Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 2: MARAT TRONG HẬU TRƯỜNG



Như ông ta đã báo trước với Simonne Evrard, ngày hôm sau buổi gặp gỡ ở phố Con Công, Marat đi họp Viện Quốc ước.
Tại Viện Quốc ước thuộc phái Marat có hầu tước Louis De Montaut, người về sau tặng Viện Quốc ước một chiếc đồng hồ treo, bên trên có tượng bán thân của Marat.
Lúc Marat bước vào, Chabot cũng vừa tới bên Montaut.
— Thưa cựu thần [132]…
Montaut nhìn lên:
— Sao ông lại gọi tôi là cựu thần?
— Bởi vì ngài là cựu thần.
— Tôi à?
— Bởi vì ngài trước kia là cựu thần.
— Không bao giờ.
— Chà!
— Cha tôi đi lính, ông nội tôi làm thợ dệt.
— Ông đùa đấy chứ, ông Montaut?
— Tôi không phải là Montaut.
— Thế ông tên là gì?
— Tôi là Maribon.
— Kể ra thì – Chabot nói – Đối với tôi cũng chẳng quan hệ gì.
Và ông ta lẩm bẩm:
— Bây giờ thì đua nhau để không phải là cựu thần.
Marat đã dừng ở hành lang bên trái, nhìn Montaut và Chabot.
Lần nào Marat bước vào cũng có tiếng xì xào; nhưng ở xa ông ta. Còn quanh ông ta thì im phăng phắc. Marat không chú ý đến điều đó. Ông ta khinh bỉ “tiếng ộp oạp trong đồng lầy”.
Trong những hàng ghế tranh tối tranh sáng phía dưới, nào là Conpé De L’Oise, Prunelle, Villars, một giám mục về sau được vào Viện hàn lâm Pháp, Boutroue, Petit, Plaichard, Bonet, Thibaudeau, Valdruche đang chỉ trỏ Marat cho nhau.
— Kìa Marat!
— Ông ta không ốm à?
— Có chứ, vì ông ta vẫn mặc quần áo ngủ.
— Mặc quần áo ngủ à?
— Ừ, đúng rồi!
— Ông ta tự tiện thật!
— Dám mặc thế mà đến Viện Quốc ước!
— Bởi vì có ngày ông ta tới đây đầu đội vòng hoa danh dự thì cũng có thể mặc áo ngủ mà đến đây thôi!
— Mặt bóng như đồng và răng bựa rỉ đồng.
— Cái áo ngủ của ông ta coi bộ còn mới.
— Bằng gì nhỉ?
— Vải rep [133].
— Có kẻ sọc.
— Nhìn ve cổ áo xem!
— Bằng da.
— Da hổ đấy.
— Không, da rái cá.
— Giả đấy.
— Ông ta đi tất!
— Lạ nhỉ.
— Lại đi có khuy.
— Bằng bạc.
— Cái ấy thì những người đi guốc như Camboulas không tha thứ đâu.
Trên nhiều ghế khác, người ta giả vờ như không thấy Marat. Họ nói chuyện khác. Santhonax lại bên Dussaulx.
— Ông có biết không, Dussaulx?
— Gì?
— Cựu hầu tước Brienne.
— Cùng bị giam ở khám lớn với cựu quận công Villeroy có phải không?
— Vâng.
— Tôi có biết cả hai. Mà sao?
— Họ sợ quá đến nỗi chào tất cả những người đội mũ đỏ và lính gác cửa nhà giam và một hôm họ từ chối không dám đánh bài vì cỗ bài có con vua và con hoàng hậu.
— Rồi sao?
— Mới bị chém hôm qua.
— Cả hai?
— Thế trong tù chúng ra sao?
— Hèn nhát.
— Thế lúc lên máy chém?
— Can đảm.
Và Dussaulx than:
— Chết dễ hơn sống.
Lúc ấy Barère đang đọc báo cáo: vấn đề Vendée. Đã có chín trăm người từ Morbihan, có cả đại bác, đi cứu thành phố Nantes. Thị trấn Redon bị bọn dân quê nổi loạn uy hiếp. Paimboeuf bị tấn công. Một đơn vị thủy quân tuần phòng ở Maindrin để ngăn những cuộc đổ bộ. Từ Ingrande đến Maure, suốt tả ngạn sông Loire dựng lên nhan nhản súng ống của bọn bảo hoàng. Ba ngàn dân quê đã làm chủ Pornic. Chúng hô: “Người Anh muôn năm!” Barère đọc lên bức thư của tướng Santerre gửi Viện Quốc ước, cuối thư viết: “Bảy ngàn dân quê đánh phá thị trấn Vannes. Chúng tôi đã đánh lui và chúng đã để lại bốn khẩu đại bác…”
— Và bao nhiêu tù binh? – Một tiếng cắt ngang.
Barère đọc tiếp: “Tái bút: Chúng tôi không có tù binh, bởi vì chúng tôi không bắt nữa.”
Marat vẫn đứng im, không nghe gì cả. Ông ta như đang tập trung suy nghĩ một điều gì quan trọng.
Ông ta cầm trong tay và vò nát giữa các ngón một tờ giấy, nếu ai mở ra sẽ đọc được mấy dòng này, nét chữ của Momoro và chắc hẳn đó là câu trả lời cho một câu hỏi của Marat:
Không có cách gì chống lại với quyền uy vô hạn của các ủy viên đại diện, nhất là của các đại điện Ủy ban cứu quốc. Trong cuộc họp ngày 6 tháng 5, mặc dù Génissieux đã phàn nàn: “Một ủy viên còn hơn một tên vua”, nhưng chẳng tác dụng gì. Họ có quyền sinh quyền sát. Massade ở Angers, Trullard ở Saint-Amand, Nyon ở bên cạnh tướng Marcé, Parrein ở quân đoàn Sables, Millier ở quân đoàn Niort, họ đều có quyền hạn rất lớn. Thậm chí Parrein đã được phái Jacobin cử làm thiếu tướng. Hoàn cảnh miễn thứ cho tất cả. Một đại diện Ủy ban cứu quốc át hẳn quyền một tướng tổng chỉ huy.
Marat đã vò xong tờ giấy bỏ vào túi và lặng lẽ tiến tới bên Montaut và Chabot, hai người đang tiếp tục trò chuyện, không biết Marat vào.
Chabot nói:
— Này, Maribon hoặc Montaut, nghe này. Tôi vừa ở Ủy ban cứu quốc ra.
— Thế ở đó người ta làm gì?
— Người ta giao cho một thầy tu theo dõi một tay quý tộc.
— A!
— Một tay quý tộc như anh…
— Tôi không phải quý tộc – Montaut nói.
— Giao cho một thầy tu…
— Như anh.
— Tôi không phải thầy tu – Chabot nói.
Cả hai người cùng cười.
— Anh hãy nói rõ đầu đuôi – Montaut tiếp.
— Chuyện thế này. Một thầy tu tên là Cimourdain được cử làm đại diện toàn quyền bên cạnh một tử tước tên gọi là Gauvain; tử tước này chỉ huy quân đoàn chinh phạt vùng ven biển. Mục đích là ngăn tay quý tộc khỏi lừa lọc và thầy tu khỏi phản trác.
— Rất đơn giản – Montaut trả lời – Chỉ việc đem chuyện chết chóc gieo vào việc này!
— Tôi đến đây cũng vì việc ấy đấy – Marat nói.
Hai người ngẩng đầu lên.
— Chào anh, Marat, anh ít dự những cuộc họp của chúng tôi – Chabot nói.
— Thầy thuốc bảo tôi tắm để chữa bệnh – Marat trả lời.
Chabot nói tiếp:
— Đừng có tin lối chữa ấy; ngày xưa Sénèque chẳng chết trong khi tắm đó sao?
Marat cười:
— Chabot ạ, đây không có Néron. [134]- Nhưng đã có anh.
Một tiếng khác giọng ồ ồ xen vào. Đó là Danton đi qua và bước lên chỗ ngồi trên ghế dài.
Marat không ngoảnh lại.
Ông ta ghé đầu giữa Chabot và Montaut:
— Này, tôi tới bàn một việc quan trọng, một người trong ba chúng ta hôm nay phải trình bày một dự án sắc lệnh trước Viện Quốc ước đấy.
— Tôi thì không, chẳng ai nghe tôi, tôi là hầu tước – Montaut nói.
— Còn tôi – Chabot nói – Không ai nghe tôi, tôi là thầy tu.
— Còn tôi, không ai nghe tôi, tôi là Marat.
Ba người im lặng.
Khi Marat đang có việc suy nghĩ thì khó hỏi chuyện.
Tuy vậy Montaut cũng hỏi liều.
— Marat, ông muốn sắc lệnh gì?
— Sắc lệnh kết án tử hình bất kỳ vị chỉ huy quân sự nào để cho một tên phiến loạn bị cầm tù thoát ngục.
Chabot nói vào:
— Sắc lệnh đó có rồi, đã thông qua cuối tháng tư.
— Như vậy là sắc lệnh đó xem như chưa hề có – Marat nói – Bởi vì khắp nơi ở Vendée người ta đua nhau thả tù, và ai che chở giấu giếm cũng chẳng bị tội gì cả.
— Marat, thế là sắc lệnh đã không có hiệu lực nữa.
— Chabot, phải làm cho nó có hiệu lực lại.
— Hẳn rồi.
— Và muốn thế, phải trình lên Viện Quốc ước.
— Marat, Viện Quốc ước không cần lắm, chỉ cần Ủy ban cứu quốc là đủ.
Montaut tiếp:
— Mục đích đạt được nếu Ủy ban cứu quốc cho yết bản sắc lệnh trong tất cả các thôn xóm miền Vendée và trừng trị vài ba vụ làm gương.
— Lấy những ông to đầu ra làm gương – Chabot nói – Những ông tướng.
Marat lẩm bẩm:
— Đúng vậy, thế là đủ.
— Marat – Chabot nói – Anh cứ đi nói với Ủy ban cứu quốc.
Marat nhìn xoáy vào Chabot, điều đó làm người ta khó chịu, ngay cả Chabot.
— Chabot ạ, đến Ủy ban cứu quốc là đến nhà Robespierre; tôi không đến Robespierre.
— Tôi đi cho – Montaut nói.
— Được – Marat đáp.
Hôm sau đã tung đi khắp các nơi một mệnh lệnh của Ủy ban cứu quốc bắt phải dán lên khắp các thành phố, thôn xã ở vùng Vendée và phải thi hành nghiêm chỉnh sắc lệnh xử tử hình tất cả những tội thông mưu để cho bọn phạm nhân là quân cướp và quân phiến loạn trốn thoát.
Sắc lệnh ấy chỉ là bước đầu; Viện Quốc ước còn phải đi xa hơn nữa. Mấy tháng sau, ngày 11 tháng Sương Mù năm thứ hai (tức là tháng 11 năm 1793) nhân việc thị trấn Laval mở cửa đón bọn bảo hoàng ở Vendée trốn tránh, Viện Quốc ước đã ra sắc lệnh rằng tất cả những thành phố nào dung dưỡng bọn giặc sẽ bị triệt hạ hoàn toàn.
Mặt khác, các vua chúa châu Âu trong bản tuyên ngôn của tướng Phổ là quận công Brunswick, dựa theo ý bọn lưu vong và do một hầu tước là De Linnon thảo ra, tuyên bố rằng bất kỳ người Pháp nào bị bắt đang cầm súng trong tay sẽ bị xử bắn và nếu một sợi tóc trên đầu nhà vua rụng xuống thì cả thành phố Paris sẽ bị san phẳng.
Man rợ chọi với tàn bạo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.