiều chuyên gia đã giúp chúng tôi giáo dục hai cô con gái thành những cô bé tự tin, hạnh phúc và đáng yêu.

Tôi tìm đâu ra thời gian?

Nhiều người hỏi tôi đào đâu ra thời gian để đọc nhiều như vậy trong khi lịch làm việc của tôi dày đặc kín mít. Đa số mọi người dường như không sắp xếp nổi thời gian để đọc dù chỉ là một quyển sách mỗi tháng, chứ đừng nói đến 3- 4 quyển một tuần.

Thật vậy, một ngày của tôi đầy ắp các hoạt động liên tục như họp hành, hội thảo và diễn thuyết từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối. Tôi còn phải đi công tác nước ngoài một hoặc hai lần mỗi tuần để quản lý hoạt động của các công ty con. Tuy vậy tôi vẫn xoay sở thời gian dành cho gia đình và bạn bè.

Thời gian đó ở đâu ra? Đây chính là bí quyết. Tất cả chúng ta ai cũng có khoảng 3-4 giờ bị phí phạm mỗi ngày mà ta có thể biến chúng thành khoảng thời gian hữu dụng để bồi dưỡng trí tuệ. Phần lớn khoảng thời gian “phí phạm” này đến từ việc phải chờ đợi và di chuyển. Bạn hãy suy nghĩ và cộng tổng thời gian bạn dành cho chuyện xếp hàng, chờ được phục vụ, chờ xe, chờ người khác tới buổi họp, v.v… trong một ngày mà xem. Cũng đáng kể đó chứ! Người ta hay làm gì trong lúc chờ đợi? Chẳng làm gì cả hoặc vọc điện thoại di động. Tôi tập thói quen luôn mang theo một quyển sách bên mình, dù đi đâu chăng nữa. Khi phải chờ đợi, tôi đọc và mở mang tâm trí mình.

Chúng ta còn mất một khoảng thời gian kha khá để ngồi trên xe hơi, xe buýt, xe điện hoặc máy bay (tùy tính chất công việc). Bản thân tôi một tuần mất ít nhất 6 tiếng trên máy bay và 14 tiếng lái xe hơi. Đó đều là khoảng thời gian quý giá tôi dùng để đọc sách. Trên xe hơi, tôi bật iPhone lên để nghe sách nói mà trước đó tôi đã tải về. Bạn sẽ ngạc nhiên trước những gì mình có thể làm trong quá trình đi lại vốn đang bị phí phạm này.

Kiểm tra mức độ trau dồi kiến thức của bạn

Bây giờ, hãy dành ra ít phút để nhớ lại những gì mà bạn đưa vào đầu mình. Trả lời các câu hỏi sau.

Năm quyển sách hoặc tạp chí gần đây nhất mà bạn đọc là:

1. ______

2. ______

3. ______

4. ______

5. ______

1. ______

2. ______

3. ______

4. ______

5. ______

Ba khóa học/hội thảo/chuyên đề bạn tham dự gần đây nhất là:

1. ______

2. ______

3. ______

Khi xem lại danh sách đã viết, hãy tự hỏi, “liệu mình có bồi dưỡng trí tuệ bằng những ý tưởng và kiến thức đúng đắn giúp mình chinh phục mục tiêu hiệu quả hơn không?”

Bạn dành bao nhiêu thời gian trau dồi kiến thức mỗi ngày, mỗi tuần hay mỗi tháng nhằm tiến gần đến mục tiêu?…. giờ.

Cam kết bồi dưỡng tâm trí mỗi ngày

Giờ bạn đã nhận thức được mình đang ở đâu trên con đường phát triển bản thân, hãy cam kết thực hiện việc bồi dưỡng tâm trí mỗi ngày để gặt hái những thành quả to lớn. Hãy liệt kê những quyển sách và tạp chí mà bạn muốn đọc, hoặc những hội thảo bạn muốn tham dự (về sức khỏe, các mối quan hệ, làm cha mẹ, thành công cá nhân, làm giàu, v.v…) để thúc đẩy tư duy. Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, hãy tìm thông tin trên Internet.

Đặt ra một mục tiêu, ví dụ như bạn sẽ đọc bao nhiêu quyển sách mỗi tuần hay mỗi tháng, tham dự bao nhiêu hội thảo trong một năm. Sắp xếp thời gian và bắt tay vào hành động.

Tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tâm hồn

Nếu bạn đã có kiến thức, kỹ năng để nắm lấy mục tiêu trong lòng bàn tay nhưng vẫn còn thiếu động lực, kém đam mê để đi hết cuộc hành trình, điều này chứng tỏ bạn không thường xuyên quan tâm đến khía cạnh tinh thần. Đồng thời, nếu bạn không cảm thấy hạnh phúc hoặc mãn nguyện bất chấp những thành tựu đã đạt được, nghĩa là tâm hồn của bạn vẫn đang thiếu những dưỡng chất cần thiết.
Trí tuệ có thể đưa bạn bay xa, nhưng trái tim phải luôn hứng khởi và rộng mở để truyền cho bạn sức mạnh vượt qua mọi khó khăn thử thách. Vả lại, chúng ta đạt được tất cả mọi thứ để làm gì nếu nó không khiến ta hạnh phúc và hài lòng trong cuộc sống? Cảm giác ấy không đến một cách ngẫu nhiên. Để thường xuyên cảm nhận được hạnh phúc tròn đầy, chúng ta phải dành thời gian làm những việc truyền cảm hứng và nuôi dưỡng tâm hồn.

Nhiều người hỏi bằng cách nào mà tôi duy trì niềm đam mê và nguồn động lực để diễn thuyết từ ngày này sang ngày khác và viết sách thâu đêm. Tại sao tôi không cảm thấy quá tải? Bởi tôi phân phối thời gian trong ngày cho việc “sạc pin” tâm hồn và tinh thần của chính mình. Mỗi người một cách, không ai giống ai.

Để luôn có động lực, tôi thường xuyên đọc sách và xem phim hoặc các đoạn video về những cá nhân khơi dậy trong tôi niềm hứng khởi. Loạt phim dài tập “Rocky” do Sylvester Stallone diễn xuất là một trong những nguồn cảm hứng vĩ đại nhất đối với tôi suốt 25 năm qua. Một đoạn video truyền cảm hứng khác mà tôi từng được xem là “The Miracle Man” (Người Đàn Ông Kỳ Diệu) nói về Morris Goodman. Morris bị liệt từ phần cổ trở xuống sau một tai nạn máy bay khủng khiếp. Các bác sĩ cho rằng ông có rất ít cơ hội sống sót và hoàn toàn mất khả năng đi lại. Với lòng quyết tâm và quả cảm, ông đã hồi phục hoàn toàn, tự mình bước ra khỏi bệnh viện sáu tháng sau đó. Điều khiến tôi hạnh phúc và mãn nguyện một cách sâu sắc mỗi ngày chính là được vui đùa cùng các con và hẹn hò lãng mạn với vợ. Tôi cũng nuôi dưỡng và mở rộng trái tim bằng cách đọc hàng trăm email tích cực và các bình luận trên blog mà tôi nhận được từ người hâm mộ và khán thính giả trên toàn thế giới.

Tôi nhận được những lời cảm ơn chân thành vì mỗi khi có cơ hội diễn thuyết hoặc chia sẻ, tôi đều làm điều đó bằng tất cả trái tim. Tôi không hề giấu giếm bất kỳ thông tin nào và tôi thật sự mong muốn người khác cải thiện cuộc sống trong mọi lĩnh vực. Những lời cảm ơn và động viên đó chính là thứ “nước tăng lực” thần kỳ giúp tôi mạnh mẽ bước tiếp.
Mặc dù hiện nay tôi không còn thời gian để trực tiếp tham gia vào các công việc thiện nguyện, nhưng tôi biết nhiều người khác – trong đó có vợ tôi – đang tận hưởng cảm giác mãn nguyện vô bờ từ việc ra tay giúp đỡ những ai thiếu may mắn và tật nguyền.

Các thành viên trong nhóm thiện nguyện cho biết việc dành thời gian (chứ không chỉ cho tiền) giúp những người già yếu, những đứa trẻ tật nguyền là phương pháp hữu hiệu nhất để sưởi ấm trái tim và tinh thần, động lực khiến họ làm được nhiều việc hơn. Cứ nhìn Angelina Jolie, Madonna hay Diana – vị công nương quá cố của thần dân Anh mà xem, người đã dám ôm lấy những bệnh nhân AIDS vào khoảng những năm 1970 trong khi đa số xa lánh vì sợ bị lây nhiễm.

Hãy tìm thời gian để nuôi dưỡng tâm hồn

Vậy bạn dành bao nhiêu thời gian để nuôi dưỡng tâm hồn/tinh thần/trái tim mình? Bạn làm điều đó bằng cách nào? Tùy mỗi người thôi, vì chúng ta là những cá thể độc nhất.

Vậy tâm hồn hay tinh thần bạn đang sống bằng gì? Bằng những điều giúp bạn cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện, và kết nối bạn với đấng tạo hóa mà bạn thờ phụng. Một số nguồn dinh dưỡng cho tâm hồn là gần gũi với thiên nhiên, xem những thước phim ý nghĩa, tận hưởng những mối quan hệ sâu sắc, đọc những câu chuyện đi vào lòng người, nghe nhạc cổ điển và thánh ca, chơi trống, ngồi thiền, giúp đỡ những người kém may mắn và cầu nguyện. Những hoạt động này giúp bạn trẻ ra, tăng thêm sức mạnh nội tại để tối ưu hóa tâm trí và cơ thể bạn.

Bạn có thể khám phá ra loại dinh dưỡng phù hợp với tâm hồn mình bằng cách dành thời gian chiêm nghiệm và lắng nghe những gì trái tim/tâm hồn bạn mách bảo. Hãy tự hỏi, “điều gì thật sự khiến tôi thấy mình đang sống và mãn nguyện?” Trái tim sẽ đưa đường dẫn lối cho bạn. Một khi đã tìm ra câu trả lời, hãy chăm chút tâm hồn mình với dưỡng chất này thường xuyên.

Nếu bạn bỏ mặc tâm hồn, nó sẽ đói và tự “ăn” những món vô bổ làm hủy hoại cuộc đời bạn, tiêu hao tiền bạc (vào rượu chè, cờ bạc, ăn uống quá độ, chi tiêu quá tay vào những thứ xa xỉ, lâm vào nợ nần) và rút cạn năng lượng sống của bạn.

Thật không may, thế giới này còn rất nhiều người vẫn bỏ bê tâm hồn mình và hậu quả của nó xuất hiện nhan nhản trong xã hội chung quanh ta: nghiện hút, bạo lực, trầm cảm, tự sát, căng thẳng và vô cảm.

Chúng ta gặp gỡ người khác mỗi ngày. Từ ngày hôm nay, hãy bắt đầu hẹn hò với bản thân – người quan trọng nhất trong cuộc đời bạn. Cam kết dành thời gian nuôi dưỡng cơ thể, trí tuệ và tâm hồn như một nhu cầu không thể thiếu mỗi ngày và bạn sẽ thấy mình khỏe mạnh, hạnh phúc và viên mãn.
TRANG GHI CHÚ


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.