Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 2)

Chương – 4



Công tước Andrey đến Petersburg vào tháng Tám năm 1809.

Đó là lúc mà danh vọng của Xperanxki lên đến cực điểm, và cũng là lúc viên đại thần trẻ tuổi ấy thực hiện những cuộc cải cách của mình một cách kiên quyết nhất. Cũng vào tháng tám năm ấy, hoàng thượng bị đổ xe, bị thương ở chân và phải ở lại Petersburg ba tuần, hàng ngày chỉ gặp một mình Xperanxki. Vào thời ấy, ngoài hai đạo dụ nổi tiếng cho dư luận xôn xao, bãi bỏ các chức tước trong triều đình và lập các kỳ thi vào các quan chức chưởng giáp trợ tá(1) và cố vấn quốc gia(2), người ta còn soạn ra cả một hiến pháp nhà nước nhằm thay đổi chế độ tư pháp, hành chính và tài chính hiện hành ở Nga, kể từ hội đồng quốc gia cho chí ban quản trị xã. Bây giờ là lúc những mong ước khoáng đạt mơ hồ của Alekxandr đang được thực hiện và thành hình, những mong ước mà nhà vua đã ấp ủ từ hồi mới lên ngôi và hy vọng thực hiện với sự giúp đỡ của những người giúp việc của ngài Txartorixki, Novoxinsov, Kochubey và Xtrovanov mà chính ngài thường gọi đùa là “Tiểu ban cứu quốc” của mình.

Bấy giờ Xperanxki đã thế chân cho những người ấy về mọi quan chức bên nội chính, còn Arakseyev thì thế chân cho họ về quân sự. Công tước Andrey đến Petersburg được mấy hôm đã phải đến trình diện ở triều đình với tư cách là thị thần(3) và trong những buổi triều hội, Hoàng đế Alekxandr đã hai lần gặp chàng mà chẳng nói với chàng lấy một lời. Từ trước công tước Andrey đã luôn luôn có cảm tưởng là nhà vua không ưa mình, không ưa cái diện mạo và cả con người mình. Trong cái nhìn lạnh lùng và cao xa của nhà vua đối với chàng, bấy giờ Andrey càng thấy điều mình ước đoán là đúng. Mấy vị triều thần cắt nghĩa cho công tước Andrey hiểu rằng hoàng thượng lạnh nhạt với chàng như vậy là vì chàng đã thoát ly mọi hoạt động từ năm 1805.

(1) Chức quan văn đệ bát phẩm.

(2) Chức quan văn đệ ngũ phẩm.

(3) Phẩm hàm danh dự trong cung đình; nguyên là chức của các triều thần lo các công việc nội bộ của cung điện (tiếng Đức Kanmerberr).

Công tước Andrey nghĩ:

“Bản thân ta vẫn biết rằng con người không làm chủ được lòng yêu ghét của mình, cho nên tốt hơn là đừng nghĩ đến việc thân hành đem bản bút ký về quy chế quân đội trình lên nhà vua làm gì, rồi sự thực tự nó sẽ nói thôi”.

Chàng đem chuyện này nói với một vị thống soái già vốn là bạn của cha chàng. Ông thống soái ấn định cho chàng một buổi hội kiến, tiếp chàng rất niềm nở và hứa sẽ tâu lại với hoàng thượng. Vài hôm sau công tước Andrey nhận được một bản thông báo cho hay rằng chàng phải ra mắt quan tổng trưởng Chiến tranh là bá tước Arakseyev.

Đến ngày đã định, đúng chín giờ sáng công tước Andrey bước vào phòng khách của bá tước Arakseyev.

Công tước Andrey vốn không quen riêng Arakseyev và chưa bao giờ gặp ông ta, nhưng những điều chàng được biết về Arakseyev ít làm cho chàng kính nể con người này.

“Ông ta là tổng trưởng Bộ chiến tranh, là một nhân vật thân tín của hoàng thượng: không ai có quyền động đến những phẩm chất cá nhân của ông ta cả; họ đã giao cho ông ta xem xét bản bút ký của ta, – Như vậy nghĩa là chỉ có một mình ông có quyền đem nó ra thực hiện.” – Công tước Andrey nghĩ trong khi cùng ngồi đợi với nhiều nhân vật quan trọng và không quan trọng trong phòng tiếp tân của bá tước Arakseyev.

Công tước Andrey hồi còn làm việc nhà nước, phần lớn là làm sĩ quan phụ tá, đã trông thấy rất nhiều phòng khách của các nhân vật quan trọng và hiểu rất rõ tính chất của từng loại phòng khách như vậy. Phòng khách của bá tước Arakseyev có một tính chất hoàn toàn đặc biệt. Trên gương mặt của những nhân vật không quan trọng ngồi đợi đến lượt mình được tiếp kiến trong phòng khách của bá tước Arakseyev hiện rõ vẻ e thẹn và khúm núm. Trong gương mặt của những nhân vật có chức vụ cao hơn đều thấy rõ một vẻ lúng túng giống nhau, được che đậy dưới một vẻ ung dung bề ngoài và như có ý tự giễu cợt mình, giễu cợt cái địa vị của mình, và giễu cợt người mình đang đợi. Người thì đi đi lại lại ra dáng tư lự, người thì nói chuyện thì thầm và cười với nhau, và công tước Andrey nghe rõ tên gọi đùa ” Sila Andreyevich”(4) và mấy tiếng “ông bác sẽ cho cậu một chầu” ám chỉ bá tước Arakseyev. Một vị tướng (nhân vật quan trọng) có lẽ mếch lòng vì phải chờ đợi quá lâu, ngồi chéo chân lên ghế và cười nụ một mình ra dáng khinh khỉnh.

(4) Sila có nghĩa là “sức mạnh”

Nhưng cánh cửa vừa mở ra, thì trong khoảnh khắc tất cả mọi gương mặt đều đồng loạt phản chiếu một cảm xúc duy nhất: sợ hãi.

Công tước Andrey một lần nữa yêu cầu viên trực nhật vào báo tên mình, nhưng người ta nhìn chàng một cách ngạo nghễ và cho chàng biết là lúc nào đến lượt chàng hẵng hay. Sau mấy người được viên sĩ quan phụ tá đưa vào phòng làm việc của tổng trưởng rồi lại đưa ra, đến lượt một sĩ quan dáng dấp sợ sệt và khúm núm khiến công tước Andrey phải kinh ngạc, được đưa vào cái cửa khủng khiếp kia.

Cuộc tiếp kiến viên sĩ quan kéo dài một hồi lâu. Chợt từ phía sau cánh cửa vẳng ra những tiếng nói khó chịu, và viên sĩ quan, mặt tái xanh, môi run lẩy bẩy, bước ra khỏi phòng và ôm đầu đi qua phòng khách.

Sau đó công tước Andrey bước vào một căn phòng sạch sẽ không có gì sang trọng và bên chiếc bàn chàng thấy một người trạc bốn mươi tuổi, lưng dài, tóc húi ngắn, mặt có những nếp nhăn dày, đôi lông mày nhíu lại phía trên đôi mắt đục màu xanh nhờ nhờ như có pha màu nâu, cái mũi đỏ khoặm xuống, Arakseyev, quay đầu về phía công tước Andrey, nhưng không nhìn chàng.

– Ông xin việc gì? – Arktseye hỏi.

– Thưa ngài, tôi không xin gì cả!

– Công tước Bolkonxki phải không?

– Tôi không xin gì cả; hoàng thượng có lòng chuyển cho quan lớn tập bút ký của tôi…

– Ông bạn rất quý ạ, xin ông biết cho rằng bản bút ký của ông tôi đã có đọc. – Arakseyev ngắt lời. Ông ta nói mấy tiếng đầu với một giọng ôn tồn, rồi không muốn nhìn vào mặt công tước Andrey nữa và giọng nói ngày càng chuyển thành cáu kỉnh và khinh bỉ. – Ông đề nghị những đạo luật quân sự mới à? Luật thì nhiều lắm, luật cũ đấy cũng chưa có ai thi hành cho. Bây giờ thì ai cũng soạn luật cả, viết vốn dễ làm hơn mà?

– Tôi lĩnh ý hoàng thượng đến đây mong ngài cho biết ngài định sử dụng tập bút ký của tôi như thế nào. – Công tước Andrey lễ phép nói.

– Tôi đã có quyết định về bút ký của ông và đã chuyển sang Uỷ ban rồi. Tôi không tán thành, – Arakseyev vừa nói vừa đứng dậy và lấy ở bàn viết ra một tờ giấy đưa cho công tước Andrey nói. – Đây!

Trên tờ giấy có viết ngang mấy dòng chữ bằng bút chì, không có chữ hoa, sai hết chính tả, không có dấu chấm câu: “Soạn không chu đáo, bắt chước quy chế quân sự Pháp và khác với điều lệ quân đội một cách không cần thiết”.

Công tước Andrey hỏi:

– Bản bút ký của tôi được chuyển cho Uỷ ban nào?

– Uỷ ban quy chế quân sự; và tôi có giới thiệu ngài vào làm uỷ viên trong Uỷ ban đó. Nhưng không có lương.

Công tước Andrey mỉm cười.

– Tôi cũng không mong thế.

– Uỷ viên không lương. – Arakseyev nhắc lại…

– Tôi đã được hân hạnh. Ê! Cho vào! Còn ai nữa? – Ông ta vừa quát vừa cúi đầu chào công tước Andrey.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.