Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3)

Chương – 12



Ngày mười bảy tháng tám. Roxtov và Ilya từ trại trú quân ở Yonkovo cách Bogutsarovo mười lăm dặm, cưỡi ngựa đi chơi để thử con ngựa Ilya vừa mua và xem trong các làng có cỏ cho ngựa ăn không. Đi theo hai người có Lavruska, vừa bị địch bắt và được tha về và một người lính phiêu kỵ.

Từ ba hôm nay, Bogutsarovo đã ở vào giữa hai đạo quân thù địch, cho nên có thể dễ dàng được hậu quân Nga cũng như tiền quân Pháp ghé thăm. Vì vậy, là một viên đại đội trưởng kỵ binh cần mẫn, Roxtov muốn lấy hết chỗ lương thực còn lại ở đây, trước khi quân Pháp đến.

Roxtov và Ilya đang ở vào một tâm trạng hết sức vui vẻ. Trong khi đi về phía Bogutsarovo, trang ấp của một vị vương công, nơi họ hy vọng gặp một số gia nhân đông đúc có cả những cô nữ tỳ xinh đẹp họ hỏi chuyện Lavruska về Napoléon và cười cợt về những chuyện hắn ta kể lại, hoặc họ thi nhau phi nước đại để thử sức con ngựa của Ilya.

Roxtov không ngờ rằng điền trang mà chàng đang đi đến là của Bolkonxki, người trước kia đã đính hôn với em gái chàng.

Hai người cho ngựa chạy đua với nhau một lần cuối, phi vào khu ấp ở phía trước làng Bogutsarovo, và Roxtov vượt qua mặt Ilya phóng vào đường làng trước tiên.

– Anh vượt tôi rồi đấy. – Ilya đỏ mặt nói.

– Đúng, mình lúc nào cũng về nhất, trên bãi cỏ cũng như ở đây.

Roxtov vừa đáp vừa lấy tay vuốt ve con ngựa sông Đông đang sùi bọt mép.

– Tôi cưỡi con ngựa cái Pháp này. – Lavruska đi ở phía sau nói (hắn gọi con ngựa xác kéo xe của hắn là ngựa cái Pháp) – Thì thừa sức vượt đại nhân xa, nhưng tôi chẳng muốn làm đại nhân ngượng.

Họ cho ngựa đi bước một đến gần một cái kho, nơi một đám đông nông dân đang tụ tập.

Vài người bỏ mũ chào, những người khác chỉ đứng nhìn. Hai ông già cao lêu nghêu, mặt nhăn nhúm, râu lưa thưa, từ trong quán rượu bước ra, miệng cười nhăn nhở, chân nam đá chân chiêu, lẩm nhẩm hát một bài lạc điệu và đến gần hai viên sĩ quan.

– Chà, các ông mãnh! Có cỏ chongựa không? – Roxtov mỉm cười hỏi.

– Mà hai ông sao giống nhau như đúc thế… Ilya chêm vào.

Một trong hai ông lão mỉm cười hể hả cất tiếng hát:

Bbầu, bbạn… vu… u… u… i… th… ay… ay.

Một nông dân tách khỏi đám đông, tiến về phía Roxtov hỏi:

– Các ông là ai?

– Quân Pháp, – Ilya vừa cười vừa đáp, – rồi chỉ Lavruska nói thêm. – Và đây chính là Napoléon.

– Thế ra các ông là người Nga à? – Người nông dân lại hỏi.

– Các ông ở đây có đông không? – Một người nữa, bé nhỏ, cũng đến gần.

– Đông chứ, đông chứ. – Roxtov đáp và nói thêm. – Nhưng các ông họp nhau làm gì ở đây? Ngày hội à?

– Các cụ họp nhau có việc làng. – Người nông dân vừa nói vừa bỏ đi.

Vừa lúc ấy, trên con đường vào nhà trang chủ, thấy hai người đàn bà và một người đàn ông đội mũ trắng tiến về phía các sĩ quan.

Trông thấy Dunyasa chạy đến, vẻ quả quyết, Ilya nói:

– Cô nàng áo hồng là của tớ, liệu hồn đừng có phỗng của tớ đấy nhé.

– Của cả bọn ta đấy! – Lavruska vừa nói vừa nháy mắt với Ilya.

– Cô em muốn gì đấy? – Ilya mỉm cười hỏi.

– Công tước tiểu thư sai tôi ra hỏi các ngài là ở trung đoàn nào và quý danh là gì?

– Đây là bá tước Roxtov tiểu đoàn trưởng phiêu kỵ, còn ta thì là kẻ phụng sự tận tình của cô em. – Ilya đáp.

Vẫn mỉm cười hể hả. Ông lão say rượu ngắm Ilya đang nói chuyện với người nữ tỳ và hát:

– Bầu, bầu, bạ… ạn…

Theo sau Dunyasa, Alpatyts đi về phía Roxtov và từ xa bỏ mũ chào.

Lão ta nói với một thái độ tôn kính, nhưng có pha lẫn ý coi thường tuổi trẻ của viên sĩ quan, và bàn tay cứ đút trong áo gi-lê không rút ra:

– Xin đại nhân thứ lỗi nếu chúng tôi dám làm phiền đại nhân. Nữ chủ của chúng tôi là con gái của cố tướng quân tổng tư lệnh, công tước Nikolai Andrevich Bolkonxki, vừa từ trần ngày mười lăm tháng này. Tiểu thư hiện đang gặp khó khăn do sự ngu dốt của bọn người này, – Lão chỉ hai người nông dân, – Nữ chủ của chúng tôi mong ngài vui lòng quá bộ… – Lão lại nói thêm với một nụ cười buồn buồn. – Xin phép ngài, mời ngài lánh ra đây một tí… thật không tiện… ngay trước những… – Alpatyts chỉ hai người nông dân đang loay hoay quanh lão như những con ruồi bâu quanh một con ngựa.

– A! Alpatyts… A! Yakob Alpatyts!… Ghê thật! Lạy chúa, tha lỗi cho chúng tôi nhá. Ghê thật! Hừ! – Họ vừa nói vừa mỉm cười vui vẻ với lão Roxtov nhìn hai người say rượu rồi cũng mỉm cười theo.

Yakob Alpatyts đưa bàn tay không đút vào áo gi-lê chỉ hai lão gỉà nói nghiêm trang:

– Hay là cái trò này làm cho Đại nhân thích thú?

– Không, trò này chẳng hay ho gì. – Roxtov vừa nói vừa cho ngựa lùi lại, rồi hỏi. – Việc gì thế?

– Chúng tôi xin phép báo để Đại nhân rõ là đám dân thô bỉ ở đây không muốn để nữ chủ của chúng tôi đi khỏi ấp này, chúng doạ tháo ngựa ra, vì vậy mọi thứ đã đóng hòm xong từ sáng nay mà công tước tiểu thư vẫn chưa lên đường được.

– Vô lý! – Roxtov thốt lên.

– Những điều chúng tôi được hân hạnh thưa lại với ngài là hoàn toàn đúng sự thật. – Alpatyts nhắc lại.

Roxtov xuống ngựa, trao dây cương cho người lính phiêu kỵ rồi cùng Alpatyts đi vào nhà, vừa đi vừa hỏi chi tiết về những việc xảy ra. Số là, sau khi công tước tiểu thư đề nghị ban cấp lúa mì hôm qua, sau khi nàng biện bạch với Dron và với đám nông dân, thì mọi việc đâm ra hỏng bét, đến nỗi Dron nhất quyết trả hẳn chìa khoá để đi theo nông dân và nhận được lệnh đòi của Alpatyts hắn cũng không chịu đến; sáng hôm ấy khi công tước tiểu thư cho thắng ngựa để lên đường, nông dân lại tụ tập rất đông cạnh nhà kho và cử người đến báo lại là họ không để cho nàng đi, là có lệnh không cho nàng đi là họ sẽ tháo ngựa ra. Alpatyts ra khuyên họ nên biết điều, nhưng họ trả lời rằng họ không thể để cho công tước tiểu thư đi được, rằng đã có lệnh như vậy và công tước tiểu thư cứ việc ở lại, họ sẽ hầu hạ và một mực vâng lời công tước tiểu thư như cũ. Người nói nhiều nhất là Karp, còn Dron thì tránh mặt, lẩn vào đám đông.

Trong khi Roxtov và Ilya phi ngựa vào làng thì công tước tiểu thư Maria bất chấp những lời can ngăn của Alpatyts, của u già và của các thị nữ, cứ ra lệnh thắng ngựa vào xe và sửa soạn lên đường; nhưng khi trông thấy đoàn ngựa đi qua, mọi người đều tưởng là quân Pháp, bọn xà ích bỏ chạy tán loạn, trong nhà thì đàn bà con gái khóc rú lên.

– Ôi! Tôn ông phúc đức quá! Cha đẻ của chúng tôi! Thật là Chúa đã phái người đến. – Những tiếng xuýt xoa cảm kích nổi lên khi Roxtov vào đến phòng ngoài.

Khi người nhà đưa Roxtov vào phòng khách lớn, công tước tiểu thư đang ngồi thừ người ra như người mất hồn. Nàng không hiểu chàng là ai, tại sao chàng đến đây và rồi sẽ xảy ra việc gì? Trông thấy vẻ mặt người Nga, nhìn cử chỉ, dáng điệu, nghe những lời chào hỏi đầu tiên của chàng, và nhận ra rằng đây là người cùng giới với mình, nàng nhìn chàng với đôi mắt sâu xa và trong sáng rồi bắt đầu nói, giọng ngắt quãng và run run vì xúc động. Roxtov thấy ngay trong cuộc gặp gỡ này có một cái gì ly kỳ như tiểu thuyết. Vừa nhìn nàng, vừa nghe câu chuyện rụt rè của nàng, chàng nghĩ thầm: “Một thiếu nữ không người bảo vệ, nặng gánh đau thương, lại một thân một mình giữa đám nông dân thô lỗ đang nổi loạn, có thể bị chúng tha hồ hành hung! Số phận lạ lùng nào đã đưa ta đến chốn này! Và dịu dàng biết bao, cao quý biết bao dung mạo và phong thái của nàng”.

Đến khi nàng nói rằng những việc đó đã xảy ra sau lễ an táng phụ thân nàng chỉ có một ngày, giọng nàng run lên. Nàng quay mặt đi nhưng rồi e rằng Roxtov nghĩ là nàng có ý muốn làm cho chàng thương hại, nàng nhìn chàng có ý lo sợ và dò hỏi. Roxtov rưng rưng nước mắt. Công tước tiểu thư Maria trông thấy và đưa đôi mắt trong sáng nhìn chàng, cái nhìn chan chứa lòng cảm kích, khiến người ta quên hẳn những nét không đẹp trên mặt nàng.

Roxtov đứng dậy nói:

– Thưa tiểu thư, tôi không biết nói thế nào cho hết những nỗi vui sướng của tôi nhân tình cờ qua đây lại được tiểu thư sai khiến. Mời tiểu thư cứ lên đường, và nếu tiểu thư cho phép chúng tôi hộ tống thì xin lấy danh dự cam đoan là không còn một ai dám phiền nhiễu tiểu thư nữa.

Đoạn chàng cúi mình cung kính như người ta vẫn cúi mình trước các công chúa thuộc dòng dõi hoàng gia, rồi đi ra cửa…

Với thái độ cung kính ấy, Roxtov dường như muốn tỏ ra rằng tuy chàng sẽ rất sung sướng nếu được quen biết nàng thêm, chàng vẫn không muốn lợi dụng tình cảm của nàng để tìm cách làm thân với nàng.

Công tước tiểu thư Maria hiểu ý chàng và lấy làm cảm kích.

– Muôn vàn đội ơn đại nhân. – Nàng đáp lại bằng tiếng Pháp. – Nhưng tôi mong rằng việc này chỉ là một sự hiểu lầm và không ai có lỗi cả. – Bỗng nàng khóc oà lên rồi cố nói tiếp. – Xin đại nhân bỏ qua cho.

Roxtov cau mày, cung kính cúi chào lần nữa rồi đi ra.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.