Chín Mươi Ba

PHẦN 1: NGOÀI BIỂN – QUYỂN 1: KHU RỪNG SAUDRAIE



Vào những ngày cuối tháng 5 năm 1793, một trong số những tiểu đoàn quân Paris do Santerre đưa về Bretagne đang sục sạo khu rừng Saudraie khủng khiếp ở vùng Astillé. Họ không còn quá ba trăm vì tiểu đoàn đã bị tiêu hao trong cuộc chiến tranh ác liệt này. Đó chính là thời kỳ mà, sau Argogne, Jemmapes và Valmy [1], tiểu đoàn Paris thứ nhất từ sáu trăm quân tình nguyện thì chỉ còn lại hai mươi bảy người; tiểu đoàn thứ hai còn ba mươi ba, và tiểu đoàn thứ ba còn năm mươi bảy. Thời kỳ của những trận chiến đấu anh hùng.
Những tiểu đoàn từ Paris đến Vendée gồm có chín trăm mười hai người. Mỗi tiểu đoàn có ba khẩu đại bác. Các tiểu đoàn đó đã được tập hợp nhanh chóng. Ngày 25 tháng 4, hồi ông Gohier đang làm bộ trưởng Tư pháp và ông Bouchotte làm bộ trưởng Chiến tranh, phân bộ của Hội đồng dân ước đã đề nghị gửi các tiểu đoàn quân tình nguyện đến Vendée; ông Lubain, ủy viên Công xã đã làm phúc bẩm; ngày 1 tháng 5, Santerre đã sẵn sàng cho xuất phát một vạn hai nghìn quân, với ba chục khẩu dã pháo và một tiểu đoàn pháo thủ. Các tiểu đoàn ấy xây dựng rất nhanh mà lại rất tốt, nên ngày nay vẫn dùng làm kiểu mẫu; chính theo cách cấu tạo đó mà người ta thành lập những đại đội chiến đấu; các tiểu đoàn ấy đã thay đổi tỉ lệ cũ giữa số lượng binh sĩ và số lượng hạ sĩ quan.
Ngày 28 tháng 4, Công xã Paris [2] đã ra lệnh cho đoàn quân tình nguyện của Santerre: Không dung tha, không để sống sót. Đến cuối tháng năm, trong số một vạn hai nghìn quân từ Paris ra đi, tám nghìn đã tử trận.
Tiến sâu vào khu rừng Saudraie, tiểu đoàn luôn luôn đề cao cảnh giác. Họ không vội vã. Họ nhìn bên phải, bên trái, trông trước, trông sau; Kléber đã từng nói: Con nhà lính có một con mắt sau lưng. Họ hành quân như thế cũng đã lâu. Lúc này, độ mấy giờ rồi? Còn sớm hay muộn? Kể cũng khó nói, vì lúc nào trong những bụi rậm rất mực hoang dại đó cũng cứ lờ mờ, và trong khu rừng này chẳng lúc nào sáng sủa cả.
Khu rừng Saudraie hồi đó thật bi thảm. Chính nơi đây, kể từ tháng 11 năm 1792, cuộc nội chiến đã bắt đầu gây ra tội ác: Mousqueton, tên thọt hung hãn, cũng đã xuất hiện từ những khu rừng rậm thảm khốc này: tính số vụ giết người xảy ra ở đây cũng đủ dựng tóc lên. Chẳng còn nơi nào khủng khiếp hơn. Binh sĩ tiến vào sâu một cách thận trọng. Khắp nơi ngập đầy hoa; xung quanh họ, một bức thành kết bằng cành cây run rẩy, lá cây toát ra hơi mát thú vị; đây đó, tia nắng xuyên qua những lớp bóng tối xanh rờn; dưới đất, hoa lay-ơn, hoa diên vĩ, hoa thủy tiên dại, hoa giê-nốt – thứ hoa nhỏ này thường báo trước thời tiết êm ả – và hoa nghệ mùa xuân thêu dệt, trang điểm một tấm thảm bằng cây cỏ, trong đó mọc chi chít tất cả các loài rêu, từ thứ rêu trông như sâu róm đến thứ rêu giống hệt ngôi sao. Binh sĩ tiến từng bước, lặng lẽ, nhẹ tay rẽ bụi. Chim ríu rít trên đầu lưỡi lê.
Rừng Saudraie là một trong những cánh rừng rậm, ở đó, ngày xưa, thời thái bình, người ta đã săn chim ban đêm; bây giờ ở đây, người ta săn người.
Rừng toàn là cây phong, dẻ gai, sồi; mặt đất bằng phẳng; rêu và cỏ mọc dày khiến đoàn quân tiến bước cũng không có tiếng động; chẳng có con đường mòn nào, hay có rồi mất ngay; còn có cả cây ô-rô, mận dại, đuôi chồn, kim hoa mọc thành hàng rào, những cây gai cao; dù có người cách mười bước cũng không tài nào nhìn thấy. Đôi lúc, một con sếu hay một con cuốc bay qua cành cây, tỏ ra cạnh đó có đầm lầy.
Binh sĩ vẫn tiến bước. Họ tiến không nhằm một đích nào cả, bồn chồn, như sợ gặp phải cái mà họ đang tìm.
Thỉnh thoảng, họ gặp những dấu vết hạ trại, những khoảng đất bị đốt cháy, cỏ bị xéo nát, những chiếc gậy cắm hình chữ thập, những cành cây dính máu. Chỗ kia người ta đã nấu ăn, chỗ kia người ta đã cầu nguyện, chỗ kia người ta đã băng bó thương binh. Nhưng những kẻ qua đây đã mất tích. Họ ở đâu? Có lẽ xa lắm. Có thể ở kia, ngay bên cạnh, họ nấp kín, tay lăm lăm khẩu súng ngắn. Rừng như hoang vắng. Tiểu đoàn càng thêm thận trọng. Trong cảnh quạnh hiu càng phải cảnh giác. Họ không thấy ai; thêm một lý do nữa để đề phòng một kẻ nào đó. Họ đang đối phó với một khu rừng nổi tiếng là nguy hiểm.
Họ có thể bị phục kích.
Ba chục khinh binh tách ra thành đội trinh sát và do một viên đội chỉ huy, tiến lên trước, cách đại quân một quãng khá xa. Chị căng-tin [3] của tiểu đoàn cũng đi theo. Các chị căng-tin thường thích nhập bọn với tiền đạo. Nguy hiểm thật đấy nhưng như thế người ta lại có dịp chứng kiến nhiều chuyện lạ. Tính tò mò là một kiểu gan dạ của đàn bà.
Đột nhiên, cả toán tiền tiêu nhỏ đó rùng mình như thường thấy ở những người đi săn khi đến gần ổ thú. Họ thoáng nghe như có hơi thở giữa một lùm cây rậm rạp, và hình như họ vừa trông thấy cái gì động đậy trong lá cây. Họ ra hiệu cho nhau.
Việc tuần tiễu, kiểm tra giao phó cho đội trinh sát, sĩ quan chẳng cần xen vào; việc phải làm tất nhiên họ sẽ làm được.
Trong nháy mắt, cái điểm có người cử động bị bao vây; một vòng súng chĩa thẳng vào đấy; nhất loạt từ mọi phía, các khẩu súng đều nhắm vào giữa bụi rậm tối mò, và binh sĩ, ngón tay đặt sẵn trên cò súng, mắt dán vào nơi đáng nghi, chỉ còn chờ lệnh của viên đội là nhả đạn. Giữa lúc đó, chị căng-tin chợt nhìn qua kẽ lá, và ngay lúc viên đội sắp hô: bắn, thì chị ta kêu lên: khoan!
Và quay lại phía binh sĩ:
— Dừng bắn, anh em!
Rồi chị nhảy bổ vào lùm cây. Mọi người cùng ùa vào.
Quả là trong đó có người.
Giữa chỗ rậm nhất, kề bên một khoảng trống nhỏ hình tròn, nơi người ta đã dựng lò đốt rễ cây để lấy than, trong một thứ hang kết bằng cành cây, trông như một buồng ngủ bằng lá hé mở, một người đàn bà ngồi bệt trên rêu, ôm trong lòng một đứa bé đang bú, và trên đùi, hai đứa trẻ tóc vàng hung hung gối đầu ngủ.
Họ đã bị phục kích như thế đó.
Chị căng-tin kêu lên:
— Nhà chị này làm gì ở đây?
Người đàn bà ngẩng đầu lên.
Chị căng-tin nổi giận, tiếp:
— Chị điên hay sao mà ở đây?
Và chị tiếp luôn:
— Suýt nữa thì chị mất mạng!
Rồi quay lại phía binh sĩ, chị bảo:
— Một người đàn bà đấy thôi.
— Rõ khéo, chúng tôi cũng trông thấy rồi!
— Một anh lính trả lời.
Chị căng-tin lại tiếp:
— Vào rừng cho người ta giết! Ai lại dại dột đến thế!
Người đàn bà kinh ngạc, hoảng sợ, sững sờ, nhìn chung quanh thấy những súng, những gươm, những lưỡi lê, những bộ mặt hung dữ đó như qua một giấc mơ.
Hai đứa bé bỗng thức dậy và kêu lên:
— Con đói!
— Con sợ!
Đứa bé nhất vẫn bú.
Chị căng-tin bảo nó:
— Chú mày làm thế là phải đấy.
Người mẹ lặng người khiếp sợ.
Viên đội nói to với chị ta:
— Chị đừng sợ. Anh em đây đều là tiểu đoàn Mũ Đỏ.
Toàn thân người đàn bà run lên. Chị ta nhìn viên đội có bộ mặt rắn rỏi, chị thấy lông mày, ria mép và đôi mắt như hai hòn than hồng.
Chị căng-tin nói thêm:
— Trước đây là tiểu đoàn Chữ Thập Đỏ.
Viên đội lại hỏi tiếp:
— Nhà chị là ai?
Người đàn bà khiếp sợ nhìn ông ta. Chị ta người gầy, trẻ, xanh xao, rách rưới, đội chiếc mũ chụp rộng vành của phụ nữ nông thôn vùng Bretagne và khoác một chiếc chăn len buộc vào cổ bằng một sợi dây. Chị ta để hở vú với vẻ thản nhiên của người đã có con. Chân không, không tất, rơm rớm máu.
— Đây là một người nghèo – Viên đội thốt ra.
Rồi chị căng-tin lại cất cái giọng lính tráng nhưng vẫn đàn bà, ngụ vẻ dịu dàng:
— Chị tên là gì?
Người đàn bà lí nhí trong miệng, ngọng nghịu nghe không rõ:
— Michelle Fléchard.
Trong lúc đó, chị căng-tin đưa bàn tay thô kệch vừa xoa cái đầu nhỏ xíu của đúa bé còn bú, vừa hỏi:
— Tí nhau này lên mấy rồi?
Người mẹ không hiểu. Chị ta hỏi gặng:
— Tôi hỏi chị, bé này lên mấy?
— À! Mười tám tháng – Người mẹ nói.
— Già tháng rồi. Không nên cho bú nữa. Cai sữa đi thôi. Chúng tôi sẽ cho nó ăn súp.
Người mẹ bắt đầu thấy vững dạ. Hai đứa bé mới tỉnh dậy, tò mò hơn là sợ sệt. Chúng nó ngắm nghía những chùm lông mũ.
— Chà! Chúng nó đói lắm rồi – Người mẹ nói.
Rồi chị ta tiếp:
— Tôi chẳng còn giọt sữa nào.
Viên đội kêu lên:
— Người ta khắc cho chúng ăn, và cả chị nữa. Nhưng không phải chỉ có thế. Chính kiến của chị thế nào?
Người đàn bà nhìn viên đội không trả lời.
— Có nghe rõ câu tôi hỏi không?
Chị ta lắp bắp:
— Tôi phải vào tu viện từ bé, nhưng rồi tôi lấy chồng, tôi không đi tu. Các bà phước dạy tôi nói tiếng Pháp [4]. Người ta đã đốt làng. Mẹ con tôi chạy tháo thân, không kịp xỏ nữa.
— Tôi hỏi chính kiến của nhà chị thế nào?
— Tôi không biết cái đó.
Viên đội tiếp luôn:
— Là vì có bọn đàn bà làm gián điệp. Đàn bà làm gián điệp, của ấy thì chỉ có đem bắn. Thôi. Nói đi. Chị không phải là dân lưu đãng chứ? Tổ quốc chị là gì?
Chị ta vẫn nhìn viên đội như không hiểu. Viên đội nhắc lại:
— Tổ quốc chị là gì?
— Tôi không biết – Chị ta nói.
— Sao, chị không biết quê hương chị là gì à?
— À! Quê hương tôi. Có chứ.
— Ừ, quê hương chị là gì?
Người đàn bà trả lời:
— Ấp Siscoignard, trong giáo khu Azé.
Đến lượt viên đội sửng sốt. Suy nghĩ một lát, anh ta hỏi lại:
— Chị nói ở đâu nhỉ?
— Siscoignard.
— Đấy không phải là một tổ quốc.
— Là quê hương của tôi.
Rồi người đàn bà nghĩ ngợi một lát, nói tiếp:
— Thưa ông, tôi hiểu rồi. Các ông ở đất Pháp, còn tôi, tôi ở Bretagne.
— Thì sao?
— Không cùng một quê hương.
— Cùng một tổ quốc đấy! – Viên đội nói to.
Người đàn bà chỉ trả lời:
— Tôi là người Siscoignard.
— Thôi được, người Siscoignard – Viên đội nói tiếp – Gia đình chị ở đấy à?
— Vâng.
— Gia đình chị làm gì?
— Chết cả rồi. Tôi chẳng còn ai.
Viên đội, vốn tay khéo nói, tiếp tục cuộc thẩm vấn:
— Ai cũng có bố mẹ họ hàng, quỷ quái! Hoặc trước đây đã có. Chị là ai? Nói đi.
Người đàn bà mất cả hồn vía khi nghe những tiếng hoặc trước đây đã có [5], giống tiếng kêu của loài thú hơn là tiếng người.
Chị căng-tin thấy cần xen vào. Chị lại vuốt ve đứa bé đang bú và tát yêu vào má hai đứa lớn, rồi chị hỏi:
— Cái đang bú tí tên gì? Con gái đây mà.
Người mẹ trả lời:
— Georgette.
— Thế đứa lớn? Nhóc ấy đúng là con trai.
— René-Jean.
— Và đứa em? Cũng là con trai, má lại phính nữa.
— Gros Alain – Người mẹ trả lời.
— Các cháu bé này kháu lắm – Chị căng-tin nói – Ra mẽ người lớn lắm rồi.
Nhưng lúc ấy viên đội hỏi gặng:
— Chị hãy trả lời đi đã. Chị có nhà cửa gì không.
— Trước đây cũng có nhà có cửa.
— Ở đâu?
— Ở Azé.
— Tại sao chị không ở nhà?
— Vì người ta đốt mất rồi.
— Ai đốt?
— Tôi không biết. Một trận đánh nhau.
— Chị từ đâu tới?
— Từ chỗ đó.
— Chị định đi đâu?
— Tôi không biết.
— Nói vào việc đi. Chị là ai?
— Tôi không biết.
— Chị không biết chị là ai à?
— Chúng tôi là những kẻ chạy trốn.
— Chị ở phe nào?
— Tôi không biết.
— Ở phe Xanh? Hay phe Trắng? Đi với ai? [6]
— Tôi đi với các con tôi.
Một lát tạm ngừng. Chị căng-tin lại nói:
— Tôi thì tôi chẳng có con. Tôi không có thì giờ.
Viên đội lại tiếp:
— Nhưng còn bố mẹ chị! Nào, cho chúng tôi biết về bố mẹ chị đi. Như tôi, tôi tên là Radoub; tôi đóng đội, tôi ở phố Cherche Midi, bố mẹ tôi ngày trước cũng ở đó, tôi có thể nói rõ về bố mẹ tôi. Thế chị nói về các cụ đi. Chị cho biết bố mẹ chị trước kia thế nào?
— Gọi là ông bà Fléchard. Thế thôi.
— Đành rồi, ông bà Fléchard thì gọi là ông bà Fléchard, cũng như ông bà Radoub thì gọi là ông bà Radoub. Nhưng người ta ai cũng có một hoàn cảnh. Hoàn cảnh bố mẹ chị là thế nào? Ngày trước hai cụ làm gì? Bây giờ làm gì? Xem các cụ Fléchard nhà chị làm những cái thá gì nào [7].
— Ông bà ấy làm ruộng. Bố tôi tàn tật chẳng làm được gì, bởi vì ngài lãnh chúa, lãnh chúa của bố tôi, của chúng tôi, đã cho ông ấy một trận đòn; thế còn là phúc đấy, vì bố tôi bắt trộm con thỏ, việc ấy đáng xử tội chết; nhưng ngài lãnh chúa ra ơn và bảo: nện cho nó một trăm roi thôi; thế là bố tôi què.
— Rồi sao nữa?
— Ông tôi theo Tân giáo [8]. Vì thế cha xứ đã cho đày ông đi làm khổ sai chèo thuyền. Lúc đó tôi còn bé tí.
— Sao nữa?
— Bố chồng tôi làm muối lậu. Đức vua sai treo cổ.
— Thế còn chồng chị, anh ta làm gì?
— Dạo này anh ta đi đánh nhau.
— Cho ai?
— Cho đức vua.
— Ai nữa?
— Cho lãnh chúa.
— Ai nữa?
— Cho cha xứ.
— Mẹ kiếp! – Một anh khinh binh quát lên.
Người đàn bà giật mình kinh hãi.
— Đấy chị xem, chúng tôi là người Paris mà lị – Chị căngtin dịu dàng nói.
Người đàn bà chắp tay lại và kêu lên:
— Jésus Maria, lạy chúa tôi!
— Đừng có mê tín – Viên đội lại bảo.
Chị căng-tin ngồi xuống bên cạnh người đàn bà, kéo thằng con trai lớn vào lòng, thằng bé ngoan ngoãn theo chị. Con trẻ dễ yên tâm cũng như dễ khiếp sợ, chả ai biết vì sao. Chẳng hiểu chúng nó có linh cảm thế nào.
— Này, bà chị địa phương hiền lành tội nghiệp, chị có những đứa con xinh lắm, thôi thế cũng đỡ; cũng dễ đoán được tuổi chúng nó. Thằng cu lớn lên bốn, thằng em lên ba. Còn cái đĩ con đang bú mẹ kia, háu ăn thật. Ái chà! Quái con! Đừng có nhai mẹ như thế. Chị xem đấy, đừng sợ gì cả. Chị nên gia nhập tiểu đoàn. Chị sẽ làm công việc như tôi, tôi tên là Houzarde [9]; đó là tên đùa thôi. Ấy thế mà gọi là Houzarde, tôi lại thích hơn gọi là cô Bicorneau, như mẹ tôi. Tôi là người bán hàng căng-tin, nghĩa là người cho lính uống rượu khi họ bắn giết nhau. Nhộn vô cùng. Chân chúng ta cũng gần bằng nhau, tôi sẽ cho chị đôi của tôi. Tôi cũng ở Paris hôm 10 tháng 8. Tôi đã đem rượu cho Westermann [10] uống. Thế mà xuôi cả. Tôi được xem chém đầu Louis XVI. Người ta gọi hắn là Louis Capet, hắn không muốn đâu. Chà! Tất nhiên thôi. Đâu mới hôm 13 tháng 1, hắn còn sai luộc hạt dẻ và cười đùa với vợ con. Lúc bắt hắn nằm lên cái người ta gọi là bàn chém, hắn chẳng còn áo, giày nữa; hắn mặc mỗi chiếc sơ-mi, một áo cộc may chần, một chiếc quần dạ xám và đôi bít-tất lụa xám. Chính tôi đã nhìn thấy, chiếc xe ngựa giải hắn đến sơn màu xanh lá cây chị ạ. Anh em trong tiểu đoàn đi với chúng tôi đều tốt cả. Chị sẽ làm người bán hàng căng-tin số hai. Tôi sẽ chỉ dẫn công việc cho chị. Ô! Đơn giản lắm! Với chiếc bi-đông và một cái chuông con, ta đi giữa cảnh huyên náo, dưới làn đạn, giữa tiếng đại bác, trong tiếng ồn ào mà reo lên: “Các cậu, ai muốn tợp một ngụm nào?” Kể cũng chẳng vất vả gì. Tôi thì chuốc rượu cho tất cả mọi người. Đúng thế đấy. Cho cả phe Trắng lẫn phe Xanh, mặc dù tôi ở phe Xanh. Mà là hạng xanh trung kiên nữa kia. Nhưng tôi chuốc rượu cho hết thảy mọi người. Đã bị thương thì ai chẳng khát. Người ta chết bất kể chính kiến. Những người chết phải siết chặt tay nhau. Đánh nhau thật là khờ dại! Nhập bọn với chúng tôi. Tôi chết thì chị thay tôi. Chị xem tôi như thế này nhưng hiền lành trung hậu. Đừng sợ gì hết.
Chị căng-tin nói xong thì người đàn bà lẩm bẩm:
— Bà hàng xóm nhà tôi tên là Marie-Jeanne, còn chị giúp việc chúng tôi tên là Marie-Claude.
Trong lúc đó, viên đội Radoub mắng anh khinh binh:
— Im đi! Cậu làm cho chị ta sợ. Không ai chửi rủa trước mặt đàn bà.
— Thì đầu óc một người lương thiện nào mà không như chết điếng đi khi thấy cái bọn rợ ấy, bố vợ thì bị chúa đất đánh què, ông nội thì bị cha xứ đày đi khổ sai và bố đẻ thì bị vua treo cổ, thế mà, mẹ kiếp, lại đi đánh nhau, đi làm loạn và đi chịu chết tan xương vì chúa đất, vì cha xứ và vì lão vua – Gã khinh binh cãi lại.
Viên đội quát lên:
— Hàng ngũ im lặng!
— Vâng, xin im, thưa ông đội – Anh lính vẫn nói – Nhưng làm sao mà không ngán cho một người đàn bà xinh đẹp thế kia, lại đem thân đi chết để đẹp lòng một gã ôm chân bọn thầy tu.
— Này cậu kia, đây không phải là câu lạc bộ của phân bộ Pique [11] đâu nhé. Đừng hùng biện nữa.
Rồi viên đội quay lại hỏi người đàn bà:
— Thế còn chồng chị? Anh ta còn làm gì? Bây giờ anh ta ra sao?
— Chẳng ra sao nữa, vì người ta đã giết anh ấy rồi.
— Ở đâu?
— Bên bờ dậu.
— Bao giờ?
— Đã ba hôm nay.
— Ai giết?
— Tôi không biết.
— Sao, chị không biết ai giết chồng chị à?
— Không.
— Quân xanh hay quân trắng?
— Một phát súng.
— Đã ba hôm rồi à?
— Vâng.
— Bắn từ phía nào?
— Phía Ernée. Chồng tôi ngã xuống. Thế đấy.
— Thế từ khi chồng chết, chị làm gì?
— Tôi đem các con đi.
— Đem đi đâu?
— Cứ phía trước mà đi.
— Ngủ ở đâu?
— Ngủ đất.
— Ăn gì?
— Chẳng ăn gì cả.
Viên đội bĩu môi kiểu nhà binh làm ria mép chạm vào mũi.
— Không ăn gì hết.
— Nghĩa là ăn mận rừng, quả dâu dại còn sót từ năm ngoái, hạt sim, nõn cây đuôi chồn.
— Phải rồi, ăn thế cũng bằng không.
Thằng cu lớn có vẻ hiểu chuyện, nói: “Con đói rồi.”
Viên đội rút trong túi ra một mẩu bánh lương khô chìa cho người mẹ. Người mẹ bẻ mẩu bánh làm đôi, chia cho hai đứa con. Hai đứa trẻ nhai ngấu nghiến.
— Không giữ lại phần mình – Viên đội lầu bầu.
— Chị ta không đói – Một người lính nói.
— Vì chị ta là mẹ – Viên đội đáp.
Lũ trẻ ngừng nhai bánh, kêu:
— Uống nước.
— Uống nước.
— Trong cái rừng chết tiệt này không có suối à? – Viên đội hỏi.
Chị căng-tin lấy chiếc ca bằng đồng đeo ở thắt lưng, cạnh chiếc chuông con, vặn vòi chiếc bình vẫn đeo bên người, rót vài giọt vào đó rồi ghé ca vào miệng lũ trẻ.
Đứa thứ nhất uống một ngụm rồi nhăn mặt lại.
Đứa thứ hai uống rồi nhổ ra.
— Ngon thế mà lại… – Chị căng-tin nói.
— Rượu cay à? – Viên đội hỏi.
— Đúng. Mà lại hảo hạng đấy. Nhưng chúng là con cái dân quê mà.
Rồi cô ta lau ca.
Viên đội lại hỏi tiếp:
— Thế nhà chị cứ thế mà chạy trốn ư?
— Phải thế chứ!
— Chạy qua đồng như ma đuổi ấy à?
— Tôi chạy hết hơi, rồi tôi đi, rồi tôi ngã.
— Con chiên lành tội nghiệp – Chị căng-tin nói.
Người đàn bà ấp úng:
— Họ đánh nhau. Súng nổ chung quanh tôi. Chẳng hiểu họ muốn làm gì nhau. Họ giết mất chồng tôi. Tôi chỉ hiểu có thế thôi.
Viên đội nện báng súng xuống đất thình thịch, và kêu lên.
— Cái chiến tranh khốn kiếp này! Chó đẻ!
Người đàn bà lại nói tiếp:
— Đêm qua, chúng tôi ngủ trong “hang cây”.
— Cả bốn mẹ con?
— Cả bốn mẹ con.
— Ngủ?
— Ngủ.
— Tức là ngủ đứng – Viên đội nói.
Viên đội quay lại phía binh sĩ:
— Anh em ạ, một thân cây to, già cỗi, rỗng ruột, chết khô, một người có thể chui vào như chui vào trong một cái phao, những người rợ kia gọi nó là “hang cây”. Biết làm thế nào?
Không phải ai cũng là người Paris.
Chị căng-tin thốt lên:
— Chao! Ngủ trong hốc cây! Với cả ba đứa con!
— Mà rồi… – Viên đội nói tiếp – Lúc bọn trẻ khóc rống lên, ai đi qua đấy, chẳng nhìn thấy gì mà lại nghe cái cây gọi: “Bố ơi!”, “Bu ơi!” thì thật là kỳ quặc.
Người đàn bà thở dài nói:
— May sao bây giờ là mùa hè.
Chị nhìn xuống, nhẫn nại, đôi mắt ánh lên vẻ lâng lâng trước tai biến.
Binh sĩ lặng lẽ vây quanh người khốn khổ ấy.
Một mẹ góa ba con côi, chạy trốn, bơ vơ, đơn độc, chiến tranh gào thét bốn phương trời, đói, khát, chỉ còn cỏ để ăn, màn trời chiếu đất.
Viên đội đến cạnh người đàn bà, mắt đăm đăm nhìn đứa bé đang bú. Con bé nhả vú, khẽ quay đầu lại, đôi mắt xanh biếc, xinh đẹp nhìn bộ mặt gớm ghiếc, lông lá lởm chởm, hung hung đang cúi xuống nó, rồi nó nhoẻn miệng cười.
Viên đội ngửng lên và một giọt nước mắt to lăn xuống má rồi đọng lại ở ngọn ria như một hạt châu.
Ông ta cất cao giọng nói:
— Anh em ạ, binh tình này, tôi cho rằng tiểu đoàn ta phải làm cha chúng nó. Đồng ý chứ? Chúng ta nuôi ba đứa trẻ này.
— Cộng hòa muôn năm! – Binh sĩ đều hô lớn.
— Thế là ổn! – Viên đội nói.
Rồi ông ta chìa hai tay trên đầu người mẹ và ba đứa trẻ.
Ông nói:
— Đây là những đứa con của tiểu đoàn Mũ Đỏ.
Chị căng-tin vui mừng, nhảy lên reo:
— Ba cái đầu trong một cái mũ.
Rồi chị òa lên khóc, ôm hôn cuống quýt người đàn bà góa tội nghiệp và bảo chị ta:
— Con bé ra vẻ hóm rồi đấy!
— Cộng hòa muôn năm! – Binh sĩ lại hô lần nữa.
Và viên đội bảo người đàn bà:
— Nữ công dân! Đi theo chúng tôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.