Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 5: HẦM GIAM



Phòng xử án lại trở thành trạm gác; cũng như hôm qua, vẫn gác đôi. Hai người đứng canh cửa hầm giam đóng kín.
Lúc nửa đêm, một người tay cầm đèn đi qua trạm gác, xưng danh và ra lệnh mở cửa hầm.
Đó là Cimourdain.
Ông ta vào và cánh cửa vẫn để hé đằng sau lưng ông.
Hầm giam tối tăm và lặng lẽ. Cimourdain bước một bước trong bóng tối, rồi dừng lại, đặt cây đèn xuống đất. Có tiếng người ngủ thở đều đều. Cimourdain lắng nghe tiếng thở bình thản ấy, nghĩ ngợi.
Gauvain nằm trên ổ rơm trong góc hầm giam. Nghe rõ ràng anh ta thở. Anh ta đang ngủ say.
Cimourdain tiến lại hết sức nhẹ nhàng, đến gần bên và nhìn Gauvain; một người mẹ nhìn đứa con nhỏ của mình ngủ cũng không có cái nhìn dịu hiền và khó tả hơn thế. Cái nhìn ấy có lẽ còn mạnh hơn cả Cimourdain; như đôi khi trẻ con vẫn làm, Cimourdain ấn hai nắm tay vào mắt mình rồi đứng im lặng trong giây lát. Rồi ông ta quỳ gối xuống khẽ nâng tay Gauvain và áp môi vào.
Gauvain cựa quậy. Anh mở mắt ra với cái vẻ ngỡ ngàng của người đang ngủ bỗng giật mình tỉnh giấc. Chiếc đèn rọi ánh sáng yếu ớt trong gian phòng. Anh nhận ra Cimourdain.
— Kìa, thầy đấy à.
Cimourdain bỗng rùng mình như khi người ta bị một ý nghĩ đột ngột ám ảnh, như một cơn bão táp ập vào tâm hồn, lòng rối bời, ông chẳng biết nói sao. Ông chỉ thốt ra: Gauvain!
Rồi hai người nhìn nhau, Cimourdain, mắt trào ra những giọt nước mắt nóng bỏng, Gauvain với nụ cười dịu dàng.
Gauvain chống khuỷu tay nhấc mình dậy và nói:
— Cái sẹo trên mặt thầy đó là nhát gươm mà thầy đã nhận lấy thay tôi. Mới hôm qua đây, trong lúc hỗn chiến, thầy ở bên tôi và vì tôi. Nếu số mệnh không đưa thầy đến bên nôi tôi thì hôm nay tôi ở đâu? Trong đêm tối. Nếu tôi có được ý thức về nghĩa vụ chính là nhờ thầy. Tôi bị trói buộc từ khi ra đời. Thầy đã vứt bỏ cho tôi những giây rợ thành kiến, thầy đã giúp tôi lớn lên trong tự do, và từ một cái chỉ là xác ướp thầy đã tái tạo thành một đứa trẻ. Trong thằng bé thầy đã đặt vào một lương tâm. Không có thầy, tôi lớn lên với một tâm hồn nhỏ nhen. Nhờ thầy mà tôi sống như ngày nay. Tôi chỉ là một lãnh chúa, thầy đã biến tôi thành một công dân, một công dân thầy đã biến tôi thành một tâm hồn; thầy đã làm cho con người trần tục của tôi và linh hồn của tôi xứng đáng với kiếp thiên đường. Thầy đã cho tôi cái chìa khóa chân lý để đi vào cuộc sống thực tại và cái chìa khóa ánh sáng để đi lên chốn cao siêu kia. Xin cám ơn thầy. Chính thầy là người sáng tạo ra tôi.
Cimourdain ngồi lên ổ rơm cạnh Gauvain và nói:
— Tôi tới ăn bữa tối cùng anh.
Gauvain bẻ miếng bánh mì đen rồi đưa cho Cimourdain. Cimourdain cầm lấy một mẩu; rồi Gauvain lại đưa cho ông bình nước.
— Anh uống trước – Cimourdain nói.
Gauvain uống rồi chuyển bình nước cho Cimourdain uống sau. Gauvain chỉ uống một ngụm. Cimourdain uống hàng hơi dài.
Trong bữa tối đó, Gauvain ăn, Cimourdain uống, hiện tượng ấy chứng tỏ một người thì bình thản, và một người thì nôn nao.
Có cái gì yên tĩnh ghê sợ trong căn hầm ấy. Hai người trò chuyện.
Gauvain nói:
— Những việc lớn lao đang được phác họa ra. Cái mà cách mạng đang làm lúc này thật là bí ẩn. Đằng sau cái sự nghiệp nhìn thấy được còn có cái sự nghiệp không thể thấy được. Việc này che khuất việc kia. Cái có thể thấy được thì tàn nhẫn, cái không thấy được thì cao cả. Trong giây phút này, tôi nhìn nhận ra mọi việc rất rõ ràng. Thật lạ lùng và đẹp đẽ. Cần phải dùng đến những chất liệu của quá khứ. Do đó mới có cái năm 93 phi thường này. Dưới cái dàn giáo man rợ đang xây dựng lên một đền đài văn minh.
Cimourdain trả lời:
— Đúng. Từ cái tạm thời này sẽ thoát ra cái hoàn chỉnh. Cái hoàn chỉnh, nghĩa là quyền lợi và nghĩa vụ song song, thuế tỉ lệ và lũy tiến, chế độ cưỡng bách quân dịch chính sách san bằng, không thiên lệch, và bên trên mọi người và trên tất cả, là một đường thẳng tắp, pháp luật. Là thể chế cộng hòa tuyệt đối.
— Tôi muốn nền cộng hòa lý tưởng – Gauvain nói.
Anh dừng lại rồi tiếp luôn:
— Thầy ạ, trong tất cả những điều thầy vừa nói, thầy định đặt vào chỗ nào lòng tận tụy, đức hy sinh, sự tiết chế dục vọng, nhân đức, tình yêu? Làm cho cân bằng tất cả là tốt; làm cho hòa hợp tất cả, còn tốt hơn nữa. Bên trên cán cân còn có cây đàn lia [192]. Nền cộng hòa của thầy ghép con người vào chừng mực, vào khuôn phép; nền cộng hòa của tôi cuốn con người lên tít trời xanh. Đó là sự khác biệt giữa một định lý và một con đại bàng.
— Anh ngập trong mây.
— Thầy ngập trong con tính.
— Có mơ mộng trong sự hài hòa.
— Cũng có mơ mộng trong đại số.
— Tôi mong ước con người do Euclide [193] tạo ra.
— Còn tôi – Gauvain nói – Tôi ước mơ con người do Homère [194] tạo ra.
Cimourdain nhìn Gauvain với nụ cười nghiêm khắc như muốn chặn đứng tâm hồn kia lại.
— Thơ mộng. Hãy coi chừng các ông thi sĩ.
— Vâng tôi biết. Hãy coi chừng gió thổi, hãy coi chừng tia sáng, hãy coi chừng hương thơm, hãy coi chừng bông hoa, hãy coi chừng các chùm sao.
— Tất cả những cái đó không làm cho con người ta no bụng.
— Thầy biết đâu đấy? Tư tưởng cũng là thức ăn. Suy tưởng chính là ăn.
— Đừng trừu tượng. Nền cộng hòa là hai lần hai thành bốn. Khi tôi đem lại cho mỗi người phần quyền lợi của họ.
— Như vậy, nghĩa là thế nào?
— Nghĩa là sự nhân nhượng lẫn nhau vô bờ bến, một người nhân nhượng mọi người và mọi người nhân nhượng một người, và đó chính là tất cả đời sống xã hội.
— Ngoài quyền lợi sát nút không còn gì nữa.
— Có tất cả.
— Tôi chỉ thấy có công lý.
— Tôi, tôi nhìn cao hơn nữa.
— Vậy, trên công lý là gì?
— Công bằng.
Thỉnh thoảng hai người dừng lại, tưởng như có những luồng ánh sáng lướt qua.
Cimourdain tiếp:
— Nói cụ thể xem nào, tôi đố anh đấy?
— Được. Thầy chủ trương cưỡng bách quân dịch chống ai? Chống lại những người khác. Tôi, tôi không muốn có quân dịch. Tôi muốn có hòa bình. Thầy muốn những người khốn khổ được cứu giúp, tôi muốn xóa bỏ sự nghèo khổ. Thầy muốn có thuế má theo tỷ lệ, tôi không muốn có chút thuế má nào nữa. Tôi muốn sự chi tiêu chung được giảm đến độ thấp nhất, và do giá trị thặng dư xã hội đài thọ.
— Như vậy, nghĩ là thế nào?
— Thế này: trước hết là xóa bỏ chế độ ăn bám; chế độ ăn bám của thầy tu, của quan tòa, của binh lính. Sau đó, khai thác những tài nguyên của đất nước; phân bón đổ xuống cống rãnh thì đem đổ lên luống cầy. Ba phần tư đất đai còn bỏ hoang, hãy vỡ hoang đất nước ta, xóa bỏ những đồng cỏ vô dụng; hãy chia công điền công thổ. Làm sao cho người nào cũng có đất, đất nào cũng có người. Do đó, của cải xã hội sẽ được nhân lên gấp trăm lần. Nước Pháp hiện nay chỉ cấp cho nông dân mỗi năm được bốn ngày thịt; được cày cấy tốt, nước Pháp nuôi nổi ba trăm triệu người nghĩa là toàn châu Âu. Hãy sử dụng tốt thiên nhiên, lực lượng vô tận còn bị bỏ phí. Hãy làm cho tất cả các luồng gió, các nguồn nước, các nguồn điện phục vụ con người. Địa cầu có một hệ thống tĩnh mạch dưới mặt đất, trong đó có một cơ cấu lưu thông kỳ diệu của nước, dầu và lửa; hãy chọc thủng tĩnh mạch ấy và làm cho nước đó vọt lên cho các máy nước, dầu đó cho các ngọn đèn và lửa cho các bếp lò. Hãy suy nghĩ về sự chuyển vận của sóng, của con nước, và thủy triều lên xuống. Đại dương là gì? Là một lực lượng khổng lồ bị mất mát. Không sử dụng đại dương! Quả đất này quả là ngu xuẩn.
— Anh đang ngập trong mơ.
— Tức là trong thực tế.
Gauvain lại nói:
— Còn đàn bà? Thầy cho họ làm gì?
Cimourdain trả lời:
— Như hiện nay. Phục vụ cho đàn ông.
— Vâng. Với một điều kiện.
— Gì vậy?
— Là đàn ông cũng sẽ là tôi tớ của đàn bà.
— Chả đời nào! – Cimourdain kêu lên – Đàn ông làm tôi tớ ư? Không thể thế được. Đàn ông là người chủ. Tôi chỉ chấp nhận một vương quyền, cái vương quyền của gia đình.
Trong gia đình người đàn ông là vua.
— Vâng. Với một điều kiện.
— Gì vậy?
— Là người đàn bà trong gia đình sẽ là hoàng hậu.
— Nghĩa là anh muốn cho đàn ông và đàn bà…
— Bình đẳng.
— Bình đẳng! Thôi xin anh. Hai bản chất khác nhau.
— Tôi nói bình đẳng, tôi không nói đồng nhất.
Đến đây lại một lát im lặng, như một cuộc đình chiến giữa hai luồng tư tưởng chọi nhau như tia chớp. Cimourdain phá tan cái im lặng đó.
— Còn trẻ con. Anh giao nó cho ai?
— Trước hết cho người bố sinh ra nó, rồi đến người mẹ đẻ ra nó, rồi đến thầy giáo dạy dỗ nó, rồi đến xã hội nuôi dưỡng nó rồi đến tổ quốc, người mẹ cao cả, rồi đến nhân loại, tổ tiên vĩ đại của nó.
— Anh không nói đến Chúa.
— Mỗi một cấp đó, cha, mẹ, thầy giáo, xã hội, tổ quốc, nhân loại, là một bậc của cái thang dẫn tới Chúa.
Cimourdain im lặng, Gauvain tiếp tục:
— Khi lên đến bậc thang cuối cùng thì tới Chúa. Chúa mở lòng ra và con người chỉ việc bước vào trong lòng Chúa.
Cimourdain cử động như một người vẫy gọi một người khác.
— Gauvain, hãy trở về trái đất. Chúng tôi muốn thực hiện cái có thể thôi.
— Hãy bắt đầu bằng cách đừng biến nó thành cái không có thể.
— Cái có thể bao giờ cũng thực hiện được.
— Không phải bao giờ cũng được. Nếu người ta ngược đãi ước mơ thì chính là người ta bóp chết nó. Còn có cái gì không có khả năng tự vệ bằng quả trứng.
— Tuy nhiên, phải nắm lấy ước mơ, kiềm chế nó trong thực tế. Ý nghĩ trừu tượng phải biến thành ý nghĩ cụ thể; mất phần hào nhoáng lợi về phần hữu ích, kém đi nhưng tốt hơn. Phải đưa quyền lợi vào trong pháp luật; và khi quyền lợi đã vào trong pháp luật thì nó trở thành tuyệt đối. Đó là cái có thể.
— Cái có thể còn hơn thế.
— A! Anh lại mơ rồi.
— Cái có thể là một con chim bí ẩn lúc nào cũng bay lượn trên con người.
— Phải bắt lấy con chim ấy.
— Bắt sống.
Gauvain tiếp:
— Tôi nghĩ là: phải luôn luôn đi tới. Nếu Chúa muốn cho con người đi thụt lùi thì Chúa đã cho con người một con mắt đằng sau gáy. Chúng ta phải luôn luôn nhìn về phía rạng đông, phía nảy nở, phía phát sinh. Cái rụng xuống cổ vũ cái đi lên. Tiếng gãy răng rắc ở cây già là tiếng gọi cây non mọc lên. Mỗi thời đại sẽ làm sự nghiệp của nó. Hiện nay là vấn đề quyền lợi, mai đây là vấn đề tiền công. Tiền công và quyền lợi về căn bản là một. Con người không phải sống để không được đền công; khi Chúa ban cho sự sống là chưa mắc một món nợ; quyền lợi, đó là tiền công bẩm sinh; tiền công, đó là quyền lợi giành được.
Gauvain nói với vẻ trầm mặc của một nhà tiên tri. Cimourdain lắng nghe. Vai trò đã đảo lộn, và bây giờ hình như người học trò là thầy.
Cimourdain lẩm bẩm:
— Anh đi mau quá.
— Đó là vì có lẽ tôi hỏi vội – Gauvain trả lời, miệng mỉm cười.
Rồi anh tiếp:
— Thầy ạ, đây là sự khác biệt giữa hai ước mơ. Thầy muốn quân dịch cưỡng bách, còn tôi, tôi muốn học đường cưỡng bách. Thầy mơ con người quân nhân, tôi mơ con người công dân. Thầy muốn con người đó dữ tợn, tôi muốn con người giàu suy tưởng. Thầy xây dựng một nền cộng hòa gươm đao, tôi xây dựng…
Anh ta dừng lại:
— Tôi sẽ xây dựng một nền cộng hòa trí tuệ.
Cimourdain nhìn xuống nền hầm giam và nói:
— Trong lúc chờ đợi, anh muốn gì?
— Như hiện nay.
— Vậy anh tha thứ cho hiện tại?
— Vâng.
— Vì sao?
— Vì đó là một cơn bão táp. Bão táp bao giờ cũng có chủ tâm. Chỉ một cây sồi bị sét đánh, biết bao rừng cây được lành mạnh! Cơn gió mạnh đó sẽ cứu thoát nền văn minh đang bệnh hoạn. Nó không kén chọn kỹ, có lẽ thế. Nó có thể làm gì khác chăng? Nhiệm vụ quét dọn của nó quá là nặng nề!
Phải có một luồng gió cực mạnh để xua sạch chướng khí.
Gauvain lại tiếp:
— Vả chăng, bão táp có can hệ gì nếu tôi đã có kim chỉ nam và các biến cố có làm gì được tôi nếu tôi có lương tâm?
Rồi anh nói tiếp với giọng trầm và trang trọng:
— Bao giờ cũng cứ phải để cho vị đó an bài.
— Ai? – Cimourdain hỏi.
Gauvain giơ ngón tay lên quá đầu. Cimourdain nhìn theo hướng ngón tay chỉ lên và qua vòm hầm giam, ông như thấy bầu trời đầy sao.
Hai người lại im lặng.
Cimourdain tiếp:
— Một xã hội lớn hơn thực tế hiện tại. Đó không còn là cái có thể nữa mà là giấc mơ.
— Đó là mục đích. Nếu không, cần gì phải có xã hội? Cứ sống theo thiên nhiên. Cứ làm người man rợ. Otaïti là một chốn thiên đường. Có điều là ở chốn thiên đường ấy người ta không suy nghĩ. Thà một âm phủ thông minh còn hơn là một thiên đường ngu xuẩn. Nhưng không, không âm phủ nào cả. Hãy sống cái xã hội loài người. Nó lớn hơn thiên nhiên. Đúng thế. Nếu không thêm được gì cho thiên nhiên thì vượt ra ngoài làm gì? Nếu thế thì cứ bằng lòng với công việc của con ong, cái kiến. Cứ làm con ong thợ cục mịch, còn hơn làm con ong chúa thông minh. Nếu ta thêm được gì vào thiên nhiên, nhất thiết ta sẽ lớn hơn thiên nhiên; thêm tức là tăng, tăng tức là lớn lên. Xã hội tức là thiên nhiên được vĩ đại hơn. Tôi muốn những cái gì còn thiếu ở tổ ong, tổ kiến, tôi muốn đền đài, nghệ thuật, thơ ca, anh hùng, thiên tài. Mang gánh nặng đời đời không phải là quy luật của kiếp người. Không, không, không, tôi muốn không còn cùng khổ, không còn nô lệ, không còn khổ sai, không còn đày đọa! Tôi muốn rằng mỗi một đặc trưng của con người là một tượng trưng của văn minh, một mẫu mực của tiến bộ; tôi muốn tư tưởng tự do, tình cảm bình đẳng, tâm hồn bác ái. Không! Không còn gông cùm! Con người sinh ra không phải để kéo lê xiềng xích mà để mở rộng đôi cánh. Không còn con người bò sát nữa. Tôi muốn sâu bọ biến thành cánh bướm; tôi muốn con giun đất biến thành bông hoa tươi và biết bay. Tôi muốn…
Anh ngừng lại. Mắt sáng long lanh.
Môi mấp máy. Anh thôi không nói nữa.
Cửa vẫn để ngỏ. Một vài tiếng ồn ào bên ngoài lọt vào trong hầm giam. Người ta thoáng nghe thấy tiếng kèn đồng, có lẽ là kèn báo thức; rồi có tiếng báng súng nện xuống đất, đó là tiếng lính đổi gác, rồi gần sát lâu đài, từ trong bóng tối có tiếng gì như tiếng chuyển ván gỗ và tiếng động chắc nịch và ngắt quãng như tiếng búa nện.
Cimourdain nghe, mặt tái nhợt. Gauvain không nghe thấy gì. Giấc mơ của anh mỗi lúc càng lắng sâu. Hình như anh không thở nữa, tâm trí hoàn toàn bị chi phối bởi những ảo ảnh hiện lên trong đầu óc. Người anh rung động nhẹ nhàng. Trong tròng mắt của anh, hiện lên ánh bình minh mỗi lúc một sáng hơn.
Một khoảng thời gian trôi qua như vậy. Cimourdain hỏi anh:
— Anh nghĩ gì đó?
— Nghĩ đến tương lai – Gauvain đáp.
Rồi anh lại trầm mặc, Cimourdain đứng lên khỏi ổ rơm, nơi hai người ngồi. Gauvain vẫn không nhận thấy, Cimourdain, mắt vẫn ấp ủ người trai trẻ đang suy tưởng, lùi dần cho tới cửa, rồi ra ngoài. Cửa hầm giam khép lại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.