CHUYẾN BAY FRANKFURT

Phần thứ ba : Chương hai mươi ba – Chuyến đi Scotland



Viên thiếu tá chưa biết công việc sắp tới quan trọng đến đâu, nhưng ông ta biết chắc đó là chuyến đi có quan hệ đến an ninh quốc gia. Đây không phải lần đầu tiên ông bố trí cho xe đến một nơi lạ và chở những con người không bình thường. Tuy nhiên đến lúc này ông đã biết vài người trong số họ. Huân tước Altamount trông dáng già nua yếu đuối, như thể phải cố gắng lắm mới đi lại nổi. Người đàn ông có khuôn mặt choắt như diều hâu là vệ sĩ của Huân tước, nhưng anh ta lo đến bản thân anh ta hơn là đến an toàn của cấp trên. Trên xe hẳn phải có một bác sĩ, vì trông Huân tước Altamount như người đang ốm nặng. Một người nữa tên là Horsham, quan chức Cục An ninh Quốc nội, rồi cả đại tá Munro, trông có vẻ lo lắng, đăm chiêu. Cuối cùng là một người trông có vẻ người nước ngoài, to lớn và nước da vàng khè.

Viên thiếu tá bước đến trước mặt đại tá Munro báo cáo :

– Xe đã sẵn sàng!

– Từ đây đến đó bao xa?

– Mười bảy dặm. Đường khá xấu nhưng vẫn đi được. Trong xe đã có chuẩn bị sẵn chăn cho các vị.

Viên thiếu tá nhìn theo chiếc xe, thầm nghĩ họ đến làm gì cái lâu đài cổ kính nằm trong nơi hẻo lánh ấy, nơi chỉ có một người ốm đang nằm chờ chết. Một người đã xa lánh cõi đời, và từ lâu đã không chịu tiếp ai.

° ° °

Xe ô-tô đỗ lại ở đầu một lối đi dài trải sỏi, dẫn đến cổng một lâu đài cổ, có tháp canh xung quanh. Các vị khách chưa kịp kéo chuông thì cánh cửa đã mở ra và một bà già người Scotland vẻ mặt lạnh lùng hiện ra trên ngưỡng cửa.

James Kleek và ông Horsham đỡ Huân tước Altamount ra khỏi xe, xốc nách ông lên bậc thềm. Bà già tránh sang một bên, cúi đầu cung kính chào vị khách quý :

– Kính chào Ngài Huân tước, ông chủ tôi đang chờ Ngài trong kia.

Một phụ nữ nữa, gầy, cao, da mặt rám và có chiếc mũi rất nhọn, trán cao, tóc đen, trông có vẻ xưa kia bà ta rất đẹp nhưng nay đã tàn tạ, khoảng năm chục tuổi.

Bà nói với bà già đầy tớ :

– Bà vào kiểm tra xem đã đốt lửa đầy đủ trong tất cả các phòng chưa.

– Vâng, thưa bà chủ.

Bà già lúc trước cúi đầu rồi lui vào phía trong.

Huân tước Altamount tiến lên mấy bước, nắm chặt tay chào bà chủ lâu đài :

– Chào bà Neumann.

– Tôi hy vọng chuyến đi không làm Huân tước quá mệt?

– Không đâu, thưa bà. Đường xá quả có vất vả, nhưng tôi vẫn chịu được. Xin giới thiệu với bà đại tá Munro, ông Robinson, ông James Kleek và ông Horsham, quan chức Cục An ninh.

Bà Neumann nói :

– Tôi nhớ cách đây vài năm đã có lần được gặp ông Horsham.

Horsham đáp :

– Vâng đúng thế, thưa bà. Tôi vẫn còn nhớ, đó là tại Quỹ Leveson. Hồi đó bà đã làm thư ký cho Giáo sư Shoreham, nếu tôi không lầm.

– Lúc đầu tôi là thư ký phòng thí nghiệm, về sau là thư ký riêng. Hiện nay tôi vẫn giữ chức vụ đó mặc dù Giáo sư không cần đến nó nữa. Bây giờ người Giáo sư Shoreham cần là một y tá túc trực tại nhà. Cách đây hai ngày, cô Ellis đã thay cô y tá Bude. Tôi đã dặn cô Ellis túc trực ở phòng bên cạnh để khi cần chúng tôi có thể gọi sang được ngay.

Huân tước Altamount hỏi :

– Sức khỏe Giáo sư kém lắm rồi à, thưa bà Neumann?

– Đau đớn thì không, nhưng ông ấy chỉ còn xương bọc da và chỉ nằm, gần như bất động. Nếu ai đã biết ông ấy từ trước thì nay gặp lại, hẳn khó mà nhận ra.

– Khoan đã, thưa bà. Trước khi vào gặp Giáo sư, tôi muốn biết trí óc ông ấy còn minh mẫn không. Liệu ông ấy có hiểu những điều chúng tôi nói không?

– Về mặt ấy thì Huân tước yên tâm. Giáo sư Shoreham vẫn rất minh mẫn, chỉ có điều không trình bày rành mạch được những ý nghĩ của ông ấy. Và đi lại cũng hết sức khó khăn. Thêm nữa, ông ấy rất yếu nên chóng mệt. Trước khi vào gặp Giáo sư, các ông có muốn dùng chút gì không?

Huân tước Altamount đáp :

– Cảm ơn bà Neumann! Chúng tôi không cần. Chúng tôi đến gặp Giáo sư Shoreham để bàn về một vấn đề hết sức cấp bách. Xin bà cho chúng tôi gặp ông ấy ngay, nếu ông ấy có thể tiếp chúng tôi bây giờ được.

– Giáo sư cũng đang nóng lòng chờ Huân tước.

Bà Neumann dẫn các vị khách lên tầng hai, theo một hành lang dài. Rồi bà mở một cánh cửa. Các bức tường trong căn phòng đều phủ thảm. Lửa cháy bùng bùng trong lò sưởi rất lớn.

Giáo sư Shoreham ngồi trong chiếc ghế bành bên lò sưởi. Đầu ông hơi run run, và cả bàn tay trái. Mặt ông bị méo và co dúm một bên. Bà Neumann nói không quá lời: ngày trước Shoreham cao lớn, lực lưỡng vậy mà lúc này chỉ còn như một cái bóng, thân thể gầy đét, chỉ mỗi đôi mắt vẫn sáng như xưa.

Bà Neumann ngồi xuống trước mặt ông, nhìn vào cặp môi ông mấp máy để truyền đạt lại những lời ông muốn nói nhưng nghe lắp bắp và không rõ tiếng.

Bà nói :

– Giáo sư rất sung sướng được tiếp các vị. Ông nói tai ông vẫn nghe tốt và ông có thể hiểu được đầy đủ những gì các vị nói.

Đại tá Munro lên tiếng đầu tiên :

– Chúng tôi sẽ cố gắng nói thật ngắn gọn, để Giáo sư đỡ phải mệt mỏi nghe.

Giáo sư khẽ cúi đầu tỏ vẻ ông hiểu.

Đại tá Munro nói tiếp :

– Chắc Giáo sư đã nhận được lá thư tôi viết và gửi đến?

Bà Neumann đáp thay :

– Vâng, Giáo sư Shoreham đã nhận được và đã biết rõ nội dung lá thư đó.

Cô y tá Ellis hé mở cửa nhưng không bước vào, chỉ hỏi :

– Bà cần gì không ạ, thưa bà Neumann? Cho Giáo sư hoặc cho các vị khách?

– Không, cảm ơn cô Ellis. Tôi chỉ đề nghị cô ngồi túc trực ở phòng bên cạnh để nếu cần tôi có thể gọi.

– Tất nhiên rồi, thưa bà Neumann.

Cô ta nhẹ nhàng khép cửa lại.

Đại tá Munro nói tiếp :

– Chắc Giáo sư biết những tin tức gần đây?

Bà thư ký đáp :

– Giáo sư biết khá đầy đủ.

– Giáo sư còn giữ quan hệ với giới khoa học không?

Giáo sư Shoreham lắc đầu, mấp máy môi nói :

– Hoàn toàn không.

– Nhưng hẳn Giáo sư đã biết tình hình khái quát trên thế giới? Những thắng lợi của cái gọi là “Phong trào Tuổi trẻ” hoặc “Cách mạng Trẻ”. Họ đã cướp được chính quyền ở khá nhiều quốc gia bằng các đơn vị quân sự của họ.

Bà Nemnann nói :

– Giáo sư chưa biết những sự kiện gần đây nhất.

– Thế giới hiện đang chìm trong bạo lực, đâu đâu cũng diễn ra những hành động phá phách giết chóc tàn bạo. Một số khá đông thanh niên kêu gào làm cách mạng, họ đi theo một thứ triết lý quái đản, nhằm thiết lập tình trạng vô chính phủ trên khắp hành tinh.

Cặp mắt Giáo sư Shoreham ánh lên vẻ sốt ruột.

Ông Robinson ngắt lời đại tá Munro :

– Giáo sư có vẻ đã biết tất cả những thứ đó, ông không cần nói thêm về chuyện đó nữa.

Đại tá Munro hỏi :

– Giáo sư còn nhớ Đô đốc Blunt không?

Vị giáo sư lại gật đầu, và một nụ cười lướt qua trên cặp môi ông.

– Ông Đô đốc nhớ những kết quả Giáo sư đã đạt được trong công trình nghiên cứu được gọi là “Kế hoạch B”.

Cặp mắt giáo sư Shoreham lóe sáng lên trong nháy mắt.

Bà Neumann kêu lên :

– Kế hoạch B! Câu chuyện đã xưa quá rồi!

– Đấy là một trong những công trình nghiên cứu của Giáo sư, đúng thế không, thưa bà?

– Đúng.

– Chúng ta không thể dùng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí sinh học, nhưng phát minh đó của giáo sư thì chắc chắn có thể dùng được.

Trong phòng im lặng. Trong mấy phút không ai nói gì. Rồi giáo sư Shoreham bắt đầu mấp máy môi những lời không nghe rõ. Bà Neumann truyền đạt lại :

– Giáo sư bảo rằng, đúng là ông ấy có tiến hành nghiên cứu cái “Kế hoạch B” đó, nhưng vì những lý do riêng, ông ấy đã bỏ cuộc.

– Nhưng trước đó Giáo sư đã gần như hoàn thành công trình rồi chứ?

– Đúng thế. Tôi đã làm việc với Giáo sư và tôi biết rõ, công trình đã gần sắp hoàn thành một cách mỹ mãn.

Bà lại quay sang vị giáo sư, thoăn thoắt dưa hết ngón tay này đến ngón tay khác lên mắt, tai, miệng, rõ ràng bà nói với ông bằng một hệ thống ký hiệu riêng.

Bà giải thích cho các vị khách :

– Tôi vừa hỏi Giáo sư xem có cho phép tôi trình bày chi tiết về cái dự án đó không.

– Nếu bà cho chúng tôi biết chi tiết được thì còn gì bằng.

– Giáo sư bảo trước hết ông ấy cần biết do đâu các vị biết về dự án ấy?

– Một bà bạn cũ của Giáo sư đã kể với Đô đốc Blunt. Bà bạn mà ngày trước có lần Giáo sư đã thổ lộ những dự định của ông với bà ấy. Đó là Phu nhân Matilde Cleckheaton.

Bà Neumann lại quay sang nhìn Giáo sư Shoreham. Một nụ cười lướt qua rất nhanh trên cặp môi ông.

Bà Neumann nói :

– Giáo sư tưởng bà ấy đã mất từ nhiều năm nay rồi.

– Bà Matilde vẫn còn sống, thậm chí khá khỏe mạnh, minh mẫn. Chính bà ấy khuyên chúng tôi tìm gặp Giáo sư để biết rõ về phát minh đó.

– Giáo sư sẵn sàng trình bày để các vị biết về những điểm chính yếu trong dự án ấy, đồng thời ông cũng cảnh báo các vị rằng những điều các vị nghe sẽ không có tác dụng nào hết. Vì toàn bộ ghi chép về các công thức của phát minh đó đều đã bị giáo sư hủy hết. Vậy thì những nét lớn của phát minh ấy như sau. Các vị hẳn đã biết cảnh sát sử dụng lựu đạn hơi cay để giải tán các đám người chống đối?

– Phát minh này cũng thuộc loại đó hay sao?

– Hoàn toàn không, nhưng cũng nhằm mục đích ấy. Các nhà khoa học cho rằng có thể biến đổi không chỉ các phản ứng cơ bản và các xúc cảm của con người, mà còn tạo nên được những đặc điểm cơ bản của bộ não. Hiện đã có các loại hơi ngạt, các thứ thuốc, các cuộc phẫu thuật này khác nhằm biến đổi hoạt động của bộ não con người. Để nhằm mục đích này có thể dùng chất khí, chất hóa học hoặc dùng phẫu thuật tác động vào một số tuyến nội tiết nào đó. Nhưng Giáo sư không muốn để lộ ra các chi tiết của kế hoạch B. Ông chỉ cho biết đó là một phương pháp có khả năng biến đổi quan niệm của con người đối với cuộc sống và biến đối tận gốc cách nhìn nhận của anh ta đối với người xung quanh. Ngay cả đối với những người mang trong lòng một nỗi căm giận, những người đã quen với việc sử dụng bạo lực, phương pháp của Giáo sư Shoreham vẫn biến đổi dược tâm tính họ. Dùng phương pháp đó tác động, bất cứ ai hung hãn đến đâu cũng trở thành lành hiền, phúc hậu, mong muốn làm điều tốt cho người khác và rất không muốn làm người xung quanh phiền lòng. Phương pháp này có thể sử dụng cùng một lúc trên một địa bàn rộng lớn và tác động đến hàng ngàn, hàng vạn con người, chỉ cần sản xuất chất đó với số lượng lớn và được phân bố hợp lý.

– Tác dụng của chất đó kéo dài trong bao lâu?

– Tác dụng của nó mãi mãi, cho đến hết đời.

– Nghĩa là, trong suốt cuộc đời? Có nghĩa, nếu dùng chất đó, tâm tính con người ta sẽ biến đổi hoàn toàn, không bao giờ còn quay lại trạng thái cũ nữa?

– Đúng thế, lúc đầu, phương pháp này mang tính thuần túy y học, nhưng sau đó Giáo sư đã nghĩ đến việc sử dụng nó để ngăn chặn chiến tranh, nổi loạn, cách mạng, tình trạng vô chính phủ… Tác dụng của nó không phải chỉ là đem lại hạnh phúc cho người sử dụng mà biến đổi họ thành phúc hậu, vị tha mong muốn mọi người xung quanh khỏe mạnh, hạnh phúc. Do đấy, Giáo sư phát hiện ra trong cơ thể con người có một bộ phận quyết định lòng mong muốn cho người khác khỏe mạnh, hạnh phúc. Và phương pháp của ông tìm ra được chính là kích thích bộ phận đó hoạt dộng, sau đó chỉ cần theo dõi hoạt động của nó một cách thường xuyên mà thôi.

Ông Robinson kêu lên thán phục :

– Tuyệt vời! Quả là một phát minh kỳ diệu!

James Kleek tiếp lời, cùng hét lên :

– Đúng là thứ chúng ta đang cần!

Nhưng bà Neumann lắc đầu nhẹ nhàng nói :

– Nhưng “Kế hoạch B” đã bị hủy bỏ.

Đại tá Munro chưa hiểu :

– Bà nói thế có nghĩa các vị đã từ bỏ phương pháp đó?

– Giáo sư Shoreham đã kiên quyết vứt bỏ kết quả nghiên cứu của ông ấy, cho rằng kế hoạch ấy trái với…

Bà Neumann ngừng nói, quay sang nhìn vị giáo sư. Giáo sư Shoreman làm một cử chỉ nhỏ, lắc lư đầu và lắp bắp vài âm thanh khó hiểu.

Bà Neumann bèn nói :

– Sau khi phát minh ra phương pháp đó, giáo sư Shoreman thấy sợ. Ông ấy sợ khi nghĩ rằng biết bao nhiêu phát minh khoa học lúc đầu tưởng là những điều kỳ diệu nhưng về sau lại tỏ ra có hại. Những thứ kháng sinh như penicilline tuy đã cứu sống bao nhiêu người nhưng lại giết chết số người cũng không ít hơn. Rồi phương pháp ghép tim và các phủ tạng khác chỉ tạo nên một kiểu chết không ai muốn. Phát minh ra năng lượng hạt nhân vĩ đại biết mấy nhưng lại tàn sát hàng triệu con người. Ngay cả những phát minh công nghiệp cũng đã làm ô nhiễm môi trường biết bao nhiêu. Cho nên Giáo sư rất sợ phương pháp của ông sẽ bị sử dụng một cách tùy tiện, không có phân biệt, sẽ gây những tác hại khó lường.

Đại tá Munro kêu lên phản đối :

– Nhưng Kế hoạch B hiện đang rất cần để cứu vãn thế giới. Đó là một phát minh có tác dụng tích cực và vô cùng cần thiết!

– Rất nhiều phát minh khoa học khác lúc đầu cũng đã tỏ ra có tác dụng tích cực đấy thôi. Nhưng dần dần người ta mới thấy những tác dụng phụ của chúng, thậm chí nhiều phát minh đã biến thành những tai họa cho loài người. Chính vì vậy giáo sư Shoreham đã quyết định hủy toàn bộ kết quả nghiên cứu của ông ấy. Tất nhiên ông ấy rất vui vì đã nghiên cứu thành công, nhưng thấy ra rằng không nên phổ biến nó, cần phải hủy nó và ông ấy đã làm thế. Cho nên Giáo sư không thể thỏa mãn được yêu cầu của các vị.

Lúc này, giáo sư Shoreham mới thều thào nói bằng giọng khàn đặc hết sức khó nghe :

– Tôi đã hủy kết quả nghiên cứu và tất cả các ghi chép, khiến không ai biết được tôi đã tiến hành những bước như thế nào để đạt tới cái kết quả ấy. Trong lúc tôi nghiên cứu, chỉ có mỗi một người giúp việc tôi, nhưng ông ấy đã chết vì bệnh lao sau khi công trình của tôi hoàn thành được một năm. Vậy nên tôi không thể giúp gì được cho các vị.

– Nhưng phát minh đó có thể cứu được nhân loại.

Giáo sư Shoreham bật cười, tiếng cười cũng khàn như tiếng nói của ông ta.

– Cứu nhân loại ư? Ông dùng từ thú vị đấy! Thì chính đám trẻ nổi loạn kia, chúng cũng tin rằng chúng làm thế để cứu nhân loại! Tất nhiên chúng không hiểu phải làm thế nào, chúng chỉ mang một nỗi căm thù và lòng ham muốn bạo lực. Bây giờ chúng ta muốn cung cấp cho chúng một phương pháp nhân tạo, một lòng tốt nhân tạo ư? Không! Cái phương pháp đó không có nghĩa gì hết. Làm thế là đi ngược lại các quy luật của Tự nhiên. Và cũng là chống lại Chúa Trời!

Mấy tiếng cuối cùng, ông cố dằn từng tiếng. Rồi ông đưa mắt nhìn tất cả mọi người, nói tiếp :

– Tôi hoàn toàn có quyền hủy thứ do tôi sáng tạo ra.

Ông Robinson nói :

– Tôi không tin là như thế. Không ai nỡ phá hủy thứ họ đã bỏ ra bao nhiêu công sức sáng tạo ra.

– Ông hoàn toàn có quyền giữ ý kiến đó. Nhưng ông sẽ buộc phải chấp nhận một việc có thật.

Ông Robinson thét lên :

– Không!

Bà Neumann cau mặt giận dữ nhìn ông Robinson :

– Ông nói “Không” nghĩa là thế nào?

Mắt bà long lên khiến ông Robinson thầm nghĩ: “Quả là một phụ nữ đẹp!” Hẳn bà ấy suốt đời yêu giáo sư Shoreham, cho nên mới tận tụy với ông ta đến thế.

Ông Robinson đáp :

– Thưa giáo sư Shoreham, ông là một con người lương thiện và tôi cam đoan rằng ông chưa phá hủy công trình đó. Chỉ có điều ông đình lại để suy nghĩ có nên đưa nó ra hay không. Ông đã giấu số tài liệu đó ở một nơi bảo đảm, rất có thể không phải trong tòa nhà này. Tôi đoán ông cất chúng trong một hộp bảo đảm gửi ở nhà băng nào đó và điều này chắc chắn bà Neumann biết rất rõ, bởi bà ấy là người duy nhất ông tin cậy.

Giáo sư Shoreham hỏi, giọng đã dễ nghe hơn trước :

– Ông là ai vậy?

– Tôi chỉ là một người hoạt động trong lĩnh vực tài chính, nhưng tôi hiểu tâm lý con người. Tôi biết chắc rằng nếu giáo sư muốn, ông có thể lấy ra những tài liệu kia mà ông đang giấu tại một nơi bảo đảm. Điều suy nghĩ ông vừa bộc lộ, tôi công nhận có phần đúng. Quả là những việc làm giúp ích cho nhân loại là những thứ cần phải hết sức cẩn thận khi sử dụng. Bởi lòng tốt cũng có mặt nguy hiểm của nó. Nhưng nó có thể chấm dứt đau khổ, bạo lực, tình trạng vô chính phủ, sự lệ thuộc vào ma túy. Nó có thể ngăn chặn một số biến cố không cho chúng xảy ra, có thể biến đổi những thói quen của lớp trẻ. Tất nhiên trong khi đem lại lợi ích cho nhân loại, nó có thể biến con người thành hiền lành, tự bằng lòng với bản thân họ. Còn có một cơ may khác, là nếu ông biến đổi bản chất của con người bằng biện pháp nhân tạo, một số người sẽ phát hiện ra rằng bẩm sinh họ đã quen với việc tuân theo lệnh của kẻ khác…

Đại tác Munro nói :

– Tôi chưa hiểu ông lý lẽ thế là sao đấy?

Bà Neumann nói toạc ta, không cần khéo léo :

– Những lý lẽ các vị đưa ra chỉ là những lập luận hồ đồ. Thưa các vị, các vị phải chấp nhận câu trả lời của giáo sư. Giáo sư Shoreham có toàn quyền quyết định số phận phát minh của ông ấy. Không ai có quyền ép buộc Giáo sư phải thế này thế nọ.

Huân tước Altamount khẽ khàng nói :

– Đúng thế. Chúng tôi hoàn toàn không có ý định ép buộc bà phải lộ ra nơi giáo sư Shoreham cất giấu kết quả nghiên cứu của ông ấy. Horsham, bây giờ tôi cho phép anh được tự do hành động.

– Khoan đã…

Giáo sư Shoreham lại nghẹn, không nói được, chỉ mấp máy môi. Bà Neumann phải truyền đạt lời của ông. Bà nói :

– Thưa Huân tước Altamount, Giáo sư muốn biết có đúng là Huân tước đã suy tính kỹ lưỡng và quyết định thu nhận kết quả của kế hoạch B kia và nhận hoàn toàn trách nhiệm về nó không?

Bà chăm chú nhìn thẳng vào mắt Huân tước Altamount rồi nói tiếp :

– Giáo sư nói rằng trên khắp Vương quốc Anh Huân tước là người duy nhất Giáo sư tin tưởng. Nếu Huân tước thật sự…

Đột nhiên James Kleek đứng dậy, bước nhanh đến bên ghế bành của giáo sư Shoreham. Anh ta nói :

– Xin Giáo sư cho phép tôi đỡ Giáo sư dậy. Trông sắc thái Giáo sư quá mệt mỏi. Bà Neumann, bà vui lòng tránh sang một bên được không ạ? Tôi có mang theo thuốc và tôi biết cần phải làm gì…

Kleek thọc tay vào túi, lấy ra một ống tiêm nhựa.

– Tôi phải tiêm thứ này ngay lập tức, nếu không Giáo sư sẽ nguy mất.

Anh ta đã cầm vào cánh tay giáo sư Shoreham, kéo ống tay lên và đưa hai ngón tay kẹp lớp da chuẩn bị tiêm. Nhưng đúng lúc đó ông Horsham đã kịp đẩy đại tá Munro sang một bên, lao tới, nắm chặt cổ tay Kleek. Anh này cố cưỡng lại nhưng Horsham khỏe hơn nhiều. Đại tá Munro cũng vừa bước đến.

Vị Đại tá thét lên :

– Vậy ra kẻ phản bội chính là mày ư, Kleek?

Bà Neumann đã chạy ra cửa, gọi cô y tá :

– Cô Ellis! Sang đây ngay!

Liền đó, cô y tá chạy vào, đưa mắt nhìn giáo sư Shoreham. Nhưng Giáo sư đưa tay ngăn lại và trỏ góc phòng, nơi Đại tá và Horsham đang giữ chặt Kleek lúc này đang giãy giụa hung hãn. Cô Ellis vội thọc tay vào túi tấm áo choàng trắng.

Vị giáo sư lắp bắp môi :

– Huân tước Altamount!

Cô Ellis kêu lên :

– Tim…

Đại tá Munro quát :

– Không phải tim mà là một cuộc mưu sát! Horsham, anh giữ chặt lấy hắn!

Rồi vị Đại tá bước đến gần cô Ellis :

– Bà Milly Cortman! Bà đã đội lốt nữ y tá tá bao giờ vậy? Bà đã lọt khỏi tay chúng tôi hôm ở Baltimore, đúng vậy không? Nhưng lần này thì bà không thoát được đâu.

Cô y tá Ellis, chính là Đại sứ phu nhân Milly Cortman, lập tức rút bàn tay trong túi ra: một khẩu súng ngắn tự động nhỏ xíu nằm trong bàn tay mụ. Mụ quay nhìn giáo sư Shoreham, nhưng đại tá Munro đã chặn lại, còn bà Neumann thì đứng vào bên cạnh ghế bành của giáo sư Shoreham để che chở ông.

James Kleek hét lên :

– Bắn lão Huân tước mau, Juanita.

Mụ cựu phu nhân Đại sứ Hoa Kỳ liền giơ cao tay, bóp cò.

Huân tước Altamount gần như điềm tĩnh nói :

– Kleek! Thì ra chính mi là kẻ phản bội?

Một tiếng nổ gọn và Huân tước Altamount gục xuống trong ghế bành.

° ° °

Bác sĩ McCulloch nhìn xung quanh, lúng túng chưa biết nên làm gì. Bà Neumann đem một cốc nước đến đặt bên cạnh ông ta. Bà nói :

– Đây là rhum pha loãng.

Viên bác sĩ đưa cốc lên môi, nói :

– Bao giờ bà cũng rất chu đáo, thưa bà Neumann. Bà vui lòng cho tôi biết tất cả những chuyện này là thế nào? Nhưng tôi đoán đây là chuyện riêng tư và không ai muốn nói ra cho tôi biết.

Bà Neumann lo lắng hỏi :

– Giáo sư không sao chứ?

– Giáo sư? Ô, chắc chắn rồi.

– Tôi e chuyện vừa rồi quá bất ngờ có thể gây sốc cho Giáo sư…

Giáo sư Shoreham nói rất khẽ :

– Bà Meumarm yêu quý.! Tôi thấy dễ chịu rồi. Chính cú sốc vừa rồi là thứ tôi đang cần. Tôi thấy như tỉnh lại…

Bác sĩ nói :

– Bà thấy không? Giọng nói của Giáo sư đã nghe rõ hơn trước. Đối với bệnh trạng của Giáo sư thì sự thờ ơ là thứ nguy hiểm nhất. Nay sự thờ ơ đã biến mất. Thứ thuốc công hiệu nhất đối với Giáo sư lúc này là tiếp xúc với bạn bè, tiếp tục nghiên cứu khoa học, là động não. Nghe nhạc sẽ rất tốt. Âm nhạc làm dịu thần kinh và đưa Giáo sư trở lại cuộc sống. Nhưng Giáo sư là trí thức, nhà khoa học cho nên tốt nhất là nghiên cứu khoa học. Nếu bà có thể tạo được cho Giáo sư tiếp tục làm việc thì tốt hơn cả, thưa bà Neumann.

Thấy bà thư ký vẫn còn có vẻ ngờ vực, bác sĩ cười nhìn bà như để động viên.

Đại tá Munro nói :

– Thưa bác sĩ McCulloch, đúng là chúng tôi sẽ phải giải thích cho bác sĩ về những sự kiện diễn ra lúc ban tối. Nhưng tôi muốn biết, cái chết của Huân tước Altamount…

– Ngài Huân tước qua đời không phải do viên đạn mà do một xúc động quá mạnh. Phát súng cũng như ống kim tiêm chỉ là cái cớ để tạo trạng thái thần kinh đó. Ông trẻ tuổi kia…

Horsham nói :

– Tôi đã kịp chặn tay anh ta lại. Anh ta là con trai một người bạn lâu năm nhất của Huân tước cho nên được Huân tước tuyệt đối tin cậy suốt trong bảy năm qua.

– Chuyện đó có thể xảy ra lắm! Còn người phụ nữ trẻ kia, hẳn cùng là đồng bọn?

– Đúng thế. Bà ta dùng giấy tờ giả, đóng vai y tá. Bà ta đang bị cảnh sát ban bố lệnh truy nã vì nghi can tội giết chồng, Đại sứ Hoa Kỳ tại Vương quốc Anh. Bà ta đã hạ ông chồng bằng một phát súng ngay trên thềm Tòa đại sứ, nhưng sau đó lại khai là ông ta bị một đám thanh niên đeo mặt nạ tấn công.

– Bà ta giết chồng vì nguyên nhân riêng tư hay chính trị?

– Vì ông Đại sứ phát hiện ra một số hoạt động ngầm của vợ, có lẽ thế.

Horsham nói :

– Lúc đầu ông ta nghi vợ ngoại tình, bèn tiến hành theo dõi, thì lại phát hiện ra cả một mạng lưới điệp báo do vợ ông ta cầm đầu. Ông ta lúng túng chưa biết xử lý ra sao thì đã bị vợ thủ tiêu. Thật ra ông Cortman tuy rất tốt nhưng lại thiếu kiên quyết và nhanh chóng khi cần hành động.

° ° °

Bác sĩ đi rồi, giáo sư Shoreham nhỏm dậy một chút trong ghế bành, ông nói :

– Bây giờ, ta tiếp tục làm việc thôi…

Bà Neumann vội ngăn lại, đúng tính chất của phụ nữ nói chung :

– Từ từ thôi, anh!

– Từ từ ư? Không đâu. Thời gian đã gấp gáp lắm rồi. Anh rất thèm có Gottlieb lúc này bên cạnh. Dễ chịu bao nhiêu được có cậu ta cùng làm việc! Mà có thật cậu ta chết rồi không?

Ông Robinson nói :

– Ông Gottlieb vẫn còn sống, hiện đang ở trụ sở của Quỹ Baker tại thành phố Austin, bang Texas.

Giáo sư Shoreham nói tiếp :

– Neumann, em hãy đến ngân hàng lấy về bộ hồ sơ ấy đi.

– Lạy Chúa! Nhưng… anh định làm gì vậy?

– Tiếp tục nghiên cứu “Kế hoạch B”, chính vì nó mà Huân tước Altamount đã phải chết. Mà chúng ta không có quyền để Huân tước chết vô ích.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.