Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 7: HAI CỰC CỦA CHÂN LÝ



Sau một vài tuần lễ nhộn nhịp của cuộc nội chiến, trong vùng rừng Fougères chỉ còn nghe nói về chuyện hai người trái ngược nhau, nhưng lại cùng làm một nhiệm vụ, nghĩa là cùng đứng về phe cách mạng, chiến đấu bên nhau.
Cuộc đọ sức man rợ ở Vendée vẫn tiếp tục nhưng phái bảo hoàng đã thất bại. Riêng khu vực Ille-et-Vilaine, nhờ người chỉ huy trẻ tuổi trên mặt trận Dol đã đem cái gan dạ của nghìn rưỡi người chiến sĩ yêu nước chiến thắng cái gan dạ của sáu nghìn người bảo hoàng, cho nên cuộc nổi loạn, nếu không nói là tắt hẳn thì cũng đã hết sức giảm sút và hết sức bị giới hạn. Người chỉ huy trẻ tuổi ấy đã thu được nhiều thắng lợi kế tiếp theo đó và từ những thắng lợi liên tiếp nảy ra một tình huống mới.
Cục diện đã đổi thay, nhưng một sự rắc rối đặc biệt lại xảy ra.
Trong khắp vùng này của miền Vendée, nền cộng hòa đã thắng, đó là điều không còn nghi ngờ gì nữa; nhưng nền cộng hòa nào, cuộc chiến thắng vừa tạo nên đã xuất hiện hai hình thái cộng hòa, cộng hòa khủng bố và cộng hòa khoan hồng, một bên muốn chiến thắng bằng tàn khốc và một bên chủ trương chiến thắng bằng nhân từ. Bên nào hơn? Hai hình thái đó mà đại biểu là hai người, một người thì muốn giải quyết ôn hòa, một người thì không hề khoan nhượng, mỗi người đều có một phạm vi ảnh hưởng và quyền thế của mình, người này là chỉ huy quân sự, người kia đại diện chính phủ; trong hai người đó, ai là kẻ sẽ thắng? Trong hai người đó thì người đại diện chính phủ có những chỗ dựa rất lớn; ông ta đến công cán trong các tiểu đoàn của Santerre mang theo mệnh lệnh đáng sợ của Công xã Paris: “Không dung tha, không để sống sót”. Để khuất phục tất cả dưới quyền lực của mình, ông ta lại có thêm sắc lệnh của Viện Quốc ước là “xử tử hình tất cả những ai tự ý tha hoặc để cho một tên cầm đầu bọn phiến loạn thoát ngục”, được Ủy ban cứu quốc giao cho toàn quyền hành động và một mệnh lệnh bắt mọi người phải tuân theo ông ta, mang chữ ký ROBESPIERRE, DANTON, MARAT. Người kia là quân nhân, chỉ có cái sức mạnh là lòng thương người.
Ông ta chỉ có hai cánh tay đập tan kẻ thù và một tấm lòng để tha thứ cho họ. Là kẻ chiến thắng, ông ta tưởng mình có đủ quyền tha cho kẻ chiến bại.
Do đó nảy ra một sự xung đột ngấm ngầm, nhưng sâu sắc giữa hai người. Hai người là hai đám mây khác nhau, cả hai đều chiến đấu chống bọn phiến loạn, nhưng mỗi bên mang theo một luồng sấm sét riêng, bên này là chiến thắng, bên kia là khủng bố.
Khắp miền Bocage người ta chỉ bàn tán đến họ và điều làm cho mọi người thêm lo âu là hai người đó tuy hết sức đối lập nhau nhưng đồng thời lại gắn bó với nhau rất chặt chẽ. Hai đối thủ đó lại là hai người bạn thân thiết. Không có thứ cảm tình cao thượng, sâu xa nào có thể làm cho hai trái tim gần gũi nhau hơn thế; con người dữ tợn đã cứu sống con người hiền lành, do đó ông ta mang một vết sẹo dài trên mặt. Hai người đó là hiện thân của cái chết và sự sống; một bên là nguyên tắc khủng khiếp bên kia là nguyên tắc ôn hòa và họ yêu thương nhau. Vấn đề thật lạ lùng. Ta hãy hình dung Oreste từ bi với Pylade hà khắc [159]. Đó cũng là ông Thiện anh em với ông Ác [160].
Cần nói thêm rằng một trong hai người ấy mà người ta gọi là ông “ác”, lại huynh đệ bác ái hơn mọi người; ông ta băng bó cho những kẻ bị thương, săn sóc những người đau yếu, ngày đêm miệt mài trong những xe quân y và trong bệnh viện, xúc động khi thấy các em nhỏ chân không có, ông không giữ gì riêng cho mình, hiến tất cả cho những người nghèo khổ. Ông ta xông xáo vào nơi trận địa, đi hàng đầu đơn vị và giữa trận đánh ác liệt, người ông vũ trang đầy đủ giắt bên thắt lưng một thanh gươm và hai khẩu súng lục, mà như không vũ trang gì hết, vì không bao giờ người ta thấy ông rút kiếm hoặc đụng đến súng. Ông ta đương đầu với gươm đạn nhưng không đánh trả lại ai. Người ta đồn trước kia ông là thầy tu.
Hai người đó, một là Gauvain, một là Cimourdain.
Đó là tình thân ái giữa hai con người và sự thù địch giữa hai nguyên tắc; thật là một tâm hồn cắt làm đôi và chia xẻ. Gauvain đã tiếp thu một nửa tâm hồn của Cimourdain, nhưng đó là cái nửa hiền từ. Hình như Gauvain đã tiếp nhận cái phần trắng, còn Cimourdain thì giữ lại cái phần đen cho mình. Do đó đã xảy ra sự bất hòa sâu kín. Cuộc xung đột âm thầm đó không thể không nổ ra. Một buổi sáng họ đã khai chiến.
Cimourdain nói với Gauvain:
— Hiện nay tình hình đến đâu rồi?
Gauvain trả lời:
— Thầy cũng biết rõ như tôi. Tôi đã đánh tan các bè lũ Lantenac. Hắn chỉ còn một nhúm người, hắn đã bị dồn vào khu rừng Fougères. Trong tám hôm nữa hắn sẽ bị vây chặt.
— Và mười lăm hôm nữa thì sao?
— Hắn sẽ bị bắt.
— Rồi sao nữa?
— Thầy đã thấy tờ tuyên cáo của tôi chưa?
— Rồi. Nhưng thế nào nữa?
— Hắn sẽ bị xử bắn.
— Vẫn còn khoan hồng, phải cho nó lên máy chém.
— Tôi thì, tôi xử tử theo cách nhà binh – Gauvain nói.
— Và ta, ta sẽ xử tử theo lối cách mạng – Cimourdain đáp lại. Rồi Cimourdain nhìn thẳng vào Gauvain và hỏi:
— Tại sao anh lại sai thả bọn cô mụ ở nhà tu kín SaintMarc-le-Blanc?
— Tôi không đánh nhau với đàn bà – Gauvain trả lời.
— Bọn đàn bà ấy thù địch với nhân dân. Và đã là kẻ thù thì một người đàn bà bằng mười người đàn ông. Tại sao anh lại không chịu đưa ra Tòa án cách mạng cái lũ thầy tu cuồng tín đã bị bắt ở Louvigné?
— Tôi không đánh nhau với những người già.
— Một tên thầy tu già tệ hơn một tên trẻ. Cuộc nổi loạn sẽ nguy hiểm hơn nếu do bọn đầu bạc ấy thuyết giáo. Người ta tin ở những nếp da nhăn nheo, Gauvain ạ, không nên có cái lối thương hại không phải cách. Những kẻ giết vua chính là những người giải phóng cho dân tộc. Phải theo dõi tháp Temple.
— Tháp Temple ư? Tôi sẽ giải thoát thái tử khỏi tháp ấy.
Tôi không đánh nhau với trẻ nhỏ.
Mắt Cimourdain trở nên nghiêm khắc.
— Gauvain, anh nên biết rằng cần đánh nhau với đàn bà khi người đàn bà ấy tên là Marie – Antoinette [161], đánh nhau với người già khi hắn là giáo hoàng Pie VI [162], đánh nhau với đứa trẻ khi nó là Louis Capet.
— Thưa thầy, tôi không phải là nhà chính trị.
— Nhưng hãy cố gắng đừng trở thành một kẻ nguy hiểm. Tại sao khi tấn công đồn Cossé, lúc tên phản nghịch Jean Treton cùng đường mạt lộ, một mình cầm gươm đâm xổ ra chống với cả một đoàn quân, anh đã hô: Đội ngũ tản ra. Cho nó chạy?
— Bởi vì không ai lại dùng một nghìn rưỡi người để giết một người.
— Tại sao ở Astillé, khi thấy đồng đội sắp giết tên phiến loạn Joseph Bézier bị thương đương kéo lê dưới đất, anh lại hô: Tiến lên! Việc đó mặc ta! Và anh đã bắn một phát súng chỉ thiên?
— Vì không ai lại đi giết một người đã ngã xuống.
— Thế là anh đã sai lầm. Hiện nay cả hai tên ấy đang chỉ huy những toán quân phiến loạn; Joseph Bézier chính là tên Hai Râu và Jean Treton chính là tên Chân-Bạc. Cứu sống hai tên đó, anh đã tạo nên hai kẻ tử thù cho nền cộng hòa.
— Thật ra, tôi muốn tạo cho nền cộng hòa những người bạn chứ không phải là những kẻ thù.
— Tại sao, sau chiến thắng ở Landéan, anh lại không cho đem bắn ba trăm tên dân quê bị bắt làm tù binh?
— Bởi vì Bonchamp đã tha tù binh cộng hòa, tôi muốn người ta cũng nói được rằng bên cộng hòa cũng khoan hồng đối với tù binh bảo hoàng.
— Vậy thì, nếu anh bắt được Lantenac, anh sẽ thả nó chứ?
— Không.
— Tại sao? Anh đã thả ba trăm dân quê phiến loạn kia mà?
— Dân quê là những kẻ dốt nát; còn Lantenac thì biết rõ việc hắn làm.
— Nhưng Lantenac là thân thích của anh?
— Nước Pháp còn thân gấp bội.
— Lantenac là một người già.
— Lantenac là kẻ ngoại lai. Lantenac không có tuổi. Lantenac cầu viện quân Anh. Lantenac là kẻ ngoại xâm. Lantenac là kẻ thù của tổ quốc. Cuộc đọ gươm giữa hắn và tôi chỉ có thể kết thúc nếu hắn chết, hoặc tôi chết.
— Gauvain, anh hãy nhớ lấy lời đó.
— Tôi đã nói thế rồi.
Một lát im lặng, và cả hai đều nhìn nhau.
Rồi Gauvain lại tiếp:
— Cái năm 93 này sẽ là một năm được ghi lại bằng máu.
— Hãy cẩn thận! – Cimourdain kêu lên – Những nhiệm vụ khủng khiếp đang còn. Chớ nên kết tội cái gì không thể kết tội được. Đã bao giờ bệnh hoạn lại là lỗi của thầy thuốc? Phải, đặc điểm của cái năm vĩ đại này chính là ở chỗ không thương xót. Tại sao vậy? Vì đó là một năm của cao trào cách mạng. Cái năm chúng ta đang sống đây chính là hiện thân của cách mạng. Cách mạng có một kẻ thù là chế độ cũ, và cách mạng không thương hại cái chế độ ấy, cũng như nhà phẫu thuật có một kẻ thù là chứng hoại thư, và ông ta không thương hại nó. Cách mạng phải nhổ tận gốc cái chính thể quân chủ trong tên vua, cái lớp thượng lưu trong tên quý tộc, nạn chuyên chế trong bọn võ biền, nạn mê tín trong bọn thầy tu, sự tàn nhẫn trong quan tòa, nói tóm lại, là phải quét sạch cái tàn bạo trong tất cả các tên tàn bạo. Cuộc phẫu thuật thật kinh sợ, và cách mạng đã thực hiện rất vững tay. Làm việc đó phải hy sinh bao nhiêu da thịt lành mạnh hãy thử hỏi Boerhave [163] xem ông ta nghĩ sao. Cắt ung nhọt đi thì bao giờ lại chẳng mất một ít máu? Dập tắt một đám cháy nào đó, có bao giờ lại không phải hy sinh cho nó vài chỗ sát lửa đỏ. Những tất yếu kinh khủng đó là điều kiện của thắng lợi. Nhà phẫu thuật cũng giống như anh đồ tể; một người trị bệnh cũng có thể giống như một đao phủ. Cách mạng phải dốc lòng với sứ mệnh tất yếu của nó. Cách mạng có cắt xẻo đấy, nhưng lại cứu sống. Sao! Anh lại muốn xin cách mạng tha cho loại siêu vi trùng! Anh lại muốn cách mạng khoan dung cho loài nấm độc! Cách mạng không nghe đâu. Cách mạng đã nắm được quá khứ và sẽ kết liễu nó. Cách mạng rạch một vết sâu vào văn minh và từ đó loài người sẽ khỏe mạnh hơn. Anh đau khổ ư? Hẳn rồi. Trạng thái đó sẽ kéo dài bao lâu? Bằng thời gian tiến hành phẫu thuật. Sau đó anh sẽ sống. Cách mạng cắt cái thối nát cho loài người. Do đó, mới có cái năm 93 đẫm máu này.
— Nhà phẫu thuật thì bình tĩnh – Gauvain nói – Nhưng những con người mà tôi trông thấy thì lại hung hãn.
— Cách mạng – Cimourdain đáp lại – Cần những bàn tay táo bạo. Nó khước từ những kẻ run tay. Nó chỉ tín nhiệm ở những kẻ thật cứng rắn. Danton là người đáng sợ. Robespierre là người không khuất phục. Saint-Just, con người sắt đá. Marat, không đội trời chung với kẻ thù. Gauvain, anh hãy thận trọng. Những người đó rất cần thiết. Họ có giá trị bằng những quân đoàn. Họ sẽ làm cho cả châu Âu khiếp sợ.
— Và có lẽ rồi cả tương lai cũng phải khiếp sợ họ – Gauvain đáp.
Ông ta ngừng lại, rồi thêm:
— Vả lại, thưa thầy, thầy đã lầm, tôi không buộc tội ai cả. Theo tôi, cái quan điểm cách mạng chính xác nhất là không ai có trách nhiệm cả. Chẳng có ai vô can mà cũng chẳng có ai là thủ phạm. Louis XVI chỉ là một con cừu bị ném ra giữa đám sư tử. Nó muốn chạy, nó muốn thoát, nó tìm cách tự vệ; nó cắn, nếu có thể. Nhưng không phải ai muốn làm sư tử cũng được. Sự chống chọi nhất thời của nó bị coi là tội ác. Con cừu tức giận nhe răng. Đàn sư tử kêu lên: đồ phản phúc! Và xé xác con cừu. Ăn xong, chúng tại đánh lẫn nhau.
— Con cừu là một con vật.
— Thế những con sư tử, thì là gì?
Câu chất vấn đó đã làm cho Cimourdain suy nghĩ. Ông ta ngửng đầu lên và trả lời:
— Những con sư tử đó là lương tri. Những con sư tử đó là tư tưởng. Những con sư tử đó là nguyên tắc.
— Chúng đã gây ra khủng bố.
— Một ngày kia, cách mạng sẽ thanh minh cho sự khủng bố này.
— Nên lo rằng sự khủng bố ấy lại bôi nhọ cách mạng.
Rồi Gauvain lại tiếp:
— Tự do. Bình đẳng. Bác ái. Là những giáo lý của hòa bình và hòa hợp. Tại sao lại khoác cho nó một bộ mặt đáng sợ? Chúng ta muốn gì? Thu phục các dân tộc vào một chế độ cộng hòa toàn thế giới. Thế thì không nên làm cho họ sợ. Cần gì phải nạt nộ? Các dân tộc cũng như giống chim, không đem con bù nhìn ra mà dứ được đâu. Không nên làm điều ác để làm điều thiện. Lật đổ ngai vàng không phải để giữ lại đoạn đầu đài. Các vua chúa phải chết để cho các dân tộc sống. Lật đổ ngai vàng nhưng phải tha cho mạng người. Cách mạng là sự đồng tâm nhất trí chứ đâu phải là sự khiếp sợ. Những con người thiếu độ lượng đã thực hiện sai những tư tưởng nhân ái. Hai tiếng ân xá theo tôi là một từ đẹp nhất trong ngôn ngữ loài người. Tôi chỉ muốn đổ máu khi máu mình cũng phải đổ. Tóm lại tôi chỉ biết chiến đấu, và tôi chỉ là một quân nhân. Nhưng nếu người ta không thể tha thứ thì chẳng cần chiến thắng để làm gì. Ở mặt trận, chúng ta là kẻ thù của quân thù, nhưng sau khi chiến thắng thì ta và họ là anh em.
— Nên thận trọng! – Cimourdin nhắc lại lần thứ ba – Gauvain, tôi coi anh hơn con đẻ. Nên thận trọng!
Và ông ta nói thêm, dáng nghĩ ngợi:
— Trong thời đại như thời đại chúng ta, lòng thương có thể là một hình thức của phản bội.
Nghe hai người trò chuyện ta tưởng như đây là cuộc đối thoại giữa thanh kiếm và lưỡi rìu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.