Chiêu Bài Quản Lý Vàng Của Bill Gates

7. BẮT TAY VỚI TRUNG QUỐC CÙNG LÀM NGHIỆP LỚN



Sự hợp tác chặt chẽ của Microsoft với chính phủ Trung Quốc không những kéo gần mối quan hệ với Trung Quốc mà còn mở rộng hơn nữa thị trường Trung Quốc, là một mũi tên trúng hai đích. Sự hợp tác của Microsoft với Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho sự thành công của Microsoft ở phương diện tiến quân ra thị trường nước ngoài.

Theo thống kê của bộ ngành có liên quan, chi nhánh Microsoft Trung Quốc năm 2001 có thu nhập đạt 1,46 tỉ Nhân dân tệ, đứng thứ 7 trong ngành phần mềm Trung Quốc. Tầng lớp lãnh đạo của Microsoft tỏ ra chưa hài lòng với thành tích đạt được này, đồng thời bày tỏ sẽ tiếp tục khai thác, mở rộng thị trường Trung Quốc.

Nói là làm, năm 2003, các lãnh đạo cấp cao của Microsoft lần lượt đến Trung Quốc. Ngày 27 tháng 2 năm đó, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân đã tiếp kiến Bill Gates. Được nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc tiếp kiến, so với nhiều Chủ tịch của các công ty đa quốc gia khác là cơ hội hiếm có của Bill Gates. Qua đó có thể thấy được sự coi trọng của chính phủ Trung Quốc đối với cuộc viếng thăm của Bill Gates, đồng thời cũng cho thấy sự ủng hộ và tín nhiệm của Trung Quốc đối với Microsoft, đây cũng là điều Microsoft muốn có được nhất. Về phía mình, Microsoft đã mang lại cho Trung Quốc code nguồn của Windows, tiếp đó, sau cuộc tiếp kiến với Chủ tịch Giang Trạch Dân, Bill Gates đã nói rõ, đồng thời hứa rằng Microsoft không chỉ công khai code nguồn hiện tại mà còn công khai cả code nguồn tương lai, việc này rất được Trung Quốc hoan nghênh.

Tiếp đó, Microsoft lập tức đưa ra những sự bố trí cụ thể. Khi đó, Chủ tịch chi nhánh Microsoft Trung Quốc chính là Đường Tuấn. Dưới sự lãnh đạo của ông, các kế hoạch hợp tác của Microsoft với Trung Quốc lần lượt được triển khai. Dưới sự chỉ đạo của Đường Tuấn, sự hợp tác giữa Microsoft và Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, “Kế hoạch Trường Thành” khá nổi tiếng cũng được triển khai trong giai đoạn này. “Kế hoạch Trường Thành” được khởi động, viện nghiên cứu châu Á Microsoft triển khai hợp tác với Trung Quốc thông qua nhiều hình thức, bao gồm các hình thức như bồi dưỡng nhân tài chuyên môn, xây dựng các giáo trình phần mềm và giao lưu học thuật…, đồng thời hợp tác với các tổ chức nghiên cứu khoa học và các trường kỹ thuật cao để tìm kiếm và thảo luận các chủ đề có liên quan, bổ sung một cách có hiệu quả những thiếu hụt của Trung Quốc về phương diện này.

Sau này, Microsoft còn ký với Trung Quốc “Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác ngành phần mềm”, đó được coi là sự hợp tác giai đoạn 2 của “Kế hoạch Trường Thành”. Microsoft cũng tận dụng triệt để ưu thế là nước sản xuất lớn của Trung Quốc, chuyển kế hoạch sản xuất các linh kiện bên ngoài của máy tính sang Trung Quốc, kim ngạch hợp tác vượt xa con số quy định trong bản thỏa thuận.

Từ những phương pháp trên mà Microsoft đã áp dụng, chẳng khó khăn gì để nhìn ra chiến lược thị trường của Microsoft. Đó chính là thông qua phương thức hợp tác với Trung Quốc, triển khai thế tấn công mới vào thị trường Trung Quốc. Xét từ góc độ toàn cầu, thu nhập của Microsoft ở Trung Quốc chỉ chiếm tỉ lệ chưa đến 1% trong tổng số thu nhập, nhưng có thể thấy, thị trường Trung Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng đang chờ được khai thác. Từ những lần đến thăm Trung Quốc của Bill Gates có thể thấy, lãnh đạo cao cấp của Microsoft rất coi trọng thị trường Trung Quốc.

Về phương diện hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc, Microsoft đã thay đổi thái độ cao ngạo trước đây. Ngày 30 tháng 6 năm 2004, lễ ký kết biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc và Microsoft đã được chính thức diễn ra tại nhà Quốc hội ở Bắc Kinh, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự hợp tác giữa Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc và Microsoft. Tổng giám đốc công ty Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Trần Đồng Hải và Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Microsoft đã có mặt tham dự lễ ký kết. Người của Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc bày tỏ, thông qua sự hợp tác với Microsoft, tận dụng và học hỏi các kỹ thuật tiên tiến của Microsoft trong phương diện quản lí thông tin là nhu cầu bức thiết trong vấn đề cải tạo ngành nghề truyền thống của Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc.

Về phương diện kỹ thuật đa phương tiện, Microsoft đã triển khai hợp tác chiến lược với ChangHong. Ngày 28 tháng 6 năm 2004, Microsoft đã ký kết với ChangHong thỏa thuận chiến lược, hợp tác trên lĩnh vực điện gia dụng thông tin. Sản phẩm chính trong lần hợp tác này là sản phẩm đa phương tiện xách tay, đây là lần đầu tiên hai bên hợp tác về lĩnh vực này. Ngày 18 tháng 6 năm 2007, công ty Microsoft Trung Quốc tuyên bố mua 15 triệu cổ phần chưa phát hành của ChangHong Tứ Xuyên. Đồng thời, công ty Microsoft Trung Quốc ký kết với ChangHong Tứ Xuyên “Biên bản ghi nhớ về hạng mục hợp tác Media Galaxy giữa Microsoft và ChangHong Tứ Xuyên”, đánh dấu sự tăng cường hợp tác giữa Microsoft và ChangHong. Thông qua sự hợp tác toàn diện với ChangHong, Microsoft đã thực hiện lời hứa cùng phát triển với các doanh nghiệp Trung Quốc. Đồng thời, Microsoft hy vọng thông qua sự hợp tác với các doanh nghiệp lớn để dần tiếp cận với những đơn hàng lớn từ chính phủ Trung Quốc.

Trong ngành máy tính Trung Quốc, Microsoft đương nhiên cũng không bỏ qua cơ hội. Chiều ngày 31 tháng 3 năm 2005, Microsoft ký với Lenovo biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện. Lenovo sau khi mua lại nghiệp vụ máy tính cá nhân toàn cầu của IBM liền bắt tay với Microsoft, triển khai hợp tác toàn diện trên các phương diện như khai thác sản phẩm, hợp tác kỹ thuật, dịch vụ, thị trường… cùng nhau mở rộng thị trường Trung Quốc. Cả hai bên đều bày tỏ, trước bối cảnh thời đại số và thời đại Internet hội hợp, Microsoft và Lenovo thông qua sự hợp tác chặt chẽ sẽ mang lại cho người tiêu dùng những sản phẩm có chức năng mạnh hơn, khiến tất cả người tiêu dùng đều cảm nhận được sức hấp dẫn mạnh mẽ của khoa học và kỹ thuật.

Theo nguồn tin đáng tin cậy, lần hợp tác này giữa Microsoft và Lenovo chủ yếu đề cập đến 3 lĩnh vực là sáng tạo kỹ thuật, sản phẩm lựa chọn lắp và thị trường sản phẩm. Theo bản thỏa thuận, về phương diện sáng tạo kỹ thuật, Microsoft cung cấp cho Lenovo những sự ủng hộ nhất định về mặt kỹ thuật, bao gồm cung cấp miễn phí một số kỹ thuật thấp cho Lenovo, khai thác các phần mềm ứng dụng đơn giản, nâng cao năng lực sáng tạo tự chủ của Lenovo. Về phương diện phần mềm hệ thống của Microsoft, Microsoft có thể thông qua điều tra ý kiến của các khách hàng của tập đoàn đối với phần mềm hệ thống để không ngừng hoàn thiện. Về phương diện sản phẩm lựa chọn lắp, tập đoàn Lenovo sẽ dựa vào những nhu cầu khác nhau của khách hàng để lắp đặt phần mềm điều hành khác nhau vào máy tính cá nhân, điều này đã đón bắt được tâm lí của rất nhiều người tiêu dùng. Về phương diện thị trường sản phẩm, Microsoft và Lenovo sẽ cố gắng dốc sức vào công tác tuyên truyền sử dụng phần mềm có bản quyền, hai bên sẽ thông qua nhiều biện pháp để khích lệ người tiêu dùng mua phần mềm bản quyền.

Từ chiến lược thị trường của Bill Gates có thể thấy được mức độ coi trọng thị trường Trung Quốc của Microsoft, từ những hành động của người kế nhiệm Bill Gates là Steve Balmer cũng có thể nhìn thấy điều đó. Năm 2006, Steve Balmer đến thăm Trung Quốc, ký kết biên bản ghi nhớ với chính phủ Trung Quốc, hứa trong mấy năm tới sẽ đầu tư nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc, kim ngạch đầu tư sẽ tăng mạnh so với trước đây.

Nhanh chóng, phần mềm CRM mới của Microsoft được ra đời (phần mềm quản lí quan hệ khách hàng), phần mềm này chủ yếu nhằm vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời chỉ có ở thị trường Trung Quốc. Phần mềm CRM mới tập trung các chức năng như Office, Outlook Express… không những chức năng mạnh mà còn sử dụng thuận tiện, là sản phẩm hàng đầu của Microsoft trong thị trường phần mềm quản lí doanh nghiệp. Sản phẩm từ khi được đưa ra thị trường có lượng tiêu thụ khá tốt. Tầng lớp lãnh đạo cấp cao của Microsoft quyết định tiếp tục đầu tư về mặt này để khai thác những sản phẩm tốt hơn, thực dụng hơn. Steve Balmer nói: “Mục tiêu chính của Microsoft khi tiến vào thị trường Trung Quốc là đáp ứng được nhu cầu thực tế của người sử dụng, giúp Trung Quốc nâng cao kỹ thuật phần mềm, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Hiện nay, mạng Internet ngày càng phát triển, thị trường Internet Trung Quốc được các công ty nước ngoài nhắm đến vì lượng người sử dụng Internet ở Trung Quốc đã vượt quá 100 triệu. Bởi vậy, trong dự toán của Microsoft năm 2007, mức đầu tư vào khai thác mạng Internet của Microsoft đạt 3 tỉ đô la Mỹ. Mặc dù nền kinh tế Mỹ mấy năm gần đây đang xuống dốc, cổ phiếu của Microsoft cũng đang sụt giá, nhưng Microsoft vẫn tỏ ra rất quyết tâm. Về phương diện phần mềm hệ thống, Microsoft không có đối thủ, còn về phương diện mạng Internet, Microsoft cũng muốn độc bá toàn cầu.

Thông qua việc hợp tác với Trung Quốc, Microsoft đã dần dần đứng vững trên thị trường Trung Quốc, ngày càng có nhiều khách hàng trung thành, điều này có tác dụng rất quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu chiến lược của Microsoft trên toàn châu Á.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.