CHUYẾN BAY FRANKFURT
Phần thứ ba : Chương hai mươi – Vị Đô đốc đến thăm bà bạn già
Sau khi chào bà cụ Matilde, Đô đốc Blunt nói :
– Tôi đã tưởng bà không còn trên cõi đời này nữa. Riêng trong tuần qua, tôi gọi điện cho bà ít nhất là bốn lần mà không thấy ai nhấc máy.
– Tôi đi Bavière, có cháu Amy đi cùng. Hai bà cháu vừa mới về đến nhà xong.
– Vậy là bà vẫn ngao du?
– Tôi đi dưỡng bệnh, ông Blunt thân mến ạ. Bây giờ ông cho tôi biết sau bao nhiêu năm quên bà bạn già này, vậy mà bây giờ vì sao ông lại cuống quýt tìm gặp tôi đến thế?
– Tôi muốn hỏi ý kiến bà về một vấn đề quan trọng.
– Vấn đề gì thế? Chuyện sức khỏe hay chuyện tìm thêm một người giúp việc gia đình?
– Hoàn toàn không phải. Tôi muốn hỏi xem bà còn nhớ một thứ hiện tôi hết sức quan tâm không.
– Ông bạn Blunt thân mến, ông làm tôi vinh dự đấy. Nhưng trí nhớ của tôi mỗi ngày một kém, đến nỗi tôi quên dần mọi thứ, quên cả rất nhiều chuyện thuở trẻ. Thậm chí tôi quên cả tên những đứa con gái tôi rất ghét nữa. Này, tôi kể ông nghe nhé, tôi vừa gặp một bạn cùng học thuở nhỏ mà đã năm chục năm nay hai đứa không gặp nhau. Vậy mà tôi lại nhớ rất rõ về bà ta thời trẻ.
– Bà thấy bà ta hiện giờ thế nào?
– To béo, phục phịch, lừng lững, xấu hơn cả tôi tưởng tượng. Nhưng ông muốn tôi nhớ lại về chuyện gì?
– Chắc bà chưa quên một người bạn thuở trẻ khác: Robert Shoreham?
– Robbie 1 Shoreham ấy à? Quên sao được? Robbie thuộc loại người tôi không thể quên được.
– Có phải bà hay được mọi người tin cậy, bộc lộ cả nhiều điều thầm kín của họ phải không nhỉ? Ngay bản thân tôi, tôi cũng tâm sự với bà khá nhiều điều bí mật của tôi…
– Chính tôi cũng không hiểu tại sao ông lại kể những thứ đó ra với tôi, bởi tôi đâu có hiểu ý nghĩa của chúng. Còn với Robbie thì tình trạng còn khó khăn hơn.
– Tôi muốn hỏi bà, hồi Shoreham còn chưa đến nỗi nào, anh ta có tâm sự với bà về một thứ gọi là “Kế hoạch B” không?
Bà cụ Matilde suy nghĩ vài giây rồi nói :
– Kế hoạch B… Có đấy, tôi nhớ ra rồi. Chuyện ấy Robbie kể với tôi từ lâu lắm rồi. Có một thời anh ta say sưa với cái kế hoạch ấy lắm. Đến mức thỉnh thoảng tôi lại hỏi anh ta: “Kế hoạch B đến đâu rồi?”
– Bà kể tỉ mỉ hơn cho tôi nghe được không?
– Lần đầu tiên Robbie nói đến nó là sau khi anh ấy kể về một ca mổ não con người. Ông biết không, những người mắc chứng trầm cảm, luôn bị ý nghĩ tự tử ám ảnh, sau khi mổ xong bỗng trở thành yêu đời. Mọi ý nghĩ bi quan, mọi lo lắng tan biến sạch và họ chuyển thành vui tươi, hồ hởi. Thậm chí đôi khi họ tự tin đến mức không còn biết sợ nguy hiểm nữa. Tôi kể có lẽ chưa đúng với sự diễn biến đó trong bộ não con người đâu, nhưng chắc nghe thế là ông đã hiểu vấn đề rồi. Robbie còn thổ lộ với tôi rằng trong khi thực hiện dự án, có lẽ anh ta gặp đúng sự rắc rối như thế.
– Shoreham có kể cụ thể với bà cái rắc rối ấy là gì không?
Bà Matilde nói một cách bất ngờ :
– Một lần Robbie bảo, chính tôi đã gợi cho anh ấy cái ý tưởng kia.
– Sao lại thế được? Bà mà gợi ý cho một bác học cỡ lớn như Shoreham được ư? Bà có biết gì về các vấn đề khoa học đâu?
– Tất nhiên tôi không hiểu gì về khoa học, nhưng bao giờ tôi cũng cố giúp cho những người khác giữ được đôi chút tỉnh táo. Họ càng thông minh, càng hiểu biết nhiều bao nhiêu họ càng thiếu tỉnh táo, thiếu đầu óc thực tế bấy nhiêu. Theo quan niệm của tôi, những người thực sự quan trọng là những người luôn nghĩ đến những thứ rất đơn giản, thí dụ đến những con dấu đóng lên con tem trên các phong bì thư chẳng hạn. Tôi cho rằng những con người đơn giản ấy có ích cho nhân loại hơn là những bác học chuyên nghiên cứu, khám phá ra những thứ hủy hoại con người. Những ý nghĩ tôi đem đến cho Robbie chính là những ý nghĩ thuộc loại đó. Tất nhiên tôi nói giọng vui vẻ, chỉ như nửa đùa nửa thật thôi.
– Bà chưa kể xem Shoreham đã nói với bà những gì?
– Vâng, Robbie đến gặp tôi kể về những phát minh lớn lao về các vũ khí sinh học và vũ khí hơi độc. Anh ấy còn quả quyết với tôi rằng những kẻ ngu ngốc phản đối bom nguyên tử sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu họ biết rằng bom nguyên tử chỉ là thứ đồ chơi trẻ con so với những vũ khí người ta mới phát minh ra gần đây. Nghe Robbie nói xong, tôi bèn bảo, trước hết cần tạo một cách suy nghĩ tỉnh táo và khôn ngoan đã. Anh ta trợn tròn mắt hỏi: “Bà hiểu tỉnh táo và khôn ngoan nghĩa là sao?” Tôi bèn đáp: “Trước khi đi tìm cách chế tạo những vũ khí sinh học, vũ khí vi khuẩn, hơi độc và trăm thứ khủng khiếp ấy, tại sao không đi tìm xem làm thế nào để mọi người có được cảm giác thấy mình sung sướng? Tôi nghĩ tìm thứ này chưa chắc đã khó hơn. Ông vừa kể với tôi về ca mổ, loại đi một mẩu nhỏ nào trong não bệnh nhân trầm cảm, thế là họ mất đi mọi nỗi u uất và trở nên hồ hởi vui tươi. Nếu có thể dùng phẫu thuật để thay đổi tính nết con người thì sao không dùng cách đó để biến đổi con người thành hiền lành, tốt bụng với nhau hơn? Các nhà khoa học đã chế ra được thuốc ngủ, sao không tạo ra thứ thuốc làm cho con người mơ thấy những giấc mơ đẹp? Thí dụ giấc mơ đó kéo dài hai mươi tư tiếng đồng hồ, chỉ cần thỉnh thoảng đánh thức họ dậy để cho họ ăn uống thôi”.
Đô đốc Blunt hỏi :
– Và đấy chính là “Kế hoạch B”?
– Robbie chưa bao giờ nói cụ thể cho tôi biết cái kế hoạch B đó là gì. Nhưng rất có thể là những nghiên cứu theo hướng đó. Tôi nhớ hình như tôi có đưa ra với Robbie về thứ khí gây cười mà một số bác sĩ nha khoa bơm cho bệnh nhân ngửi trước khi nhổ răng cho họ. Rồi tôi đưa ý kiến là có thể nghiên cứu một thứ thuốc gây cười có tác dụng kéo dài hơn, vì thứ khi tôi vừa kể chỉ có tác dụng trong vài giây đồng hồ.
– Nghĩa là Shoreham đã tiến hành nghiên cứu theo hướng đó?
– Tôi không biết, nhưng theo tôi đoán, “Kế hoạch B” là kế hoạch của lòng nhân ái. Robbie muốn tạo cho con người một sự biến đổi, khiến họ trở thành tốt bụng. Thỉnh thoảng tôi có hỏi ông ấy, công việc nghiên cứu đã đến đâu. Nhưng rồi một hôm Robbie báo tôi biết là ông ấy đã ngừng, thôi không tiếp tục cuộc nghiên cứu theo hướng ấy nữa.
– Shoreham nói với bà thế nào?
– Robbie bảo tôi: “Không phải tôi gặp khó khăn nào không thể giải quyết nổi, mà chỉ vì tôi đã nhìn thấy vấn đề nằm ở đâu”. Tôi hỏi: “Vậy tại sao ông thôi không tiếp tục nghiên cứu nữa?” Robbie đáp thế này: “Tôi chưa biết rõ tác dụng của thứ thuốc đó sẽ ra sao đối với con người. Bởi thứ thuốc nào cũng có mặt tốt và mặt xấu. Ngay những phát minh rất tốt như thuốc kháng sinh, phương pháp ghép tim và nhiều thứ khác vẫn có mặt xấu, có hại”. Tôi bèn nói: “Nhưng tạo cho con người trở thành phúc hậu, đối xử tốt với nhau sao lại có thể có hại được?” Và Robbie đã trả lời thế nào, ông có tưởng tượng được không?
– Tôi đang sốt ruột muốn biết Shoreham đã trả lời bà thế nào.
– Robbie bảo tôi: “Matilde, bà không hiểu đấy thôi, mà có lẽ các cộng sự của tôi cũng không hiểu. Chúng ta hãy tạm gác các chính trị gia sang một bên, bà đồng ý chứ? Vấn đề là ở chỗ phương pháp tôi nghiên cứu lại không chỉ tác dụng trong một thời gian ngắn, mà vĩnh viễn. Vì nó tác động đến…” Chỗ này Robbie dùng một thuật ngữ khoa học rất dài, tôi không thể nhớ được.
– Các cộng sự của Shoreham nghĩ sao khi thấy ông ấy bỏ dở công trình nghiên cứu?
– Tôi cho rằng chỉ rất ít người biết quyết định của Robbie. Ông ấy có một nữ trợ lý người Áo, tên là Lisa. Còn một cộng sự trẻ nữa, hình như tên là Leadenthal, nhưng chết rồi, do mắc bệnh lao. Ngoài hai người đó ra, những người khác chỉ là trợ lý phòng thí nghiệm, chỉ biết từng phần chứ không biết mục đích, của toàn bộ công trình nghiên cứu.
– Liệu có ai biết được những kết quả nghiên cứu của Shoreham không?
– Tôi tin rằng Robbie không thổ lộ với ai những chi tiết về công việc nghiên cứu của ông ấy. Thậm chí tôi còn tin rằng sau khi quyết định bỏ dở công việc nghiên cứu, Robbie đã hủy toàn bộ các công thức và ghi chép của ông ấy. Thêm vào đó, sau đấy ông ấy bị tai biến mạch máu não, một nửa não bộ bị liệt và bây giờ Robbie chỉ làm có mỗi một việc là nghe nhạc.
– Ông ấy hoàn toàn không làm việc nữa?
– Tôi còn nghe nói ông ấy không cả gặp bè bạn nữa.
– Nhưng ông ấy vẫn còn sống. Bà biết địa chỉ ông ấy không?
– Hình như tôi có ghi trong sổ. Nếu ông muốn, tôi sẽ đi lấy cuốn sổ ấy ra đây để tìm. Tôi nhớ Robbie hiện sống ở một nơi nào đó phía Bắc của xứ Scotland 2 .
——————————–
1 | Tên gọi thân mật của Robert. (N.D). |
2 | Xứ nằm ở phía Bắc, chủ yếu là miền núi, thuộc Vương quốc Anh (N.D). |
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.