Chuộc Chồng

CHUỘC CHỒNG



Nếu bà Alvirah Meehan được mụ phù thủy nào đó cho mượn quả cầu bằng pha lê, để bà xem trước việc nào sẽ xảy ra trong mười ngày sắp tới, thì có lẽ chỉ cần một bàn tay, bà cũng đủ sức lôi ông Willy ra khỏi cái phòng của bọn diễn trò ấy, thay vì bà ngồi tán chuyện với những người khách trong chương trình truyền hình của Phil Donahue. Bây giờ, chương trình này không còn chĩa mũi vào những hoan lạc giới tính hoặc những chuyện bê bối của các ông chồng, mà nhắm vào những người để cuộc đời mình loay hoay với các cuộc xổ số.
Nhóm tín đồ của các cuộc xổ số đến tham gia chương trình của Phil Donahue, bây giờ là những người được chọn trong số những con người kém may mắn. Chỉ có bà Alvirah và ông Willy là có số phận ngược lại với họ, mà cô Donahue nói với vợ chồng bà như vậy. “Cô ta làm thế là có dụng ý tốt”. – Bà Alvirah đã nói với ông Willy khi họ trở về sau cuộc phỏng vấn đó.
Để có mặt trong cuộc phỏng vấn này, bà đã đi nhuộm tóc màu dâu chín, mong làm mềm hơn khuôn mặt nhiều góc cạnh của mình. Hồi sáng, ông Willy đã nói bà có lại cái mái tóc giống hệt như lần đầu tiên ông để ý đến bà trong cuộc khiêu vũ ở Câu lạc bộ “Những Hiệp sĩ của Columbus”, hơn bốn mươi năm về trước. Còn Nữ Công tước Min von Schreiber đã bay từ Suối nước nóng Cypress Point ở Pebble Beach về New York đề nghị chọn ngoại hình của bà để làm quảng cáo. “Chắc rằng điều quan tâm đầu tiên của bà khi trúng số là nên đến thăm Suối nước nóng” – Bà ta khuyến cáo bà Alvirah: “Khi tình hình kinh tế tồi tệ như thế này đang làm ai cũng buồn”.
Bà Alvirah mặc áo váy trắng, choàng áo lụa xanh nhạt có đính vật trang sức bằng bạc hình mặt trời mọc. Bà ước ao được sụt bớt mười kí-lô vì bà đang béo lên khi đi Tây Ban Nha cùng ông Willy hồi tháng Tám, nhưng bà biết bà vẫn còn đẹp. Muốn đẹp hơn nữa, bà phải làm cho gầy bớt, dù bà không có ảo tưởng để làm một người gầy trơ xương và khai thác triệt để cái vai ngang của bà để đi tranh giành chỗ đứng trên cái bục, trong cuộc thị Quý-Bà-Nước-Mỹ.
Ngoài họ ra còn có hai nhóm khách mời khác. Ba người là công nhân nhà máy sản xuất ống nhựa đã chia nhau giải trúng mười triệu, sáu năm về trước. Cả ba đều tin rằng sự may mắn có số tiền trúng thưởng đó sẽ giúp họ làm giàu bằng ngựa đua. Nhưng bây giờ họ đã vỡ mộng. Những chi phiếu sắp tới của họ, nếu có, cũng đều phải dành để trả các ngân hàng và Câu lạc bộ Chú Sam. Và hai người may mắn khác là một cặp vợ chồng đã trúng mười sáu triệu đô-la. Họ mua một khách sạn ở Vermont, rồi cắm đầu cắm cổ lo phục vụ cho khách trọ, cố không làm mẻ một đồng xu thu nhập. Số tiền còn lại của họ bây giờ được dùng để rải ra cho các phương tiện quảng cáo, mong ném cái khách sạn này sang tay một người khác.
Một trợ lý đưa mọi người vào phòng thu hình.
Bà Alvirah bây giờ thường có mặt trên màn ảnh truyền hình. Bà biết phải chọn chỗ ngồi góc nào để được rõ nét và thân hình bà nhìn có vẻ mảnh mai hơn. Bà không đeo nữ trang dành cho người béo lùn, vả lại những thứ ấy dễ làm nhiễu sóng, nên bà chỉ đeo một xâu chuỗi hạt.
Ông Willy thì trái lại, ông chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng. Dù Alvirah luôn động viên rằng ông là người đàn ông trông rất oai vệ và mọi người có thể tưởng ông là một ngài Tip O’Neil, nhưng với ông điều hạnh phúc nhất đời là được sờ vào cái ống nước, cầm cái mỏ-lết răng thì ông nghe dễ chịu hơn nhiều. Ông được sinh ra để làm thợ sửa ống nước thôi.
Cô Donahue mở đầu bằng giọng nói nhẹ nhàng, pha chút hoài nghi như thường lệ: “Các bạn có nghĩ rằng sau khi mình trúng số hàng triệu đô-la, các bạn cũng cần có một ban tư vấn không? Các bạn có nghĩ rằng mình có thể trắng tay trong khi những tờ chi phiếu thơm phức vẫn đang chạy vào túi các bạn không?”
“Không!” – Rất đúng kịch bản là khán giả trong phòng phải cùng la lên như thế.
Alvirah nhớ nằm lòng điều ấy. Bà đưa tay qua đan vào trong tay ông Willy. Bà không muốn ông bị đau đầu khi nhìn lên màn ảnh truyền hình. Gia đình và một số bạn bè của những người này chắc cũng đang theo dõi chương trình. Có thể bà sơ Cordelia, chị của Willy, cũng mời hết các nữ tu sĩ trong tu viện đến chỗ bà để cùng xem.
Có ba gã đàn ông nhìn lên màn hình chăm chú một cách thái quá là những người không thường xuyên theo dõi chương trình của Donahue. Cả ba, Sammy, Clarence và Tony mới vừa được trả tự do từ một nhà tù an-toàn-tối-đa gần Albany, nơi mà chúng là những người khách bắt buộc trong mười hai năm vì đã tổ chức một vụ đánh cướp có vũ khí, tấn công xe tiền của Ngân hàng Brink. Mà cũng thật là xui xẻo cho chúng, bởi chúng chưa kịp tiêu xài một đồng xu nào trong số sáu trăm nghìn đô-la cướp được. Chiếc xe chúng dùng để chạy trốn đã bị xẹp lốp cách nơi chúng gây án chỉ có một khu phố.
Giờ đây, sau khi trả xong món nợ đó cho xã hội, chúng đang tìm kiếm một cách làm giàu mới. Ý tưởng đi bắt cóc thân nhân của một người trúng số nảy ra theo sáng kiến của Clarence. Đó là lý do để bọn chúng theo dõi rất kỹ chương trình của Donahue hôm nay, trong cái phòng tồi tàn của khách sạn Lincoln Arms tại góc Đại lộ 9 và Phố 40. Tony đã ba mươi lăm, trẻ hơn hai thằng kia chùng mười tuổi. Giống như thằng Sammy anh nó, nó có bộ ngực nở nang, đôi tay thật khỏe. Hai mắt nhỏ xíu thụt vào bên trong quầng mắt và lông mi kẻ cướp. Tóc nó dày và bù xù như lông chó cảnh Trung Quốc. Nó chỉ biết nhắm mắt nghe lời anh nó, còn anh nó thì ngoan ngoan làm theo lệnh Clarence.
Clarence thì hoàn toàn tương phản với hai thằng kia. Tướng tá nhỏ con nhưng dẻo dai, có giọng nói nhỏ như con gái. Con người Clarence toát ra một vẻ lạnh lùng, tàn nhẫn. Vì vậy, người ta thường có khuynh hướng hãi sợ gã Clarence, kẻ được sinh ra để làm một con người không có lương tâm, và giống như một số những kẻ giết người bất trị khác, những đứa thường nói lảm nhảm khi ngủ, dù là chúng đang ngủ trong nhà tù – như kết luận của một số nhà tâm lý xa hội học sau khi nghiên cứu.
Sammy không bao giờ dám thú thật với Clarence rằng thằng Tony đã lén lấy chiếc xe chúng phải dùng tẩu thoát sau khi cướp xe tiền của Ngân hàng Brink đêm trước đó để đi chơi và chạy bừa trên con đường đầy mảnh chai vỡ. Tony còn sống thì chưa hết hối tiếc vì nó đã không kiểm tra lại các bánh xe.
Trên màn ảnh nhỏ, một trong ba người trúng số rồi đặt tiền trên chân ngựa đua đang than thở: “Trong thế giới, không ai có đủ tiền để nuôi những con ngựa này”. Hai người bạn cùng cảnh ngộ với ông ta gật gù biểu lộ thái độ đồng tình.
Sammy khịt mũi: “Cái vó của mấy lão này thì không thể đánh bóng được đủ hai mặt một đồng năm xu”. – Rồi gã bước tới định tắt máy.
“Khoan”, – Clarence gắt, cộc lốc.
Bà Alvirah đang nói: “Chúng tôi không lạm dụng đồng tiền”. Bà giải thích: “Ý tôi muốn nói, chúng tôi có một cuộc sống đầy đủ. Chúng tôi có một căn hộ ba phòng ở Flushing và hiện vẫn còn giữ lại căn hộ đó, phòng khi chính quyền bị kiệt quệ và kêu gọi chúng tôi đóng góp những chi phiếu còn lại của mình. Tôi đã làm nghề quét dọn và ông Willy của tôi là một người thợ sửa ống nước, nên chúng tôi phải hết sức thận trọng”.
“Những người thợ sửa ống nước làm giàu!” – Donahue hồ hởi tuyên bố.
“Nhưng không phải là ông Willy”. Bà Alvirah mỉm cười đính chính – “Một nửa thời giờ làm việc của ông ấy là đến sửa chữa không lấy tiền ở chỗ các cha cố và tu viện, cũng như tại nhà những người có hoàn cảnh khó khăn. Các bạn biết tại sao mà! Tại vì tiền sửa chữa các chậu rửa chén, chậu rửa mặt và bồn tắm rất đắt, còn ông Willy cảm thấy ông cần làm cho cuộc sống của mọi người dễ chịu hơn. Bây giờ ông ấy vẫn còn làm điều đó”.
“Rất tốt. Nhưng chắc bà cũng dùng tiền trúng số của mình cho những thứ gì đó chứ?” – Cô Donahue hỏi – “Như bà ăn mặc rất đẹp thế này, chẳng hạn?”.
Bà Alvirah nghĩ tới chuyến đi tới Suối nước nóng Cypress Point, nhưng bà giải thích rằng, dù không có số tiền trúng số, họ cũng có đủ những điều vui thú. Giờ họ đã mua một căn hộ ở phía nam Công viên Trung tâm. Họ cũng có những chuyến du lịch. Họ đóng góp cho Quỹ từ thiện. Bà viết bài cho tờ New York Globe và có nhiều dịp tiếp tay làm sáng tỏ những vụ án bà được biết trong những chuyến đi ấy, bà có ý muốn trở thành một thám tử. “Tuy nhiên” – Bà kết luận một cách chắc chắn: “Trong năm năm từ khi chúng tôi trúng số, mỗi người trong hai chúng tôi đã tiết kiệm được một nửa số tiến của mình. Và tất cả số tiền ấy đều đang nằm trong các ngân hàng”.
Hai thằng Sammy và Tony ngồi sau lưng Clarence nhìn thấy cảnh đám khán giả trong phòng thu đang nồng nhiệt tán thưởng bà Alvirah. Clarence mỉm cười, một nụ cười không hở môi, không phải vì tâm trạng vui vẻ. “Hai triệu tiền. Một năm. Cứ coi như gần một nửa để đóng thuế, thì có nghĩa là trong một năm, mỗi người còn lại hơn một triệu một tí để gửi tiết kiệm. Vậy là cả hai đã gửi trong ngân hàng hai triệu. Điều đó khuyên ta nên làm một vố?”.
“Mình lượm con mụ đó hả?”. Vừa hỏi, tay Tony vừa chỉ vào màn hình.
Clarence lừ mắt nhìn nó, làm nó tiu nghỉu. “Không, đồ ngu. Cứ nhìn cả hai coi. Mày khôngthấy ông ta cứ để mắt vào bà vợ như mụ ta là một chị bảo mẫu đó sao? Nếu bị lạc mụ ta thì ông ta sẽ chạy đi tìm hỏi cảnh sát ngay lập tức. Vậy thì ta nên hốt thằng cha này. Còn mụ vợ thì sẽ được báo các điều kiện để mang tiền tới mua lại chồng về”. Gã nhìn quanh một vòng: “Tao hy vọng thàng cha Willy sẽ vui khi đến ở chỗ này với tụi mình”.
Tony nhăn mặt: “Mình phải bịt mắt lão ta. Tôi không muốn lão nhận lại tôi, khi tôi đi một mình”.
Sammy thở ra: “Đừng lo, Tony. Đúng cái phút mình nhận tiền, Willy Meehan còn đang tìm mấy cái hang hốc trong lòng sông Hudson”.
Hai tuần sau, bà Alvirah đi làm tóc ở hiệu Louis Vincent, cái mỹ viện nằm ngay góc ngoài cùng của một lô thuộc khu chung cư phía Nam Công viên Trung tâm. “Từ hôm chương trình truyền hình được phát sóng đến nay, tôi nhận rất nhiều thư”. Bà nói với ông Vincent – “Ông có tin là tôi cũng nhận được một cái thư của Tổng thống không? Tổng thống khen chúng tôi biết sử dụng đồng tiền của mình. Ông nói chúng tôi là điển hình trong những người biết làm sao cho tủ tiền của mình cứ đầy lên. Tôi ước chi Tổng thống mời chúng tôi đến ăn tối tại Nhà Trắng. Tôi luôn ước ao được vào một nơi như thế. Có thể, rất có thể vào một ngày nào đó?”.
“Lúc ấy chắc thế nào tôi cũng được hân hạnh làm tóc cho bà”. – Ông Vincent vui vẻ nói lúc ông cũng vừa hoàn tất kiểu tóc cho bà Alvirah. “Bà có làm móng tay không?”.
Về sau, bà Alvirah biết là bà không nên bỏ qua những cảm giác bồn chồn, xúi bảo bà quay về nhà. Vì nếu bà về ngay, bà có thể kéo tay ông Willy lại trước khi ông chui vào xe của gã nào đó rồi.
Nửa giờ sau bà mới trở về, người gác cổng gặp bà đã nở nụ cười thanh thản: “Chào bà Meehan. Có gì nhầm lẫn không mà tôi thấy ông Willy lo lắng quá chừng vậy?”.
Bà hoang mang lắng nghe ông Joe thuật lại: “Ông chạy ra khỏi thang máy mà hai mắt đỏ hoe. Ông ấy nói bà bị xốc vì một cơn đau tim đột ngột khi ngồi sấy tóc, và ông ấy phải chạy vào bệnh viện Roosevelt. Một người không ở khu này đem xe Cadillac đến đón” – Ông Joe nói: “Chính tôi mở cổng cho anh ta chạy xe vô. Bác sĩ cho xe riêng đến đón ông Willy”.
“Thật là tức cười” – Alvirah chậm rãi nói: “Tôi phải đến bệnh viện ngay mới được”.
“Để tôi gọi tắc xi cho bà” – Người gác cổng vừa nói vậy thì chuông điện thoại lại reo lên. Cười như xin lỗi, ông ta nhấc máy: “Hai – Mười một – Nam Công viên Trung tâm đây”. Ông ta lắng nghe, hơi suy nghĩ rồi quay qua Alvirah: “Điện gọi bà, bà Meehan”.
“Gọi tôi?”. Bà cầm ống nghe, tim như ngừng đập. Giọng nói đầu kia nghet nhỏ: “Bà Alvirah, chú ý nghe này. Bảo người gác cổng là chồng bà bình yên, chẳng qua là một sự ngộ nhận thôi. Ông ta sẽ gặp bà sau. Giờ bà trở lên phòng mình để nghe chỉ dẫn”.
Bà hiểu ngay là ông Willy đã bị bắt cóc. “Chúa ơi” – Bà kêu thầm rồi nói: “Được rồi. Nói với ông Willy là tôi sẽ nói chuyện với ông ấy một giờ sau”.
“Bà thật mau hiểu đó, bà Meehan”. Vẫn tiếng nói thật khẽ ấy, và tiếng gác máy vang trong tai bà. Bà trao ống nghe lại cho ông Joe.
“Đúng là quá nhầm lẫn, ông Willy tội nghiệp”. Bà nói vậy và cố cười lớn: “Ha, ha, ha”.
Ông Joe cũng cười theo: “Ở Puerto Rico, tôi chưa từng nghe chuyện bác sĩ nào cho xe riêng đến đón ai cả”.
Căn hộ của họ nằm trên tầng hai mươi hai, có khoảng sân thượng nhìn ra Công viên Trung tâm. Thường thì mỗi lần mở cửa vào bà Alvirah đều mỉm cười. Căn hộ rất đẹp như bà tự bảo mình, nên bà luôn dành một con mắt cho các thứ đồ đạc trang trí các phòng. Trong nhiều năm đi quét dọn tại nhà các bà chủ, bà cũng có thêm kiến thức về thiết kế và trang trí nội thất.
Nhưng hôm nay, bà không còn lòng dạ nào để nhìn ngắm sự hài hòa của cái trường kỷ dát ngà với những chỗ ngồi thân thuộc, chiếc ghế tiện lợi mà ông Willy rất thích vì được làm theo kiểu ghế dài có đệm mà không tựa, bàn sơn mài đen bóng và những chiếc ghế trong phòng ăn và sự vui mắt từ ánh nắng chiều nhảy múa trên thảm lá xanh ngoài công viên.
Những thứ đó còn đẹp đẽ gì nữa khi mà có điều không hay đang xảy ra với Willy? Bằng tất cả lòng yêu chồng bà tức tối nghĩ phải chi họ đừng trúng số thì họ vẫn sống tại căn hộ cũ của mình tại Flushing, phía bên trên của hiệu may của ông Orazio Romano. Thời gian đó, bà thường trở về sau khi quét dọn cho nhà bà O’Keefe và vui vẻ nói với ông Willy rằng bà O’Keefe được chủng ngừa đậu mùa bằng cây kim trên đĩa hát Victrola. “Mình này, bà ta không bao giờ ngậm miệng được, dù cho tiếng thét của bà ta chỉ rớt vào lỗ không. Nhưng có một điều tốt là bà ta không hề bừa bãi. Tôi chẳng có việc gì để mà làm”.
Chuông điện thoại reo. Alvirah bước tới định nhấc máy phụ trong phòng khách rồi đổi ý, bà chạy vào phòng ngủ. Chiếc máy thu băng ở chỗ đó. Bà ấn nút thu rồi nhấc điện thoại.
Cũng tiếng nói nhẹ như hơi thở lúc nãy: “Bà Alvirah?”.
“Phải. Ông Willy đâu? Các anh làm gì thì làm nhưng không được làm cho ông ấy bị thương” – Bà nghe có tiếng ồn trong máy giống như tiếng máy bay đang cất cánh. Chắc Willy đang ở sân bay?
“Chúng tôi sẽ không lóc thịt ông ấy nếu chúng tôi sớm nhận được tiền cũng như bà không đi báo cảnh sát. Bà không báo cho họ chứ?”
“Không. Tôi muốn nói chuyện với Willy”.
“Một phút nữa. Hai người gửi ngân hàng bao nhiêu tiền?”
“Chừng hai triệu”.
“Bà rất thành thật, bà Alvirah. Số đó vừa bằng số tiền chúng tôi cần. Nếu bà muốn ông Willy được trở về nguyên vẹn thì tốt hơn hết bà nên rút ngay số tiền đó ra”.
“Các anh sẽ có số đó”.
Có tiếng tặc lưỡi nho nhỏ. “Tôi thích bà, bà Alvirah. Hai triệu cũng thường thôi mà. Rút tiền đi. Không được phép sai một con số. Cấm ghi số giấy bạc như trò con nít. Không được tới chỗ cảnh sát. Chúng tôi đang để mắt tới bà đó”.
Những tiếng ồn của sân bay làm cho không nghe rõ được: “Tôi không nghe anh nói gì”. Bà nói bừa – “Tôi sẽ không đưa cho các anh một đồng xu cho tới khi tôi chắc rằng ông Willy vẫn bình yên”.
“Nói chuyện với ông ấy đi”.
Một phút sau, một giọng nói đây ngượng nghịu cất lên: “Ơi mình”.
Mọi nỗi lo nghĩ hoang mang như mới bị một cơn lũ quét, cuốn đi khỏi lòng bà. Cái bộ óc giỏi xoay trở của bà, vừa mới đây hết bén nhạy từ lúc ông Joe cho bà biết rằng ông Willy đã leo lên một chiếc xe riêng của bác sĩ, tức khắc trả lại bà sự linh lợi thường ngày.
“Mình ơi”. Bà gọi nhỏ, rồi lại nói thật lớn để cho bọn bắt cóc cũng nghe được. “Bảo mấy thằng đó phải chăm sóc mình đàng hoàng. Bằng không, chúng không sờ được một đồng năm xu nào đâu”.
Hai tay ông Willy bị cùm lại. Hai chân cũng bị trói. Ông nhìn thằng có vẻ là đầu xỏ, Clarence, đang nhịp nhịp ngón tay cái của nó lên chỗ giữa cái cùm tay ông: “Bà ấy đúng là người đàn bà của ông đó, Willy”. Clarence nói vậy, rồi bước tới tắt cái máy thu băng đang phát ra những tiếng ồn giả âm thanh có tại một sân bay.
Willy cảm thấy mình quá ngốc nghếch. Nếu Alvirah đã bị xốc vì một cơn đau tim đột ngột thì thế nào ông hoặc bà Louis Vincent cũng phải gọi cho ông ngay. Thế mà ông đã không nghĩ ra điều đó. “Đúng là ta ngốc thật”. Ông nhìn quanh. Đây là một cái ổ bẩn thỉu. Lúc ông ngồi vào trong xe thì một thằng ẩn mình phía sau băng ghế đã chĩa súng vào cổ ông: “Chống cự thì tao cho một phát ngay”. Khẩu súng vẫn dí vào ông lúc chúng đẩy ông qua hành lang để tới cái ổ lưu manh này. Đây là một khu nhà duy nhất cạnh đường hầm Lincoln. Các cửa sổ đều đóng kín, nhưng ông vẫn nhận ra đủ thứ khí thải và khói từ các loại xe tràn vào trong phòng.
Ông nhận xét hai thằng Sammy và Tony rất nhanh. Hạng tầm thường. Ông có thể quật chúng nó dễ dàng. Nhưng khi thằng Clarernce bước vào thông báo rằng gã vừa cảnh cáo bà Alvirah phải làm sao để người gác cổng không còn thắc mắc hay nghi ngờ gì, thì ông Willy biết gã ta mới đáng ngại, và ông thực sự lo sợ. Clarence làm ông nhớ tới thằng Nutsy, một đứa ông biết hồi còn nhỏ. Nutsy thường chẳng ghê tay khi dùng khẩu súng BB của nó bắn vào các tổ chim non.
Willy thấy Clarence là tên đầu đảng. Gã đã gọi Alvirah, ấn định số tiền chuộc. Gã cho phép ông nói điện thoại. Còn bây giờ, gã quyết định: “Nhốt ông ta vào tù”.
“Khoan, chờ chút”. Ông nói – “Tôi đang đói”.
“Chúng tao đã đặt bánh mì kẹp thịt và mấy món rán rồi”. Sammy nói với ông trong khi tay nó thì nhét miệng ông lại, để ông không thể kêu cứu được: “Rồi chúng tao sẽ cho ăn”.
Sammy quấn thêm dây thùng từ cổ chân lên ống chân ông, buộc chặt rồi xô ông vào cái tủ áo chật cứng. Cánh cửa tủ không đóng sát vào khung được nên ông có thể nghe tiếng thì thầm của bọn chúng: “Hai triệu tiền. Có nghĩa là mụ ta phải đến đủ hai mươi ngân hàng. Mụ ta đủ khôn, đâu dại gì gửi một chỗ quá một trăm ngàn đâu. Vậy mới chắc. Viết xong giấy tờ, mụ ta nộp vào, đếm tiền và như vậy phải mất ba bốn ngày mụ ta mới rút ra hết được”.
“Mụ ta phải mất bốn ngày” – Clarence nói – “Mình sẽ nhận tiền tối thứ Sáu. Tao bảo mụ ta mình phải đếm đủ số tiền thì mụ ta mới được nhận chồng về”. Gã cười lớn: “Rồi mình giao cho mụ ta cái bản đồ có đánh dấu chử “X” để chỉ chỗ đưa chiếc xáng đến cạp lòng sông”.
Bà Alvirah ngồi hàng giờ trong chiếc ghế của ông Willy, nhìn mà không nhận thấy buổi chiều muộn đang thả dần những bóng tối lên Công viên Trung tâm. Những tia nắng cuối cùng đã biến mất. Bà với tay mở đèn và từ từ đứng lên. Bà không thể không nhớ lại quãng thời gian bốn mươi năm sống đầm ấm cùng Willy, hoặc như vừa sáng nay, họ đã đọc hết một tập sách mỏng để quyết định là nên chọn một chuyến du lịch bằng lạc đà băng qua Ấn Độ hay sẽ đi chơi bằng khí cầu trên miền Tây Phi châu.
“Bằng mọi cách phải đưa được ông ấy về”. Bà tự nhủ với một quyết tâm, làm xương hàm bạnh ra hai bên. Còn việc đầu tiên cần làm bây giờ là bà đi pha một ấm chè rồi lôi ra tất cả các sổ gửi tiền và sắp xếp thứ tự các ngân hàng bà sẽ tới xin rút tiền.
Các ngân hàng đều nằm rải rác ở khu Manhattan và Queens. Một trăm ngàn đô-la gửi tại mỗi ngân hàng ở đó – tất nhiên là có lãi suất lũy tiền, mà họ lĩnh ra vào cuối năm để mở thêm trương mục mới. Bà thường nói với các ngân hàng: “Không phải nghĩ, cứ vạch thêm một đường nữa bên cạnh biểu đồ tiền gửi của chúng tôi”. Họ phải chiều ý. Ký thác. An toàn. Định kỳ! Khi ngân hàng thuyết phục họ mua trái phiếu có thời hạn mười hoặc mười lăm năm thì bà nói: “Với tuổi của chúng tôi bây giờ, chúng tôi sẽ không mua thứ gì để được trả lại sau mười năm cả”.
Bà mỉm cười khi nhớ Willy đã phụ họa: “Và chúng tôi cũng không mua những quả chuối còn xanh”.
Alvirah ngồi uống từng ngụm nước chè, mà bà nghe như bà đang nuốt thứ gì lớn lắm trong cổ họng. Bà quyết định, sáng mai bà sẽ bắt đầu từ Phố 57, tới ngân hàng Chase Manhattan trước, rồi qua đường đến Chemical, sau đó về đại lộ Công viên đến Citibank và cuối cùng ra Phố Wall.
Đó là một đêm thật dài, bà nằm thao thức, nghĩ cách phải làm sao để Willy được an toàn. Mình phải đòi chúng cho mình được nói chuyện với ông ấy mỗi đêm cho tới khi rút được hết tiền” – Bà dặn lòng như thế – “Chỉ có cách đó chúng mới không làm hại ông ấy, và mình tính toán hành động”.
Buổi sáng bà định gọi điện báo cảnh sát. Lúc bà thức dậy thì đã bảy giờ, nên bà bỏ ý định đó. Vì biết đâu bọn chúng có đặt người theo dõi từng cử động của bà tại chung cư này, thì bà sẽ mất hết mọi cơ hội.
Ông Willy ngủ một đêm trong tủ áo. Chúng đã nới bớt dây thừng để ông nhúc nhích được chút ít. Cũng chẳng có chăn gối gì. Ông phải kê đầu lên chiếc giày của ai đó bỏ trong tủ mà ông không làm cách nào để hất nó qua một bên được. Đủ thứ linh tinh trong tủ áo. Lúc chợp mắt, ông mơ thấy cổ mình dính chặt một bên vách núi Mount Rushmore, đối diện với khuôn mặt của cố Tổng thống Teddy Roosevelt được chạm khắc trên vách núi.
Không ngân hàng nào mở cửa trước chín giờ sáng. Alvirah biết như vậy. Lúc tám giờ rưỡi, cố giữ cho mình có một ý chí mạnh mẽ như hơi nước thoát ra từ chiếc nồi áp suất đang sôi trong bếp, bà đi lau dọn sạch sẽ toàn bộ căn hộ. Mấy sổ gửi tiền đã nằm trong cái túi đeo vai lụng thụng của bà. Bà còn cất trong tủ một cái túi đa dụng kiểu dáng như một khúc xúc xích xông khói, đó là một cái túi duy nhất có tại khu phía Nam Công viên Trung tâm này, mà bà đã mua trong kỳ nghỉ hè ở Catskills với Willy trong chuyến du lịch của hãng Greyhounds Tours.
Sáng tháng Mười trời lạnh và khô, bà định mặc chiếc áo ngoài màu xanh nhẹ mà bà mua trong thời gian ăn kiêng, nhưng gài dây lưng không được, bà sửa chữa điều đó bằng một cái kim băng lớn. Và tự động theo một thói quen, bà đính cái món trang sức hình mặt trời mọc bằng bạc của mình lên ve áo.
Vẫn còn sớm. Bà cố giữ ý nghĩ rõ ràng rằng đây là một vụ bắt cóc để tống tiền nên tiền chuộc cần phải có sớm. Bà đun lại ấm chè và mở truyền hình theo dõi bản tin buổi sáng của Đài CBS. Những dòng tin đầu vẫn như thường lệ, là những điều tốt đẹp. Như, không còn một tay súng nào của Mafia để đem ra truy tố, không có một vụ giết người nào đáng kể, không ai bị bắt giữ vì buôn bán trái phiếu quá hạn.
Alvirah định tắt máy thì nghe phát thanh viên loan báo rằng từ hôm nay, mọi công dân ở New York có thể sử dụng thiết bị thu băng có hiển thị số điện thoại của người gọi đến trong số 212 mã vùng.
Phải mất một phút bà mới hiểu ra một việc. Bà chạy ngay tới tủ đựng dụng cụ đồ nghề. Trong số những thiết bị điện tử, bà và Willy rất thích cái máy thu băng có hiển thị số điện thoại gọi đến, mà hai người đã mua từ Hammacher Schlemmer, để bỏ xó, vì lúc đó ở New York thì chưa thể đưa vào sử dụng được. Còn bây giờ…
“Tạ ơn Chúa nhân từ và Đức Mẹ Lòng Lành” – Bà cầu nguyện rồi xé hộp lấy cái máy ra bằng mấy ngón tay run rẩy. Bà dùng nó làm máy thu còn máy trong phòng ngủ sẽ làm máy phát. “Mong sao chúng còn giữ Willy ở New York, để chúng sẽ phải dùng điện thoại ở đó mà gọi mình”.
Bà thử nói vào máy một đoạn: “Các ông tới ngay nhà bà Alvirah và ông Willy. Trong máy có lưu một bản tin. Chúng tôi sẽ giải thích sau”. Rồi bà cho phát lại. Tiếng bà nghe khác vì giọng nói đầy lo lắng và bãt an.
Bà nhớ là bà đã từng đóng kịch và được huy chương năm lớp 6 tại trường dòng St. Francis Xavier ở Bronx. Phải bình tĩnh, bà nghiêm khắc tự bảo mình. Hít một hơi thở thật sâu, bà thử lại: “Chào các ông. Xin các ông tới ngay nhà…”.
Đã khá hơn, bà nhận xét khi nghe lại đoạn thu đó. Đeo cái túi lên vai, bà thẳng đường tới ngân hàng Chase Manhattan để làm thủ tục xin rút tiền đi chuộc Willy.
Willy tự ví mình như một cái nhân trong một vỏ hạt. Ông nhúc nhích liên tục để hai tay bị trói đỡ tê nhức. Hai chân bị bó lại nên ông cố duỗi ra một chút. Lúc tám giờ rưỡi, ông nghe có tiếng động nhưng không rõ là tiếng gì. Có thể ai vứt cái gì đó vào phòng. Bọn chúng mang ra những món ăn rất tồi, đựng trong đĩa giấy. Chắc mấy cái bánh mì kẹp thịt đã có từ tối hôm trước. Dù vậy, nghĩ tới một tách cà phê, một miếng bánh nướng, ông cũng chảy nước bọt.
Một lát sau, cửa tủ mở ra. Sammy và Tony chăm chú nhìn ông. Sammy cầm súng, còn Tony thì tháo đồ nhét miệng ông ra. “Ngủ được chứ?”. Nụ cười đáng ghét của nó làm lộ hai cái răng nanh bị mẻ.
Ông phải để yên mất hai phút cái tay mới bớt tê. Hai bàn tay ông ngứa ngáy như muốn nện cho thằng Tony rụng hết hai cái răng nanh của nó. “Ngủ như con nít” – Ông nói bừa rồi hất đầu về phía phòng tắm. “Vào đó được chứ?”.
“Cái gì?” – Tony nheo mắt, bộ mặt kẻ cướp hơi cúi xuống, khó nghĩ.
“Ông ta cần đi vệ sinh” – Clarence nói và băng qua gian phòng hẹp, cúi nhìn ông: “Thấy cây súng đó chưa?” – Gã chỉ khẩu súng – “Nó là thứ im lặng. Nhưng ông mà làm cái gì ngồ ngộ là nó lên tiếng liền. Sammy có ngón tay trỏ ba trợn lắm đó. Mà chúng tôi cũng điên lên khi ông làm ra chuyện lôi thôi. Ông lộn xộn thì chúng tôi sẽ lấy lại chỗ vợ ống để bù lỗ. Hiểu chưa?”.
Willy hiểu những gì Clarence muốn nói. Tony thì có vẻ ngờ nghệch. Sammy có thể có ngón tay khùng, nhưng nó chỉ làm điều gì khi Clarence gật đầu. Còm Clarence nới là kẻ dám giết người, ông cố làm cho giọng nói của mình hòa dịu: “Tôi hiểu”.
Nhưng thế nào thì ông cũng cần vô phòng tấm. Thằng Tonny chỉ nới lỏng dây trói đủ để ông khoát nước rửa mặt. Ông nhìn quanh, lòng căm ghét cay đắng. Gạch men bị vỡ và có lẽ nó cũng chẳng được lau chùi gì từ nhiều năm nay. Đầy vết cáu bẩn đóng đen trên lớp men bồn rửa mặt. Vòi nước nào cũng hở, tệ nhất là nước từ trên bồn chứa cứ nhỏ giọt liên tục, nhểu cả trên đầu. “Nghe như có cái thác Niagara ở chỗ này”. Ông nói với thằng Tony đang đứng ở cửa.
Trở ra, nó mạnh tay đẩy ông tới chỗ Sammy và Clarence đang ngồi bên cạnh cái bàn đã lung lay, trên bừa bãi mấy thứ đồ đựng cà phê và những thứ giống như từ chỗ Egg Me Muffins thải ra. Clarence ngồi trên chiếc ghế dựa bên cạnh Sammy, gật đầu với ông: “Ngồi xuống đó đi”. Rồi gã cau có gắt thằng Tony: “Đóng cái cửa lại. Cái mùi cóc chết đó làm tao muốn mất thở, nửa đêm tao phải thức dậy”.
Một ý tưởng đến trong đầu ông Willy, ông cố làm ra vẻ bình thường: “Tôi nghĩ là chúng ta còn phải ở đây mấy ngày nữa. Nếu anh kiếm ra đồ nghề, tôi có thể chữa được. Tôi là thợ sửa ống nước giỏi nhất mà anh chưa bắt cóc lần nào”.
Alvirah lại biết thêm điều này: Tiền gửi vào ngân hàng lúc nào cũng mau lẹ hơn là rút ra. Khi bà đưa tờ giấy xin rút tiền tại ngân hàng Chase Manhattan, đôi mắt nhân viên kiém toán trố lên. Ông ta đề nghị bà đến bàn làm việc của người trợ lý giám đốc.
Mười lăm phút sau, bà vẫn còn ngồi chết dí ở chỗ đó. Bà thấy mình không thể để các thủ tục làm khó mình, trong khi bà muốn mình không mất quá nhiều thì giờ tại mỗi ngân hàng. Cuối cùng, bà nhấn mạnh:
“Vậy số tiền đó có phải là tiền của tôi, hay là không?”.
“Tất nhiên. Tất nhiên là tiền của bà”. Rồi họ lại bắt bà điền thêm một số biểu mẫu nữa – theo quy định của chính phủ đối với những khoản tiền gửi xin rút ra trên mười ngàn đô-la. Tới lúc đếm tiền. Những cặp mắt lại trợn lên khi bà yêu cầu họ đếm cho bà 500 tờ một trăm đô-la và 100 tờ năm mươi đô la, vừa bằng số tiền xin rút.
Gần trưa, Alvirah đón tắc xi về chung cư cách đó ba khu phố, cất tiền vào cái hộp trong tủ áo, rồi lại quay xuống đường để đến ngân hàng Chemical ở Phố 8.
Cả ngày, bà chỉ rút được ba trăm ngàn đô-la trong số hai triệu mà bà đang cần. Bà ngồi đó, chăm chăm nhìn cái điện thoại, suy nghĩ tìm cách nào để việc rút tiền được nhanh hơn.
Buổi sáng hôm sau, bà gọi điện tới những ngân hàng còn lại, bảo họ rằng bà cần rút tiền. “Nhờ các ông-bạn-thân-mến vui lòng chuẩn bị sẵn từ bây giờ dùm”.
Lúc sáu giờ rưỡi, điện thoại reo. Bà nhấc máy lên, số điện thoại máy gọi hiển thị trên mặt kính máy thu băng. Số điện thoại của người quen. Alvirah nhận ra giọng nói nghiêm khắc của bà sơ Cordelia.
Willy có bảy bà chị. Sáu người đều vào tu viện. Người chị thứ bảy đã chết là mẹ của thằng Brian, là một soạn giả kịch bản mà bà Alvirah và ông Willy yêu quý như con đẻ. Brian đang ở London. Bà Alvirah vẫn muốn nó về sống tại New York để bà tiện giúp đỡ nó hơn.
Bà không biết nói sao với bà sơ Cordelia là Willy đã bị bắt cóc. Bà Cordelia dám gọi điện ngay cho Nhà Trắng để xin Tổng thống đưa quân đội đến giải thoát cho em bà lắm chứ chẳng đùa. Alvirah cười lớn mà nghe tiếng cười dội vào tai như tiếng nhạc thu lại trong các chương trình truyền hình rẻ tiền, bà nói: “Sơ Cordelia, đầu óc em đang đi đâu rồi, không biết nữa? Ông Willy… ông ấy…”. Bà thở mạnh: “Willy đang ở Washington để biểu diễn cách sửa chữa ống nước theo phương pháp rẻ nhất, tại các chung cư được xây dựng từ lâu của chính phủ. Sơ cũng biết là ông ấy làm việc khá siêu phải không? Tổng thống cũng nói Willy là một người có tài, nên đã gửi thư cho ông ấy”.
“Tổng thống à?” – Nghe giọng nói hoài nghi của bà sơ Cordelia, Alvirah ước chi mình là Thượng nghị sĩ Moynihan hay là một Dân biểu Hạ viện. “Mình không biết nói dối”, bà lo lắng, “mình không biết phải làm sao”.
“Willy không bao giờ đi Washington mà không có cô cùng đi” – Bà Cordelia khẳng định.
“Người ta đem xe đến đón ông ấy” – Cũng đúng, dù sao việc đón bằng xe thì có – bà Alvirah nghĩ vậy.
Bà nghe đầu dây bên kia có tiếng ậm ừ. Sơ Cordelia không ngây thơ vì ai cả. “Được rồi. Khi nào Willy về, bảo cậu ấy gọi điện cho tôi ngay”.
Hai phút sau, chuông điện thoại lại reo lên. Lần này số điện thoại hiện ra là chỗ không quen. “Bọn chúng?” – Bà nghĩ vậy và tỏ dấu hiệu hiểu rồi và nhớ lại vở kịch bà diễn năm lớp 6 và được nhận huy chương. Bà nhấc ống nghe lên, đầy tự tin.
“Chúng tôi hy vọng bà đã đến ngân hàng rồi, phải không bà Alvirah Meehan?”.
“Rồi. Cho tôi nói chuyện với ông Willy”.
“Bà sẽ nói chuyện với ông ấy một phút nữa. Chúng tôi muốn nhận tiền tối thứ Sáu”.
“Tối thứ Sáu? Nay đã là thứ Ba. Chỉ có ba ngày? Nhưng tôi phải mất rất nhiều thời gian mới rút ra được đủ số tiền đó”.
“Phải rút cho đủ. Giờ thì bà nói chuyện với ông ấy đi”.
“Ờ, mình đó hả?” – Giọng nói của Willy nghe có vẻ cam chịu. “Mình, nghe tôi nói này…”
Và Alvirah nghe tiếng ống nghe rơi xuống.
“Được rồi, bà Alvirah”. Tiếng nói nhỏ lại vang lên: “Chúng tôi sẽ không gọi bà lần nào nữa cho tới tối thứ Sáu, lúc bảy giờ. Chúng tôi sẽ để bà nói chuyện với ông Willy, rồi chúng tôi cho biết chỗ bà đến gặp chúng tôi. Hăy nhớ nếu xảy ra chuyên gì xấu thì bà phải trả giá đắt để nhận lại ông thợ sửa ống nước của bà. Willy sẽ không lo được gì cho bà đâu”.
Tiếng gác máy dội trong tai bà. “Willy. Ông Willy!”. Tay bà còn cầm chặt ống nghe. Bà nhìn dãy số hiển thị trên máy thu băng: “555.7000”. Bà nên gọi lại số đó không? Gọi lại để bọn chúng trả lời bà rằng: Chúng biết bà đã lần ra dấu vết của chúng sao? Bà gọi cho tờ Globe. Như bà hy vọng, ông Jim, phụ trách biên tập còn làm việc. Bà nói điều bà cần giúp đỡ.
“Chắc chắn tôi sẽ tìm ra cho bà. Giọng bà nghe có vẻ bí mật quá đấy. Bà tìm tư liệu để viết bài cho chúng tôi đó phải không?”
“Tôi chưa chắc lắm”.
Mười phút sau, ông Jim gọi lại: “Bà Alvirah, đó là cái ổ trộm cướp mà bà đang tìm kiếm. Số đó ở khách sạn Lincoln Arms, Đại lộ 9, gần đường hầm. Cách ngôi nhà đổ đi xuống một bước chân”.
Khách sạn Lincoln Arms. Bà ghi nhớ và nói lời cám ơn ông Jim trước khi gác máy, rồi bước ra ngoài.
Nghĩ mình có thể bị theo dõi, bà ra khỏi chung cư, đi qua nhà xe và gọi một chiếc tắc xi. Ban đầu bà bảo tài xế cho bà tới khách sạn, rồi bà sợ một đứa nào trong bọn chúng có thể phát hiện ra bà, bà lại nói tài xế cho bà xuống ở trạm xe buýt. Chỗ đó cách đường hầm Lincoln một khu phố.
Khăn vuông trùm kín đầu, cổ áo lật lên, Alvirah đi ngang khách sạn Lincoln Arms. Bà không ngờ đó là một tòa nhà lớn, tổng thể rất đẹp. Bà nhìn lên các cửa sổ. Có Willy đàng sau một trong những cánh cửa đó không? Có lẽ tòa nhà đã được xây dựng trước nội chiến và nó phải có ít nhất là từ mười đến mười hai tầng. Vậy thì làm sao bà có thể tìm ra Willy ở chỗ này đây? Một lần nữa bà thấy lo sợ và muốn báo cảnh sát. Rồi bà lại nhớ một vụ mà vợ nạn nhân đã làm thế. Khi cảnh sát tìm ra sào huyệt của bọn bắt cóc thì bọn chúng đã xa chạy cao bay. Thi thể nạn nhân được tìm thấy ba tuần lễ sau đó.
Bà Alvirah đứng trong bóng mát của tòa nhà và cầu nguyện Thánh St. Jude, vị thánh của lòng kiên nhẫn và độ lượng. Bất chợt bà thấy cái bảng nhỏ treo trên cửa sổ: “Cần Người”. Bốn giờ kém hai phút. Phục vụ phòng chăng? Bà phải xin chỗ làm đó, nhưng khi nhìn mình thì không có vẻ nào giống người đi xin làm phục vụ phòng cả.
Không chú ý đến từng hàng xe tải, xe buýt, xe con nối đuôi nhau vào đường hầm, bà Alvirah lao ra đường, gọi một chiếc tắc xi về chung cư cũ của bà ở Fushing. Đầu bà làm việc không nghỉ.
Căn hộ họ đã ở trong bốn mươi năm trông vẫn như ngày họ trúng số. Trường kỷ bọc vải nhung màu xẫm với chiếc ghế đặt đối diện, tấm trải sàn màu xanh và cam như ở nhà một phu nhân mà bà vẫn đến quét dọn mỗi thứ Ba, giờ đã được cuốn lại, và phòng ngủ mà ông Willy vẫn để y nguyên những đồ đạc của mẹ ông ngày trước.
Trong tủ còn tất cả những váy áo bà đã mặc thời gian ấy. Chiếc áo hoa của của hiệu Alexandre, quần và áo cổ lọ dệt bằng sợi hóa học. Những đôi giàu đặt cạnh cửa. Qua cái gương trong phòng tắm, bà dùng thuốc nhuộm làm cho bộ tóc của mình thành đỏ rực.
Một giờ sau, bà không còn dấu vết gì của người đàn bà trúng số nữa. Bộ tóc phủ quanh khuôn mặt bà bây giờ có thể làm nữ Công tước Min giật mình, vì bà bạn này hay khuyên bà cái gì vừa phải thì tốt hơn cả. Màu son môi của bà hoàn toàn tương phản với màu tóc và cả viền mắt màu tím tía. Áo lao động bằng vải thô đã chật phần mông, mắt cá chân trong đôi vớ dày thì nông ra hai bên chiếc giày vải trước bà vẫn thường mang, nhưng chiếc áo ngắn tay nhồi lông cừu của những người làm công việc vệ sinh trên lưng có in hình đường chân trời ở Manhattan thì cũng đủ làm hoàn tất cái việc thay hình đổi dạng.
Alvirah xem lại toàn bộ kết quả công việc bà vừa làm với sự hài lòng. “Mình trông giống hệt những bà đến xin việc chỗ cái khách sạn bẩn thỉu đó rồi”. Bà miễn cưỡng cất món trang sức hình mặt trời mọc vào hộp. “Đúng là không phù hợp chút nào nếu gắn nó lên cái áo ngắn tay để đi làm vệ sinh như thế này”.
Lúc khoác thêm chiếc áo bốn mùa đã cũ của mình, bà không quên cất tiền và chìa khóa vào cái túi lớn sọc đen và xanh theo thói quen mỗi khi bà đi làm công việc quét dọn cho nhà nào đó.
Bốn mươi phút sau, bà có mặt tại khách sạn Lincoln Arms. Chỗ hành lang rất dơ có cái bàn để nhồi bột trước bức tường treo các hộp thư và bốn cái ghế đã ọp ẹp mà chưa được sửa chữa. Tấm trải sàn màu nâu đầy lỗ rách lộ cả vải phủ nền từ lâu đời. Bà nghĩ, họ không cần tới phục vụ phòng đâu, chắc chỉ cần người quét dọn, khi bà bước tới chỗ bàn thư ký.
Lão thư ký nước da vàng bủng, mở to mắt nhìn:
“Bà cần gì?”.
“Tôi muốn xin việc. Tôi làm bồi bàn khá tốt”.
Đôi môi ông ta có vẻ mếu hơn là cười. “Chúng tôi không cần người giỏi, chỉ cần người nhanh nhẹn thôi. Bà bao nhiêu tuổi vậy?”.
“Năm mươi” – Bà nói dối.
“Bà mà năm mươi thì tôi mới mười hai. Bà vào đây”.
“Tôi rất cần việc làm”. Alvirah quyết tâm hỏi xin cho được, bởi vì trong lòng bà rất hồi hộp, bà cảm thấy ông Willy đang bị giữ ở đâu đó trong khách sạn này. “Xin giúp tôi. Tôi sẽ làm thử không hưởng luơng ba hoặc bốn ngày. Nếu tôi làm không được như người khác, tối thứ Bảy ông cứ đuổi tôi”.
Lão thư ký nhún vai, đầy hoài nghi: “Thế thì tôi bị mất gì đâu? Nhưng thôi được, trưa mai bốn giờ bà tới đây. Tôi gọi bà là gì nhỉ?”.
“Tessie”. Alvirah đáp rất tự tin: “Tessie Magink”.
Sáng thứ Tư, ông Willy thấy có một áp lực rất căng thẳng giữa những thằng bắt giữ ông. Clarence cương quyết không cho Sammy bước ra khỏi phòng. Khi Sammy phàn nàn, Clarence nạt ngang: “Dù có ở trong băng tao mười hai năm, mày cũng chưa được phép khó chịu vì một sự xếp đặt nào hết”.
Không có dấu hiệu nào của một người quét dọn đập cửa để lau phòng, nên ông Willy đoán rằng căn phòng chắc chẳng bao giờ được làm vệ sinh cả. Ba cái giường thì như giường trẻ con kê song song, đầu giường sát vào tường phòng tắm. Một cái tủ con thì được dán phủ ngoài bằng giấy Contact, một máy truyền hình đen trắng, một bàn tròn đã lung lay và bốn chiếc ghế, là tất cả vật bày trí của căn phòng.
Tối hôm qua, ông đã thuyết phục bọn chúng cho ông được ngủ trên sàn phòng tắm. Nó rộng hơn tủ áo và như ông tán rộng thêm là chỗ nằm rộng rãi sẽ giúp ông dễ dàng đi đứng đến nơi trao đổi con tin. Ông để ý theo dõi sự thay đổi nét mặt của chúng trước đề nghị đó. Ông biết bọn chúng đâu có thể để ông đi đứng tự do và nói với ai về chúng. Điều đó có nghĩa là ông chỉ còn có 48 giờ để tự giải thoát khỏi cái túi bọ chét này.
Lúc ba giờ sáng, khi nghe Sammy và Tony ngáy đều, còn thằng Clarence vẫn thở phì phò như bình thường, nhưng tiếng thở của nó chứa một điều gì bực tức. Ông Willy ngồi dậy, nhảy lò cò tới bàn cầu. Sợi dây trói ông khóa vào vòi nước chỉ cho phép ông qua lại trong phòng tắm, nhưng rất may là cũng đủ để ông với tay lên bồn nước. Bằng hai tay bị cùm, ông đưa lên trên bồn rồi thọc vào trong nước đục ngầu và rất bẩn.
Kết quả, vài phút sau, những giọt nước rỏ xuống nhiều và nặng hơn khiến người ta nghe thì phải chú ý.
Đó là lý do tại sao Clarence phải thức dậy, tức điên người vì tiếng nước chảy liên miên. Ông cười thầm khi nghe gã gầm gừ: “Tao thiếu điều muốn thắt cổ chết. Tiếng nước chảy như lạc đà đái vậy”.
Ăn sáng xong, ông tiếp tục bị trói lại và nhét vào trong tủ áo, thằng Sammy chĩa súng lên thái dương ông. Ông nghe dội vào tai tiếng gì đó lịt kịt ở phòng ngoài, có thể là tiếng của nhân viên phục vụ đang lau dọn trên sàn, nhưng dù cố gắng phân biệt đến đâu, sự chú ý của ông cũng là vô ích.
Buổi trưa, Clarence lấy khăn nhét quanh khung cửa phòng tắm, nhưng tiếng nước chảy vẫn lọt ra ngoài, gã lại gắt nhặng lên: “Tao đau hết cả đầu” rồi gã ngồi phịch xuống giường. Ít phút sau thì thằng Tony lại huýt sáo. Sammy bắt nó im ngay. Ông Willy nghe nó khẽ nói: “Khi Clarence bị nhức đầu thì mày phải liệu mà giữ hồn”.
Rõ ràng là thẳng Tony rất bực bội, nó dán đôi mắt ti hí lên màn ảnh truyền hình, tiếng cái máy cũ rồ rồ không rõ. Ông ngồi kế bên nó, bị trói vào ghế, miệng bị nhét chỉ đủ để nói qua đôi môi còn hở một ít.
Thằng Sammy vẫn chơi bài một mình bên bàn. Quá trưa thằng Tony chán xem truyền hình nên tắt đi. “Ông có mấy con rồi?” – Nó hỏi.
Willy nghĩ nếu Tony rời bỏ được cuộc sống tồi tệ này, nó có thể trở thành người tốt. Cố không để ý đến việc bị chuột rút và sự tê cóng tay chân, ông nói với nó rằng ông và bà Alvirah không được ơn Chúa nên chưa có đứa con nào, nhưng họ coi thằng cháu Brian như con họ, nhất là từ khi mẹ Brian qua đời. “Tôi còn sáu người chị” – Ông nói tiếp “Họ đều đi tu. Bà sơ Cordelia là chị cả, năm nay đã sáu mươi tám tuổi vào tu viện được hai mươi mốt năm rồi”.
Xương quai hàm của thằng Tony bạnh ra. “Ông nói thật chứ? Khi tôi còn bé, sống lang thang ngoài đường, tôi hay nhón vài đô-la của mấy bà hay bỏ vào trong túi xách. Ông biết tôi định nói gì không? Tôi muốn nói rằng, dù dễ như vậy, chứ tôi không bao giờ dám làm thế đối với một bà sơ nào, dù cho mấy sơ cứ mãi chú tâm chọn mua gì đó trong siêu thị. Mỗi khi làm được một vố bở, tôi hay bỏ hai đô-la vào hộp từ thiện của tu viện, kiểu như để biểu lộ lòng biết ơn”.
Willy nhìn Tony, lòng tự hỏi không biết từ sức mạnh nào để nó có sự hào phóng như vậy.
“Mày có ngậm mồm được không hả?” – Thằng Sammy từ trên giường quát sang – “Đầu tao đang nứt ra đây nè”.
Willy thở dài, thầm cầu nguyện. Ông bảo nó: “Anh biết không, tôi có thể chữa cho nước hết chảy, nếu tôi có cái mỏ lết răng và một cái vặn đinh vít”. Ông nói và cũng tự ông ngầm hiểu, nếu ông thọc tay tới cái bồn nước, ông có thể làm lụt cả căn phòng này. Bọn chúng sẽ không có điều kiện để bắn ông và ông có thể thoát thân, nếu lúc ấy có nhiều người tràn vào phòng để ngăn chận cái thác nước đang dội xuống đó.
Bà sơ Cordelia biết rằng đang có một chuyện gì đây. Bà rất yêu quý Willy, nhưng bà không thể hình dung được việc Tổng thống cho người đến đón cậu em của bà. Cũng như còn một điều khác nữa là Alvirah thì được người ta biết quá nhiều qua cái bài báo trên tờ New York Globe. Trong buổi sáng thứ Tư, bà Cordelia đã gọi điện cho Alvirah rất nhiều lần nhưng mãi đến ba giờ rưỡi chiều mới nghe tiếng Alvirah trong máy. Alvirah nói vừa có việc phải đi vắng, nhưng không nói là đi đâu, và Willy vẫn bình thường. Còn tại sao ông ấy không đến chỗ bà Cordelia là vì ông ấy đều ở nhà mỗi cuối tuần.
Tu viện là một phần của tòa dinh thự ở góc đại lộ Amsterdam, và phố 110. Bà sơ Cordelia sống ở đó với năm cô em lớn tuổi và một người tòng tu 27 tuổi, đó là sơ Maéve Maria, người có ba năm theo ngành cảnh sát, trước khi đặt mình trong ân sủng của Chúa.
Gác điện thoại lên, sơ Cordelia nặng nề ngồi xuống ghế trong phòng bếp. “Maéve” – Bà nói – “Có chuyện gì đó cho Willy rồi. Tôi cảm thấy điều đó trong tận xương mình”.
Điện thoại reo lần nữa. Người gọi là Artuno Morales, Giám đốc Ngân hàng tại Fushing, nơi Alvirah và Willy đã ở trước kia.
“Thưa sơ” – Ông ta hỏi ngập ngừng – “Tôi rất tiếc phải làm sơ băn khoăn đây, nhưng vì tôi cũng đang lo lắm”.
Trái tim bà sơ Cordelia rúng động khi nghe Artuno giải thích rằng bà Alvirah đang vội vã rút ra một trăm ngàn đô-la mà bà đang gửi tại Ngân hàng của ông. Họ chỉ mới giao cho bà hai mươi ngàn, nhưng hứa sẽ cho bà rút đủ số còn lại vào sáng thứ Sáu, vì bà Alvirah dứt khoát đòi phải được rút hết số tiền đó.
Bà Cordelia cám ơn ông ta về tin tức đã cho biết và hứa sẽ không bao giờ tiết lộ việc ông ta vi phạm nguyên tắc bảo mật của Ngân hàng. Bà gác máy và đột ngột bảo Maeve Maria: “Đi. Chúng ta đến gặp Alvirah”.
Bà Alvirah có mặt ở khách sạn Lincoln Arms đúng bốn giờ chiều. Bà đã thay bộ quần áo lao động tại nhà thay đồ Port Authority. Đứng trước bàn thư ký, bà không cảm thấy lo ngại gì trong việc đổi lốt này. Lão thư ký hất đầu về phía cánh cửa chỗ hành lang có gắn chữ: “Xin đứng bên ngoài”. Cái cửa dẫn vào nhà bếp. Bếp trưởng là một ông lão bảy mươi hay giật mình như diễn viên phim cao bồi Gabby Hayes những năm bốn mươi, đang chuẩn bị bánh mì kẹp thịt. Hơi khói bốc lên từ chỗ dầu mỡ vung vãi trên mấy chiếc bánh nướng. Ông nhìn bà Alvirah: “Chị là Tessie hả?”.
Alvirah gật đầu.
“Được rồi. Tôi là Hank. Bắt đầu chia bánh đi”.
Đồ dùng để phục vụ cho các phòng đều giống nhau. Những khay nhựa màu nâu giống như ở các căn-tin trong bệnh viện, khăn ăn vàng vải thô, đồ đựng bằng nhựa với mù-tạt nguyên chất, sốt cà chua và gia vị.
Lão Hank trét thịt băm lên những chiếc bánh mì: “Rót cà phê đi. Đừng đầy quá. Rồi chia bánh nướng ra khay”.
Alvirah làm theo: “Có bao nhiêu phòng trong khách sạn này hở ông?”. Vừa chuẩn bị các khay, bà vừa hỏi.
“Một trăm”.
“Nhiều vậy”.
Lão Hank toét miệng cười, để lộ cả bộ răng đóng đầy nhựa thuốc lá đen xì.
“Nhưng chỉ có bốn mươi phòng mới có khách thuê qua đêm. Thuê theo giờ thì không có khoản phục vụ này”.
Bà ngẫm nghĩ: Bốn mươi phòng cũng không phải là ít. Bọn bắt cóc thì phải có tối thiểu là hai thằng. Một thằng lái xe, một thằng khống chế Willy. Có thể còn một thằng nữa là thằng gọi điện thoại cho bà. Bà biết bà cần theo dõi, gạn lọc thật kỹ lưỡng, ngay từ bước đầu này.
Bà cố chú ý chia phần ăn theo sự chỉ dẫn của lão Hank. Bà bắt đầu đem bánh mì đến quầy bar cho chừng mười hai người có bộ dạng mà ta không muốn gặp vào đêm tối. Lần thứ hai là mang tới phòng thư ký và quản lý khách sạn, kẻ điều hành toàn bộ cái cơ ngơi này, ở trong cái phòng phía sau bàn thư ký. Những nhân vật chính của họ thì đang ở các tầng trên. Cái khay kế tiếp gồm mấy cái bánh bột bắp và một ấm cà phê thì bà phải đưa lên phòng một công dân có tuổi, đầu tóc rối bù và mắt xếch. Bà tin chắc mấy cái bánh bột bắp đủ bổ sung cho nhận xét của mình.
Lần lượt bà mang một khay đầy cho bốn người đàn ông đang đánh bạc trên tầng 9. Một nhóm khác cũng đang chơi bài trên tầng 7 thì lại đòi có bánh pizza làm bằng bột nhão nướng với kem có mùi thơm. Trước một căn phòng ở tầng 8, bà gặp một thằng có bộ mặt như người Eskimo. “Ồ, bà là nhân viên mới hả? Để tôi bưng vô được rồi. Bà làm ơn gõ cửa nhẹ thôi, đừng có dộng. Anh tôi đang bị nhức đầu”. Bà thấy sau lưng nó có một người nằm, đắp một cái khăn trên mắt. Bà cũng nghe có tiếng nước nhỏ giọt liên tục trong phòng tắm mà lại nghĩ đến Willy. “Ông ấy thì có bao giờ chịu để một giọt nước nào được chảy ra ngoài ý muốn như vậy”.
Chẳng biết còn ai khác đang ở trong phòng không hay là mấy phần ăn trên khay này đều dành cho một mình thằng đón ở cửa đó. Trong tủ áo, ông Willy có thể nghe được giọng nói có âm điệu giống hệt bà Alvrah, làm ông đau đớn không biết làm sao thoát khỏi nơi đây, để trở về với bà.
Tất cả các phòng đểu gọi phần ăn nên Alvirah bận rộn suốt từ sáu đến mười giờ. Theo sự quan sát và theo lời giải thích đủ mọi chuyện của lão Hank, khi lão đánh giá cao nỗ lực của bà, bà đã biết đủ sự hoạt động ở đây. Có mười tầng và mỗi tầng có mười phòng. Tầng một có sáu phòng cho khách thuê giờ. Những phòng ở tầng trên thì rộng hơn và có phòng tắm, dành cho khách thuê ít nhất một vài ngày.
Quá mười giờ, Alvirah nướng cho lão Hank một cái bánh mì kẹp thịt đầy ắp. – Lão cho bà biết mọi người thuê phòng ở đây đều dùng tên giả. Họ phải trả tiền mặt. “Giống như một thằng đã tới đây hốt tiền từ mấy cái hộp thư riêng của nó. Nó phát hành mấy thứ tạp chí tục tĩu. Mấy thằng khác thì đánh bạc. Còn những nhóm anh chị tới đây với mấy cái bao lớn khi chúng định đi ăn hàng ở đâu đó. Toàn lũ cặn bã cả, không có gì xấu hơn bọn chúng. Chỉ là rác rưởi. Một thứ hội kín”.
Đầu lão hơi gục xuống sau khi uống hết ly bia thứ ba. Ít phút sau lão ngủ khì. Alvirah lặng lẽ đi tới cái bàn vừa làm thớt vừa làm bàn viết. Lúc bà đem tiền xuống, bà được dặn cứ bỏ vào trong hộp thuốc xì gà, coi nó là cái máy thu tiền. Phiếu đặt món ăn và biên nhận tiền thì bỏ vào cái hộp bên cạnh. Lão Hank cho biết, đến nửa đêm khi không còn ai gọi món gì nữa thì thư ký cộng tiền thu, kiểm lại các phiếu đặt món ãn và biên nhận tiền, rồi bỏ tiền vào tủ sắt bên dưới cái tủ lạnh trong phòng quản lý, còn các phiếu và biên nhận thì vứt vào trong thùng giấy dưới gầm bàn. Sự buôn bán lớn ở đây là như vậy.
Alvirah nghĩ rằng có những điều bà không được phép quên. Bà phải sắp xếp mọi điều ghi nhận được cho có thứ lớp, sau khi bà nhặt nhạnh và nhét đầy cái bị của mình. Từ mười một đến mười hai giờ, bà phải ba lần nữa lo phần ăn cho khách gọi. Còn thời gian rảnh giữa những khi đó, bà trở lại cái nhà bếp dơ bẩn này, lo dọn dẹp lau chùi trước đôi mắt quan sát nhiều ngạc nhiên của lão Hank.
Mặc lại quần áo sạch sẽ và cọ rửa hết các thứ son phấn giả trang tại nhà thay đồ Port Authority, trùm lại tóc bằng cái khăn vuông, bà Alvirah gọi taxi về nhà lúc một giờ kém mười lăm sáng. Ông Ramon, người gác cổng ban đêm nói: “Bà sơ Cordelia đã đến đây. Bà ấy hỏi bà đi đâu?”.
“Sơ Cordelia đâu có ngây thơ để tin lời mình” – Alvirah nghĩ vậy bằng sự thán phục. Nhưng có một ý tưởng chợt nảy ra trong đầu bà: “Sơ Cordelia rồi sẽ vào cuộc”.
Trước khi ngâm mình trong bồn tắm Jacuzzi đang sủi bọt do bà đã đổ vào đó chất khoáng lấy từ Suối nước nóng Cypress Point, Alvirah cố nhớ để xếp loại các phiếu đặt phần ăn dính đầy dầu mỡ ở khách sạn. Trong một giờ, bà đã loại bỏ dần để bà sẽ tập trung dò xét cho có kết quả hơn và bà thấy chỉ còn lại bảy phòng đã đặt nhiều phần ăn. Bà đã bớt hoảng sợ như lúc nghĩ rằng bọn chúng là những người đánh bạc hay là ông Willy đã bị bọn bắt cóc đưa đi Alaska rồi. Trực giác bảo bà ngay phút đầu tiên đặt chân tới khách sạn là ông Willy đang ở bên cạnh bà.
Gần ba giờ sáng, bà vẫn còn thao thúc trên chiếc giường đôi. Dù rất mệt mỏi mà bà vẫn chưa ngủ được. Cuối cùng bà nhớ lại những lúc có ông Willy nằm cạnh bà. “Willy, tôi yêu mình trọn đời” – Bà nói thầm mà nghe như có tiếng Willy vỗ về: “Ngủ thật ngon, nghe mình”.
Sáng thứ Năm, nhìn đôi mắt của Clarence cũng đủ biết là cơn nhức đầu đang chẻ cái đầu của gã tới tận mép tai. Thằng Tony cẩn thận hơn không dám đi ngang mặt gã. Nó không xem truyền hình mà đến ngồi cạnh ông Willy. Bằng giọng nói khẽ nó kể cho ông nghe cuộc đời mình. Nó nói từ năm lên bảy nó đã biết nhón những viên kẹo trong một cửa hàng thì dễ dàng như thế nào. Nhưng tiếng Clarence từ trên giường làm nó thôi kể.
“Ông có thể chữa được cái bồn nước khốn nạn đó hả?”.
Ông Willy không muốn để lộ vẻ tự hào, nhưng mấy sợi cơ trong thanh quản như xúm lại ép ông gật đầu quả quyết.
“Vậy cần phải có thứ gì?”.
“Một cái mỏ lết răng”. Willy khó khăn nói qua cái miệng vị nhét. “Một cái vặn đinh vít. Dây thép”.
“Được rồi. Sammy, mày nghe ông ta dặn. Đi kiếm mấy thứ đó ngay”.
Sammy đang chơi bài một mình: “Để tôi bảo thằng Tony đi”.
Clarence quát lên: “Tao nói mày. Thằng em ba trợn của mày sẽ ba hoa với bất cứ thằng nào đứng gần nó, là nó đang đi đâu, tại sao đi, đi kiếm các thứ này cho ai. Mày đi liền đi”.
Tiếng Sammy run run, nhớ lại chuyện thằng Tony đã lén lấy xe đi chơi mà không hỏi ai: “Được rồi, Clarence, tôi sẽ đi” – nó nói nịnh – “Mà này, trong lúc tôi ra ngoài, sao anh không gọi một món ăn Tầu. Đổi món có khi nuốt được đấy”.
Gương mặt cau có của Clarence hơi diệu đi. “Ừ, phải đó. Gọi món lotsa có nước tương cho tao”.
Lúc bảy giờ sáng, bà sơ Cordelia tới. Alvirah cũng vừa sửa soạn bữa ăn sáng xong. Bà đã thức dậy được nửa giờ và vẫn còn đang choàng cái áo len sọc vuông của Willy vẫn mặc sau khi tắm, nghe rõ mùi xà phòng cạo râu hơn là mùi thơm của ấm cà phê đang đun trên bếp.
“Cô nói coi, có việc gì vậy?”. Bà sơ Cordelia đột ngột hỏi.
Vừa uống cà phê và ăn mấy cái bánh nhỏ hiệu Sara Lee, bà Alvirah kể hết sự việc vừa xảy ra mấy ngày qua.
“Sơ Cordelia ơi” – Alvirah kết luận: “Em không dám nói thật với sơ là vì em có điều đang lo sợ, nên phải nói dối. Em sợ chúng nó giết chết Willy, nếu chúng đặt người theo dõi và biết em có tiếp xúc với người lạ mặt nào đó. Sơ Cordelia, em đoan chắc là ông ấy đang bị giấu ở trong khách sạn đó, và em đã có kế hoạch… Sơ Maéve vẫn còn được phép sử dụng súng, phải không?”.
“Đúng”. – Đôi mắt sơ Cordelia nhìn vào mặt Alvirah dò hỏi.
“Và sơ ấy còn có những cộng tác viên là những người trước kia từng bị sơ ấy ném vào tù, đúng vậy không?”
“Chắc vậy. Họ đều quý cô ấy. Cô chắc chưa biết là họ cũng thường tiếp Willy một tay mỗi khi cậu ấy đến chữa ống nước và còn thay phiên nhau mang thực phẩm đến cho chúng tôi trong những mùa chúng tôi không được phép ra ngoài”.
“Ý em là nhắm vào điều đó. Họ sẽ giả làm những người tới đó để chuẩn bị một vụ ăn hàng nào đó. Em cần ba hoặc bốn người như vậy đến Lincoln Arms từ tối nay. Họ đến đó đánh bạc và để mắt tới những gì diễn ra ở đó. Tối mai, lúc bảy giờ em sẽ nghe chúng gọi điện coi em sẽ đem tiền đến chỗ nào. Chúng biết rằng em sẽ không nghe lời chúng nếu chưa được nói chuyện với Willy. Chúng không thể mang Willy ra khỏi chỗ đó, như thế em muốn người của Maeve chặn các lối ra. Đó là cơ hội duy nhất của chúng ta.
Bà sơ suy nghĩ một lúc rồi nói: “Alvirah. Willy hay nói với tôi rằng cô có cái giác quan thứ sáu. Còn ngay từ bây giờ, tôi sẽ đi lo liệu các việc đó cho tốt hơn”.
Thằng Tony đầu tóc bù xù như lông chó Trung Quốc, không từ chối mấy cái bánh kẹp thịt mọi người không ăn. Sau bữa ăn tối, Clarence ra lệnh cho Willy vào phòng tắm tống khứ những tiếng ồn do nước chảy đó đi. Sammy theo giữ ông. Tim ông như rụng đi khi nghe nó nói: “Tôi không biết làm sao để sửa những cái không hỏng, nhưng tôi biết làm thế nào để không sửa được nữa, nên ông đừng có làm ẩu nghe chưa”.
Ông Willy nghĩ vậy thì có nhiều trở ngại cho cái kế hoạch của ông rồi đây. “Nhưng thôi được, mình cứ phải làm để che mắt chúng để còn nghĩ ra cách gì đó”. Rồi ông bắt tay sửa chữa những chỗ hư hỏng, mà qua nhiều năm nay đã trầm trọng thêm, ở phần đáy của bồn nước.
Bà Alvirah đặt cái va-li tiền rút ở ngân hàng cuối cùng trong ngày xuống lúc bốn giờ kém hai muơi phút. Bà vẫn còn kịp để đến Port Authority thay đồ lao động đi làm. Khi đi qua hành lang khách sạn, bà thấy một nữ tu sĩ nét mặt thật dịu dàng, trang phục theo truyền thống, lặng lẽ đưa ra cái rổ trước mặt từng người đang có mặt ở quày bar. Mỗi người bỏ vô đó một món gì đó. Vào trong bếp, Alvirah hỏi lão Hamk về người nữ tu sĩ đó.
“À, sơ đó hả? Sơ đi lạc quyên để đem về cho lại những đứa nhỏ ở quanh đây. Có người còn bỏ vào rổ một hoặc hai đô-la nữa đó. Hành vi tinh thần mà, chị hiểu vậy không?”.
Đêm đó, công việc không bận rộn như đêm trước. Alvirah nói với lão Hank để bà đi sắp xếp lại các phiếu đặt phần ăn và biên nhận tiền vút lộn xộn trong thùng giấy dưới gầm bàn.
“Chi vậy?” – Lão Hank nhìn bà ngạc nhiên.
Bà giật giật chiếc áo lao động nhồi lông cừu ngắn tay của mình: “Ông chưa bao giờ thấy ai làm vậy phải không?” – Bà nói khẽ. Bà để bên dưới đống phiếu ăn đã phân loại những phiếu có số phần ăn không thay đổi từ ngày thứ Hai. Bà đã biết được điều bà cần biết. Bà chỉ còn phải để ý đến bốn phòng trong số bảy phòng bà đã gạn lọc vầ chọn ra từ lúc ở nhà.
Lúc sáu giờ, bà lại rất bận. Và tám giờ rưỡi, bà phải đưa phần ăn lên cho ba trong bốn phòng mà bà đang dò xét. Hai phòng là chỗ những người đánh bạc. Một phòng đang chơi đổ xúc xắc. Bà nhận định, những người này không có chút dấu hiệu gì là bọn bắt cóc cả.
Phòng 802 đã không gọi máy để đặt phần ăn. Có lẽ cái gã bị nhức đầu và thằng em đầu xù của gã đã trả phòng. Lúc nửa đêm, bà sửa soạn về, lão Hank bảo: “Làm việc với chị thật dễ chịu. Mỗi ngày cứ một thằng đi thì hôm sau một thằng khác lại thay vào. Nó làm loạn lên vì các kiểu đặt phần ăn”.
Bà thầm biết ơn lão Hamk, rồi thình lình có ý nghĩ tự nguyện mai sẽ đến đây vào buổi sáng phụ cùng ông từ bảy giờ đến một giờ trưa, dù bà cũng đến làm từ bốn giờ đến mười hai giờ như cũ. Bà cho rằng bà vẫn còn đủ thì giờ để đến ngân hàng theo lời họ hẹn, từ khoảng mười hai giờ rưỡi đến ba giờ.
“Tôi sẽ đến phụ ông lúc bảy giờ sáng”. Bà nói với lão Hank.
“Thế thì tốt cho tôi quá”. Và lão có vẻ phàn nàn: “Đầu bếp ban ngày, mai cũng vắng mặt”.
Khi đi ra bà để ý đến mấy khuôn mặt khá quen đang ngồi quanh quày bar. Louie, từng bị bảy nam tù về tội cướp ngân hàng, có đai đen Karaté. Al, mang án bốn năm vì tấn công một chủ hiệu cầm đồ và Lefty, nổi tiếng vì các vụ “thổi” ô-tô.
Thật ra thì bà biết họ có nhìn bà, nhưng bà tin rằng cả Louie, Al cho đến Lefty đều không ai nhận ra bà cả.
Willy đã chận bớt những tiếng ồn vì nước rò chảy, nhưng gã Clarence với bản tính quạu quọ vẫn quát tháo, khi ông đang gõ búa. “Bộ tôi đổi cái tiếng tí tách kia bằng thứ tiếng gõ liền suốt hai mươi bốn giờ đó sao?”.
Vì vậy ông Willy rất lo ngại, ông không còn chút hy vọng nào nữa. Sammy chán nản quan sát ông sờ soạng quanh cái bồn nước. Ngày mai, nó sẽ bớt lo hơn. Đêm đó, ông bảo bọn chúng ngày mai ông phải leo lên bồn nước thì mới sửa xong được.
Sáng hôm sau, đôi mắt Sammy sưng đỏ lên. Tony thì nói với ông, nó sẽ dò la tin tức một đứa bạn gái trước đây của nó, khi chúng nó ẩn náu ở khu Queens, mà hai thằng kia không đứa nào bắt nó ngậm miệng lại. Điều này, theo Willy, là chúng nó chẳng sợ ông biết bí mật của bọn chúng nữa.
Xong bữa ăn sáng, khi Sammy định đẩy ông vô tủ áo, ông nhảy dựng lên làm khẩu súng nó bị văng đi. Lúc đó ông không còn nghe giọng nói giống như của bà Alvirah đã làm ông nhớ bà, mà ông biết là ông đang nghe rất rõ giọng nói của chính bà, khi bà lớn giọng hỏi thằng Tony đầu xù rằng anh nó đã hết đau đầu chưa.
Giọng nói khẽ nhưng hoảng hốt của thằng Sammy như tiếng gió lọt vào tai ông. “Điên hay sao vậy?”.
Bà Alvirah đang tìm kiếm ông. Ông phải tiếp sức bà. Ông phải trở vào phòng tắm, leo lên bồn nước, làm cho nó phải phát ra bài hát: “Chàng Casey nhảy valse với cô gái tóc vàng”, như lần đầu tiên ông đã mời bà khiêu vũ tại Câu lạc bộ “Những hiệp sĩ của Columbus”.
Nhưng bốn giờ sau đó chúng mới cho ông trở vào phòng tắm để cầm lại cái mỏ lết răng và cái vặn đinh vít. Thằng Sammy đầu óc bực bội đứng bên cạnh ông vì Clarence cau có ra lệnh. Willy lại tiếp tục công việc vừa sửa chữa vừa làm hư hại cái bồn nước.
Nhưng ông đã cẩn thận không để xảy ra trường hợp hơi quá tay. Ông giải thích với thằng Sammy nghe rất có lý rằng, ông cố làm cho không gây ra những tiếng ồn liên tục, và bằng cách nào, thì nơi đây cũng sẽ là một phòng tắm tử tế. Bốn ngày qua ông chưa được cạo râu, áo quần nhầu nát làm ông thêm ngứa ngáy, ông bắt đầu gửi đi những tín hiệu bằng nhịp gõ búa, ba phút một: “tốc, tốc – tốc tốc – tốc tốc”. Như một ban nhạc đang biểu diễn.
Khi Alvirah đưa bánh pizza lên phòng 702 thì bà nghe tiếng gõ đó. “Ôi lạy Chúa” – Bà cầu nguyện – “Lạy Chúa thương xót”. Bà đặt vội cái khay lên mặt bàn không bằng phẳng. Người thuê phòng là ông bạn trẻ bảnh trai, độ tuổi ba mươi, hết cái thời ăn chơi phóng túng. Anh ta nhìn thấy thái độ bất an của bà, liền nói: “Cái đó không giết được bà đâu mà? Họ đang sửa chữa hay làm trò gì đó. Bà cứ bình tĩnh. Nghe như có cái thác Niagare hay là Ngày Tận Thế ở trên đó”.
“Đúng là ở phòng 802”. Alvirah nhận định và bà nhớ tới gã nằm trên giường, thằng đứng ngoài cửa, cái phòng tắm mở. Bọn chúng phải giấu Willy trong tủ áo khi có người phục vụ vào phòng? Bà rất kích động, tim đập nhanh làm cho chiếc áo lao động ngắn tay cũng phập phồng theo nhịp thở, cái áo có dòng chữ “Đừng xả rác bừa bãi”, mà bà đã có lần đã dùng câu đó để cảnh cáo một tay bợm nhậu rằng y đang tự hủy hoại mình.
Có một cái điện thoại treo bên lối đi cạnh quày bar. Thấy rằng lão thư ký chẳng để ý đến, bà gọi gấp cho bà sơ Cordelia. Bà chấm dứt bằng câu: “Chúng sẽ gọi điện cho em lúc bảy giờ”.
Bảy giờ kém mười lăm phút, những người ngồi quanh quày bar rất ngạc nhiên khi thấy tám nữ tu sĩ, đa số đều lớn tuổi mặc áo đen truyền thống, với mạng che mặt và khăn trùm đầu, nhẹ nhàng đi vào hành lang, miệng ngân nga bài ca River Jordan. Lão thư ký đứng dậy, sùy một tiếng ra hiệu về phía cửa xoay, sau lưng các bà sơ. Alvirah tay đang bưng khay, để ý nhìn người được phân công trước, sơ Maeve, đang tiến tới chỗ bàn thư ký.
“Chúng tôi được phép lên hát đồng ca trên mỗi tầng lầu để xin vật cúng”.
“Các sơ không làm vậy được”.
Tiếng sơ Maeve rất nhỏ: “Chúng tôi được phép của ông X.”.
Mặt lão thư ký tái đi. “Mấy đứa chúng mày im đi và lấy mấy món đồ trộm cắp được ra đây” – Lão đưa mắt nhìn đám người ngồi quanh quày bar – “Các sơ đây đến hát cầu nguyện cho chúng mày đây”.
“Không. Chúng tôi sẽ bắt đầu từ các tầng trên” -Sơ Maeve nói với lão thư ký – “Và sẽ kết thúc buổi đồng ca tại chỗ này”.
Alvirah bưng khay thức ăn đi theo, như để bảo vệ mặt sau cho ban đồng ca, do bà sơ Cordelia dẫn đầu bước vào thang máy, vừa hát: “Michael chèo thuyền dọc bờ biển. Ngợi ca Chúa Trời”.
Thang máy lên thẳng tầng 8, họ tới ngay chỗ Louie, Al và Lefty đang đợi trong hành lang. Đúng bảy giờ, Alvirah gõ cửa: “Phục vụ phòng đây” – Bà nói to.
“Chúng tôi đâu có gọi” – Tiếng bên trong quát ra.
“Có người yêu cầu và tôi đang đưa ban đồng ca tới đây” – Bà nói lớn.
Alvirah nghe tiếng chân lệt sệt ở bên trong và tiếng cửa đóng lại. “Cửa tủ áo? Chắc chúng đang giấu Willy vào đó?” Rồi cửa phòng mở ra kêu cót két. Thằng đầu lông chó nói như ra lệnh: “Đặt khay ngoài đó. Bao nhiêu tiền?”
Alvirah không trả lời, bước ngay vào phòng khi trong hành lang vang lên lời ca: “Michael chèo thuyền dọc bờ biển”. Bà sơ Cordelia bước theo sau Alvirah. Clarence đang cầm điện thoại trên tay: “Ai đó nín hết coi” – Gã quát lên.
“Chúa ơi, anh đừng nói vậy với các bà sơ”. Tony phản đối. Nó kính cẩn đứng qua một bên khi các bà sơ bước cả vào phòng. Sơ Maeve đi sau cùng, hai bàn tay giấu trong tay áo rộng khoanh lại. Chỉ một tích tắc, sơ đã vòng ra đứng phía sau Clarence, bàn tay phải cầm súng đã lẹ làng rút ra chĩa ngay thái dương Clarence. Với giọng nói sắc lạnh như những ngày sơ còn làm một cảnh sát tài ba, sơ nói nhỏ: “Không được nhúc nhích, hoặc là chết”.
Thằng Tony mở miệng định báo động nhưng tiếng nó chìm trong tiếng đồng ca đang tiếp tục: “Ngợi ca Chúa Trời”. Lefty vụt một đòn Karaté làm Tony ngất đi, và thật nhanh Lefty lại phát sóng tay lên cổ Clarence một cú chính xác làm gã đổ nhào xuống bên cạnh thằng Tony trên sàn nhà.
Louie và Al thu xếp để các bà sơ dồn về chỗ an toàn trong lối đi vào phòng. Cần nhanh chóng giải thoát cho Willy. Lefty thì sẵn sàng đối phó với mọi việc bằng bàn tay. Sơ Maeve vẫn ghìm khẩu súng. Bà Alvirah kéo cửa tủ áo mà bà đã nghe đóng lại lúc lớn tiếng nói: “Phục vụ phòng đây”.
Thằng Sammy đứng bên cạnh ông Willy, họng súng của nó đặt lên cổ ông. “Tất cả bước ra khỏi đây ngay” – Nó quát – “Bà kia, bỏ súng xuống”.
Sơ Maeve lưỡng lự rồi cũng bỏ súng xuống.
Sammy yên tâm vì sơ Maeve không còn súng nữa. Nhưng nó là con thú đang mắc bẫy nên cố vùng vẫy.
Bà Alvirah lo lắng nghĩ nó có thể giết Willy dễ dàng. Bà buộc mình phải hòa hoãn: “Xe tôi đậu trước khách sạn”. Bà bảo nó. “Có hai triệu đô-la trong đó. Để tôi và Willy cùng đi với anh. Anh có thể kiểm tiền, bỏ chúng tôi lại đâu đó rồi lái xe đi”. Bà quay nhìn Lefty và sơ Maeve: “Đừng cản trở chúng tôi, anh ta có thể làm Willy bị thương mất. Mọi người ra ngoài đi”. Bà nín thở nhìn kẻ đang khống chế Willy và thấy hài lòng sự tự tin của mình. Sammy do dự một lúc. Bà Alvirah nhìn theo dõi thái độ đó. Nó quay súng chỉ ra cửa:
“Ra hết ngoài đó tốt hơn, thưa các bà”. Xong rồi nó nghiến răng nói: “Mở dây trói chân ông ta ra”.
Theo lời nó, Alvirah quỳ xuống tháo nút buộc quanh cổ chân ông Willy và bà lén nhìn lên. Họng súng còn chỉ ra cửa. Bà nhớ lại rất nhanh việc bà ghé vai mình dưới chiếc đàn dương cầm của bà O’Keefe rồi hất nó lật ra trên tấm thảm trải sàn. Và, một-hai-ba. Bà bắn người tới như một mũi tên, vai bà chạm mạnh dưới tay cầm súng của Sammy. Cây súng văng ra khỏi tay nó. Một viên đạn nổ làm mấy mẩu trần nhà rớt xuống. Cùng lúc đó, ông Willy đã tròng hai cánh tay bị cùm của mình qua người thằng Sammy và xiết chặt lại, cho tới lúc mọi người chạy ùa vào phòng.
Như một giấc mơ, bà Alvirah nhìn theo Lefty, Al và Louie tháo khóa và dây trói Willy, rồi dùng nó để trói bọn bắt cóc lại. Bà nghe sơ Maeve quay số 911 và nói: “Sĩ quan Maeve O’ Reilly – tức là sơ Maeve Marie đây. Tôi muốn báo cáo một vụ bắt cóc có âm mưu giết người. Bọn tội phạm đã bị tóm gọn”.
Alvirah nghe cánh tay ông Willy đang vòng ôm bà: “Mình ơi” – Ông gọi thật khẽ. Lòng tràn ngập niềm vui đến nỗi bà không nói được lời nào. Và hai người cứ nhìn nhau. Bà thấy đôi mắt ông đỏ hoe, râu tóc xồm xoàm. Còn ông Willy cũng hiểu ngay vì sao bà lại trang điểm lòe loẹt với chiếc áo ngắn tay có dòng chữ: “Đừng xả rác bừa bãi” như vậy. “Mình ơi, mình rất đẹp”. – Ông nồng nhiệt nói: “Còn tôi tiếc là tôi giống như anh em nhà thợ rèn”.
Bà Alvirah dúi mặt vào người ông. Một sự xúc động rất dễ chịu lan trong cổ họng và bà cười sung sướng: “Không đâu, mình. Với tôi thì mình cũng giống như ngài Tip O’ Neill”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.