Chuông Nguyện Hồn Ai

Chương 15



Anselmo đang ngồi chồm hổm trong cái hốc của một thân cây lớn. Ở hai bên lão, tuyết bay lác đác trong gió. Lão nép sát vào thân cây. Hai bàn tay lão giấu trong túi áo vét, và lão cố hết sức rúc đầu vào cổ áo. Nếu tôi còn ở đây lâu, lão nghĩ, có lẽ tôi sẽ chết cóng đi mất, và công việc chả nên trò trống gì. Inglés đã bảo tôi cứ ở đây cho tới khi nào có người tới đón, nhưng mà lúc đó, hắn không biết có trận bão tuyết này. Không có biến động bất thường nào trên mặt lộ và tôi đã biết rõ những cách bố trí và những quy luật áp dụng trong đồn canh tại trại cưa. Bây giờ có lẽ tôi phải về trại. Lão nghĩ, tôi sẽ tiếp tục đợi thêm một chút nữa và sau đó tôi sẽ về trại. Lỗi ở mệnh lệnh quá cứng rắn. Người ta không chịu tiên liệu gì cả trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi. Lão dùng chân cọ lên nhau. Đoạn lão cho tay ra ngoài túi áo, nghiêng người về phía trước, cọ chân vào nhau cho máu chạy đều. Trời đã bớt lạnh, lão ngồi tránh gió trong hốc cây một cách khá an toàn, nhưng lão phải về ngay. Trong lúc đó lão nghe có tiếng xe chạy dưới đường, với nhựng tiếng khua vang. Chiếc xe leo lên con đường dốc phủ đầy tuyết trắng, sơn màu xanh và nâu với những mảng to tướng, với những cánh cửa sổ bôi màu xanh để che giấu phần bên trong, với chỉ một khung kính hình bán nguyệt trong suốt để người trong xe nhìn ra ngoài. Đó là một chiếc Rolls Royce cũ độ hai năm, một chiếc xe trong thành phố được ngụy trang, theo nhu cầu của Bộ Tổng Tham Mưu. Nhưng Anselmo không biết điều đó. Lão ta không thể trông thấy ba tên sĩ quan mặc áo choàng ngồi trong xe. Hai người ngồi ở phía sau và một người ngồi ở băng trước. Khi chiếc xe qua khỏi chỗ Anselmo đang nấp, tên sĩ quan nhìn qua khung kính màu xanh hình bán nguyệt. Nhưng Anselmo không trông thấy hắn. Cả hai đều không trông thấy nhau.

Chiếc xe chạy trong tuyết ngay phía dưới lão. Anselmo trông thấy tên tài xế mặt đỏ gay, đầu dội mũ sắt, cả khuôn mặt và chiếc mũ nhô lên khỏi chiếc áo choàng may bằng vải làm mền quấn lấy người hắn. Lão trông thấy họng súng tiểu liên của tên lính ngồi cạnh tên tài xế. Rồi thì chiếc xe biến mất và Anselmo thọc tay mò mẫm phía bên trong áo vét, lão móc từ túi áo sơ-mi hai tờ giấy xé ra từ cuốn sổ tay của Robert Jordan và đánh một dấu trước hình vẽ một chiếc xe hơi. Đó là chiếc xe thứ mười leo lên con đường dốc ngày hôm ấy. Sáu chiếc đã trở xuống. Bốn chiếc hãy còn ở phía trên. Đó không phải là một số lượng bất thường, nhưng Anselmo không phân biệt những chiếc Ford, Opel, Renault, Citroën thuộc Bộ Tham Mưu Sư đoàn đang đóng trên các con đường đèo và trục giao thông trên núi, cùng với những chiếc Rolls Royce, Lancia, Mercedes, Isolta thuộc Tổng Hành Dinh. Hẳn Robert Jordan biết phân biệt những thứ xe đó và nếu chàng ở vào địa vị của lão già, chàng sẽ biết ngay ý nghĩa của những chiếc xe đang leo dốc. Nhưng mà chàng ta không có ở đó và lão già đành phải đánh một cái dấu vào tờ giấy cho mỗi chiếc xe leo dốc.

Bây giờ thì Anselmo nghe lạnh đến nỗi lão ta quyết định tốt hơn hết là trở về trại trước khi đêm xuống. Lão ta không sợ lạc nhưng lão nghĩ không nên ở lại lâu nơi đây làm gì vô ích. Gió càng lúc càng thổi mạnh và tuyết vẫn rơi dày đặc. Tuy nhiên khi lão ta đúng dậy, vừa nhịp chân vừa nhìn con đường xuyên qua những nắm tuyết rơi dầy, lão vẫn chưa chịu cất bước mà vẫn tiếp tục đứng đó, tựa vào gốc thông.

Ông Inglés đã bảo tôi ở lại, lão nghĩ thầm. Trong lúc này đây, có thể hắn đang trên đường tới đây. Nếu tôi đi, có thể hắn sẽ đi lạc trong tuyết khi tìm kiếm tôi. Trong suốt trận giặc này, ta đã khổ nhiều vì thiếu kỷ luật và vì bất tuân thượng lịnh, tôi sẽ đợi ông Inglés thêm một chút nữa. Nhưng nếu hắn không đến ngay, có lẽ tôi đành bỏ đi vậy, mặc dù đã có lịnh, bởi vì tôi cần báo cáo ngay và tôi còn phải làm nhiều việc trong những ngày này, lại nữa, người ta không nên đứng chết cóng nơi này một cách vô bổ.

Bên kia đường, tại trại cưa, có khói bay lên từ ống khói, và Anselmo cảm thấy gió thổi bật nó về phía lão. Bọn phát xít lúc nào cũng sống trong cảnh ấm cúng, lão nghĩ, bọn chúng lúc nào cũng có đầy đủ tiện nghi. Vào chiều mai, chúng tôi sẽ giết sạch bọn chúng. Thật là một công việc lạ kỳ, và tôi không thích nghĩ tới nó. Tôi đã trải qua trọn một ngày để quan sát chúng, họ cũng là người như bọn tôi chớ chẳng khác gì. Tôi tin rằng tôi có thể tới trại cưa và gõ cửa, tôi sẽ được tiếp đón ân cần trừ khi nào chúng được lịnh hỏi giấy tất cả mọi người. Chúng ta bị chi phối bởi lịnh này lịnh nọ. Bọn người đó không phải là phát xít. Tôi gọi chúng là phát xít, kỳ thật không phải vậy. Đó là những con người khốn khổ đáng thương như chúng tôi. Lẽ ra bọn chúng không đời nào chống lại chúng tôi cả, và tôi không thích cái ý tưởng giết người.

Những người ở trong đồn đó đều thuộc miền Galice. Tôi biết được điều đó sau khi nghe được câu chuyện của bọn chúng vào buổi xế chiều hôm nay. Chúng không thể đào ngũ được bởi người ta sẽ mang những người trong gia đình của chúng ra bắn. Dân miền Galice thường hoặc rất thông minh, hoặc thật đần độn và tàn bạo. Tôi biết rõ hai hạng người đó. Lister cũng là dân Galice, thuộc cùng một thành phố với Franco. Không biết bọn người đó nghĩ gì khi thấy tuyết rơi giũa mùa này. Bọn chúng sống trong vùng không có núi non cao ngất như ở đây. Ở xứ sở của bọn chúng, trời mưa dầm dề và cỏ cây lúc nào cũng xanh tươi.

Từ cánh cửa sổ của trại cưa, đèn đã bật sáng. Anselmo rùng mình và rủa thầm, thằng Inglés phải gió này! Kìa là dân Galice đang sống phề phỡn trong nhà êm cửa ấm ngay trên đất nước của chúng tôi, còn tôi, tôi phải chịu tê cóng vì lạnh sau một gốc cây như vầy, và bọn tôi phải sống trong một cái hang đá chẳng khác gì loài vật trên núi. Lão nghĩ, nhưng mà ngày mai này, những con vật sẽ ra khỏi hang, và bọn người trong lúc này đang sống đầy đủ thừa mứa sẽ chết trong chăn ấm nệm êm của chúng. Như những kẻ đã chết trong đêm chúng tôi tấn công Otero. Lão không muốn nhớ lại vụ Otero chút nào.

Tại Otero, đêm đó, lần đầu tiên, lão đã giết người, và lão sẽ không phải giết nữa. Chính ở Otero, Pablo đã đâm chết tên lính gác trong khi Anselmo chụp chiếc mền lên đầu hắn. Tên lính gác bị quấn tròn lại trong chiếc mền và bị kềm cứng dưới chân Anselmo, kêu thét lên những tiếng thất thanh, hãi hùng. Anselmo mò mẫm bên trong chiếc mền và cầm dao đâm vào người hắn cho tới khi hắn xuội lơ và im bặt. Lão đã dùng đầu gối chận ngang cổ họng của hắn để bắt hắn im khi Pablo ném bom vào căn phòng qua khung của sổ nơi tất cả bọn người trong đồn đều ngủ say. Khi tiếng nổ phát ra người ta tưởng cả thế giới đang nổ tung dưới mắt, và hai trái bom khác được Pablo ném vào tiếp theo đó qua ngả cửa sổ. Bọn chúng nếu không chết ngay trên giương ngủ thì cũng chết vì tiếng nổ của trái bom thứ nhì khi chúng lạng quạng đứng dậy. Đó là thời vàng son của Pablo, thời mà hắn gây sôi sục khắp nơi như một tên giặc Mông Cổ và là thời mà không có một đồn bót Phát xít nào được an toàn vào ban đêm.

Và bây giờ, Anselmo nghĩ, hắn tàn tạ và bất lực chẳng khác gì một con heo giống bị thiến. Người ta thiến xong thì tiếng kêu la cũng chấm dứt, người ta ném hai cái hòn d… đi, và con heo giống, lúc bấy giờ cũng không còn là con heo giống nữa, đến bên chúng, phồng mũi ngửi và lục lạo, sau đó nó không ngần ngại ăn lấy chúng; không, Anselmo nghĩ thầm vừa mỉm cười, hắn không tệ đến đỗi đâu, người ta có thể nói quá, ngay cả với Pablo. Dù sao phải nói là hắn đã thay đổi và trở nên xấu xí, tệ hại.

Trời quá lạnh, lão nghĩ, cần nhất là ông Inglés tới đây. Cần nhất là tôi không phải giết người trong cái đồn canh đó. Bốn tên thuộc miền Galice kia và tên cai của chúng, tất cả dành cho những kẻ thích giết chóc. Ông Inglés bảo vậy. Tôi sẽ làm vậy nếu có bổn phận phải làm, nhưng mà ông Inglés đã bảo tôi sẽ ở lại với hắn trên cây cầu, còn chuyện giết chóc thuộc phần vụ của kẻ khác. Trên cầu sẽ xảy ra trận đánh nhau và lúc đó tôi sẽ làm tất cả những gì một ông già có thể làm được trong cuộc chiến này. Nhưng mà phải chi ông Inglés đến ngay bây giờ thì tốt quá bởi vì tôi đang chịu lạnh và cứ tưởng tượng bọn người đang sống ấm cúng trong trại cưa dưới kia, tôi càng thấy lạnh hơn nữa. Tôi mong được sống trong ngôi nhà của mình và cuộc chiến này chấm dứt cho rồi. Nhưng mà, lão lại nghĩ, mày đâu có nhà cửa gì. Mày chỉ có thể trở về sau khi đã thắng trận giặc này.

Bên trong trại cưa, một tên lính đang ngồi trên bộ ván và đánh bóng đôi giày ống của hắn. Một tên khác đang nằm dài ra ngủ. Một tên thứ ba đang làm bếp và tên cai thì đang xem báo. Những chiếc nón máng trên tường. Những khẩu súng dựng bên vách ván.

– Cái xứ sở gì mà kỳ lạ, chưa tới tháng Sáu đã có tuyết rơi đầy trời rồi. – Tên lính ngồi trên phản buột miệng nói.

– Lạ thật. – Tên cai nói.

– Mới đang vào tuần trăng tháng Năm – Tên lính đang làm bếp nói – Tuần trăng tháng Năm vẫn chưa hết.

– Xứ sở gì mà có tuyết vào tháng Năm? – Tên lính ngồi trên phản gằn giọng.

– Trên vùng núi này, tuyết rơi vào tháng Năm không phải là chuyện lạ đâu – Tên cai nói – Ở miền Castille này, tháng Năm là tháng nóng dữ nhưng cũng có thể lạnh gắt.

– Hoặc là mưa – Tên lính ngồi trên phản nói – Tháng Năm này, trời mưa gần như mỗi ngày.

– Đâu có mưa – Tên lính đang làm bếp nói – Vả lại tháng Năm này hãy còn tuần trăng của tháng Tư mà.

– Tao muốn điên đầu với những tuần trăng của mày – Tên cai bảo – Mày dẹp những tuần trăng của mày giùm tao coi nào.

– Tất cả những ai ở gần biển hoặc ở miệt đồng ruộng đều tính theo tuần trăng chớ không phải theo tháng – Tên lính làm bếp nói – Thí dụ như bây giờ đúng là bắt đầu tuần trăng tháng Năm đây. Tuy nhiên lại sắp tới tháng Sáu rồi.

– Vậy thì tại sao người ta lại không trễ nải mùa màng? Tao điên đầu với tất cả câu chuyện này.

– Ông ở thành phố. Ông ở Lugo, ông biết gì về biển và đồng ruộng chớ?

– Ở thành phố người ta biết nhiều chuyện hơn là bọn analfabetos 1 chúng mày ở miền biển và đồng ruộng.

– Chính với tuần trăng này mà từng đàn cá mòi khổng lồ kéo tới. Với tuần trăng này, người ta sửa soạn những tàu đánh cá mòi. Trong khi cá cháy thì xuôi về miền Bắc.

– Tại sao mày không vào hải quân, bởi mày từ Noya tới? – Tên cai hỏi.

– Tôi đâu có đăng ở Noya, tôi đăng ở Negreira, nơi tôi sinh trưởng. Và ở Negreira, ở cái thành phố trên bờ sông ấy, người ta tóm ông vào quân đội không sẩy được.

– Rủi quá há! – Tên cai nói.

– Đừng tưởng vào hải quân mà không có nguy hiểm – Tên lính ngồi trên phản nói – Ngay lúc không có đánh nhau, đây là một bờ biển nguy hiểm vào mùa đông.

– Không có gì tệ hơn là quân đội. – Tên cai nói.

– Ông làm cai mà ông ăn nói như vậy đó hả? – Tên lính làm bếp nói.

– Không – Tên cai nói – Tao nói về những hiểm nguy. Tao nói về những cuộc dội bom, những cuộc tấn công, về đời sống chui rúc dưới hầm.

– Ở đây không có những chuyện đó. – Tên lính trên bộ ván nói.

– Nhờ Trời – Tên cai nói – Nhưng ai biết được bao giờ thì những thứ đó rơi xuống đầu mình đây? Chắc chắn là người ta không để mình yên ổn hoài như vậy đâu.

– Không biết mình còn phải tiếp tục công việc này tới bao giờ đây?

– Không biết – Tên cai nói – Nhưng tao muốn tình trạng này kéo dài tới hết chiến tranh.

– Sáu giờ gác, quá nhiều. – Tên lính đang làm bếp nói.

– Nếu trận bão này còn tiếp tục, mình sẽ gác trong ba giờ. Cho nó được bình thường.

– Những chiếc xe kia của Bộ Tham Mưu làm gì đó? – Tên lính trên phản nói – Tôi không ưa những chiếc xe đó tí nào.

– Tao cũng vậy – Tên cai nói – Đó là dấu hiệu không tốt.

– Còn không quân – Tên lính đang làm bếp nói – Không quân: lại một dấu hiệu xấu.

– Nhưng mà phe ta có một lực lượng không quân ác liệt lắm – Tên cai nói – Bọn Đỏ không bằng ta. Những chiếc máy bay sáng nay làm khoái mắt mọi người.

– Tôi đã từng trông thấy phi cơ của bọn Đỏ trong những lúc nghiêm trọng – Tên lính trên bộ ván nói – Tôi đã trông thấy những chiếc oanh tạc cơ hai máy, cũng khiếp đảm lắm chớ không vừa đâu.

– Đúng rồi. Nhưng chúng không ác liệt bằng không quân ta đâu – Tên cai nói – Phe ta có một không lực vô địch.

Trong trại cưa, bọn chúng đã nói với nhau như vậy, trong lúc Anselmo ngồi đợi dưới bão tuyết vừa trông chừng con đường và ánh sáng từ khung cửa sổ trại cưa.

Anselmo nghĩ, tôi hy vọng rằng mình không phải có mặt trong trại cưa. Có lẽ sau chiến tranh, người ta phải sám hối nhiều. Sau chiến tranh, nếu người ta không còn tin vào tôn giáo nữa, có lẽ người ta phải tổ chúc một thứ lễ sám hối cho mọi công dân để tẩy uế những ám ảnh giết chóc nơi họ, nếu không thì người ta sẽ không bao giờ có được một căn bản nhân đạo và chính thật để sống cả. Tôi thừa biết người ta cần phải giết chóc, nhưng dù sao đó là điều xấu xa cho mỗi cá nhân, và tôi nghĩ rằng khi tất cả tấn tuồng này chấm dứt và khi ta đã thắng trận, ta phải thực hiện một cuộc lễ sám hối để rửa tội cho tất cả mọi người.

Anselmo quả thật là một con người rất tốt và mỗi khi lão ngồi lâu một mình ở đâu, thông thường lão vẫn lẻ loi như vậy, vấn đề giết chóc lại ám ảnh, giày vò lão.

Lão nghĩ, tôi không hiểu nổi cái anh chàng Inglés nọ. Hắn bảo tôi là hắn không chút quan tâm gì tới chuyện đó. Vậy mà hắn rất nhạy cảm và tốt bụng. Đối với tuổi trẻ, có thể chuyện giết chóc không quan trọng gì. Với người ngoại quốc, hoặc với kẻ không cùng tín ngưỡng với bọn tôi, có lẽ tình cảm không còn nữa. Nhưng tôi tin rằng tất cả những ai đã giết người sớm muộn gì rồi cũng sẽ khổ tâm vì đó, và mặc dù là chuyện thiết yếu, nhưng đó lại là một trọng tội và sau đó người ta phải chịu đền tội rất nặng.

Trời đã vào đêm, Anselmo nhìn ánh sáng từ bên kia đường và lão ta vỗ vào cạnh sườn cho bớt lạnh. Lão nghĩ bây giờ thì mình phải về trại đây, nhưng một cái gì cầm chân lão lại nơi đó, cạnh gốc cây, ở phía trên con đường. Tuyết rơi dữ hơn, và Anselmo lại nghĩ: phải chi đêm nay người ta có thể phá sập cây cầu. Gặp phải một đêm như đêm nay, chiếm đồn canh và phá cầu là những việc sẽ xong xuôi ngay. Gặp phải một đêm như đêm nay, người ta có thể làm bất luận điều gì.

Lão tiếp tục ở đó, đứng tựa vào thân cây, khẽ nhịp chân, và lão không nghĩ tới chuyện cây cầu nữa. Cảnh đêm lặng lẽ buông xuống lúc nào cũng gây cho lão một cảm giác cô đơn, và đêm nay, lão thấy mình cô đơn đến nỗi lão nghe thấy một khoảng trống tương tự như cơn đói.

Xưa kia, lão có thể trừ khử được cái cảm giác cô đơn kia bằng những lời cầu nguyện. Thông thường, khi đi săn về, lão lẩm rẩm đọc nhiều lần một bài kinh là lão cảm thấy đỡ ngay. Nhưng từ lúc phong trào nổi dậy, lão không còn cầu nguyện lần nào nữa. Lão không cầu nguyện nữa, nhưng hắn lão cảm thấy mình không lương thiện và đạo đức giả nếu phải tiếp tục cầu nguyện. Lão không muốn có một ân huệ đặc biệt nào, lão không muốn sự ưu đãi nào khác hơn tất cả mọi người.

Không, lão nghĩ, tôi chỉ sống một mình, một thân. Và mọi người đều như vậy cả, tất cả những chiến sĩ và những kẻ đã mất gia đình, thân quyến. Tôi không có vợ, nhưng tôi hài lòng vì bà ấy đã chết trước khi phong trào nổi dậy. Bà ta hẳn không hiểu được điều đó. Tôi không có con và sẽ không bao giờ có con. Tôi trơ trọi một mình vào những ngày không làm việc, và khi bóng tối trở về, lúc đó tôi mới thấy mình cô đơn ghê gớm. Nhưng tôi có được một điều mà không kẻ nào cũng như Trời Phật nào có thể tước đoạt: tôi phục vu đắc lực cho nền Cộng Hòa. Tôi đã phục vụ trong gian khổ cho những giá trị mà mọi người sẽ thụ hưởng sau này. Tôi đã phục vụ hết sức mình ngay từ đầu phong trào và tôi đã không làm điều gì đáng xấu hổ.

Duy có điều tôi tiếc, đó là sự giết chóc. Nhưng chắc hẳn người ta có cách cứu gỡ, bởi vì với một tội lỗi như vậy, người ta phải tìm ra một phương thức xá miễn thích đáng. Tôi rất muốn nói cho Inglés biết, điều đó, nhưng mà hắn còn trẻ quá, chắc hắn không hiểu gì đâu. Chính hắn đã từng nói về sự giết chóc. Hay thật ra chính tôi đã khơi chuyện trước tiên? Chắc hẳn hắn đã giết nhiều người, nhưng hắn có vẻ không thích thú việc đó chút nào. Ở những kẻ nào còn thích giết chóc, luôn luôn có một cái gì thối nát, tệ hại.

Lão nghĩ, đó phải là một tội tày trời. Cho dù có cần thiết, chắc chắn đó lại là điều người ta không có quyền làm. Nhưng ở Tây Ban Nha, người ta giết người quá dễ, và thường giết một cách không cần thiết. Như vậy tức nhiên là người ta không kịp sửa đổi nữa. Tốt hơn đừng nghĩ nhiều tới chuyện đó. Tôi mong được sám hối ngay bởi vì trong đời tôi, đó là hành động duy nhất làm tôi phải khổ tâm những lúc sống trong cô đơn. Và tất cả những điều còn lại thì được xá miễn. Người ta may mắn được bôi xóa những lỗi lầm của mình bằng cách sống một cuộc đời lương thiện tốt lành. Nhưng mà tôi cho rằng cuộc chém giết kia phải là một trọng tội và tôi muốn trang trải nó. Sau này hẳn có ngày người ta sẽ phục vụ cho quốc gia hoặc người ta sẽ làm nhiều việc để bôi xóa cái dấu vết đó, có thể đó là điều người ta có bổn phận phải trả như vào thời của Giáo hội. Lão nghĩ vậy và mỉm cười. Giáo hội đã được tổ chức khá chu đáo để lo lắng cho tội lỗi mọi người. Ý nghĩ này khiến lão thích thú và lão mỉm cười trong bóng tối khi Robert Jordan bước tới. Chàng tới thật lặng lẽ và lão già chỉ biết vào giây phút chót.

– Hola, viejo 2 – Robert Jordan nói thật nhỏ vừa vỗ vào lưng lão già – Thế nào?

– Lạnh quá xá đi. – Anselmo nói (Fernando đang đứng trong khoảng hơi xa, quay lưng về phía tuyết vẫn rơi đều).

– Đi – Robert Jordan thì thầm – Đi về trại để hơ cho ấm đi. Để đồng chí đứng đây quá lâu thật là bậy.

– Ánh sáng của bọn chúng kìa! – Anselmo đưa tay chỉ.

– Tên lính canh đâu?

– Đứng đây không thấy. Nó ở khúc quanh bên kia.

– Kệ xác bọn chúng – Robert Jordan nói – Đồng chí sẽ kể cho tôi nghe khi về trại. Bây giờ thì đi. Mình đi ngay đi.

– Để tôi chỉ cho đồng chí xem.

– Tôi sẽ xem xét vào sáng mai – Robert Jordan nói – Này, uống một hớp đi.

Chàng đưa chai rượu cho lão già. Anselmo uống một ngụm.

– Ái cha! – Lão nói, và lão đưa tay quẹt lên miệng – Đúng là lửa.

– Đi – Robert Jordan nói trong bóng tối – Mình đi đi.

Bây giờ thì trời tối hẳn. Người ta chỉ còn phân biệt những nắm tuyết bay trong gió, và những thân cây thông chạy dài thành con đường thẳng. Fernando đang đứng ở trên cao hơn một chút. Hãy nhìn tên da đỏ trên hộp xì gà kìa. Robert Jordan nhủ thầm. Có lẽ phải cho hắn uống.

– Ê Fernando! – Chàng nói vừa đến bên hắn – Một ngụm nghe.

– Không – Fernando nói – Cám ơn.

Chính ta phải cám ơn ông bạn chớ, chàng nghĩ thầm. Thật đáng mừng khi bọn da đỏ trên hộp xì gà lại không uống rượu, Robert Jordan lại nghĩ, tôi sung sướng gặp lại lão già này. Chàng nhìn Anselmo và vỗ lưng lão một lần nữa. Họ bắt đầu leo lên con đường dốc.

– Gặp đồng chí tôi khoái quá, viejo à! – Chàng bảo Anselmo – Mỗi khi tôi chán nản, chỉ cần trông thấy đồng chí là tôi đủ lên tinh thần rồi. Đi, mình đi nhanh lên đi.

Họ bước trong tuyết.

– Mình về biệt thự Pablo đi. – Robert Jordan nói với lão già. Tiếng Tây Ban Nha, câu đó nghe kêu thật.

– El Palacio del Miedo – Anselmo nói – Biệt thự của tên nhát gan.

– La cueva de los huevos perdidos – Robert Jordan nói một cách vui vẻ – Cái hang của những quả trứng lạc loài.

– Những quả trứng nào? – Fernando hỏi.

– Không biết – Robert Jordan nói – Hãy lật sách ra mà tìm. Hãy hỏi Pilar – Đoạn chàng quàng tay qua người lão ta vừa bước – Nghe đây, – Chàng nói – tôi khoái gặp đồng chí lắm đồng chí nghe không? Đồng chí không biết người ta nghĩ sao về xứ sở này khi gặp lại một người đúng vào chỗ mà người ta đã đặt hắn?

Cách phê bình này chính là một bằng cớ hùng hồn về lòng tin cậy và sụ thân tình.

– Tôi hài lòng gặp lại đồng chí – Anselmo nói – Nhưng tôi sắp sửa bỏ đi rồi đó.

– Đồng chí nói sao đó chớ – Robert Jordan vui vẻ nói – Đồng chí suýt chết cóng thì đúng hơn.

– Ở trên đó ra làm sao? – Anselmo hỏi.

– Tốt – Robert Jordan nói – Tất cả đều tốt đẹp.

Chàng tiếp nhận cái cảm giác sung sướng bất chợt và hiếm hoi kia có thể xâm chiếm tràn ngập tâm hồn của bất luận một người chỉ huy nào trong lực lượng cách mạng. Đó là thứ hạnh phúc được thấy một bên sườn của mình được vũng chắc. Nếu cả hai bên đều vững chắc, điều này có lẽ quá nhiều để người ta có thể chịu đựng được. Tôi tự hỏi mình có thể chịu đựng được điều đó không. Và một bên sườn, bất luận một bên sườn nào, lúc nào cũng tận cùng bằng một con người. Phải, chỉ một con người thôi.

Đó không là một tiền đề chàng mong muốn. Nhưng chàng đã có lão già này dưới tay mình. Một người, chỉ có một người, nhưng là một người đúng nghĩa. Đồng chí sẽ là cạnh sườn trái của tôi lúc lâm trận, chàng nghĩ. Tốt hơn không nên nói điều đó bây giờ. Đây là một trận rất nhỏ nhưng cũng rất cam go. Nào, tôi vẫn luôn mong được một trận như thế. Từ vụ Azincourt, tôi luôn có một quan niệm riêng của tôi về những gì sai lạc, hư hỏng nơi kẻ khác. Trận này phải tiến hành tốt đẹp. Nó sẽ tầm thường, bé nhỏ, nhưng nó lại rất sáng giá. Nếu phải làm điều gì mà tôi nghĩ lẽ ra mình phải làm, đương nhiên đây là một trận sáng giá.

– Nghe này – Chàng bảo Anselmo – Tôi rất hài lòng gặp lại đồng chí.

– Tôi cũng vậy. – Lão già nói.

Họ leo dốc trong đêm tối, gió quất lên lưng họ, bão tố vây phủ lấy họ, Anselmo không còn thấy đơn độc nữa. Lão không còn thấy cô đơn nữa kể từ lúc hắn vỗ lên vai lão. Hắn có vẻ sung sướng và hài lòng. Và cả hai đều vui đùa thích thú. Hắn đã nói rằng mọi sự tốt đẹp và hắn không lo âu gì cả. Rượu trong dạ dày khiến lão nóng ran, và chân lão cũng nóng ran khi leo lên dốc.

– Trên đường không có gì đáng kể. – Lão nói.

– Tốt. Đồng chí sẽ cho tôi biết khi về tới trại.

Bây giờ thì Anselmo lấy làm sung sướng, và lão khoan khoái đã ở lại địa điểm quan sát.

Nếu lão trở về trại, điều này cũng rất hợp lý, Robert Jordan nghĩ trong hoàn cảnh đó, lão làm đúng. Nhưng lão tiếp tục ở lại nơi ta chỉ định cho lão. Chính đó là điều hiếm thấy nhất ở Tây Ban Nha, chàng nghĩ. Tiếp tục ở lại trong bão tuyết, sự kiện này nói lên rất nhiều điều. Không phải vô lý mà bọn Đức đã dùng tiếng bão tố để chỉ một cuộc tấn công. Chắc hẳn tôi có được hai người như vậy. Tôi tin rằng có, tôi tự hỏi tên Fernando có thể ở lại như lão già không. Có thể. Rốt cuộc, chính hắn mới đây đã đề nghị tới đây. Liệu hắn có ở lại không? Được vậy thì hay lắm. Có thể hắn hơi cứng đầu. Tôi phải tìm hiểu hắn một chút. Không biết tên da đỏ trên hộp xì gà kia đang nghĩ gì trong lúc này.

– Đồng chí đang nghĩ gì đó hở, Fernando? – Robert Jordan hỏi.

– Tại sao hỏi vậy?

– Tò mò. Tôi bình sinh rất tò mò.

– Tôi nghĩ tới bữa ăn tối.

– Đồng chí khoái ăn lắm à?

– Ừ, khoái lắm.

– Pilar làm bếp ra thế nào?

– Trung bình.

Đây chính là một Coolidge thứ nhì đây, Robert Jordan nghĩ. Nhưng với tất cả những điều hắn mới nói, tôi cho rằng hắn sẽ ở lại như lão già.

Trong mưa tuyết, cả ba leo lên ngọn núi.
— —— —— —— ——-

1 Dốt, mù chữ.
2 Chào cụ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.