Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3)

Chương – 24



Các sĩ quan muốn cáo từ; nhưng công tước Andrey hình như không muốn ngồi một mình với bạn nên bảo họ ngồi lại uống trà.

Người ta mang ghế dài lại và dọn trà ra. Các sĩ quan không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy cái thân hình to béo đồ sộ của Piotr và nghe chàng kể chuyện về Moskva, về cách bố trí của quân đội ta mà chàng vừa có dịp đi thăm, công tước Andrey im lặng, vẻ mặt chàng khó chịu đến nỗi Piotr thường hay quay lại nói chuyện với Timokhin, viên tiểu đoàn trưởng hiền lành, nhiều hơn là nói với Bolxkonxki.

– Thế là cậu hiểu hết cách bố trí quân đội rồi phải không?

Công tước Andrey ngắt lời chàng.

– Phải, nhưng nói như vậy có nghĩa là thế nào? – Piotr nói. – Vì không phải là một quân nhân, tôi không thể nói hiểu hoàn toàn nhưng dù sao tôi cũng đã hiểu được cách bố trí tổng quát.

– Thế thì cậu am hiểu hơn bất cứ ai rồi đấy! – Công tước Andrey nói.

– Ô. – Piotr nói, mắt ngơ ngác nhìn công tước Andrey qua cặp kính. – Anh ạ, anh thấy việc bổ nhiệm Kutuzov thế nào?

– Tôi rất vui mừng về việc bổ nhiệm ấy, tôi chỉ có thể nói thế mà thôi. – Công tước Andrey đáp.

– Anh ạ, anh cho biết ý kiến về Barclay de Tolly đi. Ở Moskva người ta bàn tán nhiều về ông ấy lắm đấy. Ý kiến của anh về ông ấy như thế nào?

– Anh cứ hỏi các ông này. – Công tước Andrey chỉ các sĩ quan.

Piotr mỉm một nụ cười hạ cố và tò mò nhìn Timokhin, như mọi người vẫn tự nhiên làm như vậy khi nói với ông ta.

– Thưa ngài, từ khi Điện hạ Tối quang minh nhận chức, mọi việc đều trở nên minh bạch. – Timokhin nói, giọng rụt rè và luôn luôn đưa mắt nhìn viên trung đoàn trưởng của mình.

– Tại sao? – Piotr hỏi.

– Chẳng hạn về củi đốt và cỏ cho ngựa ăn, khi rút khỏi Xventxian thì chúng tôi không được phép đụng đến một dúm củi khô, ngay đến một ngọn cỏ cũng thế. Nhưng khi quân ta rút đi rồi thì nó lại lấy hết, có phải không thưa ngài? – Ông ta quay về phía công tước của mình. – Trong trung đoàn ta đã có hai sĩ quan bị đưa ra toà vì những việc như thế. Nhưng khi Điện hạ nhận chức thì việc này đã thành đơn giản. Mọi việc đều minh bạch.

– Thế tại sao ông ta (tức Barclay de Tolly) lại cấm?

Timokhin lúng túng đưa mắt nhìn quanh không biết trả lời như thế nào. Piotr quay về phía công tước Andrey hỏi lại câu ấy.

– Đó là để tránh tàn phá những vùng mà chúng ta sắp để lại cho quân địch! – Công tước Andrey nói, giọng nói mỉa mai chua chát. – Điều đó rất có căn cứ: không thể nào để cho quân đội phá phách làng xóm và tập quen cái nghề cướp bóc. Ở Smolensk, ông ta đã nhận định đúng rằng quân Pháp có thể bao vây chúng ta và có nhiều lực lượng hơn ta. Nhưng ông ta không hiểu điều này. – Công tước Andrey đột nhiên nói to lên giọng lanh lảnh. – Ông ta không thể hiểu rằng đây là lần đầu tiên quân ta chiến đấu trên đất Nga, – rằng quân đội ta có một tinh thần mà tôi chưa bao giờ thấy, rằng chúng ta trong hai ngày liền đã đánh lui những đợt tấn công của quân Pháp, và thắng lợi này đã làm cho sức mạnh của quân ta tăng lên gấp mười ấy thế mà ông ta ra lệnh rút lui, và tất cả những cố găng và những tổn thất của chúng ta đều trở thành vô ích. Ông ta không có ý phản bội đâu, ông ta cố hết sức làm cho mọi việc thật tốt đẹp, việc gì ông ta cũng cân nhắc cẩn thận, nhưng chính vì vậy mà ông ta không làm được gì. Bây giờ ông ta không làm được gì chính là vì việc gì ông ta cũng cân nhắc rất kỹ lưỡng và tỉ mỉ, cũng như tất cả người Đức nào… Tôi biết nói thế nào cho cậu hiểu… Đây này, giả thử ông cụ nhà cậu có một người đầy tớ người Đức, thì hẳn là một người đầy tớ rất tốt và sẽ làm thoả mãn những ý muốn của ông cụ hơn cậu, cậu cứ để cho hắn hầu hạ. Nhưng nếu ông cụ của cậu ốm gần chết thì cậu sẽ đuổi người đầy tớ ấy đi và với hai bàn tay vụng về lúng túng của cậu, cậu sẽ săn sóc ông cụ và làm cho ông cụ an tâm hơn một người lạ dù có khéo léo đến đâu đi nữa. Barclay thì cũng thế? Khi nước Nga còn khoẻ mạnh thì một người ngoại quốc có thể phục vụ và làm một bộ trưởng giỏi, nhưng hễ nó lâm nguy thì cần phải có một người trong nhà, một. – Người của mình. Trong câu lạc bộ của cậu. Họ cho ông ta là một tên phản bội? Kết quả duy nhất là một ngày kia họ sẽ xấu hổ về lời phỉ báng sai lầm và họ sẽ bỗng dưng quay ra tôn ông ta lên làm anh hùng hay thiên tài gì đấy, và như thế lại càng bất công. Ông ta là một người Đức chính trực và rất cẩn thận.

– Nhưng nghe nói ông ta là một tướng tài kia mà.

– Tôi không hiểu tướng tài nghĩa là gì – Công tước Andrey nói, giọng mỉa mai.

– Một vị tướng tài. – Piotr nói. – Là một vị tướng đoán trước được tất cả những trường hợp có thể xảy ra… Ờ, đoán được những ý định của đối phương..

– Nhưng cái đó không thể có được. – Công tước Andrey nói, như thể điều đó là một vấn đề đã giải quyết từ lâu.

Piotr kinh ngạc nhìn chàng, nói:

– Thế mà người ta bảo chiến tranh cũng giống như đánh cờ.

– Phải. – Công tước Andrey nói. – Nhưng có khác ở một điểm nhỏ là trong ván cờ, cậu có thể nghĩ một nước đi bao nhiêu lâu cũng được ở đấy cậu không bị thời gian hạn chế. Vả lại còn một điểm này nữa là con mã bao giờ cũng mạnh hơn con tốt và hai con tốt bao giờ cũng mạnh hơn một con, nhưng trong chiến tranh thì một, tiểu đoàn đôi khi mạnh hơn một sư đoàn mà đôi khi lại yếu hơn một đại đội. Không ai có thể biết rõ tương quan lực lượng giữa hai quân đội. Cậu hãy tin tôi. – Chàng nói. – Nếu nhân tố quyết định là những kế hoạch của bộ tham mưu thì tôi đã ở đấy để vạch kế hoạch rồi, trái lại tôi được vinh dự phục vụ ở đây, trong trung đoàn, bên cạnh các ông này, và tôi nghĩ rằng trận chiến đấu ngày mai thật ra lệ thuộc vào chúng tôi chứ không phải vào các vị ở bộ tham mưu… Thắng bại xưa nay chưa bao giờ và sẽ không bao giờ lệ thuộc vào trận địa, vào vũ khí hay ngay cả vào quân số cũng thế, còn như trận địa thì lại càng có ít tác dụng hơn nữa.

– Thế nó lệ thuộc vào cái gì?

– Vào cái tinh thần ở trong tôi, ở trong ông này. – Chàng chỉ Timokhin. – Ở mỗi người lính.

Công tước Andrey đưa mắt nhìn Timokhin, Timokhin nhìn viên chỉ huy của mình có vẻ sợ hãi và ngạc nhiên. Lúc đầu công tước Andrey dè dặt và trầm lặng thì bây giờ chàng tỏ ra bồng bột sôi nổi. Hẳn là chàng không thể nào tự kiềm chế không bộc lộ những ý nghĩ chợt nảy ra trong trí óc.

– Ai tin chắc rằng mình thắng thì người ấy sẽ thắng. Tại sao ở Austerlix chúng ta lại bại trận? Tổn thất của quân ta cũng không hơn quân Pháp, nhưng chúng ta đã tự nhủ từ trước rằng chúng ta sẽ bại trận, và do đó chúng đã bại trận. Và sở dĩ tự như vậy là vì chúng ta không biết mình chiến đấu để làm gì, chúng ta chỉ muốn rút khỏi chiến trường càng sớm càng hay. “Bại trận rồi à? – Thế thì chạy thôi”. Thế là chúng ta bỏ chạy. Giả thử trước khi trời tối chúng ta không nói như vậy thì chưa biết tình hình sẽ ra sao. Còn ngày mai thì chúng ta sẽ không nói như vày. Cậu bảo trận địa ta ở bên cánh trái yếu ở bên cánh phải kéo dài. – Chàng nói tiếp. – Tất cả những điều đó đều nhảm nhí hết. Tuyệt nhiên không phải như thế. Ngày mai sẽ có những gì? Sẽ có một trăm triệu biến cố khác nhau quyết định trong chớp mắt cho quân ta hay quân Pháp bỏ chạy, người này hay người kia bị giết. Tất cả những việc hiện nay đang làm chỉ là những trò chơi mà thôi. Thật ra, những kẻ mà cậu đi theo để quan sát trận địa không những không giúp đỡ gì vào sự diễn biến của chiến sự mà chỉ cản trở nó. Họ chỉ nghĩ đến những quyền lợi nhỏ nhặt của họ.

– Trong giờ phút này mà họ lại như thế ư? – Piotr nói, có vẻ bực mình.

– Phải, trong giờ phút này. – Công tước Andrey lặp lại. – Đối với họ giờ phút này chỉ là giờ phút họ có thể làm hại người kình địch và kiếm chác thêm một huân chương chữ thập hay một dây thao nữa mà thôi. Đối với tôi tình hình ngày mai là như sau: mười vạn quân Nga và mười vạn quân Pháp sẽ đánh nhau, và trong số hai mươi vạn quân này thì đạo quân nào chiến đấu ác liệt nhất và không sợ hy sinh nhất, đạo quân ấy sẽ thắng. Và nếu cậu muốn, tôi xin nói với cậu rằng, dù ở trên ấy họ có làm rối công việc đến thế nào đi nữa, chúng ta cũng sẽ thắng trong trận ngày mai. Ngày mai dù có thế nào ta cũng sẽ thắng trận!

– Thưa ngài quả đúng như vậy, hoàn toàn đúng như vậy. – Timokhin nói. – Bây giờ mà còn sợ chết hay sao! Ngài có biết không, binh sĩ trong tiểu đoàn tôi không chịu uống rượu vodka; họ nói bây giờ không phải là lúc chè chén.

Mọi người im lặng một lát. Các sĩ quan đứng dậy. Công tước Andrey theo họ ra khỏi kho lúa, truyền đạt những lệnh cuối cùng cho viên sĩ quan tuỳ tùng. Khi các sĩ quan đã ra ngoài, Piotr đến cạnh công tước Andrey và đang định nói tiếp câu chuyện thì từ trên con đường cái cách kho lúa không xa bông có tiếng vó ngựa: hình như có ba người cưỡi ngựa đi qua gần đây. Nhìn về phía ấy, công tước Andrey nhận ra Boltxoghen và Kiaozevich với một người cô-dắc theo sau. Khi đi ngang chỗ hai người, họ vẫn tiếp tục nói chuyện, nên Piotr và Andrey vô tình nghe được những câu sau đây:

– Thế nào cũng phải mớ rộng chiến tranh trong không gian. Tôi thấy đó là một quan điểm vô giá – Một người nói.

– Phải rồi! – Một người khác nói. – Mục đích là làm sao cho quân địch suy nhược, cho nên ta không được chú ý đến những tổn thất về người.

– Phải rồi! – Giọng người thứ nhất xác nhận.

Hừ, trong không gian! – Công tước Andrey vừa nhắc lại vừa khịt mũi một cách bực tức khi họ đã đi qua. – Trong không gian, tôi còn có cha tôi, con trai tôi và em gái tôi ở Lưxye Gorư. Đối với ông ta thì người đó chẳng có gì quan trọng. Đấy như tôi đã nói với cậu: các vị người Đức kia ngày mai không thắng trận đâu, họ chỉ ra sức làm cho mọi việc hỏng be hỏng bét, bởi vì cái đầu óc người Đức của họ chỉ có những lý luận không đáng một xu, trong lòng họ không có cái điều cần thiết cho ngày mai, tức là điều vốn có trong lòng Timokhin. Họ đã nộp tất cả châu Âu cho hắn, ấy thế mà họ còn đến đây lên mặt dạy chúng ta. Thầy với bà! – Giọng nói của chàng lại thét lên.

– Thế anh cho rằng ta sẽ thắng trong trận chiến đấu ngày mai phải không?

– Phải, phải. – Công tước Andrey nói một cách lơ đãng. – Nhưng có một điều là tôi sẽ làm nếu tôi có quyền, – Chàng lại nói tiếp. – Là tôi sẽ không bắt tù binh đâu. Bắt tù binh là cái gì? Tinh thần mã thượng đấy mà! Quân Pháp đã tàn phá nhà cửa của tôi và sẽ tàn phá Moskva, đã làm nhục và đang làm nhục tôi từng giây từng phút. Chúng là kẻ thù của tôi, theo quan niệm của tôi chúng đều là những bọn tội phạm, và Timokhin cũng như toàn thể quân đội đều nghĩ như vậy. Chém cổ chúng đi.

Một khi chúng đã là kẻ thù của tôi thì chúng không thể nào là bạn được; dù ở Tilzit chúng có tán tỉnh gì đi nữa.

– Đúng, đúng! – Piotr nói, đôi mắt sáng ngời nhìn công tước Andrey. – Tôi hoàn toàn tán thành, hoàn toàn tán thành ý kiến của anh.

Cái vấn đề từ khi xuống núi Mozaisk và suốt ngày hôm ấy cứ làm Piotr bắn khoãn lo lắng, bây giờ đã hiện ra hết sức rõ ràng và đã được giải quyết triệt để. Chàng đã hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc chiến tranh này cũng như trận đánh trước mắt. Tất cả những cảnh chàng được chứng kiến hôm ấy, tất cả những gương mặt trang trọng uy nghiêm kia mà chàng mới nhìn thoáng qua, đối với chàng đều hiện lên dưới một hào quang mới. Chàng hiểu được cái nhiệt khí tiềm tàng (Latente) như người ta nói trong vật lý học, cái nhiệt khí tiềm tàng của tinh thần yêu nước hiện lên trên gương mặt tất cả những người mà chàng gặp, và điều đó làm cho chàng hiểu tại sao tất cả những người này lại đón chờ cái chết một cách thản nhiên và tựa hồ khinh suất như vậy.

– Không bắt tù binh. – Công tước Andrey nói tiếp. – Có thế thì mới thay đổi tính chất của cuộc chiến tranh và làm cho nó bớt tàn khốc. Ấy thế mà chúng ta lại còn làm như trẻ con chơi trò chiến tranh, chúng ta làm ra bộ đại lượng, nhân từ, v.v, cái lối làm ra vẻ đại lượng và nhân từ này cũng giống như cái đại lượng và lòng nhân từ của một bà chủ nhà đa cảm thấy khó ở khi xem làm thịt một con bê. Bà ta nhân từ đến nỗi không muốn nhìn thấy máu, nhưng bà ta sẽ ăn thịt bê với nước xốt một cách ngon lành. Người ta nói đến những luật lệ chiến tranh, đến tinh thần mã thượng, đến việc tôn trọng sứ giả, đến lòng thương xót những kẻ bất hạnh v.v… Toàn là những chuyện vớ vẩn. Tôi đã thấy quá rõ cái tinh thần mã thượng, cái trò tôn trọng sứ giả năm 1805. Họ đã lừa chúng ta, chúng ta đã lừa họ. Họ cướp phá nhà cừa của người khác, phát hành ngân phiếu giả và tệ hại nhất, họ giết con cái tôi, cha mẹ tôi, thế mà miệng vẫn nói nào là luật lệ chiến tranh, nào là lòng nhân từ đối với quân địch. Không bắt tù binh, cứ giết phăng chúng đi và tiến lên đón lấy cái chết. Người nào đã đi đến những kết luận như tôi, sau khi đã trải qua những nỗi đau khổ như tôi…

Công tước Andrey nghĩ rằng dù chúng có chiếm Moskva như đã chiếm Smolensk hay không, chàng cũng không cần, bỗng chàng thấy nghẹn ngào trong cổ phải dừng lại giữa câu… Chàng bước vài bước, lặng thinh không nói, nhưng mắt sáng hẳn lên như trong cơn sốt và môi chàng run run khi chàng lại nói tiếp:

– Nếu không có cái thứ đại lượng giả dối kia ở trong chiến tranh thì chúng ta chỉ tiến vào cõi chết khi nào thật cần thiết như lúc này chẳng hạn. Như vậy sẽ không có chiến tranh vì cớ Pavel Ivanyts đã xích mích với Mikhail Ivanyts. Và nếu có chiến tranh thì sẽ có một cuộc chiến tranh như bây giờ, một cuộc chiến tranh thực sự. Và lúc ấy lực lượng của quân đội sẽ không lớn như bây giờ. Lúc ấy thì tất cả những bọn Vextfali và Hess mà Napoléon chỉ huy sẽ không đi theo hắn vào nước Nga và chúng ta sẽ không phải đánh nhau như ở Áo và Phổ trong khi chính chúng ta cũng không biết để làm gì. Chiến tranh không phải là một cái gì lịch sự phong nhã, nó là cái việc bỉ ổi nhất trên thế gian, cần phải hiểu điều đó, chứ đừng như trẻ con chơi trò chiến tranh. Cần phải thừa nhận nghiêm túc và dứt khoát sự tất yếu đáng sợ này. Tất cả vấn đề là ở chỗ phải gạt bỏ mọi sự dối trá: chiến tranh là chiến tranh chứ không phải là trò chơi của con trẻ. Bằng không thì chiến tranh sẽ là trò tiêu khiển của những người nhàn rỗi và khinh bạc… Tầng lớp quân nhân là tầng lớp vinh dự nhất. Thế nhưng chiến tranh là thế nào? Muốn thành đạt trong nghề gươm súng thì phải làm gì, lối sống của tầng lớp quân nhân ra sao? Mục đích của chiến tranh là giết người; những thủ đoạn của chiến tranh là: gián điệp, phản bội và khuyến khích sự phản bội, làm nhân dân phá sản, cướp bóc và giành giật của cải của họ để nuôi quân: lừu đáo và dối trá thì được gọi là mưu trí quân sự; lối sống của tầng lớp quân nhân là mất lự do, tức là bị kỷ luật, gò bó: sống nhàn dật, ngu dốt, tàn ác, dâm đãng, rượu chè bê tha. Và tuy thế, tầng lớp quân nhân vẫn là tầng lớp cao nhất, được mọi người kính trọng. Tất cả các hoàng đế, trừ hoàng đế Trung Quốc, đều mặc quân phục: người ta lại ban phần thưởng lớn nhất cho kẻ nào giết được nhiều người nhất… Ngày mai đây hàng vạn người sẽ gặp nhau để đánh nhau, tàn sát nhau, làm cho nhau què quặt, rồi sau đó người ta sẽ tổ chức nhưng buổi lễ tạ ơn Chúa vì đã giết được nhiều người (con số này người ta còn phóng đại lên) và người ta tuyên bố thắng trận, cho rằng càng có nhiều người bị giết thì công lao càng lớn. Thượng đế ở trên trời làm sao nhìn nổi những việc như vậy và nghe nổi những lời tạ ơn ấy. – Công tước Andrey nói to, giọng the thé – Trời ơi, trong thời gian gần đây tôi thấy khó sống quá cậu ạ. Tôi thấy mình bắt đầu hiểu được quá nhiều, mà con người thì lại không nên nếm quả cây tri thức để biết thế nào là thiện, ác… Vả chăng cũng chẳng còn bao lâu nữa! – Chàng nói thêm. – Nhưng cậu ngủ gật đấy à? Mà tôi cũng phải đi ngủ mới được. Cậu về Gorki đi! – Công tước Andrey đột nhiên nói.

– Ô không đâu, – Piotr đáp, đôi mắt sợ hãi và đồng cảm nhìn công tước Andrey.

– Cậu về đi cậu về đi. Trước khi ra trận, cần phải ngủ một giấc cho đẫy. – Công tước Andrey nhắc lại. – Chàng bước nhanh đến ôm lấy Piotr và hôn bạn. – Xin từ biệt. – Chàng nói như quát lên. – Không biết chúng ta có thể gặp nhau nữa hay không, rồi chàng vội vã quay lại bước vào kho lúa.

Lúc bấy giờ trời đã tối, nên Piotr không thể nhìn thấy vẻ mặt công tước Andrey dịu dàng hay khó chịu.

Piotr đứng yên một lát, tần ngần không biết có nên đi theo công tước Andrey hay trở về nhà. “Không, anh ấy không cần đến mình. – Piotr tự nhủ – Mình biết rằng đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng”. Chàng buông một tiếng thở dài nặng trĩu rồi quay trở lại Gorki.

Công tước Andrey trở về kho lúa, ngả mình trên tấm thảm nhưng không sao ngủ được.

Chàng nhắm mắt lại. Bao nhiêu hình ảnh dồn dập kế tiếp nhau kéo đến. Một trong những hình ảnh ấy được chàng sung sướng cầm giữ lại một hồi lâu, chàng thấy lại rõ nét một buổi tối ở Petersburg.

Hôm ấy Natasa, gương mặt say sưa và xúc động, kể cho chàng nghe rằng mùa hè năm trước, trong khi đi tìm nấm, nàng lạc vào một khu rừng rậm. Nàng miêu tả một cách rời rạc cánh rừng sâu tĩnh mịch và những cảm xúc của nàng, những câu chuyện trò của nàng với một người nuôi ong mà nàng gặp, và cứ phút phút trong khi kể chuyện nàng lại ngắt lời và nói: “Không, em không nói được, em kể hỏng mất rồi; anh không hiểu được”. Nhưng công tước Andrey vẫn cố an ủi nàng, nói rằng chàng hiểu, và quả thực lúc bấy giờ chàng đã hiểu tất cả những điều nàng muốn nói. Natasa hài lòng với những lời lẽ mình dùng, nàng cảm thấy không thể nào biểu đạt được cái cảm giác thi vị say sưa của nàng hôm ấy, những cảm giác mà nàng muốn nói ra cho hết. “Ông già ấy thật là đáng mến, rừng thì tối… ông ta có những cái… không, em không biết kể đâu” – Nàng nói, mặt đỏ bừng và bối rối. Bây giờ công tước Andrey mỉm cười, cũng cái nụ cười hớn hở của chàng lúc ấy, khi nhìn vào mắt nàng. “Ta đã hiểu nàng. – Công tước Andrey nghĩ thầm. – Không những ta hiểu mà ta còn yêu cái tâm hồn say sưa, chân thành cởi mở, cái tâm hồn dường như bị thân thế trói buộc, chính cái tâm hồn ấy làm cho ta yêu nàng… Một tình yêu sao mà đắm đuối, mãnh liệt, tràn đầy hạnh phúc như vậy”.

Rồi đột nhiên chàng sực nhớ đến đọạn kết thúc buồn bã của cuộc tình duyên của mình. “Hắn có làm gì cái đó. Hắn không nhìn thấy gì và không hiểu gì hết. Hắn chỉ nhìn thấy ở nàng một con bé xinh xẻo và tươi tắn, và hắn cũng chẳng thèm nghĩ đến chuyện gắn bó số phận của hắn với số phận của nàng nữa. Thế còn ta? Ấy thế mà đến nay hắn vẫn còn sống và vẫn vui vẻ”. Công tước Andrey, như bị ai châm lửa vào người đứng phắt dậy và lại bắt đầu đi đi lại lại trước kho lúa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.