Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 3: CHUYỂN ĐỘNG TÂM CAN



Cuộc đối thoại ngừng lại một chốc; ba nhân vật vĩ đại mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình.
Sư tử lo ngại rắn độc. Robespierre mặt xanh mét, còn Danton thì đỏ gay. Cả hai đều rùng mình. Tròng mắt hung dữ của Marat đã dịu xuống; sự trầm tĩnh, sự trầm tĩnh kiêu kỳ trở lại trên mặt ông ta, khiến những kẻ đáng sợ cũng phải sợ.
Danton cảm thấy mình thua trận, nhưng vẫn không chịu hàng. Ông ta nói tiếp:
— Marat nêu rất cao vấn đề chuyên chính và vấn đề thống nhất. Nhưng anh ta chỉ có một mãnh lực là phá hoại.
Robespierre hé đôi môi vẫn mím chặt, tiếp:
— Tôi, tôi đồng ý với Cloots [95]. Tôi nói: không Roland [96] cũng không Marat.
— Còn tôi – Marat đáp – Tôi nói: không Danton, cũng không Robespierre.
Marat lại nhìn chăm chắm hai người và nói tiếp:
— Danton, anh cho phép tôi khuyên anh một lời. Anh đa tình lắm, anh đang lo lấy vợ kế, không nên nhúng vào chính trị nữa, nên khôn ngoan thì hơn.
Rồi, lùi một bước về phía cửa để bước ra, Marat chào một cách ghê rợn:
— Xin vĩnh biệt các vị.
Danton và Robespierre đều rùng mình. Cùng lúc ấy, từ góc phòng, một tiếng người cất lên:
— Marat, anh sai rồi!
Mọi người ngoảnh lại. Trong lúc Marat đang nổi xung, họ không nhận thấy có một người từ cửa thông cuối phòng đi vào.
— Công dân Cimourdain. Chào anh – Marat nói.
Đúng là Cimourdain.
— Marat, tôi nói anh sai rồi – Cimourdain nhắc lại.
Mặt Marat biến sắc, tái đi.
Cimourdain tiếp:
— Anh rất hữu ích, nhưng Danton và Robespierre rất cần thiết. Sao lại dọa dẫm họ? Đoàn kết, đoàn kết, các công dân ơi! Nhân dân đòi hỏi ta phải đoàn kết.
Sự nhập cuộc đó có hiệu lực như một gáo nước lạnh, như có người lạ bước vào trong một gia đình đang cãi cọ nhau làm cho bề ngoài có vẻ lắng xuống mặc dù bên trong vẫn còn sóng gió.
Cimourdain tiến đến bên bàn.
Danton và Robespierre biết ông ta. Trong khán đài dành cho công chúng ở Viện Quốc ước, họ đã thường để ý đến con người vô danh có uy tín, được dân chúng hoan nghênh.
Tuy vậy, Robespierre, tính nguyên tắc, vẫn hỏi:
— Này, công dân, ông làm cách nào mà vào được đây?
— Ông ấy ở phái Tòa giám mục – Marat đỡ lời bằng một giọng như có vẻ khúm núm.
Marat coi thường Viện Quốc ước, cầm đầu Công xã và e sợ phái Tòa giám mục.
Đấy là một quy luật.
Mirabeau cảm thấy Robespierre ngầm ngấm hoạt động, Robespierre cảm thấy Marat cựa quậy, Marat cảm thấy
Hébert cựa quậy, Hébert cảm thấy Babeuf cựa quậy. Hễ những lớp đất dưới chân yên tĩnh thì nhà chính trị có thể vững bước nhưng các nhà cách mạng triệt để nhất, táo bạo nhất, cũng phải dừng lại lo âu, khi họ cảm thấy dưới chân cái chấn động mà họ đã gây ra trên đầu.
Biết phân biệt chấn động nào xuất phát từ những tham vọng với chấn động nào từ nguyên tắc, để rồi đánh bại cái này và nâng đỡ cái kia lên, đó là thiên tài và đạo đức của các nhà đại cách mạng.
Danton thấy Marat chịu khuất phục, liền nói:
— Ồ! Có thêm công dân Cimourdain ở đây không thừa đâu.
Ông bắt tay Cimourdain và nói tiếp.
— Thôi, ta hãy nói rõ tình hình với công dân Cimourdain. Ông ấy đến đúng lúc. Tôi thay mặt cho phái Montagnard, Robespierre thay mặt cho Ủy ban cứu quốc, Marat thay mặt Công xã, Cimourdain thay mặt phái Tòa giám mục. Ông ấy sẽ giải quyết chuyện nhùng nhằng giữa chúng ta.
Cimourdain nói, nghiêm trang và giản dị:
— Vâng, việc gì nào?
— Việc Vendée – Robespierre trả lời.
— Vendée! – Cimourdain nói.
Rồi ông tiếp luôn:
— Đó là mối đe dọa lớn nhất. Nếu cách mạng thất bại thì chính vì Vendée. Một Vendée đáng sợ hơn mười nước Đức. Muốn nước Pháp còn, phải tiêu diệt Vendée.
Câu nói này làm cho Robespierre có cảm tình ngay. Tuy vậy Robespierre vẫn hỏi:
— Ông trước có làm linh mục phải không?
Phong thái thầy tu không lọt qua con mắt Robespierre.
Suy mình, ông ta hiểu người.
Cimourdain đáp:
— Vâng, đúng thế.
— Cái đó có hề gì? – Danton nói – Thầy tu mà tốt thì còn hơn những người khác. Thời buổi cách mạng, thầy tu cũng biến thành công dân như chuông đúc thành xu và thành đại bác. Danjou là thầy tu, Daunou là thầy tu. Thomas Lindet là giám mục địa phận Evreux. Robespierre, ở Viện Quốc ước, anh ngồi sát bên cạnh Massieu làm giám mục địa phận Beauvais. Phó giám mục Vaugeois ở trong Ủy ban khởi nghĩa ngày 10 tháng 8. Chabot là thầy dòng, linh mục Gerle tổ chức cuộc tuyên thệ ở câu lạc bộ Jeude-Paume; chính linh mục Audran đã vận động tuyên bố quyền lực Quốc dân đại hội cao hơn nhà vua. Chính linh mục Goutte đã yêu cầu Quốc hội lập hiến lột cái tàn trên ngai Louis XVI; chính linh mục Grégoire đã thúc đẩy việc thủ tiêu chế độ quân chủ.
Marat cười gằn:
— Được anh hề Collot-d’Herbois ủng hộ. Cả hai đã làm xong việc: thầy tu lật đổ ngai vàng, anh kép hát quật ngã tên vua.
— Xin trở lại vấn đề Vendée – Robespierre nói.
— Việc gì thế? – Cimourdain hỏi – Vendée đã gây sự gì rồi?
Robespierre đáp:
— Thế này: Vendée đã có thủ lĩnh. Miền ấy sắp trở thành nguy hiểm.
— Thủ lĩnh đó là ai, hở công dân Robespierre?
— Đó là một tên nguyên là hầu tước De Lantenac, tự xưng là hoàng thân xứ Bretagne.
Cimourdain giật nẩy mình. Ông nói:
— Tôi biết người ấy. Tôi đã làm mục sư ở lãnh địa của hắn.
Ông ta trầm ngâm một lát, rồi tiếp:
— Đó là một tay sành gái trước khi là một tướng lĩnh.
— Cũng như Biron, trước là Lauzun [97] – Danton nói.
Cimourdain ngẫm nghĩ và nói tiếp:
— Vâng, đó là một tay đã quen ăn chơi. Tay này phải biết là dữ tợn.
— Kinh khủng – Robespierre nói – Hắn đốt nhà, giết thương binh, tàn sát tù binh, bắn chết phụ nữ.
— Cả phụ nữ?
— Vâng. Hắn đã đem bắn nhiều phụ nữ trong đó có một bà mẹ có ba đứa con. Người ta không rõ ba đứa trẻ về sau ra sao. Ngoài ra đó còn là một tên có tài thao lược.
— Đúng thế – Cimourdain trả lời – Hắn đã từng tham gia chiến tranh chống Phổ ở Hanovre và binh sĩ đã từng nói: Bề ngoài là Richelieu, bên trong là Lantenac. Chính Lantenac đã là kẻ thống lĩnh quân đội thật sự. Ông cứ hỏi bạn đồng nghiệp của ông là Dussaulx thì rõ.
Robespierre suy nghĩ một lát rồi hai người lại tiếp tục câu chuyện.
— Ấy đấy, công dân Cimourdain, người ấy hiện ở Vendée.
— Từ bao giờ?
— Đã ba tuần nay.
— Phải truy nã tên ấy.
— Làm rồi.
— Phải treo giải thưởng lấy đầu nó.
— Làm rồi.
— Phải thưởng nhiều tiền cho ai bắt được nó.
— Làm rồi.
— Không thưởng bằng tín phiếu.
— Làm rồi.
— Bằng vàng.
— Làm rồi.
— Và phải đưa lên máy chém.
— Sẽ làm.
— Ai làm?
— Ông làm.
— Tôi à?
— Vâng, ông sẽ là đặc phái viên của Ủy ban cứu quốc với toàn quyền hành động.
— Tôi xin nhận – Cimourdain nói.
Robespierre rất linh hoạt trong việc lựa chọn người, đó là đức tính của nhà chính trị. Ông lấy trong tập hồ sơ để trước mặt một tờ giấy trắng trên có in sẵn tiêu đề: Cộng hòa Pháp thống nhất và không thể chia cắt. Ủy ban cứu quốc. Cimourdain tiếp tục:
— Vâng, tôi xin nhận. Khủng bố chống khủng bố. Lantenac hung bạo, tôi sẽ hung bạo. Phải sống chết với hắn. Tôi sẽ giải cứu nền cộng hòa, nếu ý Chúa là như vậy.
Ông ta ngừng lại, rồi tiếp:
— Tôi là thầy tu; cái đó chẳng hề gì, tôi tin ở Chúa.
— Chúa đã già cỗi rồi – Danton nói.
— Tôi tin ở Chúa – Cimourdain thản nhiên nói.
Robespierre nét mặt hung dữ, gật đầu đồng ý.
Cimourdain lại hỏi:
— Tôi sẽ được đặc phái đến bên cạnh ai?
Robespierre trả lời:
— Bên cạnh viên chỉ huy đoàn quân chinh phạt chống Lantenac. Có điều, tôi xin báo trước, viên chỉ huy ấy là quý tộc đấy.
Danton nói:
— Điều đó chẳng quan hệ gì! Quý tộc? Thì đã sao? Quý tộc thì cũng như thầy tu. Khi họ tốt thì họ là hạng xuất sắc. Vấn đề quý tộc là một chuyện thành kiến; nhưng ta không nên có thành kiến đó nữa, dù là phản đối hay ủng hộ cũng vậy. Robespierre nên nhớ là Florelle De Saint-Just chẳng phải là quý tộc đó sao? Cloots cũng là tử tước. Bạn thân chúng ta là Charles Hesse không bỏ một buổi họp nào của câu lạc bộ Cordelier là một hoàng thân và là em lãnh chúa xứ Hesse-Rothenbourg. Montaut, bạn thân của Marat, là hầu tước. Trong Tòa án cách mạng có một quan tòa là thầy tu Vilate, và một quan tòa là Leroy quý tộc, tức là hầu tước De Montflabert. Hai người này rất bảo đảm.
— Và ông quên – Robespierre thêm – Ông trưởng đoàn hội thẩm Tòa án cách mạng…
— Antonelle?
— Là hầu tước Antonelle – Robespierre tiếp.
Danton nói tiếp vào:
— Chính một nhà quý tộc là Dampierre vừa hy sinh vì nền cộng hòa trong khi giao chiến ở Condé, và chính một nhà quý tộc là Beaurepaire đã tự sát chứ không chịu mở cửa thành Verdun ra hàng quân Phổ.
Marat lẩm bẩm:
— Ấy thế mà hôm Condorcet phát biểu: Anh em Gracques là quý tộc [98], thì chính Danton đã thét lên: Tất cả quý tộc đều là quân phản bội, bắt đầu từ Mirabeau và cuối cùng là anh.
Tiếng nói nghiêm trang của Cimourdain cất lên:
— Công dân Danton, công dân Robespierre, các ông có thể có lý do để tin cậy; nhưng nhân dân thì cảnh giác, và cảnh giác như vậy không phải là thừa. Khi chính một tu sĩ được ủy nhiệm theo dõi một nhà quý tộc thì trách nhiệm nặng gấp đôi và tu sĩ phải cứng rắn.
— Đúng thế – Robespierre nói.
Cimourdain tiếp:
— Và không gì lay chuyển được.
Robespierre lại tiếp:
— Rất phải, công dân Cimourdain ạ. Ông sẽ khuyên bảo một thanh niên. Ông sẽ có uy tín đối với anh ta, vì tuổi ông gấp đôi. Cần phải lãnh đạo nhưng lại phải dìu dắt anh ta. Hình như anh ta có tài thao lược, tất cả các báo cáo đều thống nhất về anh ta như thế. Anh ta ở một đơn vị thuộc đoàn quân sông Rhin được điều đến Vendée. Anh ta từ biên giới tới, ở đó anh ta đã tỏ ra rất thông minh và dũng cảm. Anh ta chỉ huy rất giỏi đoàn quân chinh phạt. Đã nửa tháng nay, anh ta thắng tên hầu tước già De Lantenac. Anh ta đã trấn áp và đuổi Lantenac ra tận biển và quật lão xuống đó. Lantenac có cái xảo quyệt của một tướng lão thành, còn anh ta có cái táo bạo của một người chỉ huy trẻ tuổi. Người chỉ huy trẻ tuổi ấy đã có những kẻ thù địch và những người ghen ghét. Phó tướng Léchelle ghen với anh ta.
Danton ngắt lời:
— Léchelle muốn làm đại tướng tổng chỉ huy! Anh ta chỉ xứng đáng với câu chơi chữ này thôi: Phải có thang để leo lên xe [99]. Trong khi đó, Charette đánh thắng anh ta.
Robespierre tiếp:
— Ngoài anh ta ra, anh ta không muốn cho ai đánh bại Lantenac cả. Cái tai hại của cuộc chiến đấu ở Vendée là ở những vụ tranh chấp như thế. Binh sĩ của ta anh hùng, nhưng bị chỉ huy tồi. Một đại úy kỵ binh là Chérin tiến vào thành Saumur với một lính kèn thổi bài Mọi việc sẽ tốt đẹp; anh ta chiếm được thành; anh ta có thể thừa thắng tiến lên chiếm cả thành Cholet, nhưng không được lệnh nên phải dừng lại. Phải chấn chỉnh hệ thống chỉ huy ở Vendée. Các đơn vị ấy rải rác, lực lượng phân tán; một đội quân tản mác là một đội quân tê liệt; đáng lẽ phải là một khối, người ta lại đem biến thành cát bụi. Ở đồn Paramé chỉ còn lều vải. Giữa hai cứ điểm Tréguier và Dinan, hàng trăm đồn nhỏ vô ích ấy có thể tập trung lại thành một sư đoàn để bao quát khắp bờ biển. Được Parein yểm hộ, tướng Léchelle đã rút hết quân ở bờ biển phía bắc, lấy cớ là để bảo vệ bờ biển phía nam, và do đó đã mở cửa nước Pháp cho quân Anh vào. Một nửa triệu dân quê nổi lên đồng thời với cuộc đổ bộ của quân Anh, đó là kế hoạch của Lantenac. Người chỉ huy trẻ tuổi của đoàn quân chinh phạt đã thúc kiếm vào hông tên Lantenac, dồn lão và đánh bại lão, tuy không có lệnh của Léchelle; mà Léchelle lại là chỉ huy của anh ta; vì vậy Léchelle đã vạch tội anh ta. Có nhiều nhận định trái ngược về người thanh niên này. Léchelle thì muốn đưa anh ta ra xử bắn. Còn ông Prieur De La Marne thì muốn cất nhắc anh ta lên làm phó tướng.
Cimourdain nói:
— Người thanh niên ấy xem chừng có nhiều đức tính lớn.
— Nhưng anh ta có một tật xấu.
Câu cắt ngang này là của Marat.
— Tật gì? – Cimourdain nói.
— Khoan hồng – Marat nói.
Rồi Marat tiếp:
— Anh ta ra trận thì rất kiên quyết, nhưng sau đó lại nhu nhược. Anh ta rộng lượng, hay tha thứ, ban ơn, che chở cho cô mụ, các bà phước, cứu vớt vợ và con gái bọn quý tộc, thả tù nhân, phóng thích thầy tu.
— Lỗi nặng đây – Cimourdain lẩm bẩm.
— Tội ác đấy – Marat nói.
— Đôi khi thôi – Danton nói.
— Thường là thế – Robespierre nói.
— Hầu như luôn luôn là thế – Marat tiếp.
— Đối với kẻ thù của Tổ quốc mà hành động như vậy thì luôn luôn là tội ác – Cimourdain nói.
Marat quay lại phía Cimourdain:
— Nếu một ông tướng cộng hòa thả một tên tướng bảo hoàng thì ông xử trí thế nào?
— Tôi theo ý kiến của Léchelle, tôi cho bắn.
— Hoặc chém đầu – Marat nói.
— Tùy đó – Cimourdain nói.
Danton cười:
— Tôi thì cách nào cũng được.
— Anh thì chắc chắn sẽ được một trong hai cách đó – Marat lẩm bẩm.
Nói xong Marat thôi nhìn Danton, quay lại Cimourdain:
— Công dân Cimourdain, vậy nếu một vị tướng cộng hòa mà sa ngã thì anh chặt đầu.
— Trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ.
— Thế thì – Marat lại tiếp – Tôi đồng ý với Robespierre nên cử công dân Cimourdain làm ủy viên đại diện Ủy ban cứu quốc bên cạnh viên chỉ huy đoàn quân chinh phạt vùng bờ biển. Viên chỉ huy tên là gì nhỉ?
Robespierre trả lời:
— Đó là một người nguyên là quý tộc.
Rồi ông ta lục hồ sơ.
— Cứ giao quý tộc cho thầy tu giữ – Danton bảo – Tôi không tin thầy tu khi chỉ có một mình họ; tôi không tin quý tộc khi chỉ có một mình họ. Hai bên cùng ở với nhau thì tôi không sợ; bên này theo dõi bên kia, và thế là ổn.
Cimourdain, lúc bực mình thường cau mày, lúc này lại nhíu mày mạnh hơn; nhưng rồi cũng thấy câu nhận xét căn bản là đúng, nên ông ta không quay lại phía Danton và cất giọng nghiêm khắc:
— Viên tướng cộng hòa giao cho tôi giám sát mà sa ngã thì tử hình.
Robespierre mắt nhìn hồ sơ, nói:
— Có tên đây rồi. Công dân Cimourdain, viên chỉ huy mà ông được toàn quyền ủy thác là một tử tước lên là Gauvain.
Cimourdain tái mặt.
— Gauvain! – Ông ta thốt lên.
Marat đã thấy mặt Cimourdain tái đi.
— Tử tước Gauvain! – Cimourdain nhắc lại.
— Vâng – Robespierre nói.
— Thì sao? – Marat vừa hỏi vừa chăm chú nhìn Cimourdain.
Một lát sau, Marat tiếp:
— Công dân Cimourdain, theo những điều kiện mà chính anh đã nêu ra, anh có nhận nhiệm vụ ủy viên đại diện bên cạnh viên chỉ huy Gauvain không? Được chứ?
— Được! – Cimourdain trả lời.
Ông ta mỗi lúc một xanh nhợt thêm. Robespierre cầm chiếc bút đặt ở bên cạnh, viết chậm rãi và nắn nót bốn hàng chữ trên tờ giấy có in sẵn tiêu đề Ủy ban cứu quốc và ký tên rồi chuyển cả giấy bút cho Danton; Danton ký tiếp; sau cùng là Marat, từ nãy vẫn không rời mắt khỏi nét mặt tái nhợt của Cimourdain.
Robespierre cầm lại giấy, ghi ngày, rồi trao cho Cimourdain. Ông này đọc:
CỘNG HÒA NĂM THỨ II
Nay trao toàn quyền cho công dân Cimourdain, ủy viên đại diện của Ủy ban Cứu quốc bên cạnh công dân Gauvain, chỉ huy đội quân chinh phạt thuộc binh đoàn duyên hải.
Robespierre – Danton – Marat
Và dưới các chữ ký:
Ngày 28 tháng 6 năm 1793
Cuốn lịch cách mạng, cũng gọi là lịch phổ thông, hồi bấy giờ chưa chính thức dùng, mãi đến ngày 5 tháng 10 năm 1793 mới được Viện Quốc ước thông qua theo đề nghị của Romme [100].
Trong lúc Cimourdain đọc, Marat vẫn nhìn ông ta. Marat nói nhỏ như nói với mình:
— Phải đem xác định cái đó bằng một sắc luật của Viện Quốc ước hoặc một nghị định đặc biệt của Ủy ban cứu quốc. Cần phải bổ sung đấy.
— Công dân Cimourdain, anh ở đâu? – Robespierre hỏi.
— Tòa án thương mại.
— Kìa, tôi cũng ở đấy, anh là láng giềng của tôi – Danton nói.
Robespierre tiếp:
— Thì giờ gấp rút. Ngày mai anh sẽ nhận được lệnh ủy nhiệm theo đúng thể thức có chữ ký của tất cả các thành viên Ủy ban cứu quốc. Giấy này xác định lệnh ủy nhiệm, lệnh ấy sẽ đặc biệt giới thiệu anh với các vị đại biểu đang công cán ở dưới ấy như Philippeaux, Prieur De La Marne, Lecointre, Alquier và những người khác. Chúng tôi biết anh như thế nào rồi. Quyền lực của anh là vô hạn. Anh có thể đề bạt Gauvain làm đại tướng hoặc đưa anh ta lên máy chém. Anh sẽ nhận ủy nhiệm thư ngày mai, đúng ba giờ.
Bao giờ thì anh đi?
— Đúng bốn giờ – Cimourdain trả lời.
Và họ chia tay nhau.
Về nhà, Marat báo trước cho Simonne Evrard [101] ngày hôm sau ông ta sẽ đi họp ở Viện Quốc ước.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.