Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 13: HOẠT ĐỘNG CỦA LÃO HẦU TƯỚC



Trong lúc bên ngoài chuẩn bị tấn công thì bên trong cũng chuẩn bị chống lại.
Có một sự trùng hợp trên thực tế khi một tòa tháp cũng còn gọi là một cái thùng, và có khi người ta dùng mìn đánh vào tháp cũng như dùng mũi nhọn chọc vào chiếc thùng. Bức thành có thể chọc thủng như người ta chọc một lỗ nước trong thùng chảy ra. Điều đó đã đến với tháp Tourgue.
Hai hoặc ba tạ thuốc nổ đã chọc thủng bức tường đồ sộ từ bên này qua bên kia, từ chân tường xuyên qua bức tường ở phần dày nhất, rồi phá ra ở tầng dưới pháo đài một cái cửa tò vò nham nhở. Từ bên ngoài quân tấn công lại dùng đại bác bắn vào lỗ thủng, thoát rộng thêm để xung kích xông lên dễ dàng.
Tầng dưới cùng, chỗ lỗ thủng phá vào là một gian phòng lớn hình tròn, trống rỗng, có một trụ giữa đỡ vòm trần. Căn phòng ấy, rộng nhất so với tất cả các phòng của tòa tháp, đường kính đến hơn mười mét. Mỗi tầng của tòa tháp đều có một gian phòng tương tự nhưng không rộng bằng, có nhiều lỗ châu mai trong các khuôn cửa nhỏ. Tầng dưới cùng không có lỗ châu mai, không có cửa tò vò, không có cửa sổ; ánh sáng và không khí hầu như không có.
Cửa vào các hầm ngầm, làm bằng sắt nhiều hơn là gỗ ở tầng dưới cùng này. Ở đây còn một cửa nữa đi lên cầu thang dẫn đến các phòng ở tầng trên. Tất cả các cầu thang đều xây lẩn vào trong tường.
Nhờ cái lỗ tường thủng do họ phá, những người tấn công có cơ lọt được vào gian phòng thấp, chiếm được gian phòng này còn phải chiếm cả tòa tháp.
Trước đây, ở trong gian phòng thấp người ta không thở nổi. Không một ai ở trong đó hai mươi bốn tiếng đồng hồ mà không chết ngạt. Nhưng lúc này, nhờ lỗ tường hổng nên cũng có thể sống được.
Vì vậy, bọn bị vây cũng không bịt lỗ tường thủng lại. Vả lại, bịt kín làm gì? Đạn đại bác lại phá ra thôi.
Chúng đóng lên tường một chân đèn bằng sắt, rồi cắm vào đó một bó đuốc, soi sáng cả gian phòng.
Bây giờ thì bố trí phòng ngự trong đó như thế nào?
Lấp lỗ tường thủng lại thì dễ, nhưng vô ích. Bố trí một tuyến tốt hơn. Một phòng tuyến cố thủ là một chỗ ẩn nấp có góc lõm, một loạt chiến lũy hình chữ V cho phép tập trung hỏa lực vào mũi xung kích, và tuyến ngoài không bịt lỗ tường thủng mà lại bịt ở bên trong. Vật liệu không thiếu; chúng xây một phòng tuyến cố thủ có khe hở để đặt nòng súng. Góc phòng tuyến cố thủ tựa vào trụ giữa; hai cánh kéo dài đến sát hai bên tường. Xong xuôi, chúng tìm chỗ thuận lợi để đặt mìn.
Lão hầu tước điều khiển tất cả. Lão vừa tổ chức, vừa ra lệnh, vừa hướng dẫn, vừa sai phái, một con người thật đáng sợ.
Lantenac thuộc loại võ quan thế kỷ thứ mười tám, loại người ở tám chục tuổi vẫn cứu nổi các đô thành. Lão giống như bá tước Alberg đã gần trăm tuổi còn đánh đuổi được bọn Ba Lan ra khỏi thủ đô Riga [169].
— Dũng cảm lên, các bạn! – Lão hầu tước nói – Đầu thế kỷ này, vào năm 1713, ở Bender, vua Charles XII, cùng ba trăm quân Thụy Điển cố thủ trong một căn nhà đã đương đầu nổi với hai vạn quân Thổ.
Chúng dựng chướng ngại vật ở hai tầng dưới, tăng phòng thủ ở các phòng, đục lỗ châu mai ở các phòng ngủ, chẹn cửa bằng rầm nhà và dùng vồ nện chặt lại; có điều là phải để ngỏ con đường cầu thang xoáy trôn ốc đi lên các tầng trên, vì bọn chúng cũng phải có lối đi lại; chẹn cầu thang, thì ngăn được quân tấn công nhưng đồng thời cũng chẹn cả mình. Những ổ đề kháng bao giờ cũng có nhược điểm như thế.
Lão hầu tước không biết mệt, lực lưỡng như thanh niên, tự mình vác cả những cây cột, khuân đá, làm gương cho mọi người, mó tay vào mọi việc, chỉ huy, giúp đỡ, xuề xòa cười đùa với các đám người dữ tợn ấy, mà vẫn luôn luôn giữ được cốt cách ông lớn kiêu kỳ, thân mật, lịch sự, dữ tợn.
Không ai dám cưỡng lại lão. Lão nói: “Trong số các anh, nếu có một nửa nổi lên phản kháng thì ta sẽ bắt nửa kia bắn chết và ta sẽ chống cự đến cùng với số còn lại.” Những chuyện đó khiến người ta tôn sùng thủ lĩnh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.