Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 2: TỬ THẦN LÊN TIẾNG



Người mẹ đã nhìn thấy cái vật đen tối ấy đi qua, nhưng không hiểu gì, mà cũng chẳng tìm để hiểu. Trước mắt chị ta chỉ có một mộng ảnh: mấy đứa con của chị mịt mù trong bóng tối.
Rồi chị ta cũng đi ra khỏi thôn, sau đoàn kia một chút và cùng đi một đường, cách một quãng sau tốp lính cảnh sát thứ hai. Bỗng dưng hai tiếng “máy chém” trở lại trong óc chị; “máy chém”, chị ta nghĩ. Michelle Fléchard con người mông muội ấy chẳng biết cái đó là cái gì; nhưng bản năng báo trước, chẳng biết sao chị ta rùng mình một cái, như thấy đi sau cái ấy ghê tởm quá, thế là chị rẽ qua trái, bỏ con đường cái và luồn vào dưới rừng cây khu Fougères.
Dò dẫm một lúc, chị ta thấy một gác chuông và mấy mái nhà, đó là một thôn ở ven rừng, chị ta đi tới đó. Chị ta đói. Đó là một trong những thôn có đồn bốt của phe cộng hòa.
Chị ta đi tới trước trụ sở thôn.
Dân trong thôn cũng đang xôn xao lo lắng. Một đám người tụ tập chen chúc trước tam cấp trụ sở. Một người đang đứng trên tam cấp, tay cầm một tờ giấy lớn mở rộng, sau lưng có lính hộ vệ bên phải có một tay trống, bên trái có một người cầm lọ hồ và một cái bút quết hồ.
Trưởng thôn đứng ở bao lơn phía trên cửa trụ sở, băng tam tài đeo chéo trên người lẫn trong bộ quần áo dân quê.
Người cầm tờ giấy là người rao tin.
Anh ta đeo đai da chéo trước ngựa với một cái túi, mắc vào đấy điều này chứng tỏ anh ta đã đi từ thôn này qua thôn khác để loan báo khắp nơi.
Vừa lúc Michelle Fléchard tới gần, anh ta căng tờ giấy ra, và bắt đầu lớn tiếng đọc:
— “Nước Cộng hòa Pháp, thống nhất và không thể chia cắt.”
Một hồi trống nổi lên. Cả đám đông lại nhấp nhô. Mấy người đội mũ nồi cất mũ lên; mấy người đội mũ có vành thì ấn mũ xuống. Hồi ấy, trong vùng đó người ta có thể biết chính kiến theo kiểu mũ; mũ có vành là bảo hoàng, mũ nồi là cộng hòa. Tiếng xôn xao tắt đi và người ta nghe đọc:
— “Chiếu theo các mệnh lệnh đã tiếp nhận và quyền hạn được Ủy ban cứu quốc giao cho chúng tôi…”
Lại một hồi trống nữa. Người rao tin tiếp:
— “Và thi hành sắc luật của Viện Quốc ước đặt ra ngoài vòng pháp luật tất cả những tên phiến loạn bắt được quả tang có khí giới trong tay, và kết án tử hình tất cả những ai cho những tên phiến loạn này trú ẩn hoặc để cho chúng thoát ngục…”
Một người dân quê hỏi nhỏ người bên cạnh:
— Này, tử hình là cái gì?
Người đứng bên trả lời:
— Tôi không biết.
Người rao tin vẩy vẩy tờ giấy:
— “Chiếu theo khoản 17, luật ngày 30 tháng 4, ủy thác quyền hành cho các vị đại diện và cấp bộ kế cận giải quyết tội trạng bọn phiến loạn…” – “Đặt ra ngoài vòng pháp luật…” Anh ta ngừng một lát và tiếp: “Tất cả những kẻ có tên và bí danh sau đây…”
Mọi người lắng tai nghe.
Giọng người rao tin vang to lên:
— “Lantenac, tên cướp…”
— Đức ông đấy
Một người dân quê lẩm bẩm. Và trong đám đông có tiếng xì xào:
— Đức ông đấy.
Người rao tin lại tiếp:
— “Lantenac, tên cướp, trước đây là hầu tước. Imânus, tên cướp…”
Hai người dân quê đưa mắt nhìn nhau.
— Gouge-le-Bruant đấy.
— Đúng, chính là ông Tiêu-Diệt-Bọn-Xanh đấy.
Người rao tin đọc tiếp danh sách.
— “Grand-Francoeur, tên cướp…”
Đám đông lầm rầm:
— Thầy tu đấy.
— Phải, tu viện trưởng Turmeau.
— Phải, làm linh mục đâu ở phía bên kia rừng La Chapelle.
— Và là kẻ cướp – Một người đội mũ nồi nói chen vào.
Người rao tin đọc:
— “Boisnouveau, tên cướp. Hai anh em Gậy-Nhọn, hai tên cướp. Houzard, tên cướp…”
— Ông De Quélen đấy – Một người dân quê nói.
— “Panier, tên cướp…”
— Ông Sepher đấy.
— “Place-nette, tên cướp…”
— Ông Jamois đấy.
Người rao tin tiếp tục đọc, không chú ý đến những câu bàn tán ấy:
— “Guinoiseau, tên cướp. Chatenay, tức Robi, tên cướp…”
Một người dân quê nói nhỏ:
— Guinoiseau chính là Le Blond, Chatenay là De Saint-Ouen.
Người rao tin tiếp:
— “Hoisnard, tên cướp…”
Và người ta nghe trong đám đông xì xào:
— Ông De Ruillé đấy.
— Phải, ông Cành-Vàng đấy.
— Ông ấy có người anh chết trận ở Pontorson.
— Vâng, tên là Hoisnard-Malonnière.
— Một thanh niên mười chín tuổi, đẹp trai.
— Xin chú ý – Người rao tin lại tiếp – Đây là phần cuối của bản danh sách. “Belle-Vigne, tên cướp. La Musette, tên cướp. Sabre-tout, tên cướp. Brin-d’Amour, tên cướp…”
Một anh con trai hích tay một cô gái. Cô con gái cười.
Người rao tin vẫn tiếp tục:
— “Chante-en-hiver, tên cướp. Le Chat, tên cướp…”
Một người dân quê nói:
— Moulard đấy.
— “Tabouze, tên cướp…”
Một người dân quê nói:
— Gauffre đấy.
— Hai anh em Gauffre – Một người đàn bà chêm vào.
— Người tử tế cả – Một người lẩm bẩm.
Người rao tin vẩy vẩy tờ giấy và trống lại rung lên.
Người rao tin đọc tiếp:
— “Những tên nói trên đây, bất kỳ bất được ở đâu, sau khi thẩm tra lý lịch, đều đem xử tử hình ngay.”
Mọi người xôn xao.
Người rao tin tiếp:
— “Ai cho những tên này ẩn nấp và giúp chúng trốn thoát sẽ bị đưa ra tòa án quân sự và xử tử hình. Ký tên…”
Bỗng lặng phắc cả.
— “Ký tên: Đại diện Ủy ban Cứu quốc, Cimourdain.”
— Một ông thầy tu – Một người dân quê nói. — Cha xứ Parigné đấy.
Một thị dân thêm:
— Turmeau và Cimourdain. Một thầy tu trắng và một thầy tu xanh.
— Cả hai đều đen ngòm – Một thị dân khác nói tiếp.
Thôn trưởng đứng trên bao lơn giơ mũ lên và hô:
— Cộng hòa muôn năm!
Một hồi trống nữa báo rằng người rao tin chưa đọc xong. Quả nhiên anh ta vẫy tay:
— Chú ý! Tờ cáo thị còn bốn hàng cuối cùng đây. Do cấp chỉ huy đạo quân chinh phạt vùng Bờ-Biển-Bắc là tư lệnh Gauvain ký tên.
— Nghe kìa! – Trong đám đông có tiếng nói.
Và người rao tin đọc:
— “Xử tội tử hình…”
Mọi người im lặng.
— “Kẻ nào vi phạm lệnh cấm mọi sự cứu giúp mười chín tên phản nghịch nói trên hiện đang bị bao vây trong tháp Tourgue”.
— Sao? – Có người hỏi.
Tiếng đàn bà. Tiếng một người mẹ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.