Chuyện Con Ốc Sên Muốn Biết Tại Sao Nó Chậm Chạp

CHƯƠNG 2



Con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp rất thắc mắc chuyện nó cũng như các con khác trong đàn không có tên. Với nó, không có tên là điều bất công, và một trong số các cụ sên già hỏi nó tại sao lại muốn có một cái tên, nó thì thầm, vẫn không lên giọng:
– Vì cây ô rô có tên là “ô rô” và chẳng hạn, mỗi lúc trời mưa, chúng ta vẫn nói với nhau là ta sẽ trú dưới tán cây ô rô. Cây bồ công anh ngon tuyệt tên là bồ công anh hoặc là răng-sư-tử, và chính nhờ thế mà khi chúng ta nói sẽ ăn lá bồ công anh thì không thể ăn nhầm sang cây tầm ma được.
Nhưng những lập luận của con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp chẳng khiến những con khác quan tâm. Chúng thì thầm với nhau rằng như thế thì mọi thứ vẫn tốt, rằng biết được tên của ô rô, bồ công anh, sóc, khướu, đồng cỏ mà chúng gọi là Xứ sở Bồ Công Anh cũng đủ lắm rồi, và chúng nhận thấy chẳng cần gì hơn để được hạnh phúc như chúng xưa nay vẫn thế, những con ốc sên chậm chạp và lặng lẽ, chỉ cần lo giữ ẩm cơ thể và tự vỗ béo để chống chọi với mùa đông dài dằng dặc.
Một ngày kia, con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp nghe thấy tiếng nói chuyện rì rầm của hai cụ sên già nhất hội. Họ nhắc đến con cú sống trên cành dẻ gai cổ thụ nhất và cao nhất trong số ba cây dẻ gai mọc dọc một bên đồng cỏ. Họ kể rằng chim cú biết rất nhiều chuyện, và vào những đêm trăng tròn, cú ngân nga bài ca về nhiều loài cây, những cây tên là hồ đào, dẻ, sồi xanh, sồi trắng, những cây mà loài ốc sên chưa từng thấy và cũng chẳng thể hình dung nổi.
Nó quyết định hỏi bác cú về nguyên nhân vì sao nó chậm chạp, rồi chậm, thật chậm, nó tiến về phía cây dẻ gai cổ thụ nhất. Nó đi khỏi gia trang ô rô khi hừng đông chiếu những tia nắng sớm đầu tiên toả rạng đồng cỏ, và đến được chỗ cây dẻ gai đúng vào lúc bóng tối bao trùm như một chiếc áo choàng tĩnh lặng.
– Bác cú ơi, cháu hỏi bác một câu được không? nó rướn thân mình lên cao và thì thầm cất giọng.
– Cháu là ai thế? Cháu đang ở chỗ nào? cú hỏi
– Cháu là ốc sên và cháu đang đứng dưới gốc cây ạ, ốc sên đáp.
– Vậy thì tốt nhất cháu nên leo lên tận cành của bác thì hơn, giọng cháu nhỏ cứ như tiếng cỏ mọc vậy. Cháu lên đây nào, cú mời mọc, và ốc sên lại bắt đầu một hành trình nữa, chậm, thật chậm.
Trong lúc leo lên ngọn cây dẻ gai vừa được những tia sáng yếu ớt của các ngôi sao lọt qua tán lá chiếu rọi, nó đi ngang qua một cô sóc đang ôm bầy con ngủ, lên cao hơn thì phải tránh đường cho công trường lao động nặng nhọc của một anh nhện đang chăng tơ giữa các cành nhánh, và khi cảm thấy mệt nhoài vì phải bò lên cao thì cũng vừa lúc nó đến được cành cây nơi bác cú đang đậu, và ban mai ngày mới đã chiếu rọi cây dẻ gai dưới đủ mọi sắc màu.
– Cháu lên rồi đây ạ, ốc sên thì thầm.
– Bác biết rồi, cú đáp.
– Bác không mở mắt nhìn cháu sao? ốc sên thì thầm.
– Bác mở mắt vào ban đêm và trông thấy mọi thứ đang hiện hữu, còn ban ngày bác nhắm mắt và nhìn thấy những gì đã chứng kiến. Cháu muốn hỏi gì? cú hỏi.
– Cháu muốn biết tại sao cháu lại chậm chạp đến thế, ốc sên thì thầm.
Thế là cú mở cặp mắt tròn to vô cùng chăm chú nhìn ốc sên. Rồi nó lại nhắm mắt.
– Cháu chậm vì cháu phải vác nặng, cú giải thích.
Ốc sên thấy câu trả lời ấy không xác đáng, bản thân nó có bao giờ thấy cái vỏ ốc nặng nề đâu, nó không mệt vì phải vác cái vỏ và cũng chưa hề nghe con ốc sên nào than vãn về cái khối nặng ấy cả. Nó nói với bác cú như vậy và chờ cho đầu cú xoay xong một vòng.
– Như bác đây, bác có thể bay được nhưng bác không bay. Ngày trước, rất lâu trước cả khi nhà ốc sên các cháu đến đồng cỏ này, nơi đây có nhiều cây cối hơn các cháu thấy bây giờ rất nhiều. Nào là dẻ gai, dẻ, sồi, hồ đào. Tất cả những cây ấy đều là nhà của bác, bác thường bay từ cành này sang cành khác, rồi nỗi nhớ những cái cây không còn nữa kia đè nặng lên bác đến mức bác không thể bay được nữa. Cháu là một chàng ốc sên trẻ tuổi và tất cả những gì cháu đã thấy, tất cả những gì cháu đã nếm trải, cay đắng và ngọt bùi, mưa gió và nắng cháy, gió lạnh và bóng đêm, tất cả những điều ấy theo cháu, tất cả những điều ấy đè nặng, và vì cháu quá bé nhỏ nên khối nặng ấy khiến cháu chậm chạp.
– Vậy chậm chạp như thế có ích gì cho cháu không? ốc sên thì thầm.
– Câu này thì bác chẳng trả lời được. Cháu sẽ phải tự mình tìm hiểu thôi, cú đáp rồi lặng thinh, tỏ ý không muốn nghe thêm câu hỏi nào nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.