Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 4)

Chương. – 7



Mùa thu năm 1814, Nikolai cưới công tước tiểu thư Maria và cùng với vợ, mẹ và Sonya dọn đến ở Luxye Gorư.

Sau ba năm, không phải bán chác gì trong gia sản của vợ, chàng đã trả hết món nợ còn lại và sau khi thừa hưởng một gia tài nhỏ của người chị em mới chết để lại, chàng còn trả được số tiền vay của Piotr nữa.

Ba năm sau nữa, 1820, Nikolai khéo thu xếp công việc tiền nong đến nỗi chàng đã mua được một điền trang nhỏ gần Lưxye Gorư và đang điều đình chuộc lại điền trang Otradnoye của cha chàng, điều ước mơ thiết tha nhất của chàng.

Sau khi bắt tay vào cai quản điền trang vì hoàn cảnh bắt buộc, chẳng bao lâu chàng đã say mê nghề nông đến nỗi nghề đó đã trở thành công việc thích thú nhất và gần như là công việc duy nhất của chàng.

Nikolai là một trang chủ giản dị, chàng không thích cải cách, đặc biệt là những cải cách theo lối Anh lúc bấy giờ đanh thịnh hành, chàng chế nhạo những tác phẩm lí luận về canh nông. – Không thích những trại ngựa giống, không thích những sản vật đắt tiền, không thích gieo những giống lúa đắt tiền, và nói chung không chú ý riêng đến một bộ phận nào trong nông nghiệp. Trước mắt chàng bao giờ cũng là toàn bộ cái điền trang chứ không phải một bộ phận riêng biết nào của nó. Và ở đó trong điền trang cái chính không phải là chất đạm, cũng không phải là chất dưỡng khí của đất và của không khí, không phải là một kiểu lưỡi cày hay một thứ phân mới, mà là cái công cụ chủ yếu thông qua đó chất đạm, dưỡng khí, phân bón cũng như lưỡi cày có tác dụng, tức là con người nông dân lao động. Khi Nikolai bắt tay vào quản lý cơ ngơi và bắt đầu khảo sát từng bộ phận một của nó, thì người nông dân đặc biệt khiến chàng chú ý, đối với chàng người nông dân không những là một công cụ mà còn là mục đích và là người quan tòa nữa. Thoạt tiên, chàng quan sát người nông dân, cố gắng tìm xem họ cần gì, họ cho cái gì là xấu cái gì là tốt chàng giả vờ chỉ dẫn và sai khiến, nhưng kỳ thực, chàng chỉ học nông dân, học những cách làm của họ, ngôn ngữ của họ và cách họ phán đoán cái gì là tốt, cái gì là xấu. Và mãi đến khi chàng đã hiểu những thị hiếu và những mong muốn, hoài bão của nông dân, đến khi chàng biết nói cái ngôn ngữ của họ và hiểu được cái ý nghĩa kín đáo của nó, đến khi chàng cảm thấy mình đã là một người thân đích thực của họ, lúc bấy giờ chàng mới bắt đầu điều khiển họ một cách mạnh dạn, tức là chấp hành cái nhiệm vụ mà nông dân đòi hỏi ở chàng. Và cách quản lí của Nikolai đã đưa đến những kết quả hết sức tốt đẹp.

Vừa bắt tay vào việc cai quản điền trang, Nikolai đã chỉ định ngay những người làm quản lí, thôn trưởng, đại biểu và nhờ một thứ thiên bẩm nào đấy chàng chọn không sai một người nào: đó chính là những người mà bản thân nông dân cũng sẽ lựa chọn nếu được quyền lựa chọn, và chàng không bao giờ phải thay đổi những người này. Trước khi phân tích những thành phần hóa học của phân, trước khi đi sâu vào các “trái khoán” và “tín dụng” (như chàng vẫn thích nói với một giọng giễu cọt), chàng điều tra số gia súc của nông dân và tìm mọi cách đề tăng số gia súc này lên. Chàng tìm cách làm cho nông dân duy trì đại gia đình, không để cho họ phân tán ra. Chàng trục xuất những kẻ lười biếng, phóng đãng, yếu ớt và cố xua đuổi họ ra ngoài điền trang.

Lúc gieo hạt, cắt cỏ hay gặt lúa mì chàng chú ý đồng đều đến ruộng của mình và ruộng của nông dân, không chút thiên vị. Và ít có trang chủ nào mà ruộng được gieo và được gặt hái nhanh, tốt và thu hoạch được nhiều như Nikolai.

Chàng không thích có quan hệ gì với gia nhân, chàng gọi họ là bọn ăn bám và, như mọi người đều nói, chàng để họ quá phóng túng và quá nuông chiều họ, khi có việc cần phải xử trí đối với một gia nhân nào đó, nhất là khi cần phải trừng phạt thì chàng thường lưỡng lự và hỏi ý kiến mọi người trong nhà: nhưng khi nào có thể cho một gia nhân đi lính thay cho một nông dân thì chàng làm ngay, không chút do dự. Bất cứ một điều cắt đặt nào của chàng. – Chàng cũng biết như vậy. – Cũng sẽ được mọi người tán thành chỉ trừ một hay vài người nào đấy.

Chàng không cho phép mình bắt ai làm việc quá nhiều hay xử phạt người ta chỉ vì ý thích riêng, cũng như không giảm nhẹ công việc cho ai và ban thưởng cho người ta chỉ vì đó là sở thích cá nhân của mình. Chàng không thể nào nói rõ tiêu chuẩn gì cho phép chàng phân định cái gì nên làm và cái gì không nên làm, nhưng trong tâm trí chàng thì tiêu chuẩn ấy rất vững chắc và bất di bất dịch.

Khi có việc gì hư hỏng hay rối ren chàng thường nói một cách bực bội: “Với dân Nga ta”, và chàng tưởng tượng mình không chịu nổi người mu-gich.

Nhưng chàng lại yêu mến hết sức thiết tha người “dân Nga ta” ấy và cách sống của họ, và chính vì vậy nên chàng hiểu và nắm được cách kinh doanh duy nhất có thể đưa đến những kết quả tốt.

Bá tước phu nhân Maria ghen với tình yêu này của chàng và lấy làm tiếc rằng mình không được tham dự vào đó: nhưng nàng không thể nào hiểu niềm vui sướng và những nỗi buồn bực mà cái thế giới kia, một thế giới riêng biết, xa lạ đối với nàng, có thể đưa đến cho chàng. Nàng không hiểu nổi vì sao chàng lại đặc biệt phấn chấn và sung sướng đến thế, khi thức dậy từ sớm tinh mơ, suốt buổi sáng ở ngoài đồng hay trên sân đập lúa, rồi trở về uống trà với nàng sau khi đi coi nông dân gieo hạt, cắt cỏ hay gặt lúa.

Nàng không hiểu cái gì làm cho chàng hồ hởi đến thế khi chàng nói chuyện say sưa về anh nông dân giàu Matvey Ermisin chí thú đã suốt đêm cùng gia đình lo chuyên chở lúa về, và trong khi chưa ai gặt cả thì rơm anh ta đã chất thành đụn. Nàng không hiểu tại sao chàng lại vui sướng như vậy trong khi đi đi lại lại từ cửa, sổ đến bao lơn, mỉm cười đưới bộ râu mép và nheo nheo con mắt khi một trận mưa nhỏ ấm và nặng hạt rơi trên những mầm yến mạch đã khô héo, hay tại sao khi một đám mây đến đáng sợ bị gió thổi bạt đi vào lúc làm cỏ hay gặt hái. Nikolai ở sân đập lúa về, mặt đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, tóc sực mùi ngải đắng và mùi bạc hà, vừa vui vẻ xoa tay vừa nói: “Ấy cứ cho một ngày nữa thôi là tất cả mùa màng của ta và của dân cày đều sẽ vào kho hết”.

Nàng lại càng không hiểu tại sao con người tốt bụng và luôn luôn sẵn sàng đón trước những điều nàng muốn như chàng, lại nổi cáu lên khi nàng mở miệng xin hộ cho một người nông dân được nghỉ việc, tại sao anh Nikolai tốt bụng lại một mực cự tuyệt và giận dữ yêu cầu nàng đừng xen vào những việc không là việc của mình. Nàng cảm thấy chàng có một cái thế giới riêng, được chàng yêu tha thiết, trong đó có những quy luật riêng nào đấy mà nàng không hiểu.

Đôi khi, trong lúc cố gắng hiểu chàng, nàng nói đến những điều thiện mà chàng đang làm cho những người thuộc hạ, thì chàng nổi sung lên nói: “Hoàn toàn không phải thế, không bao giờ tôi có ý nghĩ như thế, tôi làm như vậy không phải cốt để cho họ sướng đâu. Tất cả những chuyện làm điều thiện cho đồng loại kia chỉ là chuyện thơ mộng viển vông, chuyện đàn bà. Điều tôi cần là làm sao cho con cái tôi đừng phải bị gậy lên đường, tôi phải tổ chức cho chu đáo cái cơ ngơi của nhà ta trong khi tôi còn sống, chỉ có thế thôi. Và muốn thế cần phải có trật tự, cần phải nghiêm khắc thế đấy!” – Chàng nói, bàn tay lực lưỡng nắm chặt lại. “Và cần phải công bằng nữa, cố nhiên. – Chàng nói thêm, – vì nếu người nông dân đói rách và chỉ có một con ngựa khổ thôi thì hắn không thể nào làm việc cho hắn và cũng không thể nào làm việc cho tôi được”.

Và chính vì Nikolai không cho phép mình nghĩ rằng làm một điều vì cho những người khác vì nhân nghĩa, cho nên tất cả những việc chàng làm đều có kết quả, tài sản của chàng tăng lên nhanh chóng, nông dân những vùng lân cận đến yêu cầu chàng mua họ và một thời gian dài sau khi chàng chết, nhân dân còn giữ một kỷ niệm trân trọng về cách cai quản của chàng. “Thật là một ông chủ của nông dân trước đã, rồi sau mới đến mình. Nhưng cũng không phải là tay nhu nhược đâu. Tóm lại. – Thật là một ông chủ!”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.