Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống

Phần V. VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH – Chương 15: Phần thưởng cao quý nhất chỉ dành cho người bền chí



Đôi khi trong cuộc sống, có những người khiến ta kinh ngạc bởi thành tựu xuất sắc mà họ đạt được. Đó có thể là một nhà văn xuất chúng với tuyệt phẩm khiến cả thế giới say mê hoặc một doanh nhân vĩ đại tạo ra sản phẩm không thể thiếu trong thời đại ngày nay. Họ có thể gây dựng cả một đế chế trị giá hàng tỷ đô la, được hàng triệu người kính trọng và ngưỡng mộ. Theo một cách nào đó, có vẻ như cuộc sống đã quá ưu ái những cá nhân này so với số đông còn lại.

Chẳng có gì lạ khi người đời nhìn họ với đôi mắt nể trọng, và cả ganh tị nữa bởi người ta tin rằng số phận ban cho các cá thể xuất chúng ấy trí tuệ, khả năng ưu việt, thậm chí cả ngoại hình và nhiều may mắn nữa.

Tuy nhiên, nếu bạn tìm hiểu kỹ về cuộc đời của những con người này, bạn sẽ khám phá ra rằng họ thành công không phải nhờ các tố chất trời phú. Thật vậy, tất cả những nhân vật phi thường đó từng có lúc rơi xuống hố sâu thất bại. Điều khiến họ trở nên khác biệt chính là quyết tâm vươn lên không ngừng, trong khi phần lớn chấp nhận bỏ cuộc.

Nhiều người trong chúng ta chỉ biết nhìn vào tầm vóc mà họ có được ngày hôm nay và những gì họ đang tận hưởng, chứ không hề nhận ra là họ đã từng nếm trải những gì để đạt được thành quả ấy.

Trong số những biểu tượng tiếng tăm và thành đạt mà chúng ta biết, có vài người đã phải hứng chịu nỗi đau mất đi những người thân yêu nhất (như nam diễn viên John Travolta), hoặc từng thất bại nặng nề trong kinh doanh, nhiều lần bị sỉ nhục hoặc chối bỏ, phải vượt lên cái nghèo, phá sản hoặc chiến đấu chống lại căn bệnh hiểm nghèo. Nói chung, họ đều phải đối mặt với chuyện sống còn.

Điều giúp họ trở thành con người của ngày hôm nay chính là lòng quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc, không khoanh tay chịu thất bại. Họ vẫn vươn lên dù bị cuộc sống vùi dập đến mức nào chăng nữa. Bên trong họ là sự bền bỉ, tin tưởng vào bản thân trong khi những người chung quanh đã bỏ cuộc từ lâu.

Kẻ chiến thắng không phải là kẻ ra đòn mạnh nhất, mà là kẻ lì đòn nhất…
Trong tập cuối của bộ phim Rocky, võ sĩ quyền anh Rocky Balboa (do Sylvester Stallone thủ vai) đã khuyên con trai mình:

“Thế giới này không chỉ toàn bình minh và cầu vồng. Vẫn còn đó những thứ tàn ác, khốc liệt sẵn sàng đánh con ngã gục và nằm lại đó mãi mãi nếu con cho phép điều đó xảy ra. Nhưng điểm mấu chốt không phải là con ra đòn mạnh đến đâu, mà là con chịu đòn được tới mức nào để tiếp tục dấn bước. Hứng chịu được bao nhiêu cú đấm và đứng vững chính là điều làm nên chiến thắng.”

Người bước lên bục vinh quang không phải là người thông minh và tài năng nhất. Phần thưởng danh giá nhất đời này được trao cho những ai đối mặt với nhiều thất bại nhất, bị cuộc đời hắt hủi nhiều nhất nhưng vẫn kiên trì hành động tiến đến mục tiêu. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công.

Nếu muốn chiến thắng trò chơi cuộc sống, bạn phải sẵn sàng đón nhận nhiều cú đánh. Nhiều người tài giỏi và khôn ngoan mà tôi biết không thể nào thắng lớn bởi họ nhanh chóng bỏ cuộc ngay khi thất bại hoặc bị chối từ. Nỗi sợ đau đớn đã thẳng tay loại họ ra khỏi cuộc chiến và làm họ vuột mất những phần thưởng quý giá.

Trong khi đó, nhiều người khác lại thành công rực rỡ, dù cho họ không có tài, không được ăn học đến nơi đến chốn hoặc thiếu điều kiện. Tại sao vậy? Đơn giản là vì họ không bao giờ bỏ cuộc. Họ chiến đấu cho đến khi chạm đích mới thôi. Diễn viên Sylvester Stallone và Arnold Schwarzenegger là hai trong số đó. Không giống như những diễn viên khác sở hữu ngoại hình, kinh nghiệm diễn xuất, tài năng và nói năng lưu loát, cả Stallone và Schwarzenegger đều không may mắn như vậy.

Sylvester lúc nào cũng mang khuôn mặt đờ đẫn và kiểu phát âm nhừa nhựa (hậu quả của một vụ tai nạn làm nửa mặt dưới phía bên trái của ông bị liệt). Schwarzenegger thì không biết diễn xuất và không thể phát âm tiếng Anh chuẩn xác. Chất giọng Áo của ông đến giờ vẫn còn nguyên. Tuy vậy, cả hai đều trở thành diễn viên vĩ đại nhất Hollywood trong thể loại phim anh hùng hành động suốt thập niên 1980 và 1990. Công thức kỳ diệu của họ là gì? Lòng quyết tâm đơn thuần. Họ không bao giờ có ý định bỏ cuộc dù bị nhiều hãng phim từ chối, tham gia vào nhiều bộ phim ế ẩm, và bị người đời cho rằng họ chẳng đời nào có cơ hội thành danh trên màn bạc.
Nhiều người không bao giờ hiện thực hóa được ước mơ của mình bởi khi cuộc đời cay nghiệt vừa giáng cho vài cú, họ đã nhanh chóng đầu hàng. Một số người sau khi trải qua một mối quan hệ tồi tệ, họ không dám cho phép bản thân thật sự yêu thương một người nào khác. Số khác khi gặp thất bại trong kinh doanh, họ không dám đứng dậy làm lại từ đầu. Khi mất đi một món tiền lớn, họ có xu hướng tránh việc đầu tư. Khi họ làm điều gì đó và bị chỉ trích, họ sẽ không bao giờ muốn làm lại lần nữa. Kết quả là họ không gặt hái thành tựu gì trong cuộc sống.

Người không bao giờ bỏ cuộc

Hẳn bạn đã từng nghe tên tập đoàn Honda Motor, một trong những nhà sản xuất xe hơi thành công nhất đến từ Nhật Bản. Điều gì giúp Honda trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp toàn cầu? Chính nhờ nhà sáng lập của họ, Soichiro Honda, người đã lãnh nhận những đòn thất bại nặng nề nhất nhưng vẫn đứng dậy và tiến về phía trước.

Năm 1938, khi vẫn còn đi học, Soichiro mở một xưởng cơ khí nhỏ chế tạo vòng găng pít -tông với hy vọng sẽ bán được cho hãng Toyota. Ông làm việc bảy ngày một tuần, thậm chí có lúc ngủ lại trong xưởng. Khi tiền ngày một cạn dần mà thành công thì vẫn xa vời, ông đem cầm bộ nữ trang của vợ để có vốn tiếp tục làm ăn. Cuối cùng, ông cũng hoàn tất vòng găng pít – tông và mang nó đến Toyota giới thiệu nhưng nhận được câu trả lời là vòng găng không phù hợp với tiêu chuẩn của họ. Không chùn bước, Soichiro quay lại trường học thêm hai năm nữa để cải tiến phát minh của mình – đồng thời chịu lời nhạo báng của các giảng viên khi họ nhìn thấy thiết kế của ông.

Sau hai năm tập trung cải tiến sản phẩm đầy gian khổ, ông đã kiếm được hợp đồng với hãng Toyota. Thành công rồi ư? Không đơn giản thế. Honda phát hiện ra rằng ông phải xây dựng một nhà máy sản xuất vòng găng pít-tông để cung cấp cho Toyota. Không may cho ông là thời điểm đó cực kỳ tệ hại. Chính phủ Nhật đang huy động mọi nguồn lực và rất cần bê- tông để phục vụ cho chiến tranh, nên ông không kiếm đâu ra bê-tông để xây dựng nhà máy.

Thay vì bỏ cuộc, ông phát minh ra dây chuyền sản xuất bê- tông mới. Cuối cùng, nhà máy được xây xong và sẵn sàng đi vào sản xuất, nhưng một lần nữa, may mắn chưa chịu mỉm cười với ông. Nhà máy của ông bị Không lực Hoa Kỳ dội bom hai lần, còn thép thì lại trở nên vô cùng khan hiếm.

Đến nước này, hẳn người khác phải thốt lên, “chịu hết nổi rồi”. Nhưng Honda thì không. Ông đi nhặt những chiếc thùng đựng xăng dư thừa mà máy bay Mỹ vứt lại. Ông gọi chúng là “món quà từ Tổng thống Truman” và biến đống kim loại đó thành nguyên liệu thô cho công cuộc tái xây dựng dây chuyền sản xuất của mình. Thành công là đây? Vẫn chưa. Một trận động đất kinh hoàng đánh sập nhà máy của ông một lần nữa.

Những năm sau chiến tranh, tình trạng khan hiếm xăng dầu buộc mọi người phải đi bộ hoặc di chuyển bằng xe đạp. Điều đó có nghĩa là thị trường tiêu thụ xe hơi của Toyota biến mất, và họ chẳng còn cần đến vòng găng pít – tông của Honda nữa. Nhìn thấy cơ hội trong khó khăn, Soichira bắt tay vào chế tạo ra một loại động cơ nhỏ gắn vào xe đạp. Và chiếc xe gắn máy đầu tiên ở Nhật Bản đã ra đời như thế!

Những người hàng xóm của ông ai cũng muốn có một chiếc như vậy, và dù rất cố gắng, tình trạng nguyên vật liệu thiếu thốn khiến ông không thể đáp ứng tất cả đơn hàng. Ông cũng không còn tiền để xây nhà máy khác để sản xuất xe máy hàng loạt. Mặc dù vậy, ông vẫn không bỏ cuộc. Ông viết thư gửi đến 18.000 chủ tiệm bán xe đạp và đề nghị họ tạm ứng tiền trước cho ông để ông có thể xây dựng nhà máy và bán những chiếc xe máy mới phát minh cho họ.

Đáng tiếc thay, mẫu sản phẩm đầu tiên quá cồng kềnh nên không chạy tốt. Ông lại vùi đầu vào cải tiến và sửa chữa, cuối cùng, chiếc “Super Cub” đã trở thành một hiện tượng và nhanh chóng tràn ngập đất nước Nhật Bản. Với nền tảng vững chắc trên thị trường quốc nội, Honda bắt đầu xuất khẩu sản phẩm của mình sang châu Âu và châu Mỹ.

Đây là quá trình hình thành của tập đoàn Honda Motors. Phải chăng mọi vấn đề đã được giải quyết? Không hề. Trong thời gian điều hành công ty, ông đối mặt với nhiều rắc rối về tài chính. Honda đứng bên bờ vực phá sản năm lần và chỉ thoát vào phút cuối. Cứ mỗi lần tưởng chừng gục ngã, nhà phát minh này lại đứng dậy, rút ra bài học kinh nghiệm và tiến lên phía trước.

Ngày nay, tập đoàn Honda Motors là nơi làm việc của hơn 100.000 nhân viên trên đất Mỹ và Nhật, là một trong những tập đoàn xe hơi lớn nhất thế giới. Công nghệ đột phá và chiến lược tiếp thị khôn khéo của Honda thậm chí còn giúp họ bỏ xa hãng Harley-Davidson về doanh số tại thị trường Mỹ. Trước khi qua đời, Honda đã là một huyền thoại thế giới. Năm 1980, ông được tạp chí People vinh danh là một trong “25 Người Đáng Chú Ý Nhất Năm”, với biệt danh “Henry Ford Của Nhật Bản.” Để gặt hái những thành công vĩ đại, bạn phải sẵn sàng chịu đòn và chấp nhận trả giá.

Con đường trở thành nhà văn tỷ phú

Nhiều người trong chúng ta đã từng đọc hoặc xem phim về cậu bé phù thủy nổi tiếng Harry Potter. Tác giả của bộ truyện này, J. K. Rowling, đã vươn lên vị trí người giàu thứ hai trong làng giải trí và được mệnh danh là người phụ nữ có ảnh hưởng nhất nước Anh. Bà đã nếm trải những gì trước khi gia nhập hàng ngũ những tác giả thành công nhất thế giới? Cũng như những tấm gương thành công khác, bà phải đấu tranh với nhiều biến cố thăng trầm trong cuộc sống và vực mình đứng dậy sau nhiều thất bại.

Từ khi còn là một đứa bé, Rowling đã đam mê viết lách và ôm mộng trở thành một nhà văn. Năm lên sáu, bà tự sáng tác truyện và đọc cho chị mình nghe. Học hết trung học cơ sở, bà ghi danh vào đại học Exeter và tốt nghiệp cử nhân ngành nghệ thuật sáng tạo. Bà ra trường theo nghiệp nghiên cứu và thư ký song ngữ. Một cuộc sống rất đỗi bình thường.

Năm 1990, cảm hứng bất chợt đến với Rowling. Trên chuyến tàu bị trễ bốn tiếng từ Manchester đến Luân Đôn, bà nảy ra ý tưởng viết truyện về một cậu bé phù thủy cùng những chiến tích và tài phép thuật của cậu.

Vừa đến Luân Đôn, Rowling bắt tay vào viết ngay bản thảo. Thế nhưng số phận trớ trêu bắt Rowling phải trải qua 5 năm đau khổ trước khi cầm bút một lần nữa. Mẹ của bà qua đời sau một thời gian dài chống chọi chứng xơ cứng não bộ và cột sống, Rowling suy sụp nặng nề.

Bà nỗ lực dồn hết tâm sức vào ngòi bút để vượt qua nỗi đau mất mát, nhưng quyển sách chẳng đi được đến đâu. Rowling đành chuyển đến Bồ Đào Nha làm giáo viên dạy tiếng Anh. Hai năm sau, bà kết hôn với một nhà báo người Bồ Đào Nha, Jorge Arantes và một năm sau nữa đứa con đầu tiên của họ chào đời. Tưởng như cuộc đời đã trải hoa hồng thì cũng trong năm đó, chồng bà bỏ đi. Nỗi đau thứ hai quá lớn này khiến Rowling mắc chứng trầm cảm lâm sàng và có ý định tự tử.

Đó là quãng đời tăm tối nhất của bà. Cuối cùng, Rowling cũng tìm được sức mạnh để tiếp tục sống và theo đuổi nghiệp văn chương.

Trong suốt nhiều năm sau đó, bà lê la khắp các quán cà phê ngồi viết sách.

Không việc làm, tiền bạc eo hẹp, phải qua ngày nhờ tiền trợ cấp của chính phủ, cuộc sống của bà khi ấy là một mớ hỗn độn, ảm đạm và vô vọng. Tuy nhiên, nhà văn nữ này vẫn nuôi trong mình niềm tin một ngày kia, cậu bé phù thủy sẽ thay đổi toàn bộ cuộc đời bà.
Cuối cùng, sau 5 năm trời ròng rã từ ngày đặt bút viết những dòng đầu tiên, Rowling hoàn tất bản thảo “Harry Potter Và Hòn Đá Phù Thủy”. Như thường lệ, thành công đâu dễ dàng mà đến. Bà gửi tác phẩm đến 12 nhà xuất bản khác nhau nhưng đều bị từ chối. Không bỏ cuộc, bà tiếp tục gửi bản thảo đến bất kỳ nhà xuất bản nào mà bà tìm được. Rốt cuộc, một năm sau, Bloomsbury, một nhà xuất bản nhỏ đã đồng ý xuất bản quyển sách. Tuy nhiên, người biên tập vẫn khuyên Rowling nên đi tìm một công việc khác vì anh này sợ tiền thu về từ quyển tiểu thuyết dành cho trẻ em sẽ rất ít ỏi.

Tuy quyết định “thử một phen” với nhà văn mới, Bloomsbury vẫn chỉ dám in 1.000 bản, 500 trong số đó được phát miễn phí tới các thư viện.

5 tháng sau, Harry Potter bắt đầu thu về những giải thưởng đầu tiên, giúp Rowling được độc giả công nhận. Bà tiếp tục viết phần hai, phần ba, rồi phần bốn của bộ truyện Harry Potter, cậu bé phù thủy.

Nhưng chỉ sau khoảng hai năm, khi phần bốn của quyển tiểu thuyết ra đời, “Harry Potter Và Chiếc Cốc Lửa”, Harry Potter mới trở thành quyển sách bán chạy khắp thế giới và biến tác giả của nó thành nhân vật tiếng tăm. 372.775 ấn bản được bán hết veo ngay trong ngày đầu tiên tại Anh Quốc. Tại Mỹ, ba triệu bản được bán ra trong vòng 48 giờ đầu tiên, xô đổ hàng loạt kỷ lục trong ngành phát hành sách. Phần sáu, “Harry Potter Và Hoàng Tử Lai”, bán được chín triệu bản ngay trong ngày đầu tiên ra mắt.

Ngày nay, Harry Potter là một thương hiệu toàn cầu được định giá khoảng 7 tỉ bảng Anh (tương đương 15 tỉ đô la Mỹ), đưa Rowling trở thành nữ văn sĩ tỉ phú đầu tiên trong lịch sử.

Thử thách nghiệt ngã nhất của cuộc sống

Sẽ có những lúc trong cuộc sống chúng ta phải gánh chịu nỗi bất hạnh cùng cực; tưởng chừng như những tai ương, thất bại, muộn phiền, gian khó ấy không cách gì vượt qua nổi. Sẽ có những lúc ta cảm thấy đời sao bất công thế. Mặc ta có cố gắng ra sao đi nữa, mọi chuyện vẫn không như mong muốn.

Tôi gọi khoảng thời gian đó là “Thử Thách Nghiệt Ngã Nhất Của Cuộc Sống”. Nhiều người cho phép chúng hủy diệt niềm tin, hy vọng cũng như thành công trong tương lai của chính mình. Họ bỏ cuộc và không bao giờ đứng dậy được nữa. Họ khuất phục trước thử thách đó.

Và những người chiến thắng là những người biết tận dụng thời điểm này để rút ra những bài học quý giá nhất và rèn luyện bản thân trên bước đường đời. Nói cho cùng, thứ gì không thể giết được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn. Điều hài hước là thường trong những nghịch cảnh tối tăm nhất, chúng ta lại tìm được chìa khóa mở cánh cửa ước mơ.

Tôi tin chắc rằng phép thử cuộc đời tồn tại để phân loại những ai thật sự xứng đáng thành công với những ai không dám trả giá để thành công. Những phép thử này là cách Thượng Đế thử lòng tin con người và xem mong muốn hiện thực hóa ước mơ của chúng ta lớn đến mức nào.

Tôi cũng xin tiết lộ rằng tôi cũng từng ở trong nhiều tình huống như thế… cả trong công việc kinh doanh lẫn các mối quan hệ cá nhân. Tôi từng có ý định từ bỏ khi mọi thứ dường như quá tuyệt vọng và bất công. Nhưng cuối cùng, tạ ơn Trời, tôi cũng tìm được sức mạnh để đứng dậy sau thất bại và kiên trì tiến lên. Bây giờ mỗi khi nhìn lại, chính những quãng thời gian đau đớn đó đã giúp tôi mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn, biết trân trọng mọi thứ hơn và mang đến “hoa thơm trái ngọt” mà tôi hưởng thụ ngày hôm nay.

Vậy nếu bạn đang trải qua những ngày tháng đen tối của cuộc đời hoặc trong tương lai, hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Đó chỉ là một phần của cuộc phiêu lưu đến với ước mơ mà thôi. Thử thách càng nghiệt ngã thì thành công càng rực rỡ. Đừng để nghịch cảnh dập tắt ước mơ cháy bỏng ấy. Thay vào đó, hãy nhớ rằng, bạn phải vượt qua những thử thách đó để chứng tỏ mình xứng đáng với phần thưởng cao quý nhất của cuộc sống.

Khi đã tin, bạn sẽ chinh phục được mọi thứ

Điều gì khiến một số người bỏ cuộc trong khi số khác lại can đảm đứng dậy và tiếp tục chiến đấu? Ta thường cho rằng loại người thứ hai bẩm sinh đã dũng cảm và có năng lực nội tại phi thường. Sự thật là trong ta ai cũng có sức mạnh tinh thần, nhưng để tận dụng nguồn năng lượng đó, bạn phải học cách kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc bản thân. Khi bạn làm chủ được tâm trí, bạn có thể làm chủ được mọi thứ.

Sức mạnh của sự đối lập

Vậy điều gì đã thúc đẩy tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất? Điều gì cho tôi năng lực đấu tranh để không đầu hàng bỏ cuộc? Bí quyết đầu tiên của tôi chính là sức mạnh của sự đối lập. Đa số mọi người khi gặp rắc rối đều thấy vấn đề sao kinh khủng và đau đớn cùng cực. Thường thì đây chỉ là nhận thức của người trong cuộc mà thôi. Bạn cần nhớ điều này, dù bạn đang gặp chuyện gì đi nữa thì vẫn còn hàng ngàn, hàng vạn người khác đang gánh chịu những chuyện còn kinh khủng hơn thế gấp chục lần.

Hãy nghĩ về trận động đất và đợt sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản, về hàng chục ngàn người đã mất đi người thân vào tháng ba năm 2011 trong đau đớn tuyệt vọng, cạn kiệt thức ăn và nước uống, phải chịu cảnh màn trời chiếu đất và mang thương tích trầm trọng.

Cùng lúc – ta còn nghe những câu chuyện ấm lòng về những người đàn ông và phụ nữ bình thường phút chốc trở thành những người hùng của Nhật Bản – họ quên đi bản thân bé mọn, vượt qua bao gian khó để dang tay giúp đỡ người khác. Do đó, để tìm nguồn cảm hứng, tôi đọc những mẩu chuyện về những cá nhân đang phải trải qua thử thách nghiệt ngã của cuộc đời để xem họ đứng lên bằng cách nào. Sau khi đọc xong, tôi bỗng nhận ra chuyện của mình thật chẳng là gì cả.

Một trong những câu chuyện hấp dẫn tôi nhất là câu chuyện về gia đình Hoyt. Chuyện kể về người cha (Dick) yêu thương đứa con tật nguyền của mình (Rick) sâu sắc. Tình yêu thương đó là động lực khiến anh tự mình nuôi con khôn lớn thay vì mang đứa trẻ vào cô nhi viện. Rick bị bại não bẩm sinh và bị liệt từ cổ trở xuống. Cậu bé không đi lại hay nói chuyện được. Dù bác sĩ cho biết con trai anh vĩnh viễn không thể đến trường hoặc đi làm, Dick vẫn không bỏ rơi con.

Niềm đam mê thể thao của Rick thúc đẩy hai cha con đăng ký cuộc thi chạy đồng đội: người cha chạy bộ đẩy xe lăn chở Rick trên đó. Đến ngày hôm nay, hai cha con họ đã cùng nhau tham gia tổng cộng 950 cuộc chạy đua, 60 cuộc thi ma- ra-tông và thậm chí còn sáu lần hoàn thành cuộc thi ba môn phối hợp Iron Man.

Suốt cuộc hành trình, Dick đẩy, kéo, thậm chí cõng đứa con của mình bơi 3,9 km, đạp xe 180 km và chạy 42km. Rick còn tốt nghiệp đại học Boston và tìm được công việc toàn thời gian. Có phải những trở ngại của chúng ta quá nhỏ bé so với những gì cha con họ đã trải qua không? (Hãy tìm xem trên Youtube những đoạn video quay hai cha con nhà Hoyt, bạn sẽ cảm động đến rơi nước mắt).
Bên cạnh sức mạnh của sự đối lập, còn bốn niềm tin khác giúp tôi vượt qua những thời điểm gian khó nhất trong đời:

Niềm tin #1: Mọi chuyện xảy ra đều có lý do riêng của nó

Nhiều người bỏ cuộc khi đời khắc nghiệt vì họ thấy nỗi đau mà họ gánh chịu quá vô vọng và bất công. Khi họ vấp ngã hoặc bị cản bước, họ xem đó là thông điệp rằng mình không đủ khả năng, rằng những gì họ đang làm chẳng là gì cả, hoặc vì họ kém may mắn. Họ có xu hướng tự vấn bản thân, ”tại sao chuyện này lại xảy ra với mình?”

Tôi luôn giữ cho mình sự tự tin và nhiều động lực vì tôi biết mọi chuyện dù bây giờ trông có vẻ tồi tệ đến mấy đều xảy ra vì một lý do tốt đẹp nào đó. Hoặc là chúng mang đến cho tôi bài học quý giá để ngày một hoàn thiện hơn, hoặc đôi khi trong cái rủi có cái may. Miễn là tôi tiếp tục hành động thì mọi “vấn đề” sẽ sớm biến thành “vận may”. Niềm tin này luôn giúp tôi vững bước.

Yếu tố tạo nên sức lôi cuốn của quyển tiểu thuyết “Harry Potter” nằm ở cách J. K. Rowling vẽ nên chân dung nhân vật và những khoảnh khắc đáng nhớ làm khơi dậy trí tưởng tượng trong ta và khiến trái tim ta rung động. Cảm hứng của bà từ đâu mà có? Trớ trêu thay, nó lại đến từ những phút giây bi thảm nhất cuộc đời bà. Trước khi mẹ qua đời, Rowling có một cuộc sống bình thường và yên ổn… không có trải nghiệm gì đáng kể giúp bà sáng tác nên tuyệt phẩm ấy.

Sau khi mẹ bà qua đời vì cơn bạo bệnh, và khi Rowling viết xuống những dòng đầu tiên, bà đủ sức miêu tả một cách trung thực nỗi đau mất đi cả cha lẫn mẹ của cậu bé Harry Potter, vì bà hiểu rõ nỗi đau ấy như thế nào. Khi hôn nhân tan vỡ, bà rơi vào trầm cảm, căn bệnh mang đến ý tưởng về những “Tử Thần Thực Tử”, sinh vật chực chờ nuốt sống linh hồn con người xuất hiện trong phần ba của bộ truyện. Những thời khắc u ám nhất đó chính là chất xúc tác cần thiết làm nên thành công vang dội của quyển tiểu thuyết. Tất cả mọi việc xảy ra đều có lý do của nó.

Trường hợp của Soichiro Honda thì sao? Nếu người Mỹ không tấn công Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai và đánh bom nhà máy của ông hai lần, Honda có thể đã vận hành nhà máy và cung cấp vòng găng pít- tông cho Toyota đến hết đời – công việc của một nhà thầu phụ nhỏ bé. Đồng thời, chính nhờ tình trạng khan hiếm xăng dầu đã thúc đẩy Honda đổi mới và sáng tạo nên chiếc xe máy hạng nhẹ đầu tiên trên thế giới. Phát minh của ông đã vực dậy nền kinh tế Nhật Bản, mở đường cho sự ra đời của tập đoàn Honda.

Vậy thì những khi bạn bị nghịch cảnh cản đường, hãy luôn nhớ rằng mọi chuyện đều có lý do của nó. Khi đã vượt qua và nhìn lại, bạn sẽ thấy thành quả hôm nay có sự đóng góp của nghịch cảnh ấy.

Niềm tin #2: Bi kịch dù đau đớn đến mấy cũng phải có hồi kết
Niềm tin thứ hai đã giúp tôi đứng vững qua bao sóng gió chính là đây: dù chuyện có tồi tệ đến thế nào, khó khăn rồi cũng có hồi kết thúc. Không có trở ngại nào tồn tại mãi mãi. Thời kỳ suy thoái nào cũng sẽ chấm dứt, tiếp đến là những chuyển biến tích cực và thịnh vượng của nền kinh tế.

Nỗi đau sau một mối quan hệ bất thành sẽ dần trôi qua, mở ra cơ hội cho những mối quan hệ mới tốt đẹp hơn. Chỉ cần chúng ta có đủ sức mạnh tinh thần để đặt dấu chấm hết cho vết thương cũ và dọn mình đón nhận một khởi đầu mới. Tự tử quả thật là một bi kịch. Đối với tôi, tự tử giống như đưa ra giải pháp vĩnh cữu cho một khó khăn tạm thời.

Cũng chính niềm tin này đã mang đến cho tôi cơ hội kiếm bộn tiền trong cuộc khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ. Vào tháng một năm 2009, thị trường chứng khoán rơi tự do khiến nhiều người cho rằng nó sẽ không bao giờ hồi phục. Giá cổ phiếu cứ giảm dần từng ngày mà không có dấu hiệu chững lại. Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ giảm 55% trong khi những thị trường chứng khoán châu Á như Singapore hay Hong Kong giảm hơn 60%.

Nhiều người chấp nhận bán đổ bán tháo và chịu lỗ khủng hoặc không dám mua vào khi giá quá thấp. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng cơn khủng hoảng này sẽ kết thúc, kéo theo nó là sự hồi sinh mạnh mẽ. Thế là cũng trong tháng ấy, tôi viết quyển ”Profit From The Panic” (Lợi Nhuận Từ Khủng Hoảng) trong vòng 30 ngày và đầu tư 80% số tiền dành dụm vào thị trường chứng khoán. Không nghi ngờ gì nữa, chỉ hai tháng sau, tháng ba năm 2009, cơn khủng hoảng kết thúc và thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đạt kỷ lục trong vòng 50 năm qua. Cổ phiếu tôi từng mua với giá 2 đô la giờ đây có giá 12 đô la, mang đến cho tôi một gia tài kha khá.

Niềm tin #3: Thứ gì không giết được ta sẽ làm ta mạnh mẽ hơn
Niềm tin thứ ba mà tôi có là bất cứ thứ gì không giết được tôi sẽ làm tôi mạnh mẽ hơn. Cha mẹ tôi ly hôn vào năm tôi 13 tuổi, chính vì vậy mà tôi trở nên vững vàng hơn về mặt tình cảm. Tôi học cách tự lập và đứng trên đôi chân của mình. Trong khoảng 16 đến 22 tuổi, tôi bị ba cô bạn gái “cho ra rìa” vì họ nghĩ rằng tôi thật tẻ nhạt. Nhờ đó mà tôi trở nên sắc bén hơn trong chuyện nhìn người và thậm chí cứng rắn hơn về cảm xúc.

Tôi đã mất 150.000 đô vào thị trường chứng khoán thời còn chân ướt chân ráo vào nghề khi ở độ tuổi 20. Kinh nghiệm này khiến tôi trở thành nhà đầu tư khôn ngoan và hiểu biết ngày hôm nay. Khi công ty thiết kế nội thất của tôi phá sản tám năm trước và tôi vẫn sống sót, vậy nên giờ tôi chẳng sợ bất kỳ thất bại nào trong kinh doanh nữa. Vì vậy hãy nhớ, bạn sẽ luôn trỗi dậy mạnh mẽ hơn sau những bi kịch hay thất bại.

Niềm tin #4: Trước bình minh là đêm dài tăm tối

Cuối cùng, niềm tin mang đến sức mạnh và cảm giác vững lòng nhất cho tôi chính là: hết đêm sẽ sang ngày. Nghĩa là khi mọi thứ đã chạm đáy, nó sẽ bật lên lại. Bạn có biết thời khắc trước khi mặt trời mọc thường là lúc trời tối nhất không?

Bạn có biết trước khi thị trường chứng khoán đảo chiều và bắt đầu hồi phục, đa số mọi người đều hoảng loạn và bán toàn bộ những gì họ có? Người ta gọi đó là “hiệu ứng bỏ cuộc”. Chỉ khi tất cả những người bán cổ phiếu đầu hàng và bán tất tần tật mọi thứ, người mua mới vào cuộc và bắt đầu đẩy giá cổ phiếu lên.

Khi xem phim, bạn sẽ nhận ra kịch bản tương tự. Ngay trước khi đi đến cái kết có hậu, nhân vật chính thường trải qua giai đoạn dường như vô vọng. Rồi mọi thứ bất ngờ chuyển biến và bộ phim kết thúc tốt đẹp. Mặc dù nghe khá nhàm chán, nhưng cuộc sống đúng là như vậy. Rất nhiều người gục ngã ngay thời điểm đen tối nhất và không cầm cự nổi để nhìn thấy ánh bình minh không lâu sau đó.

“Đa số các vĩ nhân thường làm nên đại cuộc ngay sau thất bại ề chề nhất.”

Napoleon Hill

Kho báu chỉ còn cách bạn 1 mét nữa…

Trong tác phẩm kinh điển “Think and Grow Rich” (Nghĩ Và Làm Giàu), Napoleon Hill đã minh họa tầm quan trọng của việc không nên bỏ cuộc quá vội vã bằng câu chuyện của hai người thợ đào vàng trong Cơn Sốt Vàng California hồi giữa thế kỷ 19.

Người thợ đào vàng R. U. Darby giúp chú của mình khai thác vỉa quặng do một người họ hàng phát hiện ra. Anh mang cuốc chim, xẻng đến và làm việc cật lực. Sau nhiều tuần đào bới, công sức của anh đã được đền đáp, anh tìm thấy vàng. Để mang được vàng lên mặt đất, anh biết mình cần dùng đến máy móc. Thế là anh che phủ dấu vết khai thác vàng và lên đường về Williamsburg để báo cho họ hàng biết về “vụ trúng lớn” này. Họ gom góp tiền mua và chuyển máy móc đến California, rồi Darby cùng người chú quay lại tiếp tục khai thác vàng.

Thời gian đầu, họ tưởng như đời mình sắp lên hương. Chiếc xe chở vàng đầu tiên được chuyển đi và bán cho thợ chế tác. Lợi nhuận thu về khiến họ tin mình sở hữu một trong những mỏ vàng lớn nhất California!

Nhưng rồi, nỗi lo sợ của họ đã thành sự thật. Mạch vàng bỗng dưng biến mất! Họ khoan và khoan và khoan với hy vọng mạch vàng sẽ xuất hiện lần nữa, nhưng mãi chẳng thấy đâu. Cuối cùng, họ quyết định bỏ cuộc vì cho rằng chẳng còn chút vàng nào trong đất.

Họ bán lại trang thiết bị cho một người thu mua phế liệu với giá vài trăm đô rồi bắt xe lửa trở về nhà. Người thu mua phế liệu này quyết định thử vận may. Anh ta bỏ tiền thuê một kỹ sư mỏ đến khảo sát lớp đất đá của khu mỏ. Người kỹ sư cho rằng dự án kia thất bại vì những người thợ đào vàng trước đó dò chưa đúng mạch. Tính toán của người kỹ sư cho thấy mạch vàng ở cách vị trí Darby và chú ngừng khoan chỉ… 1 mét. Nghe theo lời khuyên của kỹ sư, người thu mua phế liệu tiếp tục khoan ngay tại vị trí đó và tất nhiên, anh tìm được vàng. Chỉ cần một chút bền bỉ nữa thôi, R. U. Darby và gia đình anh đã có thể trở thành triệu phú.

Có bao giờ bạn tự hỏi đã bao nhiêu lần mình bỏ cuộc trong cuộc sống khi chỉ còn cách kho báu “1 mét” nữa thôi? Vì vậy, mọi thứ có thể nhuốm màu tuyệt vọng nhưng đừng cho phép bản thân bỏ cuộc. Biết đâu khoảng cách từ bạn đến thành công chỉ còn 1 mét.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.