Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống
Chương 8: Tận dụng sức mạnh đòn bẩy để thành công
Khi còn rất trẻ, tôi tự hỏi làm thế nào mà nhiều nhân vật lại thành công hơn người đến vậy, dù xuất phát điểm của họ chẳng khác biệt gì so với những người bình thường là mấy, thậm chí kém cỏi hơn. Trong chương này, tôi sẽ tiết lộ cho bạn khám phá của tôi.
Chúng ta ai cũng có 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Vị giám đốc điều hành một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô chẳng có hơn chú gác cổng lấy một phút. Thế nhưng bằng cách nào mà người này có thể quản lý cả một tổ chức và tạo ra sức ảnh hưởng to lớn hơn người kia rất nhiều?
Tại sao một số người còn có khả năng trông coi nhiều hoạt động kinh doanh cùng lúc, chưa kể viết sách, quản lý danh mục đầu tư, tham gia thi đấu thể thao và dành thời gian đi nghỉ mát với gia đình? Và tại sao có người không thể nhín ra được chút thời giờ tập thể thao hoặc chơi đùa cùng con sau giờ làm việc?
Có bao giờ bạn ngạc nhiên khi thấy một số người chẳng có lấy tấm bằng đại học, cũng chẳng dư dả gì mà vẫn nghĩ ra những ý tưởng đáng kinh ngạc làm thay đổi cả thế giới? Nhờ đâu mà Bill Gates, Larry Ellison, Steve Jobs, Sergey Brin và Larry Page gầy dựng được những doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô trên khắp địa cầu, sáng chế ra những sản phẩm làm thay đổi cuộc đời của tỷ tỷ con người? Hãy tưởng tượng xem nhân loại sẽ ra sao nếu không có Microsoft, Google hay Apple.
Nhờ đâu họ nắm được bí quyết tạo ra kỳ tích ấy? Họ đào đâu ra thời gian để làm được nhiều thứ đến thế? Họ kiếm đâu ra một số tiền khổng lồ để khởi nghiệp kinh doanh? Và tại sao một số người cũng đầy tài năng, có kiến thức và bằng cấp phù hợp lại không thể gặt hái thành quả tương tự?
Tại sao có người cặm cụi làm việc suốt 12 tiếng một ngày, 6 ngày một tuần chỉ để kiếm được khoản thu nhập ít ỏi từ 3.000 đến 5.000 đô mỗi tháng (thu nhập tương đối ở Singapore); ngược lại, số khác đút túi hàng trăm ngàn đô mà chỉ cần làm việc mỗi ngày 3-4 tiếng? Làm thế nào chỉ với vài trăm đô khởi nghiệp, họ bắt nó sinh sôi nảy nở thành hàng triệu đô chỉ sau vài năm?
Sức mạnh phi thường khi tận dụng lực đòn bẩy
Bí quyết nằm ở chỗ những cá nhân thành công vượt bậc ấy hiểu và khai thác triệt để sức mạnh của “lực đòn bẩy” trong khi phần đông những người bình thường không hề biết đến.
Nếu muốn nỗ lực của mình đổ vào mọi lĩnh vực cuộc sống mang lại kết quả to lớn, bạn cũng phải biết và sử dụng sức mạnh đòn bẩy. Thế theo bạn đòn bẩy là gì? Đòn bẩy là quá trình nhân thành quả công việc lên gấp nhiều lần một cách nhẹ nhàng. Nói cách khác, bạn chỉ bỏ ra chút ít sức lực nhưng kết quả thu về lại cực kỳ to lớn.
Xét về mặt vật lý, đòn bẩy là công cụ sử dụng một điểm tựa phù hợp để nhân độ lớn của lực tác động vào một vật nào đó lên gấp nhiều lần. Khi bạn sử dụng đòn bẩy, một vật nặng 10 kg có thể bẩy tung một vật khác có trọng lượng 100 kg. Archimedes, nhà vật lý người Hy Lạp, từng nói, “hãy cho tôi một đòn bẩy đủ dài và một điểm tựa đủ mạnh, tôi có thể nhấc bổng cả trái đất này lên”. Điểm mấu chốt ở đây là nếu bạn biết tận dụng sức mạnh đòn bẩy, bạn có thể làm được những việc bình thường nằm ngoài khả năng của bạn.
Khái niệm này cũng có thể được áp dụng để gặt hái thành công trong hầu hết mọi lĩnh vực cuộc sống. Những người thành công tận dụng rất nhiều công cụ khác nhau cho phép họ đạt được nhiều thứ hơn hẳn người bình thường. Họ tận dụng thời gian, tài năng, kinh nghiệm và cả tiền của người khác.
Tận dụng thời gian của người khác
Nhiều người hỏi bằng cách nào mà một tay tôi có thể điều hành nhiều công ty trên bảy quốc gia, xuất bản 1 -2 quyển sách mỗi năm, gần như ngày nào cũng diễn thuyết, thường xuyên cập nhật thông tin trên blog và mạng xã hội Facebook, quản lý các danh mục đầu tư, kinh doanh trên mạng và vẫn còn thì giờ chơi gôn, đi chơi cùng bạn bè và gia đình. “Sao anh có nhiều thời gian đến thế?”, họ hay hỏi tôi câu đó. Bí quyết là tôi học được cách tận dụng thời gian của người khác. Nếu bạn thành thạo kỹ năng này, bạn cũng có thể làm được mọi thứ bạn muốn, bất kể đó là gì, với cùng quỹ thời gian hiện tại.
Khi mới bung ra làm ăn, tôi đâu biết đến sức mạnh đòn bẩy, nên tôi tự mình làm mọi thứ. Một mình tôi điều hành công ty đào tạo riêng, Adam Khoo & Associates. Tôi phải soạn bản đề xuất kinh doanh gửi đến khách hàng, gọi điện thoại chào hàng, đi giới thiệu sản phẩm, đứng lớp đào tạo, sắp xếp chuyện hậu cần, chuẩn bị tài liệu đào tạo, các công việc giấy tờ hành chính, và cuối cùng là quản lý sổ sách kế toán.
Bởi quỹ thời gian có hạn nên tôi chỉ có thể tổ chức một lượng khóa học nhất định, vì vậy số học viên tôi giúp được cũng không nhiều. Một tháng tôi chỉ có thể tổ chức tối đa 6 khóa học (50 học viên/khóa, mỗi người trả tôi 120 đô). Vị chi một năm tôi giúp được tối đa 3.600 học viên và kiếm được 432.000 đô (36.000 đô/tháng). Tôi không còn thời gian mở rộng mạng lưới kinh doanh sang các nước khác, không đi nghỉ mát và cũng không làm gì khác được.
Tôi từng nghĩ đến việc thuê người lo việc giấy tờ, hậu cần và kế toán nhưng buổi đầu ra làm ăn, tôi còn tính toán chi li lắm. Tôi tự nhủ, “nếu thuê một trợ lý hành chính, mình phải trả họ 2.000 đô một tháng. Tự làm thì tiết kiệm được ngần ấy tiền.” Tôi không ý thức được rằng nếu chuyện gì cũng ôm vào người, tôi không tận dụng được sức mạnh đòn bẩy.
Sau khi cân nhắc và suy nghĩ về chiến lược kinh doanh, tôi nhận ra mình phải thuê một trợ lý hành chính để phụ tôi sắp xếp hồ sơ, trả lời điện thoại, lo chuyện hậu cần, liên hệ khách hàng và nhiều thứ khác nữa… Tôi sẽ có thêm năm ngày một
tháng để tăng doanh số và đứng lớp nhiều hơn. Khi tuyển được người, tôi tổ chức thêm hai khóa học một tháng. Kết quả là doanh thu của tôi tăng thêm 12.000 đô, nâng con số tổng lên 48.000 đô một tháng. Chỉ với khoản đầu tư 2.000 đô, tôi thu về 12.000 đô (lời 600%).
Ngay lập tức tôi tìm thêm nhân viên kế toán và trợ lý kinh doanh để có thêm năm ngày rảnh rang khác, và dành toàn bộ thời gian đó để chăm sóc khách hàng hiện tại cũng như tìm thêm khách hàng mới. Lần này doanh thu của tôi lại tăng thêm 12.000 đô. Thừa thắng xông lên, tôi thuê thêm nhân viên gọi điện thoại chào hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên hậu cần, nhân viên trợ giảng v.v… Chỉ trong vòng một năm, dưới quyền tôi là 10 nhân viên đảm nhiệm phần lớn công việc mà tôi giao xuống.
Nhờ vậy, tôi dành trọn 100% quỹ thời gian của mình để bành trướng công ty sang các nước khác và tham gia những buổi diễn thuyết quan trọng. Với sự giúp sức của đội ngũ nhân viên, công ty tôi hiện giờ một tháng tổ chức 20 khóa học, một năm trung bình thu về 1.500.000 đô. Dù tổng cộng tiền lương mỗi năm tôi trả cho các nhân viên của mình là 240.000 đô, tôi vẫn lãi 1.260.000 đô, gấp ba lần số tiền trước đây tôi kiếm được.
Sau 9 năm mở rộng quy mô và thuê thêm nhân sự, Tập đoàn Giáo dục & Đào tạo Adam Khoo hiện có hơn 130 nhân viên (bao gồm hơn 35 chuyên gia đào tạo) và tổ chức khóa học cho hơn 80.000 người mỗi năm, ở bảy nước trên thế giới. Chúng tôi còn nâng tổng doanh thu hàng năm lên 15.000.000 đô. Điều tuyệt vời nhất là giờ đây tôi kiếm được rất nhiều tiền, giúp đỡ được thêm nhiều người mà chẳng mất quá nhiều công sức. Bằng cách tận dụng thời gian của người khác, tôi có thể nhân hiệu quả công việc của mình lên gấp bội phần.
Phương pháp tận dụng thời gian của người khác
Nếu là nhân viên làm công ăn lương, bạn sẽ chẳng có mấy dịp chứng kiến sức mạnh đòn bẩy. Đó là lý do tại sao những người có nhiều thời gian nhất, nhiều tiền nhất thường mở công ty riêng. Nếu làm công, bạn chỉ tận dụng được thời gian của người khác khi có trợ lý riêng và giao bớt việc xuống cho người đó làm. Còn lại, sếp đang tận dụng thời gian của bạn.
Khi mới bước ra ngoài làm ăn, bạn vẫn chưa trải nghiệm được uy lực đòn bẩy. Bởi khi một mình ôm đồm hàng đống việc, bạn không thể nhân nỗ lực và thành quả đạt được lên gấp nhiều lần. Chỉ khi nào doanh nghiệp của bạn có quy trình hoạt động hẳn hoi và bạn bắt đầu tuyển thêm nhân sự để ủy thác công việc, bạn mới tận hưởng trọn vẹn lợi ích mà đòn bẩy mang lại. Khi bạn thuê người và trả cho họ 3.000 đô/tháng, người đó phải mang lại một khoản doanh thu trị giá 10.000 đô (tối thiểu gấp ba lần tiền lương) và cho bạn thêm thời gian rảnh để lo chuyện khác. Khi bạn phát triển quy mô công ty lên 100 đến 1.000 nhân viên, doanh thu và thời gian bạn có được sẽ tăng thêm gấp bội, bội phần.
Đâu chỉ mình tôi biết tận dụng thời gian của người khác, nhiều người cũng đang tận dụng thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp tôi đang điều hành. Trong vài năm qua, có rất nhiều chuyên gia đào tạo xuất chúng và thành công muốn trở thành đối tác của công ty tôi. Dù bản thân họ cũng đã ít nhiều thành công, họ biết mình vẫn có thể vươn cao hơn gấp nhiều lần bằng cách tận dụng nguồn lực kinh doanh mà tôi đã tạo dựng sẵn.
Nếu đứng riêng lẻ, mỗi chuyên gia đào tạo có thể tham gia khoảng 6 khóa học và kiếm được 12.000 đô một tháng. Nhờ trở thành đối tác của công ty tôi, được sự giúp sức của hơn 100 nhân viên hỗ trợ trên bảy đất nước khác nhau, họ có thể nâng số lần diễn thuyết lên từ 16 đến 20 buổi mỗi tháng. Chưa hết, họ còn tận dụng được trang thiết bị, cơ sở hạ tầng sẵn có. Mặc dù bây giờ họ phải chia bớt một phần tiền lời cho phía công ty, họ vẫn kiếm được hơn rất nhiều tiền. Cái hay ho nhất là họ chỉ cần chuyên tâm vào mảng đào tạo, không còn phải lo doanh số bán hàng, giấy tờ hành chính, hậu cần, dịch vụ khách hàng v.v… Chúng tôi sẵn sàng thay họ làm những việc ấy, giúp họ có thêm nhiều thời gian rảnh hơn.
Bí quyết giúp bạn tận dụng thời gian của người khác chính là học cách chia sẻ phần bánh của mình với họ. Nhiều người chỉ thích một mình ăn hết chỗ bánh ấy. Kết quả là phần bánh của họ cứ nhỏ mãi. Nếu bạn sẵn lòng “chia cơm sẻ áo” với người khác, bù lại bạn được tận dụng thời gian của họ, cùng nhau bạn sẽ nướng ra chiếc bánh to gấp trăm lần chiếc bánh nguyên thủy. Dẫu tỷ lệ bạn được hưởng trên chiếc bánh to ấy có nhỏ bớt đi chăng nữa, phần ăn của bạn vẫn bỏ xa miếng bánh cỏn con ban đầu. Dù hiện nay tôi chỉ nắm giữ 50% cổ phần công ty, giá trị của nó lớn hơn rất nhiều so với cái thời 100% công ty thuộc về tôi khi chỉ có một mình tôi độc diễn.
Tận dụng tài năng và kinh nghiệm của người khác
Nhiều người chia sẻ với tôi rằng họ không làm được điều mình muốn bởi họ không có kinh nghiệm, không biết làm sao và cũng chẳng đủ tài năng để biến ước mơ thành hiện thực. Bạn cần biết rằng để đạt được kết quả mong đợi, không nhất thiết bạn phải biết hết mọi thứ. Bạn không cần phải sở hữu tất cả phương pháp, tài năng và kinh nghiệm để làm được điều đó. Bạn chỉ cần biết tìm kiếm và tận dụng người có những thứ đó.
Ví dụ như Steve Jobs – nhà sáng lập ra Apple – được xem là thiên tài nhờ các sản phẩm làm thay đổi cuộc sống mà ông tạo ra như iMac, iTunes, iPod, iPhone và iPad. Thế nhưng, bạn có nghĩ là Steve Jobs biết tất tần tật mọi thứ về điện tử, máy vi tính, phần mềm, lập trình, vật lý, sản xuất, thiết kế và tất cả những kiến thức cần thiết khác để làm ra những sản phẩm ấy không? Chắc chắn là không rồi.
Trên thực tế, ông đang học đại học thì bỏ ngang, không có lấy một mảnh bằng kỹ sư hay công nghệ thông tin gì lận lưng. Nhưng việc thiếu kiến thức không ngăn cản được ông. Để thực hiện tầm nhìn tạo ra những chiếc máy vi tính, thiết bị nghe nhạc và điện thoại làm mưa làm gió trên thị trường, ông đã học được cách tận dụng tài năng và kiến thức chuyên môn của hàng ngàn kỹ sư, nhà khoa học và lập trình viên máy tính, những người đang làm việc cho ông. Đóng góp vĩ đại nhất của Steve chính là những ý tưởng mang tính cách mạng và cách tận dụng những con người phi thường để biến ý tưởng thành hiện thực.
Người đàn ông dốt nát cách mạng hóa cả một nền công nghiệp
Một người thành công không nhất thiết phải biết làm mọi thứ. Người đó chỉ cần biết cách tìm kiếm và gắn kết các nguồn lực để thực hiện hoài bão của mình. Một ví dụ điển hình khác là Henry Ford. Người đời xem Henry Ford là nhà phát minh ra chiếc xe hơi thương mại đầu tiên được sản xuất hàng loạt – dòng T Ford. Ông đã cách mạng hóa cả một nền công nghiệp nước Mỹ bằng việc phát triển và cải tiến dây chuyền sản xuất xe hơi hàng loạt. Thế nhưng, bạn có biết Ford chỉ là một ông nông dân học hành vỏn vẹn trong 8 năm không?
Ford là một thiên tài, bởi ông biết cách tuyển dụng và truyền cảm hứng cho các kỹ sư, các nhà khoa học tài ba nhất giúp ông hiện thực hóa ước mơ của mình. Ford muốn làm ra một động cơ có 8 xy -lanh gắn liền với nhau trong cùng một khối. Không đủ năng lực chuyên môn để tự mình làm điều đó, ông thuê một nhóm chuyên gia toàn các kỹ sư giỏi nhất thời bấy giờ. Khi nhóm kỹ sư ấy kết luận rằng mô hình máy mà ông nghĩ ra là chuyện hão huyền, ông khích lệ họ biến điều không thể thành có thể. Ông nói, “hãy nỗ lực tìm tòi, bởi lúc nào chúng ta cũng sẽ tìm ra được cách.” Sau gần một năm liên tục thất bại, động cơ V-8 đã ra đời.
Năm 1919, tờ Chicago đăng một bài viết cho rằng Ford là đồ dốt nát bởi ông không được học hành đến nơi đến chốn. Ford đâm đơn kiện đòi tờ báo bồi thường cho ông 1 triệu đô và được tòa thụ lý. Tại phiên xử, luật sư bên bị đặt ra cho ông hàng loạt câu hỏi liên quan đến kiến thức trong trường. Phía bị đơn cười ồ lên khi thấy ông không trả lời được những câu hỏi này. Thấy thế, Ford đáp lại: “Có thể tôi không biết câu trả lời mà các vị muốn nghe, nhưng trên bàn của tôi có một thiết bị với đủ loại nút bấm khác nhau, và chỉ cần tôi bấm một nút, tôi sẽ triệu tập được tất cả những con người ưu việt nhất trong công ty tôi, và họ sẽ cho tôi biết đáp án trong vòng vài phút.” Ford thắng kiện.
Tại sao phải cố lấy bằng tiến sĩ trong khi có thể tận dụng các tiến sĩ?
Vào năm 2004, tôi nuôi mơ ước thành lập một trung tâm đào tạo riêng để giúp các em học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi tiếng Anh và môn Toán. Vấn đề mà rất nhiều trung tâm bồi dưỡng, dạy thêm khác mắc phải là giáo viên giảng bài nhàm chán, tẻ nhạt, cộng thêm giáo án không phù hợp dẫn đến kết quả học tập chẳng đi đến đâu.
Dù nung nấu trong lòng khao khát này, tôi lại không đủ bằng cấp hoặc kinh nghiệm đứng lớp để lên nội dung đào tạo. Có người khuyên tôi nên lấy bằng tiến sĩ trước khi theo đuổi mục tiêu. Nhưng tôi nghĩ, “sao phải mất công học cả mấy năm chỉ để lấy bằng tiến sĩ, trong khi mình thừa khả năng tận dụng một người đã có sẵn bằng tiến sĩ và nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy?”
Thế là tôi đi tìm những người có bằng cấp cao và năng lực chuyên môn để soạn giáo trình cho hai môn Toán và tiếng Anh. Sau một năm tìm kiếm, tôi biết đến Tiến sĩ Peter Yan, người có trên 20 năm dạy Toán và là tác giả của rất nhiều quyển sách hướng dẫn giải Toán. Tôi còn quen với Tiến sĩ Cheah Yin Mee, tác giả của một trong những bộ sách dạy tiếng Anh bán chạy nhất (Oxford Primary Essentials Guide) và hiện là một giảng viên tên tuổi của trường cao đẳng NIE (National Institute of Education).
Tôi thuyết phục họ phát triển nội dung đồng thời tuyển chọn và huấn luyện đội ngũ giáo viên chuyên ngành Anh ngữ và Toán cho trung tâm của tôi. Đổi lại, hai vị tiến sĩ sẽ nhận được một phần lợi nhuận kinh doanh. Do không có thời gian để tự mình điều hành trung tâm, tôi mời một người bạn, anh Fred Tan vào vị trí Giám đốc điều hành.
Sau bảy năm đi vào hoạt động, Adam Khoo Learning Center có 7 chi nhánh tại Singapore và Indonesia với hàng trăm học sinh theo học. Chúng tôi đã giúp cho các học viên của mình đạt điểm số cao nhất trong các kỳ thi tốt nghiệp cấp I và cấp II. Chính nhờ sức mạnh đòn bẩy mà tôi có thể xây dựng thành công trung tâm bồi dưỡng kiến thức bất chấp thời gian hạn hẹp, không bằng cấp và kinh nghiệm giảng dạy. Nếu tôi làm được thì bạn cũng làm được!
Lực đòn bẩy có lợi cho cả đôi bên
Trong khi tôi tận dụng tài năng và kinh nghiệm của hai vị giảng viên, thì ngược lại, nhờ hợp tác với tôi mà năng lực chuyên môn của họ tạo được sức ảnh hưởng trên diện rộng. Ví dụ, khi Tiến sĩ Peter Yan còn làm gia sư, mỗi năm ông chỉ giúp được một số lượng học sinh nhất định. Dù phương pháp dạy Toán của ông (còn được biết đến với tên gọi Thuật toán Mũi tên) hay đến nỗi bất kỳ học sinh nào cũng có thể xử lý mọi đề toán chỉ sau 5 bước phân tích, nhưng chỉ có vài học sinh may mắn có cơ hội nắm được phương pháp hiệu quả này.
Đến khi làm việc với tôi, Tiến sĩ Yan có thể lan tỏa giá trị của mình đến hàng trăm học sinh trên toàn khu vực. Cũng nhờ tận dụng thương hiệu doanh nghiệp Adam Khoo, ông có thể giảm giờ làm việc, tăng thu nhập và giúp đỡ nhiều học sinh hơn.
Như bạn thấy đó, tận dụng sức mạnh đòn bẩy mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Mọi người cùng có lợi. Để phát huy sức mạnh của phương pháp này, bạn cần rèn luyện kỹ năng tìm đúng người, giao đúng việc và truyền cảm hứng cho những nhân vật tài năng xuất chúng. Quả thật, tôi luôn cho rằng một người thành công là người biết tuyển dụng và hợp tác với những người thông minh và tài giỏi hơn họ rất nhiều. Nếu bạn lặng lẽ làm việc một mình hoặc tuyển dụng những người kém cỏi hơn, bạn sẽ chẳng bao giờ phát huy tối đa tiềm năng bản thân.
Tận dụng tài năng của người khác không chỉ là thành lập doanh nghiệp và thuê mướn nhân công. Có rất nhiều cách khác nhau. Ví dụ, tôi có ba trang web bán hàng mang lại vài ngàn đô lợi nhuận mỗi tháng: www.adam- khoo.com, www.adamkhoowealth.com, và www.successwithnlp.com. Tôi lập ra các trang web này bằng cách nào? Đương nhiên là tôi không làm nổi rồi. Tất cả là do một học viên của tôi đảm trách, anh ấy tên là Adam Wong. Adam Wong tham dự Wealth Academy Programme (Khóa Học Làm Giàu) của tôi năm 2007 và học được tất cả những gì tôi chia sẻ về cách làm giàu nhờ sức mạnh đòn bẩy.
Anh nhìn thấy cơ hội trước mắt và đề xuất hợp tác kinh doanh với tôi. Bởi chuyên ngành của anh là tiếp thị trên mạng Internet, anh có thể chuyển tất cả sách in và giáo trình của tôi thành ebook và MP3 và chào bán chúng trên mạng. Anh sẽ lo hết mọi việc và chúng tôi chia nhau lợi nhuận. Khi ấy tôi chẳng biết lập trang web là gì, cũng chẳng có thời gian đâu mà học, nên tôi đồng ý để anh triển khai ý tưởng.
Chỉ trong vòng hai tuần sau khi trang web đầu tiên ra đời, Adam Wong đã giúp tôi thu về 9.000 đô. Trong vòng 30 ngày tiếp theo, anh nâng con số đó lên 21.000 đô. Cả hai chúng tôi đều rủng rỉnh tiền bạc hơn từ thương vụ đó. Tôi tận dụng chuyên môn của anh ấy về tiếp thị trên mạng Internet, còn anh tận dụng thương hiệu, tên tuổi và sản phẩm của tôi.
Thế nên hãy nghĩ đến tất cả những cách giúp bạn tận dụng trí tuệ, kỹ năng và năng lực chuyên môn của người khác. Nếu bạn có ý tưởng viết một quyển sách nhưng không giỏi viết lách hoặc vẽ hình minh họa, hãy thuê một người chấp bút và một chuyên viên thiết kế, rồi chia lợi nhuận cho họ khi quyển sách lọt vào danh sách bán chạy nhất. Nếu bạn có ý tưởng về phần mềm ứng dụng cho iPhone hoặc iPad nhưng không có kỹ năng lập trình, hãy thuê nhân lực bên ngoài lo liệu phần đó. Trang web www.elance.com cung cấp cho bạn hàng ngàn lập trình viên tự do sẵn sàng làm việc bất kỳ lúc nào. Không có gì là không thể!
Tận dụng tiền của người khác
Một số bạn có thể thắc mắc, “tận dụng được thời gian và kinh nghiệm của người khác thì tuyệt quá rồi, nhưng tôi biết đào đâu ra tiền để khởi nghiệp và tuyển dụng nhân tài đây? Tiền không có thì kiếm tiền bằng cách nào?” Một trong những cách tận dụng tài nguyên sẵn có hiệu nghiệm nhất mà các nhà đầu tư và doanh nhân thường dùng là tận dụng nguồn tài chính của người khác. Có một số cách để làm được điều này: a) tận dụng tiền của công chúng và b) tận dụng tiền của ngân hàng hoặc nhà môi giới.
Tận dụng tiền của công chúng
Thử tưởng tượng, bạn dùng tiền của người khác để tạo thêm thật nhiều tiền nữa. Các doanh nhân thường xuyên dùng cách này thông qua việc nhượng quyền thương hiệu hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tôi biết rõ một điều rằng kế hoạch bành trướng quy mô Adam Khoo Learning Center sang Indonesia cần rất nhiều tiền. Con số trung bình là 100.000 đô để mở trung tâm (thuê giáo viên, sửa sang phòng ốc, mua sắm trang thiết bị và vật dụng, trả tiền thuê mặt bằng, v.v…) Thay vì bỏ tiền túi ra, chúng tôi quyết định nhượng quyền thương hiệu “Adam Khoo Learning Center” cho các nhà đầu tư/doanh nhân khác.
Chính họ mới là người trực tiếp bỏ tiền, sở hữu và điều hành trung tâm dưới thương hiệu và hệ thống đào tạo đã được chứng minh hiệu quả của chúng tôi. Bù lại, tôi sẽ nhận ngay một khoản tiền nóng cho việc nhượng quyền và vài phần trăm trên doanh số hàng năm của họ. Bằng cách này, tôi có cơ hội mở rộng thương hiệu trên khắp đất nước Indonesia, kiếm được hàng triệu đô lợi nhuận mà không phải bỏ ra dù chỉ một đồng. Về phía các doanh nhân, những người mua quyền sử dụng thương hiệu, họ tận dụng được thương hiệu, chương trình đào tạo đẳng cấp thế giới và kinh nghiệm của chúng tôi.
Bằng cách nào mà những người như Ron Sim (sáng lập Osim), Olivia Lum (sáng lập Hyflux) hoặc George Quek (sáng lập Breadtalk) lại sở hữu hàng triệu đô để gầy dựng nên doanh nghiệp nhiều tỷ đô của mình trên toàn thế giới? Họ dùng tiền của công chúng bằng cách niêm yết doanh nghiệp lên sàn chứng khoán thông qua việc phát hành cổ phiếu (IPO). Họ bán cổ phần ra cho công chúng và dùng số tiền thu được gầy dựng đế chế. Sau đó họ chia lợi nhuận kiếm được cho các cổ đông dưới dạng cổ tức hàng năm (một số công ty còn không chia cổ tức).
Bạn thậm chí có thể làm đơn giản hơn. Ví dụ như bây giờ bạn muốn mở một nhà hàng nhưng không có vốn. Nếu bạn có ý tưởng hay và một kế hoạch kinh doanh bài bản, bạn có thể dễ dàng huy động bạn bè, người thân và ngay cả các nhà đầu tư chuyên nghiệp (còn được biết dưới tên gọi “các nhà đầu tư mạo hiểm”) tài trợ chi phí khởi nghiệp. Bù lại, họ sẽ sở hữu một phần doanh nghiệp và ăn chia lợi nhuận với bạn. Nếu kinh doanh thành công, các bên đều có lợi.
Tận dụng tiền của ngân hàng hoặc nhà môi giới
Những triệu phú tay trắng làm nên thường kiếm được hàng triệu đô nhờ biết cách tận dụng tiền của ngân hàng để nhân lợi nhuận đầu tư lên gấp nhiều lần. Họ vay ngân hàng với lãi suất thấp (2% chẳng hạn) và dùng số tiền đó đầu tư vào kinh doanh mang lại lợi nhuận cao hơn (ví dụ, 10%–20%), như vậy họ sẽ nhân số vốn ban đầu lên gấp nhiều lần.
Đây là phương pháp mà rất nhiều người, đặc biệt là người Singapore, sử dụng để kiếm được hàng triệu đô từ kinh doanh bất động sản với khoản đầu tư lên đến vài trăm ngàn đô. Ví dụ, bạn tìm được một căn nhà trong khu đất vàng và bạn tin rằng nó sẽ rất có giá trong tương lai. Căn nhà này hiện được định giá 1 triệu đô và ngân hàng cho phép bạn vay đến 80% tổng giá trị tài sản, lãi suất 2%/tháng. Vậy là bạn bỏ ra 200.000 đô, vay thêm 800.000 đô nữa. Bạn cho thuê căn nhà và dùng chính số tiền cho thuê để trả lãi ngân hàng mỗi tháng và bảo trì căn nhà.
Được vài năm, giá trị căn nhà tăng lên 20% thành 1,2 triệu đô, bạn quyết định bán nó, kiếm lời 200.000 đô. Tuy nhiên, tỷ lệ lợi nhuận của giao dịch này không phải 20%. Ban đầu, bạn bỏ ra 200.000 đô, tiền lời bạn thu vào là 200.000 đô nữa. Vậy tỷ lệ lợi nhuận của bạn là: 200.000 / 200.000 x 100% = 100%!. Nhờ vay vốn đầu tư mà bạn đẩy được tỷ lệ ấy lên gấp 5 lần!
Bạn có thể áp dụng phương pháp tương tự vào đầu tư chứng khoán và hoạt động kinh doanh. Khi vay tiền từ các nhà môi giới chứng khoán (còn gọi là giao dịch ký quỹ), bạn có thể mua được số lượng cổ phiếu trị giá 100.000 đô chỉ với 10. 000 đô. Trong khi việc vay tiền để mua hàng tiêu dùng (ví dụ như thiết bị điện tử) hoặc các tài sản ngày càng mất giá (như xe hơi) sẽ khiến bạn nghèo đi, thì vay tiền để đầu tư vào những tài sản gia tăng giá trị chính là bí quyết giàu thêm của những người giàu. Kiểu vay đầu tiên được xem là nợ xấu, còn kiểu thứ hai là nợ tốt.
Lưu ý, vay tiền đầu tư cũng có thể dẫn đến cháy túi nếu bạn đầu tư sai lầm vào cổ phiếu, bất động sản hoặc các danh mục đầu tư khác. Đó là lý do tại sao bạn phải trang bị đầy đủ kiến thức tài chính trước khi áp dụng các chiến lược này.
Giờ thì bạn đã biết cách tận dụng sức mạnh đòn bẩy để nhân kết quả nỗ lực lên gấp nhiều lần và tiến nhanh đến mục tiêu của mình. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu chương kế tiếp.
TRANG GHI CHÚ
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.