Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 4)

Chương. – 6



Đầu mùa đông, công tước tiểu thư Maria đến Moskva. Nhờ những tin đồn đại trong thành phố, nàng biết tình cảnh gia đình Roxtov và việc người con trai “hi sinh cho mẹ” – Trong thành phố người ta vẫn nói như vậy.

“Mình vẫn biết chàng không thể nào khác được” – Tiểu thư Maria tự nhủ, lòng vui sướng cảm thấy rõ hơn bao giờ hết mình yêu chàng. Hồi tưởng lại những quan hệ thân mật và gần như ruột thịt với tất cả gia đình, nàng cho rằng mình có bổn phận phải đến thăm họ. Nhưng khi nhớ đến những quan hệ với Nikolai ở Voronez nàng lại càng đâm sợ không dám đến. Tuy vậy mấy tuần sau khi đến Moskva, nàng cố gắng tự nhủ, và đến nhà Roxtov. Nikolai là người đầu tiên ra đón nàng, vì muốn đến phòng bá tước phu nhân phải đi qua phòng chàng. Thoạt mới nhìn chàng, gương mặt Nikolai chẳng hề lộ vẻ gì vui mừng như tiểu thư Maria hằng mong đợi, mà lại có vẻ lạnh lùng, khắc khổ và kiêu hãnh, điều mà trước đây nàng không bao giờ thấy ở chàng. Nikolai hỏi thăm sức khỏe của nàng, đưa nàng đến gặp mẹ, và sau khi ngồi năm phút chàng bỏ ra ngoài.

Khi công tước tiểu thư ở phòng bá tước phu nhân đi ra, Nikolai lại tiếp nàng và đưa nàng ra ngoài với một thái độ đặc biệt khách khí và lãnh đạm. Chàng không nói một lời nào để đáp lại những nhận xét của nàng về sức khỏe của bá tước phu nhân. “Việc này có quan hệ gì đến cô kia chứ? Cô cứ mặc xác tôi” – Cái nhìn của chàng như muốn nói.

– Cô ta lảng vảng đến đây làm gì? Cô ta cần cái gì kia chứ? Tôi không chịu nổi các bà tiểu thư với những thái độ ân cần ấy!

Chàng nói to lên với Sonya, hẳn là không sao nén nổi bực tức, sau khi công tước tiểu thư đã ra khỏi nhà mình.

– Sao anh lại nói như vậy, anh Nikolai. – Sonya nói, chật vật lắm mới giấu nổi niềm vui sướng trong lòng. – Cô ấy tốt thế, mẹ quí cô ấy lắm kia mà!

Nikolai không đáp. Chàng chỉ muốn đừng ai nói gì đến công tước tiểu thư nữa. Nhưng từ khi nàng đến thăm, lão bá tước phu nhân mỗi ngày lại mấy lần nhắc đến nàng.

Phu nhân khen ngợi nàng, bảo con trai đến thăm nàng, tỏ ý muốn gặp nàng luôn, nhưng đồng thời bao giờ cũng tỏ ra bực bội mỗi khi nói đến nàng.

Nikolai cố gắng lặng thinh khi phu nhân nói đến công tước tiểu thư, nhưng thái độ yên lặng của chàng làm cho phu nhân phát bẳn.

– Tiểu thư là một cô gái rất đứng đắn và rất đáng yêu, – Phu nhân nói. – Con phải đến thăm đáp lễ chứ. ít nhất con cũng sẽ được gặp gỡ chuyện trò với một người, chứ không cứ suốt ngày ở nhà với mẹ và Sonya thế này, mẹ chắc con buồn lắm.

– Nhưng con không muốn chút nào mẹ ạ.

– Trước đây con muốn gặp, thế mà bây giờ con lại không muốn. Mẹ chẳng hiểu con nghĩ ra làm sao cả con ạ. Khi thì con buồn chán, khi thì con bỗng dưng không muốn gặp ai cả.

– Nhưng con có nói là con buồn chán đâu?

– Ô kìa con vừa nói là con không muốn gặp tiểu thư nữa đấy thôi. Tiểu thư là một cô gái rất đứng đắn và xưa nay con vẫn có thiện cảm với tiểu thư, ấy thế mà đột nhiên lại có những lí do gì. Cái gì người ta cũng giấu mẹ.

– Giấu giếm gì đâu, thưa mẹ.

– Nào mẹ có bảo con làm việc gì khổ sở cho cam, đằng này mẹ chỉ xin con đến thăm tiểu thư. Phép lịch sự cũng đòi hỏi như vậy Mẹ đã xin con nhưng bây giờ mẹ không can thiệp vào đấy nữa, một khi con đã có những điều cần giấu mẹ.

– Thôi mẹ đã muốn thế thì con sẽ đi.

– Mẹ thì thế nào cũng được, mẹ muốn là muốn cho con.

Nikolai thở dài, cắn ria mép và đem bài ra sắp để cho mẹ nghĩ sang việc khác.

Ngày hôm sau và hai ngày kế tiếp theo, cũng cuộc nói chuyện này giữa hai mẹ con lại được tái diễn.

Sau khi đến thăm gia đình Roxtov và được Nikolai tiếp một cách lạnh nhạt không ngờ, công tước tiểu thư Maria tự nhủ rằng trước đây mình không muốn đến gia đình Roxtov trước là phải. “Ta đã biết từ trước. – Nàng tự nhủ, cầu cứu đến lòng tự trọng của mình. – Ta không hề để ý gì đến chàng cả, chỉ muốn thăm lão bá tước phu nhân vì phu nhân xưa nay vẫn tử tế với ta và ta chịu ơn phu nhân nhiều”.

Nhưng những điều suy luận ấy làm nàng yên tâm: một tình cảnh giống như hối hận cứ dằn vặt nàng, khi nàng nghĩ đến cuộc đi thăm. Mặc dầu đã quyết định dứt khoát không đến thăm gia đình Roxtov nữa và quên hết mọi chuyện, nàng vẫn luôn luôn cảm thấy mình ở trong một tình trạng mập mờ và khi tự hỏi cái gì đang dằn vặt mình, nàng phải thú nhận rằng đó là những mối quan hệ giữa nàng với Roxtov. Giọng nói lạnh lùng, lễ phép của chàng không phải xuất phát từ tình cảm của chàng đối với nàng (nàng biết rõ như vậy) giọng ấy che dấu một điều gì đấy. Điều đó nàng cần phải hiểu rõ, và nàng cảm thấy không sao yên tâm được khi chưa hiểu được điều đó

Một hôm, vào giữa mùa đông, khi nàng đang ngồi trong phòng học của đứa cháu trai theo dõi buổi học của nó, thì người nhà vào báo có Roxtov đến. Với ý định nhất quyết không để lộ điều bí ẩn của lòng mình, và không tỏ ra xúc động, nàng gọi cô Burien và cùng cô ta bước ra phòng khách:

Mới thoạt nhìn gương mặt của Nikolai, nàng đã thấy ngay rằng chàng đến đây chỉ là đáp lễ và nàng quyết định cũng tiếp chuyện với cái giọng khách khí mà chàng đã dùng để nói với nàng. Hai người nói chuyện về sức khỏe của bá tước phu nhân, về những người quen chung, về những tin tức cuối cùng của chiến sự, và sau thời hạn mười phút mà phép xã giao đòi hỏi khách phải ngồi nói chuyện rồi mới có thể ra về, Nikolai đứng dậy cáo từ.

Công tước tiểu thư, với sự giúp đỡ của cô Burien nãy giờ đã giữ cho câu chuyện được liên tục, nhưng đến phút cuối cùng, khi chàng đứng dậy, nàng cảm thấy mệt mỏi vì phải nói đến những điều mà mình chẳng hề quan tâm, và ý nghĩ không biết tại sao cuộc đời lại dành cho nàng ít niềm vui như thế lôi cuốn nàng đến nỗi trong lúc lơ đãng, đôi mắt trong sáng của nàng thẫn thờ nhìn về phía trước, nàng ngồi im lìm không thấy rằng, chàng đã đứng dậy.

Nikolai nhìn nàng, và muốn làm như không nhận thấy vẻ thẫn thờ của nàng, chàng nói mấy câu với Burien, rồi lại liếc nhìn công tước tiểu thư. Nàng vẫn ngồi yên như cũ và gương mặt dịu dàng của nàng lộ vẻ đau đớn. Đột nhiên, chàng cảm thấy thương hại nàng và có một cảm giác mơ hồ rằng có lẽ chính mình đã gây nên vẻ đau buồn đang hiện rõ trên gương mặt nàng. Chàng muốn giúp đỡ nàng, muốn nói với nàng một đôi lời ôn tồn, nhưng chàng không sao nghĩ ra được một điều gì để nói.

– Xin chào công tước tiểu thư, – Chàng nói.

– À xin lỗi, – Nàng nói như vừa sực tỉnh. – Bá tước về rồi sao, thôi xin chào bá tước vậy! Nhưng còn cái gối của phu nhân.

– Xin đợi một lát để tôi đem lại ngay. – Cô Bunen nói đoạn bước ra khỏi phòng.

Hai người im lặng, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn nhau.

– Vâng, thưa tiểu thư – Cuối cùng Nikolai nói, miệng mỉm cười buồn bã – Tôi cảm thấy hình như việc mới xảy ra gần đây thôi, ấy thế mà bao nhiêu nước đã chảy qua cầu từ khi chúng ta gặp nhau lần đầu ở Bogutsarovo. Lúc bấy giờ chúng ta hình như đều gặp cảnh gian nan, nhưng tôi sẽ chịu trả một giá rất đắt để cái thuở ấy trở lại. Nhưng không thể quay về dĩ vãng được.

Công tước tiểu thư đưa đôi mắt trong sáng nhìn đăm đăm vào mặt chàng trong khi chàng nói. Hình như nàng đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa bí ẩn của những lời chàng nói, vì ý nghĩa ấy sẽ có thể nói rõ tình cảm của chàng đối với nàng.

– Vâng, vâng, – Nàng nói, – Nhưng bá tước không nên luyến tiếc thời đã qua, theo như tôi được biết về cuộc sống hiện tại của bá tước thì sau này bá tước sẽ phải hài lòng mỗi khi nghĩ đến nó, bởi vì tấm lòng hy sinh của bá tước hiện nay.

– Tôi không dám nhận những lời khen ngợi của tiểu thư – Chàng vội vã ngắt lời nàng. – Trái lại, tôi vẫn luôn luôn tự trách mình, nhưng đó là một câu chuyện chẳng có gì thú vị và vui vẻ.

Rồi nét nhìn của chàng lại trở lại khắc khổ và lạnh lùng như trước. Nhưng công tước tiểu thư đã gặp lại chàng ở con người mà nàng biết và đã yêu, bây giờ nàng chỉ nói với con người ấy.

– Trước đây tôi cứ tưởng bá tước cho phép tôi nói điều đó với bá tước. – Nàng nói. – Tôi đã được gần gũi bá tước và gia đình bá tước, nên tôi trộm nghĩ rằng bá tước sẽ không cho lòng thông cảm của tôi là đúng chỗ, nhưng tôi đã lầm, – Giọng nàng bỗng run run. – Tôi không hiểu tại sao. – Nàng trấn tĩnh lại và nói tiếp, – Trước kia bá tước khác và.

– Có hàng ngàn lý do tại sao (chàng đã biết nhấn mạnh chữ này). Tôi cảm ơn tiểu thư, – Chàng hạ thấp giọng nói khẽ – Đôi khi cũng rất khổ.

“À ra chỉ vì thế! Lý do là vì thế! Một tiếng nói đâu từ bên trong tâm hồn tiểu thư Maria vang lên. – Không, ta yêu chàng không phải chỉ vì vẻ đẹp bên ngoài, ta đã đoán thấy cái tâm hồn cao quý, bây giờ chàng nghèo, mà ta thì giàu. Phải, đó là lý do duy nhất. Phải, nếu không có điều đó”.

Rồi nàng sực nhớ đến thái độ dịu dàng của chàng ngày trước, và bây giờ, nhìn gương mặt trung hậu và rầu rĩ của chàng, nàng chợt hiểu tại sao chàng lại lãnh đạm với mình.

– Tại sao, bá tước, tại sao? – Nàng bất giác gần như kêu lên và bước lại gần chàng. – Xin bá tước cho tôi biết tại sao. Bá tước phải cho tôi biết.

Chàng im lặng.

– Bá tước ạ, tôi không hiểu tại sao bá tước… – Nàng nói tiếp. – Nhưng tôi thấy khổ tâm, tôi… tôi xin thú thật. Vì một lý do mà tôi không được biết, bá tước muốn làm cho tôi mất tình bạn của bá tước ngày xưa. Và điều đó làm cho tôi đau xót.

Mắt nàng rưng rưng và giọng nói nghẹn ngào.

– Đời tôi rất ít được hạnh phúc, nên mỗi tổn thất đều làm tôi đau khổ… Xin bá tước bỏ qua cho, xin chào bá tước. – Và nàng bỗng khóc rưng rức, bước ra khỏi phòng.

– Tiểu thư! Khoan đã, trời ời! – Chàng kêu lên, tìm cách giữ nàng lại. – Tiểu thư!

Nàng ngoảnh lại. Trong mấy giây họ nhìn nhau yên lặng, mắt nhìn vào mắt, và đột nhiên cái xa xôi, cái không thể bỗng trở nên gần gũi, có thể có được và không sao tránh khỏi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.