Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 3: DÂN QUÊ XÌ XÀO



Michelle Fléchard đứng lẫn vào đám đông. Chị ta không nghe được gì cả, nhưng điều không lắng nghe lại lọt vào tai. Tiếng La Tourgue đã lọt tai chị ta. Chị ta ngẩng đầu lên và lặp lại: “Sao? La Tourgue à?”
Người ta nhìn chị. Chị có vẻ ngơ ngác, rách rưới. Có tiếng rì rầm: “Trông có vẻ một mụ kẻ cướp.”
Một người đàn bà dân quê bưng một thúng bánh mì đen đến gần và nói nhỏ với chị ta:
— Im đi.
Michelle Fléchard đờ đẫn nhìn bà kia. Chị ta lại chẳng hiểu gì nữa. Cái tên La Tourgue này lướt qua như một ánh chớp rồi lại mù mịt. Sao, chị ta không có quyền hỏi thăm à? Có gì mà người ta nhìn chị như vậy?
Trong khi ấy, trống đã rung lên hồi cuối cùng, tờ cáo thị đã được dán lên, trưởng thôn đã trở vào trụ sở người giao tin đã đi qua thôn khác và đám đông đã giải tán.
Một nhóm còn đứng lại trước tờ cáo thị. Michelle Fléchard đi tới đó.
Người ta đang bàn tán về những tên người bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Ở đó có cả dân quê và thị dân, nghĩa là có cả phe Trắng và phe Xanh.
Một người dân quê nói:
— Chẳng hề gì, họ chẳng bắt được hết cả đâu. Mười chín, chỉ là mười chín thôi. Họ chẳng bắt được Priou, chẳng bắt được Benjamin Moulins, chẳng bắt được Goupil ở giáo khu Andouillé.
— Cũng không bắt được Lorieul ở Monjean – Người khác nói.
Những người khác thêm vào:
— Cả Brice-Denys.
— Cả François Dudouet.
— Đúng, người ở Laval.
— Cả Huet ở Launay-Villiers.
— Cả Grégis.
— Cả Pilon.
— Cả Filleul.
— Cả Ménicent.
— Cả Guéharrée.
— Cả ba anh em nhà Logerais.
— Cả ông Lechandelier De Pierreville.
— Đồ ngốc – Một ông cụ già tóc bạc nghiêm khắc lên tiếng – Họ bắt được hết nếu họ bắt được Lantenac.
— Đã bắt được đâu – Một anh còn trẻ lẩm bẩm.
Người kia đáp:
— Mất Lantenac là mất linh hồn. Lantenac chết thì Vendée cũng bị tiêu diệt.
— Cái ông Lantenac ấy là ai thế? – Một thị dân hỏi.
Một thị dân khác trả lời:
— Trước là quý tộc đấy.
Một người khác thêm:
— Một trong những tên bắn giết đàn bà.
Michelle Fléchard nghe được nói luôn:
— Đúng đấy.
Mọi người quay lại.
Chị ta nói thêm:
— Vì người ta đã bắn tôi mà.
Câu nói lạ thật. Y như người còn sống mà tự xưng là chết rồi. Mọi người liếc nhìn chị ta.
Quả nhiên nom chị ta thật đáng ngờ. Cái gì cũng động lòng, cũng hoảng hốt, cũng run rẩy như loài vật và quá khiếp đảm đến nỗi chị ta trở nên đáng sợ. Trong nỗi thất vọng của người đàn bà có cái vẻ yếu hèn thật ghê rợn. Người ta tưởng như thấy một con người bị treo ở đầu sợi dây số mệnh. Nhưng người dân quê lại nhìn sự việc một cách đại khái hơn. Một người lẩm bẩm:
— Rất có thể là một con gián điệp.
Bà già hồi nãy nói nhỏ với chị:
— Đừng nói nữa, và đi đi.
Michelle Fléchard trả lời:
— Tôi không làm gì hại cả. Tôi tìm con tôi.
Bà già nhìn những người đang nhìn Michelle Fléchard, vừa lấy ngón tay chỉ vào trán vừa nháy mắt và nói:
— Chị ta ngớ ngẩn đấy.
Rồi người ấy kéo Michelle ra một chỗ và đưa cho một chiếc bánh mì đen.
Michelle Fléchard chẳng cám ơn, nhai ngấu nghiến chiếc bánh.
— Ừ – Mấy người dân quê nói – Chị ta ăn như một con vật, đúng là một người ngớ ngẩn.
Rồi đám người giải tán, kẻ trước người sau.
Ăn xong, Michelle Fléchard nói với bà kia:
— Xong rồi, no rồi! La Tourgue ở đâu?
— Đấy, lại lên cơn rồi! – Người đàn bà kia thốt lên.
— Tôi phải đi đến La Tourgue. Bà chỉ đường cho tôi đi La Tourgue.
— Không bao giờ! Để cho người ta giết chị đi sao? Vả chăng, tôi có biết gì đâu! Ái chà, vậy chị điên thật ư? Này, tội nghiệp, chị có vẻ mệt mỏi lắm. Chị có muốn về nhà tôi nghỉ không?
— Tôi không nghỉ ngơi gì cả đâu.
— Chân chị ta sây sát cả – Bà kia lẩm bẩm.
Michelle Fléchard tiếp:
— Tôi đã nói với bà là người ta cướp mất lũ con tôi. Một đứa con gái và hai đứa con trai. Tôi ở đằng phía rừng đi lại đây. Hỏi lão Tellmarch về tôi thì rõ. Và hỏi cả người đàn ông mà tôi đã gặp trên cánh đồng phía ấy. Chính cụ ăn xin đã chữa cho tôi khỏi. Hình như tôi đã bị gãy cái gì ấy. Việc đã xảy ra như thế đấy. Còn có ông đội Radoub nữa. Cứ hỏi ông ta, ông ta sẽ bảo. Vì chính ông ta đã gặp chúng tôi trong rừng. Ba đứa. Tôi nói với bà là tôi có ba đứa con. Đứa đầu tiên là René-Jean. Tôi nói có bằng chứng mà. Đứa kia là Gros-Alain, và con bé nữa là Georgette. Chồng tôi chết rồi. Bị người ta giết. Chồng tôi cày rẽ ở ấp Siscoignard. Trông bà phúc hậu. Bà chỉ đường cho tôi. Tôi không điên đâu, tôi chỉ là một người mẹ. Tôi mất con. Tôi đi tìm con. Có thế thôi. Tôi chẳng biết đích xác tôi đi từ đâu đến. Đêm qua tôi nằm ngủ trên ổ rơm, trong một nhà kho. Tôi đi tới La Tourgue đây. Tôi không phải là kẻ trộm. Bà cũng thấy là tôi nói thật. Cần giúp tôi tìm con tôi. Tôi không phải là người ở đây. Tôi đã bị bắn. Nhưng cũng không biết rõ đã bị bắn ở đâu nữa.
Người đàn bà kia gật đầu nói:
— Này, chị nghe tôi. Trong thời buổi cách mạng không nên nói những điều mà người ta không hiểu được. Có khi bị bắt đó.
— Nhưng còn La Tourgue! Bà ơi, vì Chúa Hài đồng, vì Đức mẹ Đồng trinh trên trời, tôi xin bà, tôi cầu khẩn bà, bà chỉ cho tôi đường đi tới La Tourgue.
Người đàn bà kia nổi giận:
— Tôi có biết đâu! Mà có biết tôi cũng không nói! Đó là những nơi nguy hiểm. Đừng đi đến làm gì!
— Tôi cứ đi – Người mẹ ấy nói.
Rồi chị ta bước đi thật.
Người đàn bà kia nhìn theo và lẩm bẩm:
— Phải cho chị ta ăn.
Rồi bà ta chạy theo và đặt một chiếc bánh mì vào trong tay chị ta:
— Này, để ăn bữa tối đấy.
Michelle Fléchard cầm chiếc bánh mì, chẳng đáp gì cả, chẳng ngoảnh đầu lại, và cứ bước tràn.
Chị đi ra khỏi thôn. Qua những nhà cuối cùng, chị ta gặp ba đứa trẻ rách rưới, chân không, đi qua. Chị ta đi lại gần chúng rồi nói:
— Lũ này, lại là hai gái, một trai.
Thấy chúng nhìn tấm bánh, chị ta liền cho chúng.
Lũ trẻ cầm bánh, vẻ sợ hãi.
Chị ta thì đi miết vào trong rừng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.