Chuyện Người Tuỳ Nữ

CHƯƠNG 10: QUYỂN HỒN



25
Âm thanh đón tôi sáng hôm sau là tiếng rú rồi tiếng loảng xoảng. Là Cora, vừa buông rơi khay đồ ăn. Tôi bừng tỉnh. Tôi vẫn còn vắt nửa thân trong tủ, đầu chúi vào cái áo choàng bùng nhùng. Chắc tôi đã kéo tuột nó khỏi mắc, rồi cứ thế ngủ luôn; mất một phút tôi không hiểu mình đang ở đâu. Cora đang quỳ bên cạnh, tôi thấy có bàn tay trên lưng. Chị lại rú lên khi tôi động đậy.
Cái gì thế? Tôi hỏi. Tôi lật người, nhỏm lên.
Ôi, chị nói. Tôi tưởng.
Chị ta tưởng gì?
Cứ như… chị nói.
Trứng đã vỡ tan, trên sàn có nước cam và vụn thủy tinh.
Tôi sẽ phải mang cái mới tới, chị nói. Phí quá đi. Cô làm gì mà nằm trên sàn thế? Chị đang nắm tôi mà kéo, để xách tôi lên, đàng hoàng, thắng thớm.
Tôi không muốn kể mình còn chưa lên giường. Muốn giải thích chuyện đó cũng chịu. Tôi bảo chắc mình đã ngất đi. Cũng tệ không kém, bởi chị tóm luôn câu đó.
Đấy là dấu hiệu ban đầu đấy, chị nói, rất hài lòng. Cái đó và nôn ọe nữa. Chị phải biết rằng chưa đủ thời gian chứ, nhưng chị vẫn rất lạc quan.
Không, không phải đâu, tôi nói. Lúc này tôi ngồi trên ghế. Chắc chắn là không. Tôi chỉ chóng mặt thôi. Tôi đang đứng đây thế rồi tôi sầm lại.
Chắc là do căng thẳng, chị nói, từ hôm qua các thứ. Khiến cô suy sụp.
Ý chị nói cuộc Sinh, và tôi bảo phải. Cho tới giờ tôi vẫn ngồi trên ghế, còn chị quỳ trên sàn, nhặt nhạnh mảnh thủy tinh và trứng, dẹp hết vào khay. Chị thấm bớt nước cam bằng khăn giấy.
Tôi sẽ phải lấy giẻ, chị bảo. Mọi người sẽ hỏi tại sao cần thêm trứng. Trừ khi cô nhịn được. Chị ta nhìn xéo lên, ma mãnh, và tôi hiểu rằng tốt hơn là cả hai vờ như tôi đã ăn sáng như thường. Nếu chị bảo đã thấy tôi nằm bất tỉnh trên sàn, sẽ có rất nhiều cầu hỏi đặt ra. Đằng nào chị cũng phải biện bạch cái cốc vỡ, nhưng Rita sẽ đổ quạu nếu phải nấu thêm bữa nữa.
Tôi nhịn được, tôi nói. Tôi không đói quá đâu. Nói thế được, nó ăn với con chóng mặt. Nhưng tôi sẽ cô miếng bánh mì, tôi nói. Tôi không muốn chẳng có miếng gì trong bụng.
Nó đã chạm sàn rồi, chị nói.
Không sao, tôi nói. Tôi ngồi đó nhai miếng bánh mì nướng màu nâu trong lúc chị vào nhà tắm giặt trôi chỗ trứng vô phương cứu chuộc. Rồi chị quay ra.
Tôi sẽ vờ đã đánh rơi khay trên đường ra, chị nói.
Tôi rất vui thấy chị sẵn sàng nói dối vì tôi, dù chuyện nhỏ nhặt, dù là cho chính chị. Nó tạo ra mối dây ràng buộc chúng tôi.
Tôi cười với chị. Hy vọng không ai nghe thấy chị bảo thế, tôi nói.
Tôi cũng hoảng lên đấy, chị nói, đứng giữa cửa tay bưng khay. Đầu tiên tôi tưởng chỉ là quần áo của cô, kiểu thế. Rồi tôi bảo với mình, chúng nó nằm trên sàn làm gì? Tôi tưởng biết đâu cô đã…
Bỏ trốn, tôi nói.
Ờm, nhưng, chị nói. Nhưng lại là cô.
Vâng, tôi nói. Là tôi.
Và là thế, và chị mang khay đi ra rồi mang miếng giẻ quay vào lau nốt chỗ nước đổ, và chiều hôm đó Rita làu nhàu về người ta nào đó hậu đậu hết chỗ nói. Nghĩ trên trời dưới biển, không biết mình đang đi đâu nữa, chị nói, và chúng tôi tiếp tục như chẳng có gì xảy ra.
 
Đó là tháng Năm. Bây giờ mùa xuân đã rời gót. Bầy uất kim hương đã lên đỉnh vinh quang và đã lụi, trút từng cánh một, như rụng răng. Một hôm tôi vấp phải Serena Joy, đang quỳ trên gối tựa trong vườn, cây can trên cỏ. Bà ta đang dùng kéo làm vườn tỉa hết các bầu hạt. Tôi nhìn ngang khi đi qua bà, tay xách giỏ đựng những cam với đùi cừu. Bà nhắm, đặt lưỡi kéo vào vị trí, rồi cắt một nhát, bàn tay co giật rất kỳ cục. Đây là do chứng viêm khớp, đang lẻn dần lên? Hay là chiến tranh Chớp giật, cảm tử Thần phong, nhằm vào cơ quan sinh sản đang căng ứ của mấy đóa hoa? Phần thân đậu trái, cắt bỏ bầu hạt được coi là cách giúp thân củ tích trữ dinh dưỡng.
Serena thánh nữ, quỳ gối, đang sám hối.
Tôi thường giải trí bằng cách đó, những câu đùa nhỏ nhen chua chát về bà, nhưng không được lâu. Có vơ vẩn lại, ngắm nghía Serena Joy từ sau lưng, cũng chẳng được việc gì.
Tôi thèm thuồng là đôi kéo làm vườn kia.
Chậc. Rồi chúng tôi trồng diên vỹ, vươn lên duyên dáng bảnh chọe trên cuống hoa ngất ngưởng, như thổi bằng thủy tinh, như nước màu nhạt đông cứng giữa lúc đang tung tóe, lam nhạt, hoa cà nhạt, hay các màu đậm hơn, nhung và tía, tai mèo đen trong nắng, chàm chiều hôm, và hoa trái tim rỉ máu, hình dung yểu điệu đến mức phải ngạc nhiên nếu nhớ chúng bị đánh rễ vừa mới đây thôi. Khu vườn của Serena có gì đó nổi loạn, những vật đã vùi xuống đua nhau vượt trội lên, không lời, vươn vào ánh sáng, như để chỉ ra, để nói: Thứ gì bị bịt mồm ắt sẽ khua chiêng gõ trống đòi được lắng nghe, dù không ra tiếng. Một khu vườn kiểu Tennyson, trĩu nặng mùi hương, uể oải; cuộc tái xuất của chữ lịm người. Ánh sáng đổ tràn xuống từ trời, đúng thế, nhưng sức nóng cũng xông lên, từ chính những bông hoa, cảm thấy được rất rõ: như để bàn tay vài phân lơ lửng trên một cánh tay, một bờ vai. Nó hô hấp, trong hơi ấm, hít căng chính mình. Đi qua vườn trong những ngày này, giữa mẫu đơn đỏ, cẩm chướng hồng và tía, đầu tôi váng vất.
Thùy liễu đang phô tầng lá rậm rạp và chẳng giúp gì hơn, khi không ngớt gần xa thủ thỉ. Hẹn hò, nó nhắc, xốn xang, những âm gió xạc xào chạy dọc xương sống, tôi run lên như sốt. Tấm áo mùa hè sột soạt cọ vào da thịt bắp đùi tôi, cỏ mọc tràn chân, trong khóe mắt tôi đầy chuyển động, giữa lá cành: lông cánh, chuyền cành, nốt láy, cây hóa chim, biến hóa tới thành cuồng loạn. Các nữ thần đậu xuống tầm tay, bầu không tràn trề nhục cảm. Ngay cả gạch tường nhà cũng mềm ra, gọi mời đụng chạm; nếu dựa vào tôi sẽ thấy chúng ấm và ủ ấp. Lạ lùng thay cái nhịn gây ra được những gì. Có phải chỉ nhìn thấy mắt cá chân tôi đã làm cậu ta choáng đầu, muốn xỉu, tại chốt kiểm soát hôm qua, khi tôi đánh rơi giấy thông hành và để cậu ta nhặt hộ? Chẳng có khăn tay hay quạt, tôi dùng cái gì có sẵn.
Mùa đông không nguy hiểm đến vậy. Tôi cần cứng cỏi, lạnh lẽo, rắn chắc; tôi không muốn nặng nề, như mình là quả dưa treo đầu cuống, không muốn chín nẫu mọng nước thế này.
Chủ soái và tôi đã dàn xếp xong. Cũng chẳng là vụ dàn xếp đầu tiên trong lịch sử, dù không theo lối thông thường.
Tôi tới phòng Chủ soái mỗi tuần hai hay ba lần, luôn là sau bữa tối, nhưng chỉ khi có tín hiệu. Tín hiệu từ Nick. Nếu anh ta đang đánh bóng xe khi tôi ra ngoài mua sắm, hoặc lúc tôi về, mà mũ kéo lệch một bên hay không đội, thì tôi tới. Nếu anh vắng mặt hay đội mũ bình thường, tôi ở nguyên trong phòng như mọi khi. Các đêm Lễ tháng, tất nhiên, không tính.
Trở ngại ở Phu nhân, như mọi trường hợp khác. Sau bữa tối bà về phòng ngủ, từ đó hoàn toàn có thể nghe thấy tôi lẻn xuống cầu thang, dù tôi luôn cẩn trọng bước thật nhẹ. Có khi bà ngồi lại phòng nghỉ, cần mẫn đan những dải khăn Thiên sứ dài vô tận, sinh thêm hàng thước người len tinh xảo vô giá trị: hình thức sinh sản của riêng bà, chắc vậy. Cửa phòng nghỉ thường mở hé khi có bà trong ấy, tôi không dám đi qua. Khi tôi được triệu nhưng không thể đi, xuống lầu hay qua sảnh ngang phòng nghỉ, Chủ soái luôn thông cảm. Ông hiểu tình trạng của tôi, rõ hơn ai hết. Ông biết mọi luật lệ.
Tuy nhiên đôi lúc Serena Joy cũng vắng nhà, đi thăm một Phu nhân Chủ soái khác, đang đau bệnh; đó là chỗ duy nhất tôi hình dung được bà đi, một mình, vào buổi tối. Bà cầm theo đồ ăn, bánh ngọt, bánh mặn hay bánh mì do Rita nướng, hay một hũ mứt bạc hà cây nhà lá vườn, chính lá bạc hà trong vườn bà. Ai chứ các Phu nhân, họ đau ốm thường lắm. Nó giúp cho đời họ thêm tí màu sắc. Còn chúng tôi, đám Tùy nữ và ngay cả Martha, tránh càng xa bệnh tật càng hay. Các chị Martha không muốn bị buộc nghỉ hưu, vì ai biết rồi sẽ đi đâu? Giờ đây trong thành phố chẳng thấy mấy bà già nữa. Còn chúng tôi, có đau ốm gì thực sự, có uể oải, suy nhược, có sụt cân hay kém ăn, có rụng tóc, hay các tuyến trục trặc gì, sẽ là án tử. Tôi vẫn nhớ Cora, hồi đầu mùa xuân, cố lết đi khắp nhà dù đang cúm, níu chặt lấy cửa khi nghĩ không ai thay mình, hết sức nhịn khỏi bật ho. Cảm nhẹ thôi mà, chị ðáp lời Serena hỏi.
Ngay Serena cũng có khi nghỉ vài ngày, quấn kín giữa mớ chăn. Khi đó đến lượt bà tiếp đón bạn hữu, các Phu nhân loạt xoạt lên xuống gác, cung cúc cười hớn hở; bà lại nhận bánh ngọt bánh mặn, nhận mứt, nhận hoa cắt tại vườn các nhà kia.
Họ thay phiên nhau. Có một danh sách nào đó, vô hình, ngầm hiểu. Ai cũng cẩn trọng không giành quá phần mình được chăm chút.
Những đêm biết Serena sẽ đi, tôi thế nào cũng bị gọi.
Lần đầu tiên tôi khá hoang mang. Những điều ông cần đến tôi không thủng nổi, và trong nhận thức của tôi hình như chúng ngớ ngẩn, nực cười, như thói sủng ái giày buộc dây.
Đồng thời, cũng có đôi chút hẫng hụt nữa. Tôi đã chờ mong gì, sau cửa còn đóng kín, khi đứng đó lần đầu? Một thứ không thể gọi tên, bò cả tứ chi chẳng hạn, đồi bại, quất roi, cắt xẻo? Ít nhất cũng là một trò dâm dục nhẹ nào đó, một thói ngỗ nghịch xưa xa đã vuột khỏi ông, trọng tội theo luật pháp, tội hình chặt chân tay. Đi đánh Scrabble, thay vào đó, kiểu một đôi vợ chồng già, hay hai đứa con nít, có thể coi là quái gở ngoại hạng, một lối xâm hại khác đời. Một đề nghị quá mù mờ.
Thế nên khi rời khỏi phòng, tôi vẫn chưa hiểu ông ta muốn gì, vì sao, hay tôi có thể đáp ứng chút nào hay không. Nếu dự định một cuộc cò kè, các điều kiện trao đổi phải đặt lên mặt bàn. Rõ ràng điều này chưa được thực hiện. Tôi đã nghĩ ông ta đang nhử, đang mèo vờn chuột với mình, nhưng giờ nghĩ có lẽ động cơ, mong muốn của ông là gì, chính ông cũng chưa ý thức được. Chúng vẫn chưa đạt tới cấp độ từ ngữ.
Buổi tối thứ hai bắt đầu hệt như tối trước. Tôi tới bên cửa, còn đóng, gõ cửa, được cho vào. Rồi là hai ván y vậy, những quân cờ vàng nhẵn mịn. Prolix, quartz, quandary, sylph, rhythm2, mọi mánh dùng phụ âm cũ kỹ tôi còn nghĩ được hoặc nhớ ra. Lưỡi tôi phát đau vì cố xướng từ. Khác nào dùng một ngôn ngữ từng học nhưng đã gần quên sạch, một ngôn ngữ gắn với những thói tục từ lâu không còn trên đời: cà phê au lait đặt trên bàn ngoài cửa, bánh mì brioche, bia ngải đắng đựng trong ly cao, tôm hùm bọc báo quấn tù và; những thứ tôi đã đọc, nhưng chưa bao giờ tận mắt nhìn. Khác nào cố bước không dùng nạng, như mấy cảnh vờ vĩnh trên phim truyền hình ngày xưa. Anh làm được mà. Tôi biết anh làm được. Cứ thế trí tôi dò dẫm rồi vấp váp, quanh những chữ R và T sắc nhọn, lướt băng băng qua các nguyên âm tròn xoe như đá cuội.
Chủ soái đã tỏ ra kiên nhẫn mỗi khi tôi do dự, hay hỏi ông cách viết chính xác thế nào. Mình có thể tra từ điển mà, ông nói. Nói mình. Lần đầu tiên, tôi nhận ra, ông đã nhường cho tôi thắng.
Đêm đó tôi đã nghĩ mọi thứ cũng sẽ y vậy, cho đến cái hôn tạm biệt. Nhưng khi chơi xong ván sau, ông ngồi lui lại trong ghế. Ông ta chống hai tay lên thành ghế, mười đầu ngón áp vào nhau, nhìn tôi.
Tôi có chút quà cho cô, ông nói.
Ông hơi mỉm cười. Rồi ông mở ngăn kéo trên cùng lấy ra một vật gì đó. Ông giữ nó một phút, khá hững hờ, giữa ngón trỏ và ngón cái, như ngẫm nghĩ rốt cuộc đưa tôi hay là không. Dù từ chỗ mình nhìn bị ngược chiều, tôi vẫn nhận ra. Ngày xưa chỗ nào cũng thấy chúng. Một tờ tạp chí, nhìn ảnh có lẽ là tạp chí phụ nữ, một cô người mẫu in trên giấy bóng, tóc lòa xòa, cổ quấn khăn, môi đánh son; thời trang mùa thu. Tôi cứ nghĩ loại này đã bị hủy hết, nhưng đây, một tờ sót lại, trong phòng riêng một Chủ soái, nơi ai mà tưởng tượng được ra. Ông ta nhìn xuống cô người mẫu, xuôi chiều; nụ cười vẫn đọng lại, nụ cười luyến tiếc đặc trưng. Cái nhìn ấy người ta thường dành cho loài vật gần tuyệt chủng, trong vườn thú.
Mắt dán vào cuốn tạp chí, tay ông đang dứ trước mũi tôi, tôi thèm có nó. Tôi thèm nó mãnh liệt đến mức đầu ngón tay nhức lên. Cùng lúc tôi thấy nỗi thèm này sao mà nhỏ nhặt và quái dị, vì ngày xưa tôi coi rẻ chúng chừng nào. Tôi đã đọc trong phòng khám răng, đôi khi trên máy bay; tôi mua mang đến khách sạn, giết thời giờ khi chờ Luke tới. Lật lật các trang xong tôi sẽ quăng vào xó, bởi thứ này thừa mứa quăng đi chẳng tiếc, và một hai ngày sau tôi sẽ quên bẵng trong đó có gì.
Dù bây giờ tôi lại nhớ. Trong đó có lời hứa hẹn. Những tạp chí ấy nói về thay hình đổi lốt, chúng trình ra những khả năng vô tận, mở rộng như ảnh trong hai tấm gương đối diện nhau, nhân thêm mãi, hết bản sao này đen bản sao khác, thắng tới không cùng. Hết một cuộc dấn thân chúng trình thêm cuộc dấn thân, hết một bộ cánh lại bộ cánh nữa, hết tiến bộ này lại tiến bộ nữa, hết một người đàn ông lại có một người. Chúng trình ra sự hồi xuân, con đường khắc phục và khuất phục nỗi đau, tình yêu bất tận. Lời hứa hẹn xét cho cùng là về bất tử.
Và nó nằm trong tay ông, mà ông không biết. Ông bật bật các trang. Tôi cảm thấy mình vươn người ra.
Cuốn này cũ rồi, ông nói, một thứ của lạ. Từ hồi bảy mươi, có lẽ. Vogue. Như một tay sành sỏi buông nhãn rượu. Tôi nghĩ biết đâu cô thích.
Tôi kìm mình. Có thể ông ta đang thử, xem giáo lý thực tình ngấm đến mức nào. Cái này bị cấm, tôi nói.
Ở đây, thì không, ông lặng lẽ nói. Tôi hiểu ý ông. Đã phá giới luật nghiêm trọng nhất, tôi còn để ý thứ khác, thứ nhỏ nhặt hơn làm gì? Rồi thứ khắc nữa, khác nữa; ai biết điểm dừng là đâu? Sau cánh cửa này, mọi giới luật tan biến.
Tôi cầm lấy tờ báo và xoay ngược lại phía mình. Lại là chúng đây, những hình ảnh thời niên thiếu: bạo dạn, sải dài, tự tin, tay vung ra như giành lấy không gian, chân xoạc rộng, đặt vững chãi trên sàn. Một tư thế rất Phục hưng, nhưng là tôi đang nghĩ đến các ông hoàng, chứ không phải các cô thiếu nữ khăn bịt đầu, tóc quăn thành lọn. Mắt nhìn thẳng, có đánh phấn thật đấy, nhưng không khác mắt mèo, tập trung cao độ sắp chồm lên. Không có chuyện run sợ hay bấu víu, trong bộ áo choàng hay đồ tuýt nhám thế kia, trong đôi bốt cao đến gối. Những nữ tướng cướp, chính thế, chiếc cặp da quỷ phái cất giấu chiến lợi phẩm đi với hàm răng ngựa tham tàn.
Tôi cảm thấy mắt Chủ soái theo dõi mình đang giả từng trang. Tôi biết mình đang làm việc đáng lẽ cấm làm, và cũng biết ông ta khoái trá quan sát tôi làm thế. Lẽ ra tôi phải thấy mình là kẻ dữ; theo mực thước của dì Lydia, tôi thuộc phe dữ. Nhưng tôi không thấy vậy. Tôi thấy mình như một tấm bưu thiếp biển Anh đầu thế kỷ: đú đởn. Rồi tiếp theo ông ta sẽ cho gì nhỉ? Đai nịt bụng ư?
Sao ông lại có cái này? Tôi hỏi.
Trong số chúng tôi, ông nói, có người vần giữ lòng ngưỡng mộ với thời đại xa xưa.
Nhưng lẽ ra những cái này phải đốt hết rồi chứ, tôi nói. Đã khám xét đến từng nhà, đã thiêu hủy..
Thứ nào nguy hiểm khi rơi vào tay đại chúng, ông nói, không phân biệt nổi có phải mai mỉa hay không, lại an toàn trong tay những ai có động cơ…
Ngoài tầm khiển trách, tôi nói.
Ông nghiêm nghị gật đầu. Chịu không đoán nổi ông có nghĩ như vậy thật không.
Nhưng cho tôi xem làm gì? Tôi hỏi, và lập tức thấy mình xuẩn. Ông ta còn nói gì đây? Rằng đang muốn mua vui, và lấy tôi trả giá? Bởi hẳn ông phải biết tôi xót xa chừng nào, khi phải nhớ về thời trước.
Tôi không lường nổi câu trả lời của ông. Tôi còn cho ai xem được nữa? Ông nói, và nỗi buồn bã lúc trước lại vang lên.
Ta có nên đẩy tiếp không? Tôi nghĩ. Tôi không muốn thúc ông, nhanh quá, xa quá. Tôi biết mình thuộc loại không ai sợ thiếu. Nhưng tôi vẫn nói, nhẹ như hơi thở, Thế còn vợ ông?
Ông có vẻ nghĩ ngợi. Không được, ông nói. Bà ấy không hiểu đâu. Đằng nào thì bà ấy cũng không nói chuyện với tôi mấy nữa. Có vẻ chúng tôi có ít điểm chung, dạo này.
Vậy đó, phơi bày ra rồi nhé: vợ ông không hiểu ông.
Nguyên nhân tôi tới đây, ra vậy. Vẫn bài cũ. Nhàm đến không tin nổi.
Đêm thứ ba tôi hỏi ông có sữa dưỡng da không, tôi không muốn khởi sự xin xỏ, nhưng tôi muốn thứ trong phạm vi mình có thể.
Sữa gì kia? ông hỏi, vẫn nhã nhặn như thường. Ông ngồi đối diện bên kia bàn. Ông không đụng chạm mấy vào tôi, trừ cái hôn duy nhất đã thành lệ. Không mó máy, không thở gấp hay tương tự, cảm giác chuyện đó ở đây hình như không đúng chỗ, ông cũng như tôi.
Sữa dưỡng da, tôi nói. Hoặc sữa bôi mặt. Da chúng tôi bị khô. Không chủ tâm tôi nói chúng tôi mà không nói tôi. Tôi muốn xin thêm cả dầu tắm nữa, những hạt nhỏ đủ màu xưa từng dễ kiếm, từng hiển hiện như phép màu trước mắt tôi trong bát thủy tinh tròn góc buồng tắm ở nhà mẹ. Nhýng tôi nghĩ ông chắc không biết. Dù sao thì chắc giờ đây không ai còn sản xuất dầu tắm nữa.
Khô à? Chủ soái nói, như chưa bao giờ nghĩ ra chuyện đó. Thế các cô làm cách nào?
Chúng tôi dùng bơ, tôi nói. Khi nào kiếm được. Hoặc mácgarin. Thường là mácgarin.
Bơ à, ông tư lự nói. Thông minh lắm. Bơ. Ông cười to.
Tôi suýt vả vào mặt ông.
Tôi nghĩ mình có thể kiếm được, ông nói, theo kiểu chiều lòng đứa trẻ đòi kẹo cao su thổi bóng. Nhưng bà ấy có thể ngửi ra cô. Tôi ngờ nỗi sợ này liệu có đến từ những kinh nghiệm cũ. Cũ lăng lắc: vết son trên cổ, nước hoa dính cổ tay, có người nhảy tăng gô, khuya muộn, trong bếp hay phòng ngủ. Đàn ông không có tí kinh nghiệm nào sẽ không nghĩ ra. Trừ phi ông ta tinh ranh hơn bề ngoài.
Tôi sẽ cẩn thận, tôi nói. Hơn nữa bà ấy không bao giờ đến gần tôi quá.
Đôi lúc cũng có, ông nói.
Tôi nhìn xuống. Tôi đã quên cơ đấy. Tôi cảm thấy mình đỏ mặt. Những đêm đó tôi sẽ không dùng, tôi nói.
Đêm thứ tư ông đưa tôi, một lọ nhựa không nhãn. Không phải loại xịn; nó hơi có mùi dầu thực vật. Bông huệ trong thung không đến lượt tôi. Chắc là loại chế ra dùng trong bệnh viện, bôi chỗ loét khi nằm nhiều. Nhưng tôi vẫn nói cám ơn.
Phiền nỗi là, tôi nói, tôi không cất đâu được cả.
Phòng cô đó, ông nói, như là chuyện quá đơn giản.
Họ tìm ra ngay, tôi nói. Có người tìm ra ngay.
Tại sao? ông hỏi, như thực tình không biết. Có thể thực tình. Không phải lần đầu tiên ông để lộ mình hoàn toàn không biết chúng tôi thực sự sống trong tình trạng ra sao.
Họ lục soát, tôi nói. Họ lục soát khắp phòng chúng tôi.
Tìm gì? ông hỏi.
Tôi nghĩ lúc đó mình hơi mất bình tĩnh. Tìm lưỡi lam, tôi nói. Sách vở, chữ viết, hàng chợ đen. Tất cả các thứ chúng tôi bị cấm rờ tới. Giê su lòng lành, ông phải biết chứ. Giọng tôi cáu giận hơn tôi muốn, nhưng ông thậm chí không nhăn mặt.
Vậy cô phải để ở đây thôi, ông nói.
Nghĩa là tôi làm thế.
Ông ta nhìn tôi xoa khắp hai bàn tay rồi mặt, thái độ như nhòm vào qua hàng chấn song. Tôi muốn quay lưng lại – cảm giác như ông ta đang trong phòng tắm cùng mình – nhưng không dám.
Với ông ta, đừng quên, tôi chỉ là ngẫu hứng thoáng qua.
26
Khi đêm Lễ tháng lại tới, hai hoặc ba tuần sau, tôi nhận thấy có thay đổi. Một nỗi lúng túng trước giờ chưa từng thấy. Trước kia, tôi coi đây là công việc, một công việc chẳng hay hóm gì cần làm cho nhanh để xong càng sớm càng tốt. Hãy tôi mình lại, mẹ thường bảo thế, trước những kỳ thi đáng ghét, hoặc trước khi nhảy vào bể bơi lạnh ngắt. Hồi đó tôi chưa bao giờ nghĩ kỹ xem như thế nghĩa là gì, nhưng nó có gắn với kim loại, với giáp sắt, và tôi sẽ làm vậy, tôi sẽ tôi mình thành thép rắn. Tôi sẽ vờ như không ở đây, không phải bằng xương thịt.
Trạng thái thoát ly, tồn tại bên ngoài cơ thể ấy đã được Chủ soái áp dụng từ lâu, giờ tôi đã hiểu. Chắc hắn ông nghĩ chuyện khác suốt thời gian ở với tôi; với chúng tôi, vì dĩ nhiên có mặt Serena Joy, đêm nào cũng vậy. Có thể ông đã nghĩ về những việc trong ngày, về cuộc chơi gôn, hay về bữa tối. Hành vi giao hợp, dù ông vẫn làm chiếu lệ, chắc chủ yếu thực hiện trong vô thức, như tự gãi cho mình.
Nhưng đêm đó, Lễ tháng đầu tiên từ khi bắt đầu dàn xếp mới bất kể gọi là gì này, tôi thấy ngượng. Tôi thấy, trước hết, là ông ta quả có nhìn mình, và không thích thế. Đèn sáng trưng, như mọi bận, bởi Serena Joy cẩn thận bỏ đi mọi thứ có thể tạo không khí luyến ái hay dục tình, nhỏ nhặt tới đâu: đèn thẳng trên đầu, chói gắt, dù có màn lọc bớt. Cứ như nằm trên bàn mổ, mọi mắt chiếu vào; như giữa sân khấu. Tôi ý thức được chân mình đầy lông, lởm chởm, cái kiểu mọc lại sau khi cạo; ý thức cả về hai nách, dù tất nhiên ông ta không thấy chúng. Tôi thấy mình thô thiển. Hành vi giao phối này, gọi là thụ tinh cũng được, đáng lẽ chỉ nên coi như ong hút nhụy, thì nay với tôi đã thành khiếm nhã, bẻ gãy khuôn phép một cách đáng xấu hổ, mà trước đâu như vậy.
Ông ta với tôi không còn là một vật. Chết nỗi là thế. Đêm đó tôi đã nhận ra, và không rũ bỏ được điều này. Mọi sự thành ra phức tạp.
Cả Serena Joy cũng thay đổi với tôi. Trước kia tôi chỉ ghét bà ta thuần túy, vì có can dự vào cái việc diễn ra trên người tôi; và bởi bà cũng ghét tôi và oán hận cái mặt tôi, và bởi bà sẽ lãnh phần nuôi nấng con tôi, giá sử tôi đẻ nổi một đứa. Nhưng giờ, dù vẫn ghét bà ta, không nhiều hơn khi bà siết chặt cho nhẫn cứa ngón tay tôi, và kéo ngược cánh tay lại nữa, chắc chắn là chú ý gây phiền toái cho tôi hết mức, nỗi căm ghét đó không còn được giản đơn tinh thuần như trước. Phần nào tôi ghen tị với bà, nhưng sao có thể ghen tị nổi với một người đàn bà kiệt quệ và bất hạnh rành rành ra thế? Người ta chỉ ghen tị với ai sở hữu thứ gì lẽ ra mình phải có. Thế nhưng tôi vẫn ghen tị bà.
Nhưng tôi cũng thấy có tội với bà. Như thể tôi là một kẻ xâm nhập, trong lãnh thổ lẽ ra thuộc quyền bà kiểm soát.
Thêm những cuộc gặp gỡ giấu giếm như bây giờ, dù chỉ là chơi sắp chữ và nghe Chủ soái nói chuyện, phận sự của chúng tôi không còn rạch ròi như lý thuyết nữa, tôi đang cướp đi một thứ của bà, dù bà không biết. Tôi đang cuỗm nó đi. Bất chấp nó có là một thứ rõ ràng bà không muốn, hoặc không dùng đến, đã khước từ là khác, nó vẫn là của bà, và nếu tôi lấy đi “nó”, cái “nó” bí ẩn chính mình cũng không định nghĩa nổi này – bởi Chủ soái không có yêu tôi, tôi không đời nào tin ông ta có tình cảm gì với tôi sâu đến thế – thì bà cũng còn lại gì đây?
Bận tâm làm gì chứ? Tôi tự nhủ. Bà ta không là gì với tôi, bà ta khó chịu, bà ta sẽ tống tôi ra khỏi nhà, hoặc làm gì tệ hơn nữa, ngay khi nghĩ ra lý do. Nếu phát hiện ra, chẳng hạn. Ông ta sẽ không can thiệp nổi, không cứu nổi tôi; mọi vi phạm của đàn bà trong gia hộ, dù Martha hay Tùy nữ, theo luật đều thuộc quyền mình Phu nhân phán quyết. Bà ta hiểm độc và thù hận, cái đó tôi rõ lắm. Nhưng tôi vẫn không thể rũ bỏ nỗi ân hận nhỏ này.
Chưa hết: giờ tôi có quyền lực với bà, gần như thế, dù bà không biết. Và tôi khoái chí. Vờ vĩnh làm gì? Tôi khoái chí vô cùng.
Nhưng Chủ soái sẽ làm lộ tôi dễ biết bao, một cái nhìn, một cử chỉ, một sơ ý nhỏ có thể tố cho bất cứ ai trông vào rằng giữa chúng tôi giờ có chuyện gì đó. Điều đó đã suýt xảy ra đêm Lễ tháng. Ông vươn tay lên như định chạm mặt tôi; tôi ngoảnh đầu sang bên, để xua ông đi, hy vọng Serena Joy không để ý, và ông ta lại rút tay về, rút vào bên trong cùng chuyến du hành chuyên chú của mình.
Đừng bao giờ lặp lại, tôi nói ngay lúc gặp riêng ông.
Lặp lại gì? ông hỏi.
Định chạm vào tôi như thế, giữa lúc đang… giữa lúc bà ấy đang ở đó.
Tôi đã làm thế à? ông hỏi.
Ông có thể khiến tôi bị chuyển đi, tôi nói. Tới khu Kiều dân. Ông biết mà. Hoặc tệ hơn. Tôi nghĩ ông ta nên tiếp tục, giữa đám đông, coi như tôi là một cái độc bình hoặc khung cửa sổ: lẫn vào ngoại cảnh, bất động hay trong suốt.
Tôi xin lỗi, ông nói. Tôi không cố tình. Nhưng tôi thấy nó…
Sao? Tôi nói, khi thấy ông ngừng lại.
Thiếu con người, ông nói.
Phải mất bao lâu thì ông mới nhận được ra? Tôi nói. Chắc ai cũng thấy qua cách nói năng rằng chúng tôi đã sang giai đoạn khác rồi.
Các thế hệ sau này, dì Lydia bảo, sẽ được hưởng những điều tốt đẹp hơn. Đàn bà sẽ sống hòa hợp bên nhau, tất cả trong một gia đình; các cô sẽ như con gái họ, và khi dân số đã lại tới tầm các cô sẽ không còn bị chuyển từ nhà này qua nhà khác vì đã đủ người phân phối. Sẽ có những mối thâm tình thắm thiết, dì nói, chơm chớp mắt mơn trớn nhìn chúng tôi, sinh ra trong cuộc sống ấy. Đàn bà đoàn kết vì mục tiêu chung! Giúp đỡ nhau những công việc hàng ngày trong khi tay nắm tay dấn bước đường đời, mỗi người một bổn phận riêng. Tại sao đòi một người đàn bà duy nhất thực hiện tất tật phận sự cho gia hộ hoạt động trơn tru chứ? Thật phi lý, thật bất nhân. Con gái các cô sẽ tự do hơn rất nhiều. Chúng ta đang vận động cho mỗi cô một khu vườn nhỏ, riêng mình mỗi cô nhớ – lại tay siết chặt, giọng nhẹ như hơi thở – mà đấy mới là một ví dụ như thôi. Ngón tay giơ lên nẹt chúng tôi. Nhưng chúng ta không được nhũng nhẽo eo sèo nhiều hơn tình hình cho phép, phải không?
Sự thực thì tôi là nhân tình của ông ta. Các đại gia trước vẫn có nhân tình, thì sao giờ phải khác? Điều khoản có khác ít nhiều, cái đó thừa nhận. Các cô nhân tình ngày xưa giấu trong nhà nhỏ hoặc căn hộ riêng, còn giờ đã được tích hợp. Nhưng ngoài ra nó vẫn như cũ, về căn bản. Đàn bà bên ngoài, ngày xưa gọi thế, ở một số nước. Tôi là người đàn bà bên ngoài đó. Nhiệm vụ của tôi, cung cấp những gì còn thiếu. Kể cả ván Scrabble. Một địa vị vừa lố bịch vừa nhục nhã.
Đôi khi tôi nghĩ bà ta biết. Đôi khi tôi nghĩ họ đồng lõa với nhau. Đôi khi tôi nghĩ bà ta giật dây ông ta làm thế, và giờ đang cười nhạo tôi, như tôi cũng lúc lúc, đầy rỉa rói, cười nhạo chính mình. Cứ để nó gánh lấy, biết đâu bà đã tự nhủ vậy. Có thể bà ta đang rút lui khỏi ông, gần như triệt để; có thể đó là cách bà kiếm lấy tự do.
Nhưng ngay cả vậy – và điều này mới ngu ngốc làm sao – tôi vẫn sung sướng hơn trước. Ít nhất, cũng là có việc để làm. Có cái tiêu khiển thời gian, ban đêm, không phải ngồi trơ trọi trong phòng. Có đề tài mới cho tôi nghĩ. Tôi không yêu Chủ soái hay gì cả, nhưng ông ta khiến tôi tò mò, ông ta có hình khối, không chỉ là một bóng ma.
Cũng như tôi với ông ta, với ông ta tôi không chỉ là một cơ thể hữu dụng nữa. Không chỉ còn là một cánh thuyền không hàng hóa, một chiếc chén chưa đựng rượu, một cái lò – nói thô thiển – trừ đi miếng bánh. Với ông ta tôi không chỉ là trống rỗng.
27
Tôi cùng Ofglen đi dọc con phố mùa hè. Trời ấm và ấm, thời tiết lý tưởng diện kính râm và dép xỏ ngón, ngày xưa. Cả hai giỏ đều chất đay dâu – dâu giờ đang vào mùa, và chúng tôi cứ thế mà ăn tới phát ọe – và ít cá nướng. Cá lấy ở tiệm Bánh và cá, cũng tấm biển gỗ, con cá đang cười, mi cong veo. Nhưng không bán bánh. Hầu hết các nhà đều tự nướng lấy, dù khi nào thiếu có thể kiếm được bánh ngọt cuộn đã khô hay bánh vòng quắt queo ở Bánh ăn hàng ngày. Bánh và cá chẳng mấy khi mở cửa. Mất công mở làm gì khi chẳng có gì bán? Ngành đánh cá biển đã dẹp nhiều năm rồi; ít cá còn lại đều nuôi ở trại ra, vị như bùn. Bản tin nói các khu vực ven bờ đều đang “tạm nghỉ”. Thờn bơn, tôi vẫn nhớ, cá tuyết, cá kiếm, sò huyết, cá ngừ; tôm hùm, bọc rồi bỏ lò, cá hồi, hồng hồng béo ngậy, cắt khoanh đem nướng. Chẳng lẽ tất cả đã tuyệt chủng hết, cùng lũ cá voi? Tôi đã nghe tin đó, trong những lời không ra tiếng, môi hầu như không động, khi đứng xếp hàng ngoài phố, chờ mở cửa hàng, tất cả cùng bị tấm tranh những khúc cá trắng ngần trên cửa sổ lôi kéo lại. Người ta dán tranh lên khi có hàng, dỡ đi khi hết. Ngôn ngữ dấu hiệu.
Hôm nay Ofglen và tôi đi rất chậm; bộ áo dài rất bức, dưới nách ướt đầm, chúng tôi mệt. Ít ra trời nóng thế này không phải đeo găng.
Ngày xưa từng có hàng kem, đâu đó trong khu này. Tôi không nhớ tên. Mọi vật thay đổi quá nhanh, các dãy nhà bị kéo sập hay đổi dạng thành thứ khác, khó giữ được hình ảnh trong đầu y như xưa. Có thể mua suất đúp, và nếu yêu cầu người bán sẽ rắc sô cô la vụn lên. Món đó mang cái tên đàn ông. Johnnie à? Hay Jackie? Tôi không nhớ nữa.
Chúng tôi hay đến đó, hồi con còn bé, tôi bế con lên để con nhìn rõ qua nắp kính quầy hàng, những bát kem bày trong, đủ màu ngon mắt, cam nhạt, xanh nhạt, hồng nhạt, tôi đọc tên từng loại cho con chọn. Nhưng con không chọn theo tên, mà theo màu. Váy áo con cũng cùng mấy màu đó. Bảng màu nhạt bằng kem.
Jimmie, phải rồi.
Ofglen và tôi giờ đã dễ chịu hơn, chúng tôi đã quen nhau chút ít. Song sinh dính liền. Giờ chúng tôi không bận tâm nhiều tới nghi thức chào hỏi nữa, chỉ cười chào rồi cất bước, kẻ trước người sau, êm ả dạo theo tuyến đường hàng ngày. Thi thoảng chúng tôi đổi tuyến đường; cũng không ai cấm, miễn là ở yên trong vòng thanh chắn. Con chuột trong mê lộ có quyền chạy đâu tùy ý, miễn là ở yên trong mê lộ.
Chúng tôi đã đi xong các cửa hàng, qua nhà thờ; giờ đang ở Bức tường. Hôm nay tường trống trơn, người ta không để thi thể lại lâu như hồi mùa đông, sẽ có ruồi và mùi. Xưa đây từng là đất dụng võ của bình xịt, mủi thông và mùi hoa, và người ta vẫn lưu giữ sở thích ấy; đặc biệt là các Chủ soái, răn dạy tinh khiết trong vạn sự.
“Cô mua đủ thứ cần thiết rồi chứ?” Ofglen hỏi tôi, dù biết rõ là rồi. Danh mục mua hàng chẳng mấy khi dài. Gần đây cô đã bớt tính thụ động, bớt ủ ê. Thường cô bắt chuyện với tôi trước.
“Đủ rồi,” tôi nói.
“Chúng ta đi lối kia đi,” cô nói. Ý cô là đi tiếp, ra sông. Cũng lâu rồi chúng tôi chưa đi phía đó.
“Được thôi,” tôi nói. Nhưng không quay đi ngay, mà vẫn đứng yên đó, nhìn Bức tường lần cuối. Gạch đỏ, đèn pha, dây thép gai, các móc. Không hiểu sao Bức tường để trống còn có vẻ dọa dẫm hơn. Khi trên đó có người, ít ra ta cũng đã thấy điều tệ nhất. Nhưng khi tường trống, khả năng vẫn còn, như con bão đang tới. Khi tôi nhìn thấy các thi thế, các thi thể trước mắt, khi nhắm chùng qua kích cỡ và hình dáng không có Luke, tôi cũng tin được rằng anh còn sống.
Tôi không biết sao mình lại nghĩ anh sẽ xuất hiện ở đây. Có thể anh đã bị giết ở hàng trăm chỗ khác. Nhưng tôi không rũ nổi ý nghĩ anh đang trong đó, lúc này, sau lớp gạch đỏ trống trơn.
Tôi cố hình dung anh đang ở nhà nào. Tôi còn nhớ các nhà ở đâu, sau tường kia; chúng tôi từng đi lại thoải mái bên trong, khi đây còn là trường đại học. Giờ đôi khi chúng tôi vẫn vào trong đó, dự các cuộc lễ Cứu chuộc Đàn bà. Phần lớn các nhà cũng xây gạch đỏ, vài khu có cổng vòm, một nét rô-man, từ thế kỷ mười chín. Giờ chúng tôi không được phép vào các tòa nhà nữa, nhưng ai mà muốn vào? Những nhà đó thuộc về Con mắt.
Có thể anh đang trong thư viện. Đâu đó trong hầm. Trong kho sách.
Thư viện giống như một ngôi đền. Một cầu thang dài màu trắng, dẫn lên một dãy cửa sắp hàng. Sầu bên trong, lại một cầu thang trắng đi lên nữa. Trên vách tường hai bên là các thiên thần. Có cả người đang giao chiến, hoặc sắp xông lên, sạch sẽ và cao quý, không bẩn thỉu máu me và hôi hám như lẽ ra trong đời thực. Chiến thắng ở một bên cửa trong, dẫn dắt họ đi tiếp, bên kia là Tử thần. Bích họa này nhằm tôn vinh cuộc chiến tranh nào đó. Những người bên phía Tử thần vẫn còn sống. Họ đang trên đường lên thiên đàng. Tử thần là một người đàn bà đẹp có cánh, một bên ngực gần như để trần; hay là Chiến thắng nhỉ? Tôi không nhớ nổi.
Cái đó chắc họ không phá mất.
Chúng tôi quay đi khỏi Bức tường, rẽ trái, ở đây có vài cửa hàng bỏ trống, chữ xà phòng viết ngoằn ngoèo trên kính cửa. Tôi cố nhớ lại chúng đã bán gì, ngày xưa. Son phấn? Nữ trang? Phần lớn cửa hàng phục vụ đàn ông vẫn hoạt động bình thường; chỉ những hàng bán thứ gọi là xa xỉ phẩm mới bị đóng cửa.
Ở góc đường là cửa hàng tên Quyển hồn. Có hẳn một chuỗi cửa hàng: Quyển hồn có mặt ở trung tâm mọi thành phố, mọi vùng ngoại ô, hay ít ra họ bảo thế. Hẳn nó phải kiếm ra kha khá.
Cửa sổ làm bằng kính không vỡ. Bên trong là các máy in, hàng dãy; chúng gọi là Thần lăn, nhưng chỉ chúng tôi với nhau biết thôi, biệt danh rất ư vô lễ. Sản phẩm in ra là những bài cầu nguyện, hàng cuộn hàng cuộn, nhả ra không dứt. Chúng được đặt hàng qua Phôn vi tính, tôi có nghe lỏm Phu nhân Chủ soái gọi tới. Đặt hàng ở Quyển hồn là dấu hiệu chứng tỏ lòng sùng tín và trung thành với chế độ, nên dĩ nhiên các Phu nhân liên tục gọi đi. Có lợi cho các ông chồng thăng tiến.
Có năm nội dung cầu nguyện khác nhau: sức khỏe, tiền tài, tử vong, sinh nở, xá tội. Chọn lấy bài mình cần, nhập số vào, rồi nhập mã của mình để tính vào tài khoản, và nhập số lần muốn lặp lại lời cầu nguyện.
Các cỗ máy nói chuyện với nhau trong lúc in; nếu muốn có thể đi vào lắng nghe, giọng kim loại không âm sắc nhắc đi nhắc lại duy nhất một điều. Khi bài cầu nguyện đã in ra và đọc xong, giấy cuộn vào qua một khe khác để tái chế lại thành giấy trắng. Trong này không có ai: máy móc đều chạy tự động. Đứng ngoài không thể nghe thấy giọng nói, chúng nhập thành một tiếng rì rầm, âm âm, như một đám đông sùng mộ, đang quỳ gối. Bên sườn mỗi máy vẽ một con mắt vàng, vẫy hai cánh vàng nho nhỏ.
Tôi cố nhớ xem ở đây bán gì khi còn hàng hóa, khi chưa trở thành Quyển hồn. Hình như là đồ mặc trong phụ nữ.
Từng chồng hộp hồng và bạc, quần tất đủ màu, nịt ngực viền ren, khăn quàng lụa? Những thứ không còn.
Ofglen và tôi đứng ngoài Quyển hồn, nhìn qua cửa sổ chống đạn, nhìn những cuộn cầu nguyện tuôn ra khỏi máy rồi biến lại vào trong khe, trở về lãnh địa những lời không nói. Tôi đưa mắt đi. Không nhìn máy nữa, tôi nhìn thấy Ofglen, phản chiếu trong kính cửa. Cô đang nhìn thẳng vào tôi.
Chúng tôi nhìn tận mắt nhau. Đây là lần đầu tôi nhìn thấy mặt Ofglen, trực tiếp, bình tĩnh, không phải liếc xéo. Khuôn mặt trái xoan, hồng hào, bầu bĩnh chứ không béo, đôi mắt hơi tròn.
Cô ta nhìn trả qua lớp kính, thãng bằng, không run sợ. Giờ khó mà rời mắt ði. Nhìn như vậy có ít nhiều choáng váng: như thấy thân thể để trần của người khác, lần đầu. Bất chợt một mối nguy, trước chưa từng có, lơ lửng giữa chúng tôi. Ngay giao mắt thế này đã mạo hiểm rồi. Dù không có ai quanh đây.
Cuối cùng Ofglen mở miệng. “Cô có nghĩ Chúa quả thật lắng nghe,” cô nói, “những cỗ máy này không?” Cô ta đang thì thầm: thói quen cũ ở Trung tâm.
Xưa kia đây sẽ chỉ là một nhận xét nhỏ nhặt, một giả định học thuật. Nay nó là phản phúc.
Tôi có thể rú lên. Có thể bỏ chạy. Có thể lặng lẽ quay đi, tỏ rõ tôi không cho phép ăn nói kiểu đó trước mặt mình. Lật đổ, xách động, báng bổ, tà giáo, tất cả dồn vào câu đó.
Tôi tôi mình lại. “Không,” tôi nói.
Cô để hắt ra tiếng thở dài nhẹ nhõm. Chúng tôi đã cùng vượt qua ranh giới vô hình. “Tôi cũng không,” cô nói.
“Tuy tôi có nghĩ đấy là đức tin, một dạng đặc biệt,” tôi nói. “Như con quay cầu nguyện ở Tây Tạng.”
“Là gì?” cô hỏi.
“Tôi cũng chỉ đọc trong sách thôi,” tôi nói. “Chúng quay nhờ sức gió. Giờ chúng không còn nữa.”
“Chẳng gì còn lại cả,” cô nói. Đến lúc này chúng tôi mới rời mắt khỏi nhau.
“Ở đây có an toàn không?” tôi thì thầm.
“Tôi nghĩ đây là chỗ an toàn nhất,” cô nói. “Trông chúng ta như đang cầu nguyện, thế thôi.”
“Còn họ thì sao?”
“Họ ư?” cô nói, vẫn thầm thì. “An toàn nhất là ở ngoài đường, không có bọ, mà sao họ lại phải cài ở đây? Họ nghĩ chắc chẳng ai dám. Nhưng chúng ta ở đây lâu quá rồi. về muộn không hay đâu.” Chúng tôi cùng quay đi. “Nhớ cúi đầu thấp xuống khi đi,” cô nói, “và hơi nghiêng về phía tôi một chút. Như thế tôi nghe cô rõ hơn. Đừng nói khi có ai đến gần.”
Chúng tôi đi tiếp, đầu cúi thấp như mọi lần. Tôi hồi hộp muốn nghẹn thở, nhưng giữ đều nhịp đi. Hơn bao giờ hết, lúc này tôi phải tránh gây chú ý.
“Tôi cứ tưởng cô tin đạo lắm cơ đấy,” Ofglen nói.
“Tôi tưởng cô ấy,” tôi nói.
“Lúc nào cô cũng mộ đạo phát gớm.”
“Thì cô cũng thế,” tôi đáp. Tôi muốn cười, muốn hét lên, muốn ôm chầm lấy cô.
“Cô có thể nhập hội chúng ta,” cô nói.
“Hội ư?” tôi nói. Vậy là có hội, vậy là có chúng ta. Tôi biết mà.
“Cô không nghĩ tôi có một mình chứ,” cô nói.
Tôi không nghĩ thế. Vẫn có nguy cơ rằng cô là gián điệp, là mật vụ, gài vào để bẫy tôi; mảnh đất chúng tôi mọc lên là thế. Nhưng tôi không tin được; hy vọng dâng lên trong tôi, như nhựa trong mạch cây. Như máu ứa miệng vết thương. Mà chúng tôi vừa mở miệng.
Tôi muốn hỏi cô có gặp Moira, có ai giúp được tìm tung tích của Luke, của con, của mẹ tôi nữa không chừng, nhưng không đủ thời gian; chỉ vài bước nữa sẽ đến góc đường chính, ngay trước thanh chắn đầu tiên. Sẽ quá đông người qua lại.
“Đừng hở chữ nào,” Ofglen đe, dù thật là thừa. “Dù bằng cách nào.”
“Đương nhiên rồi,” tôi nói. Còn nói với ai đây?
Chúng tôi lặng yên đi dọc phố chính, qua Hoa huệ, qua Xương thịt. Hè phố chiều nay đông hơn thường lệ: thời tiết ấm hẳn đã xua tất cả ra đường. Đàn bà: lục, lam, đỏ, sọc; đàn ông nữa, đôi người cảnh phục, đôi người chỉ là thường phục. Nắng phát miễn phí, vẫn còn nó tự do hưởng thụ. Dù không ai tắm nắng nữa, ít ra ở chỗ đông người.
Cũng có nhiều xe hơn, Gió lốc có tài xế và ông chủ chĩnh chện ngồi nệm, các loại xe hèn kém hơn trong tay những người hèn kém.
Có chuyện xảy ra: bỗng nhiên hàng xe hỗn độn, bỗng nhiên náo loạn. Một số dạt vào lề, như để tránh đường. Tôi ngước nhìn nhanh: một xe thùng đen, sườn tô con mắt cánh trắng. Không rú còi, nhưng các xe khác vẫn tự động tránh xa. Nó bò chậm chậm trên đường, như sục tìm gì đó: cá mập săn mồi.
Tôi cứng người, toàn thân lạnh toát, đến tận chân. Chắc có cài bọ, họ đã nghe hết chúng tôi nói gì.
Ofglen túm lấy khuỷu tay tôi, cánh tay áo cô che khuất. “Đi tiếp đi,” cô thì thầm. “Cứ vờ không thấy.”
Nhưng tôi không thể không thấy. Ngay trước mặt chúng tôi chiếc xe dừng lại. Hai Con mắt, quần áo xám, nhảy ra khỏi cánh cửa đuôi xe. Họ túm lấy một người đàn ông đang đi trên đường, xách cặp táp, một người trông hết sức bình thường, xô ông đánh rầm vào sườn xe phía không tô vẽ. Ông ta treo đó một lúc, người ưỡn ra như dính vào thành xe, rồi một Con mắt tiến đến, giáng xuống một đòn nặng và tàn bạo khiến ông ta gập đôi người, thành bó quần áo bèo nhèo. Họ nhấc ông lên và lẳng vào trong xe như kiện bưu phẩm. Rồi họ cũng biến vào theo, cửa đóng lại và xe chầm chậm bò đi.
Hoạt cảnh đã xong, chỉ vài giây, phố xá tiếp tục như chưa có chuyện gì.
Cảm giác của tôi là nhẹ nhõm. Không phải mình.
28
Chiều nay tôi không có hứng chợp mắt chút nào, máu trong mạch vẫn còn dồn dập. Tôi ngồi lên bệ cửa sổ, nhìn ra ngoài qua lớp rèm nửa trong suốt. Tấm áo ngủ trắng. Cửa đẩy hết cỡ, luồng gió phả vào, nóng sực mùi nắng, làn vải trắng phất ngang mặt tôi. Từ ngoài nhìn vào chắc thấy tôi như một cái kén, một bóng ma lớn vởn, mặt phủ tấm vải liệm, lờ mờ vài đường nét, sống mũi, cái miệng quấn băng, đôi mắt không nhìn thấy. Nhưng tôi thích cảm giác này, thích lớp vải mềm cọ khẽ qua da. Như là ở giữa đám mây.
Người ta đã cho cái quạt điện nhỏ, trời ẩm thế này cũng cần. Nó rừ rừ kêu trên sàn, trong góc, các lưỡi cánh quạt nhốt giữa khung sắt. Moira ắt đã biết cách tháo tung ra, chỉ còn là những cạnh sắc. Không có tuôc nơ vit, nhưng Moira ắt đã làm được không cần tuôc nơ vit. Tôi không phải Moira.
Cô sẽ nói gì, về Chủ soái, nếu ở đây? Gần như chắc chắn sẽ không bằng lòng. Cô đã không bằng lòng Luke, hồi ấy. Không phải vì Luke, mà vì chuyện anh đang có vợ. Cô nói tôi đang đánh quả trên đất người đàn bà khác. Tôi nói Luke không phải cá hay cục đất, anh là người và tự quyết định được cho mình. Cô nói tôi đang ngụy biện. Tôi nói tôi đang yêu. Cô nói không thể lấy đó làm cớ. Moira lúc nào cũng có lý hơn tôi.
Tôi nói bản thân cô đâu có gặp vấn đề ấy nữa, vì cô đã chọn chỉ ưa đàn bà, mà theo tôi thấy cô đâu có đắn đo gì khi đánh cắp, hay mượn tạm họ lúc nào có hứng. Cô nói chuyện đó khác, vì cán cân quyền lực giữa đàn bà ngang nhau nên sex là một giao dịch bình đẳng, quân tử. Tôi nói tự thân từ ngữ của cô đã thiên vị giới tính, nếu cô thích nói kiểu đó, và đằng nào thì chủ đề này cũng đã xưa rồi. Cô nói tôi đã xem nhẹ vấn đề và nếu tôi nghĩ nó xưa rồi thì chỉ là con đà điểu cắm đầu xuống cát mà thôi.
Cuộc đối đáp ấy diễn ra trong bếp nhà tôi, cà phê trong tay, chúng tôi ngồi bên bàn, nói nhỏ và sôi nổi như mọi cuộc tranh luận khác hồi vừa qua tuổi hai mươi, di chứng thời đại học. Bếp nằm trong một căn hộ xập xệ thuộc một ngôi nhà ván ghép gần sông, loại có ba tầng cộng một cầu thang đằng sau, khi đi thì rung bần bật. Tôi ở tầng hai, địa điểm hứng tiếng ồn cả từ trên lẫn dưới, hai đĩa nhạc không mời thùm thụp tới khuya. Sinh viên cả, tôi biết. Tôi vẫn đang ở chỗ làm đầu đời, lương không khá lắm: lĩnh một cỗ máy tính trong một công ty bảo hiếm. Vì thế các khách sạn, có Luke trong đó, với tôi không chỉ là tình yêu, thậm chí cũng không chỉ là tình dục. Chúng còn là khoảng thời gian phi gián, phi bồn rửa nhỏ giọt, phi vải sơn lát sàn đang lóc ra từng mảng, phi cả những nỗ lực cá nhân trang điểm lại đời bằng những tấm poster dán tường và lăng kính màu treo cửa sổ. Tôi trồng cả cây nữa, dù sớm muộn chúng cũng làm tổ trứng nhện hay rũ đi vì thiếu nước. Tôi đi chơi với Luke, cây cối ở lại với lãng quên.
Tôi nói không chỉ có một loại đà điểu và nếu Moira nghĩ có thể xây vườn địa đàng bằng cách bế quan tỏa cảng chính mình trong một thứ nữ quốc thì đáng buồn là cô đã nhầm. Đơn giản là đàn ông sẽ không biến mất, tôi nói. Không thể cứ lờ họ đi là xong.
Nói thế thì cũng như bảo cậu nên ra ngoài rước lấy giang mai, chỉ vì nó tồn tại, Moira nói.
Cậu bảo Luke là một thứ bệnh xã hội hả? Tôi nói.
Moira cười to. Chúng mình đang nói gì đây, cô nói. Mẹc nhà nó chứ. Cứ y như mẹ cậu.
Thế là hai đứa cùng cười, và lúc cô về chúng tôi lại ôm nhau tạm biệt như mọi khi. Có một dạo chúng tôi không ôm nhau, khi cô mới tiết lộ mình đồng tính; nhưng rồi cô nói tôi không kích thích cô, trấn an tôi, và chúng tôi quay lại thói quen xưa. Chúng tôi có quát tháo và văng đủ từ ngữ đấy, nhưng bên trong không có gì thay đổi. Cô vẫn như trước, bạn cố cựu của tôi.
Cô là bạn cố cựu của tôi.
Rồi tôi chuyển đến một căn hộ tử tế hơn, sống qua khoảng thời gian hai năm cần cho Luke giải phóng mình. Tiền thuê tôi tự trả, bằng lương chỗ làm mới. Ở một thư viện, không phải cái nơi hoành tráng có Tử thần và Chiến thắng, một chỗ nhỏ hơn.
Tôi làm cái việc nhập sách vào đĩa vi tính, giảm khối lượng lưu trữ cũng như chi phí thay mới, là theo họ bảo.
Những con đỉa, chúng tôi tự gọi mình. Và gọi thư viện là tổ đỉa, để cười riêng với nhau. Sách nhập xong đúng ra sẽ vào máy xắt tài liệu, nhưng đôi lúc tôi đem về nhà. Tôi thích cảm giác khi chạm vào chúng, thích nhìn ngắm chúng. Luke nói tôi có tư duy nhà sưu tầm cổ vật. Anh thích thế, chính anh cũng thích những thứ xưa cũ.
Lạ lùng biết bao, giờ đây, khi nghĩ về chuyện đã đi làm. Làm. Một từ thật ngộ. Đàn ông làm việc. Làm đi con, người lớn nói với lũ trẻ đang tập ngồi bô. Hoặc chó: nó lại làm một cú trên thảm rồi. Phải lấy báo cuộn lại mà quất, mẹ tôi bảo. Tôi vẫn còn nhớ thời còn có báo, dù tôi chưa bao giờ nuôi chó, chỉ có mèo.
Ai dám hỏi Người: “Ngài làm gì thế?” Trong sách Job.
Từng ấy đàn bà làm việc: giờ thật khó hình dung, nhưng đã hàng nghìn người từng đi làm, hàng triệu. Điều đó xưa là chuyện thường. Giờ chuyện đó khi nhớ lại cũng như tiền giấy, cái thời còn lưu hành. Mẹ vẫn còn giữ một ít, dán trong cuốn an bum cùng những tấm ảnh hồi trẻ. Thời đó tiền giấy đã hết sử dụng, không thể dùng mua gì cả. Những mảnh giấy vuông, dày xốp, nhơm nhớp trên tay, tô màu lá cây, hai mặt đều có hình, lão già nào đó đội tóc giả, mặt kia kim tự tháp với một con mắt trên đỉnh. Có viết In God We Trust. Mẹ bảo ngày xưa người ta thường dán bên máy tính tiền, để đùa cho vui: Con gửi trọn vào Chúa, họ tiền mặt trả liền. Giờ như thế sẽ coi là báng bổ.
Phải mang những mảnh ấy theo khi đi mua sắm, dù tới khoảng tôi lên chín hoặc mười người ta đã dùng thẻ plastic. Rau quả thì vẫn chưa, cái đó phải sau. Thật là cổ đại, nguyên thủy nữa là khác, như tiền vỏ ốc. Chắc tôi cũng đã dùng thứ tiền ấy, ít lâu, trước khi tất cả chuyển qua Băng vi tính.
Giờ tôi thấy chính là nhờ thế họ mới có thể làm được vậy, theo cách ấy, đùng một lúc, không ai lường trước được. Nếu vẫn còn tiền mang được theo người, chắc chắn sẽ khó khăn hơn.
Chuyện xảy ra sau đại họa, tổng thống bị bắn và súng máy xả vào Quốc hội, quân đội tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Trách nhiệm đổ lên đầu đám Hồi giáo cực đoan, hồi ấy.
Hãy bình tĩnh, ti vi nói. Mọi chuyện đều trong vòng kiểm soát.
Tôi điếng hồn. Dân chúng điếng hồn, tôi biết. Không thể tin nổi. Toàn bộ chính quyền, biến mất trong nháy mắt. Làm sao chúng vào được, làm sao có thể?
Ấy là lúc Hiến pháp bị đình lại. Họ nói chỉ là tạm thời. Thậm chí còn không có bạo động trên đường phố. Dân chúng ở yên trong nhà khi tối đến, bật ti vi, trông chờ phương hướng. Thậm chí không có lấy kẻ thù để chỉ mặt đặt tên.
Mở mắt mà xem nhé, Moira bảo tôi, qua điện thoại. Bắt đầu rồi đấy.
Bắt đầu cái gì? Tôi hỏi.
Cứ đợi mà xem, cô nói. Cái này đã tích lũy từ lâu rồi. Giờ tớ với cậu là tới chân tường rồi, bé yêu. Cô đang lặp lại câu nói yêu thích của mẹ tôi, nhưng không có ý đùa vui.
Tình trạng hoạt động ngưng trệ đó kéo dài vài tuần, dù cũng có chuyện xảy ra. Báo chí bị kiểm duyệt, mấy tòa báo đóng cửa, vì lý do an ninh, theo tuyên bố chính thức. Các chốt kiểm soát bắt đầu xuất hiện, cùng với thẻ Căn cước thông hành. Mọi người đều thuận lòng, bởi rõ ràng cẩn tắc vô áy náy. Nghe nói sẽ có bầu cử lại, nhưng cũng nghe nói cần chuẩn bị ít lâu. Nhiệm vụ của mọi người, người ta bảo, là cứ tiếp tục như thường.
Nhưng các Siêu thị kích dục cũng bị đóng cửa, và xe tải Tình trên từng cây số hay lảng vảng qua Quảng trường cũng mất tăm. Nhưng tôi cũng không lấy làm tiếc. Ai cũng biết chúng rầy rà đến mức nào.
Rõ ràng đến lúc ai đó phải làm gì đó rồi, đấy là ý kiến người phụ nữ đứng quầy, ở cửa hàng tôi vẫn mua thuốc lá. Cửa hàng ở góc đường, một sạp báo nhỏ: tạp chí, thuốc lá, kẹo. Bà đã đứng tuổi, tóc đã bạc, thuộc thế hệ mẹ tôi.
Người ta cứ thế dẹp chúng đi, hay là sao? Tôi hỏi.
Bà nhún vai. Ai biết, ai thèm biết, bà nói. Có thể chỉ chuyển chúng đi đâu đó. Cố trừ cho tiệt cũng như cố giẫm chết chuột, cháu hiểu không? Bà nhập Mã vi tính của tôi vào máy, cũng chẳng nhìn qua: tôi là khách quen rồi. Mọi người đang phàn nàn, bà nói.
Sáng hôm sau, trên đường đến thư viện làm việc, tôi lại tạt vào đó mua thêm bao nữa, vì đã hết sạch. Dạo này tôi hút nhiều hơn, là tại sức căng, có thể cảm thấy nổ, như tiếng ì ầm dưới lòng đất, dù sự tình có vẻ im ắng quá chừng. Tôi cũng uống nhiều cà phê hơn, đêm khó ngủ. Ai nấy đều hơi bứt rứt.
Đài phát nhiều nhạc hơn hẳn, nói ít hơn.
Khi đó chúng tôi lấy nhau rồi, hàng năm rồi thì phải; con đã ba bốn tuổi rồi, gửi nhà trẻ.
Chúng tôi đã dậy như lệ thường, ăn sáng – yến mạch bỏ lò, tôi còn nhớ, và Luke đã lái xe đưa con đi, mặc bộ đồ tí xíu tôi mới mua cho vài tuần trước, Quần yếm sọc với áo phông xanh lam. Là tháng mấy đây? Chắc phải là tháng Chín. Nhà trường có xe đưa đón học sinh, nhưng không hiểu vì sao tôi muốn Luke đưa con đi, giờ tôi e ngại ngay đến xe của trường. Giờ trẻ con không tự đi đến trường nữa, đã có quá nhiều vụ mất tích rồi.
Khi đến cửa hàng góc đường, tôi không thấy bà bán hàng mọi khi. Thế vào đó là một người đàn ông, còn trẻ, nhìn không quá hai mươi tuổi.
Bà ốm à? Tôi hỏi khi đưa thẻ ra.
Ai? anh ta hỏi, tôi cảm giác hơi gây sự.
Bà vẫn bán ở đây ấy, tôi nói.
Biết thế nào được, anh ta nói. Anh ta đang nhập mã tôi vào, dò dẫm từng con số, mổ cò bằng một ngón tay. Thấy rõ chưa bao giờ làm việc này. Tôi gõ ngón tay trên quầy, sốt ruột chờ điếu thuốc, nghĩ vu vơ liệu đã có ai trên đời chỉ bảo gì anh ta cách xử lý mấy cái mụn trên cổ chưa. Tôi vẫn còn nhớ rõ anh ta trông ra sao: cao, hơi khòng, tóc đen xén cao, hai mắt nâu hình như chỉ chú vào năm phân dưới sống mũi tôi, và thứ da liễu đó. Chắc tôi còn nhớ kỹ đến vậy là vì những điều anh ta nói ngay sau đó.
Xin lỗi, anh ta bảo. Số này không hợp lệ.
Vô lý, tôi nói. Sao lại không hợp lệ, tài khoản của tôi còn hàng nghìn. Tôi nhận sao kê vừa hôm kia. Thử lại đi.
Số không hợp lệ, anh ta lặp lại dai dẳng. Thấy đèn đỏ chưa? Nghĩa là không hợp lệ.
Chắc cậu gõ nhầm rồi, tôi nói. Thử lại đi.
Anh ta nhún vai cười vẻ chán ngán, nhưng vẫn nhập lại. Lần này tôi theo dõi từng ngón tay, trên từng phím, kiểm tra lại số hiện trên màn hình. Đúng là mã của tôi, nhưng đèn đỏ vẫn hoàn đèn đỏ.
Thấy chưa? Anh ta nhắc lại, vẫn kiểu cười ấy, như biết một trò chơi khăm bí mật mà không định kể với tôi.
Tới cơ quan tôi sẽ gọi cho họ, tôi nói. Hệ thống trước đây cũng đã trục trặc, nhưng thường một hai cú điện thoại là đâu vào đấy. Nhưng dù sao tôi cũng tức điên, cứ như mình đã bị kết tội bất công một điều thậm chí còn không biết. Cứ như chính tôi phạm lỗi không bằng.
Chị cứ việc, anh ta thờ ơ bảo. Tôi để bao thuốc lại trên quầy, tôi có trả tiền đâu. Chắc tôi có thể xin đồng nghiệp một ít.
Tới cơ quan tôi gọi thật, nhưng chỉ gặp máy trả lời tự động. Đường dây quá tải, băng ghi âm nói. Tôi có thể vui lòng gọi lại sau được không?
Đường dây quá tải nguyên buổi sáng, theo như tôi thấy. Tôi có gọi lại vài lần, nhưng không ăn thua. Cả chuyện đó cũng không quá khác thường.
Khoảng hai giờ, sau giờ ăn, giám đốc đi vào phòng nhập đĩa.
Tôi có điều cần nói với các chị, ông nói. Trông ông rất thảm: tóc tai bù xù, mắt đỏ đảo tròng, như vừa mới uống rượu.
Chúng tôi đều nhìn lên, tắt hết máy móc. Phòng có cả thảy tám hay mười người gì đó.
Tôi rất tiếc, ông nói, nhưng đây là luật. Tôi thực sự vô cùng rất tiếc.
Vì chuyện gì cơ? Ai đó cất tiếng.
Tôi bắt buộc phải để cho các chị đi, ông nói. Đây là luật, tôi bắt buộc phải làm thế. Tôi phải để cho tất cả các chị đi. Ông nói gần như dịu dàng, như chúng tôi là thú hoang, là ếch ông bắt được, nhốt trong bình, như thể đang rón tay làm phúc.
Chúng tôi bị đuổi à? Tôi hỏi. Tôi đứng dậy. Nhưng tại sao?
Không phải bị đuổi, ông nói. Để cho đi. Các chị không thể làm việc ở đây nữa, đấy là luật. Ông lùa tay lên tóc và tôi nghĩ, Ông này điên rồi. Sự căng thẳng đã đè bẹp ông, khiến ông chập mạch.
Ông không thể nói thế là xong được, chị ngồi cạnh tôi nói. Lời ấy vang lên lạc chỗ, không phải lối, như lời thoại trên truyền hình.
Không phải tại tôi, ông nói. Các chị không hiểu. Làm ơn đi đi, đi ngay đi. Giọng ông cao lên. Tôi không muốn phiền phức. Nếu gặp phiền phức sách có thể sẽ mất, mọi thứ sẽ hỏng cả… Ông ngoái nhìn đằng sau. Họ ở ngoài kia, ông nói, trong phòng tôi. Nếu các chị không đi ngay họ sẽ tự vào đây. Họ chỉ cho tôi mười phút. Đến giờ ông đã có vẻ cực kỳ điên loạn.
Ông này thần kinh, ai đó lớn tiếng; chắc là điều chúng tôi đều nghĩ.
Nhưng tôi ngồi chỗ nhìn thẳng ra hành lang, và thấy hai người đứng đó, mặc quân phục, mang súng máy. Cứ như sân khấu, không thể là thật, thế mà là thật: ma hiện hồn th́nh ĺnh, người sao Hỏa xuống. Họ như trong mơ hiện ra; họ quá sống động, quá trái ngược với khung cảnh xung quanh.
Cứ để máy lại đó, ông nói trong lúc chúng tôi sắp dọn đồ đạc, lũ lượt đi ra. Cứ như chúng tôi có thể mang hết theo.
Chúng tôi dồn cục lại, trên bậc thềm bên ngoài thư viện. Không biết phải nói gì với nhau. Bởi không ai hiểu thực sự có chuyện gì, chúng tôi chẳng có gì để nói. Chúng tôi nhìn nhau, chỉ thấy lo âu, và cả hổ thẹn nữa, như đã bị bắt quả tang làm điều không được phép.
Thật đáng phẫn nộ, một người nói, mà không hoàn toàn tin điều mình nói. Không hiểu vì sao mà chúng tôi đều cảm thấy mình đáng nhận cảnh này?
Khi tôi về đến nhà, nhà vắng lặng. Luke vẫn đang giờ làm, con ở trường. Tôi mệt mỏi, mệt đến rã rời, nhưng ngồi xuống rồi tôi lại đứng lên, tôi không thể ngồi yên được. Tôi tha thẩn khắp nhà, từ phòng này qua phòng khác. Tôi nhớ mình đã chạm tay vào nhiều thứ, cũng không phải chủ tâm, chỉ lướt khẽ ngón tay; có lẽ là máy nướng bánh, bát dựng đường, gạt tàn phòng khách. Một lúc sau tôi bế con mèo lên ôm nó theo. Tôi muốn Luke về. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó, thi hành một số biện pháp, nhưng không biết có thể là biện pháp gì.
Tôi lại thử gọi đến nhà băng, nhưng vẫn nghe đoạn băng cũ. Tôi rót cho mình cốc sữa – tự bảo mình đang quá nhột nhạt không nên uống thêm cà phê – và đi vào phòng khách ngồi xuống xô pha mà đặt cốc sữa lên bàn trà, thật nhẹ tay, không uống hớp nào. Tôi ôm chặt con mèo để nghe nó gừ gừ sát cổ họng.
Một lát sau tôi lại gọi đến căn hộ mẹ, nhưng không ai nhấc máy. Tới năm đó mẹ đã ổn định hơn, không còn cứ vài năm lại chuyển chỗ một lần nữa; mẹ sống bên kia con sông, ở Boston. Tôi đợi thêm một lúc rồi gọi Moira. Cả cô cũng không có nhà, nhưng nửa tiếng sau gọi lại thì có. Giữa những cú phôn tôi chỉ ngồi thừ trên ghế. Trong đầu tôi là bữa trưa ở trường của con. Tôi cảm tương dạo này chuẩn bị cho con quá nhiều bánh xăng uých bơ lạc.
Tớ bị đuổi rồi, tôi bảo Moira khi rốt cục cũng gọi được cô. Cô nói sẽ qua ngay. Dạo đó cô đang làm cho một hội đoàn phụ nữ, bộ phận xuất bản. Họ ra sách về tránh thai, cưỡng hiếp và mấy thứ đại loại thể, dù lúc này không còn nhu cầu cao như trước đây.
Tớ qua ngay, cô nói. Chắc nghe giọng tôi cô đã đoán được đấy là điều tôi cần.
Một lúc sau cô tới. Thế nào, cô bảo. Cô bỏ tuột áo ngoài, ngồi giạng chân tay trong cái ghế quá khổ. Kể đi. Chúng mình uống gì trước đã.
Cô đứng dậy vào bếp và pha hai ly Scotch, lại trở lại ngồi xuống và tôi cố gắng giải thích đã gặp chuyện gì. Khi tôi kể xong, cô hỏi, Hôm nay thử mua gì bằng Thẻ vi tính chưa?
Rồi, tôi nói. Tôi kể luôn chuyện đó.
Chúng nó phong tỏa tài khoản rồi. Của tớ cũng thế. Của hội đoàn cũng thế. Bất kỳ cái nào đề chữ Nữ thay vì chữ Nam. Tất cả chỉ là nhấn vài cái nút. Chúng mình được cho rơi.
Nhưng tớ có hơn hai nghìn đô trong đó, tôi nói, cứ như tài khoản của tôi là vấn đề duy nhất đáng bàn.
Đàn bà giờ không có quyền sở hữu tài sản nữa, cô nói. Đấy là luật mới. Hôm nay bật ti vi chưa?
Chưa, tôi nói.
Nó có nói đấy, cô nói. Đâu đâu cũng nói. Cô không bị choáng váng, như tôi. Cô có vẻ thích chí một cách kỳ quặc, như trông chờ điều này đã lâu và giờ thì thấy chưa, cô đã bảo mà. Trông cô còn phấn chấn hơn, cả quyết hơn thường ngày. Luke có thể dùng thay Khoản vi tính của cậu, cô nói. Sẽ chuyển mã cậu sang anh ấy, ít ra là chúng nó bảo thế. Chồng hoặc người thân nam gần nhất.
Thế cậu thì sao? Tôi hỏi. Cô không có ai cả.
Tớ sẽ rút vào ngầm, cô nói. Trong đám đồng tính có người sẽ lấy mã và mua hộ những thứ chúng tớ cần.
Nhưng tại sao? Tôi hỏi. Sao lại thế?
Việc chúng ta không phải là bàn tại với chả sao, Moira nói. Chúng cần phải làm thế, cả tài khoản lẫn việc làm, cùng lúc. Bằng không, cậu cứ tưởng tượng sân bay mà xem? Chúng không muốn chúng mình đi đâu cả, tớ cuộc đấy.
Tôi tới trường đón con. Tôi lái xe thận trọng quá đáng. Luke về đến nhà, tôi đã ngồi bên bàn bếp. Con thì ngồi vẽ bằng bút dạ ở bàn riêng nhỏ xíu góc phòng, những bức tranh rồi sẽ dán lên đó cạnh tủ lạnh.
Luke quỳ xuống bên cạnh ôm lấy tôi. Anh nghe rồi, anh nói, trên xe, trên đường về. Đừng lo quá, anh chắc chỉ tạm thời thôi.
Họ có nói vì sao không? Tôi hỏi.
Anh không trả lời. Chúng mình sẽ vượt qua mà, anh nói, ôm siết tôi.
Anh không hiểu cảm giác thế nào đâu, tôi nói. Em cảm thấy như có người cắt lìa hai bàn chân mình. Tôi không khóc. Nhưng tôi cũng không ôm trả anh được.
Chỉ là một chỗ làm thôi mà, anh nói, cố vỗ về tôi.
Em chắc là anh sẽ được nhận hết tiền của em, tôi nói. Mà em còn chưa chết đấy. Tôi cố đùa, nhưng nghe ra lại khá rùng rợn.
Đừng nói thế, anh nói. Anh vẫn quỳ trên sàn. Em biết anh sẽ luôn chăm sóc em mà.
Tôi nghĩ, Chưa chi anh đã định cha chú với mình rồi đấy. Rồi tôi nghĩ, Chưa chi mày đã hoảng vía lên rồi.
Em tiếc, tôi nói. Em yêu anh.
Sau đó, khi con đã vào giường ngủ còn chúng tôi ăn tối, khi tôi không còn quá run rẩy, tôi kể lại buổi chiều cho anh. Tôi mô tả ông giám đốc vào phòng, buột ra tuyên bố. Nếu nó không đáng sợ đến vậy thì chắc đã buồn cười lắm, tôi nói. Em tưởng ông ta say. Cũng có thể say thật. Có cả quân đội và đủ thứ nữa.
Rồi tôi nhớ ra một điều đã nhìn thấy nhưng không chú ý, vào lúc đó. Không phải quân đội quốc gia. Mà là một quân đội khác.
 
Đã có biểu tình, tất nhiên, rất nhiều phụ nữ với vài người đàn ông. Nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều so với tưởng tượng. Có lẽ mọi người khiếp sợ. Và khi rõ rành rành là cảnh sát, hay quân đội, hay bất kể toán đó gọi là gì, sẽ nổ súng gần như tức thời khi đám người bắt đầu xuống phố, những người biểu tình bỏ cuộc. Vài nơi bị đặt bom, nhà bưu điện, ga tàu điện ngầm. Nhưng còn không thể biết chắc là do ai. Có thể do chính quân đội, để có cớ lục soát các máy tính và lục soát ngoài máy tính nữa, từng nhà.
Tôi không tham gia cuộc biểu tình nào. Luke bảo làm thế phí công vô ích và tôi phải nghĩ đến mọi người, gia đình tôi, anh và con nữa. Tôi đã nghĩ về gia đình mình. Tôi bắt đầu dọn dẹp nhiều hơn, nướng bánh nhiều hơn. Tôi cố không khóc khi giờ ăn đến. Độ này tôi bắt đau hay khóc, bất thình lình, và hay ngồi bên cửa sổ phòng ngủ, mông lung nhìn ra. Tôi không quen nhiều hàng xóm, và khi gặp nhau, ngoài đường, chúng tôi cẩn trọng không trao đổi nhiều hơn chào hỏi thông thường. Không ai muốn bị mách lại, buộc tội bất trung.
Nhớ lại chuyện này, tôi cũng nhớ lại cả mẹ tôi, nhiều năm trước. Chắc vào khoảng tôi mười bốn, mười lăm, cái tuổi con gái dễ xấu hổ vì mẹ mình nhất. Tôi nhớ mẹ trở về căn hộ nào đó, một trong vô số nơi chúng tôi đã sống, với một bầy phụ nữ khác, trong số bạn bè không ngừng đổi mặt. Hôm đó họ vừa biểu tình về; đó là vào quãng bạo động chống khiêu dâm, hay là chống phá thai, hai cái cũng gần nhau. Đánh bom khắp nơi: các phòng khám, cửa hàng băng; khó ghi nhớ được.
Trên mặt mẹ tôi có vết bầm, và ít máu. Không thể thò tay qua cửa kính mà không bị đứt, mẹ bình phẩm gọn lỏn. Éo mẹ quân lợn.
Éo mẹ quân hút máu, một người trong đám bạn nói. Họ gọi phe bên kia là quân hút máu, do biểu ngữ của họ: Mặc chúng chảy máu. Vậy chắc là vụ phá thai.
Tôi vào phòng ngủ, tránh mặt họ đi. Họ nói quá nhiều, quá ồn ĩ. Họ phớt lờ tôi, còn tôi căm ghét họ. Cả mẹ lẫn đám bạn lỗ mãng. Tôi thật không hiểu sao mẹ phải ăn mặc lối đó, quần yếm nữa, cứ như còn trẻ trung lắm, không hiểu sao mẹ phải văng tục luôn miệng.
Con đúng là con rùa rụt cổ, mẹ thường bảo tôi, giọng điệu thực ra khá hài lòng. Mẹ thích tỏ ra tợn tạo hơn, nổi loạn hơn tôi. Thiếu niên bao giờ cũng đúng là rùa rụt cổ.
Một phần tôi không bằng lòng mẹ là do thế, tôi biết: công thức, thói quen. Nhưng ngoài ra tôi còn mong mẹ cho được mình một cuộc sống nghiêm chỉnh hơn, bớt tạm bợ và phiêu bạt.
Con được sinh ra do ước muốn, có Chúa chứng giám, lúc khác mẹ lại nói, nấn ná qua từng trang an bum giúp mẹ đóng khung tôi; những an bum dày đặc bé sơ sinh, nhưng bản sao của tôi mỏng dần theo đà lớn lên, như là dân cư nước song sinh kia vừa phải hứng chịu bệnh dịch. Giọng mẹ khi đó thường hơi tiếc nuối, như thể cuối cùng tôi đâm ra không hoàn toàn như mẹ chờ mong. Chẳng có bà mẹ nào giống hệt, trăm phần trăm, ý niệm của trẻ con về mẹ, và tôi ðổ chừng ngýợc lại chắc cũng vậy. Nhýng bất chấp tất cả, chúng tôi sống với nhau cũng không ðến nỗi tồi, cũng khá bằng phần lớn cặp khác.
Tôi ýớc giá gì mẹ ở đây, để nói cuối cùng tôi cũng hiểu ra điều đó.
Ai đó đã ra khỏi nhà. Tôi nghe tiếng cửa đóng xa xa, từ phía tường bên, tiếng chân trên lối vào. Là Nick, giờ tôi đã thấy: anh ta bước khỏi lối đi, giẫm vào thảm cỏ, hít làn không khí ẩm hôi rình mùi đủ loại hoa, mùi thịt quả, mùi phấn vung từng nắm vào gió, như trứng sò phun vào đại dương. Gieo giống hoang tàng biết mấy. Anh ta vươn vai trong nắng, tôi cảm thấy vận động các cơ chạy dọc xuống người anh, như con mèo vồng lưng. Anh ta mặc độc sơ mi, hai tay trần trơ tráo mọc ra sau lần vải xắn lên. Đến đâu thì hết rám? Tôi vẫn chưa nói chuyện với anh từ đêm duy nhất đó, giấc như mơ trong phòng nghỉ sáng trăng. Anh ta chỉ là lá cờ, là cờ hiệu cho tôi. Ngôn ngữ cơ thể.
Lúc này mũ anh đang đội lệch. Nghĩa là tôi được cho đòi.
Anh ta được gì, đánh đổi lấy chân chạy vặt này? Anh ta nghĩ sao, khi lãnh vai trò dắt mối hết sức mập mờ này cho Chủ soái? Anh có thấy kinh tởm, hay anh thấy muốn nhiều hơn ở tôi, muốn tôi nhiều hơn? Bởi anh không thể biết trong đó thực sự diễn ra gì, giữa hàng chồng sách. Những trò xiếc khỉ, anh chỉ đoán thế là hết. Chủ soái và tôi, bôi mực đầy người nhau, liếm cho bằng sạch, hay làm tình trên những chồng báo cấm. Như thế cũng không sai quá đâu.
Nhưng nghĩ xem, anh ta phải được lợi gì đó. Mọi người đều kiếm chác, bằng cách nào đi nữa. Thêm suất thuốc lá chăng? Thêm suất tự do, vốn không dành cho đám tầm phàm? Mà dù sao, anh ta chứng tỏ được gì chứ? Chỉ có lời nói đối chứng lời Chủ soái, trừ khi anh ta kéo đặc nhiệm tới. Đá tung cánh của, tôi đã bảo còn gì? Bắt tại trận nhé, đương Scrabble tội lỗi. Mau lên, nuốt hết chữ đi.
Có thể anh ta chỉ khoái trá vì biết một điều bí mật. Nắm tẩy được tôi, như người ta từng nói. Loại quyền lực đó chỉ dùng được một làn.
Tôi rất muốn nghĩ về anh ta tốt hơn.
Đêm ấy, hôm tôi mất việc, Luke muốn chúng tôi yêu nhau. Tại sao tôi từ chối? Nếu chỉ có nỗi tuyệt vọng thì đã xui khiến tôi mới phải. Nhưng tôi còn như tê liệt. Còn hầu như không cảm thấy tay anh đặt trên người.
Em sao vậy? anh hỏi.
Em không biết, tôi nói.
Chúng mình vẫn còn… anh nói. Nhưng anh không nói nốt chúng tôi vẫn còn gì. Tôi sực nghĩ rằng anh không nên nói chúng mình, bởi theo như tôi thấy anh chưa bị tước mất gì cả.
Chúng mình vẫn còn có nhau, tôi nói. Và đúng là thế. Vậy thì sao lời tôi vẫn vang lên, ngay cả trong tai mình, lãnh đạm thế này?
Rồi anh hôn tôi, như thể tôi nói vậy rồi, là mọi sự lại bình thường như trước. Nhưng có gì đó đã xê dịch, một cán cân đã xích. Tôi cảm thấy mình teo lại, và khi anh vòng tay ôm lấy tôi, kéo tôi sát lại, tôi bé nhỏ như búp bê. Tôi cảm thấy tình yêu đi qua, tôi đứng lại.
Anh không phiền lòng chuyện đó, tôi nghĩ. Không phiền chút nào. Biết đâu anh còn thích thế. Chúng tôi không còn là của nhau nữa. Bây giờ, tôi là của anh.
Không xứng đáng, không công bằng, không đúng. Nhưng chuyện là như vậy.
Này Luke: điều em muốn hỏi anh giờ đây, điều em cần biết, là: Em nghĩ vậy đúng không? Bởi chúng ta chưa bao giờ nói về chuyện đó. Cái thời còn có thể nói, em đã sợ. Em chẳng thể liều đánh mất anh.
29
Tôi đang ngồi trong phòng Chủ soái, bên bàn đối diện ông, vị trí khách hàng, như người tới nhà băng thương thảo một món vay đáng kể. Nhưng ngoài chỗ ngồi của tôi, không còn mấy dấu vết sự khách khí giữa hai người. Tôi không còn ngồi cổ cứng đờ, lưng ưỡn thẳng, chân đóng băng cạnh nhau trên sàn, mắt cụp xuống. Bây giờ tôi buông lỏng toàn thân, khoan khoái nữa là khác. Giày đã tụt ra, tôi co chân lại trên ghế, một thành lũy váy đỏ bao quanh thật đấy, nhưng vẫn là co lại, như bên lửa trại, những ngày picnic xa xưa. Giá trong lò đốt lửa, sẽ hắt lên lấp lánh trên mặt ghế mặt bàn bóng loáng, phà ánh sáng ấm áp trên da thịt. Tôi tự thêm lửa vào.
Còn Chủ soái, tối nay, thoải mái quá mức cần thiết. Áo ngoài bỏ, cùi chỏ chống trên bàn. Chỉ thiếu que tăm khóe môi là đủ bức cổ động dân chủ nông thôn, như trên tấm tranh in kẽm. Cứt ruồi lấm tấm, trang sách cũ đã ra tro.
Những ô vuông trên bàn cờ trước mặt đầy dần: tôi đang đánh đòn áp chót đêm nay. Zilch3, tôi đặt xuống, cái từ một nguyên âm tiện lợi với một chữ Z đắt giá.
“Đấy cũng là từ à?” Chủ soái hỏi.
“Có thể tra luôn,” tôi nói. “Từ này khá cổ.”
“Thôi nhường cô,” ông nói. Ông cười. Chủ soái rất khoái mỗi lần tôi thể hiện mình, tài trước tuổi, như một con cún chăm chú, tai dỏng lên, háo hức muốn diễn trò. Sự tán thưởng của ông trùm lên tôi như bồn nước ấm. Ở ông tôi không nghe ra vẻ thù địch tôi vẫn thấy ở đàn ông, đôi khi ngay cả Luke. Trong lòng ông không nhủ đồ giặc cái. Đúng ra ông kẻ cả một cách ân cần. Ông thích thú ý nghĩ rằng tôi đang vui thích; và chao ôi, chẳng phải sao.
Thoăn thoắt ông tính điểm hai bên trên máy tính bỏ túi. “Cô vượt xa tôi,” ông nói. Tôi ngờ ông chơi gian, tâng bốc tôi, muốn tôi đẹp ý. Nhưng vì sao? Vẫn không lời đáp. Ông liệu được gì từ lối chiều chuộng này? Chắc chắn phải có gì đó.
Ông ngửa người ra, mười đầu ngón tay chạm nhau, cử chỉ tôi đã quen mắt. Giữa chúng tôi đã hình thành một bộ cử chỉ như thế, cung cách quen thân như thế. Ông ta đang nhìn tôi, không phải thiếu nhân từ, nhưng có chút hiếu kỳ, như tôi là bài toán đố cần giải.
“Tôi nay cô muốn đọc gì?” ông hỏi. Cả điều này cũng đã thành lệ. Tới giờ tôi đã ngốn một tờ Mademoiselle, một cuốn Esquire từ thập kỷ tám mươi, một tờ Ms., mà tôi chỉ lờ mờ nhớ đồng loại nó đã từng vất vưởng trong chuỗi căn hộ của mẹ suốt thời tôi lớn lên, và một cuốn Reader’s Digest. Ông còn có cả tiểu thuyết. Tôi đã đọc một cuốn Raymond Chandler, và giờ đang đi được nửa Thời gian khổ, của Charles Dickens. Những dịp ấy tôi đọc vội, nuốt lấy nuốt để, gần như nhảy cóc, cố nhồi nhét vào đầu càng nhiều càng tốt trước đợt nhịn dài tiếp theo. So với chuyện ăn sẽ là cảnh nhồm nhoàm của người vừa chết đói, so với chuyện sex sẽ là cú đứng thẳng chớp nhoáng, lén lút trong một góc hẻm nào.
Mỗi lần như thế, Chủ soái ngồi nhìn tôi đọc, không nói nhưng cũng không rời mắt khỏi tôi. Ngay cái nhìn ấy cũng là một lối sờ mó lạ thường, tôi cảm thấy mình bị lột tràn. Tôi những muốn ông ta quay lưng lại, đi quanh phòng, tự chọn cái gì mà đọc. Như thế may ra tôi được thư thả hơn, nhấm nháp hơn. Cứ thế này, chuyện tôi đọc sách trái phép tự nó cũng thành diễn trò.
“Tôi nghĩ chỉ muốn nói chuyện thôi,” tôi nói. Nói rồi chính tôi cũng ngạc nhiên.
Ông lại cười. Ông không tỏ ra kinh ngạc. Có thể ông đã chờ đợi điều này, hay một điều tương tự. “Vậy sao?” ông nói. “Cô muốn nói chuyện gì?”
Tôi ngần ngừ. “Gì cũng được. Ừm, về ông, chẳng hạn.”
“Tôi à?” Ông ta vẫn giữ nụ cười. “Ô, về tôi thì có gì mà nói. Tôi chỉ là một thằng cha xoàng xĩnh.”
Câu nói rành rành là giả dối này, và cả chữ ông dùng nữa – thằng cha? – khiến tôi ngưng bặt. Những thằng cha xoàng xĩnh không làm nên Chủ soái. “Chắc ông cũng phải giỏi cái gì chứ,” tôi nói. Tôi biết mình đang mớm, đang ngọt nhạt với ông, đang dụ dỗ, và thấy mình đáng khinh, một trò rất tởm, thật tình. Nhưng chúng tôi đều đang phòng thủ. Nếu ông không nói, sẽ là tôi. Tôi biết, tôi cảm được lời lẽ đang ứ lên trong mình, đã bao lâu rồi tôi mới thực sự trò chuyện với người. Những câu thì thầm chớp tắt với Ofglen, giờ đi dạo sáng nay, chẳng ăn nhằm mấy; nhưng đấy là mồi nhử, mào đầu. Đã biết thế nào là nhẹ nhõm chỉ sau chừng ấy lời, tôi muốn nữa.
Và nếu mở miệng trước ông tôi sẽ buột ra điều không nên nói, sẽ tiết lộ gì đó. Tôi lường được chuyện đó sẽ đến, mình phản trắc mình. Tôi không muốn ông ta biết quá nhiều.
“A, tôi làm điều tra thị trường, ban đầu là thế,” ông dè dặt nói. “Sau rồi tôi đại khái là bung ra.”
Tôi chợt nhận ra rằng, dù biết ông là Chủ soái, tôi không biết ông là Chủ soái điều hành cái gì. Phạm vi của ông, lĩnh vực chuyên môn, như xưa thường nói? Bây giờ không còn những danh hiệu cụ thể nữa.
“Thế à,” tôi nói, cố gắng tỏ ra có hiểu.
“Có thể nói tôi cũng kiểu như khoa học gia,” ông nói. “Trong giới hạn, tất nhiên.”
Sau đó một lúc lâu ông không nói gì, tôi cũng thế. Chúng tôi dè chừng nhau.
Người cất lời trước là tôi. “Vậy, biết đâu ông có thế giải thích giúp một điều tôi băn khoăn đã từ khá lâu.”
Ông ta có vẻ thú vị. “Có thể là gì đây?”
Tôi đang xông thẳng vào cấm địa, nhưng không dừng lại được. “Một câu tôi đọc được ở đâu đó.” Tốt nhất không nói ở đâu. “Tôi nghĩ là tiếng La tinh, và tôi nghĩ có khi…” Tôi biết ông có từ điển tiếng La tinh. Ông có nhiều từ điển các loại, trên kệ trên cùng bên trái ḷ sưởi.
“Nói đi,” ông nói. Xa cách hơn, nhưng chăm chú hơn, hay là tôi tưởng tượng?
“Nolite te bastardies carborundorum,” tôi nói.
“Hả?” ông hỏi.
Tôi đã phát âm không đúng. Tôi không biết đọc thế nào. “Tôi có thể đánh vần,” tôi nói. “Có thể viết ra.”
Ông chần chừ một lúc trước ý tưởng tân kỳ này. Có lẽ ông còn không nhớ tôi biết viết. Tôi chưa từng cầm đến cái bút, trong phòng này, để tính điểm cũng không. Đàn bà không biết tính, có lần ông nói, như đùa cợt. Khi tôi hỏi thế nghĩa là gì, ông nói, Họ nghĩ, một với một với một với một không phải là bốn.
Vậy là gì? Tôi hỏi, nghĩ chắc là ba hoặc năm.
Vẫn là một với một với một với một, ông nói.
Nhưng lúc này thì ông bảo “Được rồi,” và bắn cây bút nước ngang bàn về phía tôi gần như kháng cự, như nhận lời thách thức. Tôi nhìn quanh tìm giấy viết và ông đưa ra cuốn sổ tính điểm, một tập giấy ghi chú văn phòng, đầu trang in hình mặt cười nho nhỏ. Họ vẫn còn làm thứ này.
Tôi ghi dòng chữ ra thật cẩn thận, chép ra từ đáy não tôi, từ đáy tủ. Nolite te bastardies carborundorum. Ở đây, giữa bối cảnh này, nó không còn là cầu nguyện hay mệnh lệnh, chỉ là một dòng graffiti ủ rũ, vạch ra một lần, rồi bỏ rơi. Cây bút giữa ngón tay tôi phập phồng cựa quậy, gần như đang sống, tôi cảm thấy được sức mạnh nó, sức mạnh của chữ trong ruột nó. Bút làm nên ganh tị, dì Lydia hắn sẽ bảo, cũng là khẩu hiệu của Trung tâm, răn chúng tôi tránh cho xa những vật đó. Và phải, bút làm nên ganh tị. cầm lấy nó đã thấy ganh tị rồi. Tôi ganh tị Chủ soái vì cây bút của ông. Thêm một vật nữa tôi muốn đánh cắp.
Chủ soái cầm lấy tờ mặt cười trên tay tôi liếc nhìn. Rồi ông bật cười, và đỏ mặt chăng? “Đây không phải là tiếng La tinh chuẩn,” ông nói. “Chỉ là đùa thôi.”
“Đùa ư?” tôi nói, hết sức hoang mang. Đấy không thể chỉ là đùa. Chẳng lẽ tôi đã làm điều táo tợn, liều chiếm lấy tri thức, chỉ vì một câu đùa? “Đùa thế nào cơ?”
“Cô biết đám học trò nam là thế nào rồi đấy,” ông nói. Trong tiếng cười có chút luyến nhớ, giờ tôi hiểu, tiếng cười khoan hậu với kẻ đã là mình. Ông đứng dậy, qua phòng tới tủ sách, lấy một cuốn khỏi kho tàng; nhưng không phải từ điển. Là một cuốn sách cũ, xem ra là sách giáo khoa, mép quăn queo, dây đầy mực. Trước khi đưa tôi ông lật qua, trầm ngâm, hồi tưởng, rồi “Đây,” ông nói, đặt mở trên bàn trước mặt tôi.
Tôi nhìn thấy trước hết là bức hình: Vệ nữ thành Milo, ảnh chụp đen trắng, có thêm ria mép và áo ngực màu đen với lông nách nguệch ngoạc vẽ vào. Trang kia là đấu trường La Mã, có chú tiếng Anh, và bên dưới, chia động từ: sum es est, sumus estis sunt. “Đây này,” ông chỉ vào đó, và bên lề, tôi thấy nó, cùng màu mực đã gắn lông cho Vệ nữ. Nolite te bastardies carborundorum.
“Cũng hơi khó giải thích buồn cười ở chỗ nào trừ khi cô biết tiếng La tinh,” ông nói. “Ngày xưa chúng tôi từng viết đủ loại như thế. Tôi cũng không biết từ đâu ra, chắc lớp lớn dạy cho.” Quên bẵng tôi và cả chính mình, ông giở từng trang. “Nhìn cái này,” ông nói. Bức tranh tên Phụ nữ tộc Sabine, và vạch bên lề: pim pis pit, pimus pistis pants. “Còn có một câu nữa,” ông nói. “Cim, cis, cit…” Ông đứt quãng, trở lại hiện thời, ngượng nghịu. Ông ta lại cười, lần này có thể gọi là nhe nhởn. Tôi hình dung ông với tàn nhang, với vết bò liếm. Lúc này tôi gần như thích ông.
“Nhưng nghĩa nó là gì?” tôi hỏi.
“Cái nào?” ông hỏi. “À. Nó nghĩa là, ‘Đừng để quân chó đẻ nghiền nát nhà ngươi.’ Tôi nghĩ lũ chúng tôi tự cho mình thông minh lắm, hồi ấy.”
Tôi nặn ra nụ cười, nhưng giờ thì tất cả đã rõ. Tôi hiểu được vì sao cô ấy viết câu này, trên vách tủ, nhưng cũng hiểu rằng cô phải biết được câu đó từ đây, trong phòng này. Còn đâu nữa? Cô chưa bao giờ là một học trò nam. Biết ông, trong một buổi hồi tưởng ấu thơ, một dịp trao đổi tâm tình tiền lệ. Vậy tôi không phải người đầu tiên. Bước vào thế giới lặng lẽ của ông, chơi cùng ông trò sắp chữ con nít.
“Cô ta rồi sao?” tôi hỏi.
Ông gần như không lưỡng lự giây nào. “Cô có biết cô ấy à?”
“Có biết,” tôi nói.
“Cô ta treo cổ,” ông nói; vẻ nghĩ ngợi, chứ không buồn rầu. “Vì thế mà chúng tôi đã cho tháo đế đèn đi. Trong phòng cô đó.” Ông ngừng lại. “Serena phát hiện,” ông nói, như thể thế là đủ hiểu. Mà thế là đủ.
Chết con chó này, kiếm con khác.
“Bằng gì?” tôi hỏi.
Ông ta không muốn vẽ đường cho tôi. “Quan trọng gì?” ông nói. Ga giường xé ra, tôi đoán vậy. Mọi khả năng tôi đã cân nhắc cả.
“Tôi đoán là Cora đã tìm ra,” tôi nói. vì thế chị ta mới thét.
“Ừ,” ông nói. “Khổ thân.” ý ông là Cora.
“Có lẽ tôi không nên đến đây nữa,” tôi nói.
“Tôi cứ nghĩ cô thích,” ông nói nhẹ không, nhưng nhìn tôi với cặp mắt sáng, chăm chú. Nếu ngờ nghệch hơn chắc tôi sẽ nghĩ ông sợ. “Tôi mong là có.”
“Ông muốn đời tôi còn chịu nổi,” tôi nói. Câu đó thốt ra không phải để hỏi, mà là một nhận định thẳng thừng, không quanh quẹo. Nếu đời tôi chịu nổi, có lẽ những chuyện họ đang làm sau cùng cũng là ổn cả.
“Phải,” ông nói. “Tôi muốn vậy. Như vậy tốt hơn.”
“Được lắm,” tôi nói. Gió đã đổi chiều. Giờ tôi đã nắm được ông. Nắm được nhờ khả năng chết của chính mình. Nắm được lương tâm tội lỗi của ông. Rốt cuộc.
“Cô muốn gì?” ông nói, vẫn nhẹ không như thế, như chỉ là một vụ giao dịch tài chính, mà là một vụ rất nhỏ mọn: kẹo, thuốc.
“Ngoài sữa dưỡng da, phải không,” tôi nói.
“Ngoài sữa dưỡng da,” ông đồng ý.
“Tôi muốn…” tôi nói. “Tôi muốn biết.” Nghe thiếu quả quyết, ngu ngốc nữa, tôi đã nói mà không nghĩ.
“Biết gì?” ông nói.
“Bất cứ chuyện gì cần biết,” tôi nói; nhưng như thế sỗ sàng quá. “Chuyện gì đang xảy ra.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.